Kyrgyzstan : Kỵ sĩ thảo nguyên chống ‘Một vành đai, một con đường’ Trung Quốc
Những cuộc biểu tình diễn ra, nhiều khi trên lưng ngựa, chống lại khu công nghiệp At Bachy được ký giao cho Trung Quốc 49 năm. Hai ngày sau một cuộc biểu tình lớn chống lại "đặc khu Trung Quốc", dự án bị hủy. Tiền nhân Kyrgyzstan từng chiến đấu chống quân Trung Hoa xâm lược, người dân không thể để mất đất vào tay Trung Quốc… Bắc Kinh đầu tư vào Trung Á để nếu nổ ra xung đột có thể quân sự hóa Biển Đông, mà không ảnh hưởng đến thương mại.
Le Monde hôm 08/02/2021 có bài điều tra công phu về tình trạng sự hiện diện của Trung Quốc tại Kyrgyzstan bị người dân phản đối kịch liệt. Vốn thâm thù láng giềng Trung Quốc từ xưa, dân Kyrgyzstan chống lại dự án "Con đường tơ lụa mới" (Vành đai, Con đường) của Bắc Kinh ở Trung Á. Với một tổng thống dân tộc chủ nghĩa vừa được bầu lên vào tháng Giêng, khuynh hướng chống Trung Quốc sẽ càng gia tăng.
Dân địa phương phẫn nộ khi đất bị giao cho Trung Quốc 49 năm
Năm 2017, hải quan Kyrgyzstan đã giao cho một công ty tư vấn Nga, Transproekt Group việc nghiên cứu tiền khả thi một trung tâm hậu cần nửa công nửa tư ở At Bachy, có thể đón nhận 100 xe tải một ngày, với vốn đầu tư 30 triệu đô la. Mùa hè 2019 nhân hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (OCS) ở Bichkek, Tập Cận Bình ký một loạt hợp đồng với đồng nhiệm Sooronbai Jeenbekov trong khuôn khổ "Con đường tơ lụa mới", và dự án At Bachy được nâng tầm thành khu công nghiệp.
Liu Ying, một người Hoa ở Hồ Nam giành được công trình này với vốn đầu tư tăng gấp 9 lần, chiếm diện tích đất rộng gấp 66 lần so với ban đầu, lên đến 200 hecta. Mọi việc diễn tiến rất nhanh : ngày 11/12/2019, đại sứ Trung Quốc Đỗ Đức Văn (Du Dewen) long trọng đặt viên đá đầu tiên cùng với thủ tướng thời kỳ đó là Muhammetkaly Abulgazev, để xây dựng đặc khu nằm ở độ cao 2.600 mét, mùa đông lạnh như Siberia.
Tuy nhiên họ quên mất mấy chục ngàn dân At Bachy, sống bằng buôn bán nhỏ, nhất là chăn nuôi ngựa và yack (giống bò Tây Tạng) trên những đồng cỏ mênh mông. Khi được nghe khu công nghiệp mới, sắp tới sẽ mở rộng lên 400 hecta mà không hề tham khảo cư dân tại chỗ, và ti vi nói rằng "căn cứ Trung Quốc" được cho thuê 49 năm, người dân địa phương bị sốc.
Tiền nhân Kyrgyzstan từng chiến đấu chống quân Trung Hoa xâm lược để lại đất đai cho thế hệ sau, và người dân hiện nay dù không còn sống thêm nửa thế kỷ nữa, họ không thể để mất đất vào tay Trung Quốc. Những cuộc biểu tình diễn ra, nhiều khi trên lưng ngựa, với những lá cờ Kyrgyzstan. Cư dân không dễ bị lừa dối : hàng ngàn người Trung Quốc sẽ kéo đến, dân địa phương không có lao động chuyên môn chỉ có thể làm bảo vệ, đất đai sẽ bị ô nhiễm.
Hai ngày sau cuộc biểu tình lớn ngày 17/02/2020 chống lại "đặc khu Trung Quốc", dự án bị hủy. Tháng 11/2020, đối tác Trung Quốc Liu Ying đóng cửa công ty đã mở tại Hồng Kông với số vốn 1.000 đô la, tên là "Nhất Đới Nhất Lộ". Thủ tướng đã dự lễ đặt viên đá đầu tiên bị bắt vào cuối tháng Giêng vì tham nhũng, còn tổng thống Jeenbekov từ chức dưới áp lực đường phố tháng 10/2020.
Đại sứ bị tấn công, nhà máy lọc dầu Trung Quốc phải nộp "phí bảo kê"…
Trong số năm quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô cũ, Kyrgyzstan là nước đầu tiên tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 1998, và là quốc gia dân chủ duy nhất. Kyrgyzstan cũng là một trong những đối tác làm Bắc Kinh khốn đốn nhất. Đa số người dân coi việc di dân Trung Quốc tràn sang – từ 10.000 đến 30.000 người - là phương tiện để bành trướng mà không cần đến vũ khí. Phong trào Kyrgyz Chorolor thành lập năm 2010 từng tấn công vào một cơ sở karaoke ở Bichkek năm 2014 với lý do người Hoa quan hệ với phụ nữ Kyrgyzstan.
Với GDP chỉ 8,5 tỉ đô la, thấp hơn 20 so với khu tự trị Tân Cương Trung Quốc, Kyrgyzstan tất nhiên không có trọng lượng trước Bắc Kinh – hiện đang là chủ nợ chiếm 43,9% nợ công của quốc gia nhỏ bé này. Phần lớn nguồn lợi là từ quặng mỏ do các công ty nước ngoài quản lý. Mỗi nhà lãnh đạo mới lên đều tìm cách bỏ tù người tiền nhiệm và các đối thủ vì tham nhũng, các nhà đầu tư thường phải thương lượng lại hợp đồng.
Le Monde ghi nhận, tại Bichkek cũng như những nơi khác trên toàn quốc, người Trung Quốc đều phải "xử nhũn". Hiếm khi thấy các dấu hiệu ca ngợi nguồn gốc Trung Quốc của các xa lộ được tôn tạo. Đại sứ Trung Quốc, mục tiêu của một vụ tấn công bằng xe gài chất nổ năm 2016, nay được bảo vệ với một bức tường chống đạn.
Những cuộc biểu tình quy mô tháng 10/2020 đi kèm với một loạt sự cố đối với người Hoa. Ở Bichkek, 35 nhà quản lý Trung Quốc tìm cách về khách sạn bị chận lại đòi tiền mãi lộ ; 100 công nhân người Hoa phải chạy trốn vào rừng, qua đêm ở đó vì hầm mỏ bị đám đông chiếm lĩnh. Những người vũ trang kalachnikov xông vào nhà máy lọc dầu Kara Balta của Trung Quốc, đòi 350.000 đô la "phí bảo kê" nếu không sẽ phóng hỏa, và họ đã được cống nộp số tiền.
Bắc Kinh đầu tư vào Trung Á để dự phòng xung đột nổ ra ở Biển Đông
Nhưng thật ra các nhà đầu tư Trung Quốc cũng không phải là mẫu mực về đức hạnh. Cuối 2019, hai cựu thủ tướng Kyrgyzstan là Sapar Isakov và Jantoro Satybaldiev lãnh những bản án tù nặng nề vì tham nhũng trong một hợp đồng 400 triệu đô la với công ty Trung Quốc TBEA để hiện đại hóa một nhà máy điện ở Bichkek. Nhà máy mới bị hỏng tháng 1/2018 khiến một bộ phận dân cư không có điện và sưởi ở -30°C. Nhà máy lọc dầu Kara Balta từ khi đi vào hoạt động năm 2014 liên tục xảy ra sự cố ô nhiễm.
Món nợ của Kyrgyzstan ngày càng khó trả trong bối cảnh đại dịch, nhưng Bắc Kinh ba lần từ chối giảm nợ. Tân tổng thống Sadyr Japarov dành chuyến công du đầu tiên cho Nga. Ông ra sắc lệnh buộc việc đầu tư vào hầm mỏ phải dành cho các công ty 100% Kyrgyzstan. Kinh nghiệm cay đắng từ Tadjikistan láng giềng : nhượng cho Trung Quốc 200 kilomet vuông đất rồi sau đó một mỏ vàng để đối lấy việc TBEA xây dựng một đường điện. Mùa hè 2020, các nước Trung Á và Nga đều kinh ngạc khi một bài trên báo nhà nước ở Hoa lục khẳng định dãy núi Pamir thuộc về Trung Quốc !
Trả lời phỏng vấn Le Monde, chuyên gia Niva Yau của viện nghiên cứu thuộc Tổ chức An ninh Hợp tác Châu Âu (OSCE) phân tích về lý do Trung Quốc tích cực đầu tư vào khu vực Trung Á. Thách thức đối với Bắc Kinh là sự hiện diện của Hoa Kỳ trên Biển Đông và tương lai của Đài Loan. Trung Quốc lệ thuộc vào nhập khẩu năng lượng và xuất khẩu hàng hóa bằng đường hàng hải. Nếu xung đột nổ ra, Trung Quốc muốn quân sự hóa vùng biển nhưng không ảnh hưởng đến thương mại. Một động cơ khác là bảo đảm an ninh Tân Cương để tránh mọi bất ổn đến từ Trung Á.
Trung Quốc : Từ ngoại giao khẩu trang đến ngoại giao vac-xin
Cũng về Trung Quốc nhưng trên lãnh vực y tế, Les Echosphân tích "Ngoại giao vac-xin : Tham vọng bị ngăn trở của Bắc Kinh". Người khổng lồ Châu Á mưu toan gia tăng ảnh hưởng, nhất là đối với các quốc gia mới nổi. Tuy nhiên tâm lý ngờ vực Trung Quốc vẫn dai dẳng, và sự cạnh tranh trên thế giới khiến Bắc Kinh khó đạt được mục đích.
Tờ báo nhắc lại hình ảnh ấn tượng và công phu dàn dựng tuyệt hảo hồi tháng 3/2020 : tổng thống Serbia Aleksandar Vucic hôn lên lá cờ Trung Quốc trên đường băng sân bay Belgrade. Cảnh này minh họa sinh động nhất chiến lược "ngoại giao khẩu trang" của Bắc Kinh trong lúc cả thế giới đang thiếu thốn trầm trọng mặt hàng này để đối phó với đại dịch.
Một năm sau, vac-xin đã thay thế cho khẩu trang. Serbia và Hungary hiện là hai nước hiếm hoi ở Châu Âu chấp nhận vac-xin của Sinopharm và Sinovac do Trung Quốc sản xuất. Ngoại trưởng Vương Nghị dã đi một vòng Miến Điện, Indonesia, Brunei, Philippines để quảng bá cho vac-xin Trung Quốc. Nhưng tại Malaysia, ông đã gặp rắc rối : một viên chức tiết lộ Bắc Kinh đòi thả 60 ngư dân Trung Quốc bị giam ở Kuala Lumpur để đổi lấy việc cung cấp vac-xin.
Tổng thống Pháp : Nếu không hiệu quả, vac-xin Trung Quốc có nguy cơ gây biến chủng mới
Các vac-xin Trung Quốc giá rẻ và dễ bảo quản hơn, nhưng việc cung ứng đang bị chậm trễ. Trở ngại hiện nay là lòng tin : theo thăm dò của YouGov giữa tháng Giêng tại 17 quốc gia, người dân các nước đang phát triển tin tưởng vac-xin của phương Tây hơn là Trung Quốc. Mới đây tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thẳng thắn tuyên bố : "Tôi không hề có bất cứ thông tin nào về vac-xin Trung Quốc. Có nghĩa là về trung và dài hạn, hầu như chắc chắn rằng nếu không tác dụng, vac-xin này sẽ tạo điều kiện cho các biến chủng mới của virus xuất hiện".
Thực tế là những thông tin hiếm hoi có được không đáng hãnh diện mấy. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng hiệu quả 91,5%, Indonesia 65,3%, nhưng một viện nghiên cứu Brazil khẳng định chỉ có 50,4%. Chỉ có Brazil công bố số trường hợp bị lây nhiễm trong số người được tiêm chủng, nhờ đó các nhà khoa học độc lập mới tính toán được hiệu quả thực sự.
Nga và Ấn Độ đang tích cực tham gia cuộc chạy đua. Các nước phát triển hiện nay bận lo tiêm chủng dân chúng nước mình. Đối với chế độ Bắc Kinh, bài toán phức tạp hơn họ tưởng. Song song với "ngoại giao vac-xin", còn phải vượt qua thách thức chích ngừa cho hơn 1 tỉ dân trong lúc đại dịch lại bắt đầu đe dọa, phải phong tỏa 17 triệu người ở miền bắc. Bắc Kinh có thể làm thất vọng nhiều đối tác, chịu tai tiếng trong ít nhất vài năm.
Vac-xin, công cụ địa chính trị
Trong bài "Địa chính trị vac-xin",Le Figaro nhận định đại dịch xuất phát từ Vũ Hán là khuôn mẫu cho thế kỷ 21, vẽ lại trật tự thế giới theo sự quản lý dịch bệnh và kinh tế. Sự sáng chế và triển khai vac-xin mang lại hình ảnh đầu tiên cho tương quan lực lượng quốc tế.
Hai nhà lãnh đạo dân túy của Mỹ và Anh ban đầu đã đánh giá thấp mối đe dọa Covid, nhưng cả hai sớm hiểu được vac-xin là giải pháp duy nhất, nên đã tài trợ ồ ạt cho nghiên cứu và sản xuất. Ngay từ ngày 02/03/2020, tổng thống Donald Trump đã tung ra chiến dịch Warp Speed (Thần Tốc) với 10 tỉ đô la để có được 300 triệu liều vào đầu năm 2021.
Cùng lúc đó thủ tướng Boris Johnson tổ chức việc phối hợp AstraZeneca với đại học Oxford, và tháng 4/2020 lập đội đặc nhiệm, đầu tư 1,9 tỉ bảng Anh để đặt mua trước vac-xin ; tài trợ hoàn toàn phí nghiên cứu và dây chuyền sản xuất trên đất Anh. Bắc Kinh thì luôn độc đoán và mờ ám về vac-xin, ra sức tuyên truyền để cố làm quên đi trách nhiệm của mình trong việc để xảy ra và làm lan tràn đại dịch.
Miến Điện, tuần lễ đầy nguy hiểm
Le Figarohôm nay chạy tựa "Nước Pháp trước nạn chiến tranh giữa các băng nhóm", Le Mondequan tâm đến những người được lợi trong "nền kinh tế phong tỏa", nhật báoLes Echoslo âu trước "Đe dọa đối với ngành sản xuất xe hơi".
Về quốc tế,La Croixnói về "Ấn Độ, cường quốc vac-xin", Libérationdành trang bìa cho "Miến Điện : Tiếng kêu gào của nhân dân", khi tình hình tại quốc gia Đông Nam Á vẫn nóng bỏng. Bốn trang trong của Libération nói về "tuần lễ đầy nguy hiểm" ở Miến Điện, về vị tổng tư lệnh Min Aung Hlaing đầy tham vọng, mà theo tờ báo, vụ đảo chính còn có động cơ kinh tế.
Khác với các đợt xuống đường năm 2007 hay 1988, phong trào phản kháng năm 2021 còn huy động được các viên chức trẻ tuổi, là những người đầu tiên được hưởng lợi nhờ mở cửa kinh tế, và là nhân tố cho chuyển đổi dân chủ. Họ có nguy cơ bị mất việc, bị cắt tiêu chuẩn phân phối lương thực và nhà công vụ. Một cuộc chạy đua đang diễn ra giữa người biểu tình và quân đội. Các nhà hoạt động nghĩ rằng họ có hai, ba tuần để cố gắng thay đổi bằng mọi giá, sau đó sẽ là quá trễ. Dân quân, xã hội đen được chi tiền, và quân đội có thể ra tay đàn áp.
Thụy My
Nguồn : RFI, 08/02/2021