Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

25/01/2021

Điểm báo Pháp - Trung Quốc vẽ bản đồ đáy biển…

RFI tiếng Việt

Trung Quốc vẽ bản đồ đáy biển để tàu ngầm nguyên tử hoạt động

Chiếc tàu Hướng Dương Hồng (Xiang Yang Hong) 03 những ngày gần đây đã bị vệ tinh nhận ra tại lãnh hải của Indonesia, tuy đã tắt tín hiệu nhận diện. Phát ngôn viên Hải quân Pháp Eric Lavault lưu ý : "Trung Quốc đang vẽ bản đồ đáy biển để các tàu ngầm nguyên tử của họ có thể đi qua".

taungam1

Tàu ngầm nguyên tử Pháp Emeraude thăm đảo Guam của Mỹ ngày 11/12/2020.  © United States Navy - Ảnh minh họa

Nguy cơ phong tỏa lần thứ ba đang hiển hiện tại Pháp, cuộc biểu tình trên khắp nước Nga vào cuối tuần qua theo lời kêu gọi của nhà đối lập Navalny là hai đề tài chính của báo chí Pháp hôm nay 25/01/2021.

Liên quan đến Châu Á, Le Mondetố cáo "Chính quyền Trung Quốc tiến hành các hoạt động thu thập thông tin quy mô tại Ấn Độ Dương". Các hình ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách vẽ bản đồ đáy biển.

Chiếc tàu Hướng Dương Hồng (Xiang Yang Hong) 03 những ngày gần đây đã bị vệ tinh nhận ra tại phía tây đảo Sumatra, trong lãnh hải của Indonesia. Tuy là tàu nghiên cứu đại dương của chính phủ Trung Quốc, chiếc tàu này lại di chuyển mà không bật tín hiệu nhận diện. Tờ báo chuyên ngành The Print hôm 22/01 cho biết Hướng Dương Hồng 03 đã bị tuần duyên Indonesia chận lại vì lý do trên.

Chuyên gia H.I. Sutton của trang Covert Shores chuyên giám sát khu vực này khẳng định Bắc Kinh "tiến hành một chiến dịch quy mô ở đông Ấn Độ Dương". Chính phủ các nước ven biển cũng như các nhà quan sát cho rằng mục đích là chuẩn bị cho các hoạt động quân sự của đội tàu ngầm Trung Quốc.

Cùng với Hướng Dương Hồng 03, ba chiếc tương tự cũng đang ngang dọc để vẽ bản đồ đáy biển từ hai năm qua. Riêng chiếc Hướng Dương Hồng 06 đặc trách các thiết bị không người lái (drone) dưới đáy biển. Indonesia từ 2019 đến 2020 khám phá khoảng hơn một chục drone sục sạo lãnh hải của mình. Theo ông Sutton, một số hoạt động gần Indonesia, quần đảo Andaman và Nicobar nhằm tìm tòi về mạng lưới cảm biến của Mỹ trong khu vực, những thiết bị này theo dõi các tàu ngầm Trung Quốc.

Phát ngôn viên Hải quân Pháp Eric Lavault lưu ý : "Trung Quốc đang vẽ bản đồ đáy biển để các tàu ngầm nguyên tử của họ có thể đi qua".

Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Trên toàn hành tinh chỉ mới có 6% diện tích đáy biển được biết rõ. Tại Ấn Độ Dương, Hải quân Ấn, Mỹ, Pháp, Úc ngày càng tập dượt chung nhiều hơn, và muốn tăng trao đổi thông tin tình báo. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 19/01 khi chúc Tết quân đội đã nhấn mạnh : "Ngay trong lúc này đây, một tàu ngầm Pháp chứng tỏ sự gắn bó của nước Pháp đối với nguyên tắc về quyền (hải hành) trên biển khơi xa, ở Châu Á".

Le Monde cho biết để hỗ trợ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, Paris từ nhiều tháng qua, khác với thông lệ, đã thông báo về sự hiện diện của một trong những tàu ngầm nguyên tử tấn công Pháp trong khu vực. Chiếc Emeraude (ngọc bích) đã quá cảnh tại Perth (Úc) hồi tháng 10, rồi thăm căn cứ Guam của Mỹ vào tháng 11. Tàu ngầm hiện đại này được triển khai ở Châu Á trong thời gian đặc biệt dài, đang trên đường trở về cảng Toulon, và không hiếm những dịp đi gần các chiến hạm Trung Quốc.

Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự trên vũ trụ

Không chỉ dưới đáy biển mà còn trên vũ trụ. Hai nhà nghiên cứu Marc Julienne (IFRI) và Isabelle Sourbès-Verger (CNRS) khi trả lời phỏng vấn Le Monde cho biết Trung Quốc "tăng cường sự hiện diện quân sự" trên không gian.

Từ cuối 2015 Bắc Kinh đã thành lập Lực lượng hỗ trợ chiến lược trong đó có đơn vị không gian, chuyên giám sát các địa điểm phóng hỏa tiễn, kiểm soát vệ tinh, và các trạm giám sát không gian ở Trung Quốc và nước ngoài. Ngoài mặt công khai là nghiên cứu khoa học, còn có hoạt động ngầm là các chương trình quân sự bí mật. Tất cả các vụ phóng hỏa tiễn đều do quân đội thực hiện, phi hành gia là quân nhân, và đặc biệt ngày càng có nhiều vệ tinh quan sát, nhất là hướng về Đài Loan.

Hai khuôn mặt của Việt Nam

Liên quan đến Việt Nam, trang web Les Echoscó bài "Hai khuôn mặt của Việt Nam". Đất nước đã chiến thắng dịch Covid chủ trương mở cửa kinh tế dựa trên đầu tư nước ngoài, đồng thời lại trấn áp mạnh mẽ trong năm 2020.

Hôm nay Đại hội Đảng 13 khai mạc và kéo dài đến ngày 02/02, sẽ định đường hướng cho 5 năm tới. Nếu không có gì bất ngờ, ông Nguyễn Phú Trọng, 78 tuổi và có sức khỏe kém, sẽ giữ chức tổng bí thư đến nhiệm kỳ thứ ba. Bây giờ là thời điểm của ổn định và duy trì đường lối hiện tại. Chuyên gia Benoît de Tréglodé của Viện nghiên cứu chiến lược, trường quân sự Pháp (IRSEM) giải thích "Tăng trưởng kinh tế là lá bài chủ đạo của Đảng cộng sản để duy trì quyền lực. Tương lai, cũng như sự thịnh vượng của Việt Nam, là cùng với Đảng".

Ngược với hầu hết các nước khác trên thế giới, "Việt Nam đã có một năm 2020 tuyệt vời" : tránh được suy thoái, tăng trưởng 3%, thấp hơn nhiều so với 7% của năm 2019 chủ yếu do du lịch bị khựng lại, nhưng tác động của dịch bệnh chỉ hạn chế nhờ xuất khẩu hàng điện tử và đồ gỗ gia dụng. Theo Les Echos, nhờ thương chiến Mỹ-Trung và Trung Quốc bị chỉ trích vì đàn áp Hồng Kông, Tân Cương, ngoại giao Việt Nam trưng ra được một khuôn mặt thanh thản, thu hút các công ty muốn dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Nhưng bên cạnh đó, việc trấn áp giới bất đồng chính kiến trong năm 2020 chưa bao giờ mạnh mẽ như thế, với những bản án nặng nề.

Cũng về Việt Nam, Libérationnói về bà "Trần Tố Nga, một cuộc đời với chất độc da cam trước tư pháp". Vụ án mở ra hôm nay tại Pháp : người phụ nữ 78 tuổi quyết theo đuổi vụ kiện 14 tập đoàn hóa chất nông nghiệp sản xuất chất độc da cam. Từ thập niên 70, các cựu chiến binh Mỹ và Hàn Quốc đã khởi kiện và chiến thắng, nhưng chưa bao giờ có công lý cho thường dân, theo luật gia Valérie Cabanes. Bà Trần Tố Nga là một trong những người sống sót hiếm hoi với tư cách nhân chứng trực tiếp.

Davos cho thấy trọng lượng ngày càng lớn của Trung Quốc

Trong lãnh vực kinh tế, La Croix ghi nhận Diễn đàn Davos khai mạc hôm nay qua video với phát biểu của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã chứng thực trọng lượng ngày càng lớn của Trung Quốc.

Chủ tịch Diễn đàn Borge Brende nhận định "Năm 2020 là năm mà Châu Á lần đầu tiên chiếm đến trên 50% nền kinh tế thế giới", thế nên có nhiều cuộc hội nghị bàn tròn về vai trò của Châu Á trong việc vực dậy kinh tế. Ngoài ông Tập, Diễn đàn cũng đón tiếp thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và đồng nhiệm Nhật Bản Yoshihide Suga, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Tập Cận Bình từng nổi bật trong Davos 2017, nhưng năm 2021 mang một tầm vóc khác. Trung Quốc là cường quốc duy nhất có tăng trưởng 2,3%, trong khi Hoa Kỳ và Châu Âu lâm vào suy thoái. Một nghiên cứu của Euler Hermes ước tính cuộc khủng hoảng Covid đã giúp Bắc Kinh lợi được hai năm. GDP Trung Quốc sẽ tương đương với Hoa Kỳ vào năm 2030 thay vì 2032 như dự báo trước đây.

Bắc Kinh thách thức chính quyền Biden

Le Monde quan tâm đến thái độ thách đố đầu tiên của Bắc Kinh đối với tổng thống Mỹ Joe Biden, thông qua việc trừng phạt một loạt các viên chức cao cấp trong chính quyền Donald Trump.

Chỉ ba phút sau khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức hôm 20/01, Bắc Kinh tuyên bố trừng phạt 28 quan chức chính quyền Trump, nhưng chỉ công bố 10 cái tên. Có thể kể : cựu ngoại trưởng Mike Pompeo, cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien, Matthew Pottinger, trợ lý an ninh quốc gia, các cựu cố vấn "diều hâu" Peter Navarro, John Bolton, Steve Bannon.

Đây không phải là lần đầu, nhưng khác với những lần trước chỉ trả đũa mỗi khi bị Washington trừng phạt, lại là lần đầu tiên Bắc Kinh chủ động ra tay. Và cũng là lần đầu tiên Trung Quốc đụng đến một vị cựu ngoại trưởng, quan chức cao cấp nhất trong chính quyền Hoa Kỳ, đồng thời đóng hẳn cánh cửa làm ăn với Hoa lục của những người liên quan.

Các nhân vật Cộng hòa chống Trump bị tẩy chay

Trong khi đó, "ông Trump khiến đảng Cộng hòa chia rẽ", theo Le FigaroTuy bộ máy đảng tìm cách giữ khoảng cách với cựu tổng thống, nhưng lớp người ủng hộ vẫn hết sức trung thành với Donald Trump.

Cùng với truyền thông và mạng xã hội bảo thủ, tầng lớp ủng hộ ông Trump nổi giận những viên chức Cộng hòa bị cáo buộc là phản bội, hay ủng hộ việc truất phế cựu tổng thống. Tại Arizona, phe Cộng hòa hôm thứ Bảy 23/01 đã thông qua kiến nghị trừng phạt ba nhân vật : bà Cindy McCain, vợ góa thượng nghị sĩ John McCain vì đã kêu gọi bầu cho Biden ; thống đốc Doug Ducey đã chứng nhận kết quả bầu cử, cựu thượng nghị sĩ Jeff Flake. Bà Kelli Ward chiến thắng khít khao sau khi ông Trump đích thân gọi điện thoại từ Mar-a-Lago ủng hộ.

Cả 10 dân biểu Cộng hòa đã bỏ phiếu truất phế Donald Trump đều phải đối mặt với kỷ luật của tổ chức đảng địa phương, và có nguy cơ thất cử kỳ tới. Bà Liz Cheney, nhân vật số ba ở Hạ Viện, con gái cựu phó tổng thống Dick Cheney là người đầu tiên loan báo ý định truất phế Trump, bị đả kích dữ dội tại bang Wyoming của bà, và hơn phân nửa nhóm dân biểu Cộng hòa ở Hạ Viện đòi khai trừ.

Theo Washington Post, ông Donald Trump đe dọa sẽ lập đảng riêng là đảng Ái Quốc hoặc MAGA (Make America Great Again). Một cuộc thăm dò của tờ báo này cho thấy 6/10 người Cộng hòa ủng hộ cựu tổng thống chống lại bộ máy đảng.

Nga : Biểu tình chống Putin lan rộng từ Moskva đến Siberia

Tại Châu Âu, các báo Pháp đều có những bài phân tích, phóng sự về cuộc biểu tình ở Nga cuối tuần qua. Libérationnói về "một week-end đàn áp đối với những người ủng hộ Navalny". Les Echosmô tả "Putin đối mặt với ủng hộ viên Navalny", Le Figaroghi nhận "Theo lời kêu gọi của Navalny, người dân Nga đã thách thức Putin từ Moskva đến Siberia".

"Tự do cho Navalny", "Putin trộm cắp", những câu khẩu hiệu được hô vang trên mọi miền đất nước, kể cả Siberia xa xôi lạnh giá âm 50 độ C. Tại thủ đô Nga, khoảng 20.000 người theo AFP và 40.000 người theo Reuters tập hợp tại quảng trường Pushkinskaya cách điện Kremlin 2 kilomet. Họ trụ lại nhiều tiếng đồng hồ trước khi bị giải tán bằng những cú dùi cui, những cú đá của lực lượng an ninh hùng hậu. Có 1.296 người bị bắt ở Moskva, và theo OVD Info thì toàn quốc có 3.296 người bị câu lưu trong đó có vợ của nhà đối lập Alexei Navalny.

Đây là cuộc biểu tình toàn quốc hiếm hoi trong lịch sử. Những cuộc xuống đường lớn trước đây vào năm 2012 và 2019 chỉ tập trung tại Moskva. Có đến trên 40% là những người lần đầu tiên đi biểu tình, tổng cộng khoảng 100.000 người xuống đường trên cả nước. Nhà chính trị học Fedor Kracheninikov nhận xét, đành rằng con số này ít so với dân số 140 triệu, nhưng là sự kiện chưa từng thấy : biểu tình tại 110 thành phố bất chấp áp lực, công an, tư pháp, biện pháp hành chính. "Số người biểu tình sẽ lên đến bao nhiêu nếu sống trong một đất nước tự do ?"

Nếu trước đây Navalny chỉ huy động được một số ít người, thì nay nhà đối lập 44 tuổi đã mang một tầm vóc mới. Không chỉ là khuôn mặt dễ nhận ra nhất của một phe đối lập chưa bao giờ được tranh cử trong hệ thống toàn trị của Putin, một luật sư kiêm blogger chống tham nhũng, mà giờ đây ông tượng trưng cho một David dám chống lại người khổng lồ Goliath.

Thoát chết sau vụ đầu độc, Navalny can đảm trở về nước và bị tống vào tù, nhưng kịp tung ra một quả lựu đạn đã rút chốt. Bộ phim về "cung điện Putin" bên bờ Hắc Hải đã thu hút đến 70 triệu lượt xem, đó là một trong những lý do khiến người dân xuống đường đông đảo. Có người không quên cầm theo một cây chổi quét nhà vệ sinh : trong video, một dụng cụ vệ sinh như vậy trong dinh cơ bí mật của Putin có giá đến 700 euro.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 566 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)