Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

23/12/2020

Ấn Độ : căng thẳng biên giới với Trung Quốc – bênh vực ASEAN

RFI tổng hợp

Hàng chục ngàn quân Ấn Độ và Trung Quốc căng thẳng theo dõi nhau trên dãy Himalaya

Mai Vân, RFI, 23/12/2020

Sau hơn 40 ngày không có bất kỳ cuộc đối thoại nào, các nhà ngoại giao Trung Quốc và Ấn Độ đã gặp nhau ngày 18/12/2020 nhằm tìm kiếm giải pháp cho tình hình ở vùng biên giới trên bộ trên dãy Himalaya. Căng thẳng đã bùng lên cách nay tám tháng, với hàng chục ngàn binh sĩ của cả hai bên liên tục giám sát, theo dõi nhau, thường chỉ cách vài mét.

ando1

Lính biên phòng Ấn Độ tại một chốt trên đường đến Ladakh. Ảnh 17/06/2020.  Reuters - Danish Ismail

Cũng như nhiều lần trước, trong cuộc gặp gần đây nhất, hai bên vẫn chỉ tiếp tục cam kết duy trì "tham vấn chặt chẽ", những biện pháp xuống thang cụ thể hoàn toàn chưa có. Vấn đề là mùa đông đang đến và như nhiều nhà quan sát ghi nhận, đó sẽ là thử thách cực lớn cho cả hai phía.

Như thông lệ trong các sự cố biên giới gần đây có liên quan đến Trung Quốc, Bắc Kinh là bên gây sự trước, và hiện trạng căng thẳng ở vùng ranh giới trên bộ Ấn-Trung bắt đầu vào tháng 4 năm 2020, khi quân đội Ấn Độ ghi nhận nhiều động thái chuyển quân bất thường của Trung Quốc trên bờ bắc của Hồ Pangong, vùng Ladakh trên Himalaya, với việc thiết lập một số trại mới. Trên lý thuyết đây là vùng đệm và cả hai bên đều bị cấm thâm nhập.

Và như thông lệ, khi bị phản đối, Bắc Kinh biện minh là họ chỉ chiếm những vị trí mới nhằm đáp trả các dự án cơ sở hạ tầng mà New Delhi đã xây dựng trong vài năm qua trong vùng, đặc biệt là một con đường, một cây cầu và một sân bay.

Một đường biên giới không hề tồn tại chính thức

Sau cuộc chiến năm 1962 với hệ quả là Trung Quốc sáp nhập gần một nửa tỉnh Ladakh của Ấn Độ, với mục đích thiết lập một hành lang nối liền Tây Tạng với Tân Cương, hai bên đã đồng ý duy trì hiện trạng dọc theo một đường ranh dài 872 km, ở độ cao hơn 4000 mét, gọi là Đường Kiểm Soát Thực Tế (LAC).

Vấn đề, như nhật báo Ấn Độ The Hindu đã nhắc lại vào mùa hè vừa qua, là đường ranh này "chưa bao giờ là chủ đề của một thỏa thuận", chưa bao giờ được vẽ rõ ràng trên bản đồ cũng như trên thực địa."

Căng thẳng đã gia tăng hẳn lên vào ngày 05/05, với một cuộc đụng độ đầu tiên trên bờ Hồ Pangong với việc binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc dùng đá tấn công lẫn nhau.

Hơn một tháng sau, vào ngày 15 tháng 6, tại thung lũng sông Galwan xa hơn một chút về phía bắc, một cuộc giáp lá cà dữ dội không dùng súng đạn đã nổ ra, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và một số thương vong không nhỏ phía Trung Quốc mà Bắc Kinh giữ kín. Theo giới quan sát, lần đầu tiên sau 45 năm máu đã đổ trong khu vực.

Kể từ đó, hai bên đã tăng cường lực lượng đến khu vực, mà số lượng được ước tính lên đến khoảng 50.000 quân ở mỗi bên. Dọc theo Đường Kiểm Soát Thực Tế, quân đội hai nước không ngừng thị uy, với các chiến đấu cơ Rafales phía Ấn Độ và J-11 phía Trung Quốc.

100.000 quân trên độ cao hơn 4000 mét

Theo tờ báo Ấn Độ The Indian Express, được tạp chí Pháp Courrier International số cuối năm 2020 trích dẫn, trong lịch sử quân sự, chưa bao giờ có một cuộc huy động lực lượng có quy mô như vậy đến một vùng núi cao chót vót với những điều kiện khắc nghiệt.

Trên đỉnh cao của dãy Himalaya, nơi căng thẳng đã tăng cao từ sáu tháng nay, quân đội Ấn Độ đang chuẩn bị cho thời tiết lạnh giá. Năm mươi nghìn binh sĩ được triển khai trong điều kiện sống khắc nghiệt. Trung Quốc cũng bố trí một số quân tương đương phía bên kia đường ranh giới.

Lực lượng Ấn Độ và Trung Quốc triển khai dọc theo Đường Kiểm Soát Thực Tế đang căng thẳng theo dõi nhau tại vùng cao nguyên Ladakh, đôi khi chỉ cách nhau vài trăm mét, nhưng cả hai đều phải đối mặt với cùng một kẻ thù đáng gờm : Đó là mùa đông buốt giá.

Mọi người đều nghĩ đến mùa đông Nga đã từng đánh bại cả Napoléon và Hitler trước đây, nhưng tình hình khu vực Đông Ladakh khắc nghiệt hơn Nga gấp bội, vì đây là nơi có những đỉnh núi cao hơn 5.500 mét. Việc dàn hơn 100.000 binh sĩ trên một chiều dài hơn 872 km quả là một điều chưa từng thấy, đặt ra vô số vấn đề.

Chương "Chiến đấu ở Ladakh" trong bộ "Lịch sử chính thức của Ấn Độ về cuộc xung đột với Trung Quốc năm 1962", xuất bản gần 30 năm sau sự kiện này đã ghi nhận : "Ở Ladakh, vấn đề đầu tiên mà một người lính phải đối mặt trước hết là làm sao sống sót, còn chiến đấu chống lại kẻ thù đến sau ... Đặc thù địa lý có ảnh hưởng chính đến chiến đấu và thành bại".

Vào thời điểm hiện nay, ở các vị trí tiền phương, nhiệt độ không quá 3° C, và có thể giảm xuống –10 / –15° C, thậm chí –30 / –40° C, và có tuyết rơi vào tháng 12 và tháng Giêng. Thêm vào đó là gió lạnh buốt. Những điều kiện khí hậu này "có thể gây ra các vết thương do lạnh tương tự như bị bỏng… Rất nguy hiểm khi chạm vào kim loại bằng tay không."

Bên cạnh đó, binh sĩ cả hai bên có nguy cơ bị những loại bệnh như say núi cấp tính, phù phổi do độ cao, những bệnh về tĩnh mạch hay não dạng nặng, rối loạn tâm lý. Khi nhiệt độ xuống quá thấp, sẽ có thể bị tê cóng, chưa kể đến da bị tróc do môi trường quá khô.

Thương vong hàng ngày do "thời tiết lạnh giá"

Các nguồn tin quân sự Ấn Độ cho biết ngay cả vào lúc này, khi những tháng khắc nghiệt nhất sắp đến, điều kiện "thời tiết lạnh giá" đang gây ra thương vong hàng ngày - nhiều binh sĩ đã được gửi trở lại tiền tuyến ngay sau khi bình phục. Các cuộc sơ tán cũng được phía Trung Quốc tiết lộ.

Theo Tướng A.P. Singh (đã nghỉ hưu), giám đốc hậu cần của Quân Đoàn 14, từng được phái đến khu vực giới tuyến từ năm 2011 đến năm 2013, mười năm trước đây, tỷ lệ tiêu hao binh lính là khoảng 20%, hầu hết là tổn thất y tế không gây chết người, "do trời tuyết hay tình trạng thiếu oxy".

Theo tướng PJS Pannu (đã nghỉ hưu), từng chỉ huy Quân Đoàn 14 từ năm 2016 đến năm 2017, không phải chỉ có người là chịu khổ. Xe thiết giáp, trọng pháo và các thiết bị khác cũng phải được bảo vệ khỏi giá lạnh : "Chúng tôi phải tăng cường trang thiết bị và thích ứng với mùa đông vì rất khó sửa chữa trong điều kiện nhiệt độ âm…. Tất cả các thiết bị có đường ống dẫn nước đều bị đe dọa do đóng băng…".

Theo tờ báo Ấn Độ, hiện nay, không ai có thể nói liệu việc triển khai dọc đường ranh giới LAC trong mùa đông này có kéo dài hay không, nhưng tình hình căng thẳng với Trung Quốc khiến một số người cho rằng khả năng phải bám trụ đang rỗ dần.

Nói cách khác, đối với vùng biên giới với Trung Quốc LAC có thể biến thành một mặt trận cần được thường trực bảo vệ giống như ở phía Đường Ranh Giới LoC với Pakistan.

Mai Vân

*********************

Ấn Độ yêu cầu COC không gây tổn hại quyền lợi các nước ngoài Biển Đông

Trọng Thành, RFI, 22/12/2020

Áp lực của Bắc Kinh với khối ASEAN trong đàm phán về Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông là mối quan ngại hàng đầu của New Delhi. Hôm 21/12/2020, trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến với đồng nhiệm Việt Nam, thủ tướng Ấn Độ đã kêu gọi đàm phán COC phải hướng đến bảo đảm công bằng lợi ích của tất cả các bên.

ando2

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (giữa màn hình trái) và thủ tương Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (màn hình phải) tại Thượng đỉnh trực tuyến ASEAN hôm 12/11/2020, từ Hà Nội.  AFP – Nhac Nguyen

Báo chí Ấn Độ dẫn lời của thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ, bà Riva Ganguly Das, cho biết : "Thủ tướng (Ấn Độ) nhấn mạnh là Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông không được gây tổn hại đến quyền lợi của các quốc gia khác trong khu vực". Theo quan chức ngoại giao Ấn Độ, lãnh đạo Ấn Độ và Việt Nam khẳng định một khu vực hòa bình, ổn định, an ninh, tự do, rộng mở và không loại trừ ai, dựa trên luật pháp là có lợi cho tất cả.

Lãnh đạo Ấn – Việt cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của luật pháp quốc tế trên biển, đặc biệt là Công Ước Quốc Tế về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS). Lập trường của hai bên được công bố trong "Tuyên bố tầm nhìn chung Việt Nam - Ấn Độ về Hòa bình, Thịnh vượng và Người dân", ra mắt sau thượng đỉnh, văn kiện được coi là có ý nghĩa định hướng cho quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước trong những năm tới.

Tuyên bố Việt - Ấn nhấn mạnh đến việc "không quân sự hóa" Biển Đông, cũng như tầm quan trọng của việc "kiềm chế" tránh để căng thẳng leo thang, khiến tình hình thêm phức tạp. Riêng về Bộ Quy Tắc COC, quan điểm của lãnh đạo Ấn Độ và Việt Nam là thống nhất. Hai bên cùng kêu gọi đàm phán COC cần hướng đến một bộ tắc "có thực chất và hiệu quả", cụ thể là COC phải phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công Ước UNCLOS, không xâm hại đến quyền lợi của các quốc gia không tham gia đàm phán.

Theo nhiều nhà quan sát, trong những năm vừa qua, trong quá trình đàm phán về Bộ Quy Tắc COC, Bắc Kinh liên tục gây áp lực, để giới hạn sự tham gia của các nước bên ngoài vào Biển Đông, đặc biệt trong các hoạt động diễn tập, thao dượt quân sự với các quốc gia ASEAN tại vùng biển này.

Vẫn liên quan đến Biển Đông, theo thông báo của Hạm Đội 7, Hoa Kỳ, hôm nay, 22/12 tàu sân bay USS John S. McCain tiến hành cuộc tuần tra "bảo vệ tự do hàng hải’’ ở khu vực quần đảo Trường Sa. Đây là một trong những nơi có tranh chấp chủ quyền giữa nhiều quốc gia ven Biển Đông. Hoa Kỳ thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận bảo vệ tự do hàng hải và trên không ở Biển Đông để phản đối yêu sách chủ quyền đơn phương của Bắc Kinh đối với gần như toàn bộ vùng biển này.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai Vân, Trọng Thành
Read 524 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)