Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Duy Ngô Nhĩ : Trung Quốc trừng phạt 9 công dân Anh, huy động tẩy chay thương hiệu phương Tây

Thu Hằng, RFI, 26/03/2021

Sau Liên Hiệp Châu Âu, đến lượt Anh bị Trung Quốc trả đũa liên quan đến hồ sơ Duy Ngô Nhĩ. Ngày 26/03/2021, Bắc Kinh thông báo trừng phạt 9 công dân Anh, trong đó có nhiều nghị sĩ và 4 thực thể Anh vì "truyền bá thông tin dối trá" về tình hình nhân quyền ở Tân Cương.

uyghur4

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 23/02/2021. Reuters TV

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, được AFP trích dẫn, tài sản của những công dân Anh bị trừng phạt nếu có ở Trung Quốc sẽ bị phong tỏa. Họ và gia đình bị cấm nhập cảnh vào lãnh thổ Trung Quốc, kể cả Hồng Kông và Macao. Công dân Trung Quốc bị cấm hợp tác kinh doanh với những cá nhân Anh bị trừng phạt.

Trong số những công dân và thực thể Anh bị Bắc Kinh trừng phạt có Ủy ban Nhân quyền của đảng Bảo Thủ, cũng như cựu lãnh đạo đảng Bảo Thủ Iain Duncan Smith và dân biểu Tom Tugendhat, lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại của Hạ Viện Anh.

Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có khoảng 50.000 người Duy Ngô Nhĩ sinh sống, đã đón ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 25/03 với hồ sơ chính là vac-xin ngừa Covid-19 và hợp tác kinh tế. Hàng nghìn người Duy Ngô Nhĩ đã tuần hành ở Istanbul để phản đối chính sách trấn áp của Bắc Kinh đối với cộng đồng thiểu số theo Hồi giáo ở Tân Cương. Còn tại thủ đô Ankara, người Duy Ngô Nhĩ tập trung biểu tình gần đại sứ quán Trung Quốc.

"Dân mạng" được khuyến khích tẩy chay nhiều hãng phương Tây

Ngoài các biện pháp đáp trả các nước phương Tây lên án những vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Bắc Kinh còn nhắm đến các thương hiệu lớn của phương Tây. Sau lời kêu gọi tẩy chay thương hiệu H&M của Thụy Điển, đến lượt Nike rơi vào vòng xoáy tẩy chay. Theo một thông điệp ngày 24/03 của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc, đó là những thương hiệu không sử dụng sợi bông từ Tân Cương trong khi "vẫn muốn kiếm tiền ở Trung Quốc".

Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :

"Ngoài những gian hàng có vẻ ít khách hơn thường lệ vào một buổi chiều cuối tuần và những nhân viên an ninh gạt những ống kính máy quay và máy chụp hình của các nhà báo, thì cửa hàng quần áo H&M ở trung tâm Bắc Kinh dường như tạm thoát được lời kêu gọi tẩy chay tràn lan trên mạng xã hội và được truyền thông Nhà nước đưa tin. Trong khi đó, từ thứ Tư 24/03, nếu tìm kiếm sản phẩm của H&M trên các trang bán hàng trực tuyến Alibaba, JD.com và Pinduoduo thì không có kết quả nào.

Trước khi làn sóng tẩy chay trở nên rầm rộ, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc coi thương hiệu của Thụy Điển là "dốt nát và kiêu ngạo", sau đó là những lời bình luận trên đài truyền hình trung ương Trung Quốc khẳng định là thương hiệu  trên chắc chắn sẽ phải trả "giá đắt vì hành động xấu xa của họ".

Thông điệp này được một phụ nữ trẻ Bắc Kinh lặp lại gần như thuộc lòng : "Tôi sẽ không mua hàng ở đây nữa, vì họ thiếu tôn trọng đất nước và là một mối đe dọa kinh tế. Chúng tôi biết được thông tin vào hôm qua (24/03), đó là một trong những chủ đề tranh luận chính trên mạng Weibo".

Những lời bình luận bùng nổ trên mạng xã hội Weibo, tiếp theo là chấm dứt hợp đồng. Nghệ sĩ Hoàng Hiên (Huang Xuan), nữ ca sĩ Tống Thiến (Victoria Song) khẳng định không muốn hợp tác với hãng Thụy Điển nữa. Tương tự, sáng 24/03, nghệ sĩ kiêm ca sĩ Vương Nhất Bác (Wang Yi Bo) ra thông cáo ngừng hợp tác với Nike. Thương hiệu giầy của Mỹ đã cắt đứt quan hệ với các nhà sản xuất bông ở Tân Cương trước đó 8 tháng nhưng mới chỉ được truyền thông Nhà nước nêu lên.

Ở lối ra của cửa hàng H&M, một sinh viên từ Thâm Quyến đến, đẩy một xe đầy thùng các-tông, tỏ vẻ hoài nghi. Anh nói : "Tôi nghĩ là những người kêu gọi tẩy chay bị điên. Mọi chuyện chẳng rõ ràng. Họ kêu gọi tẩy chay vì người ta xúi giục họ làm thế. Thật vô lý !"

Trung Quốc hiện là thị trường lớn thứ 4 trên thế giới của thương hiệu H&M. Doanh thu năm 2020 đã vượt ngưỡng 287 triệu euro".

Thu Hằng

********************

Duy Ngô Nhĩ : Nhiều nước phương Tây đồng loạt trừng phạt Trung Quốc

Thu Hằng, RFI, 23/03/2021

Ngày 22/03/2021, Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, Canada và Anh Quốc cùng lúc ban hành nhiều biện pháp trừng phạt nhắm vào các quan chức Trung Quốc tham gia trấn áp người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi Giáo ở Tân Cương. Trong khi đó, Úc và New Zealand khẳng định có bằng chứng rõ ràng về việc Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở vùng tự trị này.

uyghur1

Biểu tình phản đối chính quyền Bắc Kinh trấn áp người Duy Ngô Nhĩ, trước sứ quán Trung Quốc tại Washington DC, Hoa Kỳ, ngày 19/02/2021.  Reuters- Leah Millis

Theo hãng tin Anh Reuters, đây là lần đầu tiên các nước phương Tây hành động tập thể nhắm vào Trung Quốc. Ngoại trưởng của các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã nhất trí đưa thêm vào danh sách trừng phạt đã được lập hồi tháng 12/2020 tên 4 nhà lãnh đạo Trung Quốc và một thực thể của vùng Tân Cương vì vi phạm nhân quyền. Theo Công báo của khối 27 nước, những nhân vật này bị cấm visa nhập cảnh vào khối và bị phong tỏa tài sản, nếu có tại Liên Hiệp Châu Âu.

Đây là biện pháp trừng phạt đầu tiên của Bruxelles đối với Bắc Kinh kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Trong số các nhân vật bị trừng phạt có ông Trần Minh Quốc (Chen Ming Guo), giám đốc Cơ quan Công an Tân Cương, với cáo buộc "vi phạm nghiêm trọng nhân quyền""bắt giữ tùy tiện và ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ và những người thuộc các cộng đồng thiểu số Hồi Giáo khác, cũng như vi phạm một cách có hệ thống quyền tự do tín ngưỡng của họ".

Ba quan chức còn lại là ông Chu Hải Luân (Zhu Hai luan), cựu quan chức của tỉnh, người được coi là kiến trúc sư hệ thống trại cải tạo ở Tân Cương, cùng với hai quan chức cấp cao là ông Vương Minh San (Wang Ming Shan) và ông Vương Tuấn Chánh (Wang Jun Zheng). Thực thể bị trừng phạt là Cơ quan Công An Quân đoàn Xây dựng và Sản xuất Tân Cương.

Anh Quốc và Canada cũng thông qua những biện pháp tương tự. Hoa Kỳ thì trừng phạt 2 trong số 4 quan chức Trung Quốc trong "danh sách đen" của Bruxelles, gồm ông Trần Minh Quốc và Vương Tuấn Chánh.

Úc và New Zealand hiện dừng ở việc lên án và bày tỏ lo ngại trước những bằng chứng rõ ràng về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, theo một tuyên bố chung ngày 22/03 của ngoại trưởng hai nước. Tuy nhiên, Úc và New Zealand hoan nghênh biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây nhắm vào các quan chức Trung Quốc liên quan đến trấn áp người Duy Ngô Nhĩ.

Thu Hằng

*******************

Người Duy Ngô Nhĩ : Bắc Kinh trừng phạt 10 công dân Châu Âu để trả đũa Bruxelles

Trọng Thành, RFI, 23/03/2021

Để trả đũa vụ Châu Âu trừng phạt các chức Trung Quốc tham gia trấn áp người Duy Ngô Nhĩ, hôm qua, 22/03/2021, bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra thông cáo lên án quyết định của Châu Âu là can thiệp "thô bạo" vào công việc nội bộ của Trung Quốc, và đưa ra quyết định dựa trên "những lời dối trá, các thông tin bịa đặt". 

uyghur2

Nghị sĩ Châu Âu Raphaël Glucksmann trong một phiên họp toàn thể Nghị Viện Châu Âu, tại Strasbourg, Pháp, ngày 28/11/2019.  Frederick Florin/AFP

Đồng thời, Bắc Kinh cũng ban hành các trừng phạt nhắm vào 10 công dân Châu Âu, trong số này có hai nghị sĩ Châu Âu, công dân Pháp Raphaël Glucksmann và công dân Đức Reinhard Bütikofer, người phụ trách các quan hệ với Trung Quốc của Nghị Viện Châu Âu. 

Về hành động trả đũa của Trung Quốc, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh : 

"Ăn miếng trả miếng, Trung Quốc áp dụng tập quán trả thù nguyên thủy để đối xử với các nước Châu Âu, tương tự như đã làm để đáp trả các trừng phạt của Mỹ những tháng gần đây. Các biện pháp trả đũa này nhắm vào những người bị chế độ cộng sản Trung Quốc xác định là có quan điểm ‘‘bài Hoa’’. Nói một cách khác, đây là các nghị sĩ hay giảng viên đại học lên tiếng tố cáo các xâm phạm nhân quyền tại Tân Cương, bảo vệ người Hồng Kông, hay chính quyền Đài Loan. 

Đối với tờ Hoàn Cầu Thời Báo, đây là một cảnh cáo : ‘‘Nếu như Bắc Kinh không hề sợ Washington, thì Liên Âu vốn yếu hơn nhiều so với nước Mỹ không phải là thế lực khiến Trung Quốc phải ngần ngại’’. Tờ báo trực thuộc Nhân Dân nhật báo, cơ quan phát ngôn của đảng Cộng Sản Trung Quốc, cũng cho biết thêm, về chuyện này Trung Quốc có thể học hỏi được từ Nga. Thông điệp trên của Hoàn Cầu Thời Báo có thể coi như một tín hiệu tìm đồng minh, gửi đến ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov, hiện đang công du Trung Quốc. 

Cụ thể là, các trừng phạt nói trên cấm các đương sự cùng gia đình họ đến Hoa lục, Hồng Kông và Macao. Theo người phát ngôn của bộ Ngoại giao Trung Quốc, các cá nhân và định chế liên quan cũng không được quyền có các quan hệ làm ăn với Trung Quốc. Theo nhiều người liên quan, các trừng phạt này có tầm ảnh hưởng hạn chế. Một người chế giễu biện pháp phong tỏa tài sản tại Trung Quốc, một người khác nói đùa : nếu không còn có thể đi Trung Quốc, ông sẽ ở lại Đài Loan".

Thái độ của Bắc Kinh buộc Liên Âu thức tỉnh

Nhà nhân học người Đức Adrian Zenz, một chuyên gia hàng đầu về tình hình xâm phạm nhân quyền tại Tân Cương và Tây Tạng, là một trong 10 người nằm trong danh sách trừng phạt của Bắc Kinh. Các báo cáo của Adrian Zenz về tình trạng người Duy Ngô Nhĩ bị đày ải tại Tân Cương khiến Bắc Kinh giận dữ. Các nhà bảo vệ nhân quyền cáo buộc hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và nhiều sắc tộc thiểu số khác hiện đang bị giam cầm trong các trại tập trung tại vùng tây bắc Trung Quốc. 

Trả lời RFI, nhà nghiên cứu Adrian Zenz nhấn mạnh là phản ứng của Trung Quốc buộc Liên Âu phải thức tỉnh : 

"Thành thực mà nói, tôi không chờ đợi nằm trong danh sách những người bị Trung Quốc trừng phạt nhằm trả đũa Liên Âu. Chính quyền Trung Quốc không ngừng mô tả tôi như một nhân viên CIA hay thuộc một cơ quan tình báo Mỹ. Các điều tra của tôi tại Tân Cương đã có ý nghĩa quyết định. Kết quả điều tra đã được trích dẫn hồi tháng 12/2020 trong một nghị quyết của Nghị Viện Châu Âu, và thậm chí trước đó. Theo tôi, toàn bộ sự việc này cho thấy vấn đề Tân Cương đang trở nên nhạy cảm với Bắc Kinh như thế nào. Chính quyền Trung Quốc tìm mọi cách để dập tắt mọi nỗ lực chỉ trích hay hành động vì người dân ở Tân Cương. 

Tôi hy vọng là loạt trừng phạt này cuối cùng cũng cho phép đánh động giới chính trị và các tổ chức Châu Âu. Ở Châu Âu, người ta đã từng tin tưởng một cách ngây thơ là có thể có được các thỏa hiệp với Trung Quốc, và Bắc Kinh sẽ chấp nhận việc này. Tuy nhiên, các vị biết là, dưới chế độ này, các xâm phạm nhân quyền của chính quyền Trung Quốc là mang tính hệ thống và diễn ra thường xuyên. Tôi hy vọng là các biện pháp trả đũa này rút cuộc sẽ buộc các nước Châu Âu hiểu ra bản chất thực sự của chính quyền Trung Quốc. Liên Âu phải thành lập một mặt trận thống nhất, bởi như các vị biết, Trung Quốc coi Liên Âu là kẻ yếu. Cần chấm dứt tình trạng này"

Trọng Thành

********************

Trung Quốc mở phiên tòa xử người Canada thứ hai bị bắt giữ sau vụ Mạnh Vãn Châu

Trọng Nghĩa, RFI, 22/03/2021

Sau hơn 800 ngày bị giam giữ, người thứ hai trong số hai công dân Canada bị giam giữ tại Trung Quốc bị đưa ra tòa xét xử vào hôm nay, 22/03/2021 với cáo buộc làm gián điệp.

uyghur3

Tòa án nhân dân Trung Thẩm số 2 tại quận Phong Đài ở Bắc Kinh, Trung Quốc, nơi xử kín ông Michael Kovrig, công dân Canada, với cáo buộc làm gián điệp, ngày 22/03/2021.  AP - Andy Wong

Giống như lần xét xử công dân Canada thứ nhất là Michael Spavor hôm 19/03 tại Đan Đông, phiên xử ông Michael Kovrig hôm nay tại một tòa án vùng ngoại ô Bắc Kinh cũng là một vụ xử kín, giới ngoại giao và báo chí không được vào tham dự.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tường trình :

"Một chuỗi lời xướng danh khá kỳ lạ đã được ghi nhận trước Tòa án nhân dân Trung Thẩm số 2 tại quận Phong Đài ở Bắc Kinh. Các nhà ngoại giao lần lượt xướng tên các đại sứ quán của mình. Tổng cộng có đại diện của 26 quốc gia, trong đó có Pháp và Đức, đã đến trước tòa để ủng hộ đại diện của Canada tại phiên tòa này. Có điều là số đông như vậy cũng vô hiệu.

Những gì diễn ra hôm nay (22/03) cũng tương tự như phiên tòa xét xử một công dân Canada khác vào ngày 19/03 vừa qua ở miền đông bắc Trung Quốc, nghĩa là không ai được vào bên trong tòa để nghe vụ xử ông Michael Kovrig. Tại cổng vào phía tây của tòa án, người ta thấy cảnh phóng viên với máy quay phim và chụp hình bị xô đẩy.

Trên bậc thềm của tòa án, một quan chức mặc đồng phục nói trong chiếc khẩu trang của mình rằng vụ án liên quan đến vấn đề "an ninh quốc gia" và do đó phiên tòa được xử kín.

Jim Nickel, đại biện sứ quán Canada cho biết : "Chúng tôi vô cùng lo ngại về việc bị từ chối, không được vào dự phiên tòa và tính chất thiếu minh bạch của toàn bộ quy trình xét xử".

Giống như Michael Spavor, Michael Kovrig đã bị bắt tại Trung Quốc vào tháng 12 năm 2018, sau khi Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, con gái nhà sáng lập Hoa Vi để chờ quyết định cho dẫn độ qua Mỹ.

Đối với nhiều nhà quan sát, hai "chàng Michael chắc chắn sẽ bị kết án, nhưng việc họ được thả ra lệ thuộc vào số phận người thừa kế đồng thời là giám đốc tài chính của đại tập đoàn viễn thông Trung Quốc".

Phản ứng của Hoa Kỳ

Hoa Kỳ dĩ nhiên rất quan tâm đến vụ Trung Quốc xét xử hai công dân Canada. Có mặt ngay bên cạnh đồng cấp Canada vào hôm nay trước tòa án ở Bắc Kinh, William Klein, đại biện sứ quán Mỹ tại Trung Quốc, nói với các phóng viên rằng tổng thống Mỹ Biden và ngoại trưởng Antony Blinken đã xác định rằng Hoa Kỳ sẽ xem xét trường hợp của Michael Kovrig và Michael Spavor như thể họ là công dân Hoa Kỳ.

Theo một quan chức cấp cao của chính quyền Biden, Hoa Kỳ đã nêu vấn đề này trong cuộc đàm phán với Trung Quốc tại Alaska vào tuần trước, bao gồm cả mối quan ngại của Mỹ trước việc các nhà ngoại giao không được tham dự phiên tòa xét xử ông Spavor.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

Đối sách Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc : Phủ nhận triệt để và hù dọa nạn nhân

Sức lây lan đáng ngại của Covid-19 và các hệ quả, đặc biệt là trên bình diện xã hội tại Pháp, tiếp tục là chủ đề ngự trị trên trang nhất báo Pháp ra ngày hôm nay, 26/02/2021, được cả Le Monde, La Croix lẫn Les Echos dành cho tựa lớn. Còn về các hồ sơ quốc tế, nổi bật hơn cả có lẽ là sự kiện nước Pháp, cùng với nhiều quốc gia khác, đang gia tăng sức ép trên Trung Quốc về hồ sơ Duy Ngô Nhĩ buộc Bắc Kinh phải vất vả chống đỡ.

doisach1

Người Duy Ngô Nhĩ tại Urumqi, Tân Cương. Ảnh tư liệu 1/05/2014.  Reuters/Petar Kujundzic

Trong bài "Vấn đề số phận người Duy Ngô Nhĩ được nêu lên tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc", Le Monde nhắc lại rằng Trung Quốc trong những ngày qua lại liên tiếp bị vạch mặt chỉ tên vì những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, nhân khóa họp thường kỳ của Hội Đồng Nhân Quyền mà Bắc Kinh là một trong số 47 thành viên.

Trên diễn đàn này, cả hai ngoại trưởng Pháp (ngày 24/02) và Anh (ngày 23/02), đều đã lên tiếng tố cáo các hành vi của Trung Quốc tại Tân Cương với những lời lẽ rất nghiêm khắc. Nhật báo Pháp cũng không quên sự kiện là hôm thứ Hai, 22/02, Nghị Viện Canada đã nhất trí thông qua một nghị quyết không ràng buộc, xem cách hành xử của Bắc Kinh đối với thiểu số người Duy Ngô Nhĩ là tội ác "diệt chủng".

Lớn tiếng phủ nhận mọi cáo buộc

Đối với Le Monde, vấn đề Duy Ngô Nhĩ như đã trở thành điểm không thể tránh né trong quan hệ phương Tây - Trung Quốc, và Bắc Kinh vẫn làm mọi cách để ngăn chặn những lời chỉ trích.

Trong phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền hôm 22/02, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tiếp tục phủ nhận mọi cáo buộc, xem đấy là "những tuyên bố giật gân bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết, thành kiến và ý đồ thổi phồng chính trị hoàn toàn có tính vu khống". Theo ông Vương Nghị, Trung Quốc sẵn sàng nghênh đón Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bà Michèle Bachelet, đến tận nơi xem xét tình hình.  

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Le Monde, Bắc Kinh đã áp đặt đủ loại điều kiện cho chuyến thăm đã được yêu cầu từ lâu, làm dấy lên lo ngại về một mưu toan dàn dựng, theo kiểu các "học viên thực tập" người Duy Ngô Nhĩ "ca hát và nhảy múa" đón chào hàng trăm nhà ngoại giao và nhà báo từ các nước bạn bè, đã được Trung Quốc mời đến Tân Cương trong hai năm gần đây.

Ngoại giao Trung Quốc trong tình trạng báo động vì Tân Cương

Theo Le Monde, trên vấn đề Tân Cương, ngành ngoại giao Trung Quốc đang ở trong tình trạng báo động, với chỉ thị được đưa ra là phải phản bác mọi chỉ trích một cách có hệ thống.

Một ví dụ được tờ báo Pháp nêu bật là sự kiện đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp, ngày 23/02, công bố trên trang web một tuyên bố của phát ngôn viên sứ quán, tố cáo "các thông tin sai sự thật từ các báo Le Monde Le Figaro" về bà Gulbahar Haitiwaji, một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ tại Pháp, đồng tác giả quyển sách "Người sống sót từ trại cải tạo Trung Quốc" (Rescapée du goulag chinois), vừa được nhà xuất bản Equateurs phát hành vào tháng 01/2021.

Đối với Le Monde, hồi ký của bà Gulbahar Haitiwaji là một minh chứng không thể chối cãi về cỗ máy nghiền nát con người được thiết lập ở Tân Cương. Tác giả đã bị bắt ở đó vào năm 2016, với lý do con gái bà, quốc tịch Pháp, đã tham gia một cuộc biểu tình ở Paris để bảo vệ người Duy Ngô Nhĩ. Sau ba năm bị giam giữ, và sau các áp lực dữ dội của Pháp, bà đã được thả ra và trở về Paris.

Tuyên bố của sứ quán Trung Quốc tại Paris viết rõ : "Những cảnh ‘tra tấn’ mà Gulbahar Haitiwaji mô tả thực sự ngoài sức tưởng tượng, chỉ được thấy trong các tác phẩm văn học và điện ảnh phương Tây. Trong thực tế, những gì bà ta đã làm chỉ là lập lại lời kể đã được soạn trước và diễn theo các kịch bản mà các thế lực chống Trung Quốc đưa ra".

"Sách lược hù dọa" các nạn nhân

Trả lời báo Le Monde, bà Gulbahar cho rằng luận điệu nói trên của cơ quan đại diện Trung Quốc tại Pháp cho thấy là Bắc Kinh bị đuối lý, chỉ biết phủ nhận hàng loạt và dùng đến "sách lược hù dọa". Đối với tác giả, bà không phải là người duy nhất lên tiếng, còn có những nhân chứng khác và "đó là điều quan trọng, để mọi người nhận thức được những gì đang diễn ra ở Tân Cương".

Tại Bắc Kinh, các phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Trung Quốc tiếp tục tố cáo một số ít người đã thoát khỏi các trại lao cải và đã có thể rời Trung Quốc, như trường hợp bà Haitiwaji, gọi họ là "diễn viên". Chính quyền không ngần ngại dẫn chứng một cái gọi là phóng sự chính thức, đăng trên YouTube, cho thấy em gái và họ hàng của bà Sayragul Sauytbay - một phụ nữ người Kazakhstan ở Trung Quốc và là một trong những nhân chứng đầu tiên vào năm 2018 - lên tiếng cáo buộc là bà đã bịa đặt công việc phải làm trong một trại và đã đào thoát khỏi Trung Quốc để trốn nợ.

Theo Le Monde, đó là những lời khai mà ai cũng phải cho là đã được dàn dựng, cũng như tất cả những lời thú tội của các tù nhân chính trị - hoặc như cách đây vài năm - "cuộc phỏng vấn" tại Tân Cương của các người con của bà Rebiya Kadeer, cựu chủ tịch Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, tổ chức chính trị của cộng đồng hải ngoại, tố cáo mẹ của họ.

Người Duy Ngô Nhĩ kiện Nike dùng lao động cưỡng bức

Báo La Croix cũng quan tâm đến thân phận người Duy Ngô Nhĩ trong bài "Con đường công lý để chống lại lao động cưỡng bức ở Trung Quốc" nêu bật sự kiện Hiệp Hội Người Duy Ngô Nhĩ tại Pháp đệ đơn kiện tập đoàn Mỹ Nike vào ngày 24/02/2021 về "hành vi thương mại lừa đảo và đồng lõa trong việc nhận hàng từ lao động cưỡng bức".

Câu hỏi là liệu vũ khí công lý có thể hiệu quả trong việc gây áp lực lên các công ty đa quốc gia bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức ở Trung Quốc hay không ? Đối với La Croix, dẫu sao đây là vũ khí mà Hiệp hội người Duy Ngô Nhĩ tại Pháp đã sử dụng, khi đệ đơn kiện Nike trước một tòa án ở Paris.

Mourad Battikh, luật sư tại Paris của hiệp hội, hy vọng rằng người tiêu dùng vì "cảm thấy bị thiệt hại về mặt thương mại sau khi mua một sản phẩm của Nike", sẽ hưởng ứng vụ kiện này. La Croix nhắc lại rằng vào năm 2020, một số tổ chức phi chính phủ đã xác định là Trung Quốc đã cưỡng bức hàng trăm nghìn công nhân Duy Ngô Nhĩ để hái bông vải. Rất nhanh chóng, các công ty dệt may lớn đã bị vạch mặt chỉ tên vì sử dụng các nhà thầu đặt tại Tân Cương, nơi cung cấp 20% lượng bông trên thế giới.

Trong những tháng gần đây, các mạng xã hội đã chuyển tiếp những lời kêu gọi tẩy chay sản phẩm của các công ty bị nêu tên. Giờ đây, đến lượt vũ khí tư pháp được sử dụng. Khi được hỏi, Nike từ chối bình luận về vụ kiện, chỉ ra một thông cáo phủ nhận việc sử dụng hàng dệt từ Tân Cương, đảm bảo rằng họ không dùng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ. La Croix chờ đợi xem tòa án Pháp có tuyên bố có thẩm quyền để thụ lý hồ sơ về hoạt động của một công ty Mỹ mua hàng ở Trung Quốc hay không.

Chính quyền Pháp và kế hoạch sống chung với Covid

Như nói ở trên, trang nhất báo Le Monde được dành cho tình hình dịch bệnh Covid tại Pháp, với hàng tựa lớn: "Hành pháp tìm kiếm một kế hoạch ‘sống cùng’ Covid".

Tình hình được tờ báo tóm gọn trong hai điểm : Bộ trưởng Y Ttế Olivier Véran đã loan báo quyết định phong tỏa khu vực thành phố Dunkerque ở miền bắc Pháp kể từ tối 26/02. Nhiều tỉnh khác, nơi mà ngưỡng báo động đã bị vượt qua, đang có nguy cơ phải chấp nhận nhiều biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn hiện nay để giảm bớt đà lây lan của dịch bệnh.

Theo Le Monde, trong bối cảnh cả nước Pháp phải đối mặt với tình trạng dịch bệnh tăng vọt cục bộ, tức là ở một số địa phương cụ thể chứ không phải đều khắp, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang suy nghĩ về các biện pháp cho phép mọi người sống chung với virus trong những tháng tới đây. Theo Le Monde, trong một cuộc họp ngày 24/02, tổng thống Macron đã yêu cầu đội ngũ của ông suy nghĩ về những công cụ có thể cho phép người Pháp sinh hoạt trở lại một cách gần như bình thường trong tương lai gần, kể cả khi virus corona vẫn còn đó.

Theo đánh giá của chính quyền, một năm sau khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Pháp, sự mệt mỏi của người dân đã lên đến mức mà các biện pháp trước đây gây sốc hoặc bị cho là "giết chết" quyền tự do, giờ đây đã trở thành có thể chấp nhận được. Đó là việc sử dụng dữ liệu cá nhân để có thể theo dõi công dân và theo dõi bất kỳ dòng lây nhiễm nào chẳng hạn. Ngoài ra, cũng có vấn đề hộ chiếu vac-xin, chứng nhận khả năng miễn dịch chống lại Covid-19, mà người Pháp sẽ trình ra khi xuất ngoại hay bước vào các phòng thể thao, viện bảo tàng, rạp chiếu phim hoặc nhà hàng.

Chính phủ bắt đầu đặt nền móng cho khả năng này. Vào ngày 14/02, một nghị định đã được công bố trên Công Báo nhằm cung cấp cho hành pháp cơ sở pháp lý để thực hiện việc mở cửa trở lại các quán bar và nhà hàng với điều kiện khách hàng phải cung cấp thông tin liên lạc của họ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy vết Covid-19.

20 tỉnh bị đe dọa phong tỏa

Nhật báo kinh tế Les Echos cũng chú trọng đến hồ sơ Covid-19 và nêu bật trong hàng tựa trang nhất : "Phong tỏa, vac-xin : Các thách thức của tháng Ba".

Bên cạnh một biểu đồ màu đỏ cho thấy độ cao đáng ngại của các ca nhiễm mới tại Pháp, Les Echos nhắc lại rằng thủ tướng Pháp Jean Castex vào hôm qua đã đặt 20 tỉnh có dịch bệnh tăng tốc lây lan trong tình trạng "giám sát được tăng cường". Cả ba thành phố lớn nhất nước Pháp là Paris, Lyon và Marseille đều nằm trong diện này.

Theo Les Echos, tiến trình hội ý giữa chính phủ và các chính quyền địa phương sẽ dẫn đến việc ban hành nhiều biện pháp hạn chế cục bộ ngày 06/03 tới đây trong trường hợp tình hình xấu đi thêm. Vùng Ile de France, tức là vùng Paris và ngoại ô, đang rất lo ngại trước việc các bệnh viện bị tràn ngập.

Riêng về vấn đề vac-xin ngừa Covid, tờ báo cho biết là kể từ tháng Tư, tiêm chủng sẽ được mở ra cho lớp người trên 65 tuổi. Trên bình diện toàn cầu, vấn đề mà rất nhiều lãnh đạo mong muốn là biến vac-xin thành "tài sản chung của thế giới" đang càng lúc càng thấy là rất khó thực hiện.

Bình đẳng nam nữ về nghề nghiêp bị Covid-19 đe dọa

Dưới tựa chính trang nhất : "Bình đẳng nam nữ - Nhận thức từ các doanh nghiệp", La Croix nhắc lại rằng ngày 01/03 tới đây là hạn chót để các doanh nghiệp Pháp có hơn 50 nhân viên hoàn tất việc tính toán và công bố chỉ số bình đẳng nghề nghiệp giữa phụ nữ và nam giới trong đơn vị của họ.

Cho dù việc tính toán chỉ số này có thể phức tạp, rắc rối, nhưng việc này, theo La Croix, đã cho phép thúc đẩy nhận thức về tình trạng bình đẳng nam nữ trong các công ty. Điều được tờ báo nêu bật là cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra đang làm chậm lại động lực có được trong những năm gần đây theo hướng bình đẳng hơn, và có nguy cơ làm giảm sự cân bằng, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và nhất là cho phụ nữ.

Giải pháp cho vấn đề người vô gia cư tại Pháp

Libération trên trang nhất chạy một tựa đề rất bí hiểm : "Nghề nghiệp: Phát hiện các hoàn cảnh tuyệt vọng". Tờ báo giải thích ngay : Là cảnh sát, hay nhân viên hãng xe lửa SNCF, họ là những người chuyên tâm vào việc phát hiện ra những người vô gia cư vốn bị chìm lỉm trong khung cảnh náo nhiệt của các nhà ga ở thủ đô Paris. Mục tiêu là để có thể giúp đỡ những người bị lâm vào những cảnh ngộ tuyệt vọng, nhưng vì sĩ diện vẫn cố tìm cách che giấu để rồi rơi hẳn vào thảm cảnh.

Phải chống xu hướng "Hồi giáo cực đoan cánh tả"

Sau cùng, trong hàng tựa lớn trang nhất, Le Figaro đã liệt kê : "Thuyết giới tính, xu hướng phi thực dân hóa chủ nghĩa, chủ nghĩa chủng tộc... Những giáo điều mới này muốn ngự trị tại Pháp".

Trong một hồ sơ dài hai trang, tờ báo cánh hữu đã phân tích điều mà tờ báo cho là "Một thế hệ các nhà đấu tranh thuộc cánh tả đang muốn xét lại các dấu mốc của xã hội phương Tây. Phong trào này tự nhận là họ bảo vệ các nhóm thiểu số chống lại điều mà họ gọi là "mọi sự áp bức".

Đối với tờ báo cánh hữu, hiện nay các chính trị gia, học giả và trí thức thuộc một phong trào tân cánh tả đang cố gắng thâm nhập vào tất cả các thành phần của xã hội và thách thức các chuẩn mực truyền thống của nền văn minh phương Tây.

Trọng Nghĩa

Published in Châu Á

Người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương : Sự im lặng của tổng thống Pháp

Thanh Hà, RFI, 26/02/2021

Theo thông cáo chính thức của Paris và Bắc Kinh, trong cuộc điện đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 25/02/2021, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tránh đề cập đến vấn đề người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

uyghur2

Tổng thống Pháp Macron bị chỉ trích không đề cập đến hồ sơ nhân quyền ở Tân Cương trong cuộc điện đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 25/02/2021.  Reuters - POOL

Thông cáo chính thức của điện Elysée và bản tin của Tân Hoa Xã về cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ Pháp và Trung Quốc đều không đề cập đến tình trạng của người Hồi giáo ở Tân Cương. Hai bên chỉ thảo luận về quan hệ kinh tế song phương, về tình hình Miến Điện.

Bản tin của AFP nhắc lại, vào năm 2020, sau thông tin tiết lộ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị đưa vào các trại tập trung, tổng thống Pháp từng mạnh mẽ xem đây là một "hành vi đàn áp không thể chấp nhận được". Sự im lặng của ông Macron lần này khiến nhiều nhà quan sát lo ngại.

Tân Hoa Xã cho biết Paris và Bắc Kinh hài lòng về thỏa thuận bảo hộ đầu tư mà Trung Quốc và Liên Hiệp Quốc đã đạt được vào cuối năm 2020. Ông Tập Cận Bình mong muốn văn bản này nhanh chóng có hiệu lực. Về phía Pháp, tổng thống Macron kêu gọi Trung Quốc nhanh chóng phê chuẩn công ước của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế chống cưỡng bức lao động như đã cam kết. Tuy nhiên, hãng tin AFP nhắc lại đến nay Trung Quốc vẫn chưa phê chuẩn văn bản này và Bắc Kinh bị cáo buộc cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

Pháp từ nhiều năm qua mong muốn đàm phán dứt điểm về hợp đồng xây dựng nhà máy xử lý rác nguyên tử cho Trung Quốc, trị giá 10 tỷ euro. Paris cũng đang nuôi tham vọng thay thế Luân Đôn để trở thành thị trường tài chính lớn nhất châu Âu. Theo AFP, ông Tập Cận Bình có cam kết "sẽ hỗ trợ Paris" trong mục tiêu này.

Một ngày trước cuộc điện đàm giữa nguyên thủ Pháp và Trung Quốc, ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã mạnh mẽ lên án Bắc Kinh "đàn áp một cách có hệ thống" cộng đồng Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Đại sứ Trung Quốc tại Paris ngay hôm 25/02/2021 đã đáp trả là Bắc Kinh không chấp nhận bất kỳ một "hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia khác". 

Hà Lan lên án nạn "diệt chủng"

Khác với thái độ dè dặt của Pháp, Quốc hội Hà Lan ngày 25/02/2021 đã thông qua một văn bản không mang tính ràng buộc, tố cáo Trung Quốc tiến hành một cuộc "diệt chủng" nhắm vào cộng đồng thiểu số theo đạo Hồi, nói tiếng Thổ tại Tân Cương. Văn bản nói trên nêu rõ "những biện pháp nhằm triệt sản", "tra tấn", theo quy định của Nghị Quyết 260 Liên Hiệp Quốc được gọi là "Công ước về diệt chủng".

Hãng tin Anh Reuters lưu ý thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte, đã bỏ phiếu chống lại văn bản lên án Trung Quốc vi phạm tội "diệt chủng". Ngoại trưởng Stef Blok thì cho biết chính quyền nước này không muốn sử dụng cụm từ "diệt chủng" cho tới khi điều này được Liên Hiệp Quốc công nhận. Hiện cũng chưa có một phán quyết nào của một tòa án quốc tế về tội ác nói trên.

Thanh Hà

**********************

Duy Ngô Nhĩ : Paris tố cáo "hệ thống đàn áp được thể chế hóa" của Trung Quốc

Trọng Nghĩa, RFI, 26/02/2021

Trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 24/02/2021 đã tố cáo "hệ thống đàn áp được thể chế hóa" của Trung Quốc đối với người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương.

uyghur1

Bảo vệ đứng gác trước cổng một nơi chính thức gọi là trung tâm dạy nghề ở Vùng tự trị Tân Cương, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 03/09/2018.  Reuters- Thomas Peter

Phát biểu trực tuyến, ông Le Drian tuyên bố : "Từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc, chúng tôi đã nhận được lời khai và tài liệu chứng thực, cho thấy những hành vi không thể biện minh được đối với người Duy Ngô Nhĩ, và một hệ thống giám sát và đàn áp quy mô lớn đã được thể chế hóa".

Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp đã trả lời ngay sau đó trong một tin nhắn Twitter, dù không trích dẫn lời ngoại trưởng Pháp, rằng Bắc Kinh lấy làm tiếc về sự "can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác với lý do nhân quyền".

Trung Quốc, ngày càng bị phương Tây vạch mặt chỉ tên về các hành vi đàn áp ở Tân Cương, hôm 22/02 đã lại lên tiếng ca ngợi sự phát triển kinh tế xã hội ở tỉnh này, coi đó là một "tấm gương sáng" về tiến bộ của Trung Quốc trong lãnh vực nhân quyền.

Theo các viện nghiên cứu của Mỹ và Úc, ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ trong các "trại" ở Tân Cương và một số bị "cưỡng bức lao động" hoặc "cưỡng bức triệt sản". Trung Quốc phủ nhận hai cáo buộc này và khẳng định rằng các "trại" là "trung tâm dạy nghề" nhằm mục đích chống chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và chủ nghĩa ly khai.

Lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ : Nike bị kiện tại Pháp

Trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian tố cáo Trung Quốc trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, ngày 24/02, luật sư người Pháp Mourad Battikh, 36 tuổi, đã đệ đơn kiện tập đoàn Nike về "các hành vi thương mại lừa đảo và đồng lõa trong việc che giấu tình trạng cưỡng bức lao động".

Ông tố cáo các hành vi "cưỡng bức lao động nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ trong các nhà máy gia công cho thương hiệu Mỹ ở Trung Quốc".

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược Úc (ASPI) được công bố cách nay một năm trước, hơn 80.000 người Duy Ngô Nhĩ đã bị chuyển đến các nhà máy trên khắp Trung Quốc từ năm 2017 đến năm 2019.

Tuy nhiên, trong khi hầu hết 83 công ty đa quốc gia bị ASPI nêu tên đã cam kết cắt đứt quan hệ với các nhà thầu Trung Quốc khai thác lao động người Duy Ngô Nhĩ, thì Nike không thay đổi.

Kể từ khi báo cáo được công bố, thương hiệu này được cho là tiếp tục làm việc với một nhà cung cấp Trung Quốc sản xuất ít nhất bảy triệu đôi giày mỗi năm cho Nike và đã sử dụng 600 công nhân người Duy Ngô Nhĩ từ tỉnh Tân Cương vào tháng 1 năm 2020, chủ yếu là phụ nữ.

Trọng Nghĩa

Published in Châu Á

Trung Quốc tẩy não trẻ em Duy Ngô Nhĩ từ tiểu học để đồng hóa

Trang nhất Libérationhôm 06/09/2019đăng ảnh các trẻ em Duy Ngô Nhĩ với dòng tựa lớn "Trung Quốc đang đày đọa các em này", và dành bốn trang lớn để tố cáo tình trạng "Người Duy Ngô Nhĩ bị giam hãm từ lúc mới đến trường".

taynao1

Người Duy Ngô Nhĩ bị giám sát nghiêm ngặt trên đường phố Kashgar, Tân Cương. Ảnh chụp ngày 23/03/2017. Reuters/Thomas Peter

Bài xã luận của Libération mang tựa đề "Không thể dung thứ", đặt câu hỏi, có ai biết được trẻ em bị tách khỏi cha mẹ đang bị cải tạo, chỉ vì là người Duy Ngô Nhĩ ? Ai biết được chính quyền Trung Quốc đã phá vỡ cơ cấu gia đình, khi buộc con cái phải tố cáo khi thấy cha mẹ cầu nguyện hoặc ăn chay ?

Nếu tình trạng của người Tây Tạng gây xúc động cho cộng đồng quốc tế, thì việc người Duy Ngô Nhĩ bị đàn áp lại không được quan tâm. Tệ hơn nữa, để giữ quan hệ (chủ yếu là kinh tế) với Bắc Kinh, chủ đề này không được nhắc đến trong các cuộc họp song phương, đa phương.

Cho dù không được vào Tân Cương, hai nhà báo của Libération đã có được nhiều nguồn thông tin cho thấy một cuộc thanh lọc đang diễn ra. Cả một dân tộc đang bị đồng hóa, kể cả trẻ em mới 8 tháng. Bị tách rời khỏi gia đình, không được nói bằng tiếng mẹ đẻ, bị xúi giục phản bội lại người thân… trẻ em Duy Ngô Nhĩ đang bị tẩy não.

Nỗ lực biến trẻ em Duy Ngô Nhĩ thành người Hán

Tờ báo mô tả những trường tiểu học và mẫu giáo mang những cái tên đẹp đẽ, nhưng được bao bọc bằng những hàng rào điện 10.000 volt, những chiếc loa phóng thanh phát ra những bài tuyên truyền và các bốt gác của công an trong sân trường. Thông qua hệ thống nội trú bắt buộc, hàng trăm ngàn trẻ em Duy Ngô Nhĩ đang là nạn nhân của chủ trương chuyển đổi cả một thế hệ người Hồi giáo trẻ thành người Hán.

Nhà dân tộc học Sabine Trebinjac của CNRS nhận định : "Trung Quốc muốn tạo ra những trẻ em người Hoa hoàn hảo. Việc tách rời các em khỏi gia đình là nhằm mục đích cắt đứt khỏi nền văn hóa dân tộc, tăng cường việc diệt chủng".

Từ khi Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), cựu bí thư Tây Tạng lên nắm quyền ở Tân Cương tháng 8/2016, thiểu số người Duy Ngô Nhĩ, người Hồi, Kazakhstan, Kirghizstan bị đàn áp dữ dội. Vùng đất giàu tài nguyên chiếm 1/6 diện tích Trung Quốc bị giám sát bằng công nghệ cao với vô số camera, các dữ liệu sinh trắc bị cướp, điện thoại bị cài phần mềm gián điệp và người dân bị cấm di chuyển nếu không có giấy phép đi đường.

Dân chúng bị cấm uống rượu, cấm để râu dài, cấm đặt tên Hồi giáo cho con mới sinh… và chỉ cần gọi điện thoại ra nước ngoài cũng đủ để vào tù vì tội "cực đoan tôn giáo". Thậm chí còn bị kết án tử hình, như nhà địa lý học Tiyip Taspholat, hiệu trưởng trường đại học Tân Cương, mùa thu vừa rồi bị cáo buộc "nuôi dưỡng sự gắn bó thầm lặng với nền văn hóa" Duy Ngô Nhĩ.

Bên cạnh việc cầm tù, từ 2007 diễn ra chiến dịch bắt đi cải tạo hàng loạt. Có ít nhất một triệu người dân địa phương, dù giàu hay nghèo, là nông dân hay giảng viên đại học, nghệ sĩ, vận động viên, tiểu thương, Hồi giáo, không tôn giáo hoặc có khi Công giáo, đã bị tống vào các trại cải tạo được canh gác nghiêm ngặt. Trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm trời, chen chúc sau những bức tường cao, trong những xà-lim chật kín, họ phải học thuộc lòng "tư tưởng Tập Cận Bình". Trại viên phải lao động nặng nhọc với thù lao tượng trưng.

Học sinh Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức vào nội trú từ lớp 4

Nhờ cuộc điều tra tỉ mỉ của nhà nghiên cứu độc lập người Đức, Adrian Zenz, công bố vào tháng Bảy trên Political Risk, ngày nay người ta biết rằng cả trẻ em cũng bị giam hãm. Ông Zenz khẳng định với Libération"Việc tẩy não thiếu nhi Duy Ngô Nhĩ nằm trong một chiến dịch tương đương với người lớn. Tại một số trường, các em bé từ 8 tháng đến 1 tuổi mà cha mẹ bị đi cải tạo, phải ở luôn trong trường, mặc dù còn có những người thân khác. Các học sinh vẫn còn cha mẹ thì phải nội trú từ thứ Hai đến tối thứ Sáu, không được gặp gia đình".

Chế độ nội trú là bắt buộc kể từ lớp 4, và theo nhà nghiên cứu trên, có thể hàng trăm ngàn trẻ em Duy Ngô Nhĩ đang bị giữ trong các trường. Tại một số quận phía nam Tân Cương, số lượng các bé đi nhà trẻ và mẫu giáo tăng gấp bốn, số giáo viên gấp 12 lần so với tỉ lệ trung bình cả nước.

Tháng 2/2017, khi các ảnh vệ tinh cho thấy các trại cải tạo cho người lớn mọc lên, chính quyền ra lệnh xây dựng 4.387 trường mẫu giáo "song ngữ" (cần phải hiểu là không có tiếng Duy Ngô Nhĩ). Mục tiêu là đón nhận 562.900 học sinh mới từ nay đến 2020, trong khi sĩ số hiện nay đã là 759.000 em. Các giáo viên dạy tiếng Hoa được tuyển mộ trên toàn quốc, và riêng tại Kachgar có 5 triệu dân đủ chủng tộc, đã có đến 11.917 giáo viên tiếng Hoa được tuyển trong năm 2018.

"Mục tiêu của Bắc Kinh là buộc trẻ em chối bỏ bản sắc của mình, một số bé còn quên luôn tiếng mẹ đẻ" - nhà thơ kiêm ngôn ngữ học Duy Ngô Nhĩ Abduweli Ayup tố cáo. Ông tị nạn tại Na Uy sau khi bị bắt năm 2013 vì đã mở một trường dạy song song tiếng Duy Ngô Nhĩ với tiếng Anh và tiếng quan thoại. Một trong các bạn của Ayup, là cán bộ cao cấp ngỡ rằng được ưu tiên, hè năm ngoái đi nghỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Công an ập đến nhà buộc vợ ông phải chọn "hoặc là chồng hoặc là đảng", rốt cuộc người chồng phải ly dị bằng tin nhắn, từ đó đến nay không còn tin tức vợ con.

Diệt chủng văn hóa

Bị sách nhiễu lúc đang ở tận Pháp, Bỉ, Canada, người Duy Ngô Nhĩ không dám công khai tố cáo vì sợ người thân còn ở Tân Cương bị liên lụy. Tiến sĩ toán Gene Bunin đã lập ra cơ sở dữ liệu "Xinjiang Victims Database", và đã thu thập được trên 5.000 bằng chứng đàn áp thông qua các video, mạng xã hội, bản sao các công văn… Đây có thể là cơ sở phục vụ cho các nhà báo, nhà nghiên cứu, nhưng mục đích chính là thúc đẩy dân tộc này lên tiếng. Nhiều người Duy Ngô Nhĩ tị nạn ở nước ngoài coi đi coi lại các video tuyên truyền của Bắc Kinh với hy vọng tìm kiếm người thân ở Tân Cương.

Bắc Kinh trông cậy vào việc giảm tỉ lệ sinh sản nơi người Duy Ngô Nhĩ do các cặp vợ chồng bị tách rời, để Hán hóa Tân Cương. Chính sách đặc miễn cho phép có nhiều con ở Tân Cương đã bị hủy bỏ năm 2017, phố biến việc "kế hoạch hóa gia đình", và khuyến khích hôn nhân dị chủng với người Hán chính gốc, nhiều khi được trả tiền. Chính sách đồng hóa này rất tốn kém : Shohrat Zakir, phó bí thư đảng ủy Tân Cương tiết lộ chính quyền trung ương đã chuyển cho vùng này 210 tỉ euro từ 2012 đến 2018.

Tỉ lệ người Hán ở Tân Cương năm 1949, khi quân Mao Trạch Đông tràn vào xâm chiếm, chỉ có 6%, nay là 45% và chỉ tiêu đưa ra là 70% dân số.

Đối với Kyle Matthews, giám đốc viện nghiên cứu về diệt chủng ở Montréal, thì có thể gọi việc giam giữ hàng loạt, trấn áp trí thức, phá hủy những cơ sở tôn giáo của cả một dân tộc là một dạng diệt chủng, theo Công ước Liên Hiệp Quốc mà Trung Quốc có ký kết. Nhà nghiên cứu Adrian Zenz thì cho rằng đây là "diệt chủng văn hóa" một cách âm thầm.

Chính sách giam hãm trẻ vị thành niên cũng vi phạm Công ước về quyền trẻ em của Liên Hiệp Quốc mà Trung Quốc ký kết năm 1992. Theo đó, "tại những nước có nhiều sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ khác nhau, trẻ em không thể bị tước quyền thụ hưởng nền văn hóa của mình, hành đạo, hay sử dụng tiếng mẹ đẻ".

Hồng Kông rút dự luật dẫn độ : "Quá trễ và quá ít !"

Cũng liên quan đến Trung Quốc, thông tín viên Le Monde tại Hồng Kông cho biết việc rút lại dự luật dẫn độ là "quá ít, quá trễ" để làm dịu đi cơn phẫn nộ.

Đây là cảm giác chung của nhiều người biểu tình. Một áp-phích trên mạng do những người phụ trách truyền thông của phong trào đăng lên, tổng kết : "Ba đôi mắt đã bị hư, 1.183 vụ câu lưu, trên 100 người bị khởi tố, hai vụ tấn công khủng bố và vô số vụ bạo lực cảnh sát, 8 mạng người đã hy sinh, và quý vị nghĩ rằng rút lại dự luật là đã đủ ?"

Một phát ngôn viên của phong trào biểu tình, có bí danh kháng chiến là "Miss Chan", đội nón bảo hộ và che mặt, tuyên bố trong cuộc họp báo bất ngờ vào ban đêm : "Chúng tôi thậm chí chẳng cần thay đổi khẩu hiệu, hãy đáp ứng đủ năm yêu sách của người dân. Hôm nay chính quyền đã đáp ứng một, vậy còn lại bốn yêu sách nữa". Theo cô, giải pháp của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga là "chữa hoại thư bằng băng keo".

Bà Lâm đã bác bỏ yêu cầu ân xá cho tất cả những người biểu tình có nguy cơ bị khởi tố, lập ủy ban điều tra độc lập về bạo lực cảnh sát. Bà chỉ hứa mở đối thoại trực tiếp với người dân và nghiên cứu sâu hơn những bất toàn của xã hội. Bên cạnh khát vọng dân chủ, Hồng Kông còn là thành phố mà bất bình đẳng vô cùng lớn, đặc biệt là nhà đất hoàn toàn ngoài tầm với, vì nằm trong tay một số gia tộc giàu sang.

Mối nguy dân túy tại Anh

Nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay phân tích về thị trường địa ốc Pháp đang tăng giá vùn vụt. La Croix dành trang nhất cho nhận xét của bộ trưởng kinh tế Pháp Bruno Le Maire "Chủ nghĩa tư bản thế kỷ 20 không còn đất sống", ông cổ vũ Châu Âu nên trở thành một "lục địa tư bản có trách nhiệm". Le Figarolo ngại về tình hình "Căng thẳng trở lại giữa Iran và Hoa Kỳ".

Le Mondechú ý đến "Chiến lược Brexit của thủ tướng Anh Boris Johnson", với bài xã luận báo động về "Mối nguy dân túy tại Anh".

Chỉ sáu tuần lễ sau khi lên nắm quyền cuối tháng Bảy, thủ tướng Boris Johnson liên tiếp chịu đựng những thất bại ở Nghị Viện. Chiến lược của ông bây giờ là mô tả các nghị sĩ bất đồng ý kiến như những kẻ phản bội lại Brexit để làm họ mất phiếu của cử tri, với những từ ngữ của thời chiến như "đầu hàng", "hợp tác với địch".

Boris Johnson muốn đóng vai "nhân dân Brexit" chống lại giới tinh hoa ở Luân Đôn đã "bán mình" cho Liên Hiệp Châu Âu. Theo Le Monde, đây là một chiến lược nguy hiểm không chỉ cho Anh quốc : chủ nghĩa dân túy làm băng hoại các nền dân chủ là một tin xấu cho toàn Châu lục.

Argentina : Các bài học của Macri cho Macron

Còn đối với Pháp, Les Echoscảnh báo "Argentina : Các bài học của Macri cho Macron". Tổng thống Argentina, Mauricio Macri đang thất bại trong việc chống lại dân túy, và đây là kinh nghiệm mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron cần rút ra.

Ông Macri đắc cử tổng thống Argentina năm 2015 với nhiều điểm tương tự như Macron : một chính khách cánh trung chống mị dân, nhà cải cách thực dụng muốn vừa tự do hóa nền kinh tế, vừa bảo đảm phúc lợi xã hội. Nhưng nền kinh tế Argentina đang đi xuống, lạm phát lên tới mức 50%, nợ công tăng gấp đôi, đồng peso mất 2/3 giá trị so với đồng đô la.

Argentina không phải là Pháp : là một trong 10 nước giàu nhất thế giới cách đây một thế kỷ, đất nước này dần dà suy sụp mà các tổng thống dân túy từ Juan Peron đến Cristina Kirchner không gượng dậy nổi. Không có một tổng thống dân chủ xã hội nào kết thúc được nhiệm kỳ, người cuối cùng là Fernando de la Rua năm 2001 đã phải tẩu thoát khỏi Dinh tổng thống bằng trực thăng để chạy trốn đám đông giận dữ.

Theo tờ báo, có ba bài học cho ông Macron. Thứ nhất, các nhà cải cách luôn cô đơn, thứ hai, những thói quen xấu từ nhiều thập niên trước luôn tồn tại, và thứ ba, cần cải cách một cách nhanh chóng và sâu sắc.

Thụy My

Published in Châu Á