Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

27/04/2021

Điểm báo Pháp - Chíp bán dẫn và công nghiệp điện tử Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Chíp bán dẫn, tử huyệt của công nghiệp điện tử Trung Quốc

Bên cạnh các đề tài thời sự đang được quan tâm nhiều ở Pháp, như khủng bố, xử lý đại dịch, chuẩn bị gỡ phong tỏa… các báo Pháp ra hôm nay dường như có chung một một chủ đề là tiếng kêu cứu từ Ấn Độ đang chìm trong làn sóng dịch Covid-19 thứ 2. Riêng nhật báo Le Monde tiếp tục dành nhiều chú ý đến Trung Quốc. Hồ sơ lớn của tờ báo có tựa đề : Điện tử : điểm yếu Trung Quốc.

chip1

Logo tập đoàn sản xuất bán dẫn Đài Loan TSMC. Ngay cả tập đoàn sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới TSMC của Đài Loan cũng không đáp ứng kịp nhu cầu của thế giới.  Reuters – Ann Wang

Le Monde dành hai trang báo lớn để đề cập đến lĩnh vực sản xuất các vật liệu bán dẫn đang trở thành một thách thức địa chính trị lớn trong cuộc cạnh tranh giữa Hoa kỳ và Trung Quốc. Bị Washington bủa vây trừng phạt tứ phía, Bắc Kinh đang tìm mọi cách để bảo đảm tự chủ về công nghệ. Theo Le Monde, giờ đây thay thế các chip điện tử nước ngoài bằng công nghệ Trung Quốc không còn là một mục tiêu hướng tới nữa mà là vấn đề sống còn đối với ngành công nghiệp điện tử Trung Quốc trước các trừng phạt của Washington.

Trong những năm qua Trung Quốc đã xây dựng lĩnh vực công nghệ điện tử thành một đế chế khổng lồ cạnh tranh với cả thế giới. Nhưng giờ đây, đế chế này được ví như "tòa nhà chọc trời xây trên trên cát" kể từ khi Washington đưa hàng chục công ty Trung Quốc vào danh sách đen để kiểm soát sản xuất từ các loại vi mạch điện tử cho đến trí thông minh nhân tạo. Giờ đây, chính quyền Biden dường như không định giảm áp lực này.

Các vị mạch điện tử nhỏ xíu chứa hàng tỷ chi tiết bán dẫn giờ không thể thiếu trong các thiết bị điện tử hiện đại. Nhu cầu các chi tiết này ngày càng bùng nổ, trong khi Trung Quốc là nước sản xuất phần lớn các thiết bị điện tử nhưng chỉ sản xuất được 15,9% số lượng vi mạch mà họ cần tiêu thụ. Kết quả là Trung Quốc phải nhập khẩu các chất bán dẫn. Năm 2020 Trung Quốc nhập hơn 350 tỷ đô la các chất bán dẫn, cao hơn cả dầu lửa.

Để không bị lệ thuộc vào nhập khẩu bán dẫn, ảnh hưởng trực tiếp đến dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử ngày càng lớn, Trung Quốc không còn cách nào khác là chuyển sang thúc đẩy đầu tư để phát triển lĩnh vực bán dẫn. Nước này đã đổ hàng trăm tỷ đô la vào lĩnh vực sản xuất bán dẫn nhưng những nỗ lực tài chính không đủ để bảo đảm thành công vì điều cơ bản là thiếu chất xám, nói cách khác là nhân tài. Không phải cứ có tiền là mua được tất cả.

Tiếng kêu cứu từ Ấn Độ đang chìm trong làn sóng dịch Covid-19

Le Figaro chạy tựa : "Ấn Độ đang bị cuốn trôi dưới làn sóng virus corona thứ 2". Còn Libération nhận thấy : "Ấn Độ sắp ngạt thở". Trong khi đó La Croix ghi nhận qua bài phóng sự : "Những tiếng kêu SOS lạnh người của các bệnh viện New Delhi đang cạn kiệt ô-xy".

Minh họa cho những bài báo là những tấm hình các bãi thiêu người lộ thiên ở Ấn Độ, hay ảnh các nhân viên đang hối hả đẩy các xe chở bình ô-xy vào bệnh viện. Tất cả cho thấy Ấn Độ, đất nước 1,4 tỷ dân này đang bị vỡ trận hoàn toàn, không kiểm soát được dịch Covid-19 từ vài ngày qua.

Thông tín viên của Le Figaro tại Ấn Độ ghi nhận "Hệ thống bệnh viện yếu kém đã không thể chống chịu được với làn sóng dịch virus corona thứ 2". Điểm chung mà các báo đều nhắc đến là tình trạng thiếu ô-xy trầm trọng ở các bệnh viện, một nguyên nhân dẫn đến tử vong của các bệnh nhân Covid.

Với số lượng ca nhiễm mới tăng gấp 5 lần trong vòng tháng qua thì tình trạng quá tải là không thể tránh khỏi. Theo nhật báo Libération, nguyên nhân làn sóng dịch thứ 2 bùng phát không kiểm soát được ở Ấn Độ có nhiều : dân chúng lơ là các biện pháp vệ sinh phòng dịch, chính quyền cho phép nhiều cuộc tập họp lớn chuẩn bị cho 4 cuộc bầu cử cấp vùng lớn, và đặc biệt là việc để hàng triệu tín đồ Hindu hành hương đến tắm trên sông Hằng trong lễ hội Kumbh Mela. Thêm vào đó là xuất hiện các biến thể mới của virus corona.

Mặc dù đang trong tình trạng dịch bệnh lây lan dữ dội như vậy, chính phủ của thủ tướng Narendra Modi vẫn không chịu phong tỏa toàn quốc. Trước sự bất lực của chính quyền, Le Figaro cho biết, người dân phải tự lo. Các bình ô-xy trở thành mặt hàng hiếm trong thủ đô. Các bệnh viện không còn sức chứa bệnh nhân. Người nhiễm Covid buộc phải nằm nhà tự chăm sóc hoặc bị chết. Người nhà bệnh nhân phải chạy khắp nơi tự tìm kiếm thuốc men, và ô-xy ngoài chợ đen về để cứu người thân.

Khủng hoảng Covid đe dọa tương lai chính trị tổng thống Bolsonaro

Vẫn liên quan đến vấn đề quản lý đại dịch Covid-19, ở Brazil, quốc gia rộng lớn bị tác động nặng nề bởi trận đại dịch. Les Echos có bài "Covid : Tổng thống Brazil Bolsonaro trên ghế bị cáo". Theo Les Echos, hôm 27/04, Ủy ban Điều tra của Quốc hội của nước này bắt đầu cuộc điều tra nhằm xác định những người chịu trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng dịch ở Brazil làm gần 400 nghìn người chết.

Trong tầm ngắm của Ủy ban Điều tra Quốc hội, mục tiêu chính là tổng thống Jair Bolsonaro. Một bác sĩ Brazil được tờ báo trích dẫn nói : "Không phải đi tìm đâu xa. Chúng ta đã có mọi dữ liệu, hình ảnh… tổng thống đã gây ra các cuộc tụ tập đông người, không đeo khẩu trang, tỏ thái độ chống vac-xin…".

Dư luận Brazil cho rằng đã có thể tránh được rất nhiều trường hợp tử vong nếu chính phủ thông tin đúng cho dân chúng thay vì khuyến cáo dùng các phương thuốc thần. Kết quả điều tra nhằm xác định người chịu trách nhiệm trong xử lý đại dịch và có thể làm cơ sở pháp lý nhằm phế truất tổng thống. Tương lai chính trị của tổng thống Jair Bolsonarro đang bị đe dọa.

Trung Quốc bành trướng địa chính trị thể thao trên khắp đầu trường

Chuyển sang mục thể thao, Le Monde cũng dành toàn bộ trang báo để nói về sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc với hai bài viết : "Ngoại giao sân vận động của Trung Quốc ở Châu Phi" và bài "Bắc Kinh muốn có trọng lượng lớn trong địa chính trị thể thao".

Le Monde cho thấy, Bắc Kinh đã xây dựng các sân vận động cho nhiều nước Châu Phi để đổi lại có được những hợp đồng khai thác mỏ quặng và sự ủng hộ của các nước Châu Phi tại Liên Hiệp Quốc.

Thí dụ điển hình là sân vận động Olympic, có sức chứa 60 nghìn chỗ ngồi ở ngoại ô thủ đô Abidjian, của Côte d’Ivoire do Trung Quốc xây tặng được khánh thành hồi đầu tháng 10 năm 2020. Giá thành công trình lớn này là 130 triệu euro do 1.500 công nhân người Trung Quốc đảm nhiệm xây dựng trong 4 năm. Ngoài ra Trung Quốc cũng đã tặng không 2 sân vận động khác cho nước này với giá thành 200 triệu đô la.

Theo Le Monde"Trong khuôn khổ "ngoại giao sân vận động" Trung Quốc đã xây tặng và nâng cấp gần một trăm sân vận động trong những năm qua ở châu lục này, mục tiêu là củng cố quan hệ song phương, tạo điều kiện thuận lợi để Bắc Kinh có được các hợp đồng lớn, được ưu tiên tiếp cận khai khoáng và cũng để có được tiếng nói ủng hộ của các "anh em" Châu Phi ở Liên Hiệp Quốc cũng như ở các định chế quốc tế khác".

Theo tờ báo cũng giống như việc xây dựng đường sá, đập thủy điện, tòa nhà công sở hay hải cảng, các công trình hạ tầng cơ sở chiến lược mà Trung Quốc đã và đang làm ở khắp Châu Phi như các sân vận động thì có cái lợi là không tốn kém, dễ làm và mang tính biểu tượng cao, được dân chúng biết đến nhiều hơn…

Kiếm ghế lãnh đạo trong các định chế thể thao quốc tế

Trong bài viết Bắc Kinh muốn có trọng lượng lớn trong địa chính trị thể thao, tờ báo cho thấy Trung Quốc không ngừng mở rộng ảnh hưởng cho tới tận thượng tầng các liên đoàn bộ môn thể thao Olympic của quốc tế. 

Tờ báo cho biết có một đấu trường thể thao mà Bắc Kinh đang tham gia tích cực, không phải trên sân bóng đá hay bóng rổ mà ở trong các phòng khách êm ái ở Lausanne, Zurich hay Bâle, Thụy Sĩ, những nơi đóng trụ sở của đa số các liên đoàn thể thao Oylympic quốc tế. Trung Quốc đang hoạt động hậu trường rất tích cực tại các định chế thể thao quốc tế này để tìm kiếm vị trí trong ban lãnh đạo của các liên đoàn quốc tế.

Hiện tại trong số bốn chục liên đoàn các bộ môn Olympic thì chỉ có duy nhất bộ môn thuyền buồm do người Trung Quốc làm chủ tịch. So với số người Châu Âu nắm 26 liên đoàn thì quả là ít. Nhưng Trung Quốc đang tìm cách để đưa người vào vị trí lãnh đạo các tổ chức thế này để lợi ích và tiếng nói của mình được lắng nghe.

Các chuyên gia được tờ báo trích dẫn nhận thấy, cho đến những năm 1950, dưới mắt người Trung Quốc, thể thao không mang giá trị chính trị, chỉ là để giải trí và huấn luyện quân sự. Nhưng cùng với chiến tranh lạnh, đất nước này đã ý thức được "Thế Vận Hội không chỉ là thể thao".

Trong hoạt động thể thao, ban đầu Trung Quốc tham gia góp vui, rồi họ tham gia để giành thành tích, tiếp đến họ tìm cách được tổ chức các sự kiện thể thao lớn và cuối cùng Trung Quốc giành các ghế lãnh đạo trong các liên đoàn quốc tế.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ
Read 525 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)