Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

16/04/2021

Đối lập Miến Điện : từ chống độc tài đến thành lập chính phủ đoàn kết

RFI tổng hợp

Miến Điện : Đối lập chống chế độ độc tài quân sự lập "chính phủ đoàn kết quốc gia"

Trọng Thành, RFI, 16/04/2021

Theo AFP, phong trào đối lập chống chế độ độc tài quân sự Miến Điện hôm 16/04/20201, thông báo thành lập chính phủ lâm thời "đoàn kết quốc gia".

miendien1

Người dân biểu tình phản đối quân đội đảo chính tại Mogok, Mandalay, Miến Điện, ngày 15/04/2021. Ảnh do một nguồn ẩn danh cung cấp.  AFP - HANDOUT

Thông tin vừa được loan tải trên trang mạng Facebook của Public Voice Television, cơ quan ngôn luận của Ủy ban đại diện Quốc Hội Miến Điện (Cabinet of Committee Representing Pyidaungsu Hluttaw, CRPH), với thành viên chủ yếu là các nghị sĩ Miến Điện bị chính quyền quân sự phế truất.

Người thông báo thông tin về chính phủ "đoàn kết quốc gia" là ông Min Ko Naing, sinh năm 1962, được coi là một nhà tranh đấu vì nhân quyền kỳ cựu tại Miến Điện, một lãnh đạo của phong trào dân chủ hiện nay. Chính phủ "đoàn kết quốc gia" chống tập đoàn quân sự bao gồm các thành viên là các dân biểu bị phế truất, thành viên các sắc tộc thiểu số, và nhiều nhà tranh đấu hàng đầu trong phong trào biểu tình chống chế độ quân sự vừa qua.

Trang mạng đối lập Myanmar Now cho biết cụ thể là, nguyên chủ tịch Thượng Viện Miến Điện (lãnh đạo Thượng Viện cho đến khi bị quân đội đảo chính), ông Mahn Win Khaing Than, người sắc tộc thiểu số Karen, theo đạo Thiên Chúa, được CRPH bổ nhiệm vào chức vụ thủ tướng. Luật gia Duwa Lashi La, chính trị gia sắc tộc Kachin, được bổ nhiệm làm phó tổng thống. Chính phủ lâm thời "đoàn kết quốc gia" bao gồm 26 thành viên, với 12 bộ. Trong số 26 thành viên nội các, có 13 người thuộc nhiều sắc tộc thiểu số, như Shan, Chin, Môn, Karen, Kachin, Ta’ang. Tám người là phụ nữ.

Bác sĩ Sasa, đặc phái viên của Ủy ban đại diện Quốc Hội Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc, được bổ nhiệm làm bộ trưởng bộ Hợp Tác Quốc Tế. Chức vụ tổng thống và cố vấn Nhà nước của hai lãnh đạo hiện đang bị quân đội giam giữ (ông Win Myint và bà Aung San Suu Kyi, giải Nobel Hòa Bình) vẫn được duy trì trong nội các mới.

Liên Hiệp Châu Âu ban hành loạt trừng phạt mới

Vẫn AFP hôm nay cho hay, theo một số nguồn tin ngoại giao, Liên Hiệp Châu Âu vào ngày thứ Hai 19/04 sẽ ban bố các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào tập đoàn quân sự. Đối tượng trừng phạt là 10 thành viên tập đoàn quân sự và hai tổ chức bảo đảm nguồn Tài chính cho chế độ quân sự.

Thỏa thuận trừng phạt mới được thông qua về nguyên tắc sẽ phải được Hội nghị các ngoại trưởng 27 nước Châu Âu chính thức phê chuẩn trong cuộc họp 19/4 tại Bruxelles. Trong số những người bị trừng phạt có lãnh đạo tập đoàn quân sự Min Aung Hlaing. Các đương sự bị cấm vào Châu Âu, tài sản tại lãnh thổ của Liên Âu bị phong tỏa. Liên Âu cũng cấm mọi tài trợ cho hai tổ chức Miến Điện.

Trọng Thành

**********************

Liên Hiệp Quốc lo tình hình Miến Điện sẽ giống Syria

Thu Hằng, RFI, 14/04/2021

Tại Miến Điện, phong trào "bất tuân dân sự" tiếp tục trong dịp Năm Mới. Sau cách viết khẩu hiệu phản đối lên bình hoa, ngày 14/04/2021, người biểu tình hất sơn đỏ, tượng trưng cho mầu máu, trên đường phố ở nhiều thành phố lớn để tưởng nhớ "những người đã chết trong cuộc chiến vì dân chủ".

miendien2

Người dân Miến Điện cầm hoa đi biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự. Ảnh chụp tại Dawei, Miến Điện, ngày 13/04/2021.  Dawei Watch via Reuters

Trước một tập đoàn quân sự kiên quyết bám quyền, thẳng tay trấn áp khiến hơn 710 chết, Liên Hiệp Quốc lo ngại Miến Điện có "nguy cơ chìm trong xung đột toàn diện như tại Syria". Trên Twitter ngày 13/04, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet kêu gọi các quốc gia đưa ra những biện pháp mang tính quyết định và tức thì để buộc tập đoàn quân sự chấm dứt đàn áp bạo lực.

Trả lời đài RFI ngày 13/04, bà Ravina Shamdasani, phát ngôn viên của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, cho biết thêm :

"Có những điểm tương đồng rõ ràng với Syria vào năm 2011. Ban đầu cũng bắt nguồn từ những cuộc biểu tình ôn hòa và bị lực lượng an ninh trấn áp một cách thô bạo, bất cân xứng. Tình hình sau đó dẫn đến việc nhiều cá nhân đã phải cầm vũ khí. Chúng ta cũng thấy hiện nay tại Miến Điện, nhiều nhóm dân tộc có vũ trang ủng hộ người biểu tình và chống lại Tatmadaw - quân đội Miến Điện. Chúng ta cũng thấy những làn sóng di cư.

Điều khiến tôi lo ngại là cộng đồng quốc tế từng thất bại trong việc xử lý cuộc khủng hoảng Syria, còn hậu quả thì thật kinh hoàng. Miến Điện cũng đang hướng đến một cuộc xung đột. Chúng ta đang chứng kiến trường hợp giống với Syria. Những lá phiếu phủ quyết ở Hội đồng Bảo an đã cản trở Tòa án Hình sự Quốc tế hành động và cộng đồng quốc tế phối hợp phản ứng.

Việc so sánh tình hình Miến Điện với Syria có lẽ là để cảnh báo cộng đồng quốc tế đừng để sai lầm tái diễn, vậy mà đây lại là điều đang xảy ra".

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành, Thu Hằng
Read 476 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)