Thái Lan : Tình trạng khẩn cấp được ban hành tại Bangkok để đối phó với biểu tình
Trọng Nghĩa, RFI, 15/10/2020
Thông tín viên RFI tại Bangkok, Carol Isoux, tường thuật :
Những vụ tụ tập quá năm người đều bị cấm, truyền thông được kêu gọi không đăng tải thông tin có thể phương hại đến đoàn kết dân tộc, hàng ngàn cảnh sát đã ập vào lều trại của những người biểu tình vào sáng sớm hôm nay, nơi họ đã qua đêm với ý định ở lại trong vài ngày. Lực lượng an ninh đã trục xuất người biểu tình ra khỏi hiện trường và bắt giữ một số người cầm đầu.
Theo thủ tướng Thái Lan, tình trạng khẩn cấp là điều chính đáng, đặc biệt là do thái độ của những người biểu tình trước đoàn xe hoàng gia ngày hôm qua. Họ đã chào Quốc Vương bằng kiểu chào ba ngón tay giơ lên, dấu hiệu tập hợp của các sinh viên, thay vì hành lễ như thường thấy nơi người Thái khi đến gần nhà vua của họ.
Đối với thủ tướng Thái Lan, đây là một vấn đề an ninh quốc gia. Tuy nhiên, những người biểu tình dường như không lùi bước, họ kêu gọi một cuộc biểu tình vào cuối ngày ở khu kinh doanh Rajaprasong, nơi từng bị những người Áo Đỏ, một phong trào xã hội trước đây, chiếm lĩnh trong nhiều tháng vào năm 2010, trước khi bị quân đội đàn áp dữ dội.
Trọng Nghĩa
********************
Thái Lan : Hai phe chống chính quyền và phe bảo hoàng cùng biểu tình ở Bangkok
Mai Vân, RFI, 14/10/2020
Những người chống chính phủ Thái Lan và những người bảo hoàng ủng hộ Quốc Vương Maha Vajiralongkorn đã đối mặt nhau ở hai bên đường phố Bangkok vào hôm nay 14/10/2020, trong bối cảnh căng thẳng chính trị gia tăng sau ba tháng biểu tình.
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, tại Đài Tưởng Niệm Dân chủ ở thủ đô Thái Lan, hàng trăm người đã tập hợp để tiếp tục kêu gọi soạn thảo một Hiến Pháp mới và yêu cầu thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức. Họ giơ ba ngón tay lên chào nhau, kiểu chào đặc trưng của phong trào phản đối chính quyền
Chỉ cách đó vài chục mét, hàng trăm người thuộc phe bảo hoàng cũng tập trung lại cùng với các thành viên của lực lượng an ninh - tất cả đều mặc màu vàng biểu tượng của hoàng gia - vài giờ trước khi một đoàn xe hoàng gia chạy qua.
Mặc dù chỉ có một cuộc ấu đả nhỏ, vì đám đông hai phe đứng cách xa nhau, nhưng tình trạng đối đầu đã làm dấy lên lo ngại tình hình có thể trở thành hỗn loạn ở một quốc gia đã hứng chịu một thập kỷ bạo lực đường phố giữa những người ủng hộ và những người phản đối chính phủ trước cuộc đảo chính năm 2014.
Buddha Issara, một người lãnh đạo phe bảo hoàng cho biết, những người biểu tình có thể yêu cầu dân chủ, nhưng không được đòi cải cách chế độ quân chủ, như một số người đã làm. Tuyên bố với các phóng viên, nhân vật này cho rằng "không được đụng vào định chế hoàng gia… Chúng tôi cũng sẽ không chấp nhận bất kỳ tiếng la ó nào hoặc cách chào bằng cách giơ ba hoặc bốn ngón tay khi đoàn xe đi qua".
Vào hôm qua, trong một động thái thách thức hiếm hoi, người biểu tình đã hô vang các khẩu hiệu chống chính quyền khi đoàn xe của nhà vua đi qua, sau khi 21 nhà đấu tranh bị bắt trong một vụ xô xát với cảnh sát. Theo cảnh sát, những người bị giam giữ sẽ bị buộc tội vi phạm trật tự công cộng.
Các cuộc biểu tình đã trở thành thách thức lớn nhất trong nhiều năm đối với hệ thống cầm quyền do quân đội và hoàng cung thống trị.
Các cuộc biểu tình của phe bảo hoàng tại Thái Lan thường có quy mô nhỏ, so với hàng chục nghìn người đã tham gia cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất vào tháng 9. Tuy nhiên, cuộc tập hợp những người này vào hôm nay lớn hơn nhiều.
Prajak Kongkirati, một giáo sư luật tại Đại học Thammasat cho biết : "Giới quyền thế ở Thái Lan đang chơi một trò rất nguy hiểm, huy động lực lượng an ninh Nhà nước và các nhóm cực đoan bảo hoàng để đối đầu với những người biểu tình ủng hộ dân chủ".
Mai Vân