Tuyên bố Hà Nội không đề cập tranh chấp Biển Đông
VOA, 16/11/2020
Việt Nam và các nước tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á đã không đề cập đến các tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông trong Tuyên bố Hà Nội giữa bối cảnh các quốc gia của khối tập trung vào thương mại và đại dịch Covid-19, với việc ký kết một hiệp định thương mại lớn nhất được mong đợi từ lâu.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, được tổ chức trực tuyến tại Hà Nội hôm 14/11. Tuyên bố Hà Nội của hội nghị này không đề cập đến các tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông.
Lãnh đạo của 10 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó Việt Nam là chủ tịch luân phiên, và 8 quốc gia thành viên khác, gồm cả Mỹ, Nga, Úc và Trung Quốc, hôm 14/11 đưa ra một tuyên bố chung sau cuộc họp thượng đỉnh của khối tại Hà Nội qua hình thức trực tuyến.
Tuyên bố Hà Nội nhấn mạnh đến cam kết giữa các quốc gia trong khối trong việc đảm bảo môi trường thuận lợi để kiểm soát dịch bệnh, trong bối cảnh đại dịch virus corona vẫn đang hoành hành trên toàn thế giới. Ngoài các hợp tác khác, tuyên bố cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) trong việc tăng cường hợp tác kinh tế trong khu vực.
EAS, với ASEAN ở vị trí trung tâm, là diễn đàn chiến lược hàng đầu khu vực, là nơi các Nhà lãnh đạo trao đổi về các vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến hoà bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực, theo Thủ tướng Việt Nam nguyễn Xuân Phúccho biết khi phát biểu khai mạc hội nghị.
Với 4,6 tỷ dân và có tổng GDP hơn 51,6 nghìn tỷ USD, ông Phúc được Báo Tin Tức trích lời nhấn mạnh rằng EAS đã tạo ra khuôn khổ phù hợp cho các nước tham gia chia sẻ các quan tâm chung, đối thoại về mọi vấn đề và hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Phát biểu khi chủ trì cuộc họp tối 14/11, người đứng đầu chính phủ Việt Nam nói rằng ‘lãnh đạo các nước dành nhiều thời gian trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế".
"Các nước nhấn mạnh nhu cầu bảo đảm môi trường thuận lợi để kiểm soát dịch bệnh", ông Phúc nói. "Trên cơ sở đó, các nước nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm, đồng thời kêu gọi kiềm chế, tránh các hành động làm phức tạp tình hình, không quân sự hóa, giải quyết hòa bình các khác biệt, mâu thuẫn trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển".
Theo Thủ tướng Việt Nam, các nước ghi nhận nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông ( COC ) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.
Tuy nhiên trong Tuyên bố Hà Nội, các tranh chấp Biển Đông, đặc biệt tăng cao trong năm nay với các hoạt động gây hấn của Trung Quốc giữa bối cảnh đại dịch, không được đề cập. Tuyên bố chỉ nói rằng các quốc gia thành viên sẽ "tăng cường các hành động thực tiễn và sự phối hợp toàn diện trong những lĩnh vực ưu tiên của hợp tác Thượng đỉnh Đông Á, và các ứng phó đối với các thách thức cùng quan tâm".
Các nhà phân tích cho rằng những chủ để về ứng phó với đại dịch Covid-19 và việc ký kết hiệp định RCEP được chờ đợi từ lâu đã "nâng cao tâm trạng của mọi người" tại cuộc họp thượng đỉnh ở Hà Nội trong khi không ai có bất cứ một đề xuất gì mới để nới lỏng tranh chấp hàng hải sau một năm đầy biến động với sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ trước các hoạt động của Trung Quốc trên biển.
Việt Nam cùng 14 quốc gia khác trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Trung Quốc, hôm 15/11 ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, RCEP, trong khuôn khổ hội nghị quốc tế do Hà Nội làm chủ nhà. RCEP được Trung Quốc hậu thuẫn từ khi được khởi xướng vào năm 2012 và được cho là một công cụ để Trung Quốc tăng sức mạnh địa chính trị ở Châu Á-Thái Bình Dương.
"Giữa tâm trạng ăn mừng này, tôi không nghĩ rằng họ sẽ làm gì để giảm bớt điều đó bằng một điều gì đó rất khắc nghiệt trên Biển Đông", Oh Ei Sun, thành viên cao cấp của Viện nghiên cứu Các vấn đề Quốc tế của Singapore, nói với phóng viên Ralph Jennings của VOA.
Các thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, đều có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc trên Biển Đông.
Trung Quốc và các nước ASEAN đang cùng nhau thảo luận một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông kể từ năm 2002, nhằm ngăn ngừa những rủi ro trên biển. Trung Quốc đình trệ việc thương thảo trong nhiều năm nhưng đã quay trở lại đàm phán sau khi thua Philippines trong vụ kiện về tranh chấp lãnh hải tại toà trọng tài quốc tế ở La Haye năm 2016.
"Tôi nghĩ khủng hoảng COVID có lẽ sẽ làm cho (các nước ASEAN) khó khăn trong việc đặt ưu tiên vào một bộ quy tắc ứng xử trong khi họ đang lo ngại nhiều hơn về việc phục hồi kinh tế trong nước và nối lại thương mại, du lịch cùng mọi thứ khác", theo nhận định của ông Stephen Nagy, phó giáo sư cấp cao về chính trị và nghiên cứu quốc tế của Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế ở Tokyo, với VOA.
Theo nhà nghiên cứu Oh, các nước Đông Nam Á đang gác lại tranh chấp hàng hải trong năm nay để chờ Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden cho biết quan điểm của ông về vấn đề này.
Tổng thống Donald Trump đã tăng cường các đợt tuần tra của Hải quân Mỹ trên vùng biển gần lãnh hải của Trung Quốc và tăng cường bán vũ khí cho các nước xung quanh như một lời cảnh báo đối với Bắc Kinh. Theo các học giả trong khu vực cho biết, các thành viên ASEAN cảm thấy được Washington bảo vệ nhưng cũng lo lắng về một cuộc xung đột có thể xảy ra giữa hai siêu cường.
**********************
Thượng Đỉnh ASEAN : Việt Nam, Philippines liên thủ thúc đẩy hồ sơ Biển Đông
Trọng Nghĩa, RFI, 12/11/2020
Là hai nước bị Trung Quốc liên tục lấn lướt trong thời gian gần đây tại Biển Đông, Việt Nam, Philippines đã tranh thủ Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN mở ra tại Hà Nội hôm nay, 12/11/2020, để yêu cầu một giải pháp hòa bình, trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế. Điều đáng chú ý là Philippines đã bất ngờ trở thành nước lên tiếng mạnh nhất trên vấn đề Biển Đông, cho dù lãnh đạo nước này thường được cho là có xu hướng hòa hoãn với Bắc Kinh.
Với tư cách chủ tịch luân phiên của ASEAN, lại là nước bị Trung Quốc lấn lướt dữ dội nhất trong thời gian gần đây, Việt Nam không thể không nêu bật vấn đề Biển Đông bị Trung Quốc tranh chấp một cách trái phép ra trước công luận khu vực và thế giới, nhân hội nghị lần này.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị của lãnh đạo 10 nước ASEAN vào hôm nay, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã gián tiếp đề cập đến vấn đề Biển Đông và các hành động hung hăng áp đặt yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, khi ông ca ngợi quyết tâm mạnh mẽ của ASEAN trong việc xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn.
Thủ tướng Việt Nam đã vẽ ra một bức tranh lý tưởng về Biển Đông mà mọi người mong muốn, một nơi mà những "khác biệt, tranh chấp được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, nơi pháp luật được tôn trọng, tuân thủ và các giá trị chung được khẳng định, đề cao ý nghĩa của Công Ứớc Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) và trông đợi sớm hoàn thành Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, với Công Ước UNCLOS 1982".
Đây là một bức tranh lý tưởng, vì hiện nay Trung Quốc bị cáo buộc là coi thường luật lệ quốc tế, để chèn ép các láng giềng ven Biển Đông, những hành vi đã được ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh nêu bật nhân hội nghị các ngoại trưởng ASEAN hôm qua. Kết luận của hội nghị ghi rõ : "Biển Đông tiếp tục là vấn đề nổi lên trong tình hình quốc tế và khu vực" với "nhiều hành động đơn phương, trong đó có quân sự hóa, đòi hỏi chủ quyền thiếu căn cứ, hành xử áp đặt vẫn tiếp diễn gây lo ngại đến hòa bình ổn định trên Biển Đông nói riêng, khu vực nói chung".
Sau phát biểu của thủ tướng Việt Nam, trong diễn văn của mình, tổng thống Philippines đã bất ngờ lên tiếng bảo vệ phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye năm 2016 bác bỏ các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông. Theo phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines, Harry Roque, tổng thống Rodrigo Duterte đã nhắc lại lời kêu gọi của ông về một giải pháp "hòa bình" cho tranh chấp Biển Đông, và hy vọng rằng Bộ Quy Tắc Ứng Xử sẽ được hoàn thiện càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, ông cũng nhắc lại phán quyết trọng tài năm 2016, khẳng định rằng đó là một "giải thích có thẩm quyền về việc áp dụng Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS... và đã trở thành một phần của luật pháp quốc tế". Đối với ông Duterte, đó là một thực tế "mà không một quốc gia nào có thể bỏ qua, cho dù nước đó có mạnh đến đâu chăng nữa".
Phát biểu tại Hội Nghị ASEAN của tổng thống Philippines đã gợi lại diễn văn mà ông đọc trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 9 vừa qua.
Theo các nhà quan sát, sau hai phát biểu nói trên của Việt Nam và Philippines, các cuộc họp trong khuôn khổ Thượng Đỉnh ASEAN lần thứ 37 này chắc chắn sẽ tiếp tục thảo luận về chủ đề Biển Đông, và trong lãnh vực này, chắc chắn Trung Quốc sẽ bị cô lập, vì lẽ đa số các đối tác lớn của ASEAN đều đã lên tiếng chỉ trích các đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc, từ Mỹ, Úc, cho đến Nhật Bản, Ấn Độ.
Trọng Nghĩa
********************
Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á bắt đầu Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37
RFA, 12/11/2020
Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á hôm 12/11, đã bắt đầu một hội nghị thượng đỉnh đa phương với chương trình nghị sự nhằm giải quyết căng thẳng ở Biển Đông và đưa ra kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 ở một khu vực mà sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến Cấp cao ASEAN lần thứ 37 tại Hà Nội hôm 12/11/2020. AFP
Reuters loan tin vừa nói cùng ngày và cho biết, Hội nghị sẽ diễn ra từ ngày 12 đến ngày 15/11/2020.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khi phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến Cấp cao ASEAN lần thứ 37 tại Hà Nội cho biết, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vẫn chưa bị "sa vào vòng xoáy" của những đối thủ và những thách thức đối với hệ thống đa phương quốc tế.
"Ba phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Tuy nhiên, hòa bình và an ninh thế giới vẫn chưa thực sự bền vững".- Ông Phúc nói tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến bao gồm các cuộc họp giữa ASEAN và Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Hoa Kỳ.
Theo ông Phúc, năm nay, các nước đang bị đe dọa đặc biệt lớn hơn do rủi ro kép phát sinh từ hành vi không thể đoán trước của các quốc gia, các đối thủ có mâu thuẫn quyền lực lớn.
Tin cho biết, cao điểm trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh sẽ là căng thẳng ở Biển Đông, nơi các tàu Trung Quốc thường xuyên gây hấn với các tàu của Việt Nam, Malaysia và Indonesia khi Bắc Kinh tìm cách khẳng định yêu sách lãnh thổ của mình trên vùng biển đang tranh chấp.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền khoảng 80% vùng biển bao gồm các vùng biển rộng lớn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cũng như các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nó cũng chồng lấn lên các Vùng đặc quyền kinh tế của các thành viên ASEAN như Brunei, Indonesia, Malaysia và Philippines.
Kể từ giữa tháng 8, Hoa Kỳ đã nhiều lần khiến Trung Quốc giận dữ bằng cách điều tàu chiến đến Biển Đông và đưa 24 công ty Trung Quốc vào danh sách đen vì tham gia xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cam kết Bắc Kinh sẽ "tiếp tục làm việc với các nước ASEAN trên con đường phát triển hòa bình để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực".
Còn Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mô tả xác định đại dịch coronavirus là "thách thức của thế hệ chúng ta", ông cũng kêu gọi các nước "hợp tác cùng nhau để đảm bảo rằng tất cả các quốc gia - dù giàu hay nghèo - đều được tiếp cận với vắc xin an toàn".
Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng dự kiến sẽ ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc hậu thuẫn vào Chủ nhật ngày 15/11, một hiệp định có thể trở thành hiệp định thương mại lớn nhất thế giới.
Thỏa thuận được đưa ra vào thời điểm căng thẳng về kết quả bầu cử Mỹ đặt ra câu hỏi về sự can dự của Washington trong khu vực, có thể sẽ củng cố vị thế của Trung Quốc vững chắc hơn như một đối tác kinh tế với Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc, và đưa nước này vào vị thế tốt hơn để định hình các quy tắc thương mại của khu vực.
Nguồn : RFA, 12/11/2020
**********************
Châu Á trước thềm hiệp định RCEP
Thanh Hà, RFI, 12/11/2020
Trên nguyên tắc nhân thượng đỉnh trực tuyến mở ra ngày 12/11/2020 các nước Châu Á -Thái Bình Dương sẽ đặt bút ký vào Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện Khu Vực – RCEP. Đây là một sáng kiến của Bắc Kinh để làm đối trọng với Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP của Mỹ. Lễ ký kết được dự trù vào ngày Chủ Nhật 15/11/2020.
Các thành viên tham gia gồm 10 nước thuộc Hiệp Hội Đông Nam Á cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Một khi chính thức có hiệu lực, RCEP sẽ là hiệp định tự do mậu dịch quan trọng nhất thế giới. Ý tưởng đã được Bắc Kinh đề xuất từ năm 2012.
Trong cương vị chủ tịch luân phiên của ASEAN, thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc xác nhận lễ ký kết hiệp định RCEP sẽ diễn ra "trong tuần". Bộ trưởng Thương Mại Malaysia, Mohamad Azmin Ali trong cuộc họp trực tuyến nói rõ hơn : "Sau tám năm đàm phán, với nhiều mồ hôi và nước mắt, cuối cùng chúng ta đạt đến thời điểm ký thỏa thuận vào Chủ Nhật tới đây".
Ấn Độ từng hăng hái tham gia sáng kiến do Trung Quốc đề xuất, nhưng đã rút lui hồi năm ngoái vì lo ngại hàng rẻ Trung Quốc tràn ngập thị trường quốc gia Nam Á này. New Delhi tuy nhiên để ngỏ khả năng sau này sẽ tham gia Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện Khu Vực.
RCEP bao gồm 15 quốc gia với GDP tương đương với 30 % tổng sản lượng toàn cầu. Kinh tế gia Rajiv Biswas, đặc trách Châu Á-Thái Bình Dương, thuộc cơ quan tư vấn IHS Markit, xem hiệp định sắp được ký kết này là một "cột mốc quan trọng trên con đường tự do hóa các luồng giao thương và đầu tư" trong khu vực.
Thanh Hà