Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

20/08/2020

Nhật Bản cố gắng vượt qua khó khăn trước áp lực của Bắc Kinh

RFI tổng hợp

Nhật Bản cố thoát thế kẹt khi quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng

Mai Vân, RFI, 20/08/2020

Nhân dịp Nhật Bản đánh dấu 75 năm ngày đầu hàng Đồng Minh (15/08/1945 - 15/08/2020), trong bài phân tích ở trang quốc tế mang tựa đề "Nhật Bản phân vân giữa lòng trung thành với Washington và nỗi sợ Bắc Kinh", nhật báo Pháp Le Monde ngày 20/08 đã nêu bật tình thế tế nhị của Tokyo hiện nay.

nhat1

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh minh họa chụp ngày 28/03/2020.  Reuters - Issei Kato

Thực vậy, Nhật Bản đang càng lúc càng lo ngại trước tình trạng căng thẳng giữa đồng minh Mỹ mà Nhật Bản lệ thuộc hoàn toàn về mặt an ninh, và một láng giềng Trung Quốc đang ngày càng bị coi là một mối đe dọa.

Theo tác giả bài viết, Philippe Pons, một nhà báo kỳ cựu chuyên trách khu vực Đông Bắc Á : "Sự đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, cộng thêm với các hành động đàn áp của Bắc Kinh ở Hồng Kông và nguy cơ va chạm ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, nơi mà tàu chiến Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản thường xuyên đối mặt nhau, đã nhắc nhở Nhật Bản về tình thế đầy mâu thuẫn của họ".

Ngay từ 1949, Nhật Bản đã xem Trung Quốc là một thị trường

Là nước thua trận vào năm 1945, Nhật Bản phải phục tùng kẻ chiến thắng, nhưng cũng đã biết rút tỉa được lợi ích của tình trạng được Mỹ bảo đảm về an ninh để xây dựng sự phồn thịnh và giành lại một chỗ đứng trên chính trường quốc tế.

Cho dù hiệp định an ninh Mỹ-Nhật có hai mục tiêu : Đề phòng một sự tấn công của Liên Xô vào Nhật Bản và ngăn chặn Trung Quốc. Thế nhưng, ngay từ năm 1949, Nhật Bản đã xem Trung Quốc là một thị trường, và trong một thời gian dài, đã tách biệt kinh tế ra khỏi chính trị, cố gác qua một bên những chủ đề gây mích lòng, để có thể thu lợi về kinh tế.

Ngày nay, Trung Quốc đã trở thành một cường quốc thế giới, và lộ rõ tham vọng bá quyền, thế nhưng Tokyo, từng phản ứng rất thận trọng sau vụ thảm sát Thiên An Môn (1989), vẫn chỉ lấy làm tiếc về chiến dịch đàn áp tại Hồng Kông, phớt lờ số phận người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, và cũng không dám đi xa hơn là việc dời lại chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự kiến vào tháng 4, vốn đã phải hoãn lại vì dịch Covid-19.

Akihiko Tanaka, chủ tịch Viện Nghiên Cứu Chính Trị Tokyo giải thích : "Nhật Bản không có vị thế để đối đầu với Trung Quốc và hành xử như đồng minh Mỹ hay Châu Âu".

Theo Le Monde, căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh đang khiến cho đường lối không làm mích lòng ai của Tokyo khó có thể tiếp tục.

Robert Dujarric, nhà nghiên cứu thuộc Viện Châu Á Đương Đại của Đại Học Temple ở Tokyo cho rằng lập trường đứng lùi về phía sau của Nhật Bản trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung "sẽ ngày càng khó giữ nếu quan hệ Bắc Kinh - Washington tiếp tục xấu đi".

Thế kẹt của Nhật Bản trong cục diện mới

Đối với Le Monde, trong trung hạn, không có kịch bản nào có thể làm Nhật hoàn toàn hài lòng. Nếu Mỹ không dấn thân nữa, Tokyo sẽ lâm vào cảnh một mình đối mặt Trung Quốc. Nhưng khả năng Washington hữu hảo trở lại với Bắc Kinh cũng không mấy được hoan nghênh, vì Tokyo sẽ thua thiệt. Còn nếu xung đột Mỹ-Trung nổ ra thì Nhật (và Hàn Quốc) sẽ là mục tiêu đầu tiên vì có các căn cứ Mỹ trên lãnh thổ.

Theo nhận định của nhà chính trị học Masayuki Tadokoro, Đại Học Keio ở Tokyo thì sớm muộn gì Nhật cũng phải xét lại vấn đề an ninh, với hai lựa chọn : "Sửa đổi Hiến Pháp để Nhật có được một sức mạnh quân sự răn đe hay chấp nhận thế bá quyền của Trung Quốc trong vùng". Vấn đề, theo chuyên gia này, là "cả hai lựa chọn, vào lúc này, đều không được đa số người Nhật chấp nhận".

Để tránh phải đi đến kết cục vừa kể, Nhật Bản đang cố tăng cường ảnh hưởng khu vực và trên thế giới bằng cách gia tăng các quan hệ đối tác và cho thấy mình là một trụ cột cho dân chủ tự do và đa phương.

Tại Đông Nam Á, đường lối này đã giúp Nhật trở nên một đối tác đáng tin cậy (khác với Trung Quốc và cả Mỹ). Nhưng Tokyo đã không thành công tại Đông Bắc Á, đặc biệt là ở nước láng giềng và đồng minh Hàn Quốc, nơi mà những vấn đề lịch sử có từ thời Nhật đô hộ Triều Tiên vẫn được chính quyền Seoul khuấy động vì những lý do chính trị nội bộ.

Quá khứ đó đã đầu độc quan hệ giữa hai nước gần gũi về mặt địa lý và văn hóa, gắn kết với nhau bằng một hiệp định phòng thủ 3 bên dưới trướng của Mỹ, đồng thời tác hại đến tham vọng của Nhật muốn liên kết các nước dân chủ vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương để làm đối trọng với "Con Đường Tơ Lụa Mới" của Trung Quốc.

Mai Vân

************************

Kinh tế Nhật Bản tiếp tục bị đại dịch Covid-19 đánh quỵ

Anh Vũ, RFI, 18/08/2020

Kinh tế Nhật tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng. Trong quý 2 năm nay, tổng thu nhập quốc nội (GDP) rớt 7,8% so với quý trước, hay 27,8% nếu so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số kỷ lục. Nguyên nhân không gì khác là đại dịch virus corona đã làm tiêu thụ của các hộ gia đình, đầu tư và xuất khẩu đều sụt giảm mạnh.

nhat2

Một khu phố nhiều cửa hiệu vắng khách do dịch Covid-19, Tokyo, Nhật Bản, ngày 17/08/2020.  Reuters – Kim Kyung-hoon

Thông tín viên RFI tại Tokyo, Frédéric Charles :

"Đây là quý thứ ba liên tiếp tổng thu nhập quốc nội của nền kinh tế thứ ba thế giới bị sụt giảm. Không có hy vọng tình hình sẽ được cải thiện nhanh chóng, cho dù chính phủ Shinzo Abe đã soạn thảo công phu kế hoạch phục hồi kinh tế trong tình trạng khẩn cấp.

Toàn bộ tăng trưởng tích tụ lại từ khi thủ tướng Abe lên cầm quyền cách nay 8 năm đã bị bốc hơi trong vòng vài tháng, vì đại dịch virus corona.

Mức sụt giảm 27% của quý ba, tính theo tỷ lệ cả năm, đã được thông báo vào lúc ông Shinzo Abe phải nhập viện ở Tokyo. Có tin nói lãnh đạo chính phủ Nhật bị kiệt sức. Ông vẫn bị chứng viêm ruột kết kinh niên. Cha đẻ của chiến lược tăng trưởng kinh tế có tên gọi Abenomics đã ra viện trong ngày. Theo truyền thông, ông chỉ đi kiểm tra sức khỏe.

Việc thu nhập quốc dân của Nhật Bản bị suy giảm mức kỷ lục đã cho thấy những giới hạn của Abenomics. Ông Shinzo Abe đã không tiến hành các cải cách mang tính cơ cấu để giúp Nhật đối phó với cạnh tranh của Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực công nghệ số. Việc cắt giảm các luật lệ trói buộc diễn ra chậm. Chính phủ vẫn chỉ dành ưu đãi cho các tập đoàn lớn, bỏ rơi các công ty khởi nghiệp.

Các nhà phân tích nhận định, phải đợi đến năm 2022 thì GDP của Nhật mới tìm lại được mức trước khi có dịch virus corona".

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tổng hợp
Read 595 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)