Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

21/08/2020

Điểm báo Pháp - Thái Lan : Tuổi trẻ dấn thân

RFI tiếng Việt

Thái Lan : Tuổi trẻ dấn thân vì ước mơ dân chủ

Siêu vi corona biến thể, luật sư Nga Alexei Navalny bị trúng độc, luật sư Thái Lan Anon Nampa bị cáo buộc tội phản loạn, thế giới giữa hai cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế, Joe Biden - Donald Trump trên võ đài chính trị tại Mỹ là những chủ đề nóng trên báo Pháp ngày 21/08/2020.

thailan1

Anon Nampa (giữa), một thủ lĩnh mới của phong trào phản kháng chính phủ Thái Lan, bị cảnh sát giải đến tòa án Bangkok ngày 19/08/2020.  Reuters - Chalinee Thirasupa 

Hành động vì tương lai đất nước

Quốc tế khủng hoảng : Macron trên mọi mặt trận từ Lebanon, Mali, Niger, Belarus, đến Thổ Nhĩ Kỳ… một danh sách dài trên trang nhất Le Monde vào lúc chủ nhân điện Elysée tiếp nữ thủ tướng Đức Angela Merkel.

Trang Châu Á của Le Monde chú ý đến phong trào thanh niên, sinh viên Thái Lan dấn thân cho nền dân chủ.

Thái Lan, từ củ cà rốt đến cây gậy, chế độ quân nhân trá hình tìm cách làm im tiếng nói phản kháng của giới trẻ, đó là ý nghĩa của bài phân tích "Tại Thái Lan, cuộc đàn áp hình thành".

Khắc tinh của thủ tướng Chan-O-Cha là một luật sư trẻ tuổi Anon Nampa cùng với nhiều lãnh tụ phong trào đòi cải cách, kẻ bị câu lưu, người bị truy nã với các tội danh : phản loạn, vi phạm lệnh cấm biểu tình và quy định phòng dịch virus corona.

Chỉ riêng với tôi danh phản loạn, các nhà hoạt động Thái Lan có thể lãnh án 7 năm tù. Theo thông tín viên Bruno Philip của Le Monde tại Đông Nam Á, Anon Nampa theo quá trình tranh đấu, tự nhiên trở thành lãnh tụ của phong trào như mô hình Hồng Kông.

Trước nguy cơ phong trào lan rộng trong giới trẻ, vì có yêu cầu của quốc vương không nên áp dụng luật chống phạm thượng, hình phạt có thể lên đến 15 năm tù, chính quyền quân nhân trong lớp áo dân sự, sử dụng luật chống phản loạn cũng như các nguyên tắc trói buộc về mạng xã hội, những đạo luật triệt tiêu tự do, theo tố cáo của các nhà dân chủ. Theo họ, Thái Lan đang sống trong một chế độ độc tài giả dạng dân chủ. Trong khi đó, như tuyên bố của luật sư Anon Nampa, giới trẻ Thái Lan ước mơ một chế độ vương triều chung sống hài hòa với nền dân chủ. Để được như thế, sinh viên đòi chính phủ từ chức, giải tán Quốc Hội để bầu lại và phải có một Hiến Pháp mới. Hiến Pháp của chính phủ quân sự năm 2017 quy định 250 thượng nghị sĩ do một ủy ban thân cận với quân đội chỉ định.

Anon Nampa thề sẽ thành công "ngay trong kiếp này"

Có lẽ đã đến lúc chính quyền Thái ra tay. Nhưng theo Le Monde, khủng hoảng kinh tế, do đại dịch Covid làm nghiêm trọng thêm, đã làm cho phong trào chống chế độ la rộng đến thành phần học sinh. Một đoạn video loan truyền trên mạng ghi lại những hình ảnh đáng ngạc nhiên : Hàng trăm học sinh trung học đến bộ Giáo Dục trình nguyện vọng. Bộ trưởng Natthaphone Thepsuwan tỏ thiện chí tiếp học sinh. Nhưng khi ông bắt đầu nói thì bị các học sinh bảo phải ngồi xuống đất trong những hàng sau cùng. Trong tiếng huýt sáo thúc giục, bộ trưởng Thái tuân thủ ngồi bẹp xuống đất. Dường như thời đối thoại vẫn còn.

Ai muốn giết Alexei Navalny ?

Vào lúc Pháp, Đức kêu gọi Vladimir Putin giúp giải quyết khủng hoảng chính trị tại Belarus bằng giải pháp ôn hòa thì có tin nhà đối lập Nga Alexei Navalny, khắc tinh của tổng thống Nga, "bị nghi ngờ trúng độc" trên máy bay từ miền Viễn Đông về Moskva, sau khi uống một ly trà ở phi trường. Máy bay phải đáp khẩn cấp. Le Monde đưa tin : "Đối thủ của Putin nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Nhật báo độc lập nhắc lại, chính quyền Putin truy bức nhà tranh đấu chống tham ô như trút đòn thù. Một năm, hai lần bị trúng độc. Từ 2011, Navalny bị giam 232 ngày, bị quản thúc 242 ngày".

Le Figaro không giấu lo ngại "Alexei Navalny, đối thủ số một điện Kremlin, có thể bị đầu độc". Vào tháng 7/2019, Alexei Navalny bị dị ứng dữ dội, một bác sĩ Nga đã nêu giả thuyết "trúng độc". Các thân hữu xem đó là hệ quả của nỗ lực chống tham ô của luật sư Navalny. Lần này, ông mới thực hiện xong một cuộc điều tra về nạn tham ô ở Siberia và trở về Moskva với cả khối tài liệu trong tay. Nhật báo thiên hữu cho biết thêm, tổng thống Pháp và thủ tướng Đức, đang hội đàm tại miền nam nước Pháp, đều lo lắng và đề nghị đưa nhà đối lập Nga sang Châu Âu chữa trị. Trong khi đó, truyền thông Nhà nước và các mạng thân Kremlin, thông thường không bao giờ nhắc tên Navalny, nhưng đã phải lên tiếng về sự kiện này với giả thuyết Navalny bị rượu và ma túy vật ngã. Đương nhiên giới thân cận của ông bác bỏ các luận điểm này.

Le Figaro cho biết thêm một sự kiện : Tại Nga, đầu độc là mối đe dọa không thể xem thường, tổng thống Putin, luôn luôn uống nước trong bình riêng mang theo và không bao giờ cầm ly do người ta mời. La Croix bi quan chạy tựa trên trang nhất : Nhà đối lập Nga Alexei Navalny giữa sống và chết.

Libération đặt câu hỏi "Ai muốn giết Navalny, một luật sư nhân quyền nay là một lãnh tụ có tầm cỡ ?". Nhật báo thiên tả còn dành một bài dài để lượt kê một loạt vụ đầu độc hay nghi ngờ bị đầu độc mà nạn nhân là nhà báo đối lập, là sĩ quan tình báo tị nạn. Danh sách rất dài từ phóng viên điều tra nạn tham ô Chtchokotchikira chết vào năm 2003 mà toàn bộ hồ sơ bệnh lý biến mất cho đến vụ hai bố con cựu trung tá tình báo Sergei Skripal bị mưu sát ở ngoại ô Luân Đôn và vụ trung tá Alexander Litvinenko bị đầu độc bằng phóng xạ trước đó, cũng tại Luân Đôn.

Belarus : Nghệ sĩ cũng dấn thân

Về khủng hoảng Belarus, Le Figaro đề cao giới nghệ sĩ dấn thân trên tuyến đầu chống Lukashenko. Chim đầu đàn là Pavel Latushka, cựu bộ trưởng Văn hóa, cựu đại sứ tại Pháp, giám đốc Nhà hát lớn ở thủ đô Minsk. Vì tham gia biểu tình chống tổng thống Lukashenko, bất chấp khuyến cáo, ông bị đuổi việc nhưng biện pháp trừng phạt này gây tác dụng ngược. Pavel Latushka trở thành người hùng trong giới nghệ sĩ. Hàng trăm nghệ sĩ cũng như người ái mộ ông tập trung trước cửa Nhà hát Quốc gia bày tỏ tinh thần ủng hộ.

Thứ Năm vừa qua, nhà của ông bị tạt sơn đỏ. Tiếp theo đó, "Hội đồng điều phối" phong trào phản kháng, trong đó ông là thành viên, bị chính quyền điều tra hình sự với cáo buộc "vi phạm an ninh quốc gia".

Mùa nghỉ hè sắp kết thúc, đại dịch Covid 19 không giảm với nhiệt độ mà còn tăng tốc lây lan. Le Figaro dành hai trang cho "nghịch lý của dịch bệnh lan tràn nhưng giảm độc hại. Phải chăng do biến thể mà siêu vi SARS-CoV-2 lây nhiều hơn nhưng giết ít hơn. Mỗi ngày tại Pháp có từ 3000 đến 4000 ca mới nhưng trong một tuần chỉ có 65 nạn nhân từ trần. Cùng chiều hướng, Les Echos đưa tít : Covid leo thang lây nhiễm tại Pháp, Đức, Tây Ban Nha. 7551 ca biến thể được phát hiện.

Covid 19 gây xáo trộn sinh hoạt kinh tế, thất nghiệp gia tăng. Để làm giảm bớt phần nào tác hại, các nước Châu Âu chi hàng chục tỷ euro vực dậy kinh tế, trong đó có nỗ lực đào tạo cho thanh niên, nhân viên đổi nghề hoặc cải tiến khả năng làm việc từ nhà. Les Echos phân tích chương trình huấn nghệ kỹ thuật số cho giới trẻ Pháp từ 200 triệu đến 300 triệu euro.

Thời sự các châu lục khác

Le Monde đưa tin : Tại Mỹ, cựu tổng thống Barack Obama, nhân Đại hội đảng Dân chủ, nhân danh nền dân chủ Hoa Kỳ, đọc một bài diễn văn lịch sử như một bản cáo trạng lên án chủ nhân Nhà Trắng thiếu tư cách làm tổng thống, kêu gọi cử tri bầu cho liên danh Joe Biden-Kamala Harris cứu nguy nền dân chủ.

Libération trên trang nhất kêu gọi "Tiến lên, Joe Biden !". Theo nhật báo thiên tả "tuy không có sức lôi cuốn công chúng, nhưng cựu phó tổng thống của Barack Obama là niềm hy vọng duy nhất để chiến thắng Donald Trump : tiền ủng hộ vận động tranh cử tăng vọt, thăm dò ý kiến thuận lợi.

Về Châu Á, Libération giới thiệu "chế độ Nhà nước gia đình trị của Bắc Triều Tiên". Kim Jong-un và em gái tận dụng mọi phương tiện để củng cố chế độ kể cả giết người thân và anh em trong nhà.

La Croix cho biết : Dân Bắc Phi ra đi bằng mọi giá. Không còn tin tưởng vào tương lai, ngày càng có đông người Tunisia, Algeria vượt Địa Trung Hải bất chấp hiểm nguy và thảm nạn.

Tú Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 604 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)