Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

20/11/2020

Điểm báo Pháp - Hiệp định RCEP : Nhật cũng là bên thắng

RFI tiếng Việt

Hiệp định RCEP : Không chỉ Trung Quốc, Nhật Bản cũng là bên thắng

Về thời sự quốc tế, chiến thuật "vườn không nhà trống", của tổng thống sắp mãn nhiệm Mỹ, chống chuyển giao quyền lực đến cùng, tiếp tục là chủ đề chính của báo chí Pháp hôm nay 20/11/2020. Về thời sự trong nước, dự luật về an ninh với điều khoản bị lên án là xâm phạm tự do ngôn luận là chủ đề trang nhất nhiều báo. Hiệp định thương mại RCEP giữa 15 nước Châu Á, vừa ký kết, mà nhiều người coi là thắng lợi của Bắc Kinh, được nhiều báo quan tâm.

hiepdinhrcep1

Một cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do Châu Á RCEP, tổ chức tại Hà Nội, năm 2018. AFP

Le Monde có bài phân tích đáng chú ý của nhà báo Philippe Mesmer, thường trú tại Tokyo. Bài viết mang tựa đề "Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực RCEP, một bước thắng lợi đối với Nhật Bản" khẳng định việc ký kết RCEP là "một giai đoạn quan trọng trong chính sách thương mại của Tokyo". 14 đối tác của Tokyo trong hiệp định này chiếm 46% tổng lượng hàng xuất khẩu của nước Nhật. Đối với Nhật Bản, thỏa thuận vừa ký thiết lập nên "một kiến trúc thương mại tự do đầu tiên" với Trung Quốc và Hàn Quốc, đối tác thương mại thứ nhất và thứ ba của Tokyo.

Le Monde điểm lại các cội nguồn của Hiệp định RCEP, với một thị trường khoảng 2 tỉ dân cư, chiếm 30% GDP toàn cầu, và lý do chính khiến Tokyo coi đây là một thắng lợi quan trọng, cho dù mới là một thắng lợi mang tính bước đệm.

Một thị trường rộng lớn tại bờ tây Thái Bình Dương, với khối ASEAN là trụ cột, là ý đồ của cả Nhật Bản và Trung Quốc từ khoảng 20 năm trở lại đây. Năm 2001, Bắc Kinh đề nghị ASEAN ký một thỏa thuận thương mại tự do trước 2010. Về phần mình, cũng vào thời điểm này, Nhật Bản khởi xướng kế hoạch xây dựng một cộng đồng kinh tế Đông Á cùng với khối ASEAN. Tiếp theo đó, Bắc Kinh mở rộng kế hoạch thành dự án ASEAN + 3 (gồm 10 nước ASEAN và 3 nước ngoài khối là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc). Kể từ năm 2006, chính phủ Shinzo Abe bắt đầu hướng đến một khu vực "Ấn Độ - Thái Bình Dương", đồng thời thúc đẩy dự án ASEAN + 6. Ngoài 13 quốc gia giống như dự án của Trung Quốc, còn có Ấn Độ, Úc và New Zealand. Hiệp định RCEP bắt đầu được thương lượng từ năm 2012, trong khuôn khổ dự án ASEAN + 6, do Tokyo đề xuất.

ASEAN, địa bàn cạnh tranh quyết liệt Nhật – Trung

Theo hai nhà nghiên cứu Peter A. Petri, trung tâm John L. Thornton về Trung Quốc, và Michael Plummer, đại học Johns Hopkins, "RCEP thường được giới thiệu một cách sai lầm là "do Trung Quốc chỉ đạo", trên thực tế, đây chính là một thắng lợi của ngoại giao cường quốc tầm trung của ASEAN".

Đối với Nhật, tác động trước mắt của RCEP là tương đối hạn chế, bởi chỉ cho phép xóa bỏ tối đa là 91,5% thuế đối với hàng xuất khẩu của Nhật, so với việc xóa thuế 100% của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay Hiệp định TPP mới, ký kết năm 2018. Tuy nhiên, RCEP được coi là "hết sức quan trọng đối với việc hình thành một trật tự kinh tế quốc tế tự do và mở", theo chủ tịch Liên đoàn giới chủ Nhật Bản Keidanren, ông Hiroaki Nakanishi. 

ASEAN là địa bàn cạnh tranh quyết liệt giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Năm 2018, tổng đầu tư của Nhật vào 6 nền kinh tế Đông Nam Á chủ yếu (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Việt Nam và Philippines) là 309 tỉ đô la, của Trung Quốc là 215 tỉ đô la.

Tokyo coi RCEP là bước đệm, bởi hiệp định này được coi là bước tiến quan trọng, mở ra triển vọng 3 quốc gia Đông Bắc Á ký kết vùng thương mại tự do Đông Bắc Á. Tokyo cũng được hy vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục Hoa Kỳ tham gia vào Hiệp ước TPP mới, một khi Joe Biden tiếp quản Nhà Trắng, cũng như thuyết phục Ấn Độ tham gia RCEP.

Bắc Kinh vừa tuyên bố tự do kinh tế, vừa gia tăng kiểm soát

Báo chí Pháp đặc biệt chú ý đến việc Hiệp định RCEP được thông qua chỉ ít ngày trước thượng đỉnh APEC, diễn đàn kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, khai mạc hôm qua, 19/11. Theo Le Figaro, lãnh đạo Trung Quốc đã nhân dịp khai mạc APEC tự khẳng định như là "người đi đầu" trong việc cổ vũ cho thương mại tự do (APEC bao gồm các nền kinh tế hàng đầu thế giới hai bên bờ Thái Bình Dương, chiếm tổng cộng 60% GDP toàn cầu). Không nói ra, nhưng ai cũng hiểu, phát biểu của ông Tập Cận Bình gián tiếp chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ của tổng thống sắp mãn nhiệm Hoa Kỳ Donald Trump

Tuy nhiên, Le Figaro cũng lưu ý đến sự tương phản cao độ giữa tuyên bố của chủ tịch Trung Quốc với thực tế. Tử nhiều năm nay, Bắc Kinh – người lớn tiếng cổ vũ cho thương mại tự do – cũng nổi tiếng với các nỗ lực "ngăn cản các doanh nghiệp nước ngoài" làm ăn tại Trung Quốc và "các cạnh tranh bất chính". Đúng vào lúc ông Tập Cận Bình hô hào mở cửa thị trường, tại lễ khai trương Hội chợ nhập khẩu ở Thượng Hải đầu tháng 11, nước Úc nhận ra là không còn có thể xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều mặt hàng như "gỗ, rượu vang hay tôm hùm".

Một điểm khác cũng được Le Figaro nhấn mạnh là trong Hiệp định thương mại Châu Á RCEP vừa được ký kết rất ít có các ràng buộc "về chất lượng sản phẩm và các tiêu chuẩn môi trường", khác hẳn với Hiệp định TPP, do tổng thống tiền nhiệm Hoa Kỳ Obama chủ trương trước đây. Tuy nhiên, sự ra đời của RCEP – với hệ quả là kéo trung tâm kinh tế thế giới về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương - cũng "tạo áp lực" buộc Washington phải xem xét lại chính sách.

Thị trường Trung Quốc rủi ro cao, do can thiệp chính trị

Cũng Le Figaro có bài "Việc Đảng cộng sản khống chế các doanh nghiệp gây khó cho việc mở cửa về tài chính của Trung Quốc". Can thiệp chính trị của bộ máy Đảng cộng sản vào hoạt động doanh nghiệp khiến ngay cả nhiều chủ doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, đảng viên cộng sản, cũng "sợ hãi". Một trong những ví dụ mới nhất là việc công ty dịch vụ tài chính Ant, chi nhánh của tập đoàn Alibaba của tỉ phú Jack Ma, phải ngừng lên sàn chứng khoán Thượng Hải hôm 05/11. Kế hoạch dự kiến là mang tính lịch sử này đã bị đình hoãn vào phút chót. Theo kinh tế gia Julian Evans-Pritchard, việc đình hoãn này một lần nữa nhắc lại "sự thiếu minh bạch" của các thị trường Trung Quốc, và rủi ro cao độ do các can thiệp chính trị. Le Figaro ghi nhận việc Đảng cộng sản Trung Quốc nắm trở lại khu vực kinh tế tư nhân nói riêng, và toàn xã hội nói chung, tăng tốc đáng kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012.

Úc bác bỏ yêu sách "14 điểm" của Trung Quốc

Về Châu Á, Libération đặc biệt chú ý đến căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Úc. Bài "Bắc Kinh giương móng với Canberra" ghi nhận một nấc thang mới, khi thủ tướng Úc Scott Morrison hôm qua, 19/11, đã thẳng thừng bác bỏ các đòi hỏi mà Bắc Kinh nêu ra trước đó hai hôm, khi khẳng định : "Nước Úc sẽ luôn là chính mình". Các đòi hỏi của Bắc Kinh được sứ quán Trung Quốc thông báo bằng văn bản, gồm 14 yêu sách, với các phương tiện truyền thông Úc, để gây áp lực với Canberra. Chính quyền Trung Quốc chỉ trích Úc đòi điều tra về nguồn gốc dịch Covid-19, xuất phát từ Vũ Hán, nay trở thành đại họa cho toàn cầu, hay việc Úc là quốc gia bên ngoài nhưng lại có lập trưởng phản đối Trung Quốc bành trướng quân sự tại Biển Đông, việc Canberra chống lại các đầu tư Trung Quốc tại Úc bị coi là mờ ám…

Căng thẳng Úc – Trung gia tăng không phải ngẫu nhiên. Cũng hôm thứ Ba vừa qua, 17/11, Úc và Nhật Bản vừa ký kết Thỏa thuận quốc phòng (thỏa thuận RAA), cho phép quân đội hai bên tập trận trên lãnh thổ của nhau. Le Monde chú ý đến phản ứng từ Trung Quốc, sau khi Tokyo và Canberra ký kết thỏa thuận lịch sử này. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo – chuyên chuyển tải lập trường cứng rắn của chính quyền Trung Quốc – nhận định Nhật Bản và Úc "đang được sử dụng như các công cụ để phục vụ cho ý đố của Mỹ" tập hợp liên minh chống Trung Quốc.

Chính quyền Úc tỏ thái độ hòa dịu, khi khẳng định thỏa thuận hợp tác quốc phòng RAA không ảnh hưởng đến quan hệ giữa Úc với Bắc Kinh, đây chỉ là một bước mới trong quan hệ hợp tác mật thiết giữa Nhật và Úc, hai thành viên của Hiệp định thương mại Châu Á giữa 15 quốc gia, vừa được ký kết, mà Trung Quốc tham gia.

Chống lại nền dân chủ Mỹ : Trump làm đủ cách để ngáng đường Biden

Chính sách của ông Donald Trump chống đối đến cùng, để ngăn cản đối thủ tiếp quản Nhà Trắng là hồ sơ chính của La Croix.  Tờ báo chạy tựa trang nhất : "Donald Trump, tác oai tác quái", với nhận định : hai tuần sau chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, tổng thống sắp mãn nhiệm liên tục có các biện pháp gây khó khăn cho đối phương. Xã luận La Croix mang tựa đề "Vườn không nhà trống" nhấn mạnh : ông Trump hoàn toàn có quyền khiếu kiện ra tòa, khi cho rằng cuộc bầu cử "có nhiều gian lận". Tuy nhiên, tổng thống sắp mãn nhiệm đã chọn con đường đơn phương khẳng định ông mới là "người chiến thắng", và "cự tuyệt đối thoại với ứng cử viên Dân chủ". Hơn nữa, ông Trump còn cách chức nhiều cộng sự của ông, trong đó có người phụ trách tổ chức việc bầu cử, chỉ vì nhân vật này tuyên bố cuộc bầu cử vừa qua là "không thể chê trách". Nhật báo công giáo nhấn mạnh hành động của ông Trump cho thấy ông đang tấn công vào chính nền dân chủ Mỹ, khiến hàng triệu cử tri Mỹ mất lòng tin vào tính trung thực của cuộc bỏ phiếu. Trước khi buộc phải chấp nhận thất bại, ông Donald Trump muốn "để lại sau mình một đống hoang tàn", La Croix kết luận.

Nhật báo kinh tế Les Echos cũng cùng một ghi nhận : vào lúc thất bại "ngày một rõ nét", tổng thống sắp mãn nhiệm Hoa Kỳ quyết định dùng mọi quyền lực trong tay để khiến cho việc chuyển giao quyền lực trở nên bội phần phức tạp. Bài "Trump gây khó khăn cho cuộc chuyển giao quyền lực như thế nào ?" của Les Echos khẳng định, kể từ hai tuần nay, không có bất cứ một phán quyết nào của tư pháp đứng về phía tổng thống sắp mãn nhiệm, và các cuộc kiểm phiếu lại đều xác nhận các kết quả đã có. Tuy nhiên, điều này không cản trở luật sư của Donald Trump, ông Rudy Giuliani, hôm 18/11, một lần nữa lớn tiếng tuyên bố bên Dân chủ đã có một kế hoạch gian lận bầu cử quy mô lớn, tại nhiều thành phố.

Tự do ngôn luận – Pháp : Chính phủ phải điều chỉnh điều 24 bị phản đối

Về thời sự nước Pháp, từ nhật báo thiên tả Libération đến nhật báo thiên hữu Le Figaro, hay nhật báo kinh tế Les Echos, đều đặc biệt quan tâm đến điều khoản trong dự luật về an ninh – mang tên luật An ninh Toàn diện - đang được thảo luận tại Quốc Hội, quy định cấm phổ biến hình ảnh liên quan đến các nhân viên cảnh sát, trong các vụ cảnh sát bị cáo buộc đánh đập người dân. Theo Les Echos, dự luật cho phép truy tố những ai phổ biến các hình ảnh như vậy đe dọa quyền tự do thông tin, tự do báo chí – điều được nhiều hiệp hội bảo vệ nhân quyền cảnh báo. Vẫn theo Les Echos, dưới áp lực công luận, chính quyền đã buộc phải xem xét điều khoản 24 gây tranh cãi này. Xã luận Libération tố cáo việc chính quyền nhân cơ hội phong tỏa để thông qua các điều khoản tấn công vào quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận. Theo Le Figaro, điều luật tấn công tự do ngôn luận này không bị xóa bỏ, mà sẽ được "điều chỉnh". Một nghị sĩ cánh hữu viết thư cho bộ Tư pháp khẳng định điều khoản bị phản đối nói trên là không phù hợp với Hiến pháp.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 587 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)