Miến Điện : Biểu tình chống đảo chánh tiếp diễn bất chấp đàn áp
Trọng Nghĩa, RFI, 09/02/2021
Người dân Miến Điện hôm 09/02/2021 tiếp tục xuống đường phản đổi cuộc đảo chính do quân đội tiến hành, bất chấp các lệnh cấm biểu tình và những lời đe dọa trừng phạt được đưa ra vào hôm qua. Cảnh sát Miến Điện đã phải dùng đến vòi rồng, lựu đạn cay và đạn cao su để giải tán đám đông tại nhiều thành phố.
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, hôm nay là ngày thứ tư liên tiếp mà những cuộc biểu tình lớn chống quân đội đảo chánh diễn ra tại Miến Điện. Với những khẩu hiệu đòi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi, người dân lại rầm rộ xuống đường ở thủ phủ kinh tế Rangoon, bất chấp đe dọa trả đũa từ các tướng lĩnh.
Một số nhân chứng cho biết cảnh sát đã bắn chỉ thiên để tìm cách giải tán đám đông. Lực lượng an ninh đã sử dụng vòi rồng để cố gắng đẩy lùi người biểu tình và đã bị ném gạch đá chống trả.
Tại quận San Chaung, nhiều giáo viên đã tuần hành trên các con phố chính, giơ ba ngón tay lên chào theo kiểu được người biểu tình chống đảo chánh thực hiện. Họ đã thách thức lệnh cấm tụ tập quá 5 người do quân đội áp đặt từ hôm qua tại các thành phố chính của Miến Điện, viện cớ có gian lận trong cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 11/2020 để biện minh cho cuộc đảo chính.
Cũng hôm qua, quân đội Miến Điện lên tiếng đe dọa trả đũa chống lại những người biểu tình, bị buộc tội "phá hủy sự ổn định của Nhà nước".
Ngoài Rangoon, người biểu tình cũng tập hợp trước trụ sở của Liên đoàn quốc gia vì dân chủ của bà Aung San Suu Kyi. Họ mặc trang phục màu đỏ - màu của dảng - và mang theo chân dung của nhà lãnh đạo của họ, bị bắt sau khi bị quân đội lật đổ.
Tại thủ đô Naypyidaw, lực lượng an ninh cũng đã sử dụng vòi rồng chống lại một nhóm nhỏ những người biểu tình ủng hộ dân chủ, những người không chịu giải tán trước một trạm kiểm soát an ninh.
Tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Miến Điện, cảnh sát đã sử dụng hơi cay "chống lại những người biểu tình vẫy cờ của Liên đoàn quốc gia vì dân chủ.
Cộng đồng quốc tế tiếp tục tố cáo cuộc đảo chánh tại Miến Điện
Ngay sau khi nổ ra cuộc đảo chánh hôm 01/02, nhiều nước phương Tây đã lên tiếng phản đối.
Nước phản ứng mạnh nhất là New Zealand. Theo hãng tin Anh Reuters, vào hôm nay, 09/02/2021, thủ tướng Jacinda Ardern cho biết sẽ tạm ngừng tất cả hoạt động tiếp xúc cấp cao với Miến Điện, đồng thời áp đặt lệnh cấm đi lại đối với các lãnh đạo quân đội Miến Điện.
New Zealand khẳng định nước này hiện không công nhận chính quyền do quân đội lãnh đạo là chính quyền hợp pháp của Miến Điện.
Còn tại Mỹ, trong một cuộc họp báo hôm qua, ông Ned Price, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng bày tỏ thái độ quan ngại trước lệnh hạn chế tụ tập mà quân đội Miến Điện ban hành. Ngay sau cuộc đảo chính ngày 01/02, Washington tìm cách liên lạc với bà Aung San Suu Kyi, theo các kênh "cả chính thức lẫn không chính thức", nhưng các yêu cầu của Mỹ đã bị quân đội Miến Điện từ chối.
Trọng Nghĩa
********************
Miến Điện tổng đình công phản đối đảo chính
Thanh Hà, RFI, 08/02/2021
Tình hình Miến Điện tiếp tục sôi sục một tuần sau cuộc đảo chính. Ngày 08/02/2021 hàng trăm ngàn người biểu tình tại thành phố Rangoon đòi quân đội trả lại quyền lực cho nhân dân. Trong ba ngày liên tiếp phong trào phản kháng lớn dần. Ở thủ đô Naypyidaw, cảnh sát Miến Điện lần đầu tiên dùng vòi rồng giải tán đám đông.
Theo ghi nhận của phóng viên hãng tin Pháp AFP, hai người bị thương vào hôm nay trong cuộc đụng độ với lực lượng cảnh sát tại Naypyidaw. Không chỉ ở Rangoon hay Naypyidaw, tại nhiều tỉnh thành trên toàn quốc, làn sóng phản đối càng lúc càng lớn. Những người phản đối đảo chính kêu gọi một cuộc "tổng đình công". Sau các giáo chức, giới sinh viên và kể cả một số nhân viên Nhà nước, đến lượt y tá, các tăng ni, luật sư, thành phần công nhân thợ thuyền nhập cuộc.
Hàng trăm ngàn người xuống đường với màu cờ của Liên đoàn quốc gia vì dân chủ, đòi tập đoàn quân sự trả lại quyền lực cho nhân dân và trả tự do cho lãnh đạo đảng này là bà Aung San Suu Kyi. Đoàn tuần hành hô to khẩu hiệu "Trả tự do cho những nhà lãnh đạo của chúng tôi", "Hãy tôn trọng lá phiếu của người dân". Một thanh niên 29 tuổi nói với phóng viên AFP : "Chúng tôi không còn sợ hãi".
Trên đài RFI, một quan chức Nhà nước 52 tuổi giải thích với nhà báo Marie Normand rằng quân đội phải trao trả quyền lực cho người dân, nhưng không muốn cộng đồng quốc tế trừng phạt Miến Điện :
"Chúng tôi đã trải qua kinh nghiệm rất tệ về các trừng phạt. Những biện pháp này không đem lại kết quả. Các nước Châu Âu muốn trừng phạt tập đoàn quân sự, nhưng người dân lại hứng chịu hậu quả nhiều hơn giới tướng lĩnh. Tôi không muốn Miến Điện bị trừng phạt. Điều tốt nhất cộng đồng quốc tế có thể làm là gây áp lực với tập đoàn quân sự để buộc họ phải đàm phán và tìm ra một lối thoát cho tình hình hiện nay tại Miến Điện. Theo tôi, giải pháp này sẽ giúp cho bên quân đội không bị mất mặt, đồng thời cho phép Liên đoàn quốc gia vì dân chủ của bà Aung San Suu Kyi trở lại cầm quyền. Tuy nhiên, nếu như bên quân đội giữ nguyên lập trường thì không có hy vọng gì cả. Chúng tôi cần có sự giúp đỡ không chỉ của Hoa Kỳ mà cả từ phía Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Châu Âu và các nước ASEAN. Quốc tế phải đoàn kết để gây sức ép với tập đoàn quân sự, buộc giới tướng lĩnh phải đàm phán với các lãnh đạo của Liên đoàn quốc gia vì dân chủ".
Tập đoàn quân sự Miến Điện từ sau cuộc đảo chính đã im lặng, nhưng sáng nay, đài truyền hình Nhà nước MRTV để ngỏ khả năng sẽ "hành động nhắm vào những phần tử gây rối loạn, cản trở và phá hoại ổn định quốc gia, đe dọa an ninh công cộng và Nhà nước pháp quyền".
Về phản ứng quốc tế, chính quyền Canberra lo ngại cho số phận một công dân Úc, giáo sư Sean Turnell, bị quản thúc tại khách sạn từ hôm Thứ Bảy 06/02/2021. Giáo sư Turnell là cố vấn về kinh tế cho bà Aung San Suu Kyi.
Theo tin giờ chót, tập đoàn quân sự Miến Điện thông báo ban hành thiết quân luật tại nhiều khu vực ở thành phố Mandalay. Đây là thành phố lớn thứ nhì trên toàn quốc. Kể từ 8 giờ tối đến 4 giờ sáng giờ địa phương, mọi cuộc tập hợp quá 5 người đều bị cấm tại những nơi thiết quân luật đã ban hành
Thanh Hà
************************
Miến Điện thời Aung San Suu Kyi tìm cách thoát "bẫy nợ" Trung Quốc
Trọng Thành, RFI, 07/02/2021
Cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân sự Miến Điện đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò của Trung Quốc. Báo Nhật Nikkei Asia hôm 07/02/2021, có bài đưa ra thông tin đáng chú ý : "Nợ Trung Quốc của Miến Điện sụt giảm 26% trong thời gian Aung San Suu Kyi nắm quyền".
Nikkei Asia dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới, theo đó, nợ Trung Quốc của Miến Điện vào cuối năm 2019 chỉ còn 3,34 tỉ đô la, thấp hơn 26% so với cuối năm 2015, tức trước khi đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ lên nắm quyền. Nikkei Asia so sánh đà sụt giảm về nợ nần với Trung Quốc của Miến Điện với tình hình Liên đoàn quốc gia vì dân chủ ngược lại ở hai nước láng giềng Đông Nam Á. Trong cùng khoảng thời gian này, nợ của Lào tăng vọt 72%, nợ của Cam Bốt tăng 34%.
Riêng về nợ nước ngoài của Miến Điện nói chung, tỉ lệ nợ Trung Quốc trên tổng số nợ chung, từ 45% tụt xuống còn 30% trong thời gian 4 năm cầm quyền của Liên đoàn quốc gia vì dân chủ. Chính phủ Aung San Suu Kyi rất lo ngại rơi vào "bẫy nợ" của Trung Quốc, bởi sẽ có nguy cơ buộc Miến Điện phải nhượng một số cơ sở hạ tầng chiến lược cho Bắc Kinh.
Một ví dụ tiêu biểu của việc điều chỉnh chiến lược của Miến Điện là dự án xây cảng ở Kyaukpyu, bên bờ Ấn Độ Dương. Cảng này cho phép đưa dầu lửa và khí đốt từ biển vào tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, thông qua hai đường ống dài 870 km. Với tuyến cung ứng nhiên liệu này, Trung Quốc sẽ không bị phụ thuộc vào tuyến đường qua eo biển Malacca. Dự án ban đầu có trị giá tới 7,2 tỉ đô la, nhưng sau đó đã giảm xuống còn 1,3 tỉ đô la vào lúc thỏa thuận được ký kết năm 2018. Chính phủ Miến Điện đã yêu cầu thay đổi nhiều nội dung của dự án.
Tuy nhiên, nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế không dễ dàng. Trung Quốc vẫn là bạn hàng lớn, chiếm 30% tổng trao đổi thương mại của Miến Điện. Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Miến Điện dễ thấy, đa số xe buýt lưu hành ở Rangoon được sản xuất tại Trung Quốc là một ví dụ. Trung Quốc xem khối ASEAN là khu vực quan trọng trong dự án Con đường tơ lụa mới, đầy tham vọng, có tên gọi chính thức là "Một Vành Đai, Một Con Đường". Tổng đầu tư của Trung Quốc vào khối ASEAN trong dự án này là hơn 300 tỉ đô la, riêng tại Miến Điện là hơn 20 tỉ.
Cuộc khủng hoảng người Rohingya, bị quân đội Miến Điện truy bức, khiến cho nỗ lực thoát phụ thuộc vào Trung Quốc càng trở nên khó khăn hơn với chính phủ dân sự, bởi Miến Điện bị quốc tế lên án, các nhà đầu tư phương Tây xa lánh. Cuộc đảo chính vừa qua có thể dẫn đến các trừng phạt quốc tế mới. Trong trường hợp đó, giới quân sự Miến Điện sẽ tìm đến sự hỗ trợ của Trung Quốc.
Về phần mình, cho đến nay, về mặt chính thức, Trung Quốc không lên án đảo chính, không can thiệp, và chọn thái độ chờ đợi. Một nguồn tin từ nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc cho Nikkei Asia biết "cách thức xử lý vấn đề Miến Điện cũng còn phụ thuộc vào phía Mỹ".
***
Bài viết của Nikkei được đăng tải sau khi Tokyo cảnh báo là việc phương Tây trừng phạt nghiêm khắc cuộc đảo chính của giới quân sự Miến Điện có nguy cơ sẽ đẩy Miến Điện vào vòng tay Trung Quốc (Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Yasuhide Nakayama trả lời Reuters ngày 02/02/2021).
Trọng Thành
***********************
Người tị nạn Miến Điện ở Malaysia sống lại ác mộng cuộc đảo chính ở quê hương
Thu Hằng, RFI, 07/02/2021
Tròn một tuần, quân đội Miến Điện tiến hành đảo chính ngày 01/02/2021, ban hành tình trạng khẩn cấp một năm, bắt giam nhiều nhà lãnh đạo dân sự. Người Miến Điện sống tại Malaysia vẫn chưa hết bàng hoàng khi thấy quê hương trở lại thời kỳ tối tăm. Họ chủ yếu theo Công Giáo và Hồi Giáo, từng trải qua khổ ải dưới thời tập đoàn quân sự và phải bỏ trốn vì bạo lực của quân đội.
Thông tín viên RFI Gabrielle Maréchaux đã gặp một số người ở Kuala Lumpur :
"Khi Cung kể về những cuộc nói chuyện mà anh có thể có được với gia đình vẫn ở Miến Điện, nỗi lo sợ ngự trị trong họ từ thứ Hai 04/02, bàn tay của họ cứng lại rồi đập mạnh xuống bàn.
Cung nói : "Dĩ nhiên là họ nói với tôi : "Con trai ơi, làm ơn hãy về nhà". Chị gái tôi cũng nói : "Về nhà đi em" nhưng tôi đành nói với họ là tôi không thể. Vì chị biết đấy, một người tị nạn như tôi, tôi có câu chuyện riêng của mình, tôi đã kể lại cho Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn. Giới quân đội biết tôi đã nói những gì, vì thế nếu tôi về, họ có thể viện vào câu chuyện này để tống giam tôi".
Một người tị nạn Miến Điện khác, không muốn nói tên, thì sợ nói chuyện với những người thân còn ở lại trong nước. Khi anh nghĩ đến họ, những ngón tay của anh ấn mạnh lên đùi.
Anh nói : "Tôi không dám hỏi họ về tình hình trong nước vì nếu quân đội biết được rằng chúng tôi nói về những chuyện đang xảy ra, họ có thể bị vạ lây. Tôi không quan tâm đến mình nhưng tôi nghĩ cho người thân còn ở Miến Điện".
Viễn cảnh về nước từng chỉ là cơ hội mong manh đối với người đàn ông ẩn danh thứ hai, giờ đã biến mất hoàn toàn với cú đảo chính. Anh nói : "Chúng tôi không còn hy vọng nữa. Còn tôi thì không tài nào ăn uống được".
Tuyệt vọng, nhưng những người tị nạn Miến Điện này lại không bất ngờ về tình trạng bạo lực của tập đoàn quân sự trong tuần vừa qua. Người đàn ông thứ ba, muốn giấu danh tính, nói : "Chúng tôi biết rằng nếu quân đội muốn làm gì đó, họ có thể đạt được, vào bất kỳ lúc nào, tất cả những gì họ muốn. Vì thế sẽ còn có thêm những các vụ tra tấn, hành quyết tại những ngôi làng, đặc biệt là ở bang Chin".
Người tị nạn theo Công gáo này chỉ biết tìm chút hy vọng trong những lời cầu nguyện. Vì theo anh, khi có chút hy vọng thì có thêm chút sức mạnh".
Thu Hằng