Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

17/04/2021

Điểm tuần báo Pháp – Một trật tự Châu Á mới !

RFI tiếng Việt

Châu Á hướng tới một trật tự khu vực mới

"Châu Á hướng tới một trật tự khu vực mới" là bài viết đáng chú ý được Courrier International trích đăng từ báo Nhật Nikkei Asia

khuvuc1

Tương lai Châu Á phụ thuộc nhiều vào việc các quốc gia dân chủ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia... có siết chặt hợp tác được với nhau hay không.  © wikipedia

Khi các nhà sử học viết về năm 2020, năm này có thể được coi là sự kết thúc của thời kỳ, cho đến nay thường được gọi là "thời kỳ hậu thực dân" ở Châu Á. Bước ngoặt này đặc biệt được đánh dấu bằng sự tiến triển rõ nét về cán cân quyền lực kinh tế, với sự chuyển dịch quyền lực từ các cường quốc thực dân cũ phương Tây sang các các cường thực dân cũ phương Đông, kèm theo đó là sự xói mòn ảnh hưởng địa chính trị và tinh thần của phương Tây.

Không chỉ Hoa Kỳ và Châu Âu mất ưu thế kinh tế trước Châu Á, cả về khối lượng thương mại, đầu tư và tăng trưởng, mà Tây phương còn mất phần lớn khả năng dẫn dắt và tác động đến những thay đổi chính trị. Năm 2019, Trung Quốc xuất khẩu hơn 2,6 nghìn tỷ đô la hàng hóa và dịch vụ, so với 2,5 nghìn tỷ đô la của Hoa Kỳ. Mỹ có thể vẫn dẫn trước Trung Quốc về chi tiêu quân sự và lực lượng tấn công, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách và Hoa Kỳ không hẳn sẽ chiến thắng, nếu xung đột nổ ra ở Châu Á.

Theo báo Nhật Nikkei Asia, trong năm 2020, những xu hướng nói trên càng được củng cố do tác động của đại dịch Covid-19 và tình hình chính trị Mỹ. Về đại dịch, cách ứng phó của Châu Á đã cho thấy là có hiệu quả nhất. Các cường quốc phương Tây không còn có thể tự xem mình như một hình mẫu : Suy yếu về kinh tế, thiếu sự lãnh đạo của Mỹ, lần đầu tiên kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, các nước Châu Âu phải tự vấn về nền tảng chính trị và dân chủ.

Thực tế mới cũng cho thấy sự trỗi dậy không thể lay chuyển của Trung Quốc, bất chấp mọi sáng kiến ca phương Tây nhm làm chm bước tiến công ngh ca nước này, hn chế Bc Kinh phát trin lc lượng quân s và trng pht Trung Quc v các v vi phm quyn tự do của công dân. Trung Quốc đã vượt qua những ràng buộc mang tính chuẩn mực và chiến lược của "trật tự hậu thực dân cũ", và đã buộc các cường quốc thực dân cũ phải đưa ra các chính sách và thỏa thuận thương mại có lợi cho Châu Á và do Trung Quốc thống trị, chứ không phải theo hướng ngược lại.

Hiện giờ vẫn còn phải chờ xem Châu Á sẽ lấp đầy khoảng trống mà phương Tây để lại như thế nào, để dùng sức mạnh kinh tế của mình phục vụ nhân loại. Châu Á cũng sẽ phải xác định những giá trị cơ bản để củng cố ảnh hưởng ngày càng tăng của khu vực, bởi các học giả về chính sách đối ngoại ở Hoa Kỳ và tại một số nước Châu Âu đang lo ngại về viễn cảnh đầy nguy hiểm của một thế giới do Đảng cộng sản Trung Quốc thống trị.

Tuy nhiên, những báo động về sự trỗi dậy của Trung Quốc đang che khuất thực tế là Nhật Bản và Hàn Quốc, hai nền kinh tế khác lớn nhất Châu Á, cũng là những nền dân chủ, giống như Ấn Độ và Indonesia, 2 quốc gia đông dân chỉ sau Trung Quốc. Hồng Kông có thể đã mất quyền tự do, nhưng Đài Loan đang làm tốt mọi việc, và Singapore đang dần rũ bỏ xiềng xích kinh tế - xã hội cũ để tiếp nhận tính năng động trong lĩnh vực kinh doanh của toàn bộ khu vực.

Ưu tiên trong tương lai

Báo Nhật Nikkei Asia nhấn mạnh bối cảnh chính trị trong khu vực đã thay đổi rất nhiều kể từ giữa những năm 1990. Sự chuyển đổi sang dân chủ được khởi xướng trong giai đoạn 1980-2000 ngày càng được củng cố, cho dù cũng gặp một số thất bại. Xã hội dân sự Châu Á chưa bao giờ năng động như hiện nay, thế hệ trẻ vừa có tinh thần cảnh giác, lại lạc quan và kết nối được với nhau nhờ mạng xã hội. Ngành sáng chế công nghệ và kinh doanh phát triển mạnh.

Giả sử phương Tây tiếp tục suy yếu, các chuẩn mực mà Châu Á đặt ra cho giữa thế kỷ 21 sẽ như thế nào ? Theo Nikkei Asia, môi trường là một trong những ưu tiên chính, bởi tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét ở Châu Á do mực nước biển dâng cao ở mức nguy hiểm, các hiện tượng thời tiết ngày càng khắc nghiệt và nhiệt độ tăng cao. Tuy nhiên, cần lưu ý về tính minh bạch trong quản lý và sự cấp bách của việc giảm thiểu bất bình đẳng. Tăng trưởng và phát triển ở Châu Á hiện giờ chủ yếu phục vụ cho giới tinh hoa, nên giải quyết tình trạng bất bình đẳng sâu đậm là điều rất quan trọng.

Thêm vào đó, "mối liên hệ mang tính xây dựng" sẽ là yếu tố cơ bản đối với an ninh khu vực trong tương lai. Hoa Kỳ và Châu Âu trở nên thịnh vượng nhờ các liên minh được thiết lập trên đống hoang tàn đổ nát từ Đệ nhị Thế chiến và trong Chiến tranh Lạnh. Việc liên kết với các cường quốc sẽ khuyến khích hòa bình và phát triển hợp tác, ngay cả khi phương Tây vẫn đang tìm cách chia rẽ và phân cực các khu vực để chống lại đà tiến của Trung Quốc.

Việc theo đuổi những mục tiêu nói trên sẽ không dễ dàng. Để đạt được các mục tiêu đó và đóng góp vào lợi ích chung quy mô toàn cầu, Châu Á phải đầu tư vào một chính sách ngoại giao táo bạo và sáng tạo, đồng thời xác định cho dân chúng vị trí của Châu Á trên thế giới, giống như phương Tây từ lâu được coi là hình mẫu cho khu vực. Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản và Hàn Quốc có nhiều tiềm năng để xích lại gần nhau, nhưng các nước này phải từ bỏ việc bảo vệ các lợi ích quốc gia hạn hẹp.

Thách thức lớn nhất sẽ là kiềm chế được Trung Quốc trong tương quan lực lượng mới. Nikkei Asia hy vọng trong bối cảnh các cường quốc thực dân cũ đang lui bước, các cường quốc Châu Á hạng trung có thể sẽ dễ thành công hơn trong việc thuyết phục Trung Quốc ủng hộ các chuẩn mực mới "cởi mở và mang tính xây dựng, tôn trọng pháp quyền".

Valdimir Putin sẽ tái khởi động chiến tranh với Ukraine ? 

Về căng thẳng giữa Moskva và Kiev, việc Nga trong những ngày gần đây tăng cường điều quân đến vùng dọc biên giới miền đông Ukraine, vùng Crimea bị Nga xâm chiếm, và trong những vùng Krasnodar và Rostov (sát biên giới với Ukraine), khiến phương Tây lo lắng và NATO phải tổ chức một cuộc họp khẩn. Theo báo Mỹ New York Times, gần 4.000 quân đã được Nga triển khai ở vùng biên giới với Ukraine, khiến Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Châu Âu nâng báo động lên mức cao nhất.

Vladimir Putin sẽ tái khởi động chiến tranh với Ukraine ? Valdimir Putin muốn gì ? Theo L’Express, giả thuyết có nhiều khả năng xảy ra nhất là tổng thống Nga muốn gây sức ép với Tây phương, trong bối cảnh các cuộc đàm phán về xung đột Ukraine, từ năm 2014 đến nay đã khiến 13.000 người thiệt mạng, vẫn đang ở "điểm chết". Nhà khoa học chính trị Ukraine Volodymyr Fesenko nhận định :

"Đây không phải là lần đầu tiên Putin hành xử theo cách này. Áp lực quân sự ngày càng tăng phản ánh sự bực tức của lãnh đạo Nga đối với sự không nhân nhượng của Ukraine trong tiến trình hòa bình. Putin muốn giải quyết cuộc xung đột chỉ dựa trên các điều kiện Moskva đưa ra, bao gồm việc giành quyền tự trị cho các tỉnh ly khai Lugansk và Donetsk. Các đợt chuyển quân này cũng là phương tiện để thử phản ứng của phương Tây, đặc biệt là của chính quyền Biden, trong trường hợp xung đột leo thang. Trong mọi trường hợp, tình hình đều rất nghiêm trọng".

Theo L’Express, cũng không thể loại trừ khả năng Nga sử dụng quân đội để loại Ukraine khỏi vùng biển Azov. Đối với cựu tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, người đã đối đầu với quân đội Nga trong nhiệm kỳ của mình, mục tiêu của Valadimir Putin là thúc đẩy Ukraine đầu hàng. Putin muốn buộc chính phủ Ukraine tham gia đối thoại với các nhà lãnh đạo vùng Donbass, "những con rối trong tay chủ nhân điện Kremlin".

Nếu được như vậy, Nga sẽ không còn bị xem là một bên liên quan cuộc xung đột Ukraine, mà có vai trò hòa giải và giúp mọi chuyện được giải quyết dễ dàng hơn. Cựu tổng thống Petro Poroshenko lưu ý, các đối tác quốc tế của Ukraine không được rơi vào bẫy của Putin và khuyến nghị quốc tế triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở khu vực này, khởi động lại tiến trình Minsk, vốn có hiệu lực vào năm 2015, nhưng không được tôn trọng.

Trong khi Moskva tin rằng việc công nhận "vị thế đặc biệt" của Donbass là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào, thì Kiev, vốn muốn giành lại quyền kiểm soát biên giới chính thức với Nga, tin rằng sẽ không xảy ra chuyện gì, miễn là miền đông đất nước không bị phi quân sự hóa.

Trước bế tắc này, Châu Âu không khoanh tay đứng nhìn. Pháp và Đức đang dẫn đầu các cuộc đàm phán gian khó ở hậu trường. Nhưng hy vọng quy tụ được hai nguyên thủ Nga và Ukraine, trong một cuộc họp, thậm chí chỉ là cầu truyền hình, là rất mong manh. Do đó, có nhiều khả năng đôi bên trở lại một cuộc xung đột với "cường độ thấp" như từ vài năm nay. Nhưng nhà chính trị học Volodymyr Fesenko băn khoăn : liệu chúng ta có thể thực sự nói về "cường độ thấp", khi tháng nào cũng có hàng chục binh sĩ Ukraine thiệt mạng ?

Nhà nghiên cứu James Sherr cho biết, kể từ khi hiệp định Minsk được triển khai, số binh sĩ Ukraine thiệt mạng trong thời kỳ được gọi là "cường độ thấp" này còn cao so với những thời điểm tồi tệ nhất của các cuộc giao tranh. Vậy Tây phương phải làm gì ? L’Express suy đoán rất có thể tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã theo dõi rất kỹ hồ sơ này khi còn là phó tổng thống thời chính quyền Barack Obama, đang có một kế hoạch bí mật...

Nước Pháp sẽ gia nhập "các nước thế thuộc giới thứ ba" ?

Liên quan đến nước Pháp, trong bối cảnh Covid-19 đã cướp đi mạng sống của 100.000 người bất chấp nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh trong suốt hơn một năm qua, tuần báo Le Point băn khoăn đặt câu hỏi "Liệu có phải nước Pháp đang trở thành một nước thuộc thế giới thứ ba cho dù có nhiều phương tiện để thành công ?".

Pháp đã ghi nhận số ca tử vong vì virus corona cao gấp 42 lần và mức sụt giảm GDP nghiêm trọng gấp 5 lần so với các nước phát triển ở Châu Á. Còn so với các nước láng giềng Châu Âu như Đức, Hà Lan, Bulgaria..., trong khi các nước này vẫn tổ chức được các cuộc bầu cử thì tại Pháp lại dấy lên câu hỏi giữ nguyên hay lui ngày bầu cử lập pháp địa phương. Đối với cây bút xã luận Franz-Olivier Gielbert của tuần báo Le Point, điều này cho thấy nền dân Pháp đang "mệt mỏi" hay đang có một sự cự tuyệt nền dân chủ, một dấu hiệu cho thấy Pháp đang có xu hướng trở thành một nước thuộc "thế giới thứ ba".

Một dấu hiệu khác là trong khi ở các nước dân chủ Châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, kinh tế đang có nhiều hứa hẹn phát triển mạnh sau năm 2020 không nhiều thiệt hại nặng nề, nhờ chiến lược Zero Covid với các biện pháp xét nghiệm tầm soát - truy vết - cách ly nghiêm ngặt, thì người Pháp lại chỉ coi trọng tự do cá nhân, không chấp nhận bị để theo dõi truy vết Covid-19.

Về chiến dịch tiêm chủng, cơ may thoát khỏi khủng hoảng, Le Point lấy làm tiếc là lẽ ra Pháp đã có thể áp dụng chiến lược chủng ngừa mang tính hệ thống như Israel, Anh Quốc, Mỹ, thế nhưng Pháp, cũng như Liên Âu, lại chọn cách "không chọn gì hết", cứ để mọi việc cuốn đi. Hậu quả là GDP của Pháp đã mất 9 điểm trong năm qua.

Và cuối cùng, Pháp đã không biết cách tận dụng những tháng qua để bảo đảm khả năng độc lập, tự chủ về khẩu trang : Cho đến nay, khẩu trang bán ở các hiệu thuốc chủ yếu vẫn là khẩu trang "made in China". Pháp còn chờ đến khi nào mới hành động, đến khi tình thế đảo ngược và các thế hệ sắp tới sẽ sản xuất hàng giá rẻ cho Châu Á ?

Covid-19 : Trung Quốc dùng đủ cách để dân đi tiêm chủng

Vẫn liên quan đến Covid-19, nhìn sang Châu Á, tuần báo L’Express có bài phóng sự về việc chính quyền Trung Quốc đang dùng đủ mọi cách, kể cả tăng cường sức ép, hay tặng quà... để thúc đẩy dân chúng tiêm ngừa, nhằm đạt chỉ tiêu từ nay đến mùa hè 40% dân số được tiêm ngừa virus corona : hơn 500 triệu người.

Sau những nhóm người phải tiêm đầu tiên, gồm tài xế taxi, nhân viên giao hàng, nhân viên nhà hàng và một số doanh nghiệp lớn, nay đến lượt các nhóm dân thường khác. Tại một số địa phương có ổ lây nhiễm, việc tiêm ngừa còn là bắt buộc, chẳng hạn thành phố Ruilli, gần biên giới Miến Điện. Trên thực tế, một phần dân Trung Quốc không vội vàng muốn tiêm, bởi theo một phụ nữ, dù sao thì ở Trung Quốc hiện giờ cũng chẳng có mấy người nhiễm virus corona, nhiều người khác thì lo ngại về hiệu quả vac-xin nội địa, nhất là sau khi giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng dịch thừa nhận hiệu quả bảo vệ của vac-xin Trung Quốc không cao lắm.

Để thuyết phục người dân đi tiêm, ngoài sự vận động chẳng hạn của tổ dân phố, "tai mắt" của Bắc Kinh tại địa bàn, chính quyền còn có các chương trình kiểu "khuyến mại", "xả hàng". Tại một khu phố ở Bắc Kinh, mỗi người trên 60 tuổi đi tiêm được "bồi dưỡng" 24 quả trứng tươi, tại một quận khác ở thủ đô, các phiếu mua hàng tạp hóa trị giá tổng cộng 30 triệu euro đã được phân phát trước các bệnh viện cho tất cả những ai có giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19. Một số quận khác thì tặng vé tham quan miễn phí.

Brazil - một Venezuela mới ?

Nhìn sang Châu Mỹ Latinh, Le Point quan tâm đến đất nước Brazil, quốc gia bị dịch Covid-19 tàn phá nặng thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ, với 13,5 triệu ca nhiễm và 350.000 ca tử vong. Mới đây Brazil đã lập kỷ lục đáng buồn với hơn 4.000 ca tử vong/ngày, trong khi chiến dịch tiêm chủng lại thiếu vắng sự ủng hộ của chính phủ. Cây bút xã luận Nicholas Baverez của Le Point nhận định đất nước Brazil, chiếm tới 60% kinh tế Châu Mỹ Latinh, đang "chìm dần".

Ngoài khủng hoảng y tế, "gã khổng lồ" Mỹ Latinh cũng đang bên bờ sụp đổ về kinh tế-xã hội. Suy thoái lên đến 4% trong năm 2020 và vẫn tiếp tục trong năm nay, với 13,5% người ở độ tuổi lao động thất nghiệp, lạm phát riêng trong tháng 2 đã tăng lên thành 5,2%. Nợ công tăng 13,7% và chiếm 90% GDP năm 2020. Đồng real mất giá 40%. Trên trường quốc tế, tổng thống Bolsonaro chủ yếu có được sự ủng hộ của tổng thống Mỹ Donald Trump, sự ủng hộ này nay đương nhiên đã mất. Brasilia ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc, cả về y tế lẫn kinh tế và công nghệ.

Le Point nhấn mạnh tổng thống dân túy Bolsonaro đã phá hủy nền tảng Nhà nước pháp quyền, nhưng đáng ngại hơn là điều tồi tệ nhất vẫn đang chờ ở phía trước : nước này vẫn chưa vượt qua đỉnh dịch, kinh tế đình trệ, khả năng tài chính yếu ớt... Nghịch lý là đất nước Brazil đang rớt xuống địa ngục, cho dù có rất nhiều lợi thế để thành công : dân số trẻ, kinh nghiệm đối phó với bệnh dịch nhiệt đới, ngành công nghiệp dược phẩm phát triển mạnh, hệ thống chăm sóc y tế phổ quát và miễn phí. Ông Bolsonaro đã phá hủy tất cả những ưu điểm đó, vì thiếu năng lực và vô trách nhiệm. Theo Le Point, cơ hội thay đổi cho Brazil nằm ở kỳ bầu cử 2022, một cơ may để Brazil tránh vết xe đổ của Venezuela.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 517 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)