Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

07/03/2021

Miến Điện : Căng thẳng tiếp tục leo thang giữa nhân dân và quân đội

RFI tổng hợp

Quân đội vây bắt ban lãnh đạo đảng NLD trong đêm

Minh Anh, RFI, 07/03/2021

Trong đêm thứ bảy, rạng sáng chủ nhật 07/03/2021, quân đội Miến Điện tiến hành một đợt vây bắt thô nhắm vào các lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi. Những người chống đối cuộc đảo chính của quân đội kêu gọi tiếp tục xuống đường, trong hai ngày hôm nay và ngày mai.

miendien1

Người biểu tình chống đảo chính quân sự với các khiên chắn tự chế, chuẩn bị đối đầu với cảnh sát, Rangoon, ngày 06/03/2021  via Reuters

Ông Soe Win, một trong những lãnh đạo của đảng NLD cho biết hiện chưa rõ có bao nhiêu người đã bị bắt. Quân đội đã đánh đập và tra tấn người anh của một luật sư thuộc đảng NLD, vì đã không tìm được người luật sư. 

Truyền thông nhà nước đe dọa những nghị sĩ dân sự nào không công nhận tính chính đáng của cuộc đảo chính, và có tham dự vào việc thành lập một ủy ban đại diện cho chính phủ dân sự, có thể bị khép tội "phản quốc" và có nguy cơ lãnh án từ 22 năm tù giam đến tử hình.

Quân đội Miến Điện những ngày gần đây bất chấp phản đối của cộng đồng quốc tế đã gia tăng mức độ bạo lực, không ngần ngại sử dụng đạn thật bắn vào người biểu tình. Các hình ảnh phát tán trên mạng xã hội cho thấy các lực lượng an ninh đã nã súng thẳng vào người dân.

Biểu tình tiếp diễn, nhiều người bỏ trốn

AFP cho biết thêm là đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (PUSD), được quân đội hậu thuẫn cũng tham gia vào các cuộc tấn công. Một đại diện địa phương của đảng NLD, cùng với người cháu trai 17 tuổi, đã bị các thành viên của PUSD giết chết.

Vẫn theo hãng tin Pháp, trước tình hình mỗi lúc một thêm xấu, nhiều người dân Miến Điện bắt đầu trốn khỏi đất nước. Ít nhất có khoảng 50 người, trong đó có 8 sĩ quan cảnh sát đã cùng gia đình chạy sang Ấn Độ xin tị nạn, vì không muốn tham gia vào các cuộc trấn áp. Tập đoàn quân sự Miến Điện đã có thư ngỏ yêu cầu Ấn Độ trao trả 8 cảnh sát trên, "nhằm duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước". Hiện chính quyền New Dehli chưa có phản ứng.

Sa thải công chức đình công

Tính đến hôm nay, các cuộc trấn áp của quân đội nhắm vào người biểu tình đã làm cho 50 người thiệt mạng. Các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục trong ngày hôm nay tại nhiều thành phố lớn như Rangoon – thủ phủ kinh tế của đất nước, Bagan và Mandalay (miền trung), và Dawei (miền nam).

Phong trào đấu tranh kêu gọi một cuộc đình công lớn trong ngày Chủ Nhật và thứ Hai. Cuộc tổng đình công này có thể gây tác động lớn, trong bối cảnh kinh tế Miến Điện vốn đã trở nên mong manh, khi nhiều ngân hàng không còn khả năng hoạt động, bệnh viện đóng cửa, các cơ quan hành chính không còn người làm việc… Trước nguy cơ nổ ra các cuộc đình công mới, truyền thông nhà nước Miến Điện cảnh báo công chức tham gia đình công "sẽ bị sa thải kể từ ngày 08/03".

Minh Anh

********************

Miến Điện : Biểu tình tiếp diễn, Liên Hiệp Quốc bị chia rẽ

Thanh Phương, RFI, 06/03/2021

Hôm 06/03/2021, những người biểu tình đòi dân chủ tiếp tục xuống đường tại Miến Điện, trong khi đó Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lại bị chia rẽ trên hồ sơ này.

miendien2

Người dân biểu tình chống đảo chính tại Rangoon, Miến Điện, ngày 02/03/2021.  AP

Đã có ít nhất 55 người thiệt mạng kể từ đầu phong trào biểu tình chống cuộc đảo chính quân sự ngày 01/02 lật đổ chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi. Nhưng bất chấp sự đàn áp khốc liệt của tập đoàn quân sự, những cuộc tuần hành đòi tái lập dân chủ vẫn tiếp diễn hôm nay 06/03 tại nhiều nơi ở Miến Điện. Theo hãng tin AFP, tại thành phố Loikaw ở miền trung, hàng trăm người, trong đó có các giáo viên, đã giương cao những biểu ngữ kêu gọi bất phục tùng dân sự.

Những lời kêu gọi đình công đã có một tác động đến một số lĩnh vực kinh tế vốn đang bị suy yếu ở Miến Điện : ngân hàng ngưng hoạt động, bệnh viện đóng cửa và văn phòng các bộ của chính phủ không một bóng người. Báo chí nhà nước đã yêu cầu các công chức trở lại làm việc, nếu không "họ sẽ bị sa thải kể từ ngày 08/03".

Nhưng phe quân sự cũng nhất quyết dập tắt phong trào biểu tình và từ mấy ngày qua đã không ngần ngại sử dụng vũ khí sát thương để đàn áp. Hôm qua 05/03, một người đàn ông 26 tuổi đã bị trúng đạn tử thương trong một cuộc tập hợp tại thành phố Mandalay. Các tướng lãnh Miến Điện lại càng bất chấp những lời lên án của quốc tế khi thấy rằng ngay chính Liên Hiệp Quốc đang bị chia rẽ về giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này.

Trong cuộc họp hôm qua tại New York, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã không thể đạt được đồng thuận về một bản tuyên bố chung. Theo các nguồn tin ngoại giao được hãng tin AFP trích dẫn, các cuộc đàm phán về nội dung văn bản này sẽ tiếp diễn vào tuần tới.

Sau cuộc họp của Hội đồng Bảo an, đại sứ Anh Barbara Woodward tuyên bố : "Chúng tôi sẵn sàng dự trù các biện pháp trừng phạt quốc tế chiếu theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc nếu tình hình ngày càng xấu đi". Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đã ban hành các biện pháp trừng phạt chế độ quân sự, nhưng đã có những lời kêu gọi ban hành một lệnh cấm vận quốc tế về vũ khí đối với Miến Điện, một quyết định cần phải có sự đồng ý của toàn bộ thành viên Hội đồng Bảo an.

Trong bối cảnh như vậy, có vẻ rất khó mà đạt được sự "đoàn kết nhất trí" theo lời kêu gọi của đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, Christine Schraner Burgener. Hôm qua, bà đã than phiền : "Niềm hy vọng mà người dân Miến Điện đặt vào Liên Hiệp Quốc và các nước thành viên đang giảm đi".

Thanh Phương

*********************

Miến Điện : Áp lực quốc tế gia tăng, biểu tình tiếp diễn

Thanh Phương, RFI, 05/03/2021

Quốc tế gia tăng áp lực đối với tập đoàn quân sự ở Miến Điện, hiện vẫn đàn áp dã man những người biểu tình đòi tái lập dân chủ. Hôm nay, 05/03/2021, người dân tiếp tục xuống đường.

miendien3

Người biểu tình phản đối đảo chính lập hàng rào trên đường phố, Rangoon, Miến Điện, ngày 04/03/2021. Reuters - Stringer

Chính quyền Mỹ, vào hôm /03, đã loan báo các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Miến Điện, cụ thể là ban hành các hạn chế về xuất khẩu sang nước này, đồng thời đưa vào danh sách đen hai bộ quốc phòng và nội vụ của Miến Điện cùng với hai công ty do bộ quốc phòng nước này nắm giữ. Trước đó, Washington đã ban hành các biện pháp trừng phạt tài chính nhắm vào tập đoàn quân sự sau cuộc đảo chính.

Trong một báo cáo công bố hôm qua, Thomas Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, nhấn mạnh "cho dù tương lai của Miến Điện là do chính người dân nước này quyết định, cộng đồng quốc tế phải có hành động khẩn cấp và kiên quyết để yểm trợ họ".

Ông Thomas Andrews đề nghị Hội đồng Bảo an, sẽ họp kín hôm nay để thảo luận về tình hình Miến Điện, ban hành "lệnh cấm vận toàn thế giới" đối với chế độ quân sự ở Naypyidaw, đồng thời ban hành các trừng phạt nhắm vào các tướng lãnh Miến Điện.

Nhưng theo thông tín viên Carrie Nooten từ New York, cho tới nay, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vẫn chưa có phản ứng mạnh trước sự đàn áp ngày càng khốc liệt ở Miến Điện :

"Hơn một tháng sau cuộc đảo chính, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chỉ ra được một tuyên bố chung rất ngắn gọn, đặc sứ Liên Hiệp Quốc vẫn chưa được đến tận nơi và tại New York, người ta chỉ nói sơ qua về việc bà Aung San Suu Kyi ra tòa cách đây 3 ngày. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc chỉ lập đi lập lại những lời kêu gọi giống nhau.

Trong khi đó, các thành viên Hội đồng Bảo an nói rằng họ chờ tuyên bố của hiệp hội ASEAN, mà nội dung rốt cuộc khá là đáng thất vọng. Thế mà vấn đề này rất quan trọng, bởi vì tiến trình dân chủ hóa đang lâm nguy. Những người không phải là nhà ngoại giao đang sốt ruột trước phản ứng chậm chạp của Liên Hiệp Quốc. Nhưng các nhà thương thuyết thừa hiểu một điều : Phải rất thận trọng với Trung Quốc, vốn vẫn ủng hộ phe quân sự ở Miến Điện và có thể dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn tất cả. Một số nhà thương thuyết nhắc lại : chỉ riêng việc đưa Miến Điện vào nghị trình của Hội đồng Bảo an và thừa nhận có "đảo chính" ở Miến Điện đã là một kỳ công rồi. Họ nghĩ rằng Bắc Kinh cũng có thể sẽ thay đổi lập trường, do tác động của ngành ngoại giao Hoa Kỳ. Hôm nay, có thể Trung Quốc sẽ đưa ra nhiều bảo đảm hơn là bình thường. Chúng ta sẽ biết được qua nội dung bản tuyên bố của Hội đồng Bảo an".

Về tình hình tại chỗ, bất chấp sự đàn áp khốc liệt, theo hãng tin AFP, các cuộc biểu tình vẫn được tổ chức ở nhiều thành phố Miến Điện hôm nay. Đặc biệt tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai của nước này, hàng trăm kỹ sư đã xuống đường với khẩu hiệu "Hãy trả tự do cho lãnh đạo của chúng tôi !" - "Đừng phục vụ quân đội, hãy rời bỏ đi !". Cũng tại đây, hôm qua rất nhiều người đã dự tang lễ cô Kyal Sin, 19 tuổi, bị bắn chết ngày hôm trước và nay trở thành biểu tượng của phong trào phản kháng.

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, kể từ sau cuộc đảo chính cho đến nay, đã có ít nhất 54 thường dân thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

Thanh Phương

***********************

Miến Điện : Chính quyền quân sự thẳng tay trấn áp, 38 người biểu tình tử vong

Thanh Hà, RFI, 04/03/2021

Miến Điện vừa trải qua ngày đẫm máu nhất từ sau cuộc đảo chính với ít nhất 38 người biểu tình tử vong theo thẩm định của Liên Hiệp Quốc.

miendien4

Đám tang của một cô gái 19 tuổi bị bắn vào đầu khi lực lượng an ninh nổ súng vào đoàn biểu tình. Ảnh chụp ngày 04/03/2021 tai thành phố Mandalay (Miến Điện).  Reuters - Stringer

Hôm 03/03/2021, quân đội nã súng vào các đoàn biểu tình. Đại diện của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, bà Christine Shraner Burgener cho biết, có "ít nhất 38 người chết" trong số này có một nạn nhân mới 14 tuổi. Từ đầu cuộc đảo chính hôm 01/02/2021 đến nay đã có hơn 50 người thiệt mạng và "hàng chục người bị thương". Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ của bà Aung San Suu Kyi treo cờ rủ tại các văn phòng của đảng này trên toàn quốc để tưởng niệm các nạn nhân.

Hôm 04/03/2021 người biểu tình tiếp tục xuống đường cho dù số người tham dự có phần thưa thớt hơn như tường thuật của thông tín viên RFI, Juliette Verlin tại chỗ : 

"Mặc dù số thương vong hôm qua lên rất cao người biểu tình vẫn tập hợp trên đường phố Rangoon trong ngày hôm nay. Cho tới hiện tại, tình hình khá yên ắng. Một phụ nữ đang chung tay với dân phố dựng một rào cản trên con đường ở khu vực San Chaung tại Rangoon. Người ta khiêng tất cả những gì tìm thấy được ở một công trường gần sát cạnh đây để dựng rào cản bảo vệ. Nào là bao xi-măng, gạch, đá, và kể cả lốp xe…

Phần đông là các thanh niên trang phục như đi ra trận. Người thì mang mặt nạ chống hơi cay, người thì đem theo khiên gỗ hay bằng nhựa và thậm chí họ mang theo cả ăng-ten chảo để chống đạn và dùi cui của cảnh sát.

Ở phía trước những người biểu tình là cảnh sát. Người biểu tình tìm cách thương lượng và giải thích với nhân viên an ninh là không muốn gây sự với cảnh sát mà chỉ muốn "hỏi tội" tướng Min Aung Hlaing mà thôi. Một phụ nữ biểu tình hơi thất vọng vì số người tham gia không đông lắm, nhưng đây là điều dễ hiểu sau biến cố đẫm máu hôm qua.

Rào cản đầu tiên của phe biểu tình đã bị một máy ủi phá vỡ trong vài phút, nhưng một rào cản thứ nhì đã nhanh chóng được dựng lên thay thế ngay sau khi cảnh sát quay lưng đi. Một chuỗi người chuyền tay nhau những bao ny-long đựng nước để dập hơi cay. Hôm qua, đến cuối ngày cảnh sát mới bắn vào người biểu tình. Mọi người lo ngại kịch bản này tái diễn hôm nay".

Phán ứng quốc tế

Tổng thống Pháp kêu gọi giới tướng lãnh cầm quyền tại Miến Điện "ngưng ngay lập tức" việc đàn áp phong trào phản kháng. Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình để thuyết phục giới tướng lĩnh Miến Điện dừng tay.

Hiện tại Trung Quốc và Nga, không chính thức lên án cuộc đảo chính tại Miến Điện và vẫn xem đây là "cộng việc nội bộ" của quốc gia Đông Nam Á này.

Thanh Hà

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh, Thanh Phương, Thanh Hà
Read 550 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)