Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

30/12/2020

Điểm báo Pháp –Trung Quốc khống chế giới doanh nhân quyền lực

RFI tiếng Việt

Các doanh nhân quyền lực và Đảng cộng sản Trung Quốc : Khi gió xoay chiều

Quan tâm đến Châu Á, Le Monde dành cả trang Kinh tế - Doanh nghiệp để giới thiệu hai bài viết về việc Đảng cộng sản Trung Quốc đang siết lại "gọng kìm" đối với các doanh nghiệp tư nhân, cũng như những doanh nhân liều lĩnh chỉ trích chính quyền.

doanhnhan0

Những doanh nhân quyền lực : (từ trái sang phải) Liu Chuanzhi (ông chủ của Lenovo), Guo Guangchang (ông chủ của Fosun) và Jack Ma (ông chủ của Alibaba)

Hai năm trước, khi các nhà lãnh đạo nước ngoài công du chính thức Trung Quốc, họ thường dừng chân ở Hàng Châu, nơi đặt trụ sở chính của tập đoàn Alibaba để gặp ông chủ công ty, Jack Ma (Mã Vân) hiện thân lớn nhất cho sự thành công của một Trung Quốc mở cửa với thế giới và với công nghệ mũi nhọn.

Là người sáng lập Alibaba, Jack Ma không chỉ làm chuyển đổi nền thương mại, đưa bán hàng trực tuyến thành phương thức thương mại phổ thông, mà ông còn tạo ra một cuộc cách mạng tài chính. Nhờ Alipay của Alibaba và WeChat Pay do Tencent, đối thủ của Alibaba, tung ra, Trung Quốc đã từ đồng tiền giấy in hình Mao Trạch Đông tiến thẳng lên phương thức thanh toán trực tuyến, bỏ qua phương thức thanh toán bằng séc hoặc thẻ ngân hàng.

Thế nhưng, trong 2 tháng qua, các cuộc điều tra nhắm vào tập đoàn Alibaba, do Jack Ma sáng lập, đã diễn ra liên tục. Le Monde lấy làm tiếc là lẽ ra Jack Ma đã phải cảnh giác sớm hơn. Trong vài tháng, những lời chỉ trích trên mạng nhắm vào ông đã tăng lên gấp bội. Jack Ma bị chỉ trích là tham lam, kiêu ngạo, bóc lột nhân viên. Đối với Le Monde, vấn đề không phải là có quá nhiều chỉ trích nhắm vào người sáng lập Alibaba mà điều đáng lưu ý là cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc đã làm ngơ, để mặc những lời chỉ trích đó lan truyền nhanh chóng trên các mạng xã hội.

Trong hai tháng, Alibaba như rơi vào lốc xoáy

Đầu tháng 11, nhà chức trách đã cấm công ty tài chính Ant Group của Alibaba niêm yết trên sàn chứng khoán. Theo Wall Street Journal, quyết định này do đích thân chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra. Le Monde điểm lại hàng loạt vụ việc sau đó. Mới đây, ngay trước Giáng Sinh, vào ngày 24/12, cơ quan quản lý cạnh tranh đã thông báo mở một cuộc điều tra nhắm vào Alibaba với cáo buộc lạm dụng độc quyền.

Đến ngày 27/12, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc yêu cầu tái cơ cấu mạnh mẽ Ant Group và doanh nghiệp cũng sẽ phải tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi - thanh toán. Tập đoàn cũng sẽ phải thành lập một công ty cổ phần tài chính có đủ vốn, bảo vệ dữ liệu cá nhân khách hàng… Các giám đốc điều hành của Alibaba không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tuyên bố họ sẽ tiến hành "cải tổ" hoạt động kinh doanh và công bố kế hoạch sớm nhất có thể. Theo hãng tin Mỹ Bloomberg, nhà chức trách Trung Quốc còn "khuyên" Jack Ma không nên rời Trung Quốc.

Jack Ma nghỉ hưu vào tháng 9/2019, nhưng vẫn là cổ đông chính của Alibaba và là biểu tượng của một ngành công nghiệp đã trở nên quá mạnh đối với Bắc Kinh, cũng như các tập đoàn Google và Amazon đã trở nên quá mạnh đối với nhiều nhà lãnh đạo Mỹ và Châu Âu.

Đối với thông tín viên Le Monde, Frédéric Lemaitre, tại Bắc Kinh, thông điệp của chính quyền Trung Quốc là Đảng cộng sản vẫn nắm quyền kiểm soát nền kinh tế và đưa ra quyết định dựa trên những điều họ cho là có lợi nhất cho Trung Quốc chứ không phải do áp lực từ Washington. Lần này, nhờ nền kinh tế và triển vọng tăng trưởng đủ tốt, ít nhất là tăng 8% vào năm 2021, Bắc Kinh có thể chấp nhận rủi ro làm suy yếu các tập đoàn vốn được coi là tinh hoa của Trung Quốc.

Đến lượt giới doanh nhân hứng cơn thịnh nộ của Đảng cộng sản Trung Quốc

Vụ Alibaba bị chế độ Bắc Kinh nhắm tới cũng là một trong số nhiều ví dụ cho thấy Trung Quốc đang tìm cách vô hiệu hóa các doanh nhân quyền lực. Sau các nhà bất đồng chính kiến, đến lượt các doanh nhân quyền lực lọt vào tầm ngắm của Đảng cộng sản Trung Quốc : Trong những tháng gần đây, nhiều doanh nhân không ngần ngại chỉ trích chính quyền đã phải hứng cơn thịnh nộ của Bắc Kinh, bị bắt và bị kết án nặng. Bắc Kinh đang quyết tâm đưa khu vực tư nhân vào tầm kiểm soát.

Thông tín viên Le Monde tại Thượng Hải, Simon Leplâtre, nêu ra hàng loạt trường hợp khác : Lý Hoài Thanh, một doanh nhân giàu có với nhiều hoạt động từ thiện, người đã lập quỹ giúp đỡ những người mắc bệnh bụi phổi, vì cáo buộc một thứ trưởng Công an tham nhũng mà cơ sở kinh doanh của ông bị điều tra. Ông bị bắt vào năm 2018 với tội danh lừa đảo, tống tiền và kích động lật đổ Nhà nước và bị kết án 20 năm tù.

Vào tháng 08, doanh nhân Sun Dawu, 72 tuổi, người sáng lập Dawu Group, một trong những tập đoàn cung cấp thịt gà và thịt heo quy mô lớn nhất ở Trung Quốc, chỉ trích trên mạng xã hội Weibo về sự can thiệp của cảnh sát trong một vụ tranh chấp về sử dụng đất nông nghiệp. Đây không phải là lần đầu tiên ông than phiền trước công chúng. Đến ngày 11/11, ông bị bắt cùng với 27 người khác là người thân trong gia đình và cũng là các giám đốc điều hành của công ty. Theo thông cáo của cơ quan an ninh địa phương, họ bị cáo buộc tội "gây rối trật tự công cộng" và "phá hoại các hoạt động". Vì các lãnh đạo chủ chốt của công ty bị bắt, chính quyền địa phương nắm quyền kiểm soát một số hoạt động của Dawu Group.

Còn Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), trùm bất động sản 69 tuổi, bị kết án 18 năm tù. Án phạt nhắm vào con trai của một nhà lãnh đạo cộng sản đã phát đi một tín hiệu rõ ràng : không quan hệ, không địa vị, cũng không có khối tài sản nào có thể bảo vệ bất cứ ai dám vượt qua lằn ranh đỏ và công khai tấn công giới lãnh đạo Trung Quốc hoặc chế độ cộng sản.

Le Monde nhấn mạnh những vụ việc như trên diễn ra khi Đảng cộng sản Trung Quốc bắt tay vào một chiến dịch lớn nhằm tăng cường quyền kiểm soát đối với khu vực tư nhân, theo chỉ thị của Ban chấp hành trung ương Đảng hồi tháng 09. Ông Kellee Tsai, giáo sư khoa học xã hội tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, chuyên về doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc, cho biết đó là tài liệu đầu tiên kêu rõ ràng giới doanh nhân tư nhân tăng cường lòng trung thành và tôn kính đảng, đồng thời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giáo dục tư tưởng và chính trị cho giới chủ tư nhân.

Vac-xin ngừa Covid-19 : Vết rạn nứt giàu-nghèo

Một chủ đề thu hút được sự chú ý chung của nhiều báo Pháp, từ Libération đến Les Echos, La Croix… là vac-xin ngừa Covid-19.

Báo thiên tả Libération nói đến "vết rạn nứt vac-xin" giữa nước giàu và nước nghèo. Trong khi chính quyền các nước phát triển đã "vơ vét" phần lớn vac-xin để tiêm chủng cho dân, hơn một nửa dân số trên toàn thế giới sẽ còn phải chờ đợi rất lâu. Hồi đầu tháng 11, khi thế giới hân hoan trước các thông báo đầu tiên về việc vac-xin sắp được lưu hành trên thị trường, tổ chức phi chính phủ Oxfam đã dội một gáo nước lạnh vào công chúng khi nhấn mạnh vac-xin sẽ hiệu quả ở mức 0% đối với những người không được tiêm.

Sau đó, nhiều tổ chức đã họp bàn để phát động chiến dịch tố cáo việc các nước giàu "vơ vét" phần lớn vac-xin ngay cả khi chúng còn chưa được sản xuất. Chẳng hạn Canada đã đặt mua số vac-xin đủ để mỗi người dân được tiêm đến 5 mũi… Các nước giàu chỉ chiếm 14% dân số thế giới nhưng tính đến hồi đầu tháng 12 đã đặt mua đến 53% lượng vac-xin có nhiều triển vọng nhất. 67 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình có nguy cơ "bị bỏ rơi".

Một thế giới hai tốc độ

Báo công giáo La Croix thì đặt câu hỏi liệu các nước phía nam bán cầu có phải đợi đến năm 2022 mới có vac-xin hay không. Đại dịch lần này lại làm dấy lên câu hỏi về việc bảo vệ bằng sáng chế trong tình trạng khẩn cấp về y tế. 

La Croix nói đến "một thế giới với hai tốc độ". Theo một nghiên cứu của trường Y tế công Bloomberg thuộc Đại học Johns-Hopkins của Mỹ, 1/5 dân số thế giới có thể sẽ không được tiêm chủng trước năm 2022, thậm chí nhiều nghiên cứu còn nói đến mốc thời gian 2024. Hơn 4 tỉ liều vacxin, đủ tiêm cho hơn 2 tỉ người đã được các nước giàu có đặt mua. Lượng vac-xin còn lại được chia sẻ cho các nước khác, chiếm hơn 4/5 dân số toàn cầu, trong đó có các nước Mỹ La-tinh vốn chiếm 5/13 quốc gia bị dịch tàn phá nặng nề nhất thế giới.

Pháp : Chậm mà chắc ?

Liên quan tới nước Pháp, báo Le Figaro nhận định chiến lược tiêm chủng khởi động rất chậm, với "những bước đi rất ngắn". Chẳng hạn, đến ngày 29/12, trong khi nước láng giềng Đức đã tiêm được cho gần 42.000 người thì tại Pháp mới chỉ có 70 người được tiêm mũi đầu tiên. Nước Anh bắt đầu chiến dịch từ giữa tháng 12 đã tiêm được cho 800.000 người, còn tại Mỹ, con số này là 2,13 triệu.

Tuy nhiên, một điều phối viên chương trình tiêm chủng Covid của Pháp giải thích với Le Figaro là việc không triển khai chiến dịch tiêm chủng quá nhanh lại giúp bảo đảm cho công tác tiêm phòng được thực hiện trong những điều kiện tốt hơn, cả về mức độ an toàn và đạo đức. Pháp là nước duy nhất trên thế giới quy định phải tham khảo ý kiến và có sự đồng ý của từng người trước khi tiêm ngừa, đồng thời tham khảo ý kiến của gia đình họ. 

Cuba : Hiệu ứng phụ của cải cách kinh tế

Nhìn sang Nam Mỹ, báo kinh tế Les Echos quan tâm đến các cuộc cải cách kinh tế của Cuba, dự kiến chính thức bắt đầu vào ngày 01/01/2021, được cho là diễn ra không thuận lợi.

Công cuộc chuẩn bị cải cách đã được tiến hành từ vài năm nay. Cuba đang trong hoàn cảnh khó khăn vì ngành du lịch gần như đình trệ, biện pháp cấm vận kinh tế thời tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng nghiêm trọng. Một trong những điểm mấu chốt của công cuộc cải cách mà chủ tịch Miguel Diaz-Canel mong muốn là sự hợp nhất của hai loại tiền tệ - đồng peso và đồng peso chuyển đổi - hệ thống "có một không hai" trên thế giới. Theo Les Echos, sự hợp nhất hai loại tiền tệ này thực chất là sự phá giá và sẽ dẫn đến lạm phát nhập khẩu trong ngắn hạn, nhưng đồng thời sẽ kích thích hoạt động xuất khẩu của Cuba.

Thế nhưng, công cuộc cải cách không phải là không có hiệu ứng phụ. Đối với các doanh nghiệp Nhà nước, chiếm 85% nền kinh tế, quá trình chuyển đổi được dự báo sẽ gây nhiều khó khăn : Chi phí sản xuất sẽ tăng đáng kể, kéo theo giá thành sản phẩm tăng mạnh. Đối với người dân, những thay đổi này cũng sẽ khó khăn không kém vì ngoài việc hợp nhất hai loại tiền tệ, chính quyền đã tuyên bố tự do hóa giá cả và cắt giảm trợ cấp.

Để giảm cú sốc trong dân chúng, Nhà nước Cuba đã dự kiến tăng 525% lương tối thiểu và 450% lương hưu. Thế nhưng, tờ báo kinh tế của Pháp nhận định biện pháp nói trên "không thấm tháp gì" so với mức tăng giá được dự báo. Dưới áp lực của dân chúng, chính phủ Cuba hôm thứ qua 29/12 đã từ bỏ biện pháp tăng mạnh giá điện, nhưng cũng không chắc biện pháp đó đủ làm giảm sự bất bình trong công luận.

Pierre Cardin - sự ra đi của biểu tượng thời trang thế kỷ XX

Về văn hóa nghệ thuật, trừ Le Monde phát hành sớm từ chiều hôm qua, các báo Pháp hôm nay đều dành bài viết giới thiệu cuộc đời của nhà tạo mẫu lừng danh Pháp, Pierre Cardin. Nhà tạo mẫu 98 tuổi từ giã cõi đời vào ngày hôm qua 29/12/2020 ở ngoại ô Paris. Báo chí Pháp ngợi ca ông là người có tầm nhìn xa trông rộng về thời trang, nhà thiết kế mẫu mốt của tương lai, người đã xây dựng thành công một đế chế trên toàn thế giới với hơn 700 sáng chế, không chỉ về trang phục mà cả về nước hoa, bát đĩa, đồ nội thất, cigare… Ông là nhà thiết kế cuối cùng của lứa các nhà tạo mẫu nổi danh tại Pháp ngay sau Đệ Nhị Thế Chiến.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương
Read 567 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)