Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

27/02/2021

Tình hình chính trị Miến Điện đến nay vẫn chưa rõ ràng

RFI tổng hợp

Đại sứ Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc lên án tập đoàn quân sự

Thanh Phương, RFI, 27/02/2021

Hôm 26/02/2021, đại sứ Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc, Kyaw Moe Tun, đã gây bất ngờ ngoạn mục khi ông thẳng thừng lên án tập đoàn quân sự, yêu cầu chấm dứt ngay cuộc đảo chính và kết thúc bài phát biểu với ba ngón tay đưa lên, biểu tượng cho phong trào phản kháng ở Miến Điện.

miendien1

Đại sứ Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc Kyaw Moe Tun giơ ba ngón tay lên chào theo kiểu phong trào phản kháng ở Miến Điện, ngày 27/02/2021 ngay tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York (Hoa Kỳ).  AP

Từ New York, thông tín viên RFI Carrie Nooten gởi về bài tường trình :

"Hiện giờ tại Rangun, tập đoàn quân sự tìm đủ mọi cách để xóa sạch những dấu vết của cuộc đảo chính. Về phần đại sứ Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc, ông đã dùng diễn đàn ngoại giao lớn nhất để lên án những hành động của các tướng lãnh, đặc biệt là kể từ ngày 01/02 và nói chung là kể từ hàng mấy thập niên qua.

Ông đã phát biểu ngay sau cuộc họp báo của của đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Miến Điện. Vị đặc sứ này vừa tuyên bố là đã đến lúc "gióng tiếng chuông báo động" về những hành động vi hiến ở nước này.

Mở đầu bài phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, rất xúc động, đại sứ Kyaw Moe Tun nhắc lại rằng ông đại diện cho chính phủ được bầu lên một cách dân chủ và đại diện cho đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ của bà Aung San Suu Kyi. Ông trích tuyên bố tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres rằng một cuộc đảo chính quân sự là không thể chấp nhận được trong thế giới hiện nay.

Rồi, trong suốt 12 phút, ông Kyaw Moe Tun lên án những áp lực và những tội ác của quân đội đối với thường dân và đặc biệt là đối với các sắc tộc thiểu số. Đại sứ Miến Điện nói thẳng đó là những tội ác chống nhân loại.

Có những lúc giọng nói của ông khản đặc, nhất là khi ông yêu cầu cộng đồng quốc tế có một hành động mạnh hơn để tái lập nền dân chủ. Ông kết thúc bài phát biểu bằng ngôn ngữ của ông để ngỏ lời với người dân Miến Điện, với ba ngón tay giơ lên, biểu tượng của phong trào phản kháng trong nước".

Về tình hình tại chổ, theo hãng tin AFP, hôm nay, cảnh sát đã bắn đạn cao su để giải tán những người biểu tình tập hợp tại Rangoon để đòi tái lập nền dân chủ.

Hiện chưa biết đạn thật có đã được sử dụng hay không. Người ta chỉ thấy là từ một ngã tư, cảnh sát truy đuổi người biểu tình và các phóng viên chạy trốn vào các tòa nhà lân cận. Trong số những người bị bắt giữ hôm nay, có ba phóng viên

Thanh Phương

********************

Anh trừng phạt 6 sĩ quan Miến Điện, biểu tình chống đảo chính tiếp diễn

Thu Hằng, RFI, 26/02/2021

Mặc dù bị nhiều người ủng hộ tập đoàn quân sự tấn công ngày 25/02/2021, hàng nghìn người Miến Điện tiếp tục xuống đường chống quân đội đảo chính trong ngày hôm nay 26/02. Trong khi đó, Anh Quốc thông báo trừng phạt 6 sĩ quan cấp cao Miến Điện, trong đó có thống tướng Min Aung Hliang, tổng tư lệnh quân đội, người đứng sau vụ đảo chính ngày 01/02.

miendien2

Người dân Miến Điện biểu tình tại Mandalay ngày 22/02/2021.  AFP - STR

Theo AP, lực lượng an ninh được huy động tại thành phố Rangoon đã nổ súng cảnh cáo và dùng vòi rồng giải tán khoảng 1.000 người biểu tình tập trung trước một trung tâm thương mại nổi tiếng.

Người dân Miến Điện cũng xuống đường tại thành phố lớn thứ hai Mandalay. Một nhóm nữ tu giương nhiều khẩu hiệu bằng tiếng Anh : "Chúng tôi cần hành động ngay lập tức của quân đội Mỹ". Nhiều người khác yêu cầu : "Trả tự do cho nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi của chúng tôi", hoặc "Hãy cầu nguyện cho Miến Điện" và "Phản đối quân đội đảo chính". Lực lượng an ninh đã phong tỏa trục đường chính ở trung tâm thành phố để ngăn người biểu tình tập hợp.

Phe ủng hộ tập đoàn quân sự không có kế hoạch xuống đường ngày 26/02. Vào hôm 25/02, nhiều người thuộc phe này đã dùng dao và gậy sắt tấn công người biểu tình chống đảo chính ở Rangun, khiến nhiều người bị thương. Một số đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy cảnh sát có mặt tại hiện trường nhưng không can thiệp. Theo trang The Irrawaddy, kể từ khi quân đội đảo chính ngày 01/02, đã có 8 người Miến Điện thiệt mạng vì bị bắn hoặc vì bạo lực cảnh sát.

Thống tướng Min Aung Hliang bị Anh trừng phạt

Để lên án đảo chính, ngày 25/02, Vương quốc Anh trừng phạt thêm 6 sĩ quan của tập đoàn quân sự Miến Điện, trong đó có thống tướng Min Aung Hliang. Trước đó, 3 quan chức cấp cao của quân đội Miến Điện, trong đó có bộ trưởng Quốc Phòng và Nội Vụ, đã bị Luân Đôn trừng phạt vì vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Thông tín viên Muriel Delcroix tại Luân Đôn giải thích rõ hơn về các biện pháp trừng phạt của Anh :

"Các biện pháp trừng phạt mà Luân Đôn thông báo đã có hiệu lực ngay lập tức. Điều này có nghĩa là sáu sĩ quan cấp cao của quân đội Miến Điện từ giờ bị cấm nhập cảnh Vương Quốc Anh và sẽ không thể kinh doanh với các doanh nghiệp Anh được nữa.

Nhưng Luân Đôn chưa dừng ở đó : Bộ Ngoại Thương sẽ tìm cách để không một doanh nghiệp nào của Anh có thể hợp tác với các công ty thuộc tập đoàn quân sự Miến Điện. Cùng lúc, chính phủ Anh cũng nêu rõ rằng "mọi sự trợ giúp có thể được gián tiếp sử dụng để hỗ trợ quân đội cũng đã bị đình chỉ" và "Luân Đôn sẽ áp dụng các biện pháp để bảo đảm rằng sự hỗ trợ đó sẽ chỉ dành cho những người dân gặp nhiều khó khăn nhất ở Miến Điện".

Trong một thông cáo kèm theo các biện pháp trừng phạt, ngoại trưởng Dominic Raab tuyên bố rằng loạt biện pháp này nhằm gửi "một thông điệp rõ ràng đến chế độ quân sự Miến Điện : Những người cầm đầu các vụ vi phạm nhân quyền sẽ phải chịu trách nhiệm và chính quyền quân sự phải trả lại quyền lực cho người dân Miến Điện. Vương Quốc Anh và các đồng minh quốc tế ủng hộ dân chủ và quyền tự do ngôn luận của người dân Miến Điện".

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Phương, Thu Hằng
Read 426 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)