Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

28/07/2020

Điểm báo Pháp - Tỉ phú Hồng Kông đương đầu với Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Tỉ phú Hồng Kông duy nhất dám đương đầu với Trung Quốc

Theo tỉ phú Lê Trí Anh thì Bắc Kinh đã thắng. "Họ chẳng cần đi xa hơn nữa, vì đã đe nẹt được. Sau đó, họ sẽ lạnh lùng chọn ra những ai cần trừ khử, từng người một !". Nhưng "tôi đã quấy rầy họ trong suốt 30 năm, và sẽ không tặng cho họ món quà bằng cách từ bỏ đấu tranh".

typhu1

Tỉ phú Lê Trí Anh (Jimmy Lai) (ngoài cùng bên trái), cùng các nhà hoạt động dân chủ đến tòa án Tây Cửu Long (West Kowloon), Hồng Kông, dự phiên xử ngày 13/07/2020 vì tội danh "tụ tập trái phép" tưởng niệm Thiên An Môn. © Reuters/Tyrone Siu

Trang nhất các báo Pháp hôm nay tập trung cho các vấn đề trong nước. Libération nói về "Bộ trưởng Nội vụ Darmanin dưới áp lực", Le Monde quan tâm đến "Vấn đề đạo đức trong thụ tinh nhân tạo ở trung tâm tranh luận". Về kinh tế, Les Echos phân tích "Những hướng để cứu vãn Made in France", La Croix đề cập đến việc chính phủ hạn chế các những trung tâm thương mại lớn. Le Figaro chạy tựa "Để tránh Covid bùng nổ trở lại, các nước Châu Âu lại phải đóng cửa".

Luật an ninh, hồi chuông báo tử cho Nhà nước pháp quyền Hồng Kông

Về Châu Á, Le Monde có bài phỏng vấn ông Lê Trí Anh (Jimmy Lai) "Nhà tỉ phú Hồng Kông duy nhất dám đương đầu với Bắc Kinh". Đại gia này là chủ một tập đoàn báo chí uy tín, công khai chống cộng, từ lâu vẫn nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc, và chừng như đang là mục tiêu của luật an ninh quốc gia mới do Bắc Kinh áp đặt lên Hồng Kông ngày 30/06.

Nếu nhà cầm quyền Trung Quốc cập nhật danh sách những người chống đối bền bỉ nhất ở Hồng Kông, thì nhà tỉ phú Lê Trí Anh chắc chắn từ lâu đã chiếm một vị trí quan trọng. Từ đầu thập niên 90, thông qua tập đoàn truyền thông Next Media và sau này là Next Digital, với tờ báo nổi tiếng Apple Daily, ra đời năm 1995, ông không ngừng tấn công vào Đảng cộng sản Trung Quốc, chỉ ra những lạm dụng, bất công, âm mưu thâm độc… của đảng. Hoàn cầu Thời báo (Global Times), công cụ tuyên truyền của Bắc Kinh gọi ông là "kẻ phản bội ly khai", "phục vụ cho CIA", cáo buộc ông "tài trợ cho phe nổi dậy".

Vị doanh nhân 71 tuổi đang được tại ngoại hầu tra. Tư pháp hai lần từ chối cho ông rời Hồng Kông để làm ăn và thăm gia đình. Ngày 19/08, ông phải ra tòa vì "tham gia biểu tình trái phép". Bất chấp mối đe dọa đang đè nặng lên ông và gia đình, Lê Trí Anh không hề lùi bước. Ông nói : "Luật an ninh là hồi chuông báo tử cho Hồng Kông, nó tấn công vào Nhà nước pháp quyền lẫn tự do của người dân, tệ hại hơn cả những gì mà người bi quan nhất có thể hình dung ra".

"Chưa có nhà độc tài nào kiểm soát dân chúng kiểu như Tập Cận Bình"

Nhân vật giàu có và uy tín này từ miền nam Trung Quốc đến Hồng Kông vào giữa thập niên 50 lúc còn rất trẻ, không một xu dính túi. Cho đến năm 2019, ông hầu như không trả lời phỏng vấn, nhưng từ một năm qua nhà tỉ phú đã chuyển sang thế tiến công. Có thể nói đây là trận đấu danh dự cuối cùng, bởi vì "Lần này Bắc Kinh không đùa nữa". Tháng 7/2019, đích thân ông đến Washington đề nghị ngoại trưởng Mike Pompeo và phó tổng thống Mike Pence hỗ trợ - một hành động có thể bị coi là "thông đồng với thế lực nước ngoài" theo luật mới, dù không hồi tố.

Cách đây hơn một chục năm, Lê Trí Anh đã từng hy vọng khi giàu lên, giai cấp trung lưu ở Hoa lục sẽ đòi hỏi thêm nhiều quyền tự do. Nhưng ngược lại, với số lượng công nghệ giám sát ở Trung Quốc hiện nay "chưa bao giờ một nhà độc tài lại có những phương tiện kiểm soát dân chúng như Tập Cận Bình. Họ biết hết : bạn đi đâu, mua gì, nói chuyện với những ai… và nếu làm gì đó khiến họ không hài lòng, bạn thậm chí còn không được mua vé xe lửa". Ông tự hỏi làm thế nào người Hồng Kông, vốn quen thuộc với tự do cá nhân và các giá trị phương Tây, có thể thích ứng được. Một số đã tỏ ra thận trọng trong cách nói năng vì sợ bị tố cáo.

Theo nhà tỉ phú, ngưng chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc, nhất là trong lãnh vực thông tin và giám sát, sẽ là phương cách hiệu quả nhất để gây áp lực lên Bắc Kinh và làm chậm lại sức bật của Trung Quốc. Ông cho rằng khi tước đi Nhà nước pháp quyền của Hồng Kông, không khí tin cậy dành cho một trung tâm tài chính lớn không còn nữa.

Trận đấu danh dự cuối cùng của nhà tỉ phú

Trong tập đoàn của Lê Trí Anh, nhiều nhà báo đã từ chức hoặc xin chuyển sang các ban không mang tính chính trị. Những ai có hộ chiếu thứ hai tìm cách sang Úc hoặc Anh. Trong ban biên tập Apple Daily, tiếng nói của phe dân chủ, các phóng viên tin rằng họ đang bị rình rập những sai sót, và tờ báo trước sau gì cũng bị đóng cửa. Nhiều người trong phong trào dân chủ sợ rằng những tháng ngày thanh xuân tươi đẹp sẽ phải trải qua trong nhà tù. Như vậy Bắc Kinh đã thắng : "Họ chẳng cần đi xa hơn nữa, vì đã đe nẹt được. Sau đó, họ sẽ lạnh lùng chọn ra những ai cần trừ khử, từng người một !".

Nhưng ông không hề nghĩ đến chuyện chạy trốn. "Tôi đã quấy rầy họ suốt 30 năm, và sẽ không tặng cho họ món quà bằng cách từ bỏ đấu tranh". Vợ con ông có thể ra đi nhưng ông ở lại.

Lê Trí Anh từng bị xúc phạm thô bạo hồi Cách mạng Dù 2014, tư gia ông nhiều lần bị tấn công. Gần đây ông bị theo dõi chặt chẽ, nhiều xe hơi khả nghi thường xuyên đậu trước nhà. Những lời đe dọa được gởi đến : "sẽ rục xương trong nhà tù Hoa lục", "sẽ bị trừ khử", nhưng ông không quan tâm.

Phóng viên Le Monde ghi nhận, trước khi bắt đầu cuộc phỏng vấn, Lê Trí Anh kính cẩn thắp nhang trước các tượng thánh. Cũng như nhiều nhà đấu tranh dân chủ lão thành Hồng Kông, ông là người Công giáo. Ông được rửa tội lúc đã trưởng thành, ngày 07/07/1997, tức bảy ngày sau khi cựu thuộc địa được Anh trao trả cho Trung Quốc, bởi một khuôn mặt dân chủ nổi tiếng : Hồng y Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen), lúc đó còn là giám mục.

Đặng Tiểu Bình, du sinh của phong trào Cần Công Trợ Học

Cũng liên quan đến Trung Quốc, nằm trong loạt bài nhiều kỳ "Trung Quốc đối mặt với thế giới", Le Figaro nói về "Lời thề Montargis cho một Trung Hoa mới". Vào đầu thập niên 20, một nhóm sinh viên từ Hoa lục sang Pháp du học đã có ý tưởng thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc.

Bài viết mở đầu bằng việc mô tả một công trình điêu khắc đồ sộ theo kiểu tuyên truyền của Trung Quốc, nhân kỷ niệm 100 năm phong trào Cần Công Trợ Học (làm việc và học tập) được dựng lên ở trước nhà ga, quảng trường Đặng Tiểu Bình. Nhưng đó không phải là ở Trung Quốc, mà ở thị trấn nhỏ bé Montargis, miền trung nước Pháp.

Theo lời kể của thị trưởng Benoît Digeon, người tiền nhiệm của ông là Max Nublat thuộc Đảng cộng sản Pháp, đã đến Trung Quốc năm 1982. Khác với sáu thị trưởng các thành phố lớn khác của Pháp đi cùng chuyến, ông Nublat được đón tiếp trọng thị với băng-rôn, xe limousine, và đích thân Đặng Tiểu Bình tiếp chuyện riêng. Trong những năm 20, anh thanh niên Đặng đã làm việc tại nhà máy Hutchinson gần Montargis, và giữ lại nhiều kỷ niệm.

Ý tưởng thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc nảy sinh từ đất Pháp

Từ 1902 đến 1927, khoảng 4.000 trí thức trẻ từ Hoa lục đến học tập và làm việc tại Pháp, trong đó một phần lớn tại Montargis. Chu Ân Lai (Zhou Enlai) tuy ở Paris nhưng thường xuyên đến Montargis để dự họp với các đồng chí, và Đặng Tiểu Bình, đến Pháp lúc 16 tuổi sau hai tháng trời lênh đênh, trở thành người được Chu bảo trợ. Lúc đó Đặng lấy tên là Teng Hi Hien. Phiếu nhận xét của nhà máy về Đặng, lúc đó phụ trách một tổ đảng, ghi : "Không muốn làm việc, đừng nhận lại". Đặng Tiểu Bình trở về Hoa lục năm 1926 qua ngã Moskva.

Phong trào Cần Công Trợ Học do Lý Thạch Tăng (Li Shizeng), một người bạn của Tôn Trung Sơn (Sun Yatsen) sáng lập năm 1912, bảo trợ cho sinh viên Hoa lục sang Pháp du học vì tin rằng Trung Hoa cần đến phương Tây. Những bạn thân của Mao Trạch Đông như Thái Hòa Sâm (Cai Hesen), Lý Phú Xuân (Li Fuchun), Trần Nghị (Chen Yi) đều đã học ở Montargis. Mao không sang Pháp, lý do chính thức là chăm sóc mẹ bệnh, nhưng thật ra kém ngoại ngữ mới là trở ngại chính. Theo nhà nghiên cứu Peiwen Wang, "nếu Mao hiểu được nước Pháp thì chắc ông ta không đàn áp trí thức trong Cách mạng văn hóa".

Chính tại Pháp mà Thái Hòa Sâm và người bạn Hướng Cảnh Dư (Xiang Jingju) vào tháng 7/1920 đã kêu gọi "cứu vớt Trung Hoa và thế giới" theo con đường của cách mạng Nga, sau này được ghi nhận như "lời thề Montargis". Thái gởi thư cho Mao đề nghị thành lập Đảng cộng sản, Mao ưng thuận vào ngày 01/12 và Đảng cộng sản Trung Quốc ra đời tháng 7/1921 tại tô giới Pháp ở Thượng Hải.

Từ Pháp, ngoài cái gu về chủ nghĩa xã hội, Đặng Tiểu Bình còn mang về tình yêu bóng đá, phô mai và cà phê. Năm 1975 trong chuyến công du Pháp, Đặng còn bất thần đòi về Montargis ăn bánh croissant. Ngày nay thị trấn nhỏ bé này đã trở thành điểm đến không thể thiếu trong các tour "du lịch đỏ" ở Châu Âu.

Khát vọng dân chủ của sinh viên Thái Lan

Còn tại Đông Nam Á, Le Monde cho biết "Các cuộc biểu tình của sinh viên liên tục diễn ra ở Thái Lan". Trong lúc vương quốc đang bị suy thoái vì Covid-19, giới trẻ đòi hỏi phải dân chủ hóa.

Từ nay cho đến cuối năm, khoảng 10 triệu người bị thất nghiệp. Du lịch vốn chiếm 20% GDP đang bị khựng lại. Và 40% lực lượng lao động ở Thái Lan thuộc khu vực không chính thức, không hề được bảo đảm về an sinh xã hội.

Ngoài tình hình kinh tế xuống dốc, còn có nỗi bất bình sâu đậm của cả một thế hệ về mối liên kết giữa quân đội và hoàng gia để nắm quyền xưa nay, tại một đất nước thường xuyên xảy ra đảo chính. Từ hơn một tuần qua, hàng ngàn sinh viên xuống đường liên tục ở Bangkok, Khon Kaen, Ayutthaya, Pattani, Rangsit, Udon Thani, Korat… Chính quyền bắt đầu lo ngại trước các cuộc biểu tình ôn hòa này.

Tuy rất ít cơ hội thủ tướng Prayuth chấp nhận viết lại Hiến pháp mới, ông tỏ ra thông cảm với bức xúc của giới trẻ. Tuy nhiên Parit Chirawak, một trong những thủ lãnh nghiệp đoàn sinh viên Thái Lan (SUT) tuyên bố : "Những ưu đãi của giới thượng lưu không thể cha truyền con nối". Theo các nhà quan sát, tuy khó thể trở thành phong trào quần chúng rộng rãi, nhưng những gì đang diễn ra rất ý nghĩa, nói lên khát vọng của tuổi trẻ về một nền dân chủ thực thụ.

Dịch corona tái phát tại nhiều nước Châu Á

Việc dịch bệnh tái diễn là nỗi lo được nhiều báo đề cập đến. Riêng tại Châu Á, Les Echos nhận xét sự kiện virus corona lại bùng phát tại nhiều nước vốn đã khống chế được, cho thấy những khó khăn trong việc diệt trừ con virus độc hại.

Tại Hồng Kông, một loạt biện pháp tăng cường lần thứ ba được áp dụng từ ngày mai : đóng cửa các nhà hàng, buộc mang khẩu trang khi ra ngoài và cấm tụ tập đến… hai người. Việt Nam cho đến nay vẫn an toàn, đã có báo động đầu tiên kể từ ba tháng qua, và chính quyền bắt đầu giải tỏa 80.000 hành khách bị kẹt ở Đà Nẵng, chủ yếu là du khách người Việt. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh phong tỏa khu vực các bệnh viện bị ảnh hưởng.

Bắc Triều Tiên tuyên bố "tình trạng khẩn cấp tối đa", thành phố Kaesong bị phong tỏa. Ấn Độ là nước đáng lo ngại nhất với số người lây nhiễm tăng 20% trong tuần rồi, và nay đứng thứ ba về số ca dương tính chỉ sau Hoa Kỳ và Brazil với 1,4 triệu ca. Chỉ riêng hôm thứ Hai 27/07 đã có thêm 50.000 ca nhiễm mới trong ngày, một kỷ lục ! Còn tại Trung Quốc, nơi xuất phát đại dịch, số ca nhiễm virus trong nước hiện cao nhất kể từ bốn tháng qua. Trong số 61 ca ghi nhận hôm qua, đã có đến 57 ca lây nhiễm trong nước, chủ yếu ở Tân Cương.

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 499 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)