Campuchia kêu gọi Mỹ ngưng trục xuất tội phạm (RFA, 27/04/2017)
Thủ tướng Hun Sen của Campuchia vào ngày 27 tháng tư lên tiếng kêu gọi Hoa Kỳ ngưng cưỡng bức những tội phạm gốc Campuchia về Xứ Chùa Tháp.
Cảnh sát di trú Mỹ bắt cư dân bất hợp pháp tại Los Angeles, California hôm 11/2/2017. AFP photo
Người nắm quyền tại đất nước Campuchia hơn ba thập niên qua cho rằng nước Mỹ quá khôn chỉ giữ người tốt mà cho trục xuất tội phạm về lại Xứ Chùa Tháp. Đồng thời thủ tướng Hun Sen còn bày tỏ hy vọng Hoa Kỳ là xứ xở nhân quyền sẽ chấp thuận đề nghị sửa đổi thỏa thuận giữa hai phía, tạo cơ hội cho những tội phạm Campuchia tại Mỹ có cơ hội được ở lại cùng gia đình của họ tại đó.
Phát biểu của thủ tướng Hun Sen được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Campuchia vào đầu tuần này cho biết muốn được thương thảo lại thỏa thuận giữa hai nước ký kết đã 15 năm rồi về việc trục xuất công dân của đôi bên.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Campuchia cho rằng thỏa thuận đó bị cộng đồng người Campuchia cả ở Xứ Chùa Tháp và ở Mỹ chỉ trích cho rằng cưỡng bức hồi hương là ‘hình phạt hai lần’.
Một phát ngôn nhân Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Phnom Penh cũng thừa nhận có được phía chính quyền sở tại thông báo về ý muốn sửa đổi thỏa thuận liên quan đã ký.
Cho đến nay có hơn 500 phạm nhân gốc Campuchia ở Mỹ bị trả về Xứ Chùa Tháp. Tin nói trong số này có nhiều người lớn lên tại Hoa Kỳ và khi về lại Campuchia không thể nói được tiếng địa phương.
*****************
Chuyện biển Đông tại thượng đỉnh ASEAN 2017 (RFA, 26/04/2017)
Thượng đỉnh các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra từ ngày 26 đến 29 tháng 4 tại Manila, Philippines được trông đợi là sẽ đề cập đến vấn đề tranh chấp ở biển Đông giữa Trung Quốc và những nước láng giềng.
Biểu tượng ASEAN bên ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc tế Philippines, Manila. Ảnh chụp ngày 25/4/2017. AFP photo
Quyền Ngoại trưởng Philippines, ông Enrique Manalo mới đây nói với tờ South China Morning Post rằng những tranh chấp ở khu vực biển Đông sẽ được đưa ra bàn thảo giữa 10 nước thành viên ASEAN tại thượng đỉnh ASEAN nhưng ông cũng đồng thời nhấn mạnh những thảo luận này sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines.
Không làm xấu quan hệ với Trung Quốc
Tờ South China Morning Post trích lời ông Manalo nói rằng Philippines sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hoặc ít nhất là điều tiết những căng thẳng và tranh chấp một cách hòa bình và qua những phương cách ngoại giao. Philippines nhìn nhận còn tồn tại những khác biệt, nhưng điều này không có nghĩa là mối quan hệ tổng thể sẽ bị ảnh hưởng bởi vì Philippines và Trung Quốc cũng có quan hệ kinh tế và trao đổi giữa người dân hai nước tốt đẹp.
Mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc đã từng có thời gian căng thẳng dưới thời của Tổng thống Benigno Aquino mà đỉnh điểm là việc Philippines đệ đơn lên tòa Trọng tài Quốc tế ở The Hague đòi hỏi làm rõ những yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông. Vào tháng 7 năm 2016, tòa Trọng tại Quốc tế ra phán quyết có lợi cho Philippines và bác bỏ yêu sách về đường chín đoạn hay còn gọi là đường lười bò của Trung Quốc ở biển Đông. Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng sau phán quyết này Philippines và những nước đang có tranh chấp khác với Trung Quốc ở khu vực biển Đông sẽ gây sức ép lên Trung Quốc bất chấp việc Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ phán quyết của tòa.
Tuy nhiên kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền vào hồi giữa năm ngoái, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đã cải thiện rõ ràng. Tổng thống Duterte cũng tuyên bố sẵn lòng bỏ phán quyết của tòa sang một bên khi đàm phán với Trung Quốc. Tổng thống Duterte cũng nói nhiều lần là ông muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc, trong khi chỉ trích Hoa Kỳ, nước đồng minh lâu năm của Philippines. Giáo sư Renato Cruz de Castro, chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc trường đại học De La Salle, Philippines cho biết :
Kế hoạch của Tổng thống Duterte là quay trở lại giống như dưới thời của Tổng thống Gloria Arroyo. Nhưng thời đó, Tổng thống Arroyo chơi một trò chơi mà tôi gọi là trò chơi cân bằng. Theo cách này, Philippines tìm một điểm trung gian giữa hai cường quốc đang cạnh tranh với nhau, đó là Mỹ và Trung Quốc. Cơ bản mà nói thì đây giống như một cách thí quân mở đường theo cách ngoại giao.
Tổng thống Arroyo vào đầu những năm 90 cho thấy là bà ủng hộ Mỹ trong trận chiến chống khủng bố và đã có được những hỗ trợ từ Mỹ. Cùng lúc đó bà mở ra các cơ hội để hợp tác phát triển chung với Trung Quốc. Bà đã ký thỏa thuận này với Trung Quốc. Theo tôi kế hoạch của Tổng thống Duterte là quay trở lại tình trạng đó. Theo đó thì Philippines là một nước nhỏ, lợi dụng sự cạnh tranh giữa các cường quốc.
Vào tháng 5 tới đây, Philippines và Trung Quốc sẽ bắt đầu những đàm phán song phương chính thức về vấn đề biển Đông. Theo ông Manalo, vấn đề chính được bàn thảo giữa hai nước sẽ bao gồm những vấn đề kỹ thuật ở mức cấp cao. Ông đánh giá đây là cơ hội tốt cho phía Philippines để nêu ra những vấn đề với Trung Quốc và môi trường cũng thuận tiện để hai phía có thể nói chuyện và giải quyết những khác biệt một cách hòa bình.
Gần đây Trung Quốc cũng đã cho phép các ngư dân Philippines trở lại đánh bắt cá trong khu vực bãi cạn Scaborough Shoal mà nước này chiếm của Philippines từ năm 2012.
Tổng thống Duterte mới đây cũng lên tiếng cho biết ông đang xem xét đến việc hợp tác với Trung Quốc để cùng khai thác tài nguyên thiên nhiên ở khu vực tranh chấp.
Căng thẳng có thể tiếp tục
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (phải) bắt tay Phó Chủ tịch Trung Quốc Wang Yang (trái) tại thành phố Davao, Philippines hôm 17 tháng 3 năm 2017. AFP photo
Quyền Ngoại trưởng Philippines cũng nói với tờ South China Morning Post rằng Philippines sẽ tập trung vào việc xây dựng một bộ khung cho Bộ Quy tắc về Ứng xử của các bên ở biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (gọi tắt là COC). Phía Philippines hy vọng COC sẽ hoàn tất trong tháng tới và được các nước chấp thuận trong năm nay.
Tuy nhiên, đã có những nghi ngờ về khả năng COC có thể được thông qua như Philippines mong đợi. Giáo sư Renato Cruz de Castro nhận xét :
Tôi rất nghi ngờ khả năng COC có thể được hoàn tất vào năm nay. Indonesia đã cố gắng thực hiện điều này, Việt Nam đã cố gắng, Campuchia ở chừng mực nào đó cũng có cố gắng. Với tình hình thực tế mà Philippines đang có thì Philippines đang tìm cách duy trì mối quan hệ mới tốt đẹp với Trung Quốc. Nhưng mặt khác Philippines cũng phải đối mặt với lập trường cứng rắn từ Trung Quốc muốn xây dựng các cơ sở quân sự ở biển Đông. Tình hình này đặt Philippines vào một vị trí rất khó xoay xở liệu Philippines có thể đưa ra được một COC có tính ràng buộc hay không và do đó có thể khiến Trung Quốc tức giận. Cho nên tôi nghĩ cam kết đó của Philippines cũng nên được coi là hơi quá mức.
Vào tháng 2 vừa qua, tại hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN diễn ra tại Philippines, các nước ASEAN đã thống nhất lên tiếng bày tỏ quan ngại trước các hoạt động quân sự hóa ở biển Đông. Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay vào lúc đó nói rằng việc phi quân sự hóa sẽ là yếu tố then chốt trong bất kỳ một COC nào đạt được giữa ASEAN và Trung Quốc, nhưng còn quá sớm để có thể nói rằng liệu việc Bắc Kinh tháo gỡ các vũ khí lắp đặt trong khu vực có phải là điều kiện tiên quyết cho việc hình thành COC hay không.
Theo một báo cáo vào hồi cuối tháng 3 của Minh Bạch Hàng Hải thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế (CSIS) tại Washington DC, Trung Quốc hiện đã gần hoàn tất việc xây dựng ba đường băng để đáp máy bay chiến đấu ở Trường Sa, cho phép nước này có thể triển khai các máy bay chiến đấu và vũ khí quân sự khác ra khu vực tranh chấp khi cần.
Hồi đầu tháng này Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cùng một số quan chức quốc phòng cấp cao khác đến các đảo do nước này kiểm soát ở biển Đông trong nỗ lực khẳng định chủ quyền của Philippines. Ngay trước khi những chiếc máy bay quân sự của Philippines đến đảo Thị Tứ mà cả Trung Quốc, Việt nam và Đài Loan đều đòi chủ quyền, phía Trung Quốc đã gửi tín hiệu phát thanh cảnh báo máy bay của Philippines đang đi vào khu vực ngoại vi của các cơ sở do Trung Quốc kiêm soát và yêu cầu máy bay của Philippines phải ra khỏi khu vực này. Phía Việt Nam sau đó cũng lên tiếng phản đối chuyến thăm mà họ cho là phi pháp của giới chức Philippines đến Trường Sa.
Nhận xét với tờ South China Morning Post, chuyên gia Aileen Baviera thuộc trường đại học Phiippines ở Manila cho rằng mặc dù chính phủ của Tổng thống Duterte đang tích cực tham gia đối thoại song phương với phía Trung Quốc để cải thiện môi trường chính trị nhưng ông Duterte không bỏ hẳn phán quyết của tòa Trọng tài quốc tế sang bên một cách vĩnh viễn.
Việt Hà, phóng viên RFA
*************************
Indonesia : ASEAN nên có lập trường chung về Biển Đông trước khi nói chuyện với Trung Quốc (RFI, 27/04/2017)
ASEAN nên giải quyết "ngay lập tức" các tranh chấp Biển Đông trước khi diễn ra thượng đỉnh của khối này. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã phát biểu như trên khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình Philippines ANC.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo trước dinh tổng thống ở Jakarta, ngày 29/03/2017Reuters
Trong một cuộc phỏng vấn được kênh truyền hình ANC phát sóng hôm nay 27/04/2017, tổng thống Joko Widodo cho rằng Hiệp hội các Quốc Gia Đông Nam Á cần có một "thỏa thuận chung" về các tranh chấp trên Biển Đông trước khi đàm phán với Trung Quốc.
Ông nói : "Biển Đông là một trong những hồ sơ cần được giải quyết ngay lập tức. Trong những lần thượng đỉnh trước, giữa các thành viên trong khối vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng. Tôi cho là chúng ta nên có một quan điểm chung".
Vẫn theo tổng thống Indonesia, "điều quan trọng nhất là trong nội bộ ASEAN nên có một sự đồng thuận với nhau về vấn đề này, khi đó và chỉ khi đó, chúng ta mới có thể nói chuyện với Trung Quốc".
Bộ Quy Tắc Ứng Xử sẽ phải làm cơ sở cho các hoạt động chung trên Biển Đông, bao gồm cả các hoạt động khai thác và đánh bắt. Do vậy, theo nguyên thủ Indonesia, Bộ Quy Tắc này phải cụ thể, thực tế và rất quan trọng.
Minh Anh
*******************
Tổng thống Philippines : Không có hy vọng chống lại Trung Quốc ở Biển Đông (RFI, 27/04/2017)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đón quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah tại Manila, ngày 27/04/2017. NOEL CELIS / AFP
Hôm nay, 27/04/2017, tổng thống Philippines, nước làm chủ tịch luân phiên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), nói rằng không thể chống lại việc Trung Quốc bồi đắp các đảo nhân tạo trong các vùng đang có tranh chấp ở Biển Đông bởi vì không thể ngăn chặn được tiến trình này.
Nguyên thủ Philippines đã có những phát biểu như vậy vào lúc ASEAN chuẩn bị họp hội nghị thượng đỉnh, bắt đầu từ ngày mai, 28/04, tại Manila. Đồng thời, ông khẳng định sẽ không tranh thủ sự kiện này để gây sức ép với Trung Quốc trước các hành động bá quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Tổng thống Philippines giải thích : Ai có thể ngăn chặn ? Chúng tôi ư ? Chỉ có Hoa Kỳ mới đủ khả năng ngăn chặn Trung Quốc trong việc này. Lẽ ra, từ nhiều năm nay, Mỹ nên dùng hải quân để ngăn chặn Trung Quốc bồi đắp các đảo nhân tạo. Thế nhưng, Hoa Kỳ đã để cho việc này xẩy ra.
Mặt khác, tổng thống Philippines cũng cho biết là sẽ không nêu các phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye về Biển Đông tại thượng đỉnh ASEAN. Ông nói : "Tôi sẽ tránh nêu phán quyết của Tòa. Đây không phải là vấn đề của ASEAN" và đó chỉ là vấn đề giữa Trung Quốc và Philippines.
Tổng thống Duterte nói là nhân dịp thượng đỉnh, ông muốn các nước ASEAN tập trung thảo luận về Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông – COC. Theo các nhà ngoại giao Philippines, thì bộ khung của COC có thể được hoàn tất vào tháng Sáu.
Giới quan sát tỏ ra thận trọng vì từ 15 năm nay, Trung Quốc đã tìm mọi cách trì hoãn các cuộc thương lượng về COC, đồng thời tranh thủ thời gian để bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo tại các nơi đang có tranh chấp ở Biển Đông.
********************
Tổng thống Philippines : Không ai dám gây sức ép lên Trung Quốc (RFA, 27/04/2017)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) bắt tay với Giám đốc sở cảnh sát quốc gia (PNP), Dela Rosa, tại trụ sở PNP hôm 17/8/2016. AFP photo
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 27 tháng tư cho biết việc thảo luận những hoạt động gây căng thẳng ngoài biển Đông của Trung Quốc tại thượng đỉnh ASEAN là không cần thiết và không ai dám gây sức ép lên Trung Quốc.
Nói với báo giới tại dinh Tổng thống sau cuộc gặp với Thủ tướng/quốc vương Brunei là ông Sultan Hassanal Bolkiah, ông Duterter còn cho biết việc thảo luận phán quyết của tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc trước kia là phí thời gian và không hợp lý vì phán quyết của tòa hoàn toàn không liên quan gì đến vấn đề chủ quyền hay quyền chủ quyền.
Philippines là nước chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm nay. Thượng đỉnh ASEAN hiện đang diễn ra tại Manila từ ngày 26 đến 29 tháng 4. Hãng tin Reuters hôm 26 tháng 4 cho biết bản thảo tuyên bố chung của thượng đỉnh mà hãng này có được sẽ không đề cập đến Trung Quốc và lời lẽ trong tuyên bố cũng nhẹ nhàng hơn khi nói đến các tranh chấp ở biển Đông.
***********************
Thượng đỉnh ASEAN : Philippines bị tố chiều ý Bắc Kinh về Biển Đông (RFI, 26/04/2017)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (P) và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqiang) trong một bức ảnh chụp chung tại thượng đỉnh ASEAN+3 tại Vientiane, Lào, 07/09/2016. REUTERS/Soe Zeya Tun
Các cuộc họp chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào cuối tuần này đã mở ra hôm nay, 26/04/2017, tại Manila dưới quyền chủ tọa của Philippines, nước làm chủ tịch luân phiên Hiệp Hội Đông Nam Á năm nay. Bản dự thảo thông cáo chung dự trù công bố cuối hội nghị đã bị cho là có lời lẽ quá "nhẹ" đối với các hành vi quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc. Nước chủ nhà bị dư luận tố là đã "chiều ý" Bắc Kinh.
Theo một bản sao bản dự thảo mà các hãng thông tấn Reuters, AP hay AFP có được, lãnh đạo 10 nước Đông Nam Á dĩ nhiên sẽ bày tỏ những "quan ngại sâu sắc" về tình hình "leo thang các hoạt động" trong khu vực Biển Đông đang tranh chấp. Vấn đề là bản dự thảo đã phớt lờ hay chỉ nói gián tiếp về nhiều điểm thiết yếu liên quan hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hãng tin Mỹ AP đã ghi nhận việc bản dự thảo không đề cập gì đến phán quyết vào năm ngoái của Tòa Trọng Tài Thường Trực bác bỏ các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Hãng Reuters thì chú ý đến việc bản dự thảo không nói đến việc Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Theo các chuyên gia được hãng tin Anh tham khảo, thì bản dự thảo lần này còn nhẹ nhàng đối với Bắc Kinh còn hơn cả bản Thông cáo chung đã được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm ngoái ở Lào.
Hãng tin Pháp AFP cũng thấy rằng văn kiện do chủ tịch ASEAN năm nay là Philippines chuẩn bị chỉ đề cập bóng gió đến việc Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo trong nhóm từ "diễn biến gần đây và leo thang các hoạt động". Tên Trung Quốc cũng không được nêu lên.
Lời lẽ nhẹ nhàng trên đây được lồng vào trong bối cảnh tổng thống Philippines Duterte đã quay ngoặt với chính sách của người tiền nhiệm, chạy theo Trung Quốc để tìm kiếm hợp đồng kinh tế, và dịu giọng hẳn với Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông.
Lập trường của ông Duterte đã tạo ra phản ứng bất bình. Cựu ngoại trưởng Alberto del Rosario vào hôm qua đã không ngần ngại lưu ý chính quyền Duterte là nên tranh thủ hội nghị ASEAN để nêu bật việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Theo ông : "Vai trò lãnh đạo của Philippines sẽ bị mất ảnh hưởng đáng kể nếu bỏ lỡ cơ hội này".
Một cựu quan chức chính quyền Philippines còn nặng lời hơn khi so sánh Philippines năm nay với Cam Bốt vào năm 2012. Phnom Penh khi đó đã bị tố cáo là ngả hẳn theo Trung Quốc và chống lại các đồng minh trong ASEAN trên vấn đề Biển Đông.
Trả lời hãng Reuters, quan chức xin giấu tên này nhận định : "Mọi chú ý đang dồn vào Philippines, và điều chờ đợi là Trung Quốc sẽ thông qua Duterte để gởi thông điệp đến ASEAN. Philippines đang hành động như là tay sai của Trung Quốc".
Trọng Nghĩa
********************
Bắc Hàn kêu gọi sự ủng hộ từ ASEAN (RFA, 27/04/2017)
Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un (giữa). AFP photo
Bắc Hàn kêu gọi sự ủng hộ của các nước Đông Nam Á giữa những căng thẳng với Hoa Kỳ, để ngăn chặn "cuộc tàn sát hạt nhân" như đã từng cảnh báo trước đây.
Đó là nội dung trong bức thư gửi Tổng thư ký của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á-ASEAN của Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-Ho. Hãng tin AFP ngày 27/4 cho biết trong bức thư, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-Ho cảnh báo tình hình trên bán đảo Triều Tiên "đang tiến gần bờ vực chiến tranh" vì các hành động của Washington.
Ông kêu gọi người đứng đầu ASEAN thông báo cho các bộ trưởng ngoại giao 10 nước về tình hình nghiêm trọng trên bán đảo và đưa ra một đề xuất phù hợp.
Những căng thẳng giữa hai quốc gia đang leo thang trong mấy tuần gần đây khi Bắc Hàn tiến hành hàng loạt các cuộc thử hỏa tiễn trước những lời chỉ trích gay gắt từ Washington.
Bức thư được gửi đi ngay trước thềm hội nghị ASEAN diễn ra trong tuần này tại Manila.