Hai lãnh đạo Mỹ - Nhật có thể ra tuyên bố chung về Đài Loan
Thanh Phương, RFI, 16/04/2021
Hôm 16/04/2021, thủ tướng Nhật Bản, Yoshihide Suga hội kiến tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden tại Nhà Trắng. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa tân tổng thống Mỹ với một lãnh đạo ngoại quốc.
Chủ đề bao trùm chương trình nghị sự của thượng đỉnh Mỹ-Nhật lần này là Trung Quốc. Reuters, hôm 15/4, dẫn lời một quan chức cao cấp của chính quyền Mỹ, xin giấu tên, cho biết tổng thống Biden và thủ tướng Suga sẽ ra một tuyên bố chung về Đài Loan.
Lần cuối cùng mà hai lãnh đạo Mỹ-Nhật ra một tuyên bố chung về Đài Loan đó là vào năm 1969, trước khi Tokyo bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh. Lần này, tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước là nhằm đáp lại những áp lực của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, theo dự đoán của Reuters, tuyên bố chung Mỹ-Nhật về Đài Loan hôm nay có thể không có nội dung như Hoa Kỳ mong muốn từ phía thủ tướng Suga. Kể từ khi lên cầm quyền vào tháng 9 năm 2020, đối với Trung Quốc, ông Suga vẫn theo chính sách của người tiền nhiệm, giữ thế cân bằng giữa một bên là các quan ngại về an ninh và bên kia mà các mối liên hệ chặt chẽ về kinh tế với Bắc Kinh. Trong tuần này, một đại diện của bộ ngoại giao Nhật Bản đã tuyên bố là hai bên chưa quyết định là sẽ có một tuyên bố chung về Đài Loan hay không.
Trong cuộc gặp gỡ hôm nay, tổng thống Biden và thủ tướng Suga cũng thảo luận về chính sách của Bắc Kinh đối với người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương và về việc Trung Quốc gia tăng kiểm soát đặc khu hành chính Hồng Kông. Cuộc gặp này cũng là dịp để thông báo khoản đầu tư 2 tỷ đô la của Nhật để cùng với Mỹ phát triển mạng viễn thông 5G đối chọi với tập đoàn Hoa Vi của Trung Quốc.
Với cuộc họp thượng đỉnh trực tiếp với thủ tướng Suga hôm nay và cuộc họp thượng đỉnh với tổng thống Hàn Quốc trong tháng 5, tổng thống Joe Biden đang nỗ lực tập trung các nguồn lực ngoại giao và quân sự của Hoa Kỳ vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, đối phó với thế lực ngày càng mạnh của Trung Quốc, mà ông xem là một vấn đề chính sách ngoại giao rất quan trọng.
Cũng theo vị quan chức cao cấp trên của chính quyền Mỹ, trong cuộc gặp hôm nay, tổng thống Biden và thủ tướng Suga sẽ thông báo về cuộc họp sắp tới của nhóm QUAD (Bộ Tứ), tức đối thoại bốn bên về an ninh, quy tụ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, nhằm đối phó với mối đe dọa Trung Quốc cũng như với Bắc Triều Tiên.
Thanh Phương
*********************
Phái viên của tổng thống Mỹ tuyên bố : Quan hệ với Đài Loan "mạnh hơn bao giờ hết"
Thanh Phương, RFI, 15/04/2021
Quan hệ giữa Đài Loan với Hoa Kỳ "mạnh hơn bao giờ hết", đó là tuyên bố của ông Christopher Dodd, phái viên của tổng thống Mỹ Joe Biden, hôm nay, 15/04/2021, khi hội kiến tổng thống Thái Anh Văn tại Đài Bắc.
Theo yêu cầu của tổng thống Joe Biden, cựu thượng nghị sĩ Christopher Dodd và hai cựu thứ trưởng ngoại giao Mỹ Richard Armitage và James Steinberg đã đến Đài Bắc hôm 14/04. Đây là lần đầu tiên kể từ khi tổng thống Biden lên cầm quyền, một phái đoàn tầm cỡ như vậy được cử đến Đài Loan.
Tuyên bố với tổng thống Thái Anh Văn, ông Christopher Dodd nói thêm: "Chính quyền Biden sẽ là một người bạn đáng tin cậy. Tôi tin tưởng là chính quyền này sẽ giúp quý vị mở rộng không gian quốc tế và yểm trợ đầu tư của quý vị vào khả năng tự vệ".
Đáp lời phái viên của tổng thống Mỹ, bà Thái Anh Văn nhắc lại là gần đây Trung Quốc thường xuyên đưa chiến hạm và chiến đấu cơ đến diễn tập ở vùng biển và vùng trời chung quanh Đài Loan. Theo tổng thống Đài Loan, những hành động này của Bắc Kinh "phá vỡ nguyên trạng ở vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương và đe dọa ổn định và an ninh khu vực".
Trung Quốc đã phản ứng giận dữ về chuyến thăm Đài Loan của phái đoàn Hoa Kỳ, theo tường trình của thông tín viên Stéphane Lagarde từ Bắc Kinh :
"Tuy là một chuyến viếng thăm không chính thức, nhưng cũng đủ để khiến Cộng hòa nhân dân Trung Hoa nổi giận. Đối với chính quyền Bắc Kinh, tổng thống Joe Biden phái các cựu thượng nghị sĩ đến Đài Bắc chính là nhằm hỗ trợ cho "phe đòi độc lập" và đây là một bước hướng tới những mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Hoa Kỳ và Đài Loan, điều mà Trung Quốc dứt khoát muốn tránh.
Phát ngôn viên của Văn phòng Sự vụ Đài Loan Mã Hiểu Quang (Ma Xiagang) tuyên bố : "Chúng tôi không hứa từ bỏ việc dùng đến vũ lực và giữ nguyên khả năng thi hành mọi biện pháp cần thiết. Chúng tôi nhắm đến sự can thiệp của các thế lực ngoại bang và con số rất nhỏ những thành phần ly khai và các hoạt động ly khai của họ. Các cuộc thao dượt quân sự là nhằm bắn đi tín hiệu rằng chúng tôi quyết tâm ngăn chận Đài Loan đi đến độc lập và bắt tay với Hoa Kỳ. Quyết tâm của chúng tôi sẽ thể hiện trong hành động".
Trong những ngày qua đúng là đã có nhiều hành động : hôm thứ Hai tuần này, 25 chiến đấu cơ của Trung Quốc đã bay đến thách thức các radar Đài Loan. Đối với nhiều nhà phân tích hiện nay, chỉ cần một tia lửa nhỏ là đủ khiến cho tình hình leo thang.
Philipp Zelokow, một cố vấn của bộ ngoại giao Mỹ, nhận định: "Chúng tôi chưa biết liệu Trung Quốc có đi đến mức phát động chiến tranh với Đài Loan hay không, nhưng chúng tôi nghĩ rằng tình hình đã đi đến mức mà không ai có thể loại trừ khả năng này. Ví dụ như Bắc Kinh có thể bắt đầu bằng việc ngăn chận Hoa Kỳ và các nước khác cung cấp tên lửa cho quân đội Đài Loan".
Thanh Phương