Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

19/08/2020

Tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc, Duterte con rối Biển Đông

Tổng hợp

Tàu ngầm Trung Quốc bị phát hiện ở đảo Hải Nam (RFA, 19/08/2020)

Một tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc bị phát hiện tại cửa căn cứ Hải quân ngầm Ngọc Lâm ở đảo Hải Nam.

bd1

Hình ảnh vệ tinh chụp tàu ngầm Trung Quốc tại cửa vào căn cứ ngầm ở đảo Hải Nam - Satlellite imagery @planetlabs

Ảnh vệ tinh ngày 18 tháng 8 cho thấy chiếc tàu ngầm chụp được trông giống lớp Type 093. Đây là một trong những loại tàu ngầm nguyên tử chuyên tấn công mạnh nhất của Trung Quốc. Trong ảnh có hai chiếc tàu nhỏ hơn nhưng chưa rõ là loại tàu gì.

Hình ảnh chiếc tàu ngầm được phát hiện tại cửa một căn cứ hải quân ngầm của Trung Quốc như thế được nhận định là khá bất thường dù chúng đôi khi cũng xuất hiện tại Biển Đông. Đây là vùng biển mà tàu hải quân và tàu tuần duyên Trung Quốc hoạt động thường xuyên.

Vào tháng 10 năm ngoái, một tàu ngầm tiên tiến của Trung Quốc nổi lên gần một tàu đánh cá của Việt Nam tại Biển Đông. Mới hồi tháng 6 vừa qua, Nhật Bản phải báo động khi một tàu ngầm Trung Quốc xuất hiện tại Biển Hoa Đông.

Giới chuyên gia cho rằng cho đến nay Trung Quốc chỉ có 6 chiếc tàu ngầm lớp Type 093 được đưa và hoạt động. Lớp tàu này ban đầu được thiết kế chủ yếu để săn ngầm ; tuy nhiên sau đó có một số tàu lớp này có thể mang tên lửa hành trình phóng thẳng và hỏa tiễn chống tàu.

Trong những tháng gần đây, Hoa Kỳ và một số nước khác cho chiến đấu cơ bay tuần tra tại Biển Đông. Một trong những mục tiêu là để phát hiện tàu ngầm của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp này.

**********************

Biển Đông : Lập trường cứng rắn hơn của Mỹ bị Philippines phá hoại (RFI, 18/08/2020)

Trong số 10 quốc gia đến Hawaii cùng tham gia cuộc tập trận hải quân do Mỹ tổ chức mang tên Vành Đai Thái Bình Dương - RIMPAC 2020 - mở ra ngày 17/08/2020, có Philippines, với chiến hạm hiện đại nhất của nước này, khinh hạm BRP Jose Rizal được trang bị tên lửa dẫn đường. 

biendong1

Chiến hạm Philippines BRP Andres Bonifacio (PS 17) và tàu tuần duyên Mỹ USCGC Stratton (WMSL 752) thao diễn ngoài khơi cảng Puerto Princesa (Philippines) ngày 17/10/2019. © U.S. Coast Guard Pacific Area - Petty Officer 1st Class Nate Littlejohn

Quyết định tham gia của Philippines,nhằm thể hiện thái độ thân thiện với Mỹ, đã thu hút sự chú ý trong bối cảnh Manila trong thời gian gần đây đã thường xuyên có những động thái chạy theo Bắc Kinh, đối thủ của Washington.

Nhật báo Anh Financial Times ngày hôm qua đã phân tích thêm về quan hệ Mỹ-Philippines vào lúc Washington có lập trường cứng rắn hẳn lên với Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông để cho rằng những động thái thiếu rõ ràng của Manila trong thời gian gần đây đã khiến cho "Lập trường cứng rắn hơn của Mỹ về Biển Đông bị suy yếu".

Biển Đông : Tâm điểm của cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung

Phải nói là Biển Đông đã nổi bật lên thành một trong những tâm điểm của sự cạnh tranh chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh kể từ trung tuần tháng 7, khi ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công bố lập trường chính thức về Biển Đông, xác định rằng hầu hết các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông đều "bất hợp pháp".

Vấn đề được nhiều nhà quan sát nêu lên là cho dù bản tuyên bố lập trường ngày 13/07 mang một ý nghĩa rất quan trọng là thể hiện ý muốn dấn thân mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ vào Biển Đông, từ bỏ một thái độ trung lập hình thức, trong thực tế phải chăng là đã quá muộn để đảo ngược thế thống trị của Trung Quốc trong khu vực.

Kể từ năm 2012, Bắc Kinh đã xây dựng và quân sự hóa hàng loạt đảo nhân tạo trong khu vực và điều đáng lo ngại là đồng minh lâu đời nhất của Washington trong khu vực là Philippines, đang có dấu hiệu dao động trước sức ép của Trung Quốc.

William Choong, một nhà phân tích tại Viện Yusof Ishak ở Singapore đã tự hỏi : "Làm sao mà điều đó (sự chuyển biến lập trường của Mỹ) có thể phá bỏ được quyền kiểm soát mà Trung Quốc đã thiết lập thông qua các đảo nhân tạo của họ ?". Đối với chuyên gia Singapore, nếu quyết định được đưa ra vào 10 năm hay 20 năm trước đây thì còn có cơ may thành công, chứ ngày nay thì không thể.

Cho dù vậy, Mỹ đang cố gắng cụ thể hóa những lập luận mạnh mẽ mới của mình về khu vực bằng hành động, cho tăng cường nhịp độ các hoạt động hải quân, đôi khi với các đối tác như Nhật Bản và Úc, thậm chí gần đây còn tổ chức một cuộc diễn tập huy động hai chiếc tàu sân bay vào lúc Hải Quân Trung Quốc đang tập trận gần đó.

Duterte ra lệnh cấm Philippines tập trận trên Biển Đông

Một số quốc gia trong khu vực chẳng hạn như Việt Nam đã ủng hộ tuyên bố vào tháng 7 của ngoại trưởng Mỹ Pompeo, nhưng điểm yếu trong chiến lược cứng rắn hơn của Mỹ lại chính là lập trường không rõ ràng của Philippines.

Vào đầu tháng 8 này, bộ trưởng Quốc Phòng Delfin Lorenzana, một nhân vật thường được xem là thuộc cánh "diều hâu" trong chính quyền Manila, đã bác bỏ khả năng nước này tham gia các cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông.

Theo ông Lorenzana, chính tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ra lệnh không cho Quân Đội nước này tham gia vào các cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông, "ngoại trừ trong vùng lãnh hải 12 hải lý". Trước đó, bản thân tổng thống Philippines Duterte đã không ngần ngại nhắc lại rằng ông không thể khẳng định yêu sách chủ quyền của Manila đối với Biển Đông vì : "Trung Quốc có vũ khí ; chúng ta thì không".

Đối với giới chức an ninh quốc phòng ở các nước Châu Á khác, việc Manila công khai từ bỏ quyền tự do hàng hải của mình trong vùng biển tranh chấp là một cú sốc.

Manila mặc nhiên phục tùng "lệnh cấm" của Bắc Kinh về tập trận ?

Nhật báo Anh ghi nhận rằng Bắc Kinh từ lâu đã đòi hỏi là các nước có tranh chấp ở Biển Đông phải cam kết chỉ tập trận hải quân trong vùng lãnh hải quốc gia 12 hải lý.

Một quan chức tại một nước đồng minh của Mỹ nhận xét : "Việc Philippines công khai chấp nhận điều đó cho thấy là Trung Quốc đang thành công trong việc thúc đẩy các yêu sách của họ".

Washington từng hy vọng là Manila có phản ứng mạnh mẽ hơn trước những đòi hỏi của Bắc Kinh, nhất là khi ông Lorenzana và ngoại trưởng Teddy Locsin cho đến gần đây đều có lời lẽ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.

Ông Lorenzana chẳng hạn, đã công khai tán thành lập trường cứng rắn hơn về Biển Đông mà ông Pompeo đã tuyên bố và kêu gọi chính phủ Trung Quốc tuân thủ phán quyết của trọng tài quốc tế năm 2016 có lợi cho Philippines.

Philippines và Mỹ có một hiệp ước phòng thủ chung mà vào năm ngoái 2019 ông Pompeo đã xác nhận rằng có hiệu lực cả trên Biển Đông. Washington gần đây cũng rất hoan nghênh quyết định của Manila là đình chỉ việc thực hiện kế hoạch chấm dứt thỏa thuận VFA quy định việc cho lực lượng Mỹ đồn trú tại Philippines.

Philippines có vị trí thiết yếu trong chiến lược chống Trung Quốc của Mỹ

Trong chiến lược Châu Á của Mỹ, vai trò của Philippines có tầm quan vượt xa giới hạn của Biển Đông vì vị trí địa dư của nước này là một yếu tố thiết yếu cho phép Hoa Kỳ cạnh tranh với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn hơn.

Trung Quốc hiện đang phát triển các loại tên lửa có thể đe dọa các căn cứ lớn và các hàng không mẫu hạm của Mỹ trong khu vực. Điều này đang buộc Washington phải xem xét một chiến lược mới dựa vào các đơn vị nhỏ và cơ động hơn.

Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã phát triển một phương thức tác chiến mới, theo đó họ sẽ dàn trải lực lượng ra nhiều hòn đảo ở Châu Á và Thái Bình Dương để khiến cho đối thủ khó phát hiện, theo dõi và tấn công tiêu diệt.

Nhưng việc áp dụng phương thức mới này có thể gặp trở ngại nếu Hoa Kỳ không tiếp cận được Philippines, quốc gia có hơn 7.000 hòn đảo nằm giữa Biển Đông và Thái Bình Dương.

Euan Graham, chuyên gia an ninh tại Viện Nghiên Cứu Chiến Lược và An Ninh Quốc Tế IISS, một trung tâm tham vấn quốc phòng và an ninh tại Singapore, cho rằng "Lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ cần phải thích ứng với thực tế địa lý.Nếu không có Philippines, mô hình chiến thuật này khó khả thi".

Duterte bị tố cáo bán chủ quyền đất nước cho Trung Quốc để đổi lấy vac-xin

Theo giới phân tích, các chính sách có vẻ không nhất quán của Manila về Biển Đông phản ánh thực tế chính trị đang thay đổi, đặc biệt vào lúc đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Tổng thống Philippines Duterte hiện đang ve vãn Trung Quốc và Nga để bảo đảm quyền tiếp cận sớm với vac-xin ngừa Covid-19.

Jay Batongbacal, người đứng đầu Viện Hàng Hải và Luật Biển thuộc Đại Học Philippines, nhận định : "Tổng thống Duterte đã ra tuyên bố [về các cuộc tập trận ở Biển Đông] đúng vào lúc ông ấy đang ra sức yêu cầu Trung Quốc cung cấp vac-xin Covid cho Philippines. Ông ấy đang đánh đổi (tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông) để lấy vac-xin".

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 636 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)