Thùy Dương, RFI, 02/05/2021
Hơn ba tháng sau khi quân đội đảo chính lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi, đông đảo người dân Miến Điện hôm qua 02/05/2021 lại xuống đường biểu tình chống tập đoàn quân sự. Sự kiện này cho thấy phong trào phản kháng vẫn được duy trì.
Trong ngày biểu tình mà nhiều nhà tranh đấu và truyền thông gọi "Cách mạng mùa xuân Miến Điện toàn cầu", lực lượng an ninh đã nổ súng làm 7 người thiệt mạng. Hiệp hội hỗ trợ tù nhân chính trị AAPP cho biết đây là số người chết cao nhất trong một ngày kể từ khi Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) họp bàn về khủng hoảng Miến Điện, được tổ chức tại Jakarata, Indonesia, ngày 24/04.
Cũng trong ngày hôm qua, ở miền đông Miến Điện, lực lượng vũ trang nổi dậy "Liên minh Quốc gia Karen" kêu gọi các lực lượng hợp nhất để chống tập đoàn quân sự.
Từ Rangoon, thông tín viên Juliette Verlin cho biết thêm chi tiết :
"Lời kêu gọi trên các mạng xã hội hôm qua đã châm ngòi cho một trong những ngày biểu tình lớn nhất kể từ một tháng nay. Trong những ngày qua, sinh hoạt phục hồi một cách chậm chạp, sự phản kháng diễn ra chủ yếu dưới hình thức ném lựu đạn và bom tự chế vào các cơ quan quân sự, nhưng cho đến nay không gây quá nhiều thiệt hại. Bạo lực diễn ra hàng ngày nhưng chỉ tập trung ở một số thành phố và tại một số bang nơi mà các nhóm sắc tộc nổi dậy có vũ trang đã hoạt động từ lâu nay.
Nhưng hôm qua, Chủ Nhật, các đường phố lại đông kín người, với các cuộc biểu tình chớp nhoáng, để quân đội không kịp đàn áp.
Hôm qua, Liên minh Quốc gia Karen, một trong những lực lượng vũ trang thuộc sắc tộc thiểu số nổi dậy mạnh nhất, đã kêu gọi tất cả các nhóm vũ trang sắc tộc Karen hợp nhất để chống lại quân đội Miến Điện. Theo Liên minh Quốc gia Karen, chưa bao giờ có một cơ hội như thế này trong suốt hơn 70 năm cách mạng, vì thế phải tận dụng cơ hội này để chống chế độ độc tài quân sự.
Với lời kêu gọi này, Liên minh Quốc gia Karen hưởng ứng những tuyên bố của "chính phủ trong bóng tối" của Miến Điện, do những người ủng hộ dân chủ lập ra và thường xuyên khích lệ người dân Miến Điện phản kháng và chống chính quyền quân sự bằng mọi phương tiện".
Thùy Dương
*********************
Trọng Nghĩa, RFI, 02/05/2021
Theo các phương tiện truyền thông Miến Điện, lực lượng an ninh nước này vào hôm nay, 02/05/2021, tiếp tục nổ súng vào một số cuộc biểu tình chống chính quyền quân sự, làm ít nhất 5 người thiệt mạng. Đây là những cuộc xuống đường được cho là rầm rộ nhất trong thời gian gần đây, nằm trong một phong trào đánh động thế giới mà người biểu tình vừa phát động.
Theo hãng tin Anh Reuters, sau một thời gian mà số người tham gia thưa dần và có dấu hiệu bị lực lượng an ninh kềm hãm hiệu quả hơn, những cuộc biểu tình hôm nay đã diễn ra trong sự phối hợp với các cuộc xuống đường trong các cộng đồng người Miến Điện trên khắp thế giới để đánh dấu điều mà các nhà tổ chức gọi là "cuộc cách mạng mùa xuân Miến Điện toàn cầu".
Trong một thông cáo, ban tổ chức các cuộc biểu tình đã kêu gọi mọi người "lay động thế giới bằng tiếng nói đoàn kết của người dân Miến Điện".
Tại Miến Điện, các đoàn người biểu tình, một số do các nhà sư Phật Giáo dẫn đầu, đã tuần hành ở nhiều thành phố và thị trấn, bao gồm cả thủ phủ kinh tế Rangoon và thành phố thứ hai Mandalay.
Lực lượng an ninh đã nổ súng vào người biểu tình, và theo hãng tin Myanmar Now, có hai người bị bắn chết ở thị trấn miền trung Wetlet, trong lúc hai phương tiện truyền thông khác cho biết có hai người khác bị giết ở hai nơi thuộc bang Shan ở phía đông bắc. Riêng hãng tin Kachin News Group cho biết một người cũng thiệt mạng tại thị trấn khai thác ngọc bích phía bắc Hpakant.
Tình hình tại Miến Điện cũng bất ổn với một số vụ nổ không rõ nguyên nhân. Trong bản tin chính vào tối hôm qua (01/05), đài truyền hình nhà nước Miến Điện đã đưa tin chi tiết về ít nhất 11 vụ nổ trong 36 giờ trước đó, chủ yếu ở thành phố Rangoon, gây thiệt hại vật chất nhưng không có thương vong.
Hãng truyền thông Khit Thit thì đưa tin về một vụ nổ bên ngoài doanh trại cảnh sát ở Rangoon vào sáng sớm hôm nay, khiến cho nhiều chiếc xe bị bốc cháy, và một vụ nổ khác trong thành phố. Một cổng thông tin ở bang Shan cũng đưa tin một vụ nổ bên ngoài nhà của một doanh nhân nổi tiếng.
Trọng Nghĩa
Minh Anh, RFI, 07/03/2021
Trong đêm thứ bảy, rạng sáng chủ nhật 07/03/2021, quân đội Miến Điện tiến hành một đợt vây bắt thô nhắm vào các lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi. Những người chống đối cuộc đảo chính của quân đội kêu gọi tiếp tục xuống đường, trong hai ngày hôm nay và ngày mai.
Ông Soe Win, một trong những lãnh đạo của đảng NLD cho biết hiện chưa rõ có bao nhiêu người đã bị bắt. Quân đội đã đánh đập và tra tấn người anh của một luật sư thuộc đảng NLD, vì đã không tìm được người luật sư.
Truyền thông nhà nước đe dọa những nghị sĩ dân sự nào không công nhận tính chính đáng của cuộc đảo chính, và có tham dự vào việc thành lập một ủy ban đại diện cho chính phủ dân sự, có thể bị khép tội "phản quốc" và có nguy cơ lãnh án từ 22 năm tù giam đến tử hình.
Quân đội Miến Điện những ngày gần đây bất chấp phản đối của cộng đồng quốc tế đã gia tăng mức độ bạo lực, không ngần ngại sử dụng đạn thật bắn vào người biểu tình. Các hình ảnh phát tán trên mạng xã hội cho thấy các lực lượng an ninh đã nã súng thẳng vào người dân.
AFP cho biết thêm là đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (PUSD), được quân đội hậu thuẫn cũng tham gia vào các cuộc tấn công. Một đại diện địa phương của đảng NLD, cùng với người cháu trai 17 tuổi, đã bị các thành viên của PUSD giết chết.
Vẫn theo hãng tin Pháp, trước tình hình mỗi lúc một thêm xấu, nhiều người dân Miến Điện bắt đầu trốn khỏi đất nước. Ít nhất có khoảng 50 người, trong đó có 8 sĩ quan cảnh sát đã cùng gia đình chạy sang Ấn Độ xin tị nạn, vì không muốn tham gia vào các cuộc trấn áp. Tập đoàn quân sự Miến Điện đã có thư ngỏ yêu cầu Ấn Độ trao trả 8 cảnh sát trên, "nhằm duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước". Hiện chính quyền New Dehli chưa có phản ứng.
Tính đến hôm nay, các cuộc trấn áp của quân đội nhắm vào người biểu tình đã làm cho 50 người thiệt mạng. Các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục trong ngày hôm nay tại nhiều thành phố lớn như Rangoon – thủ phủ kinh tế của đất nước, Bagan và Mandalay (miền trung), và Dawei (miền nam).
Phong trào đấu tranh kêu gọi một cuộc đình công lớn trong ngày Chủ Nhật và thứ Hai. Cuộc tổng đình công này có thể gây tác động lớn, trong bối cảnh kinh tế Miến Điện vốn đã trở nên mong manh, khi nhiều ngân hàng không còn khả năng hoạt động, bệnh viện đóng cửa, các cơ quan hành chính không còn người làm việc… Trước nguy cơ nổ ra các cuộc đình công mới, truyền thông nhà nước Miến Điện cảnh báo công chức tham gia đình công "sẽ bị sa thải kể từ ngày 08/03".
Minh Anh
********************
Thanh Phương, RFI, 06/03/2021
Hôm 06/03/2021, những người biểu tình đòi dân chủ tiếp tục xuống đường tại Miến Điện, trong khi đó Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lại bị chia rẽ trên hồ sơ này.
Đã có ít nhất 55 người thiệt mạng kể từ đầu phong trào biểu tình chống cuộc đảo chính quân sự ngày 01/02 lật đổ chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi. Nhưng bất chấp sự đàn áp khốc liệt của tập đoàn quân sự, những cuộc tuần hành đòi tái lập dân chủ vẫn tiếp diễn hôm nay 06/03 tại nhiều nơi ở Miến Điện. Theo hãng tin AFP, tại thành phố Loikaw ở miền trung, hàng trăm người, trong đó có các giáo viên, đã giương cao những biểu ngữ kêu gọi bất phục tùng dân sự.
Những lời kêu gọi đình công đã có một tác động đến một số lĩnh vực kinh tế vốn đang bị suy yếu ở Miến Điện : ngân hàng ngưng hoạt động, bệnh viện đóng cửa và văn phòng các bộ của chính phủ không một bóng người. Báo chí nhà nước đã yêu cầu các công chức trở lại làm việc, nếu không "họ sẽ bị sa thải kể từ ngày 08/03".
Nhưng phe quân sự cũng nhất quyết dập tắt phong trào biểu tình và từ mấy ngày qua đã không ngần ngại sử dụng vũ khí sát thương để đàn áp. Hôm qua 05/03, một người đàn ông 26 tuổi đã bị trúng đạn tử thương trong một cuộc tập hợp tại thành phố Mandalay. Các tướng lãnh Miến Điện lại càng bất chấp những lời lên án của quốc tế khi thấy rằng ngay chính Liên Hiệp Quốc đang bị chia rẽ về giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này.
Trong cuộc họp hôm qua tại New York, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã không thể đạt được đồng thuận về một bản tuyên bố chung. Theo các nguồn tin ngoại giao được hãng tin AFP trích dẫn, các cuộc đàm phán về nội dung văn bản này sẽ tiếp diễn vào tuần tới.
Sau cuộc họp của Hội đồng Bảo an, đại sứ Anh Barbara Woodward tuyên bố : "Chúng tôi sẵn sàng dự trù các biện pháp trừng phạt quốc tế chiếu theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc nếu tình hình ngày càng xấu đi". Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đã ban hành các biện pháp trừng phạt chế độ quân sự, nhưng đã có những lời kêu gọi ban hành một lệnh cấm vận quốc tế về vũ khí đối với Miến Điện, một quyết định cần phải có sự đồng ý của toàn bộ thành viên Hội đồng Bảo an.
Trong bối cảnh như vậy, có vẻ rất khó mà đạt được sự "đoàn kết nhất trí" theo lời kêu gọi của đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, Christine Schraner Burgener. Hôm qua, bà đã than phiền : "Niềm hy vọng mà người dân Miến Điện đặt vào Liên Hiệp Quốc và các nước thành viên đang giảm đi".
Thanh Phương
*********************
Thanh Phương, RFI, 05/03/2021
Quốc tế gia tăng áp lực đối với tập đoàn quân sự ở Miến Điện, hiện vẫn đàn áp dã man những người biểu tình đòi tái lập dân chủ. Hôm nay, 05/03/2021, người dân tiếp tục xuống đường.
Chính quyền Mỹ, vào hôm /03, đã loan báo các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Miến Điện, cụ thể là ban hành các hạn chế về xuất khẩu sang nước này, đồng thời đưa vào danh sách đen hai bộ quốc phòng và nội vụ của Miến Điện cùng với hai công ty do bộ quốc phòng nước này nắm giữ. Trước đó, Washington đã ban hành các biện pháp trừng phạt tài chính nhắm vào tập đoàn quân sự sau cuộc đảo chính.
Trong một báo cáo công bố hôm qua, Thomas Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, nhấn mạnh "cho dù tương lai của Miến Điện là do chính người dân nước này quyết định, cộng đồng quốc tế phải có hành động khẩn cấp và kiên quyết để yểm trợ họ".
Ông Thomas Andrews đề nghị Hội đồng Bảo an, sẽ họp kín hôm nay để thảo luận về tình hình Miến Điện, ban hành "lệnh cấm vận toàn thế giới" đối với chế độ quân sự ở Naypyidaw, đồng thời ban hành các trừng phạt nhắm vào các tướng lãnh Miến Điện.
Nhưng theo thông tín viên Carrie Nooten từ New York, cho tới nay, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vẫn chưa có phản ứng mạnh trước sự đàn áp ngày càng khốc liệt ở Miến Điện :
"Hơn một tháng sau cuộc đảo chính, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chỉ ra được một tuyên bố chung rất ngắn gọn, đặc sứ Liên Hiệp Quốc vẫn chưa được đến tận nơi và tại New York, người ta chỉ nói sơ qua về việc bà Aung San Suu Kyi ra tòa cách đây 3 ngày. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc chỉ lập đi lập lại những lời kêu gọi giống nhau.
Trong khi đó, các thành viên Hội đồng Bảo an nói rằng họ chờ tuyên bố của hiệp hội ASEAN, mà nội dung rốt cuộc khá là đáng thất vọng. Thế mà vấn đề này rất quan trọng, bởi vì tiến trình dân chủ hóa đang lâm nguy. Những người không phải là nhà ngoại giao đang sốt ruột trước phản ứng chậm chạp của Liên Hiệp Quốc. Nhưng các nhà thương thuyết thừa hiểu một điều : Phải rất thận trọng với Trung Quốc, vốn vẫn ủng hộ phe quân sự ở Miến Điện và có thể dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn tất cả. Một số nhà thương thuyết nhắc lại : chỉ riêng việc đưa Miến Điện vào nghị trình của Hội đồng Bảo an và thừa nhận có "đảo chính" ở Miến Điện đã là một kỳ công rồi. Họ nghĩ rằng Bắc Kinh cũng có thể sẽ thay đổi lập trường, do tác động của ngành ngoại giao Hoa Kỳ. Hôm nay, có thể Trung Quốc sẽ đưa ra nhiều bảo đảm hơn là bình thường. Chúng ta sẽ biết được qua nội dung bản tuyên bố của Hội đồng Bảo an".
Về tình hình tại chỗ, bất chấp sự đàn áp khốc liệt, theo hãng tin AFP, các cuộc biểu tình vẫn được tổ chức ở nhiều thành phố Miến Điện hôm nay. Đặc biệt tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai của nước này, hàng trăm kỹ sư đã xuống đường với khẩu hiệu "Hãy trả tự do cho lãnh đạo của chúng tôi !" - "Đừng phục vụ quân đội, hãy rời bỏ đi !". Cũng tại đây, hôm qua rất nhiều người đã dự tang lễ cô Kyal Sin, 19 tuổi, bị bắn chết ngày hôm trước và nay trở thành biểu tượng của phong trào phản kháng.
Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, kể từ sau cuộc đảo chính cho đến nay, đã có ít nhất 54 thường dân thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Thanh Phương
***********************
Thanh Hà, RFI, 04/03/2021
Miến Điện vừa trải qua ngày đẫm máu nhất từ sau cuộc đảo chính với ít nhất 38 người biểu tình tử vong theo thẩm định của Liên Hiệp Quốc.
Hôm 03/03/2021, quân đội nã súng vào các đoàn biểu tình. Đại diện của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, bà Christine Shraner Burgener cho biết, có "ít nhất 38 người chết" trong số này có một nạn nhân mới 14 tuổi. Từ đầu cuộc đảo chính hôm 01/02/2021 đến nay đã có hơn 50 người thiệt mạng và "hàng chục người bị thương". Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ của bà Aung San Suu Kyi treo cờ rủ tại các văn phòng của đảng này trên toàn quốc để tưởng niệm các nạn nhân.
Hôm 04/03/2021 người biểu tình tiếp tục xuống đường cho dù số người tham dự có phần thưa thớt hơn như tường thuật của thông tín viên RFI, Juliette Verlin tại chỗ :
"Mặc dù số thương vong hôm qua lên rất cao người biểu tình vẫn tập hợp trên đường phố Rangoon trong ngày hôm nay. Cho tới hiện tại, tình hình khá yên ắng. Một phụ nữ đang chung tay với dân phố dựng một rào cản trên con đường ở khu vực San Chaung tại Rangoon. Người ta khiêng tất cả những gì tìm thấy được ở một công trường gần sát cạnh đây để dựng rào cản bảo vệ. Nào là bao xi-măng, gạch, đá, và kể cả lốp xe…
Phần đông là các thanh niên trang phục như đi ra trận. Người thì mang mặt nạ chống hơi cay, người thì đem theo khiên gỗ hay bằng nhựa và thậm chí họ mang theo cả ăng-ten chảo để chống đạn và dùi cui của cảnh sát.
Ở phía trước những người biểu tình là cảnh sát. Người biểu tình tìm cách thương lượng và giải thích với nhân viên an ninh là không muốn gây sự với cảnh sát mà chỉ muốn "hỏi tội" tướng Min Aung Hlaing mà thôi. Một phụ nữ biểu tình hơi thất vọng vì số người tham gia không đông lắm, nhưng đây là điều dễ hiểu sau biến cố đẫm máu hôm qua.
Rào cản đầu tiên của phe biểu tình đã bị một máy ủi phá vỡ trong vài phút, nhưng một rào cản thứ nhì đã nhanh chóng được dựng lên thay thế ngay sau khi cảnh sát quay lưng đi. Một chuỗi người chuyền tay nhau những bao ny-long đựng nước để dập hơi cay. Hôm qua, đến cuối ngày cảnh sát mới bắn vào người biểu tình. Mọi người lo ngại kịch bản này tái diễn hôm nay".
Tổng thống Pháp kêu gọi giới tướng lãnh cầm quyền tại Miến Điện "ngưng ngay lập tức" việc đàn áp phong trào phản kháng. Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình để thuyết phục giới tướng lĩnh Miến Điện dừng tay.
Hiện tại Trung Quốc và Nga, không chính thức lên án cuộc đảo chính tại Miến Điện và vẫn xem đây là "cộng việc nội bộ" của quốc gia Đông Nam Á này.
Thanh Hà
Trọng Nghĩa, RFI, 09/02/2021
Người dân Miến Điện hôm 09/02/2021 tiếp tục xuống đường phản đổi cuộc đảo chính do quân đội tiến hành, bất chấp các lệnh cấm biểu tình và những lời đe dọa trừng phạt được đưa ra vào hôm qua. Cảnh sát Miến Điện đã phải dùng đến vòi rồng, lựu đạn cay và đạn cao su để giải tán đám đông tại nhiều thành phố.
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, hôm nay là ngày thứ tư liên tiếp mà những cuộc biểu tình lớn chống quân đội đảo chánh diễn ra tại Miến Điện. Với những khẩu hiệu đòi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi, người dân lại rầm rộ xuống đường ở thủ phủ kinh tế Rangoon, bất chấp đe dọa trả đũa từ các tướng lĩnh.
Một số nhân chứng cho biết cảnh sát đã bắn chỉ thiên để tìm cách giải tán đám đông. Lực lượng an ninh đã sử dụng vòi rồng để cố gắng đẩy lùi người biểu tình và đã bị ném gạch đá chống trả.
Tại quận San Chaung, nhiều giáo viên đã tuần hành trên các con phố chính, giơ ba ngón tay lên chào theo kiểu được người biểu tình chống đảo chánh thực hiện. Họ đã thách thức lệnh cấm tụ tập quá 5 người do quân đội áp đặt từ hôm qua tại các thành phố chính của Miến Điện, viện cớ có gian lận trong cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 11/2020 để biện minh cho cuộc đảo chính.
Cũng hôm qua, quân đội Miến Điện lên tiếng đe dọa trả đũa chống lại những người biểu tình, bị buộc tội "phá hủy sự ổn định của Nhà nước".
Ngoài Rangoon, người biểu tình cũng tập hợp trước trụ sở của Liên đoàn quốc gia vì dân chủ của bà Aung San Suu Kyi. Họ mặc trang phục màu đỏ - màu của dảng - và mang theo chân dung của nhà lãnh đạo của họ, bị bắt sau khi bị quân đội lật đổ.
Tại thủ đô Naypyidaw, lực lượng an ninh cũng đã sử dụng vòi rồng chống lại một nhóm nhỏ những người biểu tình ủng hộ dân chủ, những người không chịu giải tán trước một trạm kiểm soát an ninh.
Tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Miến Điện, cảnh sát đã sử dụng hơi cay "chống lại những người biểu tình vẫy cờ của Liên đoàn quốc gia vì dân chủ.
Cộng đồng quốc tế tiếp tục tố cáo cuộc đảo chánh tại Miến Điện
Ngay sau khi nổ ra cuộc đảo chánh hôm 01/02, nhiều nước phương Tây đã lên tiếng phản đối.
Nước phản ứng mạnh nhất là New Zealand. Theo hãng tin Anh Reuters, vào hôm nay, 09/02/2021, thủ tướng Jacinda Ardern cho biết sẽ tạm ngừng tất cả hoạt động tiếp xúc cấp cao với Miến Điện, đồng thời áp đặt lệnh cấm đi lại đối với các lãnh đạo quân đội Miến Điện.
New Zealand khẳng định nước này hiện không công nhận chính quyền do quân đội lãnh đạo là chính quyền hợp pháp của Miến Điện.
Còn tại Mỹ, trong một cuộc họp báo hôm qua, ông Ned Price, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng bày tỏ thái độ quan ngại trước lệnh hạn chế tụ tập mà quân đội Miến Điện ban hành. Ngay sau cuộc đảo chính ngày 01/02, Washington tìm cách liên lạc với bà Aung San Suu Kyi, theo các kênh "cả chính thức lẫn không chính thức", nhưng các yêu cầu của Mỹ đã bị quân đội Miến Điện từ chối.
Trọng Nghĩa
********************
Thanh Hà, RFI, 08/02/2021
Tình hình Miến Điện tiếp tục sôi sục một tuần sau cuộc đảo chính. Ngày 08/02/2021 hàng trăm ngàn người biểu tình tại thành phố Rangoon đòi quân đội trả lại quyền lực cho nhân dân. Trong ba ngày liên tiếp phong trào phản kháng lớn dần. Ở thủ đô Naypyidaw, cảnh sát Miến Điện lần đầu tiên dùng vòi rồng giải tán đám đông.
Theo ghi nhận của phóng viên hãng tin Pháp AFP, hai người bị thương vào hôm nay trong cuộc đụng độ với lực lượng cảnh sát tại Naypyidaw. Không chỉ ở Rangoon hay Naypyidaw, tại nhiều tỉnh thành trên toàn quốc, làn sóng phản đối càng lúc càng lớn. Những người phản đối đảo chính kêu gọi một cuộc "tổng đình công". Sau các giáo chức, giới sinh viên và kể cả một số nhân viên Nhà nước, đến lượt y tá, các tăng ni, luật sư, thành phần công nhân thợ thuyền nhập cuộc.
Hàng trăm ngàn người xuống đường với màu cờ của Liên đoàn quốc gia vì dân chủ, đòi tập đoàn quân sự trả lại quyền lực cho nhân dân và trả tự do cho lãnh đạo đảng này là bà Aung San Suu Kyi. Đoàn tuần hành hô to khẩu hiệu "Trả tự do cho những nhà lãnh đạo của chúng tôi", "Hãy tôn trọng lá phiếu của người dân". Một thanh niên 29 tuổi nói với phóng viên AFP : "Chúng tôi không còn sợ hãi".
Trên đài RFI, một quan chức Nhà nước 52 tuổi giải thích với nhà báo Marie Normand rằng quân đội phải trao trả quyền lực cho người dân, nhưng không muốn cộng đồng quốc tế trừng phạt Miến Điện :
"Chúng tôi đã trải qua kinh nghiệm rất tệ về các trừng phạt. Những biện pháp này không đem lại kết quả. Các nước Châu Âu muốn trừng phạt tập đoàn quân sự, nhưng người dân lại hứng chịu hậu quả nhiều hơn giới tướng lĩnh. Tôi không muốn Miến Điện bị trừng phạt. Điều tốt nhất cộng đồng quốc tế có thể làm là gây áp lực với tập đoàn quân sự để buộc họ phải đàm phán và tìm ra một lối thoát cho tình hình hiện nay tại Miến Điện. Theo tôi, giải pháp này sẽ giúp cho bên quân đội không bị mất mặt, đồng thời cho phép Liên đoàn quốc gia vì dân chủ của bà Aung San Suu Kyi trở lại cầm quyền. Tuy nhiên, nếu như bên quân đội giữ nguyên lập trường thì không có hy vọng gì cả. Chúng tôi cần có sự giúp đỡ không chỉ của Hoa Kỳ mà cả từ phía Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Châu Âu và các nước ASEAN. Quốc tế phải đoàn kết để gây sức ép với tập đoàn quân sự, buộc giới tướng lĩnh phải đàm phán với các lãnh đạo của Liên đoàn quốc gia vì dân chủ".
Tập đoàn quân sự Miến Điện từ sau cuộc đảo chính đã im lặng, nhưng sáng nay, đài truyền hình Nhà nước MRTV để ngỏ khả năng sẽ "hành động nhắm vào những phần tử gây rối loạn, cản trở và phá hoại ổn định quốc gia, đe dọa an ninh công cộng và Nhà nước pháp quyền".
Về phản ứng quốc tế, chính quyền Canberra lo ngại cho số phận một công dân Úc, giáo sư Sean Turnell, bị quản thúc tại khách sạn từ hôm Thứ Bảy 06/02/2021. Giáo sư Turnell là cố vấn về kinh tế cho bà Aung San Suu Kyi.
Theo tin giờ chót, tập đoàn quân sự Miến Điện thông báo ban hành thiết quân luật tại nhiều khu vực ở thành phố Mandalay. Đây là thành phố lớn thứ nhì trên toàn quốc. Kể từ 8 giờ tối đến 4 giờ sáng giờ địa phương, mọi cuộc tập hợp quá 5 người đều bị cấm tại những nơi thiết quân luật đã ban hành
Thanh Hà
************************
Trọng Thành, RFI, 07/02/2021
Cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân sự Miến Điện đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò của Trung Quốc. Báo Nhật Nikkei Asia hôm 07/02/2021, có bài đưa ra thông tin đáng chú ý : "Nợ Trung Quốc của Miến Điện sụt giảm 26% trong thời gian Aung San Suu Kyi nắm quyền".
Nikkei Asia dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới, theo đó, nợ Trung Quốc của Miến Điện vào cuối năm 2019 chỉ còn 3,34 tỉ đô la, thấp hơn 26% so với cuối năm 2015, tức trước khi đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ lên nắm quyền. Nikkei Asia so sánh đà sụt giảm về nợ nần với Trung Quốc của Miến Điện với tình hình Liên đoàn quốc gia vì dân chủ ngược lại ở hai nước láng giềng Đông Nam Á. Trong cùng khoảng thời gian này, nợ của Lào tăng vọt 72%, nợ của Cam Bốt tăng 34%.
Riêng về nợ nước ngoài của Miến Điện nói chung, tỉ lệ nợ Trung Quốc trên tổng số nợ chung, từ 45% tụt xuống còn 30% trong thời gian 4 năm cầm quyền của Liên đoàn quốc gia vì dân chủ. Chính phủ Aung San Suu Kyi rất lo ngại rơi vào "bẫy nợ" của Trung Quốc, bởi sẽ có nguy cơ buộc Miến Điện phải nhượng một số cơ sở hạ tầng chiến lược cho Bắc Kinh.
Một ví dụ tiêu biểu của việc điều chỉnh chiến lược của Miến Điện là dự án xây cảng ở Kyaukpyu, bên bờ Ấn Độ Dương. Cảng này cho phép đưa dầu lửa và khí đốt từ biển vào tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, thông qua hai đường ống dài 870 km. Với tuyến cung ứng nhiên liệu này, Trung Quốc sẽ không bị phụ thuộc vào tuyến đường qua eo biển Malacca. Dự án ban đầu có trị giá tới 7,2 tỉ đô la, nhưng sau đó đã giảm xuống còn 1,3 tỉ đô la vào lúc thỏa thuận được ký kết năm 2018. Chính phủ Miến Điện đã yêu cầu thay đổi nhiều nội dung của dự án.
Tuy nhiên, nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế không dễ dàng. Trung Quốc vẫn là bạn hàng lớn, chiếm 30% tổng trao đổi thương mại của Miến Điện. Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Miến Điện dễ thấy, đa số xe buýt lưu hành ở Rangoon được sản xuất tại Trung Quốc là một ví dụ. Trung Quốc xem khối ASEAN là khu vực quan trọng trong dự án Con đường tơ lụa mới, đầy tham vọng, có tên gọi chính thức là "Một Vành Đai, Một Con Đường". Tổng đầu tư của Trung Quốc vào khối ASEAN trong dự án này là hơn 300 tỉ đô la, riêng tại Miến Điện là hơn 20 tỉ.
Cuộc khủng hoảng người Rohingya, bị quân đội Miến Điện truy bức, khiến cho nỗ lực thoát phụ thuộc vào Trung Quốc càng trở nên khó khăn hơn với chính phủ dân sự, bởi Miến Điện bị quốc tế lên án, các nhà đầu tư phương Tây xa lánh. Cuộc đảo chính vừa qua có thể dẫn đến các trừng phạt quốc tế mới. Trong trường hợp đó, giới quân sự Miến Điện sẽ tìm đến sự hỗ trợ của Trung Quốc.
Về phần mình, cho đến nay, về mặt chính thức, Trung Quốc không lên án đảo chính, không can thiệp, và chọn thái độ chờ đợi. Một nguồn tin từ nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc cho Nikkei Asia biết "cách thức xử lý vấn đề Miến Điện cũng còn phụ thuộc vào phía Mỹ".
Bài viết của Nikkei được đăng tải sau khi Tokyo cảnh báo là việc phương Tây trừng phạt nghiêm khắc cuộc đảo chính của giới quân sự Miến Điện có nguy cơ sẽ đẩy Miến Điện vào vòng tay Trung Quốc (Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Yasuhide Nakayama trả lời Reuters ngày 02/02/2021).
Trọng Thành
***********************
Thu Hằng, RFI, 07/02/2021
Tròn một tuần, quân đội Miến Điện tiến hành đảo chính ngày 01/02/2021, ban hành tình trạng khẩn cấp một năm, bắt giam nhiều nhà lãnh đạo dân sự. Người Miến Điện sống tại Malaysia vẫn chưa hết bàng hoàng khi thấy quê hương trở lại thời kỳ tối tăm. Họ chủ yếu theo Công Giáo và Hồi Giáo, từng trải qua khổ ải dưới thời tập đoàn quân sự và phải bỏ trốn vì bạo lực của quân đội.
Thông tín viên RFI Gabrielle Maréchaux đã gặp một số người ở Kuala Lumpur :
"Khi Cung kể về những cuộc nói chuyện mà anh có thể có được với gia đình vẫn ở Miến Điện, nỗi lo sợ ngự trị trong họ từ thứ Hai 04/02, bàn tay của họ cứng lại rồi đập mạnh xuống bàn.
Cung nói : "Dĩ nhiên là họ nói với tôi : "Con trai ơi, làm ơn hãy về nhà". Chị gái tôi cũng nói : "Về nhà đi em" nhưng tôi đành nói với họ là tôi không thể. Vì chị biết đấy, một người tị nạn như tôi, tôi có câu chuyện riêng của mình, tôi đã kể lại cho Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn. Giới quân đội biết tôi đã nói những gì, vì thế nếu tôi về, họ có thể viện vào câu chuyện này để tống giam tôi".
Một người tị nạn Miến Điện khác, không muốn nói tên, thì sợ nói chuyện với những người thân còn ở lại trong nước. Khi anh nghĩ đến họ, những ngón tay của anh ấn mạnh lên đùi.
Anh nói : "Tôi không dám hỏi họ về tình hình trong nước vì nếu quân đội biết được rằng chúng tôi nói về những chuyện đang xảy ra, họ có thể bị vạ lây. Tôi không quan tâm đến mình nhưng tôi nghĩ cho người thân còn ở Miến Điện".
Viễn cảnh về nước từng chỉ là cơ hội mong manh đối với người đàn ông ẩn danh thứ hai, giờ đã biến mất hoàn toàn với cú đảo chính. Anh nói : "Chúng tôi không còn hy vọng nữa. Còn tôi thì không tài nào ăn uống được".
Tuyệt vọng, nhưng những người tị nạn Miến Điện này lại không bất ngờ về tình trạng bạo lực của tập đoàn quân sự trong tuần vừa qua. Người đàn ông thứ ba, muốn giấu danh tính, nói : "Chúng tôi biết rằng nếu quân đội muốn làm gì đó, họ có thể đạt được, vào bất kỳ lúc nào, tất cả những gì họ muốn. Vì thế sẽ còn có thêm những các vụ tra tấn, hành quyết tại những ngôi làng, đặc biệt là ở bang Chin".
Người tị nạn theo Công gáo này chỉ biết tìm chút hy vọng trong những lời cầu nguyện. Vì theo anh, khi có chút hy vọng thì có thêm chút sức mạnh".
Thu Hằng