Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

12/04/2021

Dù gia tăng đàn áp, quân phiệt Miến ngày càng bị cô lập

Thanh Hà - Thu Hằng - Trọng Nghĩa

Khủng hoảng Miến Điện : Liên Âu lên án Nga và Trung Quốc ngăn chặn giải pháp ngoại giao

Thanh Hà, RFI, 12/04/2021

Trên blog cá nhân ngày 11/04/2021 lãnh đạo ngành ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell nêu đích danh Nga và Trung Quốc "là những trở lực" ngăn cản cộng đồng quốc tế giải quyết khủng hoảng chính trị Miến Điện bằng kênh ngoại giao.

myanmar1

Lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Josep Borrell trong cuộc họp cấp ngoại trưởng các thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO – Bruxelles, Bỉ, ngày 24/03/2021.  Reuters - Pool

Cáo buộc này được đưa ra vào lúc Miến Điện vượt ngưỡng 700 thường dân thiệt mạng từ sau cuộc đảo chính hôm 01/02/2021, lật đổ chế độ dân sự dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi, thuộc Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ.

Theo ông Borrell, những nỗ lực của cộng đồng quốc tế ngăn chận bạo lực tại Miến Điện đến nay không đem lại kết quả. Đây không phải là một "điều ngạc nhiên" khi mà Moskva và Bắc Kinh "ngăn chận những nỗ lực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ban hành lệnh cấm vận vũ khí" nhắm vào tập đoàn quân sự tại Naypyidaw. Tuy nhiên nhà ngoại giao này cho rằng Liên Hiệp Châu Âu vẫn phải cố gắng để "còn nước, còn tát". Liên Hiệp Châu Âu đã trở thành thị trường tiêu thụ hàng dệt may quan trọng nhất của Miến Điện trong những năm gần đây, do vậy, ông Borrell đề nghị Bruxelles nên dùng lá bài kinh tế và đầu tư để khuyến khích Naypyidaw quay trở lại với con đường dân chủ.

Tổng đầu tư trực tiếp của Liên Âu vào Miến Điện trong năm 2019 đạt 700 triệu euro, không thấm vào đầu so với 19 tỷ đô la của Trung Quốc

Về tình hình tại chỗ, quân đội Miến Điện cách nay ba hôm thông báo 248 ca tử vong trong số những người biểu tình. Nhưng hiệp hội AAPP hỗ trợ các tù nhân chính trị tại quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận trên "700 người thiệt mạng trong 10 tuần qua". Trong đợt bố ráp tại thành phố Bago cách Rangoon 65 cây số về hướng đông bắc, lực lượng an ninh đã sát hại 82 người trong một ngày.

Theo tin mới nhất, sáng nay lãnh đạo chính quyền dân sự bị lật đổ, bà Aung San Suu Kyi một lần nữa ra trình diện tòa án Naypyidaw qua cầu truyền hình và đã bị cáo buộc thêm một tội danh hình sự thứ sáu, liên quan đến việc xử lý thiên tai. Cũng trong ngày lần đầu tiên bàn cựu cố vấn Nhà nước Miến Điện yêu cầu được trực tiếp trao đổi với các luật sự bảo vệ cho bà.

Thanh Hà

*******************

Twitter tạo biểu tượng Liên Minh Trà Sữa để ủng hộ phong trào dân chủ ở Châu Á

Thu Hằng, RFI, 11/04/2021

Người dùng mạng xã hội Twitter có thể sử dụng một biểu tượng cảm xúc mới (emoji) hình cốc trà sữa trên nền ba mầu khác nhau để kỉ niệm một năm hashtag #MilkTeaAlliance ra đời. Từ ngày 08/04/2021, hình cốc trà sữa sẽ tự động hiện lên khi người sử dụng gõ #MilkTeaAlliance bằng tiếng Anh, Thái, Hàn hoặc một số ngôn ngữ Châu Á khác.

myanmar2

Twitter tạo biểu tượng emoji mới cho hashtag Milk Tea Alliance (Liên Minh Trà Sữa) để ủng hộ phong trào dân chủ ở Châu Á. Ảnh chụp màn hình Twitter.  © RFI / Tiếng Việt

Phong trào "Liên Minh Trà Sữa" ra đời vào năm 2020 và được đặt tên theo đồ uống ưa thích của người dân Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan, cũng như ở nhiều nước Châu Á khác. Vào mùa Thu 2020, phong trào lan rộng sang Thái Lan khi người dân liên tục xuống đường yêu cầu cải cách chính phủ và chế độ quân chủ, dựa theo cách biểu tình của người dân Hồng Kông ủng hộ dân chủ.

Trong tin nhắn thông báo về biểu tượng mới, Twitter "tin rằng việc truy cập Internet miễn phí là quyền thiết yếu và chúng tôi luôn là người bảo vệ nhiệt thành quyền tự do ngôn luận và chúng ta hãy cùng lên án #InternetShutdowns".

Theo Twitter, được AFP trích dẫn, #MilkTeaAlliance đã được sử dụng hơn 11 triệu lần từ khi được tạo vào tháng 04/2020 trên mạng xã hội Twitter. Sau cuộc đảo chính tại Miến Điện ngày 01/02, hashtag này được sử dụng nhiều trở lại dù tập đoàn quân sự cắt internet và cấm các mạng xã hội nhằm làm suy yếu phong trào phản đối đảo chính.

Ngoài #MilkTeaAlliance, hai hashtag khác cũng được sử dụng rộng rãi trên mạng Twitter là #MeToo #BlackLivesMatter .

Thu Hằng

**********************

Miến Điện : Lực lượng an ninh bị tố bắn lựu đạn tàn sát hơn 80 người biểu tình

Trọng Nghĩa, RFI, 1/04/2021

Đã có ít nhất 82 người thiệt mạng trong vỏn vẹn một ngày ở Miến Điện với vụ lực lượng an ninh bị cáo buộc là đã dùng súng phóng lựu bắn vào những người biểu tình ở một thị trấn gần Rangoon hôm 09/04/2021. Đây là thông tin do Hiệp Hội Hỗ Trợ Tù Nhân Chính Trị tại Miến Điện (AAPP) và một trang tin địa phương tiết lộ.

myanmar3

Biểu tượng của phong trào phản kháng Miến Điện, tại thị trấn Kamayut gần Rangoon, ngày 11/04/2021.  AP

Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, thoạt đầu, thông tin chi tiết về số người chết ở thị trấn Bago, cách Rangoon 90 km về phía đông bắc, không được công bố vì lực lượng an ninh đã chất đống thi thể trong khuôn viên chùa Zeyar Muni và vây kín khu vực, theo các nhân chứng và các phương tiện truyền thông trong nước.

Tuy nhiên, vào hôm qua 10/04, Hiệp hội AAPP và trang tin Myanmar Now đã loan báo tin này. Theo Myanmar Now, súng đã bắt đầu nổ trước rạng sáng ngày 09/04, và tiếp tục đến buổi chiều. Một người tổ chức biểu tình tên là Ye Htut được trích dẫn đã nhận xét : "Vụ việc giống như một cuộc diệt chủng… Họ như bắn cả vào mọi cái bóng".

Trên mạng xã hội Miến Điện, có nhiều thông tin cho biết là nhiều cư dân của thị trấn đã phải chạy trốn để thoát thân.

Tổ chức AAPP, lo việc thống kê hàng ngày số người biểu tình bị lực lượng an ninh hạ sát và bắt giữ, trước đó cho biết là đã có 618 người thiệt mạng kể từ ngày phong trào chống đảo chính bùng lên.

Con số này dĩ nhiên đã bị quân đội phủ nhận. Trong một cuộc họp báo hôm 09/04 tại thủ đô Naypyidaw, phát ngôn viên chính quyền quân sự chỉ nói đến 248 trường hợp dân thường và 16 cảnh sát thiệt mạng, đồng thời khẳng định rằng lực lượng an ninh không hề sử dụng vũ khí tự động.

Dân quân thuộc các sắc tộc Miến Điện tấn công vào cảnh sát

Trong tình hình đó, truyền thông Miến Điện còn cho biết, một liên minh quân đội các sắc tộc ở Miến Điện đã phản đối chiến dịch đàn áp của quân đội và đã tấn công một đồn cảnh sát ở bang Shan (miền đông), khiến ít nhất 10 cảnh sát thiệt mạng.

Bên tấn công bao gồm chiến binh thuộc Quân đội Arakan, Quân Giải Phóng Dân Tộc Ta’ang và Quân Đội Liên minh Dân Chủ Quốc Gia Miến Điện.

Molotov, tờ báo bí mật của giới trẻ chống đảo chính

Để chống lại việc Internet liên tục bị cúp và cố gắng giành thắng lợi trong cuộc chiến thông tin, thanh niên Miến Điện đang chuyền tay lưu hành tờ báo Molotov, một ấn phẩm ngầm của những người chống lại cuộc đảo chính quân sự.

Một thanh niên 30 tuổi lấy bút hiệu là Lynn Thant, là người đã tạo ra bản tin đặt tên là Molotov nhằm thu hút giới trẻ. Trên khắp nước Miến Điện, hàng nghìn độc giả đang tải xuống phiên bản PDF của ấn phẩm này, trước khi in lại và phân phối các bản sao ở Rangoon, Mandalay và các thành phố khác.

Lynn Thant ý thức rõ những rủi ro liên quan đến việc xuất bản tờ báo. Theo Hiệp Hội Hỗ Trợ Tù Nhân Chính Trị, hơn 3.000 người đã bị bắt kể từ khi đảo chính, trong lúc khoảng 180 người nổi tiếng, bao gồm cả diễn viên, ca sĩ và những người có ảnh hưởng, hiện đang bị truy nã về tội chống chính quyền. Họ có nguy cơ bị giam giữ nhiều năm nếu bị bắt và bị kết án.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà, Thu Hằng, Trọng Nghĩa
Read 723 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)