Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

26/02/2021

Điểm báo Pháp - Đối sách Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Đối sách Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc : Phủ nhận triệt để và hù dọa nạn nhân

Sức lây lan đáng ngại của Covid-19 và các hệ quả, đặc biệt là trên bình diện xã hội tại Pháp, tiếp tục là chủ đề ngự trị trên trang nhất báo Pháp ra ngày hôm nay, 26/02/2021, được cả Le Monde, La Croix lẫn Les Echos dành cho tựa lớn. Còn về các hồ sơ quốc tế, nổi bật hơn cả có lẽ là sự kiện nước Pháp, cùng với nhiều quốc gia khác, đang gia tăng sức ép trên Trung Quốc về hồ sơ Duy Ngô Nhĩ buộc Bắc Kinh phải vất vả chống đỡ.

doisach1

Người Duy Ngô Nhĩ tại Urumqi, Tân Cương. Ảnh tư liệu 1/05/2014.  Reuters/Petar Kujundzic

Trong bài "Vấn đề số phận người Duy Ngô Nhĩ được nêu lên tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc", Le Monde nhắc lại rằng Trung Quốc trong những ngày qua lại liên tiếp bị vạch mặt chỉ tên vì những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, nhân khóa họp thường kỳ của Hội Đồng Nhân Quyền mà Bắc Kinh là một trong số 47 thành viên.

Trên diễn đàn này, cả hai ngoại trưởng Pháp (ngày 24/02) và Anh (ngày 23/02), đều đã lên tiếng tố cáo các hành vi của Trung Quốc tại Tân Cương với những lời lẽ rất nghiêm khắc. Nhật báo Pháp cũng không quên sự kiện là hôm thứ Hai, 22/02, Nghị Viện Canada đã nhất trí thông qua một nghị quyết không ràng buộc, xem cách hành xử của Bắc Kinh đối với thiểu số người Duy Ngô Nhĩ là tội ác "diệt chủng".

Lớn tiếng phủ nhận mọi cáo buộc

Đối với Le Monde, vấn đề Duy Ngô Nhĩ như đã trở thành điểm không thể tránh né trong quan hệ phương Tây - Trung Quốc, và Bắc Kinh vẫn làm mọi cách để ngăn chặn những lời chỉ trích.

Trong phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền hôm 22/02, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tiếp tục phủ nhận mọi cáo buộc, xem đấy là "những tuyên bố giật gân bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết, thành kiến và ý đồ thổi phồng chính trị hoàn toàn có tính vu khống". Theo ông Vương Nghị, Trung Quốc sẵn sàng nghênh đón Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bà Michèle Bachelet, đến tận nơi xem xét tình hình.  

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Le Monde, Bắc Kinh đã áp đặt đủ loại điều kiện cho chuyến thăm đã được yêu cầu từ lâu, làm dấy lên lo ngại về một mưu toan dàn dựng, theo kiểu các "học viên thực tập" người Duy Ngô Nhĩ "ca hát và nhảy múa" đón chào hàng trăm nhà ngoại giao và nhà báo từ các nước bạn bè, đã được Trung Quốc mời đến Tân Cương trong hai năm gần đây.

Ngoại giao Trung Quốc trong tình trạng báo động vì Tân Cương

Theo Le Monde, trên vấn đề Tân Cương, ngành ngoại giao Trung Quốc đang ở trong tình trạng báo động, với chỉ thị được đưa ra là phải phản bác mọi chỉ trích một cách có hệ thống.

Một ví dụ được tờ báo Pháp nêu bật là sự kiện đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp, ngày 23/02, công bố trên trang web một tuyên bố của phát ngôn viên sứ quán, tố cáo "các thông tin sai sự thật từ các báo Le Monde Le Figaro" về bà Gulbahar Haitiwaji, một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ tại Pháp, đồng tác giả quyển sách "Người sống sót từ trại cải tạo Trung Quốc" (Rescapée du goulag chinois), vừa được nhà xuất bản Equateurs phát hành vào tháng 01/2021.

Đối với Le Monde, hồi ký của bà Gulbahar Haitiwaji là một minh chứng không thể chối cãi về cỗ máy nghiền nát con người được thiết lập ở Tân Cương. Tác giả đã bị bắt ở đó vào năm 2016, với lý do con gái bà, quốc tịch Pháp, đã tham gia một cuộc biểu tình ở Paris để bảo vệ người Duy Ngô Nhĩ. Sau ba năm bị giam giữ, và sau các áp lực dữ dội của Pháp, bà đã được thả ra và trở về Paris.

Tuyên bố của sứ quán Trung Quốc tại Paris viết rõ : "Những cảnh ‘tra tấn’ mà Gulbahar Haitiwaji mô tả thực sự ngoài sức tưởng tượng, chỉ được thấy trong các tác phẩm văn học và điện ảnh phương Tây. Trong thực tế, những gì bà ta đã làm chỉ là lập lại lời kể đã được soạn trước và diễn theo các kịch bản mà các thế lực chống Trung Quốc đưa ra".

"Sách lược hù dọa" các nạn nhân

Trả lời báo Le Monde, bà Gulbahar cho rằng luận điệu nói trên của cơ quan đại diện Trung Quốc tại Pháp cho thấy là Bắc Kinh bị đuối lý, chỉ biết phủ nhận hàng loạt và dùng đến "sách lược hù dọa". Đối với tác giả, bà không phải là người duy nhất lên tiếng, còn có những nhân chứng khác và "đó là điều quan trọng, để mọi người nhận thức được những gì đang diễn ra ở Tân Cương".

Tại Bắc Kinh, các phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Trung Quốc tiếp tục tố cáo một số ít người đã thoát khỏi các trại lao cải và đã có thể rời Trung Quốc, như trường hợp bà Haitiwaji, gọi họ là "diễn viên". Chính quyền không ngần ngại dẫn chứng một cái gọi là phóng sự chính thức, đăng trên YouTube, cho thấy em gái và họ hàng của bà Sayragul Sauytbay - một phụ nữ người Kazakhstan ở Trung Quốc và là một trong những nhân chứng đầu tiên vào năm 2018 - lên tiếng cáo buộc là bà đã bịa đặt công việc phải làm trong một trại và đã đào thoát khỏi Trung Quốc để trốn nợ.

Theo Le Monde, đó là những lời khai mà ai cũng phải cho là đã được dàn dựng, cũng như tất cả những lời thú tội của các tù nhân chính trị - hoặc như cách đây vài năm - "cuộc phỏng vấn" tại Tân Cương của các người con của bà Rebiya Kadeer, cựu chủ tịch Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, tổ chức chính trị của cộng đồng hải ngoại, tố cáo mẹ của họ.

Người Duy Ngô Nhĩ kiện Nike dùng lao động cưỡng bức

Báo La Croix cũng quan tâm đến thân phận người Duy Ngô Nhĩ trong bài "Con đường công lý để chống lại lao động cưỡng bức ở Trung Quốc" nêu bật sự kiện Hiệp Hội Người Duy Ngô Nhĩ tại Pháp đệ đơn kiện tập đoàn Mỹ Nike vào ngày 24/02/2021 về "hành vi thương mại lừa đảo và đồng lõa trong việc nhận hàng từ lao động cưỡng bức".

Câu hỏi là liệu vũ khí công lý có thể hiệu quả trong việc gây áp lực lên các công ty đa quốc gia bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức ở Trung Quốc hay không ? Đối với La Croix, dẫu sao đây là vũ khí mà Hiệp hội người Duy Ngô Nhĩ tại Pháp đã sử dụng, khi đệ đơn kiện Nike trước một tòa án ở Paris.

Mourad Battikh, luật sư tại Paris của hiệp hội, hy vọng rằng người tiêu dùng vì "cảm thấy bị thiệt hại về mặt thương mại sau khi mua một sản phẩm của Nike", sẽ hưởng ứng vụ kiện này. La Croix nhắc lại rằng vào năm 2020, một số tổ chức phi chính phủ đã xác định là Trung Quốc đã cưỡng bức hàng trăm nghìn công nhân Duy Ngô Nhĩ để hái bông vải. Rất nhanh chóng, các công ty dệt may lớn đã bị vạch mặt chỉ tên vì sử dụng các nhà thầu đặt tại Tân Cương, nơi cung cấp 20% lượng bông trên thế giới.

Trong những tháng gần đây, các mạng xã hội đã chuyển tiếp những lời kêu gọi tẩy chay sản phẩm của các công ty bị nêu tên. Giờ đây, đến lượt vũ khí tư pháp được sử dụng. Khi được hỏi, Nike từ chối bình luận về vụ kiện, chỉ ra một thông cáo phủ nhận việc sử dụng hàng dệt từ Tân Cương, đảm bảo rằng họ không dùng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ. La Croix chờ đợi xem tòa án Pháp có tuyên bố có thẩm quyền để thụ lý hồ sơ về hoạt động của một công ty Mỹ mua hàng ở Trung Quốc hay không.

Chính quyền Pháp và kế hoạch sống chung với Covid

Như nói ở trên, trang nhất báo Le Monde được dành cho tình hình dịch bệnh Covid tại Pháp, với hàng tựa lớn: "Hành pháp tìm kiếm một kế hoạch ‘sống cùng’ Covid".

Tình hình được tờ báo tóm gọn trong hai điểm : Bộ trưởng Y Ttế Olivier Véran đã loan báo quyết định phong tỏa khu vực thành phố Dunkerque ở miền bắc Pháp kể từ tối 26/02. Nhiều tỉnh khác, nơi mà ngưỡng báo động đã bị vượt qua, đang có nguy cơ phải chấp nhận nhiều biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn hiện nay để giảm bớt đà lây lan của dịch bệnh.

Theo Le Monde, trong bối cảnh cả nước Pháp phải đối mặt với tình trạng dịch bệnh tăng vọt cục bộ, tức là ở một số địa phương cụ thể chứ không phải đều khắp, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang suy nghĩ về các biện pháp cho phép mọi người sống chung với virus trong những tháng tới đây. Theo Le Monde, trong một cuộc họp ngày 24/02, tổng thống Macron đã yêu cầu đội ngũ của ông suy nghĩ về những công cụ có thể cho phép người Pháp sinh hoạt trở lại một cách gần như bình thường trong tương lai gần, kể cả khi virus corona vẫn còn đó.

Theo đánh giá của chính quyền, một năm sau khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Pháp, sự mệt mỏi của người dân đã lên đến mức mà các biện pháp trước đây gây sốc hoặc bị cho là "giết chết" quyền tự do, giờ đây đã trở thành có thể chấp nhận được. Đó là việc sử dụng dữ liệu cá nhân để có thể theo dõi công dân và theo dõi bất kỳ dòng lây nhiễm nào chẳng hạn. Ngoài ra, cũng có vấn đề hộ chiếu vac-xin, chứng nhận khả năng miễn dịch chống lại Covid-19, mà người Pháp sẽ trình ra khi xuất ngoại hay bước vào các phòng thể thao, viện bảo tàng, rạp chiếu phim hoặc nhà hàng.

Chính phủ bắt đầu đặt nền móng cho khả năng này. Vào ngày 14/02, một nghị định đã được công bố trên Công Báo nhằm cung cấp cho hành pháp cơ sở pháp lý để thực hiện việc mở cửa trở lại các quán bar và nhà hàng với điều kiện khách hàng phải cung cấp thông tin liên lạc của họ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy vết Covid-19.

20 tỉnh bị đe dọa phong tỏa

Nhật báo kinh tế Les Echos cũng chú trọng đến hồ sơ Covid-19 và nêu bật trong hàng tựa trang nhất : "Phong tỏa, vac-xin : Các thách thức của tháng Ba".

Bên cạnh một biểu đồ màu đỏ cho thấy độ cao đáng ngại của các ca nhiễm mới tại Pháp, Les Echos nhắc lại rằng thủ tướng Pháp Jean Castex vào hôm qua đã đặt 20 tỉnh có dịch bệnh tăng tốc lây lan trong tình trạng "giám sát được tăng cường". Cả ba thành phố lớn nhất nước Pháp là Paris, Lyon và Marseille đều nằm trong diện này.

Theo Les Echos, tiến trình hội ý giữa chính phủ và các chính quyền địa phương sẽ dẫn đến việc ban hành nhiều biện pháp hạn chế cục bộ ngày 06/03 tới đây trong trường hợp tình hình xấu đi thêm. Vùng Ile de France, tức là vùng Paris và ngoại ô, đang rất lo ngại trước việc các bệnh viện bị tràn ngập.

Riêng về vấn đề vac-xin ngừa Covid, tờ báo cho biết là kể từ tháng Tư, tiêm chủng sẽ được mở ra cho lớp người trên 65 tuổi. Trên bình diện toàn cầu, vấn đề mà rất nhiều lãnh đạo mong muốn là biến vac-xin thành "tài sản chung của thế giới" đang càng lúc càng thấy là rất khó thực hiện.

Bình đẳng nam nữ về nghề nghiêp bị Covid-19 đe dọa

Dưới tựa chính trang nhất : "Bình đẳng nam nữ - Nhận thức từ các doanh nghiệp", La Croix nhắc lại rằng ngày 01/03 tới đây là hạn chót để các doanh nghiệp Pháp có hơn 50 nhân viên hoàn tất việc tính toán và công bố chỉ số bình đẳng nghề nghiệp giữa phụ nữ và nam giới trong đơn vị của họ.

Cho dù việc tính toán chỉ số này có thể phức tạp, rắc rối, nhưng việc này, theo La Croix, đã cho phép thúc đẩy nhận thức về tình trạng bình đẳng nam nữ trong các công ty. Điều được tờ báo nêu bật là cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra đang làm chậm lại động lực có được trong những năm gần đây theo hướng bình đẳng hơn, và có nguy cơ làm giảm sự cân bằng, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và nhất là cho phụ nữ.

Giải pháp cho vấn đề người vô gia cư tại Pháp

Libération trên trang nhất chạy một tựa đề rất bí hiểm : "Nghề nghiệp: Phát hiện các hoàn cảnh tuyệt vọng". Tờ báo giải thích ngay : Là cảnh sát, hay nhân viên hãng xe lửa SNCF, họ là những người chuyên tâm vào việc phát hiện ra những người vô gia cư vốn bị chìm lỉm trong khung cảnh náo nhiệt của các nhà ga ở thủ đô Paris. Mục tiêu là để có thể giúp đỡ những người bị lâm vào những cảnh ngộ tuyệt vọng, nhưng vì sĩ diện vẫn cố tìm cách che giấu để rồi rơi hẳn vào thảm cảnh.

Phải chống xu hướng "Hồi giáo cực đoan cánh tả"

Sau cùng, trong hàng tựa lớn trang nhất, Le Figaro đã liệt kê : "Thuyết giới tính, xu hướng phi thực dân hóa chủ nghĩa, chủ nghĩa chủng tộc... Những giáo điều mới này muốn ngự trị tại Pháp".

Trong một hồ sơ dài hai trang, tờ báo cánh hữu đã phân tích điều mà tờ báo cho là "Một thế hệ các nhà đấu tranh thuộc cánh tả đang muốn xét lại các dấu mốc của xã hội phương Tây. Phong trào này tự nhận là họ bảo vệ các nhóm thiểu số chống lại điều mà họ gọi là "mọi sự áp bức".

Đối với tờ báo cánh hữu, hiện nay các chính trị gia, học giả và trí thức thuộc một phong trào tân cánh tả đang cố gắng thâm nhập vào tất cả các thành phần của xã hội và thách thức các chuẩn mực truyền thống của nền văn minh phương Tây.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa
Read 490 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)