Bộ Tứ khẳng định tăng cường hợp tác ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, đối phó với Trung Quốc
RFI, 07/10/2020
Theo trang tin Ấn Độ Businessinsider.in, hôm 06/10/2020, trong cuộc họp tại Tokyo, Nhật Bản, các ngoại trưởng các nước Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và Hoa Kỳ đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác để Ấn Độ-Thái Bình Dương thành khu vực tự do và rộng mở trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng lấn lướt trong khu vực chiến lược.
Cùng sự tham dự của thủ tướng Nhật Yoshihide, ngoại trưởng các nước Bộ Tứ (Quad), khẳng định tăng cường hợp tác vì một trật tự quốc tế tự do rộng mở dựa trên luật pháp quốc tế, bảo đảm hòa bình và ổn định trong khu vực, thông cáo của chính phủ Nhật cho biết.
Cuộc họp ngoại trưởng Quad, theo sáng kiến của Nhật, diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra hung hăng về mặt quân sự trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Trong các phát biểu tại cuộc họp, dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng ngoại trưởng các nước đều nhấn mạnh đến khía cạnh hòa bình và ổn định trong khu vực đang bị đe dọa, cần phải tăng cường hợp tác mạnh mẽ hơn nữa trong khu vực để bảo đảm các quyền tự do lưu thông hàng hải, tôn trọng toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và giải quyết các tranh chấp bằng con đường ngoại giao.
Trang tin Ấn Độ nhắc lại, Trung Quốc là nước có tranh chấp với nhiều láng giềng trong khu vực, từ biển Hoa Đông, xuống Biển Đông, qua đến biên giới trên bộ với Ấn Độ. Không chỉ tỏ rõ ý đồ bành trướng mà Bắc Kinh còn ngày càng có những hành vi ngang ngược, chèn ép các nước có tranh chấp lãnh thổ.
Tuy nhiên các nước Bộ Tứ không đưa ra tuyên bố chung nào sau cuộc họp.
Hôm nay (07/09), theo Reuters, vẫn tại Tokyo ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Úc Marise Payne đã thảo luận về quan hệ đối tác đặc biệt, đồng ý mở rộng hợp tác an ninh sâu rộng hơn nữa trong điều kiện khu vực có nhiều "vấn đề mới".
Ngoại trưởng Nhật sau đó đã gặp đồng nhiệm Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và tuyên bố Tokyo tiếp tục coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ.
Anh Vũ
*******************
Đài Loan tố cáo Trung Quốc gia tăng áp lực quân sự để thay đổi nguyên trạng
RFI, 06/10/2020
Quân đội Đài Loan đã gia tăng gấp đôi các phi vụ ngăn chặn máy bay Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm nay so với 2019. An ninh hải đảo bị đe dọa nghiêm trọng trước áp lực quân sự của Hoa lục, theo bản báo cáo của Bộ Quốc phòng.
Trong những tuần lễ vừa qua, máy bay quân sự Trung Quốc liên tục vượt qua đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan, được xem là vùng trái độn chính thức giữa hải đảo và Hoa lục, cũng như nhiều lần xâm nhập vùng nhận dạng phòng không ở phía tây nam Đài Loan.
Một bản báo cáo của Bộ Quốc phòng trình Quốc Hội Đài Loan cho biết, từ đầu năm đến nay, không quân Đài Loan đã phải can thiệp 4.132 lần để ngăn chặn máy bay Trung Quốc, tăng 129% so với toàn năm 2019.
Theo lược thuật của Reuters, Bộ Quốc phòng Đài Loan tố cáo Bắc Kinh sử dụng sức mạnh quân sự với ba mục tiêu : Tìm cách làm thay đổi "nguyên trạng" trong eo biển Đài Loan, trắc nghiệm khả năng ứng phó của quân đội hải đảo và thu hẹp không gian hoạt động của Đài Loan.
Bản báo cáo thẩm định, chiến lược phát triển sức mạnh của quân đội Hoa lục được tiến hành song song với các hoạt động quân sự nhắm vào Đài Loan.
Cũng theo Reuteurs, với dân số vỏn vẹn 23 triệu người, chính phủ Đài Bắc tiến hành một chương trình hiện đại hóa quân đội để các binh chủng của hải đảo linh động hơn, khó bị phát hiện và tấn công.
Theo nhận định của thứ trưởng quốc phòng Đài Loan, tướng Trương Quan Quần (Chang Guan Chung), trong một cuộc hội thảo về an ninh quốc phòng Mỹ-Đài Loan vào ngày 05/10/2020, Trung Quốc đang gia tăng "tập luyện tấn công Đài Loan một cách thực tế".
Nhưng vị tướng ba sao này cho biết thêm là Đài Loan có một hệ thống phòng thủ đa hiệu với các đặc tính lợi hại : nhỏ nhưng rất nhiều, thông minh, tàng hình, cơ động, ít tốn kém, bền bỉ, hiệu quả, phát huy dễ dàng, bảo trì đơn giản và che mắt được đối phương.
Thứ trưởng Trương Quan Quần kêu gọi Hoa Kỳ, ngoài các hợp đồng vũ khí, cần hợp tác chặt chẽ hơn Đài Loan trong nỗ lực đào tạo, tham mưu, thẩm định các khả năng, hợp tác tình báo và vũ khí…
Tú Anh
**********************
Ấn Độ - Mỹ thắt chặt hợp tác quân sự
RFI, 05/10/2020
Ấn Độ và Hoa Kỳ có các cuộc gặp song phương dồn dập trong tháng 10/2020, đặc biệt là đối thoại 2+2 lần thứ ba, giữa bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước, dự kiến diễn ra ngày 26 và 27/10. Chính quyền New Delhi sẵn sàng ký Thỏa thuận Hợp tác và Trao đổi Cơ bản (Basic Exchange and Cooperation Agreement, BECA) nhân dịp này.
Ngày 06/10, ngoại trưởng Ấn Độ và Mỹ tham gia hội nghị "Bộ Tứ" (Quad) tại Tokyo với trọng tâm là Trung Quốc. Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Stephen Biegun dự kiến đến New Delhi vào giữa tháng 10 để tăng cường các thỏa thuận hợp tác song phương. Và tại đối thoại 2+2 trong hai ngày 26-27/10, Ấn Độ và Hoa Kỳ sẽ ký thỏa thuận BECA liên quan đến hợp tác địa-không gian.
Theo trang Hindustan Times ngày 05/10, việc ký kết BECA là bước phát triển quan trọng, cho phép Ấn Độ sử dụng bản đồ không gian địa lý toàn cầu của Mỹ để đánh giá độ chính xác của các loại vũ khí tầm xa như tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. BECA là thỏa thuận cuối cùng trong số bốn thỏa thuận thiết lập liên lạc quân sự và cho phép Ấn Độ mua máy bay không người lái của Mỹ, như MQ-9B sử dụng dữ liệu không gian để tấn công mục tiêu của kẻ thù.
Đối thoại 2+2 Ấn-Mỹ diễn ra vào đúng lúc đảng Cộng Sản Trung Quốc tổ chức hội nghị với 370 thành viên Ban Chấp Hành Trung Ương và tổng bí thư kiêm chủ tịch Tập Cận Bình để xem xét những quyết định chính trị quan trọng, cũng như kế hoạch 5 năm sắp tới.
Ấn Độ khánh thành đường hầm giúp giảm thời gian điều quân lên Ladakh
Ấn Độ và Trung Quốc đang căng thẳng tại biên giới ở cao nguyên Ladakh, với nhiều cuộc ẩu đả chết người giữa quân đội hai bên. Ngày 03/10, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, cùng nhiều quan chức chính phủ, đã khánh thành đường hầm Atal, dài 9,02 km, nằm trên độ cao hơn 3.000 mét ở bang Himachal Pradesh, giúp khẩn trương điều quân lên vùng biên giới đang có tranh chấp với Trung Quốc.
Theo AFP, đường hầm Atal, có tổng chi phí 400 triệu đô la, nằm trên một trong hai trục đường duy nhất dẫn đến vùng biên giới Ladakh và có vai trò quan trọng trong chương trình cơ sở hạ tầng chiến lược của Ấn Độ.
Trang Global Times, cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc, không phủ nhận tầm quan trọng trong thời bình của đường hầm này đối với Ấn Độ, nhưng cảnh báo là công trình "sẽ không có lợi ích nào trong thời chiến, đặc biệt là nếu xảy ra xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc" vì quân đội Trung Quốc "có khả năng vô hiệu hóa đường hầm này".
Thu Hằng
********************
Nhật Bản phản đối Trung Quốc lập trang web về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư
RFI, 05/10/2020
Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên trang web diaoyudao.org.cn mới được lập. Ngày 05/10/202, Tokyo đã phản đối "bảo tàng số" về quần đảo mà Nhật Bản kiểm soát và quốc hữu hóa.
"Bảo tàng trên mạng" của Trung Quốc hoạt động từ ngày 03/10 để trưng bày những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh đối với quần đảo không có dân cư, ở biển Hoa Đông. Theo Tân Hoa Xã, trang web trên giúp "khán giả hiểu hơn về sự thực không thể chối cãi là quần đảo Điếu Ngư (Diaoyu, tên gọi theo tiếng Hoa) là một phần lãnh thổ gắn liền với Trung Quốc".
Theo hãng tin Kyodo, ông Katsunobu Kato, chánh văn phòng chính phủ Nhật Bản, trong buổi họp báo ngày 05/10, đã bác bỏ những thông tin trên trang web Trung Quốc và khẳng định : "Quần đảo Senkaku được lịch sử công nhận, chiểu theo luật pháp quốc tế là một phần của lãnh thổ Nhật Bản và chúng tôi (Nhật Bản) duy trì kiểm tra hiệu quả đối với quần đảo này".
Thông qua con đường ngoại giao, Tokyo đã yêu cầu Bắc Kinh xóa trang web này vì đây là hành động vi phạm chủ quyền của Nhật Bản. Hiện tại, trang web mới chỉ có phiên bản tiếng Trung Quốc, nhưng sẽ được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác, như tiếng Anh, Nhật và Pháp.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là chủ đề tranh chấp giữa hai nước từ nhiều năm nay. Tokyo hiện kiểm soát quần đảo, nhưng Bắc Kinh cũng đòi chủ quyền và thường xuyên điều tầu hải cảnh đến khu vực này.
Thu Hằng
**********************
Việt Nam tố cáo Trung Quốc tập trận ở Biển Đông đe dọa đàm phán COC
RFI, 02/10/2020
Kể từ đầu tuần, Bắc Kinh đã bắt đầu 5 cuộc tập trận đồng thời trên vùng biển bao quanh Trung Quốc, trong đó có hai cuộc gần quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông. Vào hôm qua, 01/10/2020, Việt Nam chính thức phản đối và cho rằng hành động tập trận của Bắc Kinh sẽ gây tổn hại cho các đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về một Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông (COC).
Trong cuộc họp báo thường kỳ tại Hà Nội, phát ngôn viên bộ ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã lên án hành động của Trung Quốc và yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đối với phát ngôn viên bộ ngoại giao Việt Nam, các cuộc tập trận của Trung Quốc ở Hoàng Sa không những trái với tinh thần của bản Tuyên Bố về Cách Ứng Xử của các bên tại Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), mà còn "không có lợi cho đàm phán COC", tức Bộ Quy Tắc Ứng Xử về Biển Đông. Bà Lê Thị Thu Hằng nhắc lại rằng việc khởi động lại các cuộc đàm phán về COC, sau một thời gian dài bị đình chỉ vì dịch Covid-19, đang là ưu tiên của khối ASEAN và Trung Quốc.
Theo hãng tin Anh Reuters, COC là một mục tiêu mà cả ASEAN lẫn Trung Quốc đều nêu lên từ gần hai chục năm nay, nhưng giới chuyên gia an ninh khu vực đã đặt nghi vấn về thực tâm của Trung Quốc, cũng như rất hoài nghi về việc các bên đạt được một thỏa thuận có tính ràng buộc về pháp lý.
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã lợi dụng tình hình các láng giềng phải lo chống dịch Covid-19 để tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông và liên tục tổ chức các cuộc tập trận tại các khu vực mà họ đòi chủ quyền. Hoa Kỳ đã cáo buộc Trung Quốc bắt nạt các nước láng giềng, trong khi Bắc Kinh nói rằng Washington và các đồng minh phương Tây đã đe dọa an ninh khi gửi tàu hải quân đến khu vực.
Về phần mình, tháng 8 vừa qua, Việt Nam đã tố cáo sự hiện diện của oanh tạc cơ Trung Quốc ở Hoàng Sa, xem đấy là điều "gây nguy hiểm cho hòa bình".
Trong cuộc họp báo hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã tuyên bố hoan nghênh lập trường của Anh, Đức, Pháp, thể hiện trong công hàm gởi lên Liên Hiệp Quốc ngày 16/09 vừa qua, bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Mai Vân