Trung Quốc lại tìm cách gieo nghi vấn về xuất xứ của virus
Mai Vân, RFI, 23/11/2020
Thoạt nhìn không có gì quan trọng, nhưng nếu được lồng vào trong một loạt động thái gần đây của một số quan chức y tế Trung Quốc khác, tuyên bố này dường như nằm trong một chiến dịch mới của Bắc Kinh nhằm phủ nhận thực tế là virus gây dịch Covid-19 có xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo SCMP, trong một hội nghị khoa học trực tuyến hôm 19/11 vừa qua, ông Tăng Quang (Zeng Guang), nguyên trưởng nhóm chuyên gia dịch tễ học thuộc Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Trung Quốc (CDC), đã khẳng định trở lại rằng tất cả các bằng chứng hiện có đều chỉ ra rằng con virus corona, vốn đã gây bệnh cho hơn 56 triệu người trên toàn thế giới, dù được nhận diện lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, nhưng không hề xuất xứ từ đó.
Virus có thể xuất hiện ở nước khác trước Vũ Hán ?
Phát biểu tại hội nghị do nhà xuất bản Mỹ Cell Press và Ủy Ban Khoa Học và Công Nghệ Bắc Kinh tổ chức, nhà khoa học thuộc diện hàng đầu của Trung Quốc này tuyên bố : "Vũ Hán là nơi virus corona được phát hiện đầu tiên, nhưng đây không phải là nơi con virus bắt nguồn".
Để bảo vệ cho lập luận của mình, ông Tăng Quang đã trích dẫn một công trình nghiên cứu Ý cho rằng Sars-CoV-2, tên chính thức của virus corona, đã lưu hành nơi những người không có triệu chứng bệnh tại Ý vài tháng trước khi được tìm thấy ở Vũ Hán vào tháng 12/2019.
Theo ghi nhận của nhật báo Hồng Kông, trong những tuần lễ gần đây, ông Tăng Quang là nhà dịch tễ học cao cấp thứ hai của Trung Quốc đã lên tiếng về chủ đề đang gây tranh cãi liên quan đến nguồn gốc con virus.
Virus nhập vào Trung Quốc qua thực phẩm đông lạnh ?
Vào tuần trước đó, ông Ngô Tôn Hữu (Wu Zunyou), hiện là trưởng nhóm dịch tễ học của CDC Trung Quốc, đưa ra nêu lên ý kiến tương tự, cho rằng mầm mống gây dịch bệnh có thể đã xâm nhập vào Trung Quốc qua sản phẩm từ thịt hoặc hải sản đông lạnh.
Đối với chuyên gia về Trung Quốc Sari Arho Havrén, làm việc tại Bruxelles và Hồng Kông, Bắc Kinh quả là đang tung chiến dịch phủ nhận việc virus gây dịch Covid-19 xuất xứ từ Trung Quốc. Trên mạng Twitter ngày 20/11, chuyên gia Châu Âu này cho rằng "kiểu nói bóng gió" liên tục gần đây tại Trung Quốc về thực phẩm đông lạnh nhập khẩu bị nhiễm virus corona chủng mới "bắt đầu có ý nghĩa", gợi lên khả năng Covid-19 từ nước nước ngoài du nhập vào Trung Quốc để rồi bùng lên tại Vũ Hán.
Nhật báo phổ thông đại chúng Mỹ The New York Post ngày 20/11 vừa qua, khi đề cập đến việc Trung Quốc nêu bật bản nghiên cứu Ý, đã cáo buộc đích danh : "Trung Quốc đang sử dụng một nghiên cứu mới về sự lây lan sớm và thầm lặng của virus corona ở Ý để gieo rắc nghi ngờ về giả thuyết vững chắc theo đó quốc gia Châu Á này là nơi sinh ra đại dịch".
Bài nghiên cứu về giả thuyết Covid-19 có mặt ở Ý trước Vũ Hán
Công trình nghiên cứu Ý được Trung Quốc nhắc đến đã phát triển một giả thuyết từng được gợi lên vào mùa xuân vừa qua, theo đó con virus chủng mới đã lưu hành bên ngoài Trung Quốc sớm hơn người ta nghĩ.
Theo hãng tin Anh Reuters ngày 18/11, đây là một nghiên cứu do Viện Ung Thư Ý tại Milano công bố, theo đó các kháng thể đặc thù của con virus corona chủng mới đã được phát hiện trong các mẫu máu được thu thập trong một chiến dịch thử nghiệm tầm soát ung thư phổi tại Ý từ tháng 9 năm 2019 đến tháng 3 năm 2000.
Tính ra, trong số 959 người khỏe mạnh tham gia thử nghiệm, có 11,6% đã phát triển kháng thể của virus - có nghĩa là đã tiếp xúc với virus corona – đa số là trước tháng Hai, tức là trước ngày bệnh nhân Covid-19 đầu tiên được ghi nhận là hôm 21/02/2020.
Theo Reuters, nếu các dữ liệu trong bản nghiên cứu Ý chính xác, điều đó sẽ thay đổi lịch sử của đại dịch Covid-19, và đặt lại vấn đề về thời điểm và nơi virus xuất hiện, vì cho đến nay, quan điểm chung vẫn là virus gây dịch Covid-19 được nhận dạng lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc vào tháng 12.
Ý kiến dè dặt về công trình của Ý
Hãng tin Anh tuy nhiên cũng trích dẫn nhiều nhà khoa học đã tỏ ý rất dè dặt trước công trình của Viện Ung Thư Ý và cho rằng cần phải kiểm tra thêm để xác minh.
Giáo sư Mark Pagel, giảng dạy tại Trường Khoa học Sinh học tại Đại học Reading (Anh Quốc), nhận xét : "Những kết quả này đáng để báo cáo, nhưng cần phải được xem là một vấn đề cần phải bổ sung bằng những thử nghiệm khác".
Vị giáo sư nêu bật thắc mắc : "Tất cả các bệnh nhân trong nghiên cứu đều không có triệu chứng Covid-19, mặc dù hầu hết đều từ 55-65 tuổi và đã từng hút thuốc. Đấy thường là nhóm có nguy cơ cao về nhiễm Covid-19, vì vậy thật khó hiểu là tại sao tất cả các bệnh nhân đều không có triệu chứng".
Nhiều nhà nghiên cứu cũng hoài nghi về tỷ lệ khá cao của người bị "nghi nhiễm" trong số những người tham gia thử nghiệm. Giáo sư trợ giảng Stephen Griffin tại Đại học Leeds (Anh Quốc) cho rằng : "Sẽ là một vấn đề nghiêm trọng nếu quả thực là một dạng dịch bệnh (mặc dù dường như không có triệu chứng) tồn tại trên quy mô như vậy ở Ý một năm trước khi đại dịch bùng lên như đang diễn ra, mà không được chú ý".
Ngành ngoại giao Trung Quốc "gợi ý" về xuất xứ từ nước ngoài
Cho dù vậy, sau khi thông tin về "những phát hiện" của các nhà nghiên cứu Ý được loan báo, giới chức chính quyền Trung Quốc đã nhấn mạnh đến công trình này để hàm ý rằng virus corona không hề xuất phát từ Trung Quốc.
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 17/11 vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã nhanh chóng tuyên bố rằng công trình nghiên cứu của Ý và các nghiên cứu tương tự khác cho thấy nguồn gốc của virus của bệnh Covid-19 là một "vấn đề khoa học phức tạp" và việc truy tìm nguồn gốc là một quá trình liên tục.
Và phát ngôn viên Trung Quốc nói thêm là nguồn gốc của con virus "có thể liên quan đến nhiều quốc gia".
Tuyên bố của ông Triệu Lập Kiên không có gì đáng ngạc nhiên, vì chính nhà ngoại giao này vào tháng Ba vừa qua đã không ngần ngại rêu rao trên tài khoản Twitter của ông rằng "rất có thể là Quân đội Mỹ đã mang dịch bệnh đến Vũ Hán", lập lại luận điệu của một trang web chuyên về thuyết âm mưu.
Ngay cả ngoại trưởng Trung Quốc cũng gieo rắc nghi vấn
Lập luận phủ nhận xuất xứ của virus corona từ Vũ Hán đã được chính ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra, mà gần đây nhất là nhân chuyến công du Châu Âu cuối tháng 8 vừa qua.
Phát biểu với báo chí tại Na Uy, ông Vương Nghị cho rằng dù Trung Quốc là quốc gia đầu tiên báo cáo sự tồn tại của virus corona chủng mới, nhưng "điều đó không có nghĩa là virus có nguồn gốc từ Trung Quốc". Và ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định : "Chúng tôi đã thấy các báo cáo cho thấy virus đã xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới và có thể xuất hiện sớm hơn ở Trung Quốc".
Mai Vân
*************************
Covid và Bắc Triều Tiên : Những con đường lây nhiễm ngoài sức tưởng tượng
Tú Anh, RFI, 23/11/2020
Nếu tin vào chính quyền Bình Nhưỡng thì Bắc Triều Tiên hoàn toàn không có một ca Covid-19 nào. Thế nhưng, Tổ chức Y tế Thế giới thẩm định có hơn 6.000 trường hợp đáng nghi ngờ. Hư thực ra sao ? Điều chắc chắn là ở xứ sở khép kín này đang tràn ngập những tin đồn vượt trí tưởng tượng. Để giải thích siêu vi bằng đường nào lây vào Bắc Triều Tiên, truyền thông nhà nước phải cố sức thêu dệt.
Từ Seoul, thông tín viên Nicolas Rocca tường thuật :
"Trong số những lời giải thích thiếu cơ sở gần đây nhất là thứ Năm vừa qua, truyền thông Bắc Triều Tiên cho rằng hàng hóa nhập từ nước ngoài đã mang theo siêu vi của ác qủy vào lãnh thổ, theo cách gọi của Rodong nhật báo, tờ báo của nhà nước.
Giả thuyết hoang tưởng này được đài truyền hình trung ương loan truyền thêm qua một bài phỏng vấn một bác sĩ Bắc Triều Tiên.
Bác sĩ này khẳng định siêu vi corona có thể đã theo các trận mưa tuyết và chim di trú. Cuối tháng 10, chính quyền Bình Nhưỡng đưa ra một giả thuyết khác : một đám mây bụi bí ẩn đã mang siêu vi vào Bắc Triều Tiên.
Thế là tất cả các công trình xây dựng ngoài trời đều ngưng lại hết, dân chúng trên toàn quốc bị bắt buộc ở trong nhà, cửa nẻo đóng kín.
Đám mây bí ẩn đó thật ra là bão cát từ sa mạc Gobi nằm giữa Trung Quốc và Mông Cổ, thường xuyên bao phủ miền bắc Hoa Lục và bay đến tận Hàn Quốc.
Đám mây cát này có thể mang theo hóa chất công nghệ đôc hại và kim loại nặng, nhưng xác quyết là nó mang theo siêu vi corona thì quả là một lời cáo buộc thiếu cơ sở".
Tú Anh
***********************
Covid-19 : Hàn Quốc chuẩn bị đối phó với làn sóng dịch thứ 3
Anh Vũ, RFI, 21/11/2020
Trong khi Châu Âu đang vất vả chống đỡ với làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 thì tại Hàn Quốc, liên tiếp trong 4 ngày qua, số ca nhiễm virus corona thường nhật đã vượt qua ngưỡng 300 người. Quốc gia Châu Á từng được đánh giá là thành công trong kiểm soát hai đợt dịch hồi đầu và giữa năm. Chính phủ đã chính thức khẳng định làn sóng dịch thứ 3 đã xuất hiện và khẩn trương hành động nhằm ngăn chặn đà lây lan của virus.
Thông tín viên Nicolas Rocca, tại Seoul :
"Hãy tránh tụ tập trong các lễn hội cuối năm" và "hãy hạn chế các hoạt động ở bên ngoài trừ khi thiết yếu", đó là thông điệp được thủ tướng Chung Sye-kyun chuyển đến dân chúng qua truyền hình tối hôm 20/11.Nhìn từ bên ngoài Hàn Quốc, mỗi ngày có thêm 300 ca nhiễm dường như là ít, nhưng thực tế này kéo theo việc gia tăng các biện pháp y tế.
Các hạn chế và giãn cách xã hội, quy định theo 5 cấp độ, giờ được đặt ở mức 1,5 trong nhiều thành phố, đặc biệt trong vùng thủ đô Seoul, nơi tập trung 1/3 số ca nhiễm mới. Việc nâng ngưỡng cảnh báo trước hết mang tính tượng trưng, bởi vì điểm mới duy nhất liên quan đến việc đeo khẩu trang được mở rộng ra những nơi tập thể thao ngoài trời. Mục đích là chuẩn bị cho dân cư chuyển sang mức báo động 2, nghiêm ngặt hơn.
Cho đến giờ, nguồn gốc của các ca nhiễm mới đều được xác định một cách hiệu quả. Đây cũng chính là một trong những chìa khóa đối phó thành công với Covid-19 ở Hàn Quốc. Nhưng mới đây, hiệu quả kém dần, 15% các ca nhiễm mới không thể xác định được nguồn gốc. Những số liệu mới khiến người ta lo lắng trong khi mà 15 ngày nữa, gần 500 nghìn học sinh trung học sẽ bắt đầu kỳ thi vào đại học.
Anh Vũ