Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

30/04/2017

Bộ Quy tắc ứng xử (COC) đe dọa chủ quyền Việt Nam

Tổng hợp

Trung Quốc sửa đổi luật về bản đồ để củng cố thêm yêu sách chủ quyền (RFI, 30/04/2017)

Trung Quốc ngày 27/04/2017 đã thông qua một đạo luật về bản đồ đã được điều chỉnh để củng cố thêm và làm rõ các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh, đồng thời quy định những hình phạt mới nặng nề hơn để "hù dọa" những người nước ngoài dám thực hiện công việc khảo sát mà không có sự cho phép chính quyền. Văn bản đã có điều chỉnh của bộ luật về khảo sát và bản đồ Trung Quốc đã được Ủy ban Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc chuẩn y với mục tiêu là bảo toàn các thông tin địa lý Trung Quốc.

bando1

Ảnh minh họa. Wikimedia

Theo hãng tin Anh Reuters, dưới danh nghĩa bảo vệ an ninh quốc gia, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc đẩy một loạt luật lệ mới trong lãnh vực bảo toàn an ninh và bí mật quốc gia vốn đã bị rất nhiều quy định chi phối. Trong số các luật lệ mới này, có luật đặt các tổ chức phi chính phủ dưới quyền kiểm soát của bộ Công An và một bộ luật về an ninh mạng, như đòi hỏi các doanh nghiệp phải lưu trữ các dữ liệu quan trọng tại Trung Quốc.

Các đạo luật này đã bị quốc tế phê phán là nhằm trao cho Nhà Nước Trung Quốc quyền hạn rộng rãi trong việc cấm các công ty nước ngoài vào hoạt động trong những lãnh vực mà Bắc Kinh cho là "trọng yếu", hoặc để trấn áp đối lập trong nước.

Theo phát ngôn viên Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc, việc điều chỉnh luật về bản đồ nhằm giúp cho chính người Trung Quốc hiểu rõ hơn về lãnh thổ của mình. Đối với nhân vật này, những bản đồ đã "vẽ sai biên giới", ví dụ như xem Đài Loan là một quốc gia hay không thừa nhận đòi hỏi của Trung Quốc ở Biển Đông, là "những vấn đề đã tác hại một cách khách quan đến sự toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc". Trung Quốc luôn luôn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai, và còn coi hầu như toàn bộ Biển Đông là thuộc chủ quyền Trung Quốc từ nghìn xưa.

Phát ngôn viên Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội cho biết thêm là bộ luật mới được điều chỉnh cho phép tăng cường việc kiểm soát dịch vụ bản đồ trên mạng, đòi hỏi là bất cứ ai muốn đăng hay công bố bản đồ quốc gia phải tuân theo chuẩn mực của Nhà Nước Trung Quốc.

Theo ông Tống Triều Chế (Song Chaozhi), phó cục trưởng cục Khảo Sát và Bản Đồ Trung Quốc, cơ quan ngoại quốc nào muốn vẽ bản đồ hay tiến hành khảo sát địa lý ở Trung Quốc đều phải làm rõ là họ không đụng chạm vào bí mật quốc gia hay gây nguy hại đến an ninh quốc gia Trung Quốc.

Còn phó chủ tịch Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Nhạc Trung Minh (Yue Zhongming) thì đe dọa : Cá nhân hay nhóm nước ngoài vi phạm luật có thể bị phạt đến 1 triệu yuan – 145.000 đô la, một khoản tiền phạt to lớn nhằm mục tiêu răn đe.

Mai Vân

*********************

Việt Nam thua to nếu Hoàng Sa nằm ngoài bộ Quy Tắc Ứng Xử COC (RFI, 28/04/2017)

Họp tại Manila tuần này, lãnh đạo 10 thành viên ASEAN thảo luận về khả năng hợp tác trong hoà bình tại Biển Đông. Mục tiêu của các nước Đông Nam Á là hoàn tất bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC-Code of Conduct) từ năm 2018, để phòng ngừa xung đột giữa các bên tranh chấp. Tuy nhiên, do Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên 80% diện tích vùng biển chiến lược và nhiều tài nguyên này, COC sẽ làm Việt Nam thiệt hại nhiều nhất, đặc biệt là sẽ mất vĩnh viễn Hoàng Sa, theo nhận định của một số chuyên gia.

coc1

Vị trí quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ của tạp chí National Geographic, với tên gọi "Tây Sa-Xisha" theo Trung Quốc.

Trong bài phân tích về cố gắng dài hơi của ASEAN nhằm tránh xảy ra chiến tranh tại Biển Đông và bảo vệ chủ quyền trước tham vọng biển đảo của Trung Quốc tạp chí kinh tế Mỹ Forbes tỏ ra bi quan cho Việt Nam.

Từ nay đến tháng 06/2017, ASEAN và Trung Quốc, theo dự kiến, sẽ đạt được một thỏa thuận khung về bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC) để được ký kết vào cuối năm hay vào năm 2018. Theo các nhà phân tích thì bộ quy tắc này sẽ có lợi cho ASEAN nếu phủ nhận đường "9 đoạn" của Trung Quốc, bao trùm hơn 80% diện tích Biển Đông mà Bắc Kinh gọi là Nam Hải. Tính kế lâu dài,Việt Nam muốn quần đảo Hoàng Sa cũng phải được nằm trong quy định của COC.

Tháng 7/2016, theo yêu cầu phân xử của Philippines, Tòa Trọng Tài La Haye đã phủ nhận chủ quyền của Bắc Kinh trên một số đảo trong vùng Trường Sa. Thế nhưng, Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết này và càng không có lý do gì để nhượng bộ ASEAN, chấp nhận quy tắc ứng xử COC ở Hoàng Sa.

Do vậy, một khi ASEAN ký với Trung Quốc thỏa thuận COC thì Việt Nam sẽ là nước bị thiệt hại nhiều nhất : mất hẳn quần đảo Hoàng Sa.

Trung Quốc đã không để cho tàu chiến, tàu cá của bất cứ nước nào lai vãng đến Hoàng Sa mà họ đã chiếm của Việt Nam, sau một trận hải chiến với Việt Nam Cộng Hòa, vào đầu năm 1974.

Từ đó đến nay, cho dù chính phủ Việt Nam thống nhất vẫn khẳng định chủ quyền, nhưng Trung Quốc từng bước lấn chiếm Biển Đông xuống tận Trường Sa, xây dựng hàng loạt căn cứ quân sự.

Theo giáo sư Carl Thayer, chuyên gia quốc phòng Úc, không một nước ASEAN nào đủ sức "trục xuất" Trung Quốc ra khỏi Hoàng Sa. Bốn ngày họp tại Philippines, cho đến thứ Bảy, cho dù Việt Nam có muốn đưa Hoàng Sa vào COC cũng khó mà làm được vì ASEAN chia rẽ. Trong ASEAN, Trung Quốc mua chuộc được Cam Bốt và Lào. Dùng vũ khí kinh tế và đầu tư, Bắc Kinh thuyết phục được Manila để tranh chấp chủ quyền qua một bên.

Cũng theo giáo sư Carl Thayer, chuyện gọi là "khả thi" nhất mà Hà Nội có thể làm được là đưa hồ sơ Hoàng Sa ra Tòa Trọng Tài La Haye. Tuy nhiên, cho dù dân chúng Việt Nam chống Trung Quốc xâm lược Biển Đông, nhưng Hà Nội lại thảo luận vấn đề xung khắc với Bắc Kinh ngoài khuôn khổ ASEAN để được những lợi ích về thương mại và lượng du khách Trung Quốc.

Một khi Hoàng Sa bị loại ra khỏi COC thì Trung Quốc tha hồ củng cố "chủ quyền" sau khi đã xây một thành phố nhỏ trên đảo Phú Lâm và căn cứ quân sự, trong thế cô đơn của Việt Nam.

Chuyên gia Collin Koh, đại học Nam Dương ở Singapore đoán chắc là "không một thành viên ASEAN nào ủng hộ lập trường Việt Nam" vì họ xem Hoàng Sa là "yếu tố phiền toái vô ích".

Để vuốt ve ASEAN, Trung Quốc đem viện trợ và đầu tư ra làm bửu bối. Áp lực duy nhất mà Bắc Kinh phải đối đầu là chính phủ Hoa Kỳ, theo nhận định của Forbes trong bài "Việt Nam sẽ mất nhiều nhất vì bộ Quy Tắc Ứng Xử COC ở Biển Đông".

Tú Anh

********************

Việt Nam mất gì nếu bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông thành hình ? (RFA, 28/04/2017)

Trong tư cách là Chủ tịch luân phiên của ASEAN, Philippines bày tỏ hy vọng một Bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên Biển Đông, gọi tắt là COC, sẽ đạt được trong năm nay giúp làm giảm căng thẳng và tránh xung đột trong khu vực. Tuy nhiên có những lo ngại cho rằng nếu COC thành hình, Việt Nam có thể mất rất nhiều.

coc2

Tấm bản đồ với đường đứt khúc 9 đoạn trên biển Đông tại trung tâm giáo dục quốc phòng thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc hôm 12/7/2016. AFP photo

Tạp chí Forbes của Mỹ hôm 27/4/2017 nhận định : "Việt Nam sẽ là nước bị mất nhiều nhất nếu một Bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) được thành hình vì tranh chấp Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc".

Hoàng Sa không được bao gồm trong COC

Theo Forbes, Việt Nam chắc chắn muốn COC phải bao gồm cả Hoàng Sa nhưng điều này sẽ khó được Trung Quốc chấp nhận vì Trung Quốc hiện đã kiểm soát toàn bộ 130 thực thể thuộc quần đảo này kể từ sau cuộc hải chiến với quân đội miền Nam Việt Nam năm 1974.

Thạc sĩ luật Hoàng Việt, thành viên quỹ nghiên cứu biển Đông của Việt Nam, nhận định một trong những lý do khiến COC dậm chân trong nhiều năm mà không đạt được bước tiến nào cũng chính vì vấn đề Hoàng Sa của Việt Nam.

"Chắc chắn nó là một thách thức. COC có liên quan đến Hoàng Sa nên một trong những lý do mà COC dậm chân cũng là vì nó có liên quan đến Hoàng Sa. Các nước ASEAN đưa ra COC là toàn bộ biển Đông còn Trung Quốc thì cho rằng Hoàng Sa là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và không có gì phải đàm phán cả, chỉ có thể đưa ra COC cho vùng Trường Sa thôi".

Theo bài báo của Forbes, rất khó có khả năng Trung Quốc chấp nhận cho tàu thuyền Việt Nam hay bất cứ nước nào khác được đi gần Hoàng Sa, và điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ phản đối một COC cho phép các nước khác được tiếp cận tới các thực thể thuộc quần đảo này.

Trong những năm qua, nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản ở gần khu vực quần đảo Hoàng Sa vốn là ngư trường truyền thống của họ từ nhiều đời nay thường bị các tàu chấp pháp của Trung Quốc đuổi bắt. Có những tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắt giữ, tịch thu tài sản và đòi tiền chuộc.

Thậm chí việc tàu thuyền ngư dân Việt Nam vào tránh bão ở Hoàng Sa cũng không được phía Trung Quốc chấp nhận.

Hiện Trung Quốc đòi chủ quyền trên khoảng 90% diện tích khu vực biển Đông với đường đứt khúc 9 đoạn hay còn được gọi là đường lưỡi bò đi qua phần lớn khu vực mà những nước khác cũng đòi chủ quyền.

coc3

Bản đồ hình lưỡi bò do Trung Quốc tự công bố nhằm chiếm trọn biền Đông. AFP photo

Ngoài Hoàng Sa, Trung Quốc cũng có tranh chấp chủ quyền tại Trường Sa với các nước Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei và Đài Loan.

Theo giáo sư Carl Thayer thuộc học viện Quốc phòng Úc, không một ai có thể lấy lại được Hoàng Sa từ Trung Quốc và hy vọng lớn nhất mà Việt Nam có được đối với quần đảo này là ra tòa quốc tế.

Cũng bởi những khó khăn liên quan đến quần đảo Hoàng Sa mà một số học giả nước ngoài như Mark Valencia trong cuốn ‘Chia Sẻ Nguồn Tài Nguyên Ở Biển Đông’ cho rằng Việt Nam nên bỏ vấn đề Hoàng Sa sang một bên khi đàm phán với Trung Quốc và ASEAN. Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định :

"Ở Hoàng Sa thì Việt Nam khó khăn hơn rất nhiều còn ở Trường Sa thì có nhiều nước liên đới, nên nhiều học giả phương Tây như Mark Valencia bảo là tốt nhất nếu Việt Nam nhìn thực tế không lấy lại được thì bỏ qua đi để nói vấn đề khác.

Nhưng cái đấy thì Việt Nam khác. Có thể các học giả đưa ra cái nhìn khác. Còn các nước Đông Nam Á vấn đề chủ quyền thiêng liêng lắm. Chính khách nào xem xét vấn đề đó thì cũng khó".

Bỏ đường lưỡi bò mới có COC

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ Việt Nam, không đồng ý với nhận định cho rằng Việt Nam sẽ mất Hoàng Sa nếu COC thành hình :

"Vấn đề ở đây là người ta đang bàn bạc chứ người ta không có nói là nếu Trung Quốc không đưa Hoàng Sa vào như vậy là Việt Nam thiệt thì tôi không nghĩ như vậy.

Ở đây không phải là ai thắng ai thua mà nếu tất cả những nội dung đó được bàn bạc đưa đến thỏa thuận các bên có thể chấp nhận được thì có nghĩa là việc đó dẫn đến cái việc là không thể như một phán quyết để phán bên thắng bên thua.

Đây là một văn bản pháp luật các bên có thể chấp nhận được và nó không thể nói có bên thắng bên thua, mà tất cả đều thắng vì nó là cơ sở pháp lý để người ta có thể điều chỉnh tất cả các hoạt động trong khu vực biển Đông và đặc biệt những tranh chấp có thể xảy ra".

Tuy nhiên ông nhìn nhận COC sẽ rất khó thành hình một khi Trung Quốc vẫn kiên quyết giữ đường lưỡi bò mà họ vẽ ra trên biển Đông, trừ khi tất cả các nước chấp nhận bỏ những tranh chấp về chủ quyền sang một bên :

"Nếu vẫn giữ yêu sách đường lưỡi bò vô lý thì chắc chắn các nước trong khu vực không bao giờ có thể chấp nhận được bởi vì nếu chấp nhận điều đó có nghĩa là họ từ bỏ các quyền và lợi ích chính đáng của mình mà theo công ước quốc tế về luật biển đã quy định đối với vùng biển và thềm lục địa mà họ có quyền…

Nếu Trung Quốc từ bỏ đường lưỡi bò thì có thể dễ dàng cho chuyện bàn đến. Đó là phương án thứ nhất.

Nếu các bên vẫn giữ yêu sách của mình thì người ta phải tìm một giải pháp khác là tạm thời gác tất cả những yếu sách tranh chấp chủ quyền sang một bên chỉ giải quyết những vấn đề mang tính kỹ thuật thôi như vấn đề đánh cá, vấn đề giao thông vận tải hàng không hàng hải và các tranh chấp dân sự và hình sự xảy ra trong khu vực này.

Tôi nghĩ người ta có thể tính đến bộ luật biển đó có thể xử lý được các hoạt động xảy ra trên khu vực biển Đông".

Nhưng việc bỏ những tranh chấp về chủ quyền sang một bên là một vấn đề rất khó khăn với nhiều nước. Nó liên quan đến việc khai thác tài nguyên như dầu khí và hải sản.

Hồi năm 2015, căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã lên cao khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu 981 vào gần khu vực Hoàng Sa.

Trung Quốc hiện cũng đang cân nhắc dự định chỉnh sửa luật an toàn giao thông hàng hải năm 1984 cho phép Bắc Kinh hạn chế hoạt động của tàu nước ngoài trong các vùng lãnh hải của mình.

Tờ Hoàn cầu thời báo của Trung Quốc hồi tháng 2 viết rằng dự thảo luật mới của Trung Quốc cho phép chính quyền ngăn cản tàu nước ngoài vào lãnh hải Trung Quốc nếu họ cảm thấy tàu đó có khả năng gây nguy hiểm tới giao thông và trật tự.

Theo Tiến sĩ Trần Công Trục, ngay cả nếu COC có thành hình thì câu hỏi liệu ngư dân Việt Nam có thể vào đánh bắt cá ở ngư trường truyền thống ngoài Hoàng Sa hay không cũng phụ thuộc vào thiện chí của Trung Quốc :

"Vấn đề ra Hoàng Sa đánh cá là quyền của ngư dân Việt Nam vì họ có chủ quyền lâu đời theo quan điểm của Việt Nam. Cái đó người ta vẫn tiếp tục bình thường thôi.

Nếu COC bao gồm các vùng biển có liên quan thì người ta phải tuân thủ các quy định mà các bên đã thỏa thuận trong đó kể cả hoạt động nghề cá của ngư dân Việt Nam và ngư dân của các nước khác trong phạm vi mà người ta có thể xác định để điều chỉnh cho các hoạt động đó…

Tôi nghĩ tất cả mọi câu chuyện ở đây phụ thuộc vào lập trường và yêu sách của Trung Quốc".

Thượng đỉnh ASEAN diễn ra tại Philippines từ ngày 26 đến 29 tháng 4 được cho là sẽ đề cập đến vấn đề tranh chấp ở biển Đông nhưng ở mức độ rất chừng mực.

Quyền Ngoại trưởng Philippines, Enrique Manalo, mới đây cho biết những thảo luận về vấn đề biển Đông sẽ không làm ảnh hưởng tới quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc.

Hãng tin Reuters mới đây cho biết bản thảo tuyên bố chung của ASEAN dự định công bố vào ngày 29 tháng 4 sẽ không chỉ trích Trung Quốc về các hoạt động quân sự hóa khu vực biển Đông của nước này.

Việt Hà

Quay lại trang chủ
Read 839 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)