Châu Á : Donald Trump đánh mất cơ hội trói tay Bắc Kinh
Emmanuel Macron ba bước nới lỏng phong tỏa, Joe Biden lập nội các, Donald Trump thua Trung Quốc trong cuộc chiến địa chính trị, Armenia và Azerbaijan cùng thua Nga ở Kavkaz... đó là một số thông tin và phân tích nổi bật trên báo Pháp hôm nay, 24/11/2020.
Công luận Pháp chờ đợi tổng thống Macron thông báo gì về Covid-19 qua thông điệp vào lúc 20 giờ hôm nay ? Libération cảnh giác "Chưa có bỏ phong tỏa đâu". Le Figaro khuyến cáo chủ nhân điện Elysée : Trước làn sóng hoài nghi của dân chúng, phải tránh lời lẽ cường điệu gây thêm hoang mang. Trái lại, phải nói chính xác những khó khăn và chiến lược sống chung với dịch cho đến khi có thuốc ngừa. Cuối cùng là phải vạch ra một chân trời tự do tươi sáng. Về thời sự quốc tế, nhật báo thiên hữu giới thiệu "Anthony Blinken, ngoại trưởng tương lai Hoa Kỳ vừa được Joe Biden chỉ định là một chuyên gia quan hệ quốc tế dạn dày kinh nghiệm và còn là một người thông thạo tiếng Pháp, một tín hiệu tốt cho Châu Âu".
RCEP : Hệ quả sai lầm của Donald Trump
Trang ý kiến, nhà báo Renaud Girard trở lại bốn năm của tổng thống mãn nhiệm với bài phân tích tiếc rẻ : Thất bại địa - kinh tế của Donald Trump tại Châu Á.
Theo chuyên gia chính trị quốc tế của Le Figaro, về địa chiến lược, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thành công xây dựng một mặt trận chung ở Châu Á chống Trung Quốc, nhưng về kinh tế, tổng thống Donald Trump đã phạm ít nhất là hai sai lầm nghiêm trọng, giúp cho Bắc Kinh chiến thắng qua các thủ đoạn vận động hành lang, chiếm chỗ trống của Hoa Kỳ bỏ lại.
Trước hết, ngay khi lên nắm quyền, tổng thống thứ 45 của Mỹ, chống đa phương một cách triệt để, đã phá hoại hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, một công cụ chính trị và thương mại xuất sắc của người tiền nhiệm, với 12 thành viên từ Châu Mỹ trải dài đến Châu Á, xuống tận nam Thái Bình Dương. TPP còn là một guồng máy ngoại giao tinh vi với mục đích ngăn chặn chính sách "một vành đai một con đường" để bành trướng thương mại của Trung Quốc. Qua TPP, Hoa Kỳ còn có vũ khí buộc Bắc Kinh tuân thủ các tiêu chí và chuẩn mực từ thương mại cho đến tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ theo điều kiện của phương Tây.
Về an ninh, nếu Trung Quốc có ý đồ bành trướng ở Biển Đông với các căn cứ quân sự ở Hoàng sa và Trường sa, TPP có khả năng biến thành một liên minh quân sự : Singapore kiểm soát eo biển Malacca, Nhật Bản tập trung hải quân ở Hoa Đông, Việt Nam ngó về đảo Hải Nam, nơi Trung Quốc có một căn cứ hải quân quan trọng, còn hải quân Mỹ, số một thế giới, có một chuổi căn cứ hay quân cảng đón tiếp từ Hàn Quốc, Nhật, Việt Nam, Singapore, Philippines, Úc, tạo thành thế liên hoàn án ngữ Trung Quốc. Đứng trước đội hình chiến lược đó, Trung Quốc phải bó tay.
Lẽ ra Donald Trump phải quyết định xây dựng một cách thông minh và kiên nhẫn một liên minh thương mại và chiến lược chống Trung Quốc tại Thái Bình Dương, đại dương mà Hoa Kỳ độc quyền kiểm soát từ năm 1945 đến nay. Tiếp theo đó là mời gọi đồng minh Châu Âu tham gia vào TPP đặt trên nền tảng là những điều kiện nghiêm ngặt, thì Trung Quốc không còn đường tiến thoái, phải chấp nhận luật chơi của phương Tây.
Thay vì chọn một chiến lược tiệm tiến và tập thể, Donald Trump xé lẻ, làm cao bồi một mình. Diễn văn của ông tại Davos ngày 26/01/2018, theo đánh giá của nhà báo Pháp Renaud Girard là rất xuất sắc. Ông đã nói những sự thật mà trước đó không một nhà lãnh đạo nào khác dám nói. Ông nói với Trung Quốc : "Ngưng ăn cắp đi". Đúng là qua tin tặc, gián điệp và hù dọa các công ty hoạt động tại Hoa lục, Trung Quốc đã chiếm đoạt công nghệ của phương Tây. Donald Trump nói thẳng là chính quyền Trung Quốc không tôn trọng tinh thần và văn bản luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới, mà các nước phương Tây đã cho phép Trung Quốc gia nhập vào năm 2001 mà không đặt điều kiện tiên quyết.
Sai lầm thứ hai của Donald Trump là tuyên bố dũng cảm này không được thực hiện qua hành động. Trung Quốc là một miếng thịt to khó nuốt một mình. Vào thời điểm Donald Trump vào Nhà Trắng, phương Tây nói chung còn phương tiện để buộc Trung Quốc vào khuôn khổ. Giờ đây thì quá trễ, theo nhà phân tích Pháp. Về địa chiến lược, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã củng cố được một liên minh chống Trung Quốc với bộ tứ kim cương Mỹ, Ấn, Nhật, Úc, nhưng trong mặt trận kinh tế, Hoa Kỳ đã thua một trận đánh quyết định, do lỗi của Donald Trump.
Ngày 15/11/2020, RCEP-Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, do Bắc Kinh đề xướng đã được ký kết, bên lề Thượng đỉnh ASEAN.
Thượng Karabakh : Armenia và Azerbaijan đều thua
Trên trang quốc tế, Le Monde đưa độc giả đến Armenia và Azerbaijan sau cuộc chiến đẫm máu tại Thượng Karabakh. Erevan thất trận phải trả đất lại cho Baku. Nhưng trên thực tế, cả hai đều thua mưu kế của Moskva. Armenia đau xót vì cách mạng dân chủ dở dang, còn Azerbaijan tức tối vì bị Nga "phỗng tay trên", tựa của hai bài phóng sự
Tại thủ đô phe thua trận, hình ảnh đập vào mắt đặc phái viên của Le Monde là hai người lính trẻ vừa tròn 18 tuổi từ mặt trận trở về, vừa chôn cất xong một đồng đội, đi lang thang buồn thảm. Sau lưng họ là hai người dân Thượng Karabakh, hai vợ chồng, bấm chuông tòa đại sứ Pháp.
Armenia phải chịu đựng một thảm bại nặng nề, gồng gánh 100.000 người tị nạn, không kể việc phải đối phó với đại dịch Covid-19. Niềm hy vọng xây dựng một chế độ dân chủ với thủ tướng Nikol Pachinian từ năm 2018 đã tan thành mây khói, với thất bại quân sự ở Thượng Karabakh. Một phụ nữ 23 tuổi, một trong những sinh viên tham gia cách mạng nhung hai năm trước, nay là trợ lý cho một dân biểu ở Quốc hội, than thở : "Thật là kinh khiếp khi nghe những người đòi Pachinian từ chức. Sau 2018, Armenia được xem là quốc gia dân chủ. Tôi từng hãnh diện góp phần sang trang chế độ độc tài, nhưng chế độ này đang trở lại". Trên thực tế, theo phóng viên Le Monde, phe này không đông, chỉ độ 2.000 trong cuộc biểu tình đầu tiên và mỗi ngày mỗi thưa vắng. Đa số dân Armenia không tham gia vì không muốn bị xem là ủng hộ viên chế độ cũ.
Với cách mạng nhung, Armenia ước mơ môt tương lai mới. Bị ám ảnh bởi cuộc thảm sát diệt chủng 1915, nay mất tinh thần sau chiến thắng của kẻ thù Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ, người dân Armenia chỉ mong một điều duy nhất là được sống còn.
Tại Azerbaijan, kẻ chiến thắng cũng lo ra mặt. Sau niềm vui thắng trận, ca hát nhảy múa ngày 10/11/2020, sự kiện Nga đưa 2.000 quân đến Thượng Karabath làm trái độn bị nhiều người dân thủ đô xem là "bị Nga phỗng tay trên". Một tuần sau, một cuộc biểu tình chống Nga với biểu ngữ "Putin về nhà đi" đã diễn ra tại Baku.
Bài phóng sự rất dài, chỉ xin trích một vài nhận định tiêu biểu. Nhà chính trị học Kavus Abushov lo ngại "nước Nga rất khó lường, có thể làm bất cứ chuyện gì họ muốn với sức mạnh quân sự áp đảo. Nga sẽ ớ lại luôn và kiểm soát toàn bộ". Theo chuyên gia này, tổng thống Aliev phải chấp nhận điều kiện của Nga, bởi vì bị áp lực quá mạnh sau vụ trực thăng Nga bị bắn hạ một ngày trước khi Baku chịu ký thỏa hiệp ngưng bắn. Rất có thể chính Nga đã cố tình khiêu khích để gây ra sự cố trực thăng và qua đó tung lá bài hợp thức hóa sự hiện diện của lính Nga. Tức giận hay chỉ lo âu, vấn đề mà Azerbaijan phải giải quyết : Sự trở lại của nước Nga.
Trung Quốc đến cuối năm không còn người nghèo ?
Trở lại Châu Á, phóng viên Le Monde tìm hiểu chính sách xóa nghèo của Bắc Kinh. Chỉ tiêu là đúng vào ngày 31/12/2020, tại Trung Quốc sẽ không có người nghèo. Nhưng thực tế không đơn giản như khẩu hiệu và nghị quyết.
Trong suốt chuyến đi quan sát ở Cam Túc, phóng viên Le Monde được hướng dẫn đến các thành phố mới chưa có người ở, nơi sẽ dành cho nông dân nghèo cư ngụ theo chính sách của nhà nước.
Theo một viên chức, trong những năm gần đây, 8 triệu dân nghèo đã được tái định cư. Chỉ còn 150.000 người là chưa đủ ba điều kiện để gọi là hết nghèo : đi học, nhà cửa và bảo hiểm y tế tối thiểu.
Về thu nhập, ngưỡng nghèo ở nông thôn Trung Quốc là 4.000 nhân dân tệ/năm, trong khi bình quân toàn quốc là 26.500. Nếu theo tiêu chuẩn quốc tế, thì Trung Quốc phải nhân thêm 3,5 lần con số 4.000 nhân dân tệ mới gọi là ngưỡng nghèo khó.
Trên thực tế, Trung Quốc không chống nghèo, mà chỉ tìm cách xóa nghèo ở nông thôn, mục tiêu ít tham vọng nhưng rất nặng nề. Nhiều cán bộ sốt sắng quá mức "phá nhà nông dân trước khi có nhà mới cho họ".
Đằng sau những tuyên bố chiến thắng bề mặt, nhiều viên chức Hoa lục nhìn nhận nhiệm vụ xóa nghèo của họ không thể chấm dứt vào ngày 31/12/2020. Lý do là còn 93 triệu người thoát nghèo có nguy cơ rơi trở lại vào hoàn cảnh cũ.
Trung Quốc đổ bộ lên mặt trăng
Chinh phục không gian là tham vọng mà Trung Quốc đang thực hiện một bước tiến lớn : Viếng thăm Hằng Nga .
Bản tin của Les Echos cho biết nhiệm vụ của phi thuyền Hằng Nga số 5 rất khó khăn : mang về trái đất một số mẫu đất đá của mặt trăng. Bắc Kinh hy vọng trong một thập niên nữa sẽ đưa người lên thăm Cung Quảng Hàn, như nước Mỹ với chương trình Apollo trong thập niên 1960.
Giới khoa học quốc tế đang nôn nóng chờ Trung Quốc mang về mẫu đất đá mặt trăng, chia sẻ nhau để tìm hiểu thêm về sự tiến hóa của Thái dương hệ. Vào năm 1972, khi tổng thống Nixon đến Trung Quốc trong chuyến viếng thăm lịch sử, có tặng cho Trung Quốc một mẫu đá để làm quà lưu niệm. Les Echos không tin là "Trung Quốc sẽ có động thái tương tự" trong bối cảnh căng thẳng hiện nay.
Con người có thể sống đến bao nhiêu tuổi ?
Bên cạnh ưu tư của Giáo hoàng muốn tất cả công dân trên địa cầu được hưởng mức thu nhập phổ quát, điều kiện sống để được trường thọ là hồ sơ dân số học của La Croix.
Tính theo chiều dài lịch sử nhân loại thì ba thế hệ không phải là dài. Thế mà trong khoảng thời gian ngắn đó, tuổi thọ của con người tăng gắp đôi. Vào năm 1950, tình trung bình trên thế giới, phụ nữ từ trần ở tuổi 48 hay 49 tuổi. Đàn ông thọ mạng ngắn hơn, độ 45 tuổi. Nay, theo thống kê 2020, tuổi thọ phụ nữ lên đến hơn 75, còn nam giới 70,8 tuổi.
"Y học và điều kiện sống" được cải tiến là hai yếu tố tác động lên tuổi thọ. Dự báo là đến 2050, con người có thể sống thêm từ 4 đến 5 năm nữa. Câu hỏi đặt ra là tuổi thọ có thể tăng mãi hay không ? Đến 150 hay 200 tuổi, hay bất tử như một số nhà khoa học dự báo ?
Nhật báo công giáo mượn lời nhà nhân khẩu học Jacques Vallin : Trường sanh là chuyện phi lý. Làm sao mà con người mong manh có thể sống mãi khi mà mặt trời sẽ chết trong tương lai ? Mục đích của khoa học là cải tiến điều kiện sống chứ không phải để diệt cái chết.
Tú Anh