Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

04/03/2021

Điểm báo Pháp - Tại sao Trung Quốc chậm tiêm chủng cho dân ?

RFI tiếng Việt

Covid-19 : Tại sao Trung Quốc chậm tiêm chủng cho dân ?

Trung Quốc mở rộng "ngoại giao vac-xin" trên khắp thế giới, trong khi chỉ có khoảng 3,6% người dân nước này được tiêm ngừa Covid-19. Tại sao Trung Quốc lại chậm trễ trong việc tiêm chủng ? Đây là câu hỏi được nhật báo kinh tế Les Echos đặt ra trong số ra ngày 04/03/2021.

cham1

Bệnh nhân ngồi nghỉ sau khi được tiêm chủng ngừa Covid-19 tại Bắc Kinh ngày 15/01/2021. Ảnh chụp nhân một chuyến thăm đo chính quyền tổ chức.  Reuters – Carlos Garcia Rawlins

Trung Quốc đã không hoàn thành mục tiêu đề ra : 50 triệu người được tiêm chủng vào trước Tết Nguyên Đán 12/02 và chỉ tiêm cho 40 triệu người tính đến ngày 09/02. Tính trên 100 dân, chỉ có 3,6 liều được tiêm, thấp hơn so với 6,9% của Pháp và 23,5% của Mỹ, theo trang Our world in data.

Trong một nghiên cứu công bố ngày 02/03, ông Ernan Cui, thuộc văn phòng nghiên cứu Gavekal Dragonomics ở Bắc Kinh, nêu hai lý do chính giải thích cho sự chậm trễ này : thứ nhất là do "nhiều vấn đề liên quan đến sản xuất", thứ hai là "tâm lý không vội tiêm chủng vì số ca nhiễm Covid-19 không đáng kể ở trong nước".

Vì kiểm soát được dịch ở trong nước, chính phủ Trung Quốc đã chọn chiến lược "ngoại giao vac-xin". Bắc Kinh đã tặng vac-xin cho 53 nước và ký kết thỏa thuận thương mại với 27 nước khác. Một phần tư sản lượng hàng năm của Trung Quốc, tương đương với khoảng 560 triệu liều, được xuất ra nước ngoài. Bắc Kinh sẽ phải giữ cam kết giao hàng với các nước đối tác, trong đó có nhiều nước chấp nhận thử nghiệm trên lãnh thổ của họ. 

Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể thay đổi chiến lược tiêm chủng và suy nghĩ về giải pháp "sổ tiêm chủng" (hộ chiếu tiêm chủng) để tạo điều kiện cho việc di chuyển. "Trung Quốc có thể khuyến khích người dân tự nguyện tiêm chủng và dần dần cấp giấy chứng nhận cho những người được tiêm", theo thông tin ngày 02/03 của Hoàn Cầu Thời Báo, được Les Echos trích dẫn.

Bắc Kinh đề ra mục tiêu mới là tiêm chủng ít nhất một mũi cho 40% dân số từ nay đến tháng 6, tương đương với khoảng 500 triệu người. Bản nghiên cứu của văn phòng Gavekal Dragonomics lại cho rằng "mục tiêu tiêm chủng này là phi thực tế" vì Trung Quốc "thiếu lọ thủy tinh chuyên biệt để đựng vac-xin". Ông Ernan Cui nêu ví dụ của Sinovac, "chỉ sản xuất được 400.000 triệu liều mỗi ngày vào tháng Giêng, tương đương với 30% khả năng", và "mới thừa nhận là do gặp vấn đề về cung cấp lọ chứa".

Vấn đề tiếp theo là nhiều người dân Trung Quốc tỏ ra lưỡng lự về tiêm chủng. Chưa đầy một nửa số người được Gavekal Dragonomics thăm dò vào tháng Hai cho biết sẵn sàng tiêm chủng vì nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc là rất thấp.

Theo tình hình hiện nay, Trung Quốc sẽ mất rất nhiều năm để có được miễn dịch cộng đồng. Và nếu muốn tiếp tục "Zero Covid", quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ phải tiếp tục đóng cửa biên giới trong thời gian dài.

Kinh tế và Hồng Kông : Trọng tâm của kỳ họp Quốc hội Trung Quốc

Covid-19 không còn làm xáo trộn Đại hội Đại biểu nhân dân toàn Trung Quốc (Quốc hội) như năm 2020. Khoảng 5.000 đại biểu sẽ bắt đầu kỳ họp chính thức ngày 05/03 với trọng tâm là kinh tế và Hồng Kông, theo Le Monde.

Nhật báo Pháp nhận định, về mặt chính thức, bao trùm đại hội sẽ phải là tinh thần lạc quan vì nhiều lý do : virus corona bị đánh bại, đó là "chiến thắng của dân tộc" ; Trung Quốc không còn hộ nghèo, "một điều kỳ diệu mà không nước nào có thể làm được trong thời gian ngắn như vậy", theo ca ngợi của ông Tập Cận Bình ngày 25/02 ; tăng trưởng năm 2020 của Trung Quốc vẫn đạt 2,3% bất chấp đại dịch và suy thoái ở nhiều cường quốc đối thủ.

Tuy nhiên, hai điểm chính được trông đợi trong kỳ đại hội này là định hướng kinh tế cho năm 2021 và tương lai chính trị ở Hồng Kông. Nhiều chuyên gia kinh tế Trung Quốc và quốc tế hướng đến mức tăng trưởng 8%. Đại hội lần này còn định ra các mục tiêu cho kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025), cũng như những đường hướng để đưa Trung Quốc trở thành "một quốc gia hiện đại" vào năm 2035.

Liên quan đến Hồng Kông, báo Le Monde cho rằng Bắc Kinh sẽ không nhân nhượng bất kỳ điều gì. Sau cuộc họp hai ngày (28/02 và 01/03) tại Thâm Quyến (Shenzhen), các quan chức Trung Quốc phụ trách hồ sơ đặc khu hành chính cho rằng "những hỗn loạn" ở Hồng Kông là do áp dụng thiếu triệt để nguyên tắc "người yêu nước điều hành Hồng Kông". Theo Tân Hoa Xã, giải pháp được đưa ra là "phải nhanh chóng có những biện pháp để cải thiện hệ thống bầu cử ở Hồng Kông cũng như những hệ thống khác phù hợp với pháp luật và tôn trọng vai trò dẫn dắt của chính quyền trung ương trong hệ thống bầu cử".

Ngoài vấn đề Hồng Kông, số phận người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và quy chế của Đài Loan là những hồ sơ căng thẳng chính giữa Bắc Kinh và Washington. Tuy nhiên, theo kết luận của Le Monde, nhờ thành tích kinh tế, chưa bao giờ Trung Quốc cho thấy là sẽ không nhân nhượng về mặt ý thức hệ như hiện nay.

Hoa Vi vận động hành lang như thế nào tại Pháp ?

Ngày 26/01, Hoa Vi (Huawei) tổ chức lễ khánh thành nhà máy đầu tiên bên ngoài Trung Quốc, được đặt ở gần thành phố Strasbourg, phía đông nước Pháp. Nhật báo Le Monde đăng bài điều tra dài về "French Connection của Hoa Vi tại Paris" đã vận động hành lang như thế nào trong nhiều năm để thực hiện được kế hoạch này.

Theo Le Monde, lấy được niềm tin từ những nhà hoạch định chính sách ở Paris là trọng tâm chiến lược của tập đoàn đứng đầu thế giới về công nghệ 5G. Năm 2019, Hoa Vi đã dành gần 500.000 euro để thúc đẩy lợi ích của tập đoàn và trấn an các nhà quyết định chính sách ở Paris.

Về phía chính phủ Pháp, không cấm hoàn toàn Hoa Vi, nhưng Paris đã lập vạn lý trường thành với hàng loạt quy định về kỹ thuật. Tập đoàn công nghệ của Trung Quốc được phép sản xuất điện thoại, bán trang thiết bị cho các nhà công nghiệp và ở lại Pháp, nhưng phải chịu kiểm soát chặt chẽ. Chỉ có các công ty Châu Âu và Mỹ có thể truy cập thiết bị dẫn trọng tâm của mạng 5G, được cho là điểm đầu nối của tất cả các dữ liệu truyền thông.

Miến Điện : Chế độ không trấn áp mà chủ đích giết người

Cuộc khủng hoảng ở Miến Điện tiếp tục được báo Le Monde Libération đề cập. Tính đến tối 03/03, ít nhất 38 người bị chết và vài chục người bị thương tại nhiều thành phố lớn của Miến Điện. Nhà báo Arnaud Vaulerin của Libération nhận định : "Tại Miến Điện : Chế độ không trấn áp mà giết người".

Libération nêu hai trường hợp cụ thể : Một thiếu niên 14 tuổi bị nhắm bắn vào đầu ở Myingyan và Kyel Sin, một thiếu nữ 19 tuổi, bị bắn vào đầu từ đằng sau. Hình ảnh những người bị thương, đẫm máu vì đạn và những công cụ trấn áp khác của cảnh sát được truyền trên mạng xã hội. Những ví dụ này cho thấy "chính quyền quân sự không lùi bước, không trấn áp mà nhắm mục tiêu là giết".

Bên cạnh việc sử dụng đạn cao su, hơi cay, lựu đạn gây choáng để giải tán những đám đông biểu tình, cảnh sát còn gieo rắc nỗi sợ, cái chết bằng đạn thật. Chọn một mục tiêu và hạ gục họ ở giữa một nhóm là công việc bẩn thỉu của những kẻ bắn tỉa để gây sợ hãi và chia rẽ.

Những doanh nghiệp Pháp ở Miến Điện

Nhật báo Le Monde lại quan tâm đến những doanh nghiêp Pháp hoạt động ở Miến Điện. Năm tài khóa 2019-2020, đầu tư của các doanh nghiệp hoạt động tại Miến Điện là 5,6 triệu đô la. Đây là con số khiêm tốn so với các đối thủ Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore hay Thái Lan.

Tuy nhiên, theo điều tra của Le Monde, hầu hết các tập đoàn, từ kinh doanh khách sạn như Accor, tập đoàn dầu khí Total, Canal+… đều có liên quan đến tập đoàn quân sự, vừa tiến hành đảo chính ngày 01/02. Khi được Le Monde đặt câu hỏi, các tập đoàn này đều trả lời chung chung "theo dõi diễn biến ở Miến Điện" hoặc tôn trọng quy định của nước sở tại.

Trở lại câu hỏi tại sao tập đoàn quân sự đảo chính ? Một trong những lý do được Le Monde nêu lên là lợi ích kinh tế "hệ thống quân đội" bị đe dọa. Ví dụ, theo một báo cáo của tổ chức Ân Xá Quốc Tế, chỉ riêng tập đoàn Myanmar Economics Holdings Limited (MEHL), một trong hai tập đoàn lớn nhất Miến Điện hoạt động trong nhiều lĩnh vực chủ đạo như xây dựng, dược phẩm, sản xuất, bảo hiểm, ngân hàng, khai thác mỏ..., đã đóng góp 18 triệu đô la cổ tức, từ 1990-2011, cho giới quân đội đang hoạt động hoặc nghỉ hưu.

Giáo sư Htwe Thein, trường đại học Curtin của Úc, nhận định : "Trong vòng nhiều thập niên, quân đội tích lũy của cải bằng cách kiểm soát bộ máy quan liêu Nhà nước và gần như trở thành độc quyền trong nhiều lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế. Thế nhưng, chương trình cải cách của chính phủ do đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ (LND) đứng đầu đe dọa làm suy yếu dần dần hệ thống sinh lợi" của quân đội. Tập đoàn quân sự cảm thấy phần nào đó lo lắng khi đảng LND cho thấy sẽ minh bạch trong môi trường kinh doanh và chống tham nhũng.

Covid-19 : Phong tỏa hay không phong tỏa 20 tỉnh tại Pháp

Cùng với việc cải tổ tư pháp và sự kiện Pháp-Algeria hòa giải ký ức lịch sử, Covid-19 là chủ đề thời sự chính tại Pháp được các báo đề cập.

Theo nhật báo kinh tế Les Echos, chính phủ để ngỏ khả năng thấy ánh sáng cuối đường hầm sau "thời gian dài". Gabriel Attal, phát ngôn viên của chính phủ, cho rằng Pháp có thể "thận trọng mở cửa trở lại" từ giữa tháng Tư. Các chỉ số về dịch bệnh "vẫn tăng và đáng báo động" nhưng không phải là "bùng nổ" và tình hình vẫn "đồng đều".

Để làm được việc này, chưa bao giờ chính phủ lại trông chờ vào chiến dịch tiêm chủng như vậy. Chiến dịch được tăng tốc khiến "bác sĩ đa khoa bị chìm trong yêu cầu tiêm chủng", theo nhận định của Libération. Từ khi vac-xin AstraZeneca được mở rộng cho đối tượng là những người từ 65 đến 74 tuổi có bệnh lý, các bác sĩ đa khoa đã tiêm 2/3 trong tổng số 290.000 liều vac-xin được giao cho họ từ ngày 25/02 đến 02/03.

Phong tỏa hay không phong tỏa cuối tuần ? Nhật báo thiên tả Libération đề cập việc 20 tỉnh được đặt vào diện theo dõi đặc biệt từ tuần trước sẽ biết được số phận trong buổi họp báo chiều 04/03 của thủ tướng và bộ trưởng Y tế Pháp. Tuy nhiên, Le Figaro cho biết là vùng Ile-de-France, nơi có thủ đô Paris, sẽ không bị phong tỏa cuối tuần như hai thành phố Nice và Dunkerque.

Riêng nhật báo công giáo La Croix điều tra về những di chứng kéo dài của những người bị nhiễm Covid-19. Tại Pháp, có khoảng 250.000 đến 300.000 người vẫn bị ảnh hưởng vì tình trạng này.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng
Read 606 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)