Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

06/08/2020

Điểm báo Pháp – Tập Cận Bình và những chinese startups

RFI tiếng Việt

TikTok : Tập Cận Bình là cội nguồn làm các doanh nghiệp khởi nghiệp Trung Quốc khốn khổ

Lebanon họa vô đơn chí, TikTok và các công ty khởi nghiệp Hoa lục lâm vào bế tắc, 75 năm Nhật Bản bị ném bom nguyên tử, Covid 19 là những chủ đề chung trên báo Pháp hôm nay.

startup1

Biểu hiệu ứng dụng Tiktok. Ảnh chụp tại New York, Hoa Kỳ, ngày 25/02/2020  AP

Lebanon : phân nửa thủ đô đổ nát do vụ nổ hóa chất tồn kho ở cảng

Thứ Ba 04/08 lúc 18 giờ 10, Beyrouth bị tàn phá trong hai vụ nổ kinh hoàng từ kho hàng tồn trữ 2750 tấn nitrate nhôm. Báo Le Monde minh họa trên trang nhất bức ảnh một cao ốc trơ sườn trong khói lửa mịt trời. Hơn 100 người chết và 4000 bị thương theo tổng kết thiệt hại ban đầu. Một thảm họa cho đất nước Lebanon đang trên đà sụp đổ vì khủng hoảng kinh tế, chính trị không lối thoát.

Hỗn loạn : tựa ngắn trên Libération kèm với nhận định, người dân Lebanon đã kiệt lực vì khủng hoảng kinh tế, chính trị, nay bị vụ nổ hóa chất làm cho họ vừa căm giận vừa tuyệt vọng.

Le Figaro, La Croix cùng chia sẻ định mệnh hẩm hiu của người dân Lebanon : phẫn nộ và không hiểu vì sao nên nỗi. Chính quyền Lebanon bị cho là thủ phạm chính vì thiếu trách nhiệm.

Thương cảng Beyrouth còn là động cơ kinh tế của Lebanon. Nhật báo công giáo lưu ý. Nhưng làm sao giúp Lebanon ? La Croix cho biết nhiều nước, trong đó có Pháp, đã nhanh chóng gửi viện trợ cần kíp cho Lebanon, nhưng tái thiết đất nước bị hỗn loạn chính trị và tham ô, không thể không cải cách sâu rộng. Tình hình chính trị chia năm, xẻ bảy tại Lebanon có cho phép thực hiện hay không ?

TikTok : Ngõ cụt của công ty khởi nghiệp Trung Quốc muốn chia thị phần quốc tế

Vì sao TikTok bị rơi vào thế bí ? Hơn ai hết, các công ty Trung Quốc biết đâu là cội nguồn.

Trong bài phân tích thế kẹt của TikTok trong cảnh trên đe dưới búa giữa Washington và Bắc Kinh, Le Monde lưu ý là khác với tập đoàn công nghiệp viễn thông Hoa Vi, công ty khởi nghiệp TikTok không được Bắc Kinh hậu thuẫn. Công ty mẹ ByteDance bị áp lực của Donald Trump phải bán ứng dụng (cho Mỹ) nếu muốn tiếp tục được phép hoạt động tại Hoa Kỳ.

Từ cuối năm 2019, TikTok đã nỗ lực chứng minh là một công ty khởi nghiệp độc lập với chính quyền Trung Quốc. Trong chiều hướng này, TikTok dung thứ cho các video chỉ trích chế độ Trung Quốc, như tố cáo chính sách đàn áp cộng đồng Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và đã thành công thu hút được rất đông đảo người xem và chia sẻ rộng rãi.

Trong thời gian qua, TikTok cũng có nhiều cố gắng khác để tạo hình ảnh cách biệt với công ty mẹ ByteDance như là dời trụ sở sang Mỹ, tuyển dụng cán bộ lãnh đạo có tiếng tăm như Kevin Meyer, cựu chủ tịch Disney.

Thế nhưng, những cố gắng chứng tỏ thiện chí này không có tác dụng. Đầu tháng Sáu, TikTok, cùng với 60 công ty khởi nghiệp khác của Trung Quốc bị Ấn Độ cấm cửa, trước khi bị Donald Trump chiếu cố gây áp lực.

TikTok biến thành nạn nhân của chính sách đối đầu Mỹ-Trung từ khi Covid-19 lan tràn sang Hoa Kỳ.

Ngày 23/07, trong một bài diễn văn với lời lẽ công kích mạnh bạo chưa từng thấy, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi "thế giới tự do chiến thắng bạo chúa mới, là chính quyền Trung Quốc vừa gia tăng kềm kẹp trong nước vừa hung hăng với thế giới bên ngoài". TikTok lâm vào ngõ cụt. Thế nhưng, nhiều doanh nhân Trung Quốc có thế lực lên án thái độ của Bắc Kinh, điển hình là James Liang, sáng lập viên trang web hướng dẫn du lịch CTRIP không ngần ngại viết một bài bình luận phê phán Bắc Kinh như sau : " Những người sáng lập doanh nghiệp khởi nghiệp ở Trung Quốc không muốn liên hệ gì với chính quyền Trung Quốc. Là doanh nhân, họ muốn làm một cái gì hay ho để kiếm tiền làm giàu. Nhưng vì Đảng cộng sản Trung Quốc siết chặt kiểm soát tại Hoa lục cho nên các doanh nghiệp này phải hướng về thị trường quốc tế. Giờ đây, họ không còn đường nào để làm ăn". Le Monde cho biết, bài phê bình này bị kiểm duyệt ngay tức khắc.

Facebook khai thác đúng thời cơ

Trong bối cảnh gian truân này, công ty khởi nghiệp Trung Quốc còn bị một đối thủ khai thác đúng thời cơ, tung vũ khí mới chinh phục khách hàng. Les Echos cho biết áp lực cạnh tranh của Facebook.

Theo nhật báo kinh tế, tập đoàn của Mark Zuckerberg thông báo kể từ thứ Tư 05/08/2020, tung ra công cụ Reels với chức năng giúp người sử dụng chia sẻ các đoạn video ngắn qua Instagram. Nói là tấn công nhưng kỳ thực Facebook tìm cách chinh phục khách hàng của Tik Tok ngay trên sân chơi của đối thủ vào lúc thời cơ thuận lợi nhất.

Donald Trump chưa gục ngã

Liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Le Monde giới thiệu bài phân tích của một giáo sư chính trị Pháp bác bỏ các lập luận cho rằng Joe Biden sẽ thắng. Theo giáo sư Maxime Chervaux, trong lúc xu thế chống Donald Trump tiên đoán chủ nhân Nhà Trắng sẽ thua cựu phó tổng thống Dân Chủ Joe Biden thì có nhiều lý do cho thấy Joe Biden, vừa không đủ cân sức đối đầu với Donald Trump mà còn sẽ bị đối thủ Cộng hòa hạ đo ván ít nhất trên ba hồ sơ quan trọng trong mắt của cử tri : về an ninh, về di dân nhập cư và trong quan hệ đang căng thẳng với Bắc Kinh.

Đó là chưa kể Donald Trump nắm nhiều lá chủ bài trong tay, có thể huy động ngân sách hàng chục, chục tỷ đô la để đối phó với hậu quả kinh tế do Covid 19 gây ra, có trong tay hàng trăm triệu đô la vận động tranh cử, những lá bài mà Joe Biden không có.

Tác giả khẳng định là Donald Trump chưa gục ngã cho dù các kết quả thăm dò cho thấy Joe Biden dẫn đầu trong công luận. Cách nay bốn năm, một ứng cử viên Dân Chủ khác là Hillary Clinton cũng từng được kết quả thăm dò ý kiến tốt hơn Donald Trump, chuyên gia địa chiến lược Pháp nhắc lại.

75 năm Hiroshima và Nagasaki

Vụ nổ tàn phá ở Lebanon xảy ra đúng vào lúc Nhật Bản chuẩn bị tưởng niệm nạn nhân bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki : ngày 6 và 8 tháng 8 năm 1945.

Trong loạt bài đánh dấu 75 năm hai quả bom nguyên tử ném xuống Nhật Bản, La Croix cảnh báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân vẫn đe dọa nhân loại. Thảm kịch Hiroshima và Nagasaki (Trường Kỳ và Quảng Đảo) là một thách thức của ký ức vì lịch sử là nạn nhân của thời gian. 75 năm sau, vẫn còn 9 nước không có ý định từ bỏ loại vũ khí hủy diệt này. Để có thể tưởng niệm hàng trăm ngàn nạn nhân Hiroshima và Nagasaki một cách có ý nghĩa nhất là phải phản đối cuộc chay đua vũ trang hạt nhân. La Croix liệt kê danh sách 9 nước gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bắc Triều Tiên và Israel.

Le Monde, trong bài Nhật Bản và ký ức, chú ý đến cuộc chiến của một thế hệ mới tiếp nối công việc của cha ông, kể lại cho hậu thế cuộc dội bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Kể như thế nào ? Bằng ngôn ngữ hoà bình. Chính nhờ có nỗ lực tranh đấu này mà Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết cấm vũ khí hạt nhân năm 2014.

Tuy nhiên, Le Monde không dám tin chắc là phong trào này và nguyện vọng này được lắng nghe tại Nhật Bản trong bối cảnh thủ tướng Shinzo Abe tìm cách tu chính Hiến Pháp chủ hòa, nhất là điều 9.

Khẩu trang trở lại trên các trang báo Pháp

Trong bối cảnh đại dịch Covid 19 có dấu hiệu tấn công đợt hai vào mùa thu, đề tài khẩu trang trở lại trên các trang báo Pháp.

Le Figaro Les Echos cùng một tựa : Người đeo khẩu trang ra đường ngày càng đông. Le Figaro còn dành cho các phe chống và ủng hộ đeo khẩu trang trình bày lập luận y tế cũng như... chính trị.

Khủng hoảng Covid 19 còn gây ra một hiện tượng mới là người ta đổ xô mua vàng tích trữ. Hầu hết các báo đều cho biết giá một lượng vàng tăng kỷ lục, hơn 34% kể từ đầu năm, vượt ngưỡng lịch sử 2000 đôla.

Tú Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 589 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)