Biển Đông : Malaysia tuyên bố không muốn rơi vào bẫy của cuộc đấu Mỹ-Trung (RFI, 06/08/2020)
Vài tiếng đồng hồ trước hai cuộc điện đàm, lần lượt với đồng nhiệm Trung Quốc và Hoa Kỳ, ngoại trưởng Malaysia vào hôm qua 05/08/2020 đã xác định rằng nước này sẽ không để bị "lôi cuốn" rồi "vướng vào bẫy rập" của cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường ở Biển Đông.
Trước Quốc hội Malaysia, khi được hỏi về các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và tác động trên vấn đề an ninh và chủ quyền của Malaysia, ngoại trưởng Hishammuddin Hussein cho biết là Kuala Lumpur chủ trương giải quyết tranh chấp một cách xây dựng, thông qua "các cuộc đàm phán ngoại giao phù hợp".
Tuy nhiên, theo ông Hishammuddin, Malaysia phải chú ý đến hai vấn đề quan trọng.
Trước hết là cần phải tránh để cho Malaysia bị "kéo vào và mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa các siêu cường", ý muốn nói đến Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trên cơ sở đó, ngoại trưởng Malaysia cho rằng cần ngăn chặn, không cho bất kỳ sự cố không mong muốn nào xảy ra trong lãnh hải của nước này, cũng như ngăn chặn mọi xung đột quân sự tại Biển Đông giữa các bên.
Kêu gọi ASEAN đoàn kết trên đối sách với Trung Quốc
Vấn đề thứ hai cần lưu ý là phải bảo đảm sự đoàn kết trong khối ASEAN khi giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc, không nên dùng vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông để gây bất hòa giữa các nước trong khối.
Đối với ngoại trưởng Hishammuddin, Malaysia không chỉ có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc ở Biển Đông mà còn có những "yêu sách chồng lấn" với những nước ASEAN khác như Việt Nam, Philippines và Brunei. Do đó, theo ông, "để giải quyết vấn đề Biển Đông với Trung Quốc, phải bảo đảm sao cho sự đoàn kết của ASEAN được vững chắc và các nước trở thành một khối thống nhất".
Ngoại trưởng Malaysia cho biết là ông sẽ nêu vấn đề này trong một cuộc điện đàm với đồng nhiệm Trung Quốc vào tối 05/06, và với ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào ngày 06/08.
Biển Đông được nêu lên nhân Đối thoại ASEAN - Mỹ lần thứ 33
Trong cuộc Đối thoại ASEAN-Mỹ mở ra vào ngày 05/08 thông qua video, tình hình cẳng thẳng ở Biển Đông với các động thái của Trung Quốc đã được nêu lên.
Cuộc Đối thoại diễn ra ở cấp thứ trưởng ngoại giao, dưới quyền đồng chủ tọa của trợ lý ngoại trưởng Mỹ David Stilwell và thứ trưởng ngoại giao Lào Thongphane Savanphet, và có sự tham dự của thứ trưởng ngoại giao các thành viên khác của ASEAN.
Trong một thông cáo báo chí về cuộc họp, bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết là hai bên đều nhấn mạnh tính chất quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-ASEAN trong việc bảo đảm an ninh cho một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Về Biển Đông, thông cáo ghi nhận là "Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết hợp tác với ASEAN trong việc đảm bảo an ninh cho khu vực dựa trên các luật lệ rõ ràng và minh bạch, và củng cố kiến trúc an ninh khu vực lấy ASEAN làm trung tâm".
Thông cáo cũng nói rõ : "Các bên tham gia đối thoại khẳng định sự cần thiết phải giải quyết trong hòa bình cuộc tranh chấp ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và phán quyết của Tòa Trọng Tài năm 2016".
Mỹ cũng "tái khẳng định ý định mở rộng quan hệ đối tác ở sông Mêkông để thúc đẩy chủ quyền, độc lập kinh tế và cách tiếp cận minh bạch dựa trên cơ sở luật pháp để giải quyết các thách thức xuyên biên giới".
Trọng Nghĩa
**********************
Biển Đông : Mỹ - Indonesia chống tham vọng biển đảo của Trung Quốc (RFI, 04/08/2020)
Quan hệ chiến lược Mỹ - Indonesia trong bối cảnh an ninh khu vực đang bị Trung Quốc đe dọa là chủ đề trong cuộc hội kiến giữa hai ngoại trưởng, Mike Pompeo và Retno Marsudi, hôm thứ Hai 03/08/2020 tại Washington, theo báo mạng Ấn Độ, Times of Republic.
Thông báo của bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết trong cuộc gặp gỡ này, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và đồng nhiệm Indonesia Retno Marsudi đã thảo luận về mối quan hệ phòng thủ song phương và tình hình khủng hoảng trong khu vực do tham vọng của Trung Quốc muốn làm chủ gần như toàn bộ biển Đông gây ra.
Hai ngoại trưởng nhấn mạnh đến "quan hệ đối tác chiến lược vững chắc giữa Mỹ và Indonesia, cũng như mục tiêu chung của hai nước là tôn trọng luật quốc tế trong vùng Biển Đông",theo thông cáo.
Mối quan hệ này cần được củng cố trong mọi lãnh vực từ y tế đến kinh tế, cũng như để bảo đảm an ninh trong vùng. Ngoại trưởng Mỹ đặt biệt nhấn mạnh đảo Natuna của Indonesia không thuộc"thẩm quyền"của Trung Quốc.
Indonesia không can dự vào cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng trong một tuyên bố gần đây, Jakarta bác bỏ các yêu sách của Bắc Kinh tự cho có chủ quyền trên 80% diện tích Biển Đông, theo bản đồ "đường lưỡi bò 9 đoạn".
Vùng kinh tế đặc biệt của đảo Natuna nằm chồng lên con đường "9 đoạn" mà Bắc Kinh gọi là biên cương của Trung Quốc.
Tú Anh
***********************
Tổng thống Duterte cấm hải quân Philippines tập trận với Mỹ ở Biển Đông (VOA, 04/08/2020)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vừa đột ngột cấm các hải quân nước này tham gia các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ và các nước khác ở Biển Đông, một động thái có thể làm suy yếu nỗ lực của Washington nhằm xây dựng liên minh chống Trung Quốc ở vùng biển nhiều tranh chấp.
"Philippines sẽ không tham gia bất cứ cuộc tập trận nào với các nước khác ở Biển Đông, trừ vùng lãnh hải của chúng tôi", Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ 3/8, và nêu ra lệnh của Tổng thống Rodrigo Duterte.
"Tổng thống Duterte ra lệnh hiện vẫn có hiệu lực với chúng tôi, với tôi, rằng chúng tôi không được tham gia các cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông, ngoại trừ vùng lãnh hải của chúng tôi, rộng 12 hải lý tính từ bờ biển của chúng tôi", ông Lorenzana cho hay. "Vì vậy, chúng tôi không thể làm điều đó, chúng tôi không thể tập trận với họ ở Biển Đông".
Quyết định gây tranh cãi của ông Duterte gây ra bất bình trên khắp cả nước và bị xem là một sự nhượng bộ nữa của ông Duterte đối với Bắc Kinh, chỉ vài tuần sau khi các quan chức hàng đầu của Philippines công khai chỉ trích Trung Quốc và yêu cầu nước này tuân thủ phán quyết của tòa án trọng tài năm 2016 ủng hộ các yêu sách về biển của Philippines, trong khi bác bỏ yêu sách của Trung Quốc.
Nhưng cùng lúc, Manila phát ra tín hiệu gây phân vân về quốc phòng vì ông Duterte dường như không phản đối việc một đơn vị hải quân khá lớn của Philippines tham gia cuộc tập trận Thái Bình Dương 2020 (RIMPAC20) ở Honolulu, Hawaii, là cuộc tập trận quốc tế lớn nhất thế giới do Mỹ dẫn đầu, tiến hành 2 năm 1 lần.
Philippines sẽ điều tàu khu trục tên lửa mới được đưa vào biên chế BRP Jose Rizal (FF-150) tới tham gia cuộc tập trận hải quân quy mô lớn giữa Mỹ và khoảng 20 đồng minh, dự kiến kéo dài trong hai tuần vào cuối tháng này.
(CNN, Asia Times)
*************************
Trung Quốc triển khai tàu chiến và chiến đấu cơ ra Trường Sa (RFA, 03/08/2020)
Trung Quốc vừa triển khai tàu chiến và máy bay chiến đấu ra các tiền đồn của nước này tại quần đảo Trường Sa, theo thông tin từ truyền thông nhà nước Trung Quốc và các hình ảnh vệ tinh mà Đài Á Châu Tự Do có được.
Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa hôm 3/7/2020 (Hình vệ tinh) - Planet Labs Inc.
Việc triển khai vũ khí quân sự lần này của Trung Quốc ra quần đảo đang tranh chấp diễn ra ngay trước khi cuộc tập trận đa quốc gia thường niên do Hoa Kỳ dẫn đầu có tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) chuẩn bị diễn ra từ ngày 17 đến 31/8 tới.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, các máy bay của Quân khu Miền Nam Trung Quốc đã được triển khai ra đá Subi vào tuần trước. Trong khi đó, một đoạn video do truyền thông nhà nước Trung Quốc ở Hải Nam phát đi cho thấy các máy bay Su-30 MKK đã thực hiện việc tiếp liệu trên không trong khi thực hiện một chuyến bay kéo dài 10 tiếng đến Đá Subi.
Các chuyên gia về quân sự của Trung Quốc cho rằng cuộc diễn tập của các máy bay Trung Quốc như cho thấy trên video có thể nhằm mục đích kiểm tra sức khoẻ của phi công trong điều kiện chuyến bay dài.
Đá Subi là điểm dừng chân quan trọng cho các tàu hải cảnh, tàu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông. Hình ảnh vệ tinh mà đài RFA có được hôm 3/8 cho thấy 2 tàu hải cảnh của Trung Quốc đang có mặt tại đây.
Trung Quốc mới đây cũng triển khai hai tàu chiến tới Đá Vành Khăn. Các hìn ảnh vệ tinh cho thấy tàu 054A và 056 đang có mặt tại vùng nước của Đá Vành Khăn hôm Chủ Nhật, ngày 2/8. Một số tàu chuyển chở tiếp liệu đến và đi khỏi Đá Vành Khăn cũng được nhìn thấy qua hình ảnh vệ tinh.
Đá Vành Khăn là đảo nhân tạo lớn nhất mà Trung Quốc cho xây lấp ở Biển Đông, mặc dù thực thể này theo luật quốc tế là thực thể nửa chìm nửa nổi. Trung Quốc đã tiến hành xây lấp và biến đá này thành một căn cứ quân sự với cảng lớn và đường băng cho máy bay.
Hoa Kỳ và các nước trong khu vực đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hành động đơn phương xây lấp các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông từ năm 2014 đến nay nhưng Bắc Kinh coi đây là các vùng thuộc chủ quyền của nước này.
Bắc Kinh đòi chủ quyền đến gần 90% diện tích Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra và đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế bác bỏ tính hợp lệ trong một phán quyết vào năm 2016.
Những nước khác cũng đòi chủ quyền tại khu vực này bao gồm Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei và Đài Loan.