Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

14/04/2021

Điểm báo Pháp – Covid-19 : Vaccine Trung Quốc kém hiệu quả

RFI tiếng Việt

Chuyên gia thú nhận kém hiệu quả, ‘ngoại giao vac-xin’Trung Quốc choáng váng

Hồ sơ chính của Le Monde hôm nay được dành cho chủ đề "ngoại giao vac-xin" Trung Quốc đang khốn đốn vì bị tiết lộ kém hiệu quả. Từ cuối năm 2020, Bắc Kinh cung cấp vac-xin cho nhiều nước để gây ảnh hưởng, tuy sản phẩm Trung Quốc chưa hề được công nhận. Tại các nước dựa vào vac-xin Trung Quốc để chống Covid, con virus tiếp tục hoành hành.

vaccine1

Vac-xin Sinopharm của Trung Quốc tại một phòng mạch ở Hungary. Tuy đạt tỉ lệ chủng ngừa đến 30%, mỗi ngày tại Hungary vẫn có khoảng 250 người chết vì Covid.  AP - Istvan Filep

Đại dịch Covid chiếm nhiều trang báo hôm nay : La Croixchạy tựa "Một cách nhìn khác về đại dịch", Le Figaronói về "Các điều kiện để ra khỏi khủng hoảng. Trong bài "Ngoại giao vac-xin Trung Quốc bị tấn công từ phía sau", Le Mondenhận xét, khi tuyên bố hôm 10/04 là vac-xin của Sinopharm và Sinovac hiệu quả không cao, ông Cao Phú (Gao Fu), giám đốc trung tâm phòng chống dịch đã khiến nhiều tháng trời nỗ lực của ngoại giao Trung Quốc trở thành công cốc.

Vac-xin : Đã có Trung Quốc lo cho "cộng đồng nhân loại cùng chung vận mệnh"

Trong khi Hoa Kỳ hạn chế xuất khẩu Pfizer, Châu Âu và Anh tranh cãi về AstraZeneca, Bắc Kinh phân phối vac-xin cho vài chục nước kể cả ở Châu Âu. Phương Tây chỉ nghĩ về mình ? May thay, đã có Trung Quốc lo cho "cộng đồng nhân loại cùng chung vận mệnh", coi vac-xin là "tài sản chung của thế giới".

Ai cũng biết rằng vac-xin Trung Quốc chưa hề được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chứng nhận, cũng không được tạp chí khoa học nào công nhận. Thế nhưng đứng trước dịch bệnh, nhiều nhà lãnh đạo coi đây là lối thoát. Vương Nghị hôm 12/04 khoe đã cung cấp cho trên 160 nước và tổ chức quốc tế.

Lời thú nhận của nhà khoa học Trung Quốc có ảnh hưởng thế nào ? Vấn đề nóng bỏng đến nỗi hôm thứ Hai 12/04, video này không còn tìm thấy được trên mạng xã hội Trung Quốc mà ngược lại, tối Chủ nhật 11/04, Cao Phú nói với Hoàn Cầu Thời Báo là phát biểu của ông đã bị hiểu sai, ông không nói về hiệu quả của vac-xin Trung Quốc mà là nói chung các loại vac-xin. Tuy vậy, tờ báo Hồng Kông South China Morning Post khẳng định, giáo sư Cao Phú hôm đó cho biết đang xem xét hai khả năng để "giải quyết vấn đề vac-xin Trung Quốc kém hiệu quả" : gia tăng liều lượng đồng thời kéo dài thời gian giữa hai mũi chích, thậm chí tăng số lượt chích ; hoặc pha trộn các vac-xin dùng công nghệ khác nhau.

Nếu phải chích ba mũi, các nước nhập vac-xin Trung Quốc sẽ phải chi ra nhiều hơn và có nguy cơ lượng cung không đáp ứng nhu cầu. Các nhà nước sẽ quay lại kiện Bắc Kinh ? Theo giáo sư Jean-Pierre Cabestan ở Hồng Kông, thật ra họ không có nhiều chọn lựa, khi Pfizer không mua được, AstraZeneca có khuyết điểm, Sputnik sản xuất ít, Ấn Độ nay giữ lại vac-xin cho mình, còn chương trình Covax tiến rất chậm. Khó thể bỏ qua Trung Quốc, nhưng nay tính khả tín đã bị lung lay.

Sĩ diện, Bắc Kinh không muốn nhìn nhận hạn chế về khoa học

Dù hậu quả về ngoại giao không quá trầm trọng đi nữa, nhưng lời thú nhận của giáo sư Cao Phú đã để lộ một vấn đề khác, đó là năng lực khoa học của Trung Quốc, mà theo chuyên gia Cabestan, điều này chứng tỏ trong nhiều lãnh vực Bắc Kinh không nằm trong top đầu. Nhất là ông Cao đã ca ngợi các loại vac-xin ARN thông tin, cho rằng công nghệ này mang lại khả năng "vô giới hạn" cho ngành y. Trong khi cho đến nay tại Hoa lục vẫn tỏ ra nghi ngờ, Hoàn Cầu Thời Báo hồi tháng Giêng còn tìm cách gán trách nhiệm cho Pfizer về số trường hợp tử vong ở Na Uy.

Theo Le Monde, trong năm kỷ niệm 100 năm thành lập đảng cộng sản Trung Quốc, vấn đề thể diện là quan trọng. Tập Cận Bình luôn nhấn mạnh đến tính ưu việt của "chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Hoa", nên tuy vac-xin Pfizer rõ ràng hiệu quả hơn rất nhiều, Bắc Kinh không hề công nhận mà tiếp tục "ngoại giao chiến lang", tố cáo phương Tây bóp méo tuyên bố của giáo sư Cao Phú.

Nhưng phía sau cánh cửa đóng kín, có thể có những tiếng nói phản biện dù hiếm hoi, và Bắc Kinh sẽ cố gắng rút ngắn khoảng cách. Tờ báo lưu ý là đặc sứ phụ trách vấn đề môi trường của Mỹ, ông John Kerry sắp tới sẽ đến Trung Quốc. Như vậy Bắc Kinh sẵn sàng đón tiếp một quan chức Mỹ mà không áp đặt cách ly, mặc nhiên nhìn nhận rằng một thành viên chính quyền Biden đã được tiêm chủng bằng Pfizer không thể lây nhiễm.

Vac-xin Trung Quốc không giúp giảm Covid tại Hung, Thổ, Brazil 

Về phía các nước dùng vac-xin Trung Quốc, Le Monde cho biết Hungary tuy đạt tỉ lệ tiêm chủng trên 30% nhưng lại nằm trong số những nước có tỉ lệ tử vong nhiều nhất Châu Âu : mỗi ngày có khoảng 250 nạn nhân thiệt mạng vì con virus corona từ Vũ Hán.

Thủ tướng Victor Orban, người đã quyết định dùng vac-xin Sinopharm của Trung Quốc và Sputnik của Nga dù chưa được Bruxelles cho phép, vẫn khoe rằng đã cứu được nhiều mạng người nhờ "vac-xin phương đông". Báo chí Hungary do chính quyền kiểm soát chỉ trích sự "tấn công" của cánh tả, việc tiêm chủng bằng vac-xin Sinopharm vẫn tiếp tục tại đất nước 10 triệu dân. Bên cạnh hiệu quả kém, còn có những hoài nghi về việc chính quyền hợp đồng mua 5 triệu liều vac-xin Trung Quốc thông qua một công ty bí ẩn hạng trung không hề có kinh nghiệm trong lãnh vực này, với cái giá lên đến 30 đô la một liều, cao hơn tất cả các loại vac-xin cạnh tranh !

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhờ vac-xin CoronaVac do Trung Quốc sản xuất, đã có 18,7 triệu người được chích ngừa. Tuy nhiên chiến dịch tiêm chủng nay đang giậm chân tại chỗ vì 50 triệu liều tiếp theo mà Bắc Kinh đã hứa vẫn chưa thấy đâu. Người ta nghi ngờ Trung Quốc làm áp lực để đòi Ankara phải cho dẫn độ các nhà hoạt động Duy Ngô Nhĩ đang tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong lúc đó số trường hợp mới bị lây nhiễm hàng ngày hôm thứ Hai 12/04 đã lên đế mức kỷ lục là 54.562 ca, cao chưa từng thấy kể từ đầu đại dịch. Hồi đầu tháng Ba, con số này chỉ khoảng 10.000 ca dương tính/ngày, như vậy đã tăng lên gấp 5 lần, nhiều phòng mổ phải chuyển đổi thành phòng hồi sức bệnh nhân Covid nhưng vẫn không đủ. Đã có đến 58/81 tỉnh bị xếp ở mức báo động đỏ, trong đó có hai thành phố lớn nhất nước là Istanbul và Ankara. Chính phủ đành phải siết thêm phong tỏa ngay trong mùa chay Ramadan.

Còn tại Brazil đang chao đảo vì đại dịch, việc sử dụng CoronaVac do Viện nghiên cứu Butantan ở Sao Paulo hợp tác sản xuất với tập đoàn Sinovac Trung Quốc nay mang màu sắc chính trị. Đây là loại vac-xin được dùng phổ biến nhất ở Brazil. Tuy số tử vong nơi người trên 85 tuổi có giảm, nhưng số bệnh nhân nặng dưới 40 tuổi giờ đây chiếm đến 52% ở khoa hồi sức, thay vì trước đây là 14,6%. Thị trưởng thành phố Araraquara thuộc bang Sao Paulo đã can đảm đi ngược lại chính sách thả lỏng của tổng thống, dù bị dọa giết : không trông cậy vào vac-xin Trung Quốc mà áp đặt phong tỏa nghiêm ngặt đến cuối tháng Hai. Kết quả là tỉ lệ tử vong giảm đến 60%.

"Mỗi ngày một chiếc Boeing bị rơi"

Cũng về đại dịch nhưng tại Pháp, bài xã luận của La Croixnhắc lại câu nói của một bác sĩ trên truyền hình để làm tựa đề "Người ta chấp nhận một chiếc Boeing bị rơi mỗi ngày" : con virus corona mỗi ngày cướp đi hàng trăm mạng sống ở Pháp. Khi mà đã có 100.000 người chết vì Covid và trên toàn thế giới là 3 triệu, phải chăng chúng ta đã trở nên vô cảm trước cái chết ?

Le Figaro đề nghị bốn vấn đề cần theo dõi để chuẩn bị giải tỏa mà không gặp quá nhiều rủi ro. Trước hết, đánh giá xem việc phong tỏa có hiệu quả hay không ? Tỉ lệ lây nhiễm R cần phải được kéo xuống mức 0,7 như trong hai đợt đầu để chương trình tiêm chủng có thể giúp dỡ bỏ một số hạn chế. Thứ hai, những người dễ tổn thương nhất liệu đã được vac-xin bảo vệ ? Theo Viện Pasteur, cần phải chích ngừa cho 90% số người trên 65 tuổi mới có thể ngăn được sự bùng nổ các ca nặng.

Kế đến, đã kiểm soát được các biến thể virus hay chưa ? Theo con số mới nhất của cơ quan y tế, biến chủng Anh chiếm 82% trong số các mẫu thử, còn biến chủng Nam Phi chiếm 4,2%. Cần phải giảm tối đa việc các biến chủng virus xâm nhập vào lãnh thổ Pháp qua việc kiểm soát thật chặt khách nhập cảnh. Từ hôm qua Paris đã cho ngưng các chuyến bay đến Brazil.

Cuối cùng, liệu thời tiết mùa xuân có làm con virus lây lan chậm hơn so với mùa đông, như cúm mùa hay không ? Dù vẫn chưa hiểu được cơ chế, nhưng một số yếu tố có thể ảnh hưởng. Chẳng hạn người ta ra ngoài nhiều hơn khi trời đẹp nên thông khí hơn, virus dễ tổn thương hơn trước tia cực tím, màng nhầy ở mũi ít bị ảnh hưởng vì trời lạnh, các giọt bắn tồn tại ngắn hơn trong không khí…Tuy nhiên không thể vì vậy mà quên đi các biện pháp vệ sinh căn bản, đặt tất cả hy vọng vào sự rộng lượng của ông trời.

NATO trước thử thách khủng hoảng Ukraine

Chuyển sang vấn đề địa chính trị : Liên minh Bắc Đại Tây Dương đang đứng trước thách thức của cuộc khủng hoảng Ukraine. Theo phân tích của tác giả Nicolas Barotte trên Le Figaro, xung đột đã kéo dài bảy năm qua ở ngay cửa ngõ Châu Âu, nhưng NATO vẫn chưa có giải pháp, trong khi đây là vấn đề lớn cho ảnh hưởng của tổ chức này.

Ba tháng sau khi Joe Biden bước vào Nhà Trắng, dường như Vladimir Putin một lần nữa quyết định trắc nghiệm năng lực hành động của NATO. Từ sau vụ Nga xâm chiếm Crimea năm 2014, NATO vẫn để cho ngoại giao Đức, Pháp và OSCE xử lý tình hình. Nhưng ở biên giới Ukraine, ngưng bắn từ tháng 7/2020 đã nhường chỗ cho vũ lực : có đến 80.000 quân Nga tập trung gần Donbass. NATO sẽ phải định ra một chiến lược, một lằn ranh đỏ, lý do tồn tại của liên minh.

Khi nói về Montenegro, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã dám phá vỡ một điều cấm kỵ xưa nay khi đặt câu hỏi, nước nào trong liên minh sẽ sẵn sàng gởi quân đi cứu giúp quốc gia nhỏ bé ở vùng Balkan ? Câu hỏi này nay lại đặt ra đối với Ukraine.

Theo tác giả, Nga chơi trò hỏa mù trong lúc che giấu sự yếu kém của mình. Nói về thế mạnh quân sự, NATO thừa sức răn đe các chiêu trò của Moskva, và Nga sẽ thiệt hại nặng nếu xảy ra xung đột. Nhưng Putin hy vọng lợi dụng được điểm yếu của phương Tây, đó là sự chia rẽ. Ba mươi nhà nước thành viên liệu có đứng chung trong một mặt trận ? Câu trả lời về việc có cảnh cáo Moskva hay không, trước hết dành cho nước đứng đầu là Mỹ. Hôm qua Biden đã đề nghị đồng nhiệm Nga gặp gỡ tại một nước thứ ba. NATO, như vậy còn là một sức mạnh ngoại giao.

Poseidon, ngư lôi nguyên tử tự hành của Nga có uy lực đến đâu ?

Cũng liên quan đến năng lực quân sự của Moskva, Le Figaronói về "Poseidon, ngư lôi Nga tạo ra những đợt sóng thần". Loại vũ khí nguyên tử đang trong giai đoạn thử nghiệm này nhắm vào vùng duyên hải nước Mỹ.

Trong lúc tiếng giày đinh ầm vang ở biên giới Ukraine, trên mặt nước và dưới lòng biển, Nga theo đuổi chính sách "ngoại giao kim loại nặng" - theo nhà nghiên cứu Anh Mark Galeotti. Tuần trước, một nguồn tin từ kỹ nghệ quốc phòng Nga cho biết tàu ngầm nguyên tử Belgorod sẽ được triển khai trong hạm đội Thái Bình Dương. Chiếc Belgorod mang theo ngư lôi hạt nhân Poseidon 2M39 (CIA gọi là Kanyon).

Poseidon là một loại tàu ngầm tự hành dài 24 mét, có vận tốc 185 km/h ở độ sâu 1.000 mét, trang bị một đầu đạn nguyên tử mạnh gấp 100 lần quả bom đã thả xuống Hiroshima. Ngư lôi này được cho là có thể tự vận hành 10.000 kilomet, các trung tâm đô thị lớn của Mỹ như New York hay các căn cứ hải quân như Norfolk ở Virginia có thể là mục tiêu. Poseidon được tiết lộ hồi tháng 11/2015 do kênh truyền hình NTV vô tình hoặc cố ý chiếu cảnh một tướng Nga trong cuộc họp ở Sochi cầm trong tay bản vẽ ngư lôi.

Tuy nhiên các chuyên gia vẫn hoài nghi về phương diện kỹ thuật lẫn việc sử dụng. Nếu cho chạy với vận tốc tối đa, Poseidon có thể bị tất cả các loại thiết bị dò siêu âm phát hiện và bị phá hủy trước khi đạt đến mục tiêu. Còn nếu âm thầm chạy rất chậm dưới lòng biển sâu Bắc Đại Tây Dương, sẽ mất nhiều ngày mới đến nơi, khó thể "tiên hạ thủ vi cường".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 447 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)