Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

28/04/2021

Điểm báo Pháp – Người Châu Á chống Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Bắc Kinh chống Mỹ, người Châu Á chống Trung Quốc

Thông tín viên Le Monde trong bài "Hoa Kỳ trở thành vật tế thần tự động của Trung Quốc"ngày 28/04/2021nhận xét việc đả kích Mỹ đã trở thành quy luật trong những bài diễn văn của chính quyền Bắc Kinh. Đây là một trong những bài đáng chú ý trong mục điểm báo Pháp ngày 28/04/2021.

chong1

Sinh viên Philippines đốt cờ Trung Quốc ở trước dinh tổng thống để phản đối chuyến công du của chủ tịch Tập Cận Bình, Manila, Philippines, ngày 20/11/2019.  AP - Aaron Favila

Hiếm khi tổng thống Mỹ phải chờ đến phút chót mới biết được khách có nhận lời mời hay không. Nhưng điều này đã xảy ra với Biden : mãi đến 21/04, một ngày trước cuộc họp thượng đỉnh về khí hậu do ông tổ chức, Trung Quốc mới loan báo sự tham gia của Tập Cận Bình.

Chiếc nón cao bồi của Đặng Tiểu Bình giờ chỉ còn trong hoài niệm

Đã xa rồi, thời kỳ mà nhân vật số 1 Trung Quốc đi thăm Mỹ với chiếc nón cao bồi khiến chủ nhà hài lòng. Đó là tháng 2/1979. Mao đã qua đời gần ba năm, và người kế nhiệm là Đặng Tiểu Bình muốn chứng tỏ Trung Quốc mở cửa với thế giới. Ngược lại, 42 năm sau, Tập Cận Bình giữ khoảng cách với Chú Sam. Hôm 21/03, khi các nhà ngoại giao đôi bên khẩu chiến dữ dội ở Anchorage (Alaska), ông Tập bệ vệ hơn bao giờ hết, đi thăm một cánh đồng trà ở Phúc Kiến và triết lý về văn hóa Trung Hoa. Hẳn nhiên ông không nghĩ đến việc đội lại một chiếc mũ cao bồi rộng vành, người Trung Quốc sẽ phản đối.

Đã hẳn là nhiều người ở Hoa lục vẫn tiếp tục mơ gởi đứa con duy nhất đến các trường đại học Mỹ, và khi nói riêng với nhau, họ tin tưởng vac-xin Mỹ hơn hàng nội địa. Nhưng nếu các cuộc thăm dò ở phương Tây cho thấy hình ảnh Trung Quốc xấu đi một cách thảm hại, thì ở Hoa lục cũng diễn ra điều ngược lại. Các tố cáo diệt chủng và cưỡng bức lao động ở Tân Cương không hề tạo ra những tranh luận nghiêm túc tại Trung Quốc. Đại đa số có vẻ tin vào những lời tuyên truyền, rằng đó là mưu toan của Mỹ để làm Trung Quốc yếu đi.

Tờ báo nhắc lại ngày 03/10/2010, thủ tướng lúc đó là Ôn Gia Bảo nói với CNN rằng "tự do ngôn luận là cần thiết" dù mức độ phát triển của một nước có như thế nào đi nữa. Ngày nay là sự đối chọi giữa hai mô hình, "nhân quyền"và "phép lạ kinh tế". Tại Hoa lục, không thể nói tốt về Mỹ. Ở Diễn đàn Kinh tế Bác Ngao (Boao) vừa kết thúc ở đảo Hải Nam, không ai tự cho phép nói rằng kế hoạch tái thúc đẩy khổng lồ của Hoa Kỳ là món lợi lớn cho các nhà xuất khẩu Châu Á. Ngược lại, những bài diễn văn "nghe lọt tai" là phải tố cáo sự mất cân bằng tiền tệ do luồng đô la ồ ạt. Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh ngày càng ít giấu diếm ý định dùng đồng nhân dân tệ ảo để tránh sử dụng đồng đô la trong các giao dịch quốc tế.

Hoa Kỳ cũng được dùng làm cái cớ cho những trò chơi xấu của Bắc Kinh. Tại Bác Ngao, khi các khách mời Indonesia và Philippines tố cáo chính sách bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, chủ nhà đáp lại, đó là do sự hiện diện của Mỹ ! Không may cho Bắc Kinh, nếu tinh thần chống Mỹ nối kết người Hoa, thì phần còn lại ở Châu Á suy nghĩ ngược lại, họ coi Washington như người bảo vệ để chống lại người láng giềng hùng mạnh và ngang ngược.

Nhân dân tệ ảo để cạnh tranh với đồng đô la

Trên lãnh vực kinh tế, Le Monde ngày 28/04cho rằng"Đồng tiền kỹ thuật số còn là vấn đề chủ quyền".Tiền ảo có thể giúp tăng cường chống rửa tiền, nhưng cũng có nguy cơ làm đảo lộn hệ thống tài chính, bên cạnh đó là vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân. Riêng Trung Quốc đang thử nghiệm "e-yuan" ở bốn thành phố lớn.

Ngân hàng Trung ương (PBOC) muốn phổ biến đồng nhân dân tệ ảo vào năm 2022. Người sử dụng có thể thanh toán qua ứng dụng smartphone, nhưng qua đó PBOC biết được ai chi trả cho những gì, ở đâu, khi nào, nhất là khi hệ thống được bổ sung bằng công nghệ nhận diện và giám sát. Đồng nhân dân tệ ảo, về lâu về dài, có thể cạnh tranh với đô la Mỹ trong hệ thống thanh toán quốc tế và như vậy giúp tránh né các trừng phạt của Washington đối với các công ty ngoại quốc làm ăn với những nước như Iran.

Đảo Hải Nam, thiên đường thuế của Trung Quốc ?

Le Monde cũng mô tả"Hải Nam, phòng thí nghiệm tự do kỳ lạ của Tập Cận Bình". Chính quyền Trung Quốc có tham vọng biến hòn đảo 10 triệu dân ở cực nam thành khu vực miễn thuế khổng lồ cạnh tranh với các cảng lớn hiện nay như Dubai, Singapore và cả Hồng Kông, trở thành một Thâm Quyến của thế kỷ 21. Bắc Kinh nhấn mạnh đến "năm tự do hóa" từ nay đến 2025 : thương mại, đầu tư, vận tải, tư bản và nhân lực.

Người nước ngoài được ở lại Hải Nam 1 tháng không cần visa, và ngược với Hoa lục, các trang web phương Tây như Facebook, Twitter có thể tham khảo tự do. Các lãnh vực đầu tư được mở rộng, ngay cả trường trung, đại học có thể do người ngoại quốc quản lý. Thuế nhập khẩu thấp hơn Thượng Hải ít nhất 80%, riêng với vật liệu cho hi-tech thì bằng 0, thuế công ty, thuế thu nhập cũng thấp hơn. Tuy nhiên tất cả vẫn chỉ là dự kiến. Theo thứ trưởng ngoại thương Tiền Khắc Minh (Qian Keming), "Hải Nam là stress test về việc mở cửa của Trung Quốc sang Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, là trái tim của khu vực 2 tỉ người tiêu dùng ở Trung Quốc và Đông Nam Á".

Dự án đại quy mô này có thể thất bại và cũng có thể thành công. Pascal Lamy, cựu tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khách mời trên mạng của Bác Ngao cảnh báo, tuy các cảng miễn thuế tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế, nhưng cũng có thể tạo cạnh tranh bất chính. Theo ông, "đó là một phương thuốc chỉ nên dùng khi tình trạng bệnh nhân cần đến", và không hề thúc đẩy được tăng trưởng chung. Phát biểu trước các quan chức Trung Quốc ca ngợi nền kinh tế Hoa lục đang tăng tiến, chẩn đoán của "bác sĩ Lamy" như một sự bác bỏ. Tập Cận Bình muốn chạy đua với các thiên đường thuế ? Sẽ là một nghịch lý cho "chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Hoa".

Thảm họa Ấn Độ, hệ quả của dân túy

Cũng tại Châu Á nhưng trong lãnh vực y tế, Le Monde trong bài xã luận nhận định "Covid làm Ấn Độ của Narendra Modi rung chuyển". Đầu tháng Hai, ông Modi khoe rằng đã chiến thắng được Covid, đất nước 1,4 tỉ dân mỗi ngày chỉ có 9.000 ca dương tính. Được coi là "pharmacie của thế giới", Ấn Độ xuất khẩu và tặng hàng triệu liều vac-xin. Ba tháng sau, một Ấn Độ gương mẫu đã biến thành ác mộng.

Mỗi ngày có đến 350.000 ca nhiễm mới và trên 2.000 người chết, tổng cộng có gần 200.000 người thiệt mạng – theo thống kê được cho là thấp hơn nhiều so với thực tế. Những hàng dài xe cấp cứu trước cổng các bệnh viện đã quá tải, thân nhân người bệnh van nài trong tuyệt vọng để có được oxy, xác được thiêu hàng loạt… Từ thành phố đến nông thôn, sang cũng như hèn, cuộc thảm sát không chừa một ai. Thảm họa này làm rúng động một đất nước đầy hứa hẹn, bộc lộ những khiếm khuyết. Đợt dịch mới không chỉ do do diễn biến bất ngờ của con virus và các biến thể mà còn do thiếu chuẩn bị, sự ngạo mạn và mị dân của thủ tướng.

Ông Modi đã hoàn toàn buông lơi cảnh giác từ đầu năm 2021. Đang trong chiến dịch vận động để chiếm lại các bang đã mất, ông liên tục tổ chức các cuộc mít-tinh trước đám đông khổng lồ không đeo khẩu trang. Modi để diễn ra cuộc hành hương Kumbh Mela, hàng triệu người chen chúc nhau trầm mình xuống dòng sông Hằng, biến nơi đây thành ổ dịch quy mô. Thủ tướng tung ra ngoại giao vac-xin nhưng không nắm rõ năng lực sản xuất thực tế, ưu tiên cho những vùng thuận lợi về chính trị cho mình, đẩy trách nhiệm cho các bang. Kết quả là chỉ có chưa đầy 10% dân Ấn Độ được tiêm chủng một liều, với tốc độ này miễn dịch tập thể đến 2023 mới đạt được. Tình hình Ấn Độ cũng như Brazil biểu hiện cho tác hại của dân túy, từ những người rao bán ảo tưởng.

Miến Điện : Các sắc tộc trên tuyến đầu

Ở khu vực Đông Nam Á, Libération nhận định"Tại Miến Điện, tiền phương ngày càng mang màu sắc tộc".Một trong những nhóm nổi dậy mạnh nhất là quân đội Karen (KNU) hôm qua chiếm được một căn cứ quân sự, gây lo ngại một chu kỳ bạo lực mới. Dân làng sống trong khủng hoảng : Khi KNU chiếm được một vị trí hồi cuối tháng Ba, Tatmadaw trả đũa bằng cuộc không kích đầu tiên kể từ 20 năm, khiến gần 25.000 người phải chạy sang Thái Lan.

Có vẻ như tiền tuyến đã dời từ những thành phố lớn sang các vùng sắc tộc. Sau trên 750 cái chết và 4.000 vụ bắt giữ, không còn mấy ai dám công khai đối đầu với quân đội ở đô thị. Nếu những tuần đầu sau vụ đảo chính, cả triệu người đã xuống đường, thì nay đoàn biểu tình hiếm khi vượt quá vài trăm người. Liệu việc các nhóm thiểu số tham gia vào cuộc xung đột có làm đảo ngược tương quan ? Giấc mơ một lực lượng liên bang gồm tất cả các sắc tộc và những người kháng chiến ở thành phố lại sống dậy, tuy nhiên vẫn sẽ là giấc mơ vì ngay trong từng sắc tộc cũng đã có nhiều nhóm vũ trang đôi khi đối nghịch với nhau.

Cuộc chiến ngoại giao dữ dội giữa Nga và phương Tây

Tại Châu Âu, đang diễn ra cuộc chiến ngoại giao giữa Nga và phương Tây. Chỉ trong vòng bốn năm qua, số các nhà ngoại giao Nga bị trục xuất khỏi Châu Âu và Bắc Mỹ đã vượt quá số lượng trong suốt 20 năm chiến tranh lạnh với Liên Xô cũ. Theo tính toán của Le Monde, kể từ đầu 2017 đến nay, có ít nhất 309 đại diện của Nga đã hoặc đang phải hồi hương. Tổng cộng cả hai phía, có hơn 600 nhà ngoại giao các bên phải xách vali về nước.

Năm 2018 đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ giữa Nga và phương Tây : lần đầu tiên vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal đã dẫn đến 26 nước cùng trục xuất 144 nhà ngoại giao Nga, trong đó 60 ở Mỹ, 23 ở Anh. NATO cũng hủy giấy phép 7 thành viên trong phái đoàn Nga. Ngay cả Hy Lạp vốn có quan hệ tốt với Nga, ba tháng sau cũng phải trục xuất 2 đại diện Nga vì toan phá hoại một thỏa thuận giữa Athens và Skopje.

Chuyên gia François Heisbourg của IISS nhận định, các đại sứ quán Nga đã lặp lại thói quen của Liên Xô cũ, và còn vượt quá các hoạt động gián điệp thông thường. Những trang web điều tra như Bellingcat vào cuộc đã lật mặt khá nhiều hoạt động của Nga. Thế nên quy luật ăn miếng trả miếng đôi khi không được áp dụng. Vụ Ý trục xuất hai nhà ngoại giao Nga mới đây chỉ bị trả đũa bằng việc Moskva trục xuất một đại diện Ý.

100 ngày đầu nhiệm kỳ của Biden gây ngạc nhiên

Les Echos hôm nay chạy tựa "Tái thúc đẩy : Pháp muốn tiến lên nhanh hơn, mạnh hơn", trong khi La Croixđiểm qua "Kế hoạch tái thúc đẩy của Châu Âu và Hoa Kỳ". Le Figaro đăng ảnh tổng thống Mỹ với dòng tít"Joe Biden, 100 ngày năng nổ".Trang nhất báo giấy Libération nói về đảo Cyprus, nhưng tít lớn của bản trên mạng cũng là ông Biden với nhận định"Sau 100 ngày, Biden chiến thắng về dịch tễ và kinh tế".

Xã luận của Le Figaro nói về"Nỗi ngạc nhiên Biden". Người ta vẫn cho rằng ông chỉ là một tổng thống chuyển tiếp, một ông già nhã nhặn nhưng thường xuyên nhầm lẫn. Tuy nhiên không ngờ với 44 năm lăn lộn chính trường, khi trở thành tổng thống Joe Biden thấy được đây là cơ hội lịch sử để cải tổ, chú trọng vào giai cấp trung lưu. Trong 100 ngày đầu ở Nhà Trắng, thừa hưởng sự đầu tư của người tiền nhiệm Donald Trump trong việc sản xuất vac-xin, Biden giúp tung ra 200 triệu liều trong 3 tháng. Với đa số khít khao ở Quốc hội, ông áp đặt được kế hoạch thúc đẩy khổng lồ. Hiện tại thì đa số người Mỹ ủng hộ Biden, nhưng khó khăn còn ở phía trước.

Tương tự, Les Echos thấy rằng cho đến nay, Biden có thể điều hành bằng sắc lệnh – như ông Trump trước đây – và dựa vào đoàn kết quốc gia trước tình trạng khẩn cấp vì đại dịch. Những tháng tới khi tình hình trở lại bình thường vào mùa hè thì sẽ khác, khi tất cả người trưởng thành đều đã chích ngừa. Tối nay Biden giới thiệu phần thứ ba của kế hoạch có thể lên đến 1.800 tỉ đô la để hỗ trợ các gia đình như miễn học phí một số đại học, trợ cấp giữ trẻ… Muốn vậy, phải tăng thuế, và đây là thách thức lớn nhất cho Biden, một số thượng nghị sĩ Dân chủ ôn hòa có thể chống lại. Cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11/2022 sẽ mang tính quyết định.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 524 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)