Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

06/02/2021

Điểm tuần báo Pháp – Miến Điện : Một thất bại của giới tướng lĩnh

RFI tiếng Việt

Đảo chính ở Miến Điện : Một thất bại của giới tướng lĩnh ?

Cú đảo chính ở Miến Điện ngày 01/02/2021 gây bất ngờ cho không ít nhà quan sát, bởi một lẽ rất đơn giản Hiến pháp do quân đội soạn ra cho phép họ kiểm soát hầu hết các lĩnh vực chủ chốt, nghiễm nhiên chiếm giữ 25 % số ghế ở Nghị Viện và có quyền phủ quyết mọi ý định sửa đổi Hiến pháp. Hệ thống chính trị này được thiết kế nhằm duy trì các lợi ích của quân đội. The Economist đặt câu hỏi : Tại sao quân đội lại lật đổ hệ thống đó ?

miendien1

Cảnh sát chống bạo động Miến Điện chặn đường người biểu tình chống đảo chính tiến về Rangoon, ngày 06/02/2021.  AP

Tuần báo cho rằng những kẻ đảo chính và chuyên quyền cần đến một vỏ bọc chính đáng. Với một nền dân chủ giả hiệu, họ có thể vừa trấn áp được người dân, vừa xoa dịu được quốc tế, và đồng thời vẫn nắm quyền kiểm soát mọi quyết định quan trọng.

Mô hình này có thể thấy được ở các nước như Thái Lan, Pakistan, Cam Bốt, Nga, Venezuela hay nhiều nơi khác, nhưng tại Miến Điện tham vọng này lại được giới tướng lĩnh cao cấp thể hiện rõ hơn trong việc tìm cách bảo tồn vĩnh viễn quyền lực trong một hệ thống, mà ngoài điều đó ra, có vẻ bề ngoài cũng giống như là một nền dân chủ.

Chỉ có điều cách tổ chức này cũng có những bất ổn nội tại. Những kẻ độc tài không thích bị lộ diện, ngay cả khi hậu quả không mấy gì quan trọng. Tại Nga chẳng hạn, người ta chứng kiến cuộc đối đầu gay gắt giữa tổng thống Nga và nhà đối lập Alexei Navalny, người đã tiết lộ tòa lâu đài đồ sộ của ông Putin bên bờ Hắc Hải.

Ở Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, tuy luôn cẩn trọng, nói chuyện lịch sự về quân đội, nhưng đảng của bà lại nhiều lần đánh gục đảng chính trị do quân đội hậu thuẫn, chiếm thêm 12 ghế trong nghị trường trong kỳ bầu cử tháng 11/2020. Đây quả thật là một đòn trời giáng, mà giới tướng lĩnh không thể nào chấp nhận !

The Economist nhắc lại làm cách nào các nhà đấu tranh dân chủ Miến Điện không vũ trang lách được những rào cản do quân đội dựng lên nhằm gạt bà Aung San Suu Kyi khỏi chính quyền. Việc bà tạo ra một chức vụ cho riêng mình, "Cố vấn chính phủ", mà bà tuyên bố có thẩm quyền trên cả tổng thống, đã làm cho giới quân sự tức tối.

Thế nên, theo tuần báo, lực lượng khó lường nhất mà những kẻ dân chủ trá hình phải đối mặt chính là những công dân của họ. Người dân có thể bỏ phiếu nhầm người, nhưng họ cũng có thể xuống đường, nếu họ thấy rằng hệ thống này là giả dối trống rỗng, như những gì xảy ra ở Belarus và Nga hiện nay.

Quân đội ở Miến Điện có thể trấn áp biểu tình bằng bạo lực. Dẫu sao thì quân đội Miến Điện cũng đã nhiều lần thẳng tay đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa trong những năm qua. Nhưng sự đàn áp lộ liễu chính là điều mà quân đội Miến Điện đã hy vọng tránh được khi họ dựng lên bản Hiến pháp, mà chính họ vừa vi phạm.

The Economist kết luận : Theo nghĩa này, cú đảo chính, cho dù đã đè bẹp được các nhà dân chủ Miến Điện, thì đó cũng là một thất bại cho giới tướng lĩnh !

Trung Quốc : Mao hồi sinh, chủ nghĩa tư bản lại bị đả kích !

The Economist tiếp tục dẫn độc giả đến với Trung Quốc. Tuần báo ghi nhận chủ nghĩa Mao dường như đang hồi sinh. Một trào lưu chỉ trích chủ nghĩa tư bản, chủ yếu nhắm vào các nhà đại tư sản trong nước đang nở rộ trên các mạng xã hội. Theo tuần san kinh tế, hiện tượng này phản ảnh thái độ mập mờ về ý thức hệ của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Thời gian gần đây trên mạng xã hội Trung Quốc, xu hướng nhiều cư dân mạng trút cơn phẫn nộ nhắm vào hãng tư nhân lớn, và có những lời lẽ ca tụng chủ nghĩa Mao, tăng lên trở lại. Ông Jude Blanchette, tác giả tập sách "Những Hồng Vệ Binh mới của Trung Quốc", nói về sự tái hiện chủ nghĩa Mao từ những năm 1990, nhìn nhận xu hướng phản đối các hãng tư nhân lớn đã có từ lâu.

Chính phủ Trung Quốc, một mặt, hậu thuẫn những doanh nghiệp này như Alibaba, Hoa Vi… mặt khác, cũng tìm cách hạ nhiệt những lời lẽ lên án theo kiểu tân Mao-ít, theo đó chính phủ đang quy hàng chủ nghĩa tư bản. Nhưng Bắc Kinh đôi khi cũng thả lỏng để những người có tư tưởng Mao-ít hả cơn tức giận.

Như một sự trùng hợp, làn gió đả kích tư bản trỗi dậy cùng lúc Bắc Kinh đang siết chặt các quy định chống độc quyền nhắm vào những tập đoàn công nghệ lớn nhằm hạn chế quyền lực của họ. Theo tuần báo kinh tế Anh, nỗi bất bình của người dân nhắm vào các đại tập đoàn Trung Quốc cũng dễ hiểu. Từ nhiều thập niên qua, bất bình đẳng xã hội bùng nổ. Mạng xã hội nở rộ còn làm cho người dân nhận thức rõ sự giầu có khó hiểu của một số đồng hương.

Họ cay đắng vì bị vắt kiệt sức lao động. Ở những hãng công nghệ cao là văn hóa "996", nghĩa là bắt đầu từ 9 giờ sáng, kết thúc lúc 9 giờ tối, 6 ngày trong tuần. Lao động nhập cư còn tồi tệ hơn, hoặc phải làm việc cật lực trong các nhà xưởng, hoặc phải chạy ngược chạy xuôi làm nghề giao hàng thức ăn.

Những người trẻ tuổi có đào tạo, phải làm việc quá mức, bắt đầu tự cho mình là những "đại công nhân", một thuật ngữ dùng để mô tả những ai phải làm các công việc tầm thường. Theo một nhà xã hội học trường đại học Thanh Hoa, tại Trung Quốc, có một giai cấp mới đang trỗi dậy trong số những người gắng sức vươn lên tìm kiếm sự thành đạt. Giai cấp này bao gồm cả khối nhân viên văn phòng và công nhân nhà xưởng.

Cuộc tấn công vào chủ nghĩa tư bản, theo nghĩa hẹp, hoàn toàn phù hợp với luận điệu của Trung Quốc tự cho mình là có nền kinh tế "xã hội chủ nghĩa", dù rằng các doanh nghiệp tư nhân tạo ra đến 80% việc làm ở thành thị và đóng góp đến 60% cho GDP đất nước. Tại sao người ta lại để các hãng công nghệ lớn đó bị chỉ trích như là những nhà tư bản chỉ biết kiếm tiền, trong khi mà họ thường xuyên được ca ngợi như là những người đi tiên phong đưa Trung Quốc trở nên tân tiến hơn ?

The Economist nhận định : Hiện tượng này phản ảnh rõ một sự mập mờ về hệ tư tưởng của Đảng cộng sản Trung Quốc. Họ thừa nhận những hãng công nghệ lớn này là những con chim đầu đàn, nhưng đồng thời họ cũng coi việc gìn giữ sự tôn nghiêm của tư tưởng Mao là điều cần thiết để duy trì quyền lực của Đảng.

Malaysia : Những chiếc găng tay nhuốm máu và nước mắt

"Găng tay cao su Malaysia đẫm máu và nước mắt", là bài viết trên nguyệt san Le Monde Diplomatique số ra tháng 2/2021. Ngành công nghiệp Malaysia, quốc gia cung cấp găng tay cao su hàng đầu thế giới, tận dụng lợi thế giá nhân công rẻ đến từ các nước láng giềng. Nhưng đối với các lao động nhập cư, đây lại là một chiếc bẫy nợ.

Muốn có việc làm phải nộp phí cao. Le Monde Diplomatique cáo buộc các doanh nghiệp Malaysia đẩy người lao động nhập cư vào cảnh nợ nần để dễ bề bóc lột. Theo tờ báo, những lao động Bangladesh và Nepal, nếu muốn được đến làm việc ở Malaysia phải trả những khoản phí cao ngất ngưỡng cho người tuyển dụng do các doanh nghiệp Malaysia gởi đến. Tùy theo từng nước mà mức phí tuyển dụng dao động từ 1.100/1.250 euros (Nepal) đến 3.700/4.300 euro (Bangladesh).

Một khi đến nơi, những nhân công mới đó phải làm việc cật lực 12 tiếng/ngày, đôi khi không có ngày nghỉ trong vòng một tháng. Bù lại mức lương tối thiểu chỉ ở mức 240 euro. Nếu có thêm giờ phụ trội, lương được trả không vượt quá 400 euro/tháng.

Các doanh nghiệp phương Tây tận dụng ngày càng nhiều nguồn nhân công rẻ mạt do di dời nhà xưởng. Nếu như nhiều thương hiệu lớn bắt đầu buộc các nhà cung cấp Malaysia tuân thủ các quy định đạo đức cấm lao động cưỡng bức, hiện tượng này vẫn phát triển mạnh tại những dây chuyền cung ứng cho toàn cầu.

Luân Đôn – Bắc Kinh và cuộc chiến truyền thông

Le Figaro số ra ngày cuối tuần (06/02/2021) cho biết "Anh Quốc tăng cường đọ sức với Trung Quốc". Chính quyền Luân Đôn vừa trục xuất 3 gián điệp dưới vỏ bọc nhà báo và tố cáo "hành động dã man" của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ. Nguồn tin do Daily Telegraph tiết lộ ba nhà báo Trung Quốc, trên thực tế, làm việc cho cơ quan tình báo của Trung Quốc. Đến Anh hồi năm 2020, ba người này đã bị "MI5 – Cơ quan phản gián Anh phát hiện danh tính thật sự và đã bị gởi trả về Trung Quốc".

Vụ việc xảy ra trong giai đoạn quan hệ Anh và Trung Quốc căng thẳng xung quanh các vấn đề Hồng Kông và người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Và truyền thông là một mặt trận mới giữa hai nước. Bắc Kinh tố cáo Luân Đôn có "chính sách áp bức" khi ra lệnh rút giấy phép hoạt động của kênh truyền hình CGTV trên lãnh thổ Anh. Kênh truyền hình này của Bắc Kinh cáo buộc có sự "thao túng những nhóm cực hữu và thế lực chống Trung Quốc".

Cơ quan quản lý truyền thông Anh Ofcom giải thích rằng Đảng cộng sản Trung Quốc quy định đường hướng biên tập cho kênh tiếng Anh đài truyền hình CGTV. Le Figaro cho biết thêm rằng tại Mỹ, CGTV nằm trong số 7 kênh truyền thông bị xem như là phát ngôn cho nhà nước Trung Quốc và do vậy không độc lập.

Để đáp trả, Trung Quốc nhắm vào BBC của Anh. Bắc Kinh cực kỳ khó chịu về những phóng sự liên quan đến việc xử lý dịch bệnh virus corona ở Trung Quốc và nhất là việc phơi bày các hành vi tra tấn và bạo hành tình dục nhắm vào phụ nữ người Duy Ngô Nhĩ trong các trại giam ở Tân Cương. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo tố cáo "BBC được hướng dẫn nghiêm ngặt bởi các cơ quan tình báo Mỹ và Anh. BBC trở thành chiến lũy công luận phương Tây chống Trung Quốc".

Tiêm ngừa Covid-19 : Châu Âu, chiếc phi cơ không người lái ?

Tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục được các tuần san đề cập đến. Trang bìa Courrier International đặt câu hỏi lớn : "Covid-19, có phi công nào trên phi cơ hay không ?". Trong cuộc chiến chống dịch, giữa Đông và Tây, có một sự tương phản cực kỳ lớn. Hơn 106.000 người chết ở Anh so với con số 8 ca tử vong ở Đài Loan. Hơn 55% người dân Israel đã được tiêm ngừa, trong khi tại Pháp chỉ mới nhỉnh hơn 2%...

Tại sao lại có sự tương phản đó ? Điều gì đã làm nên sự khác biệt ? Cùng một hệ thống dân chủ tại sao Đài Loan, Hàn Quốc làm tốt hơn Anh và Pháp ? Courrier International lược dịch bốn bài viết giải thích điều gì làm nên thành công của những nền dân chủ phương Đông, nguyên nào dẫn đến thất bại của phương Tây.

Tờ UnHerd tại Anh Quốc chỉ trích nặng nề thất bại của nước Anh, cho rằng chính phủ thủ tướng Boris Johnson "thiếu tầm nhìn xa, không có khả năng huy động mọi nguồn lực chính phủ, không có năng lực quản lý" Chính phủ điều hành công việc cứ như là "một ông giám đốc nhân sự khổng lồ đang bĩu môi nhìn đất nước dưới chân, rồi cảnh báo mọi hành động mang tính quyết định đều là không thể".

Còn tại Pháp, bộ máy hành chính lại quá cồng kềnh và quản lý lại thiếu nhất quán. Nhật báo lớn của Đức, Die Welt mỉa mai viết : "Trong khi Macron nói là đang dẫn dắt cuộc chiến, xã hội Pháp tự hỏi liệu thật sự có viên phi công nào trong buồng lái hay không ?".

Thói quan liêu, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược trường kỳ, lời nói không đi đúng với thực tế từ vụ đeo khẩu trang, làm xét nghiệm, tiêm ngừa… khiến người dân bị hụt hẫng và cảm thấy khó hiểu. Nhưng "sự trơ ì của bộ máy hành chính và tình trạng quan liêu quá mức đó" lại là di sản do tướng Charles de Gaulle để lại khi lập ra nền Đệ Ngũ Cộng Hòa. Đó là một "nền quân chủ kỹ nghệ" : quá phức tạp, quá nặng nề và quá khép kín, bộ trưởng kinh tế Pháp Bruno Le Maire đánh giá trong tập sách vừa xuất bản "Thiên thần và Quái vật. Những ký ức tạm thời". Đã đến lúc Pháp phải cải tổ bộ máy hành chính ! Điều này cũng giải thích vì sao việc Sanofi chậm trễ có vac-xin là "một thất bại của nước Pháp", như hàng tựa trên trang bìa của L’Express.

Vậy những nước thoát dịch tốt, họ đã làm cách nào ? Tại Hàn Quốc, chính phủ có thể trông cậy vào sự tin tưởng và tình liên đới của người dân, dù rằng người dân xứ Ban Mai này vẫn rất gắn bó với các quyền tự do cá nhân, như tường thuật của tờ Sisa In.

Về phía Đài Loan, thành công của nước này là biết cách rút ra các bài học từ "những tình trạng khẩn cấp trước đây", mà trận dịch SARS được cho là điểm mốc. Trang mạng Nhật Bản The Diplomat ghi nhận hòn đảo tự trị này đã rất linh hoạt, "thay đổi cách điều hành của chính phủ, trong việc cung cấp thông tin về khủng hoảng, cơ cấu chỉ huy, công tác chuẩn bị của lĩnh vực y tế công và cả trong việc sử dụng công nghệ cao".

Courrier International kết luận : Vào lúc Liên Hiệp Châu Âu đang tự biến mình thành một trò hề trong cuộc đua giành vac-xin, tốt hơn hết khối 27 nước nên nhìn nơi khác, để học hỏi điều gì có thể giúp cho họ thành công !

Vac-xin ngừa Covid-19 : Bruxelles mất kiểm soát !

Nguy cơ khan hiếm vac-xin đang làm mối quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu và Luân Đôn trở nên căng thẳng. Phải chăng lỗi do AstraZeneca không thực hiện đúng cam kết như trong thỏa thuận ? Courrier International dẫn bài viết trên The Observer – một tờ báo thiện cảm với Liên Hiệp Châu Âu – cho rằng Ủy Ban Châu Âu đang tìm cách đổ tội cho người khác để che giấu những sai lầm của mình.

Hãng dược Anh-Thụy Điển đang trở thành "tấm bia đỡ đạn" cho các chính khách và bộ máy hành chính của nhiều nước Châu Âu, tìm cách phủi trách nhiệm. Tuần báo Anh đưa ra nhiều lý do để giải thích cho thái độ này của Liên Hiệp : Từ thái độ ganh tỵ của nước Pháp (vì không có vac-xin) đến cách quản lý tồi của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, bà Ursula von Der Leyen, sự chậm trễ của bộ máy hành chính và các quy định, rồi còn có cả thái độ bài Anh Quốc hậu Brexit…

Khủng hoảng vac-xin cho thấy rõ bộ mặt tệ hại của Liên Hiệp Châu Âu trước những ưu thế của Anh Quốc. Tính đến ngày 29/01/2020, hơn 11% người dân Anh đã được tiêm chủng, trong khi mà tại Liên Hiệp Châu Âu tỷ lệ này chỉ ở mức 2,3% ở Đức và hơn 2% tại Pháp.

Bằng sáng chế : Châu Âu tự sập bẫy !

Tuy nhiên, trong cuộc đua vac-xin này, nhật báo Ý Domani, được Courrier International trích dẫn, cảnh báo Liên Hiệp Châu Âu không nên quá ảo tưởng vào việc các hãng dược sẽ gia tăng sản lượng. Lý do đơn giản là Pfizer, Moderna hay AstraZeneca chẳng được lợi gì khi phải tăng mức sản xuất. "Bởi vì một khi nhu cầu vac-xin được thỏa mãn, mức sản suất sẽ bị sụt giảm. Và hậu quả là lợi nhuận của những doanh nghiệp đó sẽ thấp hơn rất nhiều so với những gì họ sẽ có được với nhịp độ sản xuất hiện nay".

Do vậy, để có thể sản xuất được vac-xin nhiều hơn, nhật báo thành Roma cho rằng các chính phủ nên thay đổi chiến lược, không nên đầu tư quá mức vào những hãng dược tư nhân. Tờ báo nhắc lại sáng kiến của Nam Phi và Ấn Độ hồi tháng 10/2020, "đề nghị Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đình chỉ hệ thống bí mật thương mại và bằng sáng chế đối với các loại vac-xin ngừa Covid. Giả như đề xuất được thông qua, công nghệ bào chế vac-xin sẽ được cung cấp cho những nước nào có đủ kỹ năng cần thiết để sản xuất".

Đây sẽ là một sự thay đổi đáng kể cho phép tăng sản lượng tại Liên Hiệp Châu Âu. Chỉ có điều, sáng kiến này, "nếu như được hơn 100 quốc gia ủng hộ thì lại bị hầu hết các nền kinh tế lớn phản đối". Một sai lầm chiến lược mà châu Âu nên nhanh chóng xem xét lại, nhật báo Domani cảnh báo !

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh
Read 589 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)