Ấn Độ rút khỏi RCEP vì "lợi ích quốc gia" (RFI, 05/11/2019)
Ấn Độ thông báo không tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership - RCEP) vì "lợi ích quốc gia". Quyết định trên được quan chức Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Vijay Thakur Singh, thông báo hôm qua 04/11/2019 trong một cuộc họp báo tại Bangkok, bên lề thượng đỉnh ASEAN.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (giữa) và các đồng nhiệm Jacinda Ardern (New Zealand), Lý Khắc Cường (Trung Quốc) tại hội nghị RCEP ở Bangkok, ngày 04/11/2019. Reuters
New Delhi lo ngại hàng hóa giá rẻ Trung Quốc sẽ gây hại cho thị trường Ấn Độ, và nông sản Úc, New Zeland sẽ tác động tiêu cực tới nông dân nước này.
Hôm qua là ngày lãnh đạo 16 nước Châu Á-Thái Bình Dương tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) họp thượng đỉnh lần thứ ba tại Bangkok, Thái Lan. Theo thông cáo chung, các nước tham gia RCEP thống nhất sẽ ký hiệp định vào năm 2020 kể cả khi Ấn Độ rút lui.
Từ Bangkok, thông tín viên RFI Carol Isoux cho biết thêm chi tiết :
"Ấn Độ không nằm trong số 10 nước thành viên chính thức của ASEAN nhưng là một đối tác của tổ chức này, giống như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc… Lý do Ấn Độ rút khỏi đàm phán RCEP là New Delhi lo ngại rằng thị trường nước này sẽ tràn ngập hàng Trung Quốc giá rẻ, nhất là điện thoại di động… Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, có mặt tại Bangkok, đã tuyên bố là ông muốn hiệp định tự do mậu dịch không chỉ liên quan đến hàng hóa gia công vốn là ưu thế của Trung Quốc, mà còn phải liên quan đến các dịch vụ. Ấn Độ là quốc gia dẫn đầu khu vực trong lĩnh vực này.
Từ nhiều thế kỷ qua, Đông Nam Á là nơi giao thoa ảnh hưởng của Ấn Độ và Trung Quốc. Hai cường quốc luôn tranh giành quyền bá chủ về văn hóa và kinh tế trong khu vực . Đối với Trung Quốc, ASEAN là cánh cửa quan trọng trên Con đường tơ lụa mới, một kế hoạch hạ tầng cơ sở quy mô thế giới nhằm phục vụ cho các tham vọng của Trung Quốc. Còn đối với Ấn Độ, khu vực này giữ vai trò chủ đạo trong chính sách Hành động Hướng Đông (Act East) vốn coi các trao đổi với châu Á là mối ưu tiên.
Hiện giờ điều cần xem là liệu các nước ASEAN có quyết định ký hiệp định mà không có sự ủng hộ của Ấn Độ hay không".
Thùy Dương
******************
RCEP : Trung Quốc sẽ hưởng lợi nhiều nhất (RFI, 04/11/2018)
Ngày 04/11/2019, lãnh đạo 16 nước Châu Á-Thái Bình Dương tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP họp thượng đỉnh lần thứ ba tại Bangkok, Thái Lan.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại thượng đỉnh ASEAN, ngày 03/11/2019. Reuters/Soe Zeya Tun
Với mong muốn đẩy nhanh tốc độ hội nhập của ASEAN, Thái Lan, nước chủ tịch luân phiên ASEAN 2019, đã đề ra mục tiêu 16 quốc gia sẽ hoàn tất đàm phán về RCEP vào cuối năm nay.
Hiệp định RCEP là một trong những chủ đề trọng tâm của thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 tại Bankok. Hôm thứ Sáu 01/11/2019, bộ trưởng 10 nước thành viên ASEAN và 6 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zeland tham gia đàm phán để thống nhất các phần cuối cùng của hiệp định.
Thứ trưởng Thương mại Nhật Bản Hideki Makihara hôm 01/11 phát biểu trong một cuộc họp báo là kết quả tiến trình đàm phán sẽ được thông báo trong tuyên bố chung thượng đỉnh RCEP, nhưng từ chối cho biết thêm chi tiết về kết quả cuộc đàm phán.
Mặc dù trước thượng đỉnh, Thái Lan tỏ ra lạc quan, nhưng dường như các cuộc đàm phán sẽ chưa thể hoàn tất sớm như nước chủ tịch luân phiên ASEAN 2019 mong muốn. Phát biểu khai mạc thượng đỉnh ASEAN, thủ tướng Thái Lan, Prayuth Chan-ocha, vẫn nhấn mạnh : "Chúng ta sẽ phải tiếp tục làm việc để từ nay cho đến cuối năm có bản tổng kết về các cuộc đàm phán RCEP nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng như thương mại và đầu tư".
RCEP có ý nghĩa quan trọng như thế nào ?
16 quốc gia tham gia RCEP chiếm gần 50% dân số toàn thế giới, tương đương khoảng 3,6 tỷ người. Khi RCEP được thông qua và có hiệu lực, 16 nước tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực sẽ hình thành một khối thương mại chiếm gần 30% GDP thế giới, tạo ra khối lượng giao dịch hơn 10 ngàn tỷ đô la USD, chiếm hơn 29% giá trị thương mại toàn cầu, và chiếm hơn 32% luồng vốn đầu tư toàn cầu. Nhất là trong bối cảnh chủ nhân Nhà Trắng Donald Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017, sau khi ông đắc cử tổng thống Mỹ, RCEP sẽ tạo ra khối thương mại lớn nhất toàn cầu.
Ngoài ra, hiệp định RCEP, liên quan đến cả việc cắt giảm thuế quan và bảo vệ sở hữu trí tuệ, sẽ đánh dấu sự trở lại của tự do hóa thương mại đa phương, chống lại làn sóng bảo hộ mậu dịch mà chủ nhân Nhà Trắng Donald Trump là người đi đầu.
Tại sao các cuộc đàm phán lại kéo dài suốt 7 năm mà vẫn chưa hoàn tất ?
Ý tưởng về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực được đề xuất vào tháng 11/2012 và các cuộc đàm phán được khởi động vào năm 2013, với mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế giữa ASEAN và sáu đối tác thương mại lớn trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Đúng là ban đầu các nước tham gia dự kiến ký kết Hiệp định vào năm 2015, nhưng RCEP đã bị trì hoãn nhiều lần, chủ yếu do thiếu các thỏa thuận thương mại tự do song phương giữa một số đối tác, chẳng hạn giữa Trung Quốc với Nhật Bản, giữa Ấn Độ với Trung Quốc.
Mặc dù kéo dài suốt 7 năm, nhưng cũng cần nói rõ là trong năm 2019, các cuộc đàm phán đã có nhiều tiến triển, trong bối cảnh Mỹ - Trung có xung đột kinh tế. Việc tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi TPP hồi năm 2017 cũng là một động lực khiến các cuộc đàm phán được đẩy nhanh hơn. Kỳ đàm phán lần thứ 28 đã được tổ chức tại Đà Nẵng, Việt Nam, hồi cuối tháng 09/2019, nhằm giải quyết những vướng mắc kỹ thuật đang tồn đọng. Trong tháng qua, Thái Lan tiết lộ là việc đàm phán đã hoàn thành được hơn 80%.
Trang mạng ASIA Nikkei hôm 02/11 cho biết trong cuộc họp bộ trưởng RCEP được tổ chức vào ngày 11-12/10/2019, cũng tại Bangkok, Thái Lan, đoàn đàm phán của 16 nước đã thống nhất được 20 chương hiệp định. Đối với 6 chương còn lại, 16 nước vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, nhất là về các quy tắc cạnh tranh thương mại và các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của RCEP.
Hiện nay rào cản lớn nhất để hoàn tất các cuộc đàm phán là gì ?
Có thể nói rào cản lớn nhất đối với hiệp định chính là Ấn Độ, hiện vẫn lo ngại khi RCEP có hiệu lực, hàng hóa giá rẻ do Trung Quốc sản xuất sẽ ồ ạt tràn vào thị trường Ấn Độ, gây tác động tiêu cực cho sản xuất nội địa, nhất là các ngành kim loại, dệt may, sản xuất sữa và điện thoại di động. Gần đây, New Delhi đòi thay đổi hiệp định, muốn có nhiều biện pháp bảo vệ hơn do lo sợ thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Đương nhiên, điều này gây khó chịu cho Bắc Kinh. Còn nhà phân tích kinh tế của Ngân hàng phát triển Châu Á, Jayant Menon, nhấn mạnh "nỗi sợ Trung Quốc" là điểm chung của nhiều nước, chứ không riêng gì Ấn Độ.
Có mặt tại Bangkok tham dự thượng đỉnh, thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi tuyên bố muốn mở rộng phạm vi hiệp định RCEP sang cả lĩnh vực dịch vụ, chứ không chỉ đơn thuần là hàng hóa sản xuất. Về dịch vụ, Ấn Độ là một trong những nước đi đầu khu vực. Ông Modi cũng muốn thay đổi hiệp định theo hướng có lợi hơn cho các doanh nghiệp Ấn Độ.
Mặc dù rất muốn ký kết RCEP, nhưng thủ tướng Modi đang chịu sức ép từ dư luận trong nước do dân chúng lo ngại hàng hóa Ấn Độ bị hàng giá rẻ Trung Quốc "lấn át". Theo AFP, nông dân Ấn Độ đã lên kế hoạch biểu tình trên toàn quốc đúng vào hôm nay 04/11 để yêu cầu thêm nhiều điều khoản đảm bảo quyền lợi cho họ. Nhiều nông dân Ấn Độ hôm thứ Bảy 02/11 biểu tình đòi hỏi chính phủ rút khỏi các cuộc đàm phán RCEP.
Một nguồn tin thân cận với đoàn đàm phán Ấn Độ tiết lộ tuần vừa rồi New Delhi đã đưa ra những đòi hỏi "rất khó đáp ứng". Nhiều nước ASEAN nhắc đến khả năng một hiệp định RCEP thiếu vắng Ấn Độ. Tuy nhiên, bộ trưởng Thương Mại Thái Lan hôm qua 03/11 cho biết là Ấn Độ vẫn chưa rút khỏi RCEP và các cuộc đàm phán RCEP vẫn đang diễn ra. Còn bộ trưởng Thương Mại và Công Nghiệp Philippines, Ramon Lopez, nhấn mạnh : "Chúng tôi muốn Ấn Độ tham gia. Đây là một nền kinh tế lớn. Chúng tôi đã cùng nhau bắt đầu (các cuộc đàm phán) và sẽ cùng nhau hoàn tất".
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, thì riêng đối với Bắc Kinh, RCEP chắc chắn có ý nghĩa đặc biệt ?
Đối với chính quyền Bắc Kinh, việc sớm hoàn tất đàm phán về RCEP có ý nghĩa sống còn. Xung đột thương mại Mỹ - Trung đã khiến giá trị xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm hàng trăm tỉ đô la. Kinh tế Trung Quốc đang cần được thổi một làn gió mới. RCEP sẽ làm được điều đó. RCEP cũng tạo cơ hội cho Trung Quốc có thêm ảnh hưởng đối với nhiều nước Châu Á do nước Mỹ từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một đối trọng của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP.
Mặc dù chính quyền Bắc Kinh vẫn duy trì nhiều chính sách bảo hộ riêng của mình, nhưng ký kết RCEP sẽ là công cụ để Trung Quốc thể hiện với thế giới là Bắc Kinh đang giương cao ngọn cờ thương mại tự do, trái ngược lại với Hoa Kỳ thời Donald Trump.
Năm nay, tổng thống Mỹ Donald Trump không đến dự thượng đỉnh ASEAN, chỉ cử bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross và cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien thay ông dự ASEAN. Đây có thể coi là phái đoàn cấp thấp nhất của Mỹ từ trước đến nay đến dự các thượng đỉnh của ASEAN, thậm chí còn thấp hơn so với phái đoàn của Trung Quốc và Nhật Bản. Năm 2018, chủ nhân Nhà Trắng cũng không dự thượng đỉnh ASEAN, nhưng phó tổng thống Mike Pence đã đại diện cho nước Mỹ. Theo nhiều chuyên gia, việc hai năm liền Donald Trump từ chối dự thượng đỉnh ASEAN chắc chắn không làm hài lòng các quốc gia Đông Nam Á.
Thêm một dấu hiệu cho thấy Washington đang "để ngỏ sân chơi" cho Bắc Kinh trong khu vực. RCEP như vậy sẽ càng tạo cơ hội cho Trung Quốc mở mang ảnh hưởng tại Châu Á - Thái Bình Dương, trong khi Donald Trump chỉ mải mê "Nước Mỹ là trên hết". Nói cách khác, RCEP được coi là phương tiện để Trung Quốc khẳng định sự thống trị thương mại của mình ở Châu Á sau khi Mỹ rút khỏi TPP năm 2017, góp phần làm giảm vị thế của Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương.
Juan Sebastian Cortes-Sanchez, nhà phân tích chính trị có văn phòng tại Singapore, nhận định với AFP là nếu được ký kết, RCEP sẽ là "một cú đánh khác" cản trở Hoa Kỳ trong quan hệ với các nước Châu Á - Thái Bình Dương. Nước hưởng lợi nhiều đương nhiên vẫn là Trung Quốc.
******************
Thượng đỉnh ASEAN : Ấn Độ do dự về sáng kiến RCEP của Trung Quốc (RFI, 03/11/2019)
Sáng 03/11/2019, thủ tướng Thái Lan đã khai mạc thượng đỉnh ASEAN với các đối tác, mở đầu cho ba thượng đỉnh diễn ra trong ngày, gồm ASEAN-Trung Quốc lần thứ 22, ASEAN-Ấn Độ lần thứ 16 và ASEAN-Liên Hiệp Quốc lần thứ 10.
Từ trái sang : Các thủ tướng Lý Hiển Long (Singapore), Narendra Modi (Ấn Độ), Prayut Chan-O-Cha (Thái Lan) tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 ngày 03/11/2019. Lillian SUWANRUMPHA/AFP
Sau lễ khai mạc chính thức là thượng đỉnh giữa ASEAN và Trung Quốc, kéo dài một giờ và là phiên họp được trông đợi nhất trong ngày. Hai bên thông qua ba văn kiện hợp tác về truyền thông, thành phố thông minh, kết nối ASEAN với Sáng kiến Con đường-Vành đai (BRI) của Trung Quốc.
Về hồ sơ thương mại RCEP do Trung Quốc khởi xướng, các cuộc đàm phán sẽ không thể kết thúc được trong năm như mong muốn của Thái Lan, vì Ấn Độ vẫn do dự. Bản báo cáo tổng kết có thể sẽ được đúc kết vào tháng 02/2020, sau đó trình lên lãnh đạo các nước liên quan trong cuộc họp thượng đỉnh lần tới, diễn ra tại Việt Nam.
Thủ tướng Narendra Modi đến thượng đỉnh ASEAN với sức ép lớn từ trong nước, do lo ngại thị trường nội địa sẽ tràn ngập hàng Trung Quốc, đặc biệt là điện thoại di động nếu tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). New Delhi muốn RCEP không chỉ liên quan đến các mặt hàng gia công mà phải gồm cả lĩnh vực dịch vụ, một thế mạnh của Ấn Độ.
ASEAN hướng đến ổn định, thịnh vượng và bền vững
Trước đó, trong bài diễn văn khai mạc thượng đỉnh ASEAN và các đối tác, thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha đặc biệt nhấn mạnh đến "thiết lập ổn định trong khu vực" với nguyên tắc "3M", tôn trọng lẫn nhau (mutual respect), tin tưởng lẫn nhau (mutual trust), cùng có lợi (mutual benefit) và "giảm đối đầu", tôn trọng luật lệ và quy tắc.
Một mục tiêu khác được nêu lên là hình thành "một khu vực thịnh vượng và bền vững" bằng cách tiếp tục đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và khuyến khích một khối ASEAN đồng nhất mang bản sắc riêng, đặt con người làm trọng tâm trong mô hình tăng trưởng mới.
Ngoài ra, với chính sách "Hành động hướng Đông" (Act East), New Delhi muốn cân bằng ảnh hưởng với Bắc Kinh tại Đông Nam Á, trong bối cảnh các nước ASEAN vừa ký Kế hoạch chỉ đạo kết nối với Sáng kiến Con đường-Vành đai (BRI) của Trung Quốc.
Thu Hằng
******************
Thượng Đỉnh ASEAN khai mạc : Hồ sơ thương mại nổi cộm (RFI, 02/11/2019)
Lãnh đạo 10 nước ASEAN đã chính thức khai mạc Hội Nghị Thượng Đỉnh lần thứ 35 vào hôm nay, 02/11/2019 tại Bangkok. Một trong những chủ đề nổi cộm của hội nghị là đẩy mạnh hợp tác thương mại nhằm đối phó với tác hại từ chiến tranh thương mại giữa hai đối tác lớn của khối là Mỹ và Trung Quốc. Bên cạnh đó căng thẳng Biển Đông, đặc biệt giữa Việt Nam với Trung Quốc cũng được bàn luận.
Thượng đỉnh ASEAN tại Bangkok, ngày 02/11/2019. Reuters/Athit Perawongmetha
Theo đặc phái viên Thu Hằng tại Bangkok, với trọng tâm là "Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững", trong khuôn khổ thượng đỉnh lần thứ 35, cùng với các cuộc họp liên quan, nhiều vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận như chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, kinh doanh, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và giáo dục :
Tại phiên họp toàn thể, thủ tướng Thái Lan, nước chủ tịch luân phiên, tổng kết những ưu tiên, dự án được triển khai trong năm 2019, cũng như lộ trình đối ứng giữa Tầm nhìn ASEAN 2025 và Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về phát triển bền vững 2030.
Có sáu thỏa thuận được thông qua tại thượng đỉnh ASEAN, liên quan đến biến đổi khí hậu, bảo vệ Trẻ em dưới mọi hình thức khai thác và lạm dụng trực tuyến, bảo vệ quyền trẻ em trong bối cảnh di dân, phát triển đối tác trong lĩnh vực giáo dục…
Ngay sau phiên khai mạc thượng đỉnh ASEAN, lãnh đạo các nước Đông Nam Á đã tham dự lễ ký kết Bản ghi nhớ Hợp tác giữa ASEAN và Liên đoàn Bóng đá Quốc tế (FIFA) nhằm thúc đẩy sự phát triển của bóng đá trong khu vực. Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi và chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) Gianni Infantino đã ký bản ghi nhớ. Các nhà lãnh đạo ASEAN được chủ tịch FIFA tặng áo lưu niệm được đánh số 9 và 10 (tiền đạo) cùng với tên riêng của từng người.
Trước đó, ngoại trưởng Vương quốc Bahrein, Khalid bin Ahmed bin Mohamed Al Khalifa, và ông Peter Schoof, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Liên bang Đức ở Indonesia, đã ký những Văn kiện gia nhập Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (TAC).
Vấn đề thương mại đã được thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad nêu bật vào hôm nay tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Kinh Doanh và Đầu Tư ASEAN (ABIS), khi lãnh đạo Đông Nam Á kỳ cựu này cho rằng các nước Đông Nam Á phải gắn bó chặt chẽ với nhau để đối mặt với cuộc chiến thương mại do tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động.
Theo ông Mahathir, "Chúng ta (tức là ASEAN) không muốn tham gia vào một cuộc chiến thương mại, nhưng đôi lúc, khi họ không tốt với chúng ta, thì chúng ta phải tỏ thái độ không hài lòng".
Một dự thảo bản tuyên bố kết thúc Thượng Đỉnh ASEAN mà hãng tin Anh Reuters đọc được dự trù là các lãnh đạo Đông Nam Á sẽ bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc đối với căng thẳng thương mại đang gia tăng và tâm lý bảo hộ mậu dịch và chống toàn cầu hóa đang tồn tại".
Một trong những hồ sơ thương mại chủ yếu của Thượng Đỉnh ASEAN lần này được cho là việc đúc kết được Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), liên kết Trung Quốc với 10 nước Đông Nam Á và Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand.
Tuy nhiên, theo Reuters, tính đến tối hôm qua, chưa có dấu hiệu nào cho thấy là đàm phán giữa các bên đã đạt kết quả mong muốn.
Trọng Nghĩa & Thu Hằng
*****************
ASEAN 35 - Chưa đạt thỏa thuận về Hiệp định RCEP (BBC, 02/11/2019)
Các bộ trưởng từ 16 quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương đã không đạt được thỏa thuận về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tại cuộc họp vào hôm 1/11, theo hãng tin Kyodo.
Bộ trưởng 16 quốc gia tham gia RCEP họp tại Bangkok hôm 1/11.
Tuy nhiên, một số người vẫn lạc quan về khả năng đạt đồng thuận về thỏa thuận này vào cuối năm nay.
RCEP là hiệp định thương mại do Trung Quốc hậu thuẫn.
Nếu được ký, đây sẽ thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, gồm 16 quốc gia, trong đó có 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand).
Khu vực này chiếm tới 1/3 GDP toàn cầu và chiếm gần một nửa dân số thế giới.
Một quan chức cao cấp của chính phủ Nhật Bản nói với các phóng viên ở Bangkok rằng, các nhà lãnh đạo các nước tham gia RCEP sẽ đưa ra "tuyên bố chung" sau hội nghị thượng đỉnh dự kiến vào thứ Hai (4/11) tới, dù ông không cho biết thông tin chi tiết.
Một quan chức cấp cao khác nói rằng, các bộ trưởng đã đạt "tiến bộ lớn".
Một nguồn tin thân cận với vấn đề này cũng nói với hãng tin Kyodo sau cuộc họp cấp bộ trưởng rằng, các quan chức cấp cao của 16 quốc gia dự kiến sẽ tiếp tục đàm phán vào hôm nay (2/11) nhằm có thể đưa ra tuyên bố cuối cùng về hiệp định này.
16 nước thành viên RCEP đã kết thúc đàm phán 18 trong 20 lĩnh vực, nhưng dường như vẫn chưa đồng ý về các lĩnh vực chính gồm thuế quan, thương mại dịch vụ, tiếp cận thị trường và đầu tư.
Ấn Độ đã miễn cưỡng hạ thấp các rào cản thương mại, vì nước này đã bị thâm hụt thương mại lớn và mãn tính với Trung Quốc trong nhiều năm.
Ấn Độ lo ngại rằng, thỏa thuận thương mại tự do sẽ dẫn đến việc một dòng sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp giá rẻ như điện thoại thông minh từ Trung Quốc đổ vào, khiến thâm hụt thương mại tiếp tục tăng.
Trong khi đó, Trung Quốc muốn kết thúc đàm phán RCEP càng sớm càng tốt, vì nền kinh tế nước này đang chậm lại, giữa bối cảnh cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ tiếp diễn.
Các cuộc thảo luận về Hiệp định này bắt đầu từ năm 2012 và đã được đẩy nhanh trong thời điểm cuộc chiến thương mại đang diễn ra.
Chủ nhà Thái Lan của Hội nghị thượng đỉnh ASEAN cho biết, họ hy vọng các cuộc đàm phán về Hiệp định này sẽ hoàn tất trong năm nay. Tuy nhiên, cuộc họp báo về tiến trình đàm phán RCEP đã bị hủy vào cuối ngày hôm qua mà không có lời giải thích.
Martin Marty Natalegawa, cựu Ngoại trưởng Indonesia nói với hang tin Reuters rằng, việc hoàn tất quá trình đàm phán RCEP sẽ thành một thử nghiệm quan trọng đối với năng lực của ASEAN về khả năng quy tụ mà khối này thường nhấn mạnh.
Căng thẳng Mỹ-Trung phủ bóng
Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 35, các nhà lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á dự kiến sẽ lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về những gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, giữa khi nhiều ý kiến tỏ ra lo lắng rằng, Hoa kỳ dường như đang lơi dần khu vực này.
Reuters cho biết, theo một dự thảo tuyên bố về hội nghị thượng đỉnh ASEAN mà hãng tin này thấy được, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về căng thẳng thương mại đang gia tăng ; cũng như việc chủ nghĩa bảo hộ và chống toàn cầu hóa tiếp tục diễn ra.
Thương mại sẽ là chủ đề chính - các nhà ngoại giao cho biết - trong khi các vấn đề vốn vẫn căng thẳng lâu năm ở khu vực này như tranh chấp trên biển Đông với Trung Quốc hay tình cảnh của những người tị nạn Rohingya sẽ ít được thảo luận.
Các quốc gia Đông Nam Á đang chịu ảnh hưởng lớn của cuộc thương chiến Mỹ - Trung, với mức tăng trưởng của các quốc gia này dự kiến sẽ bị chậm lại ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm nay.
Họ cũng đang rất lo lắng về việc Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng.
Vậy nhưng, trong khi Trung Quốc cử Thủ tướng Lý Khắc Cường, thì thay vì Tổng thống Donald Trump hoặc Phó Tổng thống Mike Pence, Mỹ lại chỉ cử Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien đại diện cho nước này tại các cuộc họp.
Điều này đã khiến những người lâu nay vẫn xem Hoa Kỳ như một đối trọng an ninh với Trung Quốc thấy lo ngại.
"Hành động của Hoa Kỳ gửi đi một chỉ dấu rằng, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và các hội nghị liên quan không quan trọng với họ như những gì mà các quốc gia khác lâu nay vẫn tưởng", ông Kantathi Suphamongkhon, cựu Ngoại trưởng Thái Lan nói với Reuters.
"Các nhóm đấu tranh cho nhân quyền cho biết là, họ không hy vọng các nước Đông Nam Á sẽ làm gì nhiều để giải quyết các vấn đề như người tị nạn Rohingya, hoặc thảo luận về các vấn đề như tình trạng độc tài đang ngày càng gia tăng ở một số quốc gia thành viên. ASEAN không còn là nơi đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ và do đó, sẽ khiến Trung Quốc ngày càng trở nên độc đoán hơn... nhất là khi Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Trump không tỏ ra quan tâm đến chuyện này" ông Thitinan Pongsudhirak, học giả tại Đại học Chulalongkorn, Bangkok, nói với Reuters.
*******************
Doanh nghiệp Việt Nam khẳng định vị trí tại ASEAN (RFI, 02/11/2019)
Sáng 02/11/2019, thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha đã chủ trì lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ABIS), do Hội đồng Tư vấn ASEAN (ASEAN-BAC) tổ chức hàng năm, song song với Hội nghị cấp cao ASEAN. Trong hai ngày hội nghị, thủ tướng các nước Miến Điện, Malaysia, New Zealand và Nga sẽ lần lượt đọc diễn văn. Thủ tướng Việt Nam tham dự lễ khai mạc buổi sáng nhưng hủy bài diễn văn dự kiến cho phiên họp chiều 02/11 để gặp tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres.
Thủ tướng Thái Lan thăm gian hàng triển lãm của các doanh nghiệp. RFI Tiếng Việt/Thu Hằng
Phóng sự của đặc phái viên Thu Hằng tại Nonthaburi, Bangkok :
Với chủ đề "Trao quyền cho ASEAN 4.0" (Empowering ASEAN 4.0), hội nghị thượng đỉnh ABIS năm 2019 tập trung đặc biệt vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, kết nối kỹ thuật số, trao quyền và phát triển con người ASEAN (ASEAN Human Empowerment and Development, AHEAD), cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ (Micro, Small and Medim-sized Enterprises, MSME).
Đây là sự kiện quan trọng nhất hàng năm để các doanh nghiệp tư nhân, các nhà lãnh đạo, cũng như các nhà hoạch định chiến lược trao đổi kiến thức, tìm giải pháp khả thi cho những thách thức khẩn cấp trong vùng, cũng như thúc đẩy ảnh hưởng của ASEAN.
Đối với khối tư nhân, hội nghị ABIS là cầu nối giúp họ gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các nhà lãnh đạo ASEAN, thông qua các cuộc thảo luận bàn tròn và triển lãm sản phẩm bên lề thượng đỉnh.
Việt Nam có hai thương hiệu được chọn giới thiệu sản phẩm tại triển lãm lần này : Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang và Công ty cổ phần Lương thực-Thực phẩm Safoco. Đối với anh Nguyễn Hoàng Hân, chuyên viên xuất khẩu của Công ty Bóng đèn Điện Quang, triển lãm tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN là cơ hội lớn cho công ty :
"Triển lãm mang mục đích quảng bá thương hiệu, sản phẩm của Điện Quang. Khách hàng đến với gian hàng của Điện Quang là những chính khách không chỉ của 11 nước Đông Nam Á, mà còn có phóng viên báo đài quốc tế, nên đây cũng là một cơ hội để Điện Quang giới thiệu được hình ảnh sản phẩm đến bạn bè, không chỉ ở khu vực Đông Nam Á, mà toàn thế giới, chứ không chỉ với mục đích chỉ tìm kiếm những khách hàng tiềm năng ở khu vực Thái Lan hay Đông Nam Á".
Tối 02/11, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN nước chủ nhà Thái Lan (ASEAN BAC Thailand) tổ chức lễ trao Giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN - ABA 2019 và tiệc tối chúc mừng. Đây là giải thưởng diễn ra từ 10 năm nay để ghi nhận những đóng góp xuất sắc của các doanh nghiệp tư nhân cho khu vực Đông Nam Á trong 11 hạng mục.
Việt Nam có 13 doanh nghiệp được nhận giải ASEAN Winner và Country Winner ở các hạng mục Doanh nghiệp Siêu nhỏ, Nhỏ và Vừa về số hóa có triển vọng nhất (Most Promising Digitalized MSMS), Doanh nhân nữ (Women Entrepreneur), Doanh nghiệp vì sự phát triển xã hội bền vững (Sustainable Social Enterprise), Doanh nghiệp Gia đình xuất sắc (Family Business), Doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (Startup and Innovation Driven Entrepreneur), Doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển (Priority Integration Sectors) và Doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất sắc (SME Excellence).
Thu Hằng
*******************
ASEAN : Một đại cường kinh tế tiềm tàng ? (RFI, 01/11/2019)
Tại Châu Á, không chỉ có Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ hay Hàn Quốc mới là những cường quốc kinh tế. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), giờ là một tác nhân kinh tế quan trọng trong khu vực, có thể sánh như là đại cường kinh tế thứ 5 thế giới, và đứng hàng thứ ba tại Châu Á, trước cả Ấn Độ. Báo mạng La Tribune số ra tháng 6/2019 giải thích vì sao.
Thượng đỉnh lần thứ 35 ở Bangkok, Thái Lan từ ngày 2 đến 4/11/2019. Reuters/Athit Perawongmetha
Với 647 triệu dân, khối ASEAN còn lớn hơn cả Liên Hiệp Châu Âu về mặt dân số. Tổng sản phẩm nội địa GDP của cả khối là gần 3.000 tỷ đô la. Đứng đầu khối này là Indonesia, có tổng dân số là 265 triệu người, GDP cao hơn 1.000 tỷ đô la. Một mình Indonesia chiếm đến 35% sự giàu có do cả khu vực tạo ra và 41% dân số toàn khu vực.
Tiếp theo Indonesia là Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Những nền kinh tế có mức tổng sản phẩm nội địa năm trong khoảng 240 – 500 tỷ đô la, tức có thể sánh bằng với GDP của Bỉ hay Bồ Đào Nha. Ngược lại, Miến Điện, Cam Bốt, Lào và Brunei là những nền kinh tế có quy mô nhỏ hơn rất nhiều.
Trong bảng xếp hạng này, Singapore là quốc gia nổi trội khác biệt nhất, nếu như đem so sánh mức GDP với 5,6 triệu dân của đảo quốc này. Với mức GDP 60.000 đô la/người, Singapore là một nước giầu có, thật sự là điểm trung chuyển cho cả khu vực và quốc tế trên phương diện thương mại và nhất là tài chính. Khai thác vị thế là thiên đường thuế khóa, Singapore xuất khẩu vốn nhiều nhất tại Châu Á thông qua trung gian là các quỹ đầu tư của Nhà nước như Temasek và GIC.
Đối tác hơn là đối thủ cạnh tranh
Ngoài trường hợp ngoại lệ này, nhân tố đầu tiên làm nên thành công của ASEAN là nền kinh tế các quốc gia thành viên bổ sung cho nhau hơn là cạnh tranh. Điều này thấy được từ vương quốc Hồi giáo dầu lửa Brunei cho đến các nước chuyên gia công, tận dụng lợi thế cạnh tranh nhờ vào nguồn nhân công giá rẻ dồi dào (Indonesia, Việt Nam, Cam Bốt) và trên rất nhiều lĩnh vực : từ lắp ráp xe ô tô, dệt may, linh kiện điện tử cho đến cả hóa chất.
Tóm lại, ASEAN giờ có thể tự khẳng định là "công xưởng" lớn thứ hai trên thế giới và đà tiến của khối này rất có thể còn được thúc đẩy do các căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Không chỉ có thế. Nhiều quốc gia khác bắt đầu lao vào lĩnh vực ủy thác quy trình kinh doanh (BPO – Business Process Outsourcing), đó chính là trường hợp của Philippines. Và hầu như tất cả các nước trong khối cũng tận dụng lợi thế du lịch. Cuối cùng, cần phải kể đến những nước may mắn nhất có thể khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên (bất kể là nông nghiệp, quặng mỏ hay năng lượng).
Cỗ máy hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - IDE
Chiếc chìa khóa thành công thứ hai là các nước này đề ra các biện pháp khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài và do vậy ngày càng trở thành những cỗ máy thu hút các nguồn IDE. Các tập đoàn đa quốc gia Nhật Bản (đã có từ lâu), Trung Quốc (ngày càng nhiều) và Châu Âu đều nhận thấy ở ASEAN một cơ hội kép : Một nguồn nhân công giá rẻ và một thị trường nội địa rộng lớn tiềm tàng.
Luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng hơn gấp 6 lần so với đầu những năm 2000 và đạt mức 140 tỷ đô la. Do vậy, ASEAN được xem như là một vùng ưu tiên của các nhà đầu tư, thu hút 7% đầu tư trực tiếp nước ngoài trên toàn thế giới, trong khi vào năm 2000 tỷ lệ này chỉ là 2%. ASEAN có tỷ lệ đầu tư nước ngoài so với tổng sản phẩm nội địa cao nhất thế giới, 79%. Điều đó chứng tỏ tầm quan trọng của khối này trong chuỗi dây chuyền sản xuất của thế giới.
Vị thế địa chính trị
Nhân tố thứ ba cho thành công của ASEAN là vị thế địa chính trị quan trọng. Nét đặc trưng của vùng Đông Nam Á trước hết là có nhiều quốc gia nằm bên bờ một vùng biển nội địa kết nối với phần còn lại của thế giới. Vùng Biển Đông có bảy eo biển dẫn ra bên ngoài, cho phép kết nối giữa Châu Á và Châu Đại Dương, giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Do đó, sự phát triển của thương mại quốc tế đã mang lại lợi nhuận cực kỳ cao cho các nước Đông Nam Á. Đặc biệt, đối với Nhật Bản cũng như là Trung Quốc, đó là những con đường huyết mạch : 80% các nguồn cung của Trung Quốc đều phải đi qua các eo biển này. Do vậy, đương nhiên đây là những nền kinh tế mở và năm thành viên của ASEAN có tổng xuất nhập khẩu chiếm hơn 100% tổng sản phẩm nội địa, đó là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Cam Bốt. Ngay cả Indonesia, nước có ít giao thương quốc tế nhất, tổng xuất nhập khẩu cũng chiếm tới 40% tổng sản phẩm nội địa.
Đương nhiên, mỗi cái lợi đều có cái giá phải trả. Do vùng biển này có tầm quan trọng sống còn đối với quốc gia, Trung Quốc luôn tìm cách áp đặt chủ quyền lãnh thổ đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, và đó là cội nguồn của mọi nguy cơ xung đột.
Với mức tăng trưởng trung bình hằng năm là 5% từ một thập niên qua, ASEAN không những được xem như là một thành công về kinh tế mà còn là một tác nhân thiết yếu trong khu vực.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN
Nhằm bảo đảm cho sức mạnh kinh tế của khối, vào cuối năm 2015, ASEAN đã quyết định thành lập một Cộng đồng Kinh tế, nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực được đề ra trong chiến lược "Tầm nhìn ASEAN 2020". Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II khẳng định mục tiêu xây dựng một khu vực kinh tế ổn định, thịnh vượng và có khả năng cạnh tranh cao, trong đó hàng hóa, dịch vụ, đầu tư sẽ được chu chuyển tự do và vốn được lưu chuyển tự do hơn, kinh tế phát triển đồng đều, đói nghèo và chênh lệch kinh tế-xã hội được giảm bớt vào năm 2020.
Ngày 31/10/2019, Thái Lan, trong tư cách chủ tịch luân phiên của ASEAN 2019, đã chủ trì hội nghị lần thứ 18 Cộng đồng Kinh tế ASEAN nhằm rà soát lại Kế hoạch Tổng thể Xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, dự kiến sẽ được thực hiện từ đây đến năm 2025.
Minh Anh
******************
Thượng Đỉnh ASEAN khai mạc : Hồ sơ thương mại nổi cộm (RFI, 02/11/2019)
Lãnh đạo 10 nước ASEAN đã chính thức khai mạc Hội Nghị Thượng Đỉnh lần thứ 35 vào hôm nay, 02/11/2019 tại Bangkok. Một trong những chủ đề nổi cộm của hội nghị là đẩy mạnh hợp tác thương mại nhằm đối phó với tác hại từ chiến tranh thương mại giữa hai đối tác lớn của khối là Mỹ và Trung Quốc. Bên cạnh đó căng thẳng Biển Đông, đặc biệt giữa Việt Nam với Trung Quốc cũng được bàn luận.
Thượng đỉnh ASEAN tại Bangkok, ngày 02/11/2019. Reuters/Athit Perawongmetha
Theo đặc phái viên Thu Hằng tại Bangkok, với trọng tâm là "Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững", trong khuôn khổ thượng đỉnh lần thứ 35, cùng với các cuộc họp liên quan, nhiều vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận như chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, kinh doanh, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và giáo dục :
Tại phiên họp toàn thể, thủ tướng Thái Lan, nước chủ tịch luân phiên, tổng kết những ưu tiên, dự án được triển khai trong năm 2019, cũng như lộ trình đối ứng giữa Tầm nhìn ASEAN 2025 và Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về phát triển bền vững 2030.
Có sáu thỏa thuận được thông qua tại thượng đỉnh ASEAN, liên quan đến biến đổi khí hậu, bảo vệ Trẻ em dưới mọi hình thức khai thác và lạm dụng trực tuyến, bảo vệ quyền trẻ em trong bối cảnh di dân, phát triển đối tác trong lĩnh vực giáo dục…
Ngay sau phiên khai mạc thượng đỉnh ASEAN, lãnh đạo các nước Đông Nam Á đã tham dự lễ ký kết Bản ghi nhớ Hợp tác giữa ASEAN và Liên đoàn Bóng đá Quốc tế (FIFA) nhằm thúc đẩy sự phát triển của bóng đá trong khu vực. Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi và chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) Gianni Infantino đã ký bản ghi nhớ. Các nhà lãnh đạo ASEAN được chủ tịch FIFA tặng áo lưu niệm được đánh số 9 và 10 (tiền đạo) cùng với tên riêng của từng người.
Trước đó, ngoại trưởng Vương quốc Bahrein, Khalid bin Ahmed bin Mohamed Al Khalifa, và ông Peter Schoof, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Liên bang Đức ở Indonesia, đã ký những Văn kiện gia nhập Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (TAC).
Vấn đề thương mại đã được thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad nêu bật vào hôm nay tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Kinh Doanh và Đầu Tư ASEAN (ABIS), khi lãnh đạo Đông Nam Á kỳ cựu này cho rằng các nước Đông Nam Á phải gắn bó chặt chẽ với nhau để đối mặt với cuộc chiến thương mại do tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động.
Theo ông Mahathir, "Chúng ta (tức là ASEAN) không muốn tham gia vào một cuộc chiến thương mại, nhưng đôi lúc, khi họ không tốt với chúng ta, thì chúng ta phải tỏ thái độ không hài lòng".
Một dự thảo bản tuyên bố kết thúc Thượng Đỉnh ASEAN mà hãng tin Anh Reuters đọc được dự trù là các lãnh đạo Đông Nam Á sẽ bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc đối với căng thẳng thương mại đang gia tăng và tâm lý bảo hộ mậu dịch và chống toàn cầu hóa đang tồn tại".
Một trong những hồ sơ thương mại chủ yếu của Thượng Đỉnh ASEAN lần này được cho là việc đúc kết được Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), liên kết Trung Quốc với 10 nước Đông Nam Á và Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand.
Tuy nhiên, theo Reuters, tính đến tối hôm qua, chưa có dấu hiệu nào cho thấy là đàm phán giữa các bên đã đạt kết quả mong muốn.
Trọng Nghĩa & Thu Hằng