Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

18/03/2021

Điểm báo Pháp - Liên minh chống Trung Quốc ở Châu Á

RFI tiếng Việt

Mỹ xúc tiến liên minh chống Trung Quốc ở Châu Á, Bắc Kinh tan ảo tưởng

Nguy cơ tái phong tỏa trước số ca nhiễm virus corona tăng cao, chiến lược toàn cầu của Anh, mối đe dọa từ Trung Quốc là các chủ đề chính được các báo Pháp đề cập nhiều hôm nay 18/03/2021.

lienminh1

Hai hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan (CVN 76) và USS Nimitz (CVN 68) trên Biển Đông, ảnh chụp ngày 06/07/2020. Hải quân Mỹ thách thức mưu toan của Bắc Kinh muốn biến vùng biển này thành ao nhà của Trung Quốc.  AP - Mass Communication Specialist 2nd Class Samantha Jetzer

Hàn Quốc tăng chi phí duy trì lực lượng Mỹ

Về quan hệ Mỹ-Trung, Le Mondenhận định "Hoa Kỳ dựa vào các đồng minh Châu Á để chống lại Trung Quốc". Trong khi Nhật Bản hoan nghênh thái độ cứng rắn của Washington, thì Hàn Quốc có phần dè dặt.

Trong cuộc gặp "2+2" giữa ngoại trưởng Antony Blinken và bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin với các đồng nhiệm Hàn Quốc Chung Eui Yong, Suh Wook, phía Mỹ muốn đồng minh cũng có quan điểm cứng rắn hơn, thậm chí muốn thuyết phục Seoul tham gia Bộ Tứ (Quad) đối phó với Bắc Kinh, bên cạnh đó là giảng hòa với láng giềng Nhật Bản.

Nhân dịp này, đôi bên ký thỏa thuận về sự hiện diện của quân Mỹ : Seoul sẽ tăng 13,9% đóng góp để duy trì 28.500 quân nhân Mỹ trú đóng, giải quyết vấn đề tồn tại từ thời tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên Hàn Quốc không muốn làm mất lòng Trung Quốc, láng giềng hùng mạnh, đối tác kinh tế và là nhân tố quan trọng để tái lập đối thoại liên Triều mà tổng thống Moon Jae In hằng mong muốn.

Nhật-Mỹ đồng lòng về quan điểm Ấn Độ-Thái Bình Dương

Ngược với thái độ chừng mực của Seoul, các đồng nhiệm Toshimitsu Motegi và Nobuo Kishi ở Tokyo nồng nhiệt ủng hộ lập trường kiên quyết của Mỹ trước Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Hai bên đã cảnh cáo Bắc Kinh hôm 16/03 về "thói cưỡng bức và thái độ gây bất ổn" đối với Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương.

Ngoại trưởng Blinken tuyên bố : "Chúng tôi đoàn kết trong tầm nhìn Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (…). Khi cần thiết, chúng tôi sẽ đẩy lùi Trung Quốc nếu nước này dùng cách cưỡng ép và tấn công để đạt mục đích". Washington tái khẳng định "quyết tâm không gì lay chuyển được" trong việc tôn trọng điều 5 của hiệp ước an ninh song phương, quy định Mỹ sẽ bảo vệ nếu Nhật bị tấn công.

Chỉ trong năm 2020, tàu hải cảnh Trung Quốc đã xâm nhập vùng biển Senkaku do Nhật Bản quản lý đến 333 lần – một kỷ lục. Căng thẳng càng tăng lên khi từ ngày 01/02 Trung Quốc ra luật mới cho phép hải cảnh bắn vào tàu nước ngoài.

Về Bắc Triều Tiên, ngoại trưởng Mỹ cũng khiến Nhật Bản hài lòng khi kêu gọi "phi hạt nhân hóa toàn bộ". Thêm vào đó là gia hạn một năm thỏa thuận về lực lượng Mỹ nhưng không đòi Nhật đóng góp thêm chi phí. Ưu tiên dành cho Nhật Bản không phải là điều gì mới, nhưng trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hiếu chiến và Bắc Triều Tiên khiêu khích, Tokyo không chỉ là đối tác tin cậy ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, mà còn là kiến trúc sư cho trật tự trong khu vực.

Hoa Kỳ muốn lập liên minh chống Trung Quốc

Les Echoscũng cho rằng "Washington tỏ rõ ý định lập một mặt trận thống nhất đối mặt với Bắc Kinh", và Trung Quốc không ảo tưởng về cuộc gặp tại Alaska giữa ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Dương Khiết Trì. China Dailyviết "Dù thiện chí đến đâu đi nữa, một ngày đối thoại không thể giải quyết được bất đồng giữa hai nước". Từng hy vọng sau nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump, chính quyền mới của Mỹ sẽ hòa hoãn hơn, nhưng "hy vọng này ngày càng phai nhạt", theo tờ báo của đảng cộng sản Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Philippe Le Corre thuộc Havard Kennedy School nhận định : "Mọi sự nới lỏng trước Trung Quốc đều khiến cử tri Mỹ bất bình, dư luận chưa bao giờ tiêu cực như vậy với Bắc Kinh. Có rất nhiều vấn đề bất đồng, và tất cả đều được chính quyền Biden nêu rõ : người Duy Ngô Nhĩ, Hồng Kông, Đài Loan, Biển Đông, thương mại, an ninh mạng…Về phía Trung Quốc, các nhà ngoại giao được lệnh không có nhượng bộ nào về những vấn đề chủ chốt. Hoa Kỳ và Trung Quốc chỉ có thể tìm được vài điểm chung như khí hậu, thương mại quốc tế, chống vũ khí nguyên tử và đại dịch".

Trừng phạt của Mỹ đã chận bước Trung Quốc về kinh tế và quân sự, nên kế hoạch 5 năm vừa công bố của Trung Quốc nhắm vào nỗ lực giảm lệ thuộc công nghệ. Song song đó, hôm 25/02 ông Joe Biden ra lệnh xem xét lại chuỗi cung ứng ở Hoa Kỳ để giảm lệ thuộc vào Trung Quốc đối với những mặt hàng thiết yếu. Cuộc song đấu giữa hai đại cường chỉ mới bắt đầu.

Bắc Kinh trắc nghiệm quyết tâm của Mỹ tại eo biển Đài Loan

Về hồ sơ căng thẳng nhất trong quan hệ giữa hai cường quốc, Les Echosnhận thấy "Bắc Kinh trắc nghiệm quyết tâm của Mỹ tại eo biển Đài Loan".

Liệu quân đội Trung Quốc có nhân cơ hội cuộc gặp Mỹ-Trung đầu tiên trong nhiệm kỳ Biden để giương oai diễu võ tại eo biển Đài Loan ? Khu vực này tương đối yên tĩnh trong những ngày gần đây, ngược với vô số hành động khiêu khích khi Joe Biden vừa bước vào Nhà Trắng. Bắc Kinh đã cho hàng mấy chục phi cơ tiêm kích và oanh tạc cơ xâm nhập vùng nhận diện phòng không của Đài Loan để trắc nghiệm ý chí của tân chính quyền Mỹ, đồng thời "nghiêm túc cảnh cáo phe ly khai Đài Loan". Vương Nghị trong kỳ họp Quốc hội cảnh báo nguyên tắc một nước Trung Hoa là "lằn ranh đỏ không thể vượt qua", còn Tập Cận Bình đe dọa sự khác biệt chính trị giữa hai bờ eo biển "không thể chuyến giao từ thế hệ này sang thế hệ khác".

Năm ngoái, eo biển Đài Loan căng thẳng tột độ : tập trận hải quân chống Trung Quốc đổ bộ, tiêm kích vượt qua đường trung tuyến…Chiến đấu cơ Trung Quốc xâm nhập vùng nhận diện phòng không đến 380 lần trong năm 2020, cao chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng hỏa tiễn năm 1995. Chuyên gia Antoine Bondaz nhận định : "Mục đích của Bắc Kinh là bình thường hóa các vụ xâm nhập qua việc ‘quốc tế hóa’ eo biển Đài Loan, trắc nghiệm năng lực phòng không, làm Không quân Đài Loan nhanh chóng bị già cỗi, khiến cho người dân mất tinh thần qua việc gây áp lực tâm lý chưa từng thấy và đo lường phản ứng của cộng đồng quốc tế".

Tuy Vương Nghị kêu gọi Biden "rời xa cung cách nguy hiểm" của người tiền nhiệm Donald Trump, nhưng tại Washington hiện nay lưỡng đảng đều thống nhất chủ trương. Chính quyền Biden theo đúng những bước đi của Trump trước đây, và Washington hồi cuối tháng Giêng khẳng định sự ủng hộ Đài Loan là "vững như bàn thạch", đòi hỏi Bắc Kinh chấm dứt các "mưu toan đe dọa". Hoa Kỳ tiếp tục giúp Đài Loan duy trì khả năng tự vệ, trong bối cảnh tư lệnh lực lượng Mỹ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương tuần trước đã cảnh báo Trung Quốc có thể xâm lược Đài Loan "trong vòng sáu năm tới".

Anh xoay trục sang Ấn Độ-Thái Bình Dương

Cũng về địa chính trị, Le Monde  La Croix đều tỏ ra lo lắng trước kế hoạch "Global Britain" mà Anh quốc vừa công bố. Sau hơn 50 năm gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, Luân Đôn hậu "Brexit" muốn khẳng định vị trí quan trọng của mình trên thế giới. Hầu như không nói gì đến quan hệ với các láng giềng Châu Âu, tài liệu này cho biết Anh sẽ xoay trục về ngoại giao và quân sự sang khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Coi Trung Quốc là mối đe dọa, nhưng Luân Đôn cũng muốn tăng cường giao dịch thương mại với Bắc Kinh. Đồng thời cho biết sẽ tăng thêm 80 đầu đạn hạt nhân, nâng tổng số lên 260, để xứng danh cường quốc nguyên tử đồng minh của Mỹ. Le Monde cho rằng Anh có tính chính danh khi tự chọn chính sách đối ngoại của riêng mình, vì là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và đồng minh quan trọng trong NATO. Tuy nhiên không khỏi chạnh lòng khi Luân Đôn tích cực tìm kiếm các đồng minh mới ở Châu Á-Thái Bình Dương, nhưng lại xa lánh những nước vẫn được gọi là "bạn bè Châu Âu" của mình.

Phục hồi sớm sau đại dịch, sản xuất của Trung Quốc lấn lướt phương Tây

Nhìn từ nước Pháp trên lãnh vực kinh tế, Les Echosphân tích "Cái bóng của Trung Quốc bao trùm lên kinh tế thế giới". Trước đại dịch, giới chủ Pháp đã phải dè chừng, và một năm sau Bắc Kinh gây sợ hãi cho tất cả ngành kỹ nghệ Pháp.

Đó là do các nhà sản xuất Trung Quốc đã ra khỏi khủng hoảng dịch tễ, trong khi cả thế giới vẫn còn lao đao trước con virus xuất phát từ Vũ Hán. Xuất khẩu của Trung Quốc tăng trên 60% từ tháng Giêng đến tháng Hai 2021, thặng dư thương mại đã vượt quá 100 tỉ đô la, riêng đối với Mỹ đã tăng gấp đôi. Nghịch lý là kế hoạch tái thúc đẩy của các nước đã trở thành cơ hội bán hàng của "công xưởng thế giới".

Lý do thứ hai là cuộc khủng hoảng cho thấy kỹ nghệ thế giới trở nên càng lệ thuộc Trung Quốc. Cách đây một năm Pháp bàng hoàng phát hiện thiếu khẩu trang, còn giờ đây là các thiết bị, phụ tùng như cáp nhựa, mút xốp…Một số người nghi ngờ phía sau có bàn tay của Bắc Kinh, nhưng theo nhật báo kinh tế, đó là vì được phục hồi trước phương Tây, các công ty Trung Quốc đã bóp nghẹt những nhà cạnh tranh Âu Mỹ vốn đang thiếu thốn nhiều nguyên vật liệu.

Riêng về công nghệ, Le Mondechú ý đến việc "Hoa Vi tung ra cuộc chiến bằng sáng chế". Bị Donald Trump tống cổ ra bằng cửa trước, Hoa Vi (Huawei) lại trèo vào bằng cửa sổ ! Tập đoàn Trung Quốc đang sở hữu nhiều bằng sáng chế nhất thế giới, đặc biệt về 5G – một thị trường từ 55 tỉ đô la năm 2020 có thể vọt lên đến 668 tỉ năm 2026. Trắng tay trên lãnh vực điện thoại di động vì ông Trump, nhưng làm "vua" 5G, Hoa Vi đang chuyển sang cung cấp dịch vụ và cơ sở hạ tầng kết nối.

Cuộc trường chinh của hộ chiếu vac-xin Trung Quốc

Về y tế, tuy Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên có hộ chiếu vac-xin, nhưng khó thể hữu dụng vì thiếu vắng các thỏa thuận công nhận với các nước, trong khi ngay tại Hoa lục tiến độ tiêm chủng rất chậm chạp. Trong bài "Cuộc trường chinh của hộ chiếu vac-xin Trung Quốc", Les Echoscho rằng lợi ích của loại giấy chứng nhận này vẫn còn mơ hồ.

Theo Bắc Kinh thì nhiều nước rất quan tâm, như Israel vốn đã có hộ chiếu y tế riêng, muốn đôi bên cùng công nhận lẫn nhau trong vài tuần nữa. Israel đã ký kết tương tự với Hy Lạp, Cyprus và quần đảo Seychelles, nhưng tất cả đều sử dụng cùng một loại vac-xin của Pfizer/BioNTech, còn Trung Quốc chỉ mới công nhận bốn loại vac-xin cây nhà lá vườn của mình. Việc công nhận hộ chiếu vac-xin Trung Quốc tùy thuộc vào sự minh bạch thông tin về các loại vac-xin "made in China", nhưng các dữ liệu về thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối lại chưa hề được công bố.

Bên cạnh đó, Trung Quốc có tỉ lệ tiêm chủng quá thấp, chỉ 4,6 liều/100 người, trong khi Pháp là 10,8 và Mỹ 32,6. Với nhịp độ hiện nay, miễn dịch tập thể không thể đạt được tại Hoa lục trước mùa hè 2022, và từ đây cho đến lúc đó, Trung Quốc rất dễ tổn thương.

Tái phong tỏa : Người dân Pháp phải xem lại bộ phim cũ

Cũng về đại dịch Covid nhưng tại Pháp,Le Figarongao ngán chạy tựa "Một năm sau, lại phải vận dụng chiến lược phong tỏa". "Bức tường phong tỏa" là tựa trang nhất củaLibération, Le Mondeghi nhận "Chính phủ buộc phải hành động trước một dạng làn sóng dịch thứ ba", cònLes Echoschú ý đến việc tổng thống "Macron giải quyết (khủng hoảng) bằng một đợt hạn chế mới". Đối với Les Echos, đúng một năm sau, người Pháp có cảm giác phải xem lại một bộ phim cũ : dịch lây lan nhanh, bệnh viện quá tải, lại bị phong tỏa.

Trong bài xã luận, Le Figaro than thở : Đã qua một năm rồi, thủ tướng đã là người khác, vài con virus biến thể mang thêm chút màu sắc cho cuộc sống bình thường. Còn lại, hết đợt phong tỏa đến lượt phong tỏa khác, toàn bộ hay từng phần, cả nước hay từng địa phương. Nước Pháp luôn kẹt cứng trong quan liêu, sau kinh nghiệm vừa qua lẽ ra chính quyền đã phải có những sáng kiến để đối phó với con quỷ Satan virus này. Nhưng không !

Cũng như người tiền nhiệm, thủ tướng Jean Castex tối nay lên truyền hình để loan báo tin xấu. Lúc trước thiếu khẩu trang và xét nghiệm, còn bây giờ là thiếu vac-xin. Người dân bị buộc ở trong nhà vì thiếu giường bệnh hồi sức, trong khi số giường không hề tăng trong 12 tháng qua, ít khi cầu viện đến các bệnh viện tư, còn bệnh viện dã chiến không thấy nói tới. Việc tập huấn nhanh cho các kỹ thuật viên hồi sức cũng không phải là trở ngại không thể vượt qua.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 450 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)