Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

12/04/2021

Vaccine chống Covid-19 của Trung Quốc đang có vấn đề

Thanh Hà - Thùy Dương

Covid-19 : Trung Quốc nghiên cứu kết hợp nhiều vac-xin để nâng cao hiệu quả

Thanh Hà, RFI, 12/04/2021

Sau khi thừa nhận vac-xin chống Covid-19 của Trung Quốc kém hiệu quả, giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc, Cao Phúc (Gao Fu) nêu lên khả năng kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau "nhằm nâng cao khả năng đề kháng" chống lại virus corona chủng mới.

vaccine1

Vac-xin ngừa Covid-19 do hãng dược Trung Quốc Sinopharm sản xuất.  AP - Istvan Filep

Hiện tại hai tập đoàn dược phẩm Trung Quốc SinovacBioTech và Sinopharm sản xuất bốn loại vac-xin đang được sử dụng. Thuốc của Trung Quốc đã được dùng để tiêm chủng chống Covid-19 tại 25 quốc gia trên thế giới trên tổng số gần 50 quốc gia đã đặt hàng vac-xin "made in China" theo tổng kết của hãng tin Mỹ AP.

Hãng tin Anh, Reuters trong ngày 12/04/2021 nhắc lại cách nay hai ngày tại Thành Đô nhân một cuộc hội thảo, giám đốc Trung Tâm Kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc nhìn nhận thuốc của Trung Quốc "hiệu quả không cao" như các loại vac-xin thế hệ mới dùng công nghệ ARN. Chuyên gia này cho biết Trung Quốc đang hướng tới khả năng kết hơp nhiều loại vac-xin khác nhau nhằm "điều chỉnh" mức độ hiệu quả đề kháng.

Chỉ vài giờ sau tuyên bố gây chấn động trong giới y khoa Trung Quốc, giám đốc Cao Phúc trả lời Hoàn Cầu Thời Báo trong số ra ngày Chủ Nhật 11/04/2021 tỏ ra mập mờ hơn : kết quả các nghiên cứu trên thế giới về tính hiệu quả của thuốc Trung Quốc "vừa cao vừa thấp" vấn đề đặt ra là "làm thế nào để có được hiệu quả tối ưu".

Cũng chuyên gia này bác bỏ tin báo chí quốc tế loan tải theo đó ông ghi nhận "hiệu quả thấp" của thuốc Trung Quốc. Ngoài ra cũng trên tờ Hoàn Cầu thời báo, giám đốc Cao Phúc nêu lên khả năng điều chỉnh số liều thuốc tiêm, điểu chỉnh thời hạn tiêm chủng giữa hai đợt chích và thậm chí là "kết hợp các loại vac-xin với các công nghệ khác nhau". Lãnh đạo Trung Tâm Kiểm Soát Dịch Bệnh Trung Quốc tin rằng đó sẽ là "giải pháp tốt nhất"

Reuters nhắc lại hiện nay thời gian giữa hai mũi tiêm vac-xin của tập đoàn Sinovac BioTech được ấn định là ba tuần. Một nghiên cứu của Brazil cho thấy mức độ hiệu quả đạt chưa đầy 50 % tức là không đáp ứng tiêu chuẩn của Tổ Chức Y Tế Thế Giới.

Giới khoa học không được cung cấp thông tin và dữ liệu về mức độ hiệu quả của vac-xin do tập đoàn Sinopharm sản xuất. Thống kê chính thức của Bắc Kinh cho biết hai loại vac-xin của Sinovac và Sinopharm, theo thứ tự hiệu quả đến 79,4 và 72,5 %. 

Thanh Hà

*********************

Trung Quốc thừa nhận vac-xin bào chế trong nước kém hiệu quả hơn vac-xin công nghệ ARN

Thùy Dương, RFI, 11/04/2021

Một quan chức Y tế cấp cao của Trung Quốc thừa nhận các loại vac-xin ngừa virus corona do nước này bào chế đạt hiệu quả không cao như vac-xin thế hệ mới theo công nghệ ARN thông tin. Tại một hội thảo ngày 10/04/2021 ở Thành Đô (phía tây Trung Quốc), giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc đã đề cập đến một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả của vac-xin Trung Quốc.

vaccine2

Ông Cao Phúc (Gao Fu), giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, phát biểu tại Hội thảo về Vac-xin và Y tế tổ chức tại Thành Đô (Chengdu), tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, ngày 10/04/2021.  AP

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm chi tiết :

"Nhà chức trách Trung Quốc công khai thừa nhận điều mà nhiều phòng nghiên cứu đối tác ở nước ngoài đã nói : Các loại vac-xin bất hoạt của Trung Quốc, vốn dĩ sử dụng virus đã chết để kích hoạt hệ thống miễn dịch, có khả năng bảo vệ người được tiêm ngừa kém hơn so với vac-xin công nghệ ARN thông tin, được bào chế dựa trên công nghệ di truyền tiên tiến.

Tại Brazil, một viện y sinh ở São Paulo từng xác định vac-xin Sinovac của Trung Quốc chỉ đạt hiệu quả ở mức trên 50%. Còn theo một nghiên cứu của giới đại học ở Chilê, thậm chí loại vac-xin này còn hầu như không phát huy kết quả sau liều tiêm đầu tiên : hiệu quả chỉ đạt 3%. Ở Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, một số bệnh viện phải tiêm tới ba liều vac-xin Sinopharm cho các bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch.

Tạm thời, Trung Quốc không khuyến nghị dùng nhiều loại vac-xin hay để ngừa các biến chủng SARS Cov-2. Nhưng điều này có thể sẽ thay đổi. Ông Cao Phúc (Gao Fu), giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, giải thích là có hai giải pháp đang được nghiên cứu nhằm giải quyết vấn đề về tính hiệu quả của các vac-xin hiện có. Giải pháp đầu tiên là điều chỉnh khoảng cách giữa hai lần tiêm - hiện tại hai liều được tiêm cách nhau 6 tháng - hoặc tăng số lần tiêm ngừa. Giải pháp thứ hai có thể là kết hợp các loại vac-xin. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ tăng cường nghiên cứu về những loại vac-xin có khả năng ngừa virus tốt hơn.

Những tuyên bố này của giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc đã khiến nhiều người chú ý, vì có thể dẫn đến việc lùi ngày mở cửa biên giới quốc gia rộng lớn này, nơi đã trở thành một hòn đảo biệt lập do áp dụng các biện pháp dịch tễ nghiêm ngặt về nhập cảnh. Mục tiêu của chính quyền là đạt 80% miễn dịch cộng đồng trước khi diễn ra Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022".

Trong khi đó, Reuters cho biết cũng tại Thành Đô, ông Trịnh Trọng Vĩ (Zheng Zhongwei), người đứng đầu nhóm điều phối các dự án phát triển vac-xin ngừa Covid-19 của Trung Quốc cho biết từ nay đến cuối năm 2021 nước này có khả năng sản xuất được 3 tỷ liều vac-xin, đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Mới đây Bắc Kinh cho biết tính từ tháng Hai, sản xuất vac-xin đã tăng gấp 3. Đến cuối tháng 3/2021, các hãng dược phẩm Trung Quốc sản xuất được 5 triệu liều/ngày.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà, Thùy Dương
Read 513 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)