Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

26/02/2021

Duy Ngô Nhĩ : Paris tố cáo "hệ thống đàn áp được thể chế hóa" của Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương : Sự im lặng của tổng thống Pháp

Thanh Hà, RFI, 26/02/2021

Theo thông cáo chính thức của Paris và Bắc Kinh, trong cuộc điện đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 25/02/2021, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tránh đề cập đến vấn đề người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

uyghur2

Tổng thống Pháp Macron bị chỉ trích không đề cập đến hồ sơ nhân quyền ở Tân Cương trong cuộc điện đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 25/02/2021.  Reuters - POOL

Thông cáo chính thức của điện Elysée và bản tin của Tân Hoa Xã về cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ Pháp và Trung Quốc đều không đề cập đến tình trạng của người Hồi giáo ở Tân Cương. Hai bên chỉ thảo luận về quan hệ kinh tế song phương, về tình hình Miến Điện.

Bản tin của AFP nhắc lại, vào năm 2020, sau thông tin tiết lộ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị đưa vào các trại tập trung, tổng thống Pháp từng mạnh mẽ xem đây là một "hành vi đàn áp không thể chấp nhận được". Sự im lặng của ông Macron lần này khiến nhiều nhà quan sát lo ngại.

Tân Hoa Xã cho biết Paris và Bắc Kinh hài lòng về thỏa thuận bảo hộ đầu tư mà Trung Quốc và Liên Hiệp Quốc đã đạt được vào cuối năm 2020. Ông Tập Cận Bình mong muốn văn bản này nhanh chóng có hiệu lực. Về phía Pháp, tổng thống Macron kêu gọi Trung Quốc nhanh chóng phê chuẩn công ước của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế chống cưỡng bức lao động như đã cam kết. Tuy nhiên, hãng tin AFP nhắc lại đến nay Trung Quốc vẫn chưa phê chuẩn văn bản này và Bắc Kinh bị cáo buộc cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

Pháp từ nhiều năm qua mong muốn đàm phán dứt điểm về hợp đồng xây dựng nhà máy xử lý rác nguyên tử cho Trung Quốc, trị giá 10 tỷ euro. Paris cũng đang nuôi tham vọng thay thế Luân Đôn để trở thành thị trường tài chính lớn nhất châu Âu. Theo AFP, ông Tập Cận Bình có cam kết "sẽ hỗ trợ Paris" trong mục tiêu này.

Một ngày trước cuộc điện đàm giữa nguyên thủ Pháp và Trung Quốc, ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã mạnh mẽ lên án Bắc Kinh "đàn áp một cách có hệ thống" cộng đồng Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Đại sứ Trung Quốc tại Paris ngay hôm 25/02/2021 đã đáp trả là Bắc Kinh không chấp nhận bất kỳ một "hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia khác". 

Hà Lan lên án nạn "diệt chủng"

Khác với thái độ dè dặt của Pháp, Quốc hội Hà Lan ngày 25/02/2021 đã thông qua một văn bản không mang tính ràng buộc, tố cáo Trung Quốc tiến hành một cuộc "diệt chủng" nhắm vào cộng đồng thiểu số theo đạo Hồi, nói tiếng Thổ tại Tân Cương. Văn bản nói trên nêu rõ "những biện pháp nhằm triệt sản", "tra tấn", theo quy định của Nghị Quyết 260 Liên Hiệp Quốc được gọi là "Công ước về diệt chủng".

Hãng tin Anh Reuters lưu ý thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte, đã bỏ phiếu chống lại văn bản lên án Trung Quốc vi phạm tội "diệt chủng". Ngoại trưởng Stef Blok thì cho biết chính quyền nước này không muốn sử dụng cụm từ "diệt chủng" cho tới khi điều này được Liên Hiệp Quốc công nhận. Hiện cũng chưa có một phán quyết nào của một tòa án quốc tế về tội ác nói trên.

Thanh Hà

**********************

Duy Ngô Nhĩ : Paris tố cáo "hệ thống đàn áp được thể chế hóa" của Trung Quốc

Trọng Nghĩa, RFI, 26/02/2021

Trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 24/02/2021 đã tố cáo "hệ thống đàn áp được thể chế hóa" của Trung Quốc đối với người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương.

uyghur1

Bảo vệ đứng gác trước cổng một nơi chính thức gọi là trung tâm dạy nghề ở Vùng tự trị Tân Cương, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 03/09/2018.  Reuters- Thomas Peter

Phát biểu trực tuyến, ông Le Drian tuyên bố : "Từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc, chúng tôi đã nhận được lời khai và tài liệu chứng thực, cho thấy những hành vi không thể biện minh được đối với người Duy Ngô Nhĩ, và một hệ thống giám sát và đàn áp quy mô lớn đã được thể chế hóa".

Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp đã trả lời ngay sau đó trong một tin nhắn Twitter, dù không trích dẫn lời ngoại trưởng Pháp, rằng Bắc Kinh lấy làm tiếc về sự "can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác với lý do nhân quyền".

Trung Quốc, ngày càng bị phương Tây vạch mặt chỉ tên về các hành vi đàn áp ở Tân Cương, hôm 22/02 đã lại lên tiếng ca ngợi sự phát triển kinh tế xã hội ở tỉnh này, coi đó là một "tấm gương sáng" về tiến bộ của Trung Quốc trong lãnh vực nhân quyền.

Theo các viện nghiên cứu của Mỹ và Úc, ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ trong các "trại" ở Tân Cương và một số bị "cưỡng bức lao động" hoặc "cưỡng bức triệt sản". Trung Quốc phủ nhận hai cáo buộc này và khẳng định rằng các "trại" là "trung tâm dạy nghề" nhằm mục đích chống chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và chủ nghĩa ly khai.

Lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ : Nike bị kiện tại Pháp

Trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian tố cáo Trung Quốc trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, ngày 24/02, luật sư người Pháp Mourad Battikh, 36 tuổi, đã đệ đơn kiện tập đoàn Nike về "các hành vi thương mại lừa đảo và đồng lõa trong việc che giấu tình trạng cưỡng bức lao động".

Ông tố cáo các hành vi "cưỡng bức lao động nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ trong các nhà máy gia công cho thương hiệu Mỹ ở Trung Quốc".

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược Úc (ASPI) được công bố cách nay một năm trước, hơn 80.000 người Duy Ngô Nhĩ đã bị chuyển đến các nhà máy trên khắp Trung Quốc từ năm 2017 đến năm 2019.

Tuy nhiên, trong khi hầu hết 83 công ty đa quốc gia bị ASPI nêu tên đã cam kết cắt đứt quan hệ với các nhà thầu Trung Quốc khai thác lao động người Duy Ngô Nhĩ, thì Nike không thay đổi.

Kể từ khi báo cáo được công bố, thương hiệu này được cho là tiếp tục làm việc với một nhà cung cấp Trung Quốc sản xuất ít nhất bảy triệu đôi giày mỗi năm cho Nike và đã sử dụng 600 công nhân người Duy Ngô Nhĩ từ tỉnh Tân Cương vào tháng 1 năm 2020, chủ yếu là phụ nữ.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa
Read 435 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)