Tàu chiến Mỹ qua eo biển Đài Loan, Bắc Kinh lên án Washington "khiêu khích"
Trọng Thành, RFI, 31/12/2020
Đúng vào ngày cuối năm 2020, hôm 31/12/2020, hai tàu chiến Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan. Bộ Quốc Phòng Trung Quốc ngay lập tức lên án hành động "khiêu khích".
Theo Reuters, đây là lần thứ hai tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan trong tháng 12/2020 và là lần thứ 13 tàu chiến Mỹ đi qua vùng biển nhạy cảm này trong năm 2020. Hải quân Hoa Kỳ khẳng định đây là một cuộc di chuyển bình thường của chiến hạm Mỹ, hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế, đồng thời nhấn mạnh là hoạt động này nhằm khẳng định cam kết của Hoa Kỳ bảo vệ một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương "tự do và rộng mở".
Nhưng bộ Quốc Phòng Trung Quốc đã lên án hành động "khiêu khích", và cho biết đã cử nhiều chiến hạm và một phi cơ theo sát các tàu chiến Mỹ. Thông báo của bộ Quốc Phòng Trung Quốc khẳng định hành động này của phía Mỹ là một đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định của khu vực, và gửi một tín hiệu xấu đến phe đòi độc lập cho Đài Loan.
Đài Loan là một nhà nước độc lập trên thực tế, nhưng Bắc Kinh coi Đài Loan là một hòn đảo phản nghịch, và sẵn sàng dùng vũ lực chiếm lại. Trong thời gian gần đây, chính quyền Trung Quốc liên tục tỏ thái độ bực bội trước việc Hoa Kỳ siết chặt quan hệ với Đài Bắc, đặc biệt với việc bán nhiều vũ khí tối tân cho Đài Loan, cũng như tổ chức nhiều chuyến tuần tra bảo vệ tự do hàng hải như trên.
Vẫn liên quan đến quan hệ Mỹ - Trung trong lĩnh vực quân sự, nhật báo Hồng Kông South China Morning Post hôm qua, 30/12, dẫn một nguồn tin từ quân đội Trung Quốc, khẳng định các chuyến ghé thăm của tàu chiến Mỹ tại đặc khu Hồng Kông là một cái cớ để Hoa Kỳ theo dõi các hoạt động của hải quân Trung Quốc.
Trọng Thành
******************
Trung Quốc lên kế hoạch tập trận rầm rộ ngoài khơi bờ biển phía nam
Mai Vân, RFI tiếng Việt, 30/12/2020
Theo tiết lộ của nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, kể từ hôm nay, 30/12/2020, Hải quân Trung Quốc bắt đầu tổ chức đồng thời ba cuộc tập trận kéo dài 10 ngày, ở ngoài khơi bờ biển phía nam Trung Quốc. Tàu sân bay mới của Trung Quốc là chiếc Sơn Đông và tàu tấn công đổ bộ Type 075 tham gia những cuộc tập trận này.
Trong ba thông báo riêng biệt được đưa ra vào tối hôm qua, các cơ quan an toàn hàng hải Trung Quốc cho biết là việc tiếp cận các vùng biển xung quanh tỉnh đảo Hải Nam sẽ bị hạn chế trong suốt thời gian thao diễn quân sự này.
Một nguồn tin từ Quân đội Trung Quốc đã giải thích với tờ South China Morning Post là các cuộc tập trận đã được lên kế hoạch để bù đắp chậm trễ trong chương trình tập huấn do đại dịch Covid-19.
Theo nguồn tin này, "tàu sân bay Sơn Đông và tàu đổ bộ tấn công Type 075 thứ hai của Trung Quốc sẽ tham gia các cuộc tập trận" và đây cũng là dịp để thử nghiệm các thiết bị mới. Và các cuộc tập trận được sắp xếp theo kế hoạch huấn luyện hàng năm của Quân đội do chính chủ tịch Tập Cận Bình ký vào tháng Giêng.
Tàu sân bay Sơn Đông, tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc chế tạo, đã được đưa vào lực lượng Hải quân vào năm ngoái và dự kiến sẽ đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu cơ bản, sớm nhất là vào đầu năm 2021.
Chiếc tàu này đi qua eo biển Đài Loan để xuống Biển Đông vào hôm 20/12, một ngày sau khu trục hạm Mỹ USS Mustin, cũng xuống Biển Đông để thể hiện "cam kết của Hoa Kỳ đối với một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở", theo Hạm Đội 7 Hoa Kỳ.
Còn chiếc tàu chở trực thăng đổ bộ Type 075 thứ hai của Trung Quốc đã rời xưởng đóng tàu Thượng Hải vào ngày 22 tháng 12, theo thông báo của Cục An Toàn Hàng Hải Trung Quốc.
Các cuộc tập trận diễn ra trong thời gian máy bay Mỹ tăng cường tuần tra trên Biển Đông, dùng đến loại phi cơ giám sát không người lái MQ-4C và cả loại oanh tạc cơ hiện đại B-1B. Theo trang Aircraft Spots, máy bay Mỹ đã được nhìn thấy gần Hải Nam cũng như các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngoài các hoạt động không quân, Hải quân Hoa Kỳ tuần trước đã cử một tàu khu trục USS John S. McCain đến gần quần đảo Trường Sa để "thách thức các hạn chế đối với quyền quá cảnh vô hại do Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan áp đặt". Động thái này đã bị Bắc Kinh chỉ trích gay gắt.
Mai Vân
**********************
Bắc Triều Tiên có thể lại thử tên lửa xuyên lục địa vào đầu năm 2021
Thu Hằng, RFI, 30/12/2020
Bình Nhưỡng có thể bắn thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vào những tháng đầu năm 2021 nếu các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Bắc Triều Tiên và chính quyền mới của Mỹ vẫn bị bế tắc. Đây là nhận định ngày 30/12/020 của một nhóm tư vấn và được hãng thông tấn Yonhap trích dẫn.
Trong bản dự báo các vấn đề quốc tế năm 2021, Viện nghiên cứu chính trị Asan, một tổ chức tư vấn Hàn Quốc, đánh giá tổng thống tân cử Mỹ Joe Biden sẽ theo đuổi chiến lược "ngoại giao truyền thống" trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Có nghĩa là trong nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của Mỹ, sẽ có nhiều cuộc họp ở cấp nhóm công tác, trái với "ngoại giao thượng đỉnh" được tổng thống Trump tiến hành thông qua hai cuộc họp với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un nhưng không có kết quả cụ thể.
Chính vì vậy, các cuộc đàm phán về hạt nhân với Bắc Triều Tiên có thể sẽ tiến với nhịp độ chậm hơn. Vì thế, Viện Asan cho rằng Bình Nhưỡng "có thể sẽ tính đến việc sử dụng lá bài bắn tên lửa ICBM để thoát khỏi ngõ cụt, được cho là có thể còn trầm trọng hơn so với dưới thời của chính quyền Trump".
Bình Nhưỡng cũng đang chuẩn bị cho một sự kiện quan trọng khác : Đại hội của đảng Lao Động Triều Tiên, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 01/2021. Kế hoạch phát triển kinh tế sẽ được công bố vào dịp này.
Theo hãng thông tấn KCNA, ngày 29/12/2020, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã chủ trì một cuộc họp của bộ Chính Trị để "xem xét và xác nhận tư cách của các đại biểu", cũng như "thành phần của đoàn chủ tịch và ban bí thư của Đại hội Đảng lần thứ 8".
Thu Hằng