Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

10/09/2020

Điểm báo Pháp – Bắc Kinh làm áp lực với phóng viên ngoại quốc

RFI tiếng Việt

Trung Quốc dùng bàn tay sắt gây áp lực với các phóng viên ngoại quốc

Hai phóng viên Úc phải trốn khỏi Bắc Kinh, 17 nhà báo làm việc cho Mỹ bị trục xuất : Trung Quốc đang sử dụng bàn tay sắt để o ép các nhà báo ngoại quốc.

baochi0

Hai phóng viên Bill Birtles của kênh truyền hình ABC và Mike Smith của nhật báo The Australian Financial Review được cơ quan ngoại giao Úc khuyên nên ra đi.  AP

Dịch virus corona lại tăng lên ở Châu Âu và nhất là tại Pháp, xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp và Pháp, giữa Nga với Châu Âu, phiên tòa xử vụ khủng bố Charlie Hebdo là những chủ đề được các báo Paris đề cập nhiều ngày 10/09/2020.

Về Châu Á, Le Monde tố cáo "Các phóng viên ngoại quốc là mục tiêu của ngoại giao Trung Quốc". Mới đây, do sợ bị bắt, hai thông tín viên Úc đã phải trốn khỏi Bắc Kinh.

Lần đầu tiên kể từ năm 1973, báo chí Úc không còn thông tín viên nào ở Trung Quốc. Sau vụ nhà báo nữ Úc gốc Hoa Thành Lôi (Cheng Lei) làm việc cho kênh CGTN bị bắt, hai phóng viên Bill Birtles của kênh truyền hình ABC và Mike Smith của nhật báo The Australian Financial Review được cơ quan ngoại giao Úc khuyên nên ra đi. 

Nhưng Bill Birtles đang chuẩn bị hành trang thì vào lúc nửa đêm 02/09, bảy công an xông vào nhà ông ở Bắc Kinh, cấm nhà báo này rời Trung Quốc và cho biết sẽ thẩm vấn về một vụ "an ninh quốc tế". Đại sứ quán Úc được ông báo tin đã đến tận nhà, và sau bốn ngày thương lượng, lệnh cấm được bãi bỏ, đổi lại Bill Birtles bị thẩm vấn trong một khách sạn, hỏi những chi tiết về Thành Lôi, dù ông không quen nhiều. Còn nhà báo Mike Smith, trú ẩn tại lãnh sự quán Thượng Hải, cũng bị thẩm vấn trong điều kiện tương tự.

Trở về được Sydney, Birtles cho biết có cảm giác bỗng chốc trở thành con cờ trong xung đột chính trị, vụ thẩm vấn trên chủ yếu chỉ nhằm sách nhiễu các nhà báo. Ngoại trưởng Maryse Payne than phiền về "một loạt các sự kiện đáng tiếc". 

Quan hệ hai nước trở nên phức tạp từ năm 2017, khi Canberra phản ứng trước sự can thiệp của Bắc Kinh vào chính trường Úc, và lại càng căng thẳng khi thủ tướng Scott Morrison hồi tháng Tư đòi mở điều tra quốc tế về đại dịch corona. Lo ngại Bắc Kinh sử dụng "ngoại giao con tin", Canberra vốn đang theo dõi một hồ sơ khác là Dương Hằng Quân (Yang Hengjun), công dân Úc gốc Hoa bị bắt tháng 1/2019, từ tháng Bảy đã cảnh báo nguy cơ bị bắt giữ tùy tiện tại Trung Quốc. Người Úc ngày càng lo âu về việc này, nhất là giới kinh doanh đang phải chịu hậu quả khi Bắc Kinh, đối tác thương mại lớn nhất của Úc trả đũa. 

Câu lạc bộ các thông tín viên ngoại quốc tại Trung Quốc (FCCC) đã "cực lực lên án việc sách nhiễu và hăm dọa chưa có tiền lệ". Trước đó theo FCCC, có 17 nhà báo nước ngoài tại Trung Quốc, là công dân Mỹ hoặc làm việc cho một cơ quan truyền thông Mỹ, đã không được cấp thẻ nhà báo mới và phải rời Trung Quốc.

Hồi tháng Ba, Washington đã giảm số lượng người Trung Quốc được phép làm việc cho truyền thông nhà nước khiến 60 người phải ra khỏi Hoa Kỳ, và chỉ cấp visa ngắn hạn trong 90 ngày cho các nhà báo Trung Quốc. Để trả đũa, có ít nhất 5 thông tín viên của 4 tờ báo Mỹ không được gia hạn thẻ nhà báo. 

Tập Cận Bình mừng "đại thắng" virus corona

Trong khi đó theo Le Monde, "Trung Quốc của Tập Cận Bình dàn dựng ‘chiến thắng’ trước Covid-19", không đợi đến ngày quốc khánh 01/10, mà tổ chức tưng bừng vào ngày 08/09 vì số 8 (phát âm như "phát") được cho là mang lại may mắn. 

Chính quyền chọn ngày 08/04 để chấm dứt phong tỏa Vũ Hán và đúng 5  tháng sau, ngày 08/09 trọng thể mừng "chiến thắng Vũ Hán" của "cuộc chiến tranh nhân dân" - theo lời Tập Cận Bình - tại Đại sảnh đường Nhân dân. Trong lúc cả thế giới tiếp tục đối phó với đại dịch do con virus xuất phát từ Vũ Hán, nhất là hai đối thủ của Trung Quốc là Hoa Kỳ và Ấn Độ, Bắc Kinh muốn quảng cáo tài xử lý dịch bệnh của mình. Theo con số chính thức, virus corona chủng mới chỉ làm cho 4.634 người chết, chủ yếu ở Vũ Hán, thủ phủ Hồ Bắc đã bị phong tỏa 76 ngày và nay chỉ còn vài ca ngoại nhập. 

Trước 3.000 người tham dự, Tập Cận Bình trao huân chương nhà nước cho giáo sư nổi tiếng Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan). Ba người khác được gọi là "anh hùng nhân dân" : Zhang Boli, người quảng bá sử dụng đông dược chống virus, Zhang Dingyu, giám đốc bệnh viện Jinyintan ở Vũ Hán, và nhà khoa học quân đội Chen Wei. Ngoài ra có 1.499 người, 500 cơ quan, 186 đảng viên, 150 cơ sở đảng được khen thưởng, trong đó có 14 người đã qua đời - nhưng không có tên bác sĩ Lý Văn Lượng, người đã lên tiếng cảnh báo đại dịch. 

Nhưng thực ra chính Đảng cộng sản Trung Quốc và tổng bí thư Tập Cận Bình được vinh danh, bài diễn văn của ông Tập chiếm mất phân nửa buổi lễ. Theo Tập Cận Bình, đảng cộng sản nhờ "sự chỉ đạo kiên quyết" đã đoàn kết được nhân dân "đạt đến một chiến thắng oai hùng mới". Hơn bao giờ hết, theo lời lẽ của nhà lãnh đạo, đảng cộng sản và nhân dân không thể tách rời. "Trung Quốc đã hoàn thành các nghĩa vụ quốc tế", "góp phần vào việc cứu vớt hàng triệu mạng sống trên thế giới".

Tác giả "Vũ Hán, thành phố phong tỏa"bị thóa mạ

Tuy nhiên Libération trong bài viết giới thiệu sách "Vũ Hán, thành phố bị phong tỏa" của Phương Phương (Fang Fang) cho rằng đây là một cú sốc đáng xấu hổ.

Trong cuốn nhật ký này, nhà văn nữ kể lại nỗi đau của người dân Vũ Hán. Ngay từ những ngày đầu tiên, bà đã cảm thấy đại họa đang diễn ra. Bà viết : "Tôi chỉ hy vọng chúng ta có thể nhớ về những cái chết vô lý này, những ngày đau khổ và những đêm buồn thảm. Chúng ta cần phải đấu tranh để đòi cho được công lý, buộc những kẻ đã phạm sai sót, thụ động và vô trách nhiệm phải chịu trách nhiệm. Nếu không, làm thế nào xứng đáng được với những người đã chết ? Họ đã từng xây dựng và yêu mến Vũ Hán như chúng ta, và giờ đây họ được mang đi trong những bao đựng xác".

Dù Phương Phương mô tả cả mặt tốt lẫn mặt xấu của Vũ Hán trong đại dịch với giọng điệu trung dung, nhưng bà vẫn trở thành mục tiêu bị phe dân tộc chủ nghĩa thóa mạ như thời cách mạng văn hóa. Phương Phương tuyên bố "không sợ" và bà giữ lời hứa, với việc xuất bản cuốn nhật ký Vũ Hán bằng nhiều ngoại ngữ.

Belarus : Các khuôn mặt đối lập hàng đầu bị tống giam hoặc buộc lưu vong

Tại Châu Âu, Le Figaro, La Croix và Le Monde chú ý đến tình hình Belarus qua các bài viết "Lukashenko trảm tướng của phe đối lập Belarus", "Nhà đối lập Belarus từ chối bị buộc đi lưu vong", "Ở Belarus, chế độ một mình đối mặt với đường phố". 

Một nhân vật đối lập xé bỏ hộ chiếu để không bị trục xuất khỏi đất nước mình. Hình ảnh can đảm và đầy ấn tượng này được các nhân chứng chứng kiến hôm thứ Hai 07/09. Bà Maria Kolesnikova, 38 tuổi, người duy nhất trong bộ ba phụ nữ thủ lãnh còn ở lại Belarus đang đi bộ ở trung tâm thành phố Minsk thì bị những người mặc thường phục, áo trùm đầu, đẩy lên một chiếc xe bán tải. 

Không còn liên lạc được với Kolesnikova qua điện thoại, hai người thân cận đến nhà bà liền bị KGB phục sẵn tóm lấy. Cả ba bị đưa về phía biên giới Ukraine, nhưng trước khi vào lãnh thổ nước láng giềng, bà Kolesnikova bất ngờ xé passport và tẩu thoát khỏi xe bằng cửa sổ. Hiện bà bị giam giữ tại Minsk.

Hội đồng Điều phối của đối lập Belarus có 7 người, giờ chỉ còn một mình giải Nobel văn chương Svetlana Aleksievitch còn được tự do. Nhà hoạt động nghiệp đoàn Serguei Dilevski và luật gia Lilia Vlassova đều bị bỏ tù. Olga Kovalkova, cố vấn của ứng cử viên Svetlana Tikhanovskaia bị trục xuất sang Ba Lan, nơi cựu bộ trưởng văn hóa Pavel Latushka đang lưu vong. Luật sư Maxime Znak và bà Maria Kolesnikova, nhạc sĩ cũng vừa bị bắt một cách thô bạo như đã nói ở trên. 

Mọi cái nhìn nay đều hướng nhà văn nổi tiếng Svetlana Aleksievitch. Sáng hôm qua 09/09, bà gọi cho các nhà báo, lo sợ sẽ bị bắt vì thấy các công an mặc thường phục xuất hiện tại tòa nhà nơi bà cư ngụ. Sáu đại sứ các nước Liên Hiệp Châu Âu (Đức, Ba Lan, Thụy Điển, Cộng hòa Czech, Litva, Slovakia) liền đến tận tư gia để bày tỏ sự ủng hộ. 

Theo các nhà quan sát, dù những khuôn mặt nổi bật bị bắt, bị trục xuất, nhưng phong trào phản kháng Belarus vẫn sẽ tiếp diễn vì mang tính chất phi tập trung, những lời kêu gọi biểu tình đôi khi được đưa ra vào phút chót và được nhanh chóng phổ biến trên mạng xã hội Telegram.

Nga-Châu Âu : Cuộc chiến tranh lạnh không quy tắc

Về quan hệ giữa Nga với Châu Âu, tác giả Sylvie Kauffmann trên Le Monde cho rằng đang diễn ra "Một cuộc chiến tranh lạnh không quy tắc".

Sự xúc động về vụ đầu độc nhà đối lập Alexei Navalny liệu có quá lớn, trong khi Châu Âu liên tục đối mặt với những dối trá của Moskva từ 20 năm qua ? Tác giả kể ra một danh sách dài : Vụ ám sát nhà đối lập hàng đầu Boris Nemsov, oanh kích các bệnh viện dân sự ở Syria, bắn hạ chiếc máy bay MH17 của Malaysia Airlines khiến gần 300 người thiệt mạng, đội quân không quân hiệu tấn công Ukraine, lính đánh thuê Wagner ở Lybia, đầu độc cựu điệp viên Skripal cũng bằng Novichok… mà Moskva đều chối phăng. Như vậy Đức và Pháp có yêu cầu Nga làm rõ làm gì, vì sẽ chỉ nhận được những lời giải thích không thỏa đáng mà thôi ?

Le Monde cho rằng Berlin và Paris lên tiếng để cho đúng thủ tục và có thì giờ chuẩn bị cho việc trả đũa của Liên Hiệp Châu Âu. Đó là vì vụ Navalny diễn ra trong bối cảnh đặc thù. Trước hết tại Nga, ông Vladimir Putin đối mặt với một loạt các cuộc khủng hoảng : làn sóng phản kháng chưa từng thấy ở Khabarovs, nền kinh tế đang xuống dốc, chỉ số tín nhiệm giảm sút trước cuộc bầu cử địa phương ngày 13/09, trong khi tổng thống Nga chuẩn bị "cải cách Hiến Pháp"để có thể tại vị đến tận năm 2036. Cuộc nổi dậy của người dân nước láng giềng Belarus rơi vào thời điểm bất lợi cho ông chủ điện Kremlin, không muốn phải xử lý thêm một cuộc khủng hoảng nữa, và cũng không ưa việc "gợi ý"cho cử tri Nga.

Ai đã ra lệnh trừ khử Alexei Navalny, người khởi động chiến dịch chống tham nhũng và khuyến cáo cử tri không bầu cho đảng cầm quyền ? Có thể chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được, với hệ thống đảng trị kín như bưng kiểu Xô-Viết. Theo nhà phân tích Andrei Kolesnikov, Viện Carnegie ở Moskva : "Đây là một cuộc chiến tranh lạnh mới nhưng không theo quy tắc nào cả".

Tác giả nhận định, đây là một thử nghiệm về sự chín chắn của Châu Âu, hiện đang cô đơn hơn bao giờ hết trước Nga vì sự vắng mặt của Hoa Kỳ, ngược với cuộc khủng hoảng Ukraine cách đây sáu năm. Tổng thống Donald Trump đang tập trung vào bầu cử, và sở dĩ Washington ký tên vào thông cáo của các ngoại trưởng G7 về vụ Navalny hôm thứ Ba 08/09 là nhờ Pháp và Đức vận động.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 594 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)