Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hiệp định RCEP : Không chỉ Trung Quốc, Nhật Bản cũng là bên thắng

Về thời sự quốc tế, chiến thuật "vườn không nhà trống", của tổng thống sắp mãn nhiệm Mỹ, chống chuyển giao quyền lực đến cùng, tiếp tục là chủ đề chính của báo chí Pháp hôm nay 20/11/2020. Về thời sự trong nước, dự luật về an ninh với điều khoản bị lên án là xâm phạm tự do ngôn luận là chủ đề trang nhất nhiều báo. Hiệp định thương mại RCEP giữa 15 nước Châu Á, vừa ký kết, mà nhiều người coi là thắng lợi của Bắc Kinh, được nhiều báo quan tâm.

hiepdinhrcep1

Một cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do Châu Á RCEP, tổ chức tại Hà Nội, năm 2018. AFP

Le Monde có bài phân tích đáng chú ý của nhà báo Philippe Mesmer, thường trú tại Tokyo. Bài viết mang tựa đề "Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực RCEP, một bước thắng lợi đối với Nhật Bản" khẳng định việc ký kết RCEP là "một giai đoạn quan trọng trong chính sách thương mại của Tokyo". 14 đối tác của Tokyo trong hiệp định này chiếm 46% tổng lượng hàng xuất khẩu của nước Nhật. Đối với Nhật Bản, thỏa thuận vừa ký thiết lập nên "một kiến trúc thương mại tự do đầu tiên" với Trung Quốc và Hàn Quốc, đối tác thương mại thứ nhất và thứ ba của Tokyo.

Le Monde điểm lại các cội nguồn của Hiệp định RCEP, với một thị trường khoảng 2 tỉ dân cư, chiếm 30% GDP toàn cầu, và lý do chính khiến Tokyo coi đây là một thắng lợi quan trọng, cho dù mới là một thắng lợi mang tính bước đệm.

Một thị trường rộng lớn tại bờ tây Thái Bình Dương, với khối ASEAN là trụ cột, là ý đồ của cả Nhật Bản và Trung Quốc từ khoảng 20 năm trở lại đây. Năm 2001, Bắc Kinh đề nghị ASEAN ký một thỏa thuận thương mại tự do trước 2010. Về phần mình, cũng vào thời điểm này, Nhật Bản khởi xướng kế hoạch xây dựng một cộng đồng kinh tế Đông Á cùng với khối ASEAN. Tiếp theo đó, Bắc Kinh mở rộng kế hoạch thành dự án ASEAN + 3 (gồm 10 nước ASEAN và 3 nước ngoài khối là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc). Kể từ năm 2006, chính phủ Shinzo Abe bắt đầu hướng đến một khu vực "Ấn Độ - Thái Bình Dương", đồng thời thúc đẩy dự án ASEAN + 6. Ngoài 13 quốc gia giống như dự án của Trung Quốc, còn có Ấn Độ, Úc và New Zealand. Hiệp định RCEP bắt đầu được thương lượng từ năm 2012, trong khuôn khổ dự án ASEAN + 6, do Tokyo đề xuất.

ASEAN, địa bàn cạnh tranh quyết liệt Nhật – Trung

Theo hai nhà nghiên cứu Peter A. Petri, trung tâm John L. Thornton về Trung Quốc, và Michael Plummer, đại học Johns Hopkins, "RCEP thường được giới thiệu một cách sai lầm là "do Trung Quốc chỉ đạo", trên thực tế, đây chính là một thắng lợi của ngoại giao cường quốc tầm trung của ASEAN".

Đối với Nhật, tác động trước mắt của RCEP là tương đối hạn chế, bởi chỉ cho phép xóa bỏ tối đa là 91,5% thuế đối với hàng xuất khẩu của Nhật, so với việc xóa thuế 100% của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay Hiệp định TPP mới, ký kết năm 2018. Tuy nhiên, RCEP được coi là "hết sức quan trọng đối với việc hình thành một trật tự kinh tế quốc tế tự do và mở", theo chủ tịch Liên đoàn giới chủ Nhật Bản Keidanren, ông Hiroaki Nakanishi. 

ASEAN là địa bàn cạnh tranh quyết liệt giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Năm 2018, tổng đầu tư của Nhật vào 6 nền kinh tế Đông Nam Á chủ yếu (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Việt Nam và Philippines) là 309 tỉ đô la, của Trung Quốc là 215 tỉ đô la.

Tokyo coi RCEP là bước đệm, bởi hiệp định này được coi là bước tiến quan trọng, mở ra triển vọng 3 quốc gia Đông Bắc Á ký kết vùng thương mại tự do Đông Bắc Á. Tokyo cũng được hy vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục Hoa Kỳ tham gia vào Hiệp ước TPP mới, một khi Joe Biden tiếp quản Nhà Trắng, cũng như thuyết phục Ấn Độ tham gia RCEP.

Bắc Kinh vừa tuyên bố tự do kinh tế, vừa gia tăng kiểm soát

Báo chí Pháp đặc biệt chú ý đến việc Hiệp định RCEP được thông qua chỉ ít ngày trước thượng đỉnh APEC, diễn đàn kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, khai mạc hôm qua, 19/11. Theo Le Figaro, lãnh đạo Trung Quốc đã nhân dịp khai mạc APEC tự khẳng định như là "người đi đầu" trong việc cổ vũ cho thương mại tự do (APEC bao gồm các nền kinh tế hàng đầu thế giới hai bên bờ Thái Bình Dương, chiếm tổng cộng 60% GDP toàn cầu). Không nói ra, nhưng ai cũng hiểu, phát biểu của ông Tập Cận Bình gián tiếp chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ của tổng thống sắp mãn nhiệm Hoa Kỳ Donald Trump

Tuy nhiên, Le Figaro cũng lưu ý đến sự tương phản cao độ giữa tuyên bố của chủ tịch Trung Quốc với thực tế. Tử nhiều năm nay, Bắc Kinh – người lớn tiếng cổ vũ cho thương mại tự do – cũng nổi tiếng với các nỗ lực "ngăn cản các doanh nghiệp nước ngoài" làm ăn tại Trung Quốc và "các cạnh tranh bất chính". Đúng vào lúc ông Tập Cận Bình hô hào mở cửa thị trường, tại lễ khai trương Hội chợ nhập khẩu ở Thượng Hải đầu tháng 11, nước Úc nhận ra là không còn có thể xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều mặt hàng như "gỗ, rượu vang hay tôm hùm".

Một điểm khác cũng được Le Figaro nhấn mạnh là trong Hiệp định thương mại Châu Á RCEP vừa được ký kết rất ít có các ràng buộc "về chất lượng sản phẩm và các tiêu chuẩn môi trường", khác hẳn với Hiệp định TPP, do tổng thống tiền nhiệm Hoa Kỳ Obama chủ trương trước đây. Tuy nhiên, sự ra đời của RCEP – với hệ quả là kéo trung tâm kinh tế thế giới về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương - cũng "tạo áp lực" buộc Washington phải xem xét lại chính sách.

Thị trường Trung Quốc rủi ro cao, do can thiệp chính trị

Cũng Le Figaro có bài "Việc Đảng cộng sản khống chế các doanh nghiệp gây khó cho việc mở cửa về tài chính của Trung Quốc". Can thiệp chính trị của bộ máy Đảng cộng sản vào hoạt động doanh nghiệp khiến ngay cả nhiều chủ doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, đảng viên cộng sản, cũng "sợ hãi". Một trong những ví dụ mới nhất là việc công ty dịch vụ tài chính Ant, chi nhánh của tập đoàn Alibaba của tỉ phú Jack Ma, phải ngừng lên sàn chứng khoán Thượng Hải hôm 05/11. Kế hoạch dự kiến là mang tính lịch sử này đã bị đình hoãn vào phút chót. Theo kinh tế gia Julian Evans-Pritchard, việc đình hoãn này một lần nữa nhắc lại "sự thiếu minh bạch" của các thị trường Trung Quốc, và rủi ro cao độ do các can thiệp chính trị. Le Figaro ghi nhận việc Đảng cộng sản Trung Quốc nắm trở lại khu vực kinh tế tư nhân nói riêng, và toàn xã hội nói chung, tăng tốc đáng kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012.

Úc bác bỏ yêu sách "14 điểm" của Trung Quốc

Về Châu Á, Libération đặc biệt chú ý đến căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Úc. Bài "Bắc Kinh giương móng với Canberra" ghi nhận một nấc thang mới, khi thủ tướng Úc Scott Morrison hôm qua, 19/11, đã thẳng thừng bác bỏ các đòi hỏi mà Bắc Kinh nêu ra trước đó hai hôm, khi khẳng định : "Nước Úc sẽ luôn là chính mình". Các đòi hỏi của Bắc Kinh được sứ quán Trung Quốc thông báo bằng văn bản, gồm 14 yêu sách, với các phương tiện truyền thông Úc, để gây áp lực với Canberra. Chính quyền Trung Quốc chỉ trích Úc đòi điều tra về nguồn gốc dịch Covid-19, xuất phát từ Vũ Hán, nay trở thành đại họa cho toàn cầu, hay việc Úc là quốc gia bên ngoài nhưng lại có lập trưởng phản đối Trung Quốc bành trướng quân sự tại Biển Đông, việc Canberra chống lại các đầu tư Trung Quốc tại Úc bị coi là mờ ám…

Căng thẳng Úc – Trung gia tăng không phải ngẫu nhiên. Cũng hôm thứ Ba vừa qua, 17/11, Úc và Nhật Bản vừa ký kết Thỏa thuận quốc phòng (thỏa thuận RAA), cho phép quân đội hai bên tập trận trên lãnh thổ của nhau. Le Monde chú ý đến phản ứng từ Trung Quốc, sau khi Tokyo và Canberra ký kết thỏa thuận lịch sử này. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo – chuyên chuyển tải lập trường cứng rắn của chính quyền Trung Quốc – nhận định Nhật Bản và Úc "đang được sử dụng như các công cụ để phục vụ cho ý đố của Mỹ" tập hợp liên minh chống Trung Quốc.

Chính quyền Úc tỏ thái độ hòa dịu, khi khẳng định thỏa thuận hợp tác quốc phòng RAA không ảnh hưởng đến quan hệ giữa Úc với Bắc Kinh, đây chỉ là một bước mới trong quan hệ hợp tác mật thiết giữa Nhật và Úc, hai thành viên của Hiệp định thương mại Châu Á giữa 15 quốc gia, vừa được ký kết, mà Trung Quốc tham gia.

Chống lại nền dân chủ Mỹ : Trump làm đủ cách để ngáng đường Biden

Chính sách của ông Donald Trump chống đối đến cùng, để ngăn cản đối thủ tiếp quản Nhà Trắng là hồ sơ chính của La Croix.  Tờ báo chạy tựa trang nhất : "Donald Trump, tác oai tác quái", với nhận định : hai tuần sau chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, tổng thống sắp mãn nhiệm liên tục có các biện pháp gây khó khăn cho đối phương. Xã luận La Croix mang tựa đề "Vườn không nhà trống" nhấn mạnh : ông Trump hoàn toàn có quyền khiếu kiện ra tòa, khi cho rằng cuộc bầu cử "có nhiều gian lận". Tuy nhiên, tổng thống sắp mãn nhiệm đã chọn con đường đơn phương khẳng định ông mới là "người chiến thắng", và "cự tuyệt đối thoại với ứng cử viên Dân chủ". Hơn nữa, ông Trump còn cách chức nhiều cộng sự của ông, trong đó có người phụ trách tổ chức việc bầu cử, chỉ vì nhân vật này tuyên bố cuộc bầu cử vừa qua là "không thể chê trách". Nhật báo công giáo nhấn mạnh hành động của ông Trump cho thấy ông đang tấn công vào chính nền dân chủ Mỹ, khiến hàng triệu cử tri Mỹ mất lòng tin vào tính trung thực của cuộc bỏ phiếu. Trước khi buộc phải chấp nhận thất bại, ông Donald Trump muốn "để lại sau mình một đống hoang tàn", La Croix kết luận.

Nhật báo kinh tế Les Echos cũng cùng một ghi nhận : vào lúc thất bại "ngày một rõ nét", tổng thống sắp mãn nhiệm Hoa Kỳ quyết định dùng mọi quyền lực trong tay để khiến cho việc chuyển giao quyền lực trở nên bội phần phức tạp. Bài "Trump gây khó khăn cho cuộc chuyển giao quyền lực như thế nào ?" của Les Echos khẳng định, kể từ hai tuần nay, không có bất cứ một phán quyết nào của tư pháp đứng về phía tổng thống sắp mãn nhiệm, và các cuộc kiểm phiếu lại đều xác nhận các kết quả đã có. Tuy nhiên, điều này không cản trở luật sư của Donald Trump, ông Rudy Giuliani, hôm 18/11, một lần nữa lớn tiếng tuyên bố bên Dân chủ đã có một kế hoạch gian lận bầu cử quy mô lớn, tại nhiều thành phố.

Tự do ngôn luận – Pháp : Chính phủ phải điều chỉnh điều 24 bị phản đối

Về thời sự nước Pháp, từ nhật báo thiên tả Libération đến nhật báo thiên hữu Le Figaro, hay nhật báo kinh tế Les Echos, đều đặc biệt quan tâm đến điều khoản trong dự luật về an ninh – mang tên luật An ninh Toàn diện - đang được thảo luận tại Quốc Hội, quy định cấm phổ biến hình ảnh liên quan đến các nhân viên cảnh sát, trong các vụ cảnh sát bị cáo buộc đánh đập người dân. Theo Les Echos, dự luật cho phép truy tố những ai phổ biến các hình ảnh như vậy đe dọa quyền tự do thông tin, tự do báo chí – điều được nhiều hiệp hội bảo vệ nhân quyền cảnh báo. Vẫn theo Les Echos, dưới áp lực công luận, chính quyền đã buộc phải xem xét điều khoản 24 gây tranh cãi này. Xã luận Libération tố cáo việc chính quyền nhân cơ hội phong tỏa để thông qua các điều khoản tấn công vào quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận. Theo Le Figaro, điều luật tấn công tự do ngôn luận này không bị xóa bỏ, mà sẽ được "điều chỉnh". Một nghị sĩ cánh hữu viết thư cho bộ Tư pháp khẳng định điều khoản bị phản đối nói trên là không phù hợp với Hiến pháp.

Trọng Thành

Published in Châu Á

Ấn Độ rút khỏi RCEP vì "lợi ích quốc gia" (RFI, 05/11/2019)

Ấn Độ thông báo không tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership - RCEP) vì "lợi ích quốc gia". Quyết định trên được quan chức Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Vijay Thakur Singh, thông báo hôm qua 04/11/2019 trong một cuộc họp báo tại Bangkok, bên lề thượng đỉnh ASEAN.

rcep1

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (giữa) và các đồng nhiệm Jacinda Ardern (New Zealand), Lý Khắc Cường (Trung Quốc) tại hội nghị RCEP ở Bangkok, ngày 04/11/2019. Reuters

New Delhi lo ngại hàng hóa giá rẻ Trung Quốc sẽ gây hại cho thị trường Ấn Độ, và nông sản Úc, New Zeland sẽ tác động tiêu cực tới nông dân nước này.

Hôm qua là ngày lãnh đạo 16 nước Châu Á-Thái Bình Dương tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) họp thượng đỉnh lần thứ ba tại Bangkok, Thái Lan. Theo thông cáo chung, các nước tham gia RCEP thống nhất sẽ ký hiệp định vào năm 2020 kể cả khi Ấn Độ rút lui.

Từ Bangkok, thông tín viên RFI Carol Isoux cho biết thêm chi tiết :

"Ấn Độ không nằm trong số 10 nước thành viên chính thức của ASEAN nhưng là một đối tác của tổ chức này, giống như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc… Lý do Ấn Độ rút khỏi đàm phán RCEP là New Delhi lo ngại rằng thị trường nước này sẽ tràn ngập hàng Trung Quốc giá rẻ, nhất là điện thoại di động… Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, có mặt tại Bangkok, đã tuyên bố là ông muốn hiệp định tự do mậu dịch không chỉ liên quan đến hàng hóa gia công vốn là ưu thế của Trung Quốc, mà còn phải liên quan đến các dịch vụ. Ấn Độ là quốc gia dẫn đầu khu vực trong lĩnh vực này.

Từ nhiều thế kỷ qua, Đông Nam Á là nơi giao thoa ảnh hưởng của Ấn Độ và Trung Quốc. Hai cường quốc luôn tranh giành quyền bá chủ về văn hóa và kinh tế trong khu vực . Đối với Trung Quốc, ASEAN là cánh cửa quan trọng trên Con đường tơ lụa mới, một kế hoạch hạ tầng cơ sở quy mô thế giới nhằm phục vụ cho các tham vọng của Trung Quốc. Còn đối với Ấn Độ, khu vực này giữ vai trò chủ đạo trong chính sách Hành động Hướng Đông (Act East) vốn coi các trao đổi với châu Á là mối ưu tiên.

Hiện giờ điều cần xem là liệu các nước ASEAN có quyết định ký hiệp định mà không có sự ủng hộ của Ấn Độ hay không".

Thùy Dương

******************

RCEP : Trung Quốc sẽ hưởng lợi nhiều nhất (RFI, 04/11/2018)

Ngày 04/11/2019, lãnh đạo 16 nước Châu Á-Thái Bình Dương tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP họp thượng đỉnh lần thứ ba tại Bangkok, Thái Lan.

asean4

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại thượng đỉnh ASEAN, ngày 03/11/2019. Reuters/Soe Zeya Tun

Với mong muốn đẩy nhanh tốc độ hội nhập của ASEAN, Thái Lan, nước chủ tịch luân phiên ASEAN 2019, đã đề ra mục tiêu 16 quốc gia sẽ hoàn tất đàm phán về RCEP vào cuối năm nay.

Hiệp định RCEP là một trong những chủ đề trọng tâm của thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 tại Bankok. Hôm thứ Sáu 01/11/2019, bộ trưởng 10 nước thành viên ASEAN và 6 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zeland tham gia đàm phán để thống nhất các phần cuối cùng của hiệp định.

Thứ trưởng Thương mại Nhật Bản Hideki Makihara hôm 01/11 phát biểu trong một cuộc họp báo là kết quả tiến trình đàm phán sẽ được thông báo trong tuyên bố chung thượng đỉnh RCEP, nhưng từ chối cho biết thêm chi tiết về kết quả cuộc đàm phán.

Mặc dù trước thượng đỉnh, Thái Lan tỏ ra lạc quan, nhưng dường như các cuộc đàm phán sẽ chưa thể hoàn tất sớm như nước chủ tịch luân phiên ASEAN 2019 mong muốn. Phát biểu khai mạc thượng đỉnh ASEAN, thủ tướng Thái Lan, Prayuth Chan-ocha, vẫn nhấn mạnh : "Chúng ta sẽ phải tiếp tục làm việc để từ nay cho đến cuối năm có bản tổng kết về các cuộc đàm phán RCEP nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng như thương mại và đầu tư".

RCEP có ý nghĩa quan trọng như thế nào ?

16 quốc gia tham gia RCEP chiếm gần 50% dân số toàn thế giới, tương đương khoảng 3,6 tỷ người. Khi RCEP được thông qua và có hiệu lực, 16 nước tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực sẽ hình thành một khối thương mại chiếm gần 30% GDP thế giới, tạo ra khối lượng giao dịch hơn 10 ngàn tỷ đô la USD, chiếm hơn 29% giá trị thương mại toàn cầu, và chiếm hơn 32% luồng vốn đầu tư toàn cầu. Nhất là trong bối cảnh chủ nhân Nhà Trắng Donald Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017, sau khi ông đắc cử tổng thống Mỹ, RCEP sẽ tạo ra khối thương mại lớn nhất toàn cầu.

Ngoài ra, hiệp định RCEP, liên quan đến cả việc cắt giảm thuế quan và bảo vệ sở hữu trí tuệ, sẽ đánh dấu sự trở lại của tự do hóa thương mại đa phương, chống lại làn sóng bảo hộ mậu dịch mà chủ nhân Nhà Trắng Donald Trump là người đi đầu.

Tại sao các cuộc đàm phán lại kéo dài suốt 7 năm mà vẫn chưa hoàn tất ?

Ý tưởng về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực được đề xuất vào tháng 11/2012 và các cuộc đàm phán được khởi động vào năm 2013, với mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế giữa ASEAN và sáu đối tác thương mại lớn trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Đúng là ban đầu các nước tham gia dự kiến ký kết Hiệp định vào năm 2015, nhưng RCEP đã bị trì hoãn nhiều lần, chủ yếu do thiếu các thỏa thuận thương mại tự do song phương giữa một số đối tác, chẳng hạn giữa Trung Quốc với Nhật Bản, giữa Ấn Độ với Trung Quốc.

Mặc dù kéo dài suốt 7 năm, nhưng cũng cần nói rõ là trong năm 2019, các cuộc đàm phán đã có nhiều tiến triển, trong bối cảnh Mỹ - Trung có xung đột kinh tế. Việc tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi TPP hồi năm 2017 cũng là một động lực khiến các cuộc đàm phán được đẩy nhanh hơn. Kỳ đàm phán lần thứ 28 đã được tổ chức tại Đà Nẵng, Việt Nam, hồi cuối tháng 09/2019, nhằm giải quyết những vướng mắc kỹ thuật đang tồn đọng. Trong tháng qua, Thái Lan tiết lộ là việc đàm phán đã hoàn thành được hơn 80%.

Trang mạng ASIA Nikkei hôm 02/11 cho biết trong cuộc họp bộ trưởng RCEP được tổ chức vào ngày 11-12/10/2019, cũng tại Bangkok, Thái Lan, đoàn đàm phán của 16 nước đã thống nhất được 20 chương hiệp định. Đối với 6 chương còn lại, 16 nước vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, nhất là về các quy tắc cạnh tranh thương mại và các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của RCEP.

Hiện nay rào cản lớn nhất để hoàn tất các cuộc đàm phán là gì ?

Có thể nói rào cản lớn nhất đối với hiệp định chính là Ấn Độ, hiện vẫn lo ngại khi RCEP có hiệu lực, hàng hóa giá rẻ do Trung Quốc sản xuất sẽ ồ ạt tràn vào thị trường Ấn Độ, gây tác động tiêu cực cho sản xuất nội địa, nhất là các ngành kim loại, dệt may, sản xuất sữa và điện thoại di động. Gần đây, New Delhi đòi thay đổi hiệp định, muốn có nhiều biện pháp bảo vệ hơn do lo sợ thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Đương nhiên, điều này gây khó chịu cho Bắc Kinh. Còn nhà phân tích kinh tế của Ngân hàng phát triển Châu Á, Jayant Menon, nhấn mạnh "nỗi sợ Trung Quốc" là điểm chung của nhiều nước, chứ không riêng gì Ấn Độ.

Có mặt tại Bangkok tham dự thượng đỉnh, thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi tuyên bố muốn mở rộng phạm vi hiệp định RCEP sang cả lĩnh vực dịch vụ, chứ không chỉ đơn thuần là hàng hóa sản xuất. Về dịch vụ, Ấn Độ là một trong những nước đi đầu khu vực. Ông Modi cũng muốn thay đổi hiệp định theo hướng có lợi hơn cho các doanh nghiệp Ấn Độ.

Mặc dù rất muốn ký kết RCEP, nhưng thủ tướng Modi đang chịu sức ép từ dư luận trong nước do dân chúng lo ngại hàng hóa Ấn Độ bị hàng giá rẻ Trung Quốc "lấn át". Theo AFP, nông dân Ấn Độ đã lên kế hoạch biểu tình trên toàn quốc đúng vào hôm nay 04/11 để yêu cầu thêm nhiều điều khoản đảm bảo quyền lợi cho họ. Nhiều nông dân Ấn Độ hôm thứ Bảy 02/11 biểu tình đòi hỏi chính phủ rút khỏi các cuộc đàm phán RCEP.

Một nguồn tin thân cận với đoàn đàm phán Ấn Độ tiết lộ tuần vừa rồi New Delhi đã đưa ra những đòi hỏi "rất khó đáp ứng". Nhiều nước ASEAN nhắc đến khả năng một hiệp định RCEP thiếu vắng Ấn Độ. Tuy nhiên, bộ trưởng Thương Mại Thái Lan hôm qua 03/11 cho biết là Ấn Độ vẫn chưa rút khỏi RCEP và các cuộc đàm phán RCEP vẫn đang diễn ra. Còn bộ trưởng Thương Mại và Công Nghiệp Philippines, Ramon Lopez, nhấn mạnh : "Chúng tôi muốn Ấn Độ tham gia. Đây là một nền kinh tế lớn. Chúng tôi đã cùng nhau bắt đầu (các cuộc đàm phán) và sẽ cùng nhau hoàn tất".

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, thì riêng đối với Bắc Kinh, RCEP chắc chắn có ý nghĩa đặc biệt ?

Đối với chính quyền Bắc Kinh, việc sớm hoàn tất đàm phán về RCEP có ý nghĩa sống còn. Xung đột thương mại Mỹ - Trung đã khiến giá trị xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm hàng trăm tỉ đô la. Kinh tế Trung Quốc đang cần được thổi một làn gió mới. RCEP sẽ làm được điều đó. RCEP cũng tạo cơ hội cho Trung Quốc có thêm ảnh hưởng đối với nhiều nước Châu Á do nước Mỹ từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một đối trọng của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP.

Mặc dù chính quyền Bắc Kinh vẫn duy trì nhiều chính sách bảo hộ riêng của mình, nhưng ký kết RCEP sẽ là công cụ để Trung Quốc thể hiện với thế giới là Bắc Kinh đang giương cao ngọn cờ thương mại tự do, trái ngược lại với Hoa Kỳ thời Donald Trump.

Năm nay, tổng thống Mỹ Donald Trump không đến dự thượng đỉnh ASEAN, chỉ cử bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross và cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien thay ông dự ASEAN. Đây có thể coi là phái đoàn cấp thấp nhất của Mỹ từ trước đến nay đến dự các thượng đỉnh của ASEAN, thậm chí còn thấp hơn so với phái đoàn của Trung Quốc và Nhật Bản. Năm 2018, chủ nhân Nhà Trắng cũng không dự thượng đỉnh ASEAN, nhưng phó tổng thống Mike Pence đã đại diện cho nước Mỹ. Theo nhiều chuyên gia, việc hai năm liền Donald Trump từ chối dự thượng đỉnh ASEAN chắc chắn không làm hài lòng các quốc gia Đông Nam Á.

Thêm một dấu hiệu cho thấy Washington đang "để ngỏ sân chơi" cho Bắc Kinh trong khu vực. RCEP như vậy sẽ càng tạo cơ hội cho Trung Quốc mở mang ảnh hưởng tại Châu Á - Thái Bình Dương, trong khi Donald Trump chỉ mải mê "Nước Mỹ là trên hết". Nói cách khác, RCEP được coi là phương tiện để Trung Quốc khẳng định sự thống trị thương mại của mình ở Châu Á sau khi Mỹ rút khỏi TPP năm 2017, góp phần làm giảm vị thế của Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương.

Juan Sebastian Cortes-Sanchez, nhà phân tích chính trị có văn phòng tại Singapore, nhận định với AFP là nếu được ký kết, RCEP sẽ là "một cú đánh khác" cản trở Hoa Kỳ trong quan hệ với các nước Châu Á - Thái Bình Dương. Nước hưởng lợi nhiều đương nhiên vẫn là Trung Quốc.

******************

Thượng đỉnh ASEAN : Ấn Độ do dự về sáng kiến RCEP của Trung Quốc (RFI, 03/11/2019)

Sáng 03/11/2019, thủ tướng Thái Lan đã khai mạc thượng đỉnh ASEAN với các đối tác, mở đầu cho ba thượng đỉnh diễn ra trong ngày, gồm ASEAN-Trung Quốc lần thứ 22, ASEAN-Ấn Độ lần thứ 16 và ASEAN-Liên Hiệp Quốc lần thứ 10.

asean7

Từ trái sang : Các thủ tướng Lý Hiển Long (Singapore), Narendra Modi (Ấn Độ), Prayut Chan-O-Cha (Thái Lan) tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 ngày 03/11/2019. Lillian SUWANRUMPHA/AFP

Sau lễ khai mạc chính thức là thượng đỉnh giữa ASEAN và Trung Quốc, kéo dài một giờ và là phiên họp được trông đợi nhất trong ngày. Hai bên thông qua ba văn kiện hợp tác về truyền thông, thành phố thông minh, kết nối ASEAN với Sáng kiến Con đường-Vành đai (BRI) của Trung Quốc.

Về hồ sơ thương mại RCEP do Trung Quốc khởi xướng, các cuộc đàm phán sẽ không thể kết thúc được trong năm như mong muốn của Thái Lan, vì Ấn Độ vẫn do dự. Bản báo cáo tổng kết có thể sẽ được đúc kết vào tháng 02/2020, sau đó trình lên lãnh đạo các nước liên quan trong cuộc họp thượng đỉnh lần tới, diễn ra tại Việt Nam.

Thủ tướng Narendra Modi đến thượng đỉnh ASEAN với sức ép lớn từ trong nước, do lo ngại thị trường nội địa sẽ tràn ngập hàng Trung Quốc, đặc biệt là điện thoại di động nếu tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). New Delhi muốn RCEP không chỉ liên quan đến các mặt hàng gia công mà phải gồm cả lĩnh vực dịch vụ, một thế mạnh của Ấn Độ.

ASEAN hướng đến ổn định, thịnh vượng và bền vững

Trước đó, trong bài diễn văn khai mạc thượng đỉnh ASEAN và các đối tác, thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha đặc biệt nhấn mạnh đến "thiết lập ổn định trong khu vực" với nguyên tắc "3M", tôn trọng lẫn nhau (mutual respect), tin tưởng lẫn nhau (mutual trust), cùng có lợi (mutual benefit) và "giảm đối đầu", tôn trọng luật lệ và quy tắc.

Một mục tiêu khác được nêu lên là hình thành "một khu vực thịnh vượng và bền vững" bằng cách tiếp tục đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và khuyến khích một khối ASEAN đồng nhất mang bản sắc riêng, đặt con người làm trọng tâm trong mô hình tăng trưởng mới.

Ngoài ra, với chính sách "Hành động hướng Đông" (Act East), New Delhi muốn cân bằng ảnh hưởng với Bắc Kinh tại Đông Nam Á, trong bối cảnh các nước ASEAN vừa ký Kế hoạch chỉ đạo kết nối với Sáng kiến Con đường-Vành đai (BRI) của Trung Quốc.

Thu Hằng

******************

Thượng Đỉnh ASEAN khai mạc : Hồ sơ thương mại nổi cộm (RFI, 02/11/2019)

Lãnh đạo 10 nước ASEAN đã chính thức khai mạc Hội Nghị Thượng Đỉnh lần thứ 35 vào hôm nay, 02/11/2019 tại Bangkok. Một trong những chủ đề nổi cộm của hội nghị là đẩy mạnh hợp tác thương mại nhằm đối phó với tác hại từ chiến tranh thương mại giữa hai đối tác lớn của khối là Mỹ và Trung Quốc. Bên cạnh đó căng thẳng Biển Đông, đặc biệt giữa Việt Nam với Trung Quốc cũng được bàn luận.

asean4

Thượng đỉnh ASEAN tại Bangkok, ngày 02/11/2019. Reuters/Athit Perawongmetha

Theo đặc phái viên Thu Hằng tại Bangkok, với trọng tâm là "Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững", trong khuôn khổ thượng đỉnh lần thứ 35, cùng với các cuộc họp liên quan, nhiều vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận như chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, kinh doanh, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và giáo dục :

Tại phiên họp toàn thể, thủ tướng Thái Lan, nước chủ tịch luân phiên, tổng kết những ưu tiên, dự án được triển khai trong năm 2019, cũng như lộ trình đối ứng giữa Tầm nhìn ASEAN 2025 và Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về phát triển bền vững 2030.

Có sáu thỏa thuận được thông qua tại thượng đỉnh ASEAN, liên quan đến biến đổi khí hậu, bảo vệ Trẻ em dưới mọi hình thức khai thác và lạm dụng trực tuyến, bảo vệ quyền trẻ em trong bối cảnh di dân, phát triển đối tác trong lĩnh vực giáo dục…

Ngay sau phiên khai mạc thượng đỉnh ASEAN, lãnh đạo các nước Đông Nam Á đã tham dự lễ ký kết Bản ghi nhớ Hợp tác giữa ASEAN và Liên đoàn Bóng đá Quốc tế (FIFA) nhằm thúc đẩy sự phát triển của bóng đá trong khu vực. Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi và chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) Gianni Infantino đã ký bản ghi nhớ. Các nhà lãnh đạo ASEAN được chủ tịch FIFA tặng áo lưu niệm được đánh số 9 và 10 (tiền đạo) cùng với tên riêng của từng người.

Trước đó, ngoại trưởng Vương quốc Bahrein, Khalid bin Ahmed bin Mohamed Al Khalifa, và ông Peter Schoof, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Liên bang Đức ở Indonesia, đã ký những Văn kiện gia nhập Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (TAC).

Vấn đề thương mại đã được thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad nêu bật vào hôm nay tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Kinh Doanh và Đầu Tư ASEAN (ABIS), khi lãnh đạo Đông Nam Á kỳ cựu này cho rằng các nước Đông Nam Á phải gắn bó chặt chẽ với nhau để đối mặt với cuộc chiến thương mại do tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động.

Theo ông Mahathir, "Chúng ta (tức là ASEAN) không muốn tham gia vào một cuộc chiến thương mại, nhưng đôi lúc, khi họ không tốt với chúng ta, thì chúng ta phải tỏ thái độ không hài lòng".

Một dự thảo bản tuyên bố kết thúc Thượng Đỉnh ASEAN mà hãng tin Anh Reuters đọc được dự trù là các lãnh đạo Đông Nam Á sẽ bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc đối với căng thẳng thương mại đang gia tăng và tâm lý bảo hộ mậu dịch và chống toàn cầu hóa đang tồn tại".

Một trong những hồ sơ thương mại chủ yếu của Thượng Đỉnh ASEAN lần này được cho là việc đúc kết được Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), liên kết Trung Quốc với 10 nước Đông Nam Á và Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand.

Tuy nhiên, theo Reuters, tính đến tối hôm qua, chưa có dấu hiệu nào cho thấy là đàm phán giữa các bên đã đạt kết quả mong muốn.

Trọng Nghĩa & Thu Hằng

*****************

ASEAN 35 - Chưa đạt thỏa thuận về Hiệp định RCEP (BBC, 02/11/2019)

Các bộ trưởng từ 16 quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương đã không đạt được thỏa thuận về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tại cuộc họp vào hôm 1/11, theo hãng tin Kyodo.

asean8

Bộ trưởng 16 quốc gia tham gia RCEP họp tại Bangkok hôm 1/11.

Tuy nhiên, một số người vẫn lạc quan về khả năng đạt đồng thuận về thỏa thuận này vào cuối năm nay.

RCEP là hiệp định thương mại do Trung Quốc hậu thuẫn.

Nếu được ký, đây sẽ thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, gồm 16 quốc gia, trong đó có 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand).

Khu vực này chiếm tới 1/3 GDP toàn cầu và chiếm gần một nửa dân số thế giới.

Một quan chức cao cấp của chính phủ Nhật Bản nói với các phóng viên ở Bangkok rằng, các nhà lãnh đạo các nước tham gia RCEP sẽ đưa ra "tuyên bố chung" sau hội nghị thượng đỉnh dự kiến vào thứ Hai (4/11) tới, dù ông không cho biết thông tin chi tiết.

Một quan chức cấp cao khác nói rằng, các bộ trưởng đã đạt "tiến bộ lớn".

Một nguồn tin thân cận với vấn đề này cũng nói với hãng tin Kyodo sau cuộc họp cấp bộ trưởng rằng, các quan chức cấp cao của 16 quốc gia dự kiến sẽ tiếp tục đàm phán vào hôm nay (2/11) nhằm có thể đưa ra tuyên bố cuối cùng về hiệp định này.

16 nước thành viên RCEP đã kết thúc đàm phán 18 trong 20 lĩnh vực, nhưng dường như vẫn chưa đồng ý về các lĩnh vực chính gồm thuế quan, thương mại dịch vụ, tiếp cận thị trường và đầu tư.

Ấn Độ đã miễn cưỡng hạ thấp các rào cản thương mại, vì nước này đã bị thâm hụt thương mại lớn và mãn tính với Trung Quốc trong nhiều năm.

Ấn Độ lo ngại rằng, thỏa thuận thương mại tự do sẽ dẫn đến việc một dòng sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp giá rẻ như điện thoại thông minh từ Trung Quốc đổ vào, khiến thâm hụt thương mại tiếp tục tăng.

Trong khi đó, Trung Quốc muốn kết thúc đàm phán RCEP càng sớm càng tốt, vì nền kinh tế nước này đang chậm lại, giữa bối cảnh cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ tiếp diễn.

Các cuộc thảo luận về Hiệp định này bắt đầu từ năm 2012 và đã được đẩy nhanh trong thời điểm cuộc chiến thương mại đang diễn ra.

Chủ nhà Thái Lan của Hội nghị thượng đỉnh ASEAN cho biết, họ hy vọng các cuộc đàm phán về Hiệp định này sẽ hoàn tất trong năm nay. Tuy nhiên, cuộc họp báo về tiến trình đàm phán RCEP đã bị hủy vào cuối ngày hôm qua mà không có lời giải thích.

Martin Marty Natalegawa, cựu Ngoại trưởng Indonesia nói với hang tin Reuters rằng, việc hoàn tất quá trình đàm phán RCEP sẽ thành một thử nghiệm quan trọng đối với năng lực của ASEAN về khả năng quy tụ mà khối này thường nhấn mạnh.

Căng thẳng Mỹ-Trung phủ bóng

Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 35, các nhà lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á dự kiến sẽ lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về những gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, giữa khi nhiều ý kiến tỏ ra lo lắng rằng, Hoa kỳ dường như đang lơi dần khu vực này.

Reuters cho biết, theo một dự thảo tuyên bố về hội nghị thượng đỉnh ASEAN mà hãng tin này thấy được, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về căng thẳng thương mại đang gia tăng ; cũng như việc chủ nghĩa bảo hộ và chống toàn cầu hóa tiếp tục diễn ra.

Thương mại sẽ là chủ đề chính - các nhà ngoại giao cho biết - trong khi các vấn đề vốn vẫn căng thẳng lâu năm ở khu vực này như tranh chấp trên biển Đông với Trung Quốc hay tình cảnh của những người tị nạn Rohingya sẽ ít được thảo luận.

Các quốc gia Đông Nam Á đang chịu ảnh hưởng lớn của cuộc thương chiến Mỹ - Trung, với mức tăng trưởng của các quốc gia này dự kiến sẽ bị chậm lại ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm nay.

Họ cũng đang rất lo lắng về việc Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng.

Vậy nhưng, trong khi Trung Quốc cử Thủ tướng Lý Khắc Cường, thì thay vì Tổng thống Donald Trump hoặc Phó Tổng thống Mike Pence, Mỹ lại chỉ cử Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien đại diện cho nước này tại các cuộc họp.

Điều này đã khiến những người lâu nay vẫn xem Hoa Kỳ như một đối trọng an ninh với Trung Quốc thấy lo ngại.

"Hành động của Hoa Kỳ gửi đi một chỉ dấu rằng, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và các hội nghị liên quan không quan trọng với họ như những gì mà các quốc gia khác lâu nay vẫn tưởng", ông Kantathi Suphamongkhon, cựu Ngoại trưởng Thái Lan nói với Reuters.

"Các nhóm đấu tranh cho nhân quyền cho biết là, họ không hy vọng các nước Đông Nam Á sẽ làm gì nhiều để giải quyết các vấn đề như người tị nạn Rohingya, hoặc thảo luận về các vấn đề như tình trạng độc tài đang ngày càng gia tăng ở một số quốc gia thành viên. ASEAN không còn là nơi đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ và do đó, sẽ khiến Trung Quốc ngày càng trở nên độc đoán hơn... nhất là khi Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Trump không tỏ ra quan tâm đến chuyện này" ông Thitinan Pongsudhirak, học giả tại Đại học Chulalongkorn, Bangkok, nói với Reuters.

*******************

Doanh nghiệp Việt Nam khẳng định vị trí tại ASEAN (RFI, 02/11/2019)

Sáng 02/11/2019, thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha đã chủ trì lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ABIS), do Hội đồng Tư vấn ASEAN (ASEAN-BAC) tổ chức hàng năm, song song với Hội nghị cấp cao ASEAN. Trong hai ngày hội nghị, thủ tướng các nước Miến Điện, Malaysia, New Zealand và Nga sẽ lần lượt đọc diễn văn. Thủ tướng Việt Nam tham dự lễ khai mạc buổi sáng nhưng hủy bài diễn văn dự kiến cho phiên họp chiều 02/11 để gặp tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres.

asean6

Thủ tướng Thái Lan thăm gian hàng triển lãm của các doanh nghiệp. RFI Tiếng Việt/Thu Hằng

Phóng sự của đặc phái viên Thu Hằng tại Nonthaburi, Bangkok :

Với chủ đề "Trao quyền cho ASEAN 4.0" (Empowering ASEAN 4.0), hội nghị thượng đỉnh ABIS năm 2019 tập trung đặc biệt vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, kết nối kỹ thuật số, trao quyền và phát triển con người ASEAN (ASEAN Human Empowerment and Development, AHEAD), cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ (Micro, Small and Medim-sized Enterprises, MSME).

Đây là sự kiện quan trọng nhất hàng năm để các doanh nghiệp tư nhân, các nhà lãnh đạo, cũng như các nhà hoạch định chiến lược trao đổi kiến thức, tìm giải pháp khả thi cho những thách thức khẩn cấp trong vùng, cũng như thúc đẩy ảnh hưởng của ASEAN.

Đối với khối tư nhân, hội nghị ABIS là cầu nối giúp họ gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các nhà lãnh đạo ASEAN, thông qua các cuộc thảo luận bàn tròn và triển lãm sản phẩm bên lề thượng đỉnh.

Việt Nam có hai thương hiệu được chọn giới thiệu sản phẩm tại triển lãm lần này : Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang và Công ty cổ phần Lương thực-Thực phẩm Safoco. Đối với anh Nguyễn Hoàng Hân, chuyên viên xuất khẩu của Công ty Bóng đèn Điện Quang, triển lãm tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN là cơ hội lớn cho công ty :

"Triển lãm mang mục đích quảng bá thương hiệu, sản phẩm của Điện Quang. Khách hàng đến với gian hàng của Điện Quang là những chính khách không chỉ của 11 nước Đông Nam Á, mà còn có phóng viên báo đài quốc tế, nên đây cũng là một cơ hội để Điện Quang giới thiệu được hình ảnh sản phẩm đến bạn bè, không chỉ ở khu vực Đông Nam Á, mà toàn thế giới, chứ không chỉ với mục đích chỉ tìm kiếm những khách hàng tiềm năng ở khu vực Thái Lan hay Đông Nam Á".

Tối 02/11, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN nước chủ nhà Thái Lan (ASEAN BAC Thailand) tổ chức lễ trao Giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN - ABA 2019 và tiệc tối chúc mừng. Đây là giải thưởng diễn ra từ 10 năm nay để ghi nhận những đóng góp xuất sắc của các doanh nghiệp tư nhân cho khu vực Đông Nam Á trong 11 hạng mục.

Việt Nam có 13 doanh nghiệp được nhận giải ASEAN Winner và Country Winner ở các hạng mục Doanh nghiệp Siêu nhỏ, Nhỏ và Vừa về số hóa có triển vọng nhất (Most Promising Digitalized MSMS), Doanh nhân nữ (Women Entrepreneur), Doanh nghiệp vì sự phát triển xã hội bền vững (Sustainable Social Enterprise), Doanh nghiệp Gia đình xuất sắc (Family Business), Doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (Startup and Innovation Driven Entrepreneur), Doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển (Priority Integration Sectors) và Doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất sắc (SME Excellence).

Thu Hằng

*******************

ASEAN : Một đại cường kinh tế tiềm tàng ? (RFI, 01/11/2019)

Tại Châu Á, không chỉ có Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ hay Hàn Quốc mới là những cường quốc kinh tế. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), giờ là một tác nhân kinh tế quan trọng trong khu vực, có thể sánh như là đại cường kinh tế thứ 5 thế giới, và đứng hàng thứ ba tại Châu Á, trước cả Ấn Độ. Báo mạng La Tribune số ra tháng 6/2019 giải thích vì sao.

asean5

Thượng đỉnh lần thứ 35 ở Bangkok, Thái Lan từ ngày 2 đến 4/11/2019. Reuters/Athit Perawongmetha

Với 647 triệu dân, khối ASEAN còn lớn hơn cả Liên Hiệp Châu Âu về mặt dân số. Tổng sản phẩm nội địa GDP của cả khối là gần 3.000 tỷ đô la. Đứng đầu khối này là Indonesia, có tổng dân số là 265 triệu người, GDP cao hơn 1.000 tỷ đô la. Một mình Indonesia chiếm đến 35% sự giàu có do cả khu vực tạo ra và 41% dân số toàn khu vực.

Tiếp theo Indonesia là Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Những nền kinh tế có mức tổng sản phẩm nội địa năm trong khoảng 240 – 500 tỷ đô la, tức có thể sánh bằng với GDP của Bỉ hay Bồ Đào Nha. Ngược lại, Miến Điện, Cam Bốt, Lào và Brunei là những nền kinh tế có quy mô nhỏ hơn rất nhiều.

Trong bảng xếp hạng này, Singapore là quốc gia nổi trội khác biệt nhất, nếu như đem so sánh mức GDP với 5,6 triệu dân của đảo quốc này. Với mức GDP 60.000 đô la/người, Singapore là một nước giầu có, thật sự là điểm trung chuyển cho cả khu vực và quốc tế trên phương diện thương mại và nhất là tài chính. Khai thác vị thế là thiên đường thuế khóa, Singapore xuất khẩu vốn nhiều nhất tại Châu Á thông qua trung gian là các quỹ đầu tư của Nhà nước như Temasek và GIC.

Đối tác hơn là đối thủ cạnh tranh

Ngoài trường hợp ngoại lệ này, nhân tố đầu tiên làm nên thành công của ASEAN là nền kinh tế các quốc gia thành viên bổ sung cho nhau hơn là cạnh tranh. Điều này thấy được từ vương quốc Hồi giáo dầu lửa Brunei cho đến các nước chuyên gia công, tận dụng lợi thế cạnh tranh nhờ vào nguồn nhân công giá rẻ dồi dào (Indonesia, Việt Nam, Cam Bốt) và trên rất nhiều lĩnh vực : từ lắp ráp xe ô tô, dệt may, linh kiện điện tử cho đến cả hóa chất.

Tóm lại, ASEAN giờ có thể tự khẳng định là "công xưởng" lớn thứ hai trên thế giới và đà tiến của khối này rất có thể còn được thúc đẩy do các căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Không chỉ có thế. Nhiều quốc gia khác bắt đầu lao vào lĩnh vực ủy thác quy trình kinh doanh (BPO – Business Process Outsourcing), đó chính là trường hợp của Philippines. Và hầu như tất cả các nước trong khối cũng tận dụng lợi thế du lịch. Cuối cùng, cần phải kể đến những nước may mắn nhất có thể khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên (bất kể là nông nghiệp, quặng mỏ hay năng lượng).

Cỗ máy hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - IDE

Chiếc chìa khóa thành công thứ hai là các nước này đề ra các biện pháp khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài và do vậy ngày càng trở thành những cỗ máy thu hút các nguồn IDE. Các tập đoàn đa quốc gia Nhật Bản (đã có từ lâu), Trung Quốc (ngày càng nhiều) và Châu Âu đều nhận thấy ở ASEAN một cơ hội kép : Một nguồn nhân công giá rẻ và một thị trường nội địa rộng lớn tiềm tàng.

Luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng hơn gấp 6 lần so với đầu những năm 2000 và đạt mức 140 tỷ đô la. Do vậy, ASEAN được xem như là một vùng ưu tiên của các nhà đầu tư, thu hút 7% đầu tư trực tiếp nước ngoài trên toàn thế giới, trong khi vào năm 2000 tỷ lệ này chỉ là 2%. ASEAN có tỷ lệ đầu tư nước ngoài so với tổng sản phẩm nội địa cao nhất thế giới, 79%. Điều đó chứng tỏ tầm quan trọng của khối này trong chuỗi dây chuyền sản xuất của thế giới.

Vị thế địa chính trị

Nhân tố thứ ba cho thành công của ASEAN là vị thế địa chính trị quan trọng. Nét đặc trưng của vùng Đông Nam Á trước hết là có nhiều quốc gia nằm bên bờ một vùng biển nội địa kết nối với phần còn lại của thế giới. Vùng Biển Đông có bảy eo biển dẫn ra bên ngoài, cho phép kết nối giữa Châu Á và Châu Đại Dương, giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Do đó, sự phát triển của thương mại quốc tế đã mang lại lợi nhuận cực kỳ cao cho các nước Đông Nam Á. Đặc biệt, đối với Nhật Bản cũng như là Trung Quốc, đó là những con đường huyết mạch : 80% các nguồn cung của Trung Quốc đều phải đi qua các eo biển này. Do vậy, đương nhiên đây là những nền kinh tế mở và năm thành viên của ASEAN có tổng xuất nhập khẩu chiếm hơn 100% tổng sản phẩm nội địa, đó là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Cam Bốt. Ngay cả Indonesia, nước có ít giao thương quốc tế nhất, tổng xuất nhập khẩu cũng chiếm tới 40% tổng sản phẩm nội địa.

Đương nhiên, mỗi cái lợi đều có cái giá phải trả. Do vùng biển này có tầm quan trọng sống còn đối với quốc gia, Trung Quốc luôn tìm cách áp đặt chủ quyền lãnh thổ đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, và đó là cội nguồn của mọi nguy cơ xung đột.

Với mức tăng trưởng trung bình hằng năm là 5% từ một thập niên qua, ASEAN không những được xem như là một thành công về kinh tế mà còn là một tác nhân thiết yếu trong khu vực.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN

Nhằm bảo đảm cho sức mạnh kinh tế của khối, vào cuối năm 2015, ASEAN đã quyết định thành lập một Cộng đồng Kinh tế, nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực được đề ra trong chiến lược "Tầm nhìn ASEAN 2020". Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II khẳng định mục tiêu xây dựng một khu vực kinh tế ổn định, thịnh vượng và có khả năng cạnh tranh cao, trong đó hàng hóa, dịch vụ, đầu tư sẽ được chu chuyển tự do và vốn được lưu chuyển tự do hơn, kinh tế phát triển đồng đều, đói nghèo và chênh lệch kinh tế-xã hội được giảm bớt vào năm 2020.

Ngày 31/10/2019, Thái Lan, trong tư cách chủ tịch luân phiên của ASEAN 2019, đã chủ trì hội nghị lần thứ 18 Cộng đồng Kinh tế ASEAN nhằm rà soát lại Kế hoạch Tổng thể Xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, dự kiến sẽ được thực hiện từ đây đến năm 2025.

Minh Anh

******************

Thượng Đỉnh ASEAN khai mạc : Hồ sơ thương mại nổi cộm (RFI, 02/11/2019)

Lãnh đạo 10 nước ASEAN đã chính thức khai mạc Hội Nghị Thượng Đỉnh lần thứ 35 vào hôm nay, 02/11/2019 tại Bangkok. Một trong những chủ đề nổi cộm của hội nghị là đẩy mạnh hợp tác thương mại nhằm đối phó với tác hại từ chiến tranh thương mại giữa hai đối tác lớn của khối là Mỹ và Trung Quốc. Bên cạnh đó căng thẳng Biển Đông, đặc biệt giữa Việt Nam với Trung Quốc cũng được bàn luận.

asean4

Thượng đỉnh ASEAN tại Bangkok, ngày 02/11/2019. Reuters/Athit Perawongmetha

Theo đặc phái viên Thu Hằng tại Bangkok, với trọng tâm là "Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững", trong khuôn khổ thượng đỉnh lần thứ 35, cùng với các cuộc họp liên quan, nhiều vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận như chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, kinh doanh, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và giáo dục :

Tại phiên họp toàn thể, thủ tướng Thái Lan, nước chủ tịch luân phiên, tổng kết những ưu tiên, dự án được triển khai trong năm 2019, cũng như lộ trình đối ứng giữa Tầm nhìn ASEAN 2025 và Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về phát triển bền vững 2030.

Có sáu thỏa thuận được thông qua tại thượng đỉnh ASEAN, liên quan đến biến đổi khí hậu, bảo vệ Trẻ em dưới mọi hình thức khai thác và lạm dụng trực tuyến, bảo vệ quyền trẻ em trong bối cảnh di dân, phát triển đối tác trong lĩnh vực giáo dục…

Ngay sau phiên khai mạc thượng đỉnh ASEAN, lãnh đạo các nước Đông Nam Á đã tham dự lễ ký kết Bản ghi nhớ Hợp tác giữa ASEAN và Liên đoàn Bóng đá Quốc tế (FIFA) nhằm thúc đẩy sự phát triển của bóng đá trong khu vực. Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi và chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) Gianni Infantino đã ký bản ghi nhớ. Các nhà lãnh đạo ASEAN được chủ tịch FIFA tặng áo lưu niệm được đánh số 9 và 10 (tiền đạo) cùng với tên riêng của từng người.

Trước đó, ngoại trưởng Vương quốc Bahrein, Khalid bin Ahmed bin Mohamed Al Khalifa, và ông Peter Schoof, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Liên bang Đức ở Indonesia, đã ký những Văn kiện gia nhập Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (TAC).

Vấn đề thương mại đã được thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad nêu bật vào hôm nay tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Kinh Doanh và Đầu Tư ASEAN (ABIS), khi lãnh đạo Đông Nam Á kỳ cựu này cho rằng các nước Đông Nam Á phải gắn bó chặt chẽ với nhau để đối mặt với cuộc chiến thương mại do tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động.

Theo ông Mahathir, "Chúng ta (tức là ASEAN) không muốn tham gia vào một cuộc chiến thương mại, nhưng đôi lúc, khi họ không tốt với chúng ta, thì chúng ta phải tỏ thái độ không hài lòng".

Một dự thảo bản tuyên bố kết thúc Thượng Đỉnh ASEAN mà hãng tin Anh Reuters đọc được dự trù là các lãnh đạo Đông Nam Á sẽ bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc đối với căng thẳng thương mại đang gia tăng và tâm lý bảo hộ mậu dịch và chống toàn cầu hóa đang tồn tại".

Một trong những hồ sơ thương mại chủ yếu của Thượng Đỉnh ASEAN lần này được cho là việc đúc kết được Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), liên kết Trung Quốc với 10 nước Đông Nam Á và Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand.

Tuy nhiên, theo Reuters, tính đến tối hôm qua, chưa có dấu hiệu nào cho thấy là đàm phán giữa các bên đã đạt kết quả mong muốn.

Trọng Nghĩa & Thu Hằng

Published in Châu Á

Hiệp định RCEP do Trung Quốc đứng đầu sắp hoàn tất (VOA, 06/04/2019)

Các nước đông nam Á tham gia vào các cuc đàm phán v mt tha thun thương mi ln do Trung Quc hu thun d kiến s hoàn tt trong năm nay, B trưởng Tài chính Thái Lan – nước đang gi chc ch tch khi ASEAN, cho biết hôm 5/4.

rcep1

Bích chương qung bá chính sách ngoi giao 'Vành đai Con đường' ca Trung Quc ti mt s kin Bc Kinh.

"Hiệp đnh Đi tác Kinh tế Toàn din Khu vc (RCEP) là hết sc quan trng cho khu vc, nht là trong bi cnh ch nghĩa bo h đang gia tăng trên thế gii", B trưởng Apisak Tantivorawong nói.

"Tôi đã nghe thông tin rằng chúng tôi s hoàn tt nó vào tháng 11 năm nay", ông phát biu v hip đnh trong mt cuc hp báo sau cuc gp các B trưởng Tài chính và Thng đc ngân hàng trung ương các nước ASEAN tnh min bc Chiang Rai ca Thái Lan.

"Hy vọng rng chúng ta s hoàn tt vào cui năm nay", ông Lim Jock Hoi, tng thư ký khi, nói.

Các cuộc đàm phán v RCEP đã khi đng hi năm 2012. Hip đnh RCEP nhm hướng đến mt khu mu dch t do chiếm 45% dân s thế gii và trên 1/3 GDP toàn cầu nhưng không có M tham gia.

*********************

Tại sao công nghệ sẽ là cuộc chiến của thế kỷ XXI ? (RFI, 06/04/2019)

Nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay có bài giải thích "Tại sao cuộc chiến của thế kỷ XXI sẽ là công nghệ". Theo cây bút xã luận Jean-Marc Vittori, không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc chọn công nghệ là lĩnh vực đối đầu với Mỹ. Việc phân tích lịch sử cho thấy Trung Quốc đã đánh mất ưu thế thiên niên kỷ của mình khi bỏ lỡ cuộc cách mạng công nghiệp.

rcep3

Bộ trưởng Khoa Học và Công Nghệ Trung Quốc Vương Chí Cương (Wang Zhigang) họp báo bên lề cuộc họp Quốc hội Trung Quốc, Bắc Kinh, 11/03/2019. Reuters/Stringer

Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai siêu cường thế giới hiện nay, giờ gần như ngang ngửa. Với số dân đông gấp 4 lần, Trung Quốc có một khả năng kinh tế không kém cạnh gì Hoa Kỳ. Từ năm năm qua, mãi lực của đế chế Trung Hoa đã vượt qua sức mua của Hoa Kỳ.

Nếu như thế kỷ trước mang đậm dấu ấn của cuộc chiến tranh lạnh và nhiều cuộc chiến tranh khác cho thấy rõ sự đối nghịch giữa Nga và Mỹ, thì giờ đây cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ có hình dạng như thế nào ? Bắt đầu một tin vui : Chiến tranh có lẽ không diễn ra trong lĩnh vực quân sự. Sau khi đã thất bại ở Việt Nam và Cận Đông, Washington không còn muốn áp đặt khái niệm dân chủ của mình cho thế giới bằng vũ lực nữa. Dù là ngân sách quân sự của Mỹ cao gấp 3 lần so với của Trung Quốc.

Về phần mình, Bắc Kinh cũng chưa bao giờ muốn chinh phục thế giới bằng vũ khí. Các cuộc tấn công của nước này giới hạn trong khu vực lân cận (chiếm lấy Tây Tạng cách nay 60 năm, mưu toan đánh chiếm Việt Nam cách đây 40 năm, thâu tóm lại Hồng Kông cách nay hơn 20 năm). Duy chỉ còn vấn đề "nhức nhối" Đài Loan dường như có thể gây ra một cuộc phiêu lưu nguy hiểm.

Đâu sẽ là địa bàn cho cuộc chiến mới giữa hai siêu cường thế giới này cho nửa đầu thế kỷ XXI ? Nơi mà Trung Quốc quyết định chọn chính là lĩnh vực công nghệ. Quyết định này đến từ những bài học kinh nghiệm trong lịch sử. Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, trong buổi khai mạc Diễn đàn Davos hồi đầu năm nay có nói rằng : "Nền văn minh Trung Quốc có lịch sử hơn 5.000 năm. Nhưng khi phương Tây lao vào công nghiệp hóa, chiếm lĩnh đại dương, Trung Quốc vẫn ở lại phía sau, bởi vì các hoàng đế thời ấy đã quyết định khép cửa và sau đó, Trung Quốc trở thành nạn nhân của các cuộc xâm chiếm ngoại bang". Do vậy, ông Tập Cận Bình trong chuyến công du Châu Âu đã kiêu hãnh nhắc lại rằng : "Trong vòng 40 năm chúng tôi đã làm được những gì mà quý vị làm trong ba thế kỷ".

Trong nhãn quan các nhà lãnh đạo Trung Quốc, công nghệ chính là tâm điểm của đỉnh cao vinh quang, của sự mạt vận và sự hồi sinh của Trung Quốc. Thời Trung Cổ, đế chế Trung Hoa đã lên tới đỉnh cao tiến bộ, với tất cả các bước tiến về công nghệ vào thời kỳ đó, như địa bàn, thuốc súng, giấy. Nhưng than, máy chạy bằng hơi nước, nhà máy và điện xuất hiện đã làm đảo lộn trật tự, dẫn đến sự sụp đổ của cường quốc kinh tế Trung Hoa, và thất bại quân sự giữa thế kỷ XIX. Một trăm sau, đế chế Trung Hoa chỉ là một chú lùn.

Sang đến thế kỷ XX, công nghệ cũng chính là tâm điểm của cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. Matxcơva lần đầu tiên đưa người lên khám phá không gian. Washington không chịu kém cạnh, đưa người chinh phục "chị Hằng". Cuộc chiến tuy mang tính biểu tượng, nhưng cho phép Mỹ khẳng định vị thế siêu cường trong các lĩnh vực tin học, hàng không vũ trụ.

Giờ đây, trong thế kỷ XXI này, công nghệ lại một lần nữa là tâm điểm của xung đột. Trung Quốc đã chuẩn bị cho điều này từ lâu trên mọi lĩnh vực. Đầu tiên hết là trong giáo dục. Hàng triệu kỹ sư đã được đào tạo, tuyển chọn từ những trường đại học nổi tiếng nhất của Trung Quốc hay nước ngoài. Tiếp đến cùng với một chính sách pha lẫn hỗ trợ và tự do phát triển, Trung Quốc đã hình thành nên những đại tập đoàn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Nhóm GAFA nổi tiếng của Mỹ giờ đã có đối thủ cạnh tranh tương xứng là BATX (Baidu, Alibaba, Tencent và Xiaomi).

Kế hoạch "Made In China 2025" đưa ra năm 2015 là cơ sở để bành trướng hơn nữa tham vọng này và làm cho nước Mỹ ý thức được tầm mức của thách thức. Đó chính là những gì đang diễn ra cho Hoa Vi hiện nay. Nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu của Trung Quốc, bị Hoa Kỳ nghi ngờ làm gián điệp cho Bắc Kinh, là một trong những tác nhân chính cho việc phát triển mạng 5G, thế hệ điện thoại di động tương lai.

Sự chuyển động này của Trung Quốc ngày càng rõ nét. Nguồn vốn đầu tư-mạo hiểm của Trung Quốc sắp tới trong lĩnh vực này sẽ nhiều hơn là tiền của Mỹ. Số bằng sáng chế xin đăng ký tại Trung Quốc nhiều gấp hai lần tại Mỹ. Và mới đây, hai đứa trẻ biến đổi gien đã được cho ra đời tại Trung Quốc hồi cuối năm 2018.

Trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, những bài đăng khoa học của Trung Quốc đang trên đà "qua mặt" Mỹ. Ngành công nghiệp Trung Quốc cũng đang thống trị việc khai thác và sản xuất đất hiếm và pin năng lượng mặt trời. Trung Quốc còn mua lại hãng công nghệ rô-bốt Kuka hàng đầu của Đức, tấn công vào lĩnh vực xe ô tô bằng cách thúc đẩy sản xuất xe điện và bình điện. Nhưng đó mới chỉ là điểm khởi đầu.

Bài viết kết luận : Đây sẽ là một cuộc chiến dài hơi, hấp dẫn, kỳ lạ. Một sự đối đầu không chỉ giữa hai nền công nghiệp, mà còn là giữa hai nền văn hóa, hai hệ thống chính trị, hai cách nhìn về thế giới. Trong cuộc trình diễn này, Châu Âu chỉ đóng vai là một khán giả.

Minh Anh

*******************

Các nước G7 sẽ lên tiếng phản đối Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông (RFA, 06/04/2019)

Tuyên bố chung của các nước công nghiệp hàng đầu G7 đang nhóm họp tại Pháp vào cuối tuần này có thể sẽ có phần lên án Trung Quốc vì xây đảo nhân tạo ở Biển Đông, tình trạng vi phạm nhân quyền ở nước này và gián điệp mạng. Nikkei Asian Review loan tin này hôm 6/4.

phi3

Hình minh hoạ. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean Yves le Drian dự phiên làm việc của Bộ trưởng Ngoại giao các nước G7 ở Dinard, hôm 6/4/2017 - AFP

Lý do các nước G7 lên án Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông xuất phát từ lo ngại Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Ngoài ra, các nước G7 cũng sẽ thảo luận về hành vi thiếu trách nhiệm trên mạng internet và sẽ có tuyên bố chung kêu gọi phản ứng mạnh mẽ hơn đối với những vụ tấn công mạng do Trung Quốc và Nga bảo trợ.

Bộ trưởng các nước G7 cũng sẽ thảo luận về mối quan ngại liên quan đến khả năng Trung Quốc có gián điệp ăn cắp bí quyết các sản phẩm, một vấn đề mà Hoa Kỳ đã lên tiếng cảnh báo.

*******************

Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc bất đồng về thương mại và nhân quyền (RFI, 06/04/2019)

Những bất đồng sâu sắc về thương mại, đầu tư và quyền của người thiểu số đang cản trở Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Trung Quốc ra được một bản thông cáo chung trong cuộc họp thượng đỉnh tuần tới. Nhiều nguồn tin từ Bruxelles hôm 05/04/2019 cho các hãng tin AFP và Reuters biết như trên.

rcep2

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị được chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker tiếp trước một cuộc họp tại Bruxelles, ngày18/03/2019. Reuters / Yves Herman

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thứ Ba 9/4 tới sẽ đến Bruxelles họp thượng đỉnh với chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker.

Ông Donald Tusk "đã khuyến cáo các quốc gia thành viên EU bác bỏ bản dự thảo tuyên bố của thượng đỉnh EU – Trung Quốc, nếu vẫn giữ nguyên như hiện nay, do Trung Quốc không đáp ứng những mong đợi chính yếu của Liên Hiệp Châu Âu".

Cũng theo nguồn tin Châu Âu, Bắc Kinh từ chối "bảo đảm mở cửa thị trường và các điều kiện cạnh tranh bình đẳng" cho các công ty Châu Âu tại Hoa lục. Trung Quốc cũng không chịu cam kết cải cách sâu rộng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong đó có việc tài trợ cho kỹ nghệ.

Bất đồng lớn nữa là Châu Âu muốn Trung Quốc cam đoan tôn trọng tự do tín ngưỡng của người thiểu số Duy Ngô Nhĩ, nhưng vấn đề này tỏ ra hết sức nhạy cảm đổi với Bắc Kinh. Bên cạnh đó là việc chống tấn công tin học, đồng thời Châu Âu cũng e dè đối với Hoa Vi.

Theo bản dự thảo tuyên bố đầu tiên mà Reuters tham khảo được, Trung Quốc được yêu cầu hoàn tất hiệp ước đầu tư và dỡ bỏ các hàng rào thương mại mà Bruxelles coi là lạm dụng. Tuy nhiên, các quan chức Bắc Kinh đã sửa đổi, thậm chí gạch bỏ một số điều khoản trong văn bản. Các đại biểu Pháp, Đức, Anh cho biết không thể để mặc cho phía Trung Quốc đạo diễn theo ý họ.

Như vậy khó có khả năng thượng đỉnh EU-Trung Quốc ra được thông cáo chung. Trước đây, vào năm 2016 và 2017, đôi bên cũng đã không ra thông cáo do các bất đồng về thương mại và Biển Đông.

Liên Hiệp Châu Âu hiện là đối tác hàng đầu của Trung Quốc, nhưng gần đây đã xác định Bắc Kinh còn là người cạnh tranh và là địch thủ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong dịp tiếp ông Tập Cận Bình mới đây đã yêu cầu Trung Quốc "tôn trọng sự đoàn kết của Liên Hiệp Châu Âu".

Thụy My

Published in Quốc tế

Trong viễn ảnh kém sáng sủa của các nền kinh tế lớn trên toàn cầu, 10 quốc gia Đông Nam Á của Hiệp hội ASEAN có triển vọng gì không với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện trong Khu vực, gọi tắt là RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership) ? Tuần này, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu hai chuyện, là viễn ảnh kinh tế và Hiệp định RCEP.

rcep1

Hội nghị thượng đỉnh Đối tác Kinh tế Toàn diện trong khu vực lần thứ hai tại Singapore năm 2018 - AFP

Nạn suy trầm

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa ông, cuối tuần qua, thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ đã sụt giá mạnh vì một trong nhiều dấu hiệu tiên báo về nạn suy trầm đã xuất hiện. Đó là khi phân lời trái phiếu dài hạn, thí dụ là loại 10 năm lại sụt và còn thấp hơn phân lời trái phiếu ngắn hạn, là điều khá bất thường. Nguyên Lam xin đề nghị ông phân tích cho hiện tượng đó trước khi ta nói về kinh tế Á Châu.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trước hết, tôi xin trình bày về định nghĩa và ngôn từ để mình biết là nói về cái gì. Khi một nền kinh tế có tăng trưởng, nhưng với tốc độ thấp hơn, thì người ta gọi là bị suy trầm, hay recessiom, là một hiện tượng chu kỳ dăm bảy năm lại bị một lần và mỗi lần kéo dài chừng một hai năm. Khi sinh hoạt kinh tế lại sa sút liên tục trong nhiều năm thì người ta gọi là suy thoái, thoái là lùi, để dịch từ depression. Khi nạn suy thoái kinh tế lan qua nhiều lĩnh vực và quốc gia thì người ta mới gọi là khủng hoảng.

Sau khi kinh tế Hoa Kỳ bị suy trầm từ Tháng 12 năm 2007 tới Tháng Bảy năm 2009, tình hình vẫn thiếu khả quan nhưng từ đó đến nay đã gần 10 năm qua mà kinh tế Mỹ chưa bị suy trầm. Do đó, người ta e ngại và tìm nhiều cách đoán trước vì thật ra mình chỉ biết kinh tế có suy trầm hay không sau một hai quý mà thôi. Quốc tế cũng theo dõi chuyện đó của Hoa Kỳ vì nền kinh tế số một của thế giới có sức tiêu thụ cao nhất nên có thể mua hàng hoá của thiên hạ.

Bước sang chuyện trái phiếu hay tờ giấy nợ. Chủ nợ là người có tiền cho vay như một hình thức đầu tư để kiếm lời thì có thể cho vay ngắn hạn từ vài ba tháng tới dài hạn là cả chục năm hay mấy chục năm. Tiền lời đó nên gọi là phân lời hay yield để phân biệt với lãi suất ngân hàng hay interest rate. Khi cho vay dài hạn, chủ nợ là nhà đầu tư thường đòi tiền lời cao hơn loại vay ngắn hạn vì về dài dễ bị nhiều rủi ro hơn.

Giới chuyên môn có thể giản lược hóa mà trình bày phân lời từ ngắn đến dài hạn thành một đường tuyến gọi là yield curve. Trên cái trục thời hạn cho vay thì nó thường chếch lên bên phải vì phân lời dài hạn cao hơn ngắn hạn. Việc bất thường là khi đường tuyến lại nằm ngang, thậm chí chúc xuống, là điều xảy ra tuần qua, người ta coi đó là chỉ dấu báo trước suy trầm từ khoảng 300 ngày đến một năm sắp tới.

Nguyên Lam : Thưa ông, những người không am hiểu về kinh tế có thể hỏi vì sao hiện tượng đó có thể báo trước nạn suy trầm. Xin ông giải thích cho dễ hiểu.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Con người ta luôn luôn muốn biết trước về tương lai và trong lĩnh vực kinh tế, người ta cố tìm ra cả chục dấu hiệu tiên báo, trong đó có đường tuyến về phân lời như ta vừa nói. Từ hơn ba chục năm nay, các cơ quan hữu trách Hoa Kỳ đã dùng dấu hiệu đó để tiên đoán.

Về đại thể, lý do giải thích vì sao thì có tâm lý của nhà đầu tư cho vay tiền bằng trái phiếu. Nếu đường tuyến chếch lên rất cao thì đấy là vì họ đòi phân lời dài hạn thật đắt vì e ngại nạn lạm phát. Nếu đường tuyến nằm ngang hay chúc xuống thì có thể là họ dự đoán về lãi suất ngắn hạn sắp tới và đòi phân lời cao hơn. Kế đó là hậu quả của tâm lý bi quan này trong lĩnh vực ngân hàng. Các ngân hàng hay cơ quan tín dụng huy động tiền ký thác để đem cho vay. Họ trả tiền lời ký thác ngắn hạn và đem cho vay dài hạn với lãi suất cao hơn và kiếm lời ở giữa. Khi hiện tượng phân lời đảo ngược xảy ra giữa loại trái phiếu ba tháng và 10 năm như ta thấy hôm 22 tuần trước thì mức lời của các ngân hàng giảm sẽ làm họ ngại cho vay và có thể gây ra ách tắc tín dụng làm cho sinh hoạt kinh tế bị đình trệ. Nhưng lần này, sự thể chưa chắc đã tệ như vậy.

Nguyên Lam : Thưa ông, vì sao lần này tình hình kinh tế Mỹ chưa chắc đã tệ như vậy dù đã có hiện tượng chúc xuống của đường tuyến phân lời như ông nói ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Có vài lý do giải thích vấn đề kỹ thuật quá rắc rối này. Thứ nhất, sau khi kinh tế Mỹ đạt mức tăng trưởng bình quân là 3% suốt năm qua thì năm nay có thể giảm đà tăng trưởng nhẹ, như chúng ta đã trình bày tuần trước. Thứ hai, Ngân hàng Trung ương Mỹ bật ra tín hiệu khó hiểu sau khi nâng lãi suất cơ bản trong năm ngoái rồi quyết định không tăng lãi suất nữa cho tới cuối năm làm thiên hạ nghĩ rằng tình hình kinh tế sẽ tồi tệ hơn. Thứ ba là sự bất trắc trong trận thương chiến giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc và nhất là tình trạng kinh tế quá thất thường của cả Trung Quốc lẫn Âu Châu. Riêng về kinh tế Âu Châu, sự u ám đã thành sự thật với đà tăng trưởng sẽ ở dưới 1% trong năm nay làm cho phân lời trái phiếu Đức đã tuột xuống số âm, là đều bất thường.

rcep2

Sàn giao dịch chứng khoán New York hôm 29 tháng 1, 2019. afp

- Nhìn trong bối cảnh chung đó, ta thấy ra sự ngược đời là kinh tế Hoa Kỳ lại khá nhất trong các nền kinh tế lớn của thế giới, nhờ sức mạnh của thị trường lao động và ảnh hưởng tới đà tiêu thụ của người dân và nhờ một nghịch lý khác là đà tăng chi của ngân sách liên bang. Vì vậy, lần này, chỉ dấu tiên báo của đường tuyến phân lời chưa chắc đã bi quan như người ta nghĩ. Bản thân tôi thì còn theo dõi một chỉ đấu khác là giá một loại thương phẩm khá đặc biệt vì cần thiết cho nền công nghiệp là giá đồng. Khi nó sụt thì đấy là dấu hiệu xấu về sản suất và nếu tăng thì đấy là một triển vọng khả quan hơn. Giá đồng đã sụt nhưng lại vừa tăng chút đỉnh nên chúng ta cần theo dõi thêm. Nói vắn tắt thì người ta có nhiều cách dự đoán khác nhau nhưng chính tâm lý bi quan có tính chất bầy đàn mới càng dễ đưa tới kết qủa bất lợi cho tương lai.

RCEP

Nguyên Lam : Nguyên Lam xin được bước qua phần thứ hai là nói về 10 nước Đông Nam Á trong Hiệp hội ASEAN và quy chế tự do thương mại trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, thường được gọi tắt là RCEP. Thưa ông, khi các nền kinh tế dẫn đầu thế giới là Hoa Kỳ, Âu Châu, Trung Quốc và Nhật Bản đều gặp khó khăn thì viễn ảnh hợp tác của Hiệp định RCEP này có giúp gì cho các nước Đông Nam Á hay không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ rằng đó là kịch bản "bên bờ ảo vọng" !

Về bối cảnh thì năm 2012, khối ASEAN muốn tiến tới một hiệp định với sáu quốc gia đã có hiệp ước tự do thương mại với cả khối là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Nam Hàn và New Zealand. Tôi nghĩ rằng chính Bắc Kinh thúc đẩy sáng kiến này khi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương hay TPP gồm 12 nước đang thành hình mà không có Trung Quốc. Tham vọng của họ là hội nhập 16 quốc gia có ba tỷ 600 triệu dân và sản xuất ra một phần ba sản lượng toàn cầu.

Ban đầu thì họ mơ hoàn thành việc đó vào năm 2015 mà sau 25 vòng đàm phán qua sáu năm trường thì vẫn chưa đạt đồng thuận. Tiêu chí hoàn tất vào năm 2018 cũng đã qua, nên đành mong rằng có thể ký kết thỏa ước chung trong hội nghị ASEAN tại Thái Lan vào Tháng 11 năm nay, mà cuối cùng cũng sẽ là không.

Nguyên Lam : Thưa ông, vì sao lại có những trục trặc và chậm trễ như vậy ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Cho tôi nói tiếp về bối cảnh đã thì ta dễ hiểu ra sự thể.

Khác với Hiệp định TPP có tính chất hợp tác toàn diện và còn bao hàm ý hướng chiến lược vây quanh Trung Quốc, Hiệp định RCEP có tham vọng tạo dựng một khu vực tự do thương mại rộng lớn mà tập trung vào lĩnh vực mậu dịch, nôm na là trao đổi hàng hóa và dịch vụ với thuế suất nhập nội rất thấp. Vậy mà họ mất sáu năm bàn cãi để chẳng đi tới đâu.

Với 10 quốc gia trong Hiệp hội ASEAN, đây là cơ hội khuếch trương buôn bán với các nước ở bên ngoài và so sánh với Hiệp định TPP chỉ có bốn thành viên, là Việt Nam, Malaysia, Singapore và Brunei, thì RCEP có lợi hơn cho toàn khối. Đó là lý thuyết, thực tế lại hơi khác.

- Với Bắc Kinh thì đây là cơ hội giàng neo cột 10 nước Đông Nam Á vào quỹ đạo của họ trước sức mạnh của Hoa Kỳ và tăng cường quan hệ với các cường quốc kinh tế khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Nam Hàn, và Úc để khiến các nước này không dễ gì đồng ý với những đòi hỏi về thương mại của Hoa Kỳ. Nhưng sự đời lại chẳng đơn giản như vậy !

Nguyên Lam : Tức là ông bắt đầu giải thích vì sao Hiệp định RCEP này chưa thể thành hình trong năm nay ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Quan hệ kinh tế giữa các nước không chỉ có thuế suất nhập nội của hàng hóa và dịch vụ xứ này bán qua xứ kia mà còn có nhiều rào cản, thí dụ như hạn ngạch nhập cảng, hoặc việc hội nhập vào một chuỗi cung ứng, là xứ này trao đổi nguyên vật liệu của các xứ khác để có được sản phẩm hoàn tất. Hiệp định RCEP chỉ tập trung vào chuyện hạ thuế suất mà không thấy ra nhiều khía cạnh rắc rối kia. Đó là một.

Lý do thứ hai có lẽ xuất phát từ Trung Quốc, Hiệp định RCEP đặt ra khuôn khổ hợp tác giữa nhà nước với nhà nước, trong khi Hiệp ước TPP lại mở ra cho các doanh nghiệp và thị trường, chủ yếu là tư doanh hơn quốc doanh. Khi thu hẹp vào phạm vi quyết định của nhà nước thì nhà nước nào cũng nhìn xuống quần chúng của mình khi đàm phán. Thí dụ điển hình là Ấn Độ, một cường quốc kinh tế không thuộc nhóm 11 quốc gia của TPP, mà vẫn e ngại quan hệ với Bắc Kinh và bị nhập siêu với Trung Quốc. Chính Ấn Độ đã nêu ra nhiều đòi hỏi gây trở ngại.

Mà không chỉ có Ấn Độ là quốc gia sẽ có bầu cử và rất quan tâm đến dư luận, sau Thái Lan vào tuần qua, Úc và Indonesia cũng sắp có bầu cử. Lãnh đạo các quốc gia đó không thể nhượng bộ nước ngoài để có khi thất cử bên trong. Do đó, Hiệp định RCEP này sẽ khó thành hình trong năm nay.

Nguyên Lam : Câu hỏi cuối, thưa ông, nhóm ASEAN muốn gì và có thể làm được những gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta đều biết là thuế nhập nội thấp thì sẽ gia tăng số ngoại thương trao đổi với nhau, nhưng các nước Đông Nam Á đang muốn đa diện hóa hệ thống sản xuất hàng hóa và dịch vụ cho tinh vi hơn mà cũng muốn đa diện hóa các thị trường giao dịch và tiến tới chế độ tự do chuyển dịch người và vật cho mục tiêu phân công đó. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện RCEP thật ra chưa có gì là toàn diện mà vẫn bị giới hạn về trao đổi dịch vụ và lao động nên ASEAN sẽ tiếp tục đàm phán nhưng không giàng tương lai của họ vào cơ chế này.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn tuần này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 26/03/2019

Published in Diễn đàn

Khởi sự thảo luận từ năm 2012, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện tại Khu vực Đông Á và Nam Á, gọi tắt là RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership), có thể hoàn tất trong năm nay, Bộ trưởng Công Thương Nghiệp Singapore cho biết như trên sau hội nghị cấp bộ trưởng vào cuối tháng trước tại Singapore. Tuy nhiên, phía Ấn Độ lại cho rằng các nước còn phải đàm phán thêm trước khi có hy vọng thông qua vào cuối năm 2019. Mục Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về chuyện này.

rcep1

Biểu đồ 16 quốc gia trong RCEP RFA

RCEP : Khối tự do mậu dịch có tầm vóc nhất thế giới ?

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. 

Thưa ông, sau hơn hai chục vòng đàm phán kể từ năm 2012, đại diện của 16 quốc gia tại khu vực Đông Á và Nam Á sắp hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực nội trong năm nay. Bước kế tiếp có thể là một hội nghị cấp bộ trưởng vào cuối Tháng 10 tại New Zealand rồi thượng đỉnh của cấp lãnh đạo vào Tháng 11 này tại Singapore để thông qua văn kiện.

Giới truyền thông quốc tế cho rằng trong bối cảnh đầy mâu thuẫn thương mại giữa các nước tiên tiến và sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, biến cố này mở ra hy vọng hình thành một khối tự do mậu dịch khác, có tầm vóc nhất thế giới với vai trò chủ chốt của Trung Quốc trong một khu vực kinh tế rất năng động của địa cầu. Ông nghĩ sao về những nhận định này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi e rằng sự thật nó không như người ta mô tả nên xin sẽ từng bước giải thích.

Thoạt kỳ thủy đây là sáng kiến của Hiệp hội ASEAN gồm 10 Quốc gia Đông Nam Á nhằm ký một hiệp định tự do thương mại với sáu nước vốn đã có hiệp ước riêng lẻ với ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, rồi Ấn Độ, Úc và New Zealand. Nếu hoàn thành thì người ta một cộng đồng gồm ba tỷ 400 triệu dân, gần phân nửa dân số địa cầu với sản lượng kinh tế bằng 30% của thế giới.

Nhưng bên dưới các số liệu lớn lao đó là sự dị biệt của một tập thể ô hợp gồm nhiều nước còn quá nghèo như Miến, Lào, Miên và các nước tiên tiến như Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, New Zealand hoặc hai nước mới nổi là Trung Quốc và Ấn Độ, với mục tiêu khác biệt và tìm sự đồng thuận ở một số lĩnh vực thu hẹp. Chẳng hạn như Ấn Độ đòi quyền tự do mậu dịch không chỉ về hàng hóa mà còn về dịch vụ và muốn có quy định hẳn hoi về xuất xứ sản phẩm để tránh nạn Trung Quốc bán hàng của mình dưới nhãn hiệu chế tạo của xứ khác. Cũng vì vậy, Ấn Độ mới cho rằng sẽ còn phải đàm phán thêm chứ không thể xong vào cuối năm.

Nguyên Lam : Thưa ông, thế còn vị thế của Trung Quốc trong tập thể này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Truyền thông cứ cho là rằng Hoa Kỳ lui về chế độ bảo hộ mậu dịch và triệt thoái khỏi Hiệp định TPP nên Trung Quốc mới trám vào khoảng trống do Mỹ để lại, sẽ trở thành vô địch về tự do mậu dịch và vạch ra luật chơi cho cả tập thể. Đấy là cách tường thuật nông cạn và sai lạc nhưng có lợi cho uy tín của Bắc Kinh. Thứ nhất, đấy là sáng kiến của Hiệp hội ASEAN, không của Trung Quốc. Thứ hai, tập thể này có nhiều cường quốc kinh tế không dễ chấp nhận thế chủ động của Bắc Kinh, như Nhật, Ấn Độ, Nam Hàn và Úc. Thật ra, Trung Quốc chưa đủ mạnh để muốn làm gì thì các nước kia cũng chịu.

Chuyện thứ ba, quan trọng nhất, vì duy trì nhiều khu vực bảo hộ bên trong, Trung Quốc không dễ phất cờ vô địch về tự to thương mại như Hoa Kỳ. Lý do là có thị trường tiêu thụ lớn nhất địa cầu, Hoa Kỳ có thể cho các nước có mức lương bổng thấp xuất khẩu hàng hóa rẻ vào Mỹ, Trung Quốc nghèo hơn Mỹ và vẫn cần bảo vệ một khu vực chế biến bên trong cho nên khó rộng rãi nhập khẩu hàng rẻ như vậy từ các nước cũng lấy ưu thế là lương thấp.

Vào một kỳ khác, chúng ta sẽ nói đến yếu tố nhân công rẻ như một nguyên nhân dẫn tới mâu thuẫn mậu dịch ngày nay vì xứ nào cũng tìm cách hạ lương để dễ bán hàng nên làm sụt mức tổng cầu, khiến lực lượng lao động bị thiệt mà doanh nghiệp chuyên về xuất nhập khẩu thì kiếm lời lớn. Đấy là hiện tượng kinh tế học gọi là "bần cùng hóa người láng giềng". Các nước nghèo trong khối RCEP đang tìm lợi thế lương rẻ cũng sẽ lao vào mâu thuẫn đó với các nước giàu hơn ở trong nhóm. Hoa Kỳ không theo chiến lược đó mà cũng chẳng thiết tha gì với Hiệp định này.

Lý do Hoa Kỳ không muốn gia nhập RCEP

Nguyên Lam : Ông nói đến việc các nước nghèo cứ tìm lợi thế nhân công rẻ để dễ bán hàng có thể dẫn tới những mâu thuẫn ngày nay khiến thính giả của chúng ta có thể suy luận về chiến lược công nghiệp hóa hiện nay của Việt Nam. Kỳ sau, Nguyên Lam xin được hỏi thêm về chuyện đó, nhưng hôm nay, xin đề nghị ông giải thích cho vì sao Hoa Kỳ không đi theo chiến lược trên mà cũng chẳng muốn gia nhập nhóm RCEP này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Về chuyện kiếm lợi thế mậu dịch nhờ lương rẻ thì tôi nghĩ đến một thành ngữ phũ phàng của Việt Nam. Đó là cho nhân công "ăn mắm mút giòi" để doanh nghiệp kiếm lời nhờ xuất nhập khẩu, đa số lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài. Việt Nam có chiến lược bất công và không bền đó.

Trở về chuyện Hoa Kỳ, có một nghịch lý mà truyền thông ít giải thích. Chiến lược của nước Mỹ không là chế biến hàng rẻ để bán cho nhiều nhờ ép lương nhân công mà là phát triển khu vực dịch vụ và sản xuất các loại hàng có giá trị cao hơn. Vì vậy, trước khi nghe nói đến một ông Donald Trump làm Tổng thống thì Mỹ đã dửng dưng trong việc mua bán với Hiệp hội ASEAN. Chiến lược mậu dịch của Hoa Kỳ là xây dựng một cơ chế mua bán trong khu vực với tiêu chuẩn cao về điều kiện bảo vệ môi sinh, lao động, luật lệ thông thoáng minh bạch, nhất là phải bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đấy là quan niệm của Mỹ về tự do thương mại, qua những đòi hỏi quá rắc rối và chi tiết trong Hiệp định Đối tác TPP khiến Quốc hội Mỹ dội ngược nên không muốn phê chuẩn cuối năm 2015 và trong năm 2016.

Nhìn như vậy thì Hiệp định RCEP không đáp ứng yêu cầu của Hoa Kỳ vì có nhiều nước quá nghèo như Miên Lào, có nhiều nước không muốn cải cách kinh tế cho thêm tự do như Trung Quốc hay cả Ấn Độ. Cho nên bảo rằng Hoa Kỳ bị gạt ra khỏi sân chơi của 16 nước trong Hiệp định RCEP và nhường thế lãnh đạo cho Bắc Kinh là một lập luận sai mà cứ được nhắc lại, có khi vì ghét ông Trump.

Tuy nhiên, cần nói thêm là Mỹ không hề chống Hiệp định RCEP và vẫn có lúc nghĩ lại về Hiệp định TPP nay đã đổi tên và chỉ còn 11 nước tham dự. Lý do nằm ngoài lãnh vực mậu dịch mà thuộc về chiến lược. Hoa Kỳ muốn Trung Quốc bị ràng buộc vào những cam kết với nhiều xứ khác và phải thay đổi chứ không xử ép các nước nghèo. Hiệp định RCEP mở ra cơ hội cho các nước ASEAN có thị trường khác mà bớt lệ thuộc vào Trung Quốc và cho các cường quốc như Nhật, Ấn, Úc, Nam Hàn có thêm ảnh hưởng.

Thúc đẩy cơ chế hành xử chung trong RCEP

Nguyên Lam : Trở lại Hiệp định RCEP, phải chăng là 16 nước muốn hoàn thành văn kiện này cho nhanh để có một cơ chế hành xử chung khi thương chiến bùng nổ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc theo kiểu "trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết" ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Dĩ nhiên là bộ máy hành chính thư lại và các chuyên viên đều nói tới nguy cơ khủng hoảng vì chiến tranh thương mại hoặc vì số xuất siêu quá lớn với kinh tế Hoa Kỳ. Họ nói vậy để sớm hoàn tất Hiệp định RCEP. Báo chí tường thuật quan điểm của "các viên chức có thẩm quyền" này, trong ngoặc kép. Nhưng chẳng xứ nào lại vì tình trạng khẩn trương đó mà nhượng bộ.

Thái độ trì chiết của Ấn Độ về quyền tự do di động của nhân công hay xuất xứ hàng hóa hoặc việc bảo vệ một số ngành nghề nội địa và lập trường hoàn toàn tương phản của Singapore về các vấn đề trên cho thấy điều ấy. Kế đó, dù được tiếng là "khu vực tự do thương mại vĩ đại nhất địa cầu", Hiệp định RCEP này lại gói bên trong những mục tiêu dị biệt của các nước lớn và hàng loạt điều lệ về thủ tục chấp hành hay đặc miễn cho nên chẳng dễ gì mà hoàn thành sau hội nghị cấp bộ trưởng vào tháng tới tại Auckland của New Zealand. Cùng lắm thì các nước đi tìm đồng thuận biểu kiến ở "mẫu số chung nhỏ nhất" và sau đó họ sẽ cãi tiếp.

Nguyên Lam : Ông có vẻ không mấy lạc quan về triển vọng thành hình của Hiệp định này, thưa ông vì sao như vậy ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thật ra chúng ta cần tránh cảm quan mà nên lạnh lùng nhìn vào thực tế.

Đầu tiên, người ta cứ chú ý đến sự vắng mặt của Hoa Kỳ và cái thế mạnh của Trung Quốc trong hiệp định giữa 16 nước Đông Á và Nam Á. Sự thật thì thị trường Hoa Kỳ vẫn có sức thu hút cao và xứ nào cũng theo dõi xem Chính quyền Donald Trump xác định lại luật chơi về mậu dịch để theo đó mà tính. Sau đấy, người ta cũng thấy Bắc Kinh đang gây phản ứng ngược từ các nước nghèo với chủ trương lý tài chứ không hề là tấm gương sáng về tự do mậu dich. Thứ ba, Hoa Kỳ không hề quay lưng và thả nổi Châu Á cho Bắc Kinh mặc tình thao túng. Đấy là bối cảnh bên ngoài tập thể 16 quốc gia này.

Bên trong, nhóm 16 nước của Hiệp định lại có sẵn nhiều mâu thuẫn nội tại. Như giữa các nước nghèo nhất với các nước giàu hơn trong khối ASEAN, hoặc giữa các nước tương đối đã mở mang, như Malaysia hay Thái Lan, với các nước tiên tiến như Úc hay New Zealand. Đã vậy, Nhật vẻ hòa dịu hơn với Bắc Kinh chỉ vì đã có Ấn Độ tham gia như một rào cản Trung Quốc trong chiến lược kết hợp vành đai Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương. Trong vụ này, Thái Lan đang nghe ngóng xem làm sao gia nhập Hiệp định Đối tác TTP, Việt Nam thì bận xem làm sao thi hành Hiệp định này hơn là tranh cãi về RCEP. Nhìn vậy thì Hiệp định RCEP không là một nỗ lực ghê gớm của các nước để mau mắn làm ăn với Trung Quốc và để khỏi cần Hoa Kỳ. Nó mới chỉ là một bước khởi đầu mà thôi.

Nguyên Lam : Vì ông nhắc đến yếu tố chiến lược của các nước trong những tính toán về thương mại, liệu chúng ta có nên nhắc tới sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ của Bắc Kinh trong khu vực Á Châu này không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi cho rằng năm năm sau khi thực hiện sáng kiến đó, Bắc Kinh đã để lộ chân tướng và gây nghi ngại cho các nước đang thát triển, điển hình là trường hợp Malaysia mà chúng ta đã đề cập một kỳ trước. Trong khi đó, ta cũng chẳng nên quên phản ứng của Hoa Kỳ khi Ngoại trưởng Mike Pompeo thông báo kế hoạch xây dựng hạ tầng cơ sở trong cùng khu vực này như một lực đối trọng với sáng kiến của Trung Quốc. Phương pháp của Mỹ không giống Bắc Kinh, là viện trợ hay đưa hệ thống quốc doanh vào thực hiện các dự án ít giá trị, mà là tạo điều kiện cho doanh nghiệp Hoa Kỳ vào nơi đó đầu tư. Tức là Hoa Kỳ không hề bỏ ngỏ Á Châu và đấy cũng là một sự thật khác về Hiệp định RCEP.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn tuần này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 11/09/2018

Published in Diễn đàn