Hồng Kông : Tổ chức phản kháng theo khả năng để tồn tại
Trong bối cảnh tổng thống Emmanuel Macron thăm Trung Quốc, quan hệ Paris-Bắc Kinh, khủng hoảng Hồng Kông và các hồ sơ Châu Á chiếm những trang quan trọng trên báo Pháp hôm nay.
Cảnh xuống đường ở Hồng Kông, tối 05/11/2019. Reuters/Tyrone Siu
Sau gần năm tháng xuống đường kể cả gây bạo động, phong trào dân chủ Hồng Kông vẫn được công luận ủng hộ nhiệt tình. Đối phó với sức mạnh của Bắc Kinh, thế hệ trẻ cực đoan có một phương châm hành động trường kỳ, theo tường thuật của Le Monde.
Giới trẻ Hồng Kông tranh đấu như thế nào ? Le Monde cũng như truyền thông quốc tế đã nhiều lần đề cập đến chiến thuật "thị thủy" của Lý Tiểu Long. Lần này của đặc phái viên Brice Pedriletti tìm hiểu do đâu mà phong trào tranh đấu ngày càng cực đoan, thậm chí bạo động, mà vẫn được đa số công luận ủng hộ ? 70% lên án bạo lực cảnh sát, 40% cho là phe biểu tình quá bạo lực.
Trước hết, khi đi biểu tình, giới trẻ Hồng Kông phân công rõ ràng nhiệm vụ của từng nhóm, điều động nhau qua máy bộ đàm talkie-walkie hay điện thoại di động. Rút tỉa bài học Dù Vàng 2014, những người can đảm trang bị áo giáp lên tuyến đầu xung đột với cảnh sát, chụp lựu đạn cay ném lại. Nhóm hậu cần hướng dẫn di tản đồng đội bị ngạt thở và dựng rào cản đường cảnh sát. Rồi nhóm "ảo thuật gia phun lửa" cản hậu bằng bom xăng để đồng đội thoát hiểm.
Họ nhìn nhận có vi phạm pháp luật nhưng biện giải là không có cách nào khác để đương đầu với một chính quyền nhận lệnh của Bắc Kinh và để cho côn đồ xã hội đen tấn công người biểu tình. Cảnh sát Hồng Kông cũng thô bạo ở mức độ không cần thiết như là đánh đập người bị câu lưu. Một chi tiết nữa là cảnh sát Hồng Kông chống biểu tình không đeo tên và mã số.
Bất chấp hơi cay, bất chấp lệnh cấm biểu tình đeo mặt nạ và cấm biểu tình không xin phép, dân Hồng Kông khai thác mọi cơ hội để biểu dương tinh thần "kháng chiến" : đó là ý nghĩa các biểu ngữ hôm lễ Hallowen 31/10.
Một nhóm nữa, chia nhau ra nước ngoài vận động công luận và các chính quyền quốc tế.
Cùng lúc đó, nhóm nghị viên lập pháp thân dân chủ "không đi biểu tình, không ném bom xăng", nhưng công khai ủng hộ yêu sách 5 điểm của phong trào xuống đường. Nhượng bộ thứ nhất của chính quyền, về luật dẫn độ, đến quá trể. Từ nay, chế độ thấy rõ là cả một thế hệ đã đứng lên, theo nhận định của một nghị viên của đảng Công Dân.
Hai đối tượng bị tấn công hiện nay là cảnh sát và các công ty hay cửa hiệu của người Hoa Lục hay của nhà nước Trung Quốc.
Cũng theo Le Monde, để phong trào không bị chia rẽ, công tác "điều chỉnh" chiến thuật được tổ chức ngay sau mỗi ngày hành động qua diễn đàn LIHKG. Kết quả là những người ôn hòa ở phía sau thông hiểu cho những người trên tuyến đầu, những người trên tuyến đầu thì tránh lập lại những hành động thái quá như sau vụ chiếm đóng phi trường. Nhờ vào phương châm này, phong trào vẫn mạnh và được thông cảm cho dù cực đoan hóa.
Trong số 3.000 người bị bắt, đa số đóng tiền thế chân trong khi chờ ra tòa, thì ít nhất một phần ba là học sinh dưới 18 tuổi. Xu hướng tranh đấu cực đoan của họ thường xuất phát từ gia đình. Le Monde đương cử trường hợp một học sinh tên Alex. Alex than phiền tâm lý mâu thuẫn của cha mẹ. Họ bỏ Hoa Lục sang Hồng Kông để tìm cuộc sống tốt đẹp nhưng lại tiếp tục tin vào đảng cộng sản và ngưng cho con tiền ăn sáng khi biết thằng con xuống đường vì dân chủ.
Macron đến Trung Quốc với thông điệp "muốn có qua phải có lại"
Mục tiêu là khuyến khích Châu Âu đoàn kết trước trước một đối tác chỉ biết dùng luật của kẻ mạnh. Nhận định chung của Le Figaro và Le Monde.
Theo nhật báo thiên hữu, tổng thống Pháp có bốn cuộc đàm đạo riêng với lãnh đạo Trung Quốc trong ba ngày thăm viếng. Cả hai đều không thích "ngoại giao loa phóng thanh" cho nên đối thoại riêng là cơ hội để trình bày các vấn đề bất đồng, nhất là hồ sơ Hồng Kông.
Còn theo Le Monde, thông điệp của tổng thống Pháp rất rõ ràng : lập trường của nước Pháp là lập trường của Châu Âu. Trung Quốc bị xem là "đối thủ toàn diện" là lập trường chung của Bruxelles. Bắc Kinh, chỉ biết có sức mạnh, nay đã hiểu. Cho dù không nên xem trọng quá đáng quyết định bổ nhiệm một quan chức đặc trách quan hệ với Châu Âu kể từ 01/11 trong bộ ngoại giao Trung Quốc, nhưng rõ ràng là Bắc Kinh bắt đầu không còn xem nhẹ Châu Âu.
Les Echos chờ đợi thị trường Trung Quốc mở rộng cửa nhập khẩu thêm nông sản Pháp. Tuy nhiên nhật báo kinh tế cảnh báo : Trung Quốc là một khách hàng chiến lược nhưng nhiều rủi ro.
Giới xuất khẩu rượu vang và rượu mạnh của Pháp biết rõ hơn ai hết là buôn bán với Trung Quốc không phải là một dòng sông bình yên. Họ phải thường xuyên ngậm đắng nuốt cay vì những thay đổi bất ngờ của phía đối tác.
Doanh nghiệp bán thịt heo tạm thời may mắn hơn vì Trung Quốc, do bị dịch lợn, nên cần nhập khẩu từ Châu Âu.
Bức tường sụp đổ đúng quy trình. Gorbachev làm gì trong đêm lịch sử ?
Sắp đến kỷ niệm 30 năm bức tường Bá Linh sụp đổ. Đây là dịp để Libération trở lại sự kiện lịch sử cho phép kết thúc chiến tranh lạnh với một số giai thoại và bình luận.
Trong đêm 9 rạng sáng ngày 10 năm 1989, chủ tịch Liên Xô kiêm tổng bí thư đảng cộng sản đang làm gì ? Sau này khi được hỏi, Mikhail Gorbachev cho biết lúc đó ông đang ngủ và không hay biết gì về lịch sử đang sang trang, theo tường thuật của nhật báo thiên tả.
Thật ra, cha đẻ chủ thuyết Perestroika và Glasnost, đã dự đoán bức tường ngăn chia Bá Linh sẽ sụp đổ "đúng theo quy trình" nhưng cả Tây phương và Moskva đều để yên cho nó sụp. Có điều, sự kiện ngày 09/11/1989 xảy ra trước dự báo của Mikhail Gorbachev đến 30 năm. Trong một cuộc phỏng vấn của một đài phát thanh Nga, ông dự kiến "nước Đức sẽ thống nhất vào năm 2009" sau khi chứng kiến tận mắt, vào tháng 6/1989, hàng chục ngàn dân Đông Đức biểu tình với khí thế "Đông-Tây cùng một dân tộc".
Quan tài đông lạnh
Liên quan đến Việt Nam, La Croix dành một bài dài cho vụ 39 nạn nhân chết thảm trong xe tải đông lạnh trên đường vượt biên sang Anh, tìm miền đất hứa.
Nhật báo công giáo nhìn thấy đằng sau tệ nạn đường dây buôn người khai thác sự cùng khổ của người dân Việt là nỗi bất hạnh và sự hy sinh của các gia đình. Hầu hết nạn nhân là người Nghệ An, Hà Tĩnh. Theo một nhân chứng họ Nguyễn, xin giấu tên, ngoài nỗi đau mất con, còn thêm gánh nợ 50.000 đôla phải trả cho đường dây di dân lậu. "Chuyện này đã được truyền thông thế giới loan tải. Với một chính quyền tham nhũng, không làm gì cho dân, nhưng vì sợ mất mặt, cho nên rất có thể gia đình mỗi nạn nhân sẽ được một ít tiền, thế thôi".
Le Figaro có vẻ thích thú với đoàn xiệc Làng Tôi, một lần nữa trở lại Pháp với những màn trình diễn mới. Tuy ít thơ mộng nhưng rất hài hước cùng với nhịp điệu, ánh sáng toàn hảo.
Xứ Chùa Tháp : Lãnh đạo đối lập kêu gọi tổng nổi dậy
Lưu vong tại Pháp, lãnh đạo đối lập Sam Rainsy tuyên bố trở lại Cam Bốt vào ngày 09/11. Tin này đã gây cơn sốt tại Phnom Penh trong mấy tuần qua. Chính quyền Hun Sen cho cảnh sát tập huấn chống biểu tình, cấm trại binh sĩ, đưa thêm quân lên biên giới Thái, yêu cầu các nước láng giềng trục xuất những nhà đối lập lưu vong tìm cách hồi hương. Một nguồn tin thân cận với chính phủ nhìn nhận là chế độ lo sợ xảy ra biểu tình bạo động.
Thật ra, theo Le Monde, Sam Rainsy rất khó thực hiện ý định về nước như vào năm 2013, khi đó ông được đón tiếp như một cứu tinh. Hun Sen không để diễn ra kịch bản này. Nhà bình luận thân chế độ Soy Sopheap cho rằng "Sam Rainsy" thấu cáy. Dân Cam Bốt tín nhiệm thủ tướng Hun Sen, mang lại thành quả kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Đặc phái viên Le Monde cũng đồng ý nhưng khi hỏi vì sao "ông Hun Sen bị tố cáo bán nước cho Trung Quốc" thì nhà báo thân chính quyền biện giải là do nhu cầu "địa chính trị": Cam Bốt cần Trung Quốc để đối đầu với Châu Âu và Mỹ.
Tú Anh