Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

17/08/2020

Biển Đông : Hoa Kỳ và Trung Quốc khoe cơ bắp và đua nhau tập trận

Tổng hợp

Cuộc tập trận RIMPAC 2020 vẫn có lợi ích chiến lược với Mỹ dù quy mô bị hạn chế (RFI, 17/08/2020)

Kể từ hôm 17/08/2020 và kéo dài cho đến cuối tháng, Hải quân thuộc 20 nước trên thế giới, dẫn đầu là Hoa Kỳ, bắt đầu những cuộc tập trận ngoài khơi quần đảo Hawaii trong khuôn khổ cuộc tập trận đa quốc gia RIMPAC 2020, mở ra hai năm một lần.

taptran1

Đoàn tàu quốc tế trên đường từ Guam đến Hawaii tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2020. Từ trái sang phải : Tàu tuần tra biển KDB Darulehsan (OPV-07) của Brunei, hộ tống hạm RSS Supreme (73) của Singapore, tàu hậu cần HMAS Sirius (O 266) của Úc, khu trục hạm Mỹ USS Rafael Peralta (DDG 115) và hộ tống hạm Úc HMAS Stuart (FFH 153). Ảnh chụp ngày 04/08/2020 tại miền tây Thái Bình Dương.  USS Rafael Peralta - Petty Officer 2nd Class Jason Is

Dù mang quy mô hạn chế hẳn so với những lần trước, cuộc tập trận năm nay được cho là vẫn sẽ mang lại lợi ích chiến lược to lớn cho Hoa Kỳ trong bối cảnh cuộc cạnh tranh với Trung Quốc đang càng lúc càng gay gắt trên các vùng biển Châu Á.

Vào lúc dịch Covid-19 hoành hành khắp nơi, đe dọa những cuộc tụ tập đông người, một sư kiện được mệnh danh là "Cuộc Tập Trận Hải quân Lớn Nhất Thế Giới" dĩ nhiên đã bị ảnh hưởng, và Mỹ đã bị buộc phải giảm hẳn quy mô cuộc tập trận, đồng thời bỏ hẳn những nội dung diễn tập bị cho là có nguy cơ làm dịch bệnh lây lan.

Từ con số 26 nước tham gia vào năm 2018, với hơn 47 chiến hạm, 5 tàu ngầm, 25.000 quân nhân, cuộc tập trận RIMPAC 2020 này chỉ tập hợp khoảng 10 quốc gia, với khoảng 20 chiếc tàu và 5.600 người. Thời gian tập trận cũng bị rút ngắn xuống còn nửa tháng, thay vì một tháng như lần trước.

Các nội dung tập trận cũng được lược bớt. Các nội dung như tập đổ bộ, rèn luyện chỉ huy tác chiến từ các cơ sở trên bờ đã bị bỏ hẳn, chỉ còn các bài diễn tập trên biển, và chỉ ở vùng biển ngoài khơi Hawaii chứ không tiến hành đồng thời ở vùng biển Calfornia (Hoa Kỳ) như vào năm 2018.

Trong tình hình đó, câu hỏi từng được đặt ra là có ích lợi gì khi duy trì một cuộc tập trận mà quy mô đã bị giảm hơn một nửa như trên, lại trong bối cảnh đã có cả chục ngàn người dân Hawaii lên tiếng phản đối việc duy trì cuộc tập trận, bị cho là hàm chứa nguy cơ phát tán dịch bệnh tại tiểu bang này.

Theo giới quan sát, dù quy mô cuộc tập trận đã bị thu gọn, chất lượng các cuộc tập trận vẫn là một điều hữu ích cho các nước được tham gia. Đứng về mặt thuần túy quân sự, kinh nghiệm học hỏi được từ những nội dung cùng diễn tập với cường quốc hải quân số một thế giới hiện nay là Mỹ sẽ rất quý giá cho các nước như Philippines, Singapore, Hàn Quốc vẫn sốt sắng đến Hawai tập trận.

Đối với các quốc gia đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Úc, thậm chí Pháp và Anh, Canada, có mặt tại RIMPAC 2020, việc rèn luyện kỹ năng chỉ huy, phối hợp tác chiến cũng sẽ là những bài học quý giá, hữu dụng khi phải đối phó với một kẻ thù chung.

Riêng về nước Mỹ, lợi ích hiển nhiên của việc duy trì RIMPAC 2020 là cho thấy vai trò lãnh đạo của mình, đặc biệt khi dù quy mô bị thu nhỏ, cuộc tập trận năm nay vẫn quy tụ được hầu hết các đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ, từ Úc, Canada, Anh, Pháp, cho đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, và cả Philippines.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc, nước bị Mỹ loại khỏi cuộc tập trận từ năm 2018 vì các hành vi lấn lướt trên Biển Đông, sự hiện diện của các nước đồng minh và đối tác trên đây tại một cuộc tập trận do Mỹ chủ trương là một tín hiệu rõ ràng gởi đến Bắc Kinh.

Trong bài nhận định về cuộc tập trận RIMPAC 2020, tuần báo Anh The Economist ngày hôm qua 16/08 ghi nhận rằng dù quy mô sự kiện có bị thu hẹp, tác dụng của cuộc tập trận năm nay "vẫn cao hơn bao giờ hết", đặc biệt trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang càng lúc càng căng thẳng trên mọi địa bàn, từ Biển Đông, Biển Hoa Đông cho đến eo biển Đài Loan.

Theo The Economist, "vào lúc ưu thế quân sự của mình đối với Trung Quốc bị xói mòn trong thập kỷ qua, có thể hiểu được là Mỹ đang rất muốn vun bồi những tình bạn cũ và mới", và cuộc tập trận RIMPAC là một cơ hội thuận lợi.

Tuần báo Anh đã trích lời cựu đô đốc Mỹ James Stavridis, lưu ý rằng cuộc tập trận đóng vai trò một "tín hiệu hữu hình cho thấy là quân đội quan trọng nhất của vùng Thái Bình Dương sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm huấn luyện, chiến thuật và công nghệ".

Cuộc tập trận cũng nêu bật lợi thế lâu dài của Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc : Đó là khả năng thuyết phục rất nhiều quốc gia đa dạng và thân thiện tập hợp lại để tập trận, điều mà Bắc Kinh khó có thể làm được.

Trọng Nghĩa

*********************

Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông (RFA, 17/08/2020)

Trung Quốc vừa thực hiện một cuộc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông với sự tham gia của tàu chiến Huizhou đóng tại Hong Kong.

taptran2

Hình ảnh cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông do lực lượng Trung Quốc đồn trú ở Hong Kong đăng tải trên mạng Weibo - Weibo

Video của lực lượng Trung Quốc đồn trú ở Hong Kong công bố hôm Chủ nhật, ngày 16/8, cho thấy hình ảnh tàu Trung Quốc bắn pháo, thuỷ lôi, trong khi lính Trung Quốc thực hiện các hoạt động chống cướp biển và khủng bố.

Theo The South China Morning Post, cuộc tập trận chống ngầm là một thành tố quan trọng trong cuộc tập trận lần này của Trung Quốc.

The South China Morning Post trích lời một chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh cho biết cuộc tập trận là một hành động mang tính biểu tượng nhằm cảnh báo các lực lượng đòi độc lập ở Đài Loan, muốn ngả về phía Mỹ.

Hình ảnh video cuộc tập trận được công bố chỉ một ngày sau khi Mỹ thông báo cuộc tập trận của Hải quân Mỹ ở Biển Đông hôm 14/8 vừa qua với sự tham gia của tàu sân bay USS Ronald Reagan.

Trước đó, Trung Quốc cũng thông báo cho biết nước này đang lên kế hoạch tập trận bắn đạn thật gần Đài Loan sau khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nói rằng quan hệ giữa Đài Loan và Mỹ đang ở mức cao nhất trong lịch sử.

**********************

Mỹ điều tàu sân bay trở lại Biển Đông vào lúc Bắc Kinh gia tăng tập trận (RFI, 15/08/2020)

Vào lúc Bắc Kinh loan báo những cuộc tập trận rầm rộ, thậm chí đe dọa cho diễn tập bắn tên lửa thật gần đảo Guam, Hải quân Mỹ đã điều hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan cùng nhóm tác chiến tháp tùng trở lại Biển Đông và bắt đầu những cuộc tập trận mới kể hôm qua 14/08/2020. Đây là lần thứ ba trong hơn một tháng tàu sân bay Mỹ vào Biển Đông tập trận.

taptran3

Tầu sân bay USS Ronald Reagan (CVN 76) và đằng xa là tầu USS Nimitz (CVN 68) trong một kỳ tập trận ở Biển Đông, ngày 06/07/2020.  © AP - US Navy

Trong một thông cáo công bố hôm qua, bộ tư lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ (Commander US Pacific Fleet) cho biết là nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan đã tiến vào Biển Đông hôm 14/08 và bắt đầu tiến hành tập trận theo nhiều nội dung.

Như thông lệ, tháp tùng hàng không mẫu hạm Ronald Reagan là tuần dương hạm USS Antietam cùng hai khu trục hạm USS Mustin và USS Rafael Peralta, và không đoàn hàng không mẫu hạm số 5.

Thông cáo của Hạm Đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ đặc biệt nhấn mạnh đến sự kiện là mới đây, nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan đã tập trận phối hợp với các oanh tạc cơ B-1 của Không quân Mỹ, đặt căn cứ trên đảo Guam.

Đây là lần thứ ba từ kể từ đầu tháng Bảy đến nay, nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Ronald Reagan được phái đến hoạt động tại Biển Đông.

Từ ngày 04 đến 07/07 vừa qua, lần đầu tiên từ năm 2014, Mỹ đã cho hai nhóm tàu sân bay tiến vào tập trận trên Biển Đông. Đó là nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz. Việc Mỹ điều hai nhóm tác chiến tàu sân bay vào Biển Đông diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc cho rầm rộ tâp trận gần khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Qua trung tuần tháng Bảy, hôm 17/07, hai nhóm tác chiếc tàu sân bay nói trên lại phối hợp tập trận, trước khi tách ra, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz xuống Ấn Độ Dương tập trận với Ấn Độ, còn nhóm của chiếc Ronald Reagan thì ra Biển Philippines tham gia một cuộc tập trận 3 bên với Hải quân Úc và Nhật Bản (ngày 21/07).

Lần này, hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan trở lại tập trận ở Biển Đông vào lúc Trung Quốc gia tăng đáng kể các cuộc tập trận Hải quân và Không quân trong các vùng biển quanh Trung Quốc, trong đó có Biển Đông.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo hôm 12/08 đã tung ra lời đe dọa, theo đó Quân Đội Trung Quốc đã "lên kế hoạch tập trận đổ bộ và trên biển trong những tuần qua và sẽ tiếp tục trong những tuần tới". Một trong những cuộc tập trận bắn đạn thật được dự trù tại vùng biển của quần đảo Chu San và tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc và ở vùng biển phía bắc của đảo Đại Sơn trong hai ngày 16-17/08.

Trọng Nghĩa

**************************

Hải quân Mỹ tập trận ở Biển Đông (RFA, 15/08/2020)

Nhóm tàu tấn công bao gồm hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ vừa tiến hành một cuộc tập trận ở Biển Đông hôm 14/8, theo thông báo của Hải quân Hoa Kỳ.

taptran4

Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ hoạt động cùng tàu sân bay trực thăng của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản JS Izumo (R) ở Biển Đông vào ngày 11/06/2019. Ảnh chụp ngày 11/06/2019. Được phép của JMSDF / U.S. Navy / Handout qua

"Phối hợp với các đối tác của chúng tôi là điều cần thiết để đảm bảo phản ứng và khả năng sát thương của lực lượng phối hợp, đồng thời duy trì khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương mở". Tư lệnh Hải quân Mỹ Joshua Fagan được trích lời trong thông báo cho biết như vậy.

Cuộc tập trận diễn ra vào giữa lúc có những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến các hoạt động gia tăng các đòi hỏi chủ quyền gần đây của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông và đe doạ ở eo biển Đài Loan. Hoa Kỳ cũng nhiều lần lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh về phản ứng đối phó với dịch bệnh Covid-19.

Trong các tuần qua, quân đội Trung Quốc liên tục tiến hành nhiều cuộc tập trận bao gồm tập trận bắn đạn thật ở các vùng nước có tranh chấp bao gồm Biển Đông và eo biển Đài Loan.

Trong các tháng qua, Hoa Kỳ đã nhiều lần gửi các tàu chiến bao gồm cả các hàng không mẫu hạm đến khu vực Biển Đông, tập trận chung cùng các đối tác khác trong khu vực.

Bắc Kinh gọi các hành động này của Mỹ là gây phức tạp thêm tình hình Biển Đông, khuyến khích các nước trong khu vực chống lại Trung Quốc.

Trung Quốc hiện là nước đòi chủ quyền đến khoảng 90% diện tích Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển. Tòa Trọng tài quốc tế năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lý của đường này nhưng Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết của tòa.

Quay lại trang chủ
Read 634 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)