Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

01/05/2021

Điểm tuần báo Pháp – Địa điểm nguy hiểm nhất thế giới

RFI tiếng Việt

Đài Loan trong tầm ngắm Trung Quốc : Địa điểm nguy hiểm nhất thế giới

Ảnh bìa The Economisttuần này là một tâm ngắm nhiều vòng với Đài Loan ở giữa, và dòng tựa "Địa điểm nguy hiểm nhất trên Trái Đất". Tuần báo Anh cho rằng Mỹ và Trung Quốc cần phải nỗ lực cao độ để tránh nổ ra một cuộc chiến tranh.

dailoan1

Ảnh tư liệu ngày 23/04/2019 : Tàu sân bay Liêu Ninh tham gia cuộc biểu dương lực lượng nhân kỷ niệm 70 năm thành lập hải quân Trung Quốc ở gần Thanh Đảo.  AP - Mark Schiefelbein

Địa điểm nguy hiểm nhất trên Trái Đất

Từ nhiều thập niên, Bắc Kinh luôn nói rằng chỉ có một nước Trung Hoa, hòn đảo nổi dậy Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Hoa Kỳ nhìn nhận ý tưởng "một Trung Hoa", nhưng phải mất 70 năm mới thấy rằng có hai ! Mỹ bắt đầu lo không thể ngăn Trung Quốc xâm lược Đài Loan.

Chiến tranh sẽ là thảm họa, không chỉ vì máu phải đổ, mà còn về kinh tế. Đài Loan là trung tâm của công nghệ bán dẫn, tập đoàn TSMC làm ra 84% số chip tân tiến nhất trên thế giới. Nếu sản xuất bị ngưng, thiệt hại cho kỹ nghệ điện tử toàn cầu không thể tính nổi. Kỹ năng và trình độ công nghệ của TSMC đi trước những người cạnh tranh cả một thập niên, Mỹ và Trung Quốc còn phải mất nhiều năm mới theo kịp. Nếu Đệ thất Hạm đội không đến cứu, Trung Quốc bỗng ngày một ngày hai nhảy lên hàng đại cường thống trị Châu Á, Pax Americana (Hòa bình do Mỹ bảo vệ) sụp đổ.

Chỉ trong 5 năm qua, hải quân Trung Quốc đã tung ra 90 chiến hạm cỡ lớn và tàu ngầm tại Thái Bình Dương, gấp năm lần so với Mỹ. Mỗi năm Bắc Kinh sản xuất thêm hơn 100 máy bay chiến đấu hiện đại, triển khai vô số hỏa tiễn có thể tấn công Đài Loan, chiến hạm Mỹ và các căn cứ Mỹ tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Guam ; biến các rạn san hô ở Biển Đông thành căn cứ quân sự. Một số nhà phân tích cho rằng với thế mạnh quân sự đang lên, trước sau gì Trung Quốc cũng dùng vũ lực chiếm lấy Đài Loan.

Dù Trung Quốc độc tài và dân tộc chủ nghĩa, nhận định này có thể quá bi quan. Tập Cận Bình chưa chuẩn bị cho nhân dân về một cuộc chiến tranh sẽ gây ra thiệt hại to lớn về người và của. Trong dịp kỷ niệm 100 năm thành lập, Đảng cộng sản Trung Quốc củng cố quyền hành bằng sự thịnh vượng, ổn định và vai trò ngày càng lớn trên thế giới, tại sao ông Tập lại muốn gánh lấy rủi ro ?

Có điều không ai biết được Tập Cận Bình muốn gì, và ý định của người kế nhiệm ông ta thì lại càng ít hơn. Nếu mất kiên nhẫn, Tập có thể bất chấp nguy cơ, nhất là nếu muốn việc thống nhất Đài Loan trở thành di sản của mình. Về phía Đài Loan cần bắt đầu tập trung hơn vào các chiến thuật và công nghệ, Mỹ cần vũ trang nhiều hơn để chống quân địch đổ bộ, đồng thời chuẩn bị cho các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây là một trò chơi thăng bằng tế nhị. Phải răn đe Trung Quốc không được dùng vũ lực chiếm Đài Loan, đồng thời bảo đảm rằng Mỹ không ủng hộ Đài Loan chính thức tuyên bố độc lập.

Một cuộc chiến tranh sẽ rất khủng khiếp

Trong bài "Một cuộc chiến khủng khiếp có thể xảy ra", The Economist nhận định việc Trung Quốc quyết tâm gia tăng sức mạnh quân sự khiến Đài Loan chịu đựng nhiều rủi ro, tuy một cuộc chiến tổng lực có thể không diễn ra ngay tức khắc.

Tờ báo nhắc lại, ngày 29/06/1950 chiến hạm USS Valley Forge, ngọn cờ đầu của Đệ thất Hạm đội, đi qua eo biển Đài Loan cùng với đội tàu hộ tống. Trước đó vào ngày 25/06, Bắc Triều Tiên xâm lăng láng giềng miền Nam, và khi một đất nước đối mặt với chủ nghĩa cộng sản, Châu Á không thể yên ổn. Hoa Kỳ cùng chiến đấu với Hàn Quốc, vì vậy mà chiếc USS Valley Forge lên đường.

Chuyến đi còn có thêm một mục đích nữa : bảo đảm rằng Mao Trạch Đông không chiếm lấy hòn đảo Đài Loan của Tưởng Giới Thạch. Ngày 27/06, tổng thống Harry Truman loa báo chính sách mới với Đài Loan : Mỹ sẽ bảo vệ nếu hòn đảo bị tấn công, về phía Quốc dân đảng cần chấm dứt các chiến dịch trên không và trên biển đối kháng với Hoa lục. Ông tuyên bố : "Đệ thất Hạm đội sẽ giám sát tình hình".

Cuộc chiến Triều Tiên đã biến Châu lục thành chiến trường của ý thức hệ, gay gắt không kém chiến tranh lạnh Châu Âu. Trong gần ba thập niên, các chiến hạm của Đệ thất Hạm đội thường xuyên đi qua eo biển Đài Loan. Cùng với thời gian, Đài Loan trở thành một nền dân chủ thịnh vượng thân phương Tây, còn văn hóa truyền thống ở Hoa lục bị chủ nghĩa mao-ít hủy diệt. Một cuộc thăm dò của Pew Research Center cho thấy hai phần ba người ở tuổi trưởng thành ở đảo quốc coi mình là người Đài Loan, chỉ có 4% tự coi là người Hoa. Tuy nhiên các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đều coi họ là người Trung Hoa, tuyên truyền với dân Hoa lục rằng đa số dân Đài Loan đều muốn thống nhất với Trung Quốc, nhưng bị ngăn trở bởi phe ly khai do Mỹ xúi giục.

Bành trướng quân sự chưa từng thấy trong lúc không có xung đột

Xưa kia, Đài Loan là điểm thỏa hiệp giữa hai cường quốc. Ngày 01/01/1979, khi Hoa Kỳ công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh lúc đó thay đổi chính sách dùng vũ lực "giải phóng" Đài Loan bằng "thống nhất hòa bình" với chiêu bài "nhất quốc, lưỡng chế". Nhưng từ 25 năm qua, Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự chưa từng thấy, và cái gương "một đất nước, hai chế độ" ở Hồng Kông khiến Đài Loan thêm nghi ngờ. Mỗi năm, khả năng cưỡng ép Đài Bắc về kinh tế và quân sự lại tăng lên và mỗi năm Trung Quốc lại đánh mất một ít trái tim, khối óc nơi người Đài Loan.

Bất chấp thỏa thuận năm 1979, an ninh Đài Loan vẫn là vấn đề lớn đối với Mỹ. Năm 1996, khi Trung Quốc đe dọa Đài Loan bằng hỏa tiễn, tổng thống Bill Clinton ra lệnh cho hàng không mẫu hạm nguyên tử USS Nimitz đến vùng biển này, và các vụ thử hỏa tiễn của Bắc Kinh bèn chấm dứt.

Các chỉ huy quân sự Mỹ ngày càng công khai bày tỏ mối lo ngại khi trong vấn đề Đài Loan, thế mạnh quân sự đang dần nghiêng về phía Bắc Kinh. Sau 25 năm tăng tốc đóng tàu và mua vũ khí, nay quân đội Trung Quốc có hạm đội lên đến 360 chiếc, còn Mỹ chỉ có 297. Mới đây Tập Cận Bình đã dự lễ hạ thủy cùng lúc một khu trục hạm, một tàu chở trực thăng và tàu ngầm hạt nhân đạn đạo.

Mỹ vẫn có nhiều hàng không mẫu hạm và tàu ngầm nguyên tử tối tân hơn, nhiều kinh nghiệm chiến trường hơn và các đồng minh của Mỹ cũng vậy. Nhưng quân đội Mỹ còn phải làm nghĩa vụ quốc tế ở nhiều nơi trên thế giới, còn Trung Quốc có lợi thế gần nhà, phát huy được năng lực về phi cơ, hỏa tiễn.

Chuyên gia Lonnie Henley coi hệ thống radar và tên lửa phòng không dọc theo bờ biển Trung Quốc là trọng tâm của mọi cuộc chiến với Đài Loan. Trừ phi phá hủy được hệ thống này, lực lượng Mỹ sẽ phải giới hạn ở các loại vũ khí tầm xa hay dùng các phi cơ tàng hình. Nhưng để tiêu diệt được, cần phải tấn công bằng đầu đạn hạt nhân bắn đi từ lãnh thổ một nước khác. Một viên chức quốc phòng Mỹ nhận xét về Trung Quốc : "Thế giới chưa từng thấy một sự bành trướng quân sự với tầm cỡ như vậy mà không đi kèm với một cuộc xung đột nào".

Hù dọa gây tâm lý khủng hoảng để "Bất chiến tự nhiên thành ?"

Vấn đề không chỉ là con số. Trung Quốc cố tình tập trung vào các hỏa tiễn chống hàng không mẫu hạm, có thể bắn đến căn cứ Mỹ ở Guam, đầu tư cho vũ khí chống tàu ngầm và hệ thống gây nhiễu hoặc phá hủy các vệ tinh mà quân Mỹ có thể dựa vào. Hồi tháng Ba, đô đốc Phil Davidson, tư lệnh lực lượng Ấn Độ-Thái Bình Dương cảnh báo với Thượng Viện nguy cơ Trung Quốc tấn công Đài Loan "trong vòng 6 năm tới". Đô đốc John Aquilino, người sẽ kế nhiệm ông Davidson khẳng định cần khẩn cấp tăng cường lực lượng Mỹ để răn đe, vì viễn cảnh Bắc Kinh xâm lăng bằng vũ lực "cận kề hơn chúng ta tưởng".

Nhà sử học Niall Ferguson viết rằng nếu Đài Loan bị Trung Quốc chiếm, toàn Châu Á sẽ coi đó là hồi kết thời kỳ thống trị của Mỹ, thậm chí là một "Suez của nước Mỹ". Đầu tháng Tư khi được hỏi về vấn đề này, Matt Pottinger, cố vấn phụ trách Châu Á của Nhà Trắng thời Donald Trump cũng đồng ý với nhận xét trên và nói thêm, khi Anh thất bại ở Suez, nước Mỹ đã thế chỗ của Luân Đôn trong vai lãnh đạo thế giới phương Tây. Còn bây giờ "không có một nước Mỹ khác đang chờ trong hậu trường".

Nếu đổ bộ quy mô để chiếm Đài Loan – một hòn đảo núi non hiểm trở trải dài trên 130 km đường biển, sẽ là một cuộc phiêu lưu lớn nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến. Mỹ trong nhiều năm đã yêu cầu Đài Bắc lợi dụng địa thế thiên nhiên, chẳng hạn mua nhiều thủy lôi, máy bay không người lái, hỏa tiễn hành trình để đánh chìm các tàu của địch quân thay vì thị uy bằng xe tăng hay F-16. Và nếu vô hiệu hóa được các radar, làm quân Trung Quốc bị "", sẽ đóng góp lớn cho cuộc chiến.

Các nhà phân tích phương Tây thường cho rằng Tập Cận Bình đặt cược vào việc thu hồi Đài Loan để khẳng định tính chính danh, tuy nhiên không có những bằng chứng cụ thể. Cho đến nay Bắc Kinh vẫn sử dụng cây gậy và củ cà rốt, trong đó củ cà rốt là thị trường hơn 1 tỉ dân. Còn cây gậy ? Chỉ riêng năm 2020, chiến đấu cơ Trung Quốc đã xâm nhập vùng nhận diện phòng không của Đài Loan 380 lượt, và chỉ trong ngày 12/04 vừa qua đã có 25 chiếc bay vào đe dọa. Biết rằng Đài Loan không bao giờ bắn phát súng đầu tiên, nên Bắc Kinh cứ chơi trò mèo vờn chuột, bên cạnh đó là tấn công tin học, tung tin giả, tìm cách chia rẽ nội bộ.

Để trừng phạt Đài Loan đã bầu lên chính phủ đảng Dân Tiến, Bắc Kinh đã giảm các tiếp xúc giữa đôi bên xuống gần bằng 0, khiến nguy cơ xảy ra sự cố tăng lên. Người ta lo ngại Bắc Kinh gia tăng sức ép, gây áp lực tâm lý lâu dài lên quân đội và người dân Đài Loan để dẫn đến "bất chiến tự nhiên thành".

The Economist cho rằng khán giả truyền hình Hoa lục không bao lâu nữa sẽ thấy trình diễn hàng không mẫu hạm, những chiến đấu cơ bay vút lên trời xanh, nhưng có lẽ không có lời kêu gọi hy sinh chống quân thù, thay vào đó là hình ảnh những chiếc cầu vượt hoành tráng, tàu cao tốc… như là thành tựu 100 năm "đời ta có Đảng". Tuy nhiên việc Bắc Kinh bất chấp dư luận phương Tây như ở Hồng Kông, là một dấu hiệu xấu. Cuộc chiến với Đài Loan không xảy ra ngay, nhưng không phải là không có khả năng này.

Chống khủng bố phải như chống cộng sản

L’Obstuần này tập trung cho vấn đề khí thải carbonic, Courrier Internationaldành hồ sơ cho việc tiêm chủng để có thể du hành các nơi. Về nước Pháp, chủ đề của L’Expresslà "Science Po, đại học dành cho giới ưu tú đang trật đường ray", Le Pointchạy tựa "Rambouillet, vụ khủng bố thứ 18 nhắm vào lực lượng an ninh : Thánh chiến chống cảnh sát".

Xã luận của Le Pointkêu gọi "Đối mặt với thánh chiến, cần thay đổi chiến lược". Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan đã kết thúc một chu kỳ kéo dài 20 năm và theo tờ báo, cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo cần phải thiên về ý thức hệ hơn là quân sự.

Được Mỹ khởi động cách đây 20 năm sau khi Al Qaeda tấn công ngày 11/09/2001 làm 3.000 người chết, cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố đang dần tiến đến một hồi kết để lại vị đắng. Đã hẳn quân Hồi giáo không thắng, nhưng phương Tây cũng vậy. Tại Afghanistan, nơi quân Mỹ truy lùng Taliban vì che chở thủ lãnh Al Qaida, nay với quyết định triệt thoái của Biden, phe nổi dậy Hồi giáo lại lăm le chiếm quyền ở Kaboul. Ở vùng Sahel, quân đội Pháp đứng trước các chọn lựa khó khăn : ra đi với nguy cơ bị coi là thua cuộc, hoặc ở lại trong lò lửa không lối thoát từ 8 năm qua.

Biệt kích Mỹ đã giết được Bin Laden tại Pakistan năm 2011, quân Pháp đã trừ khử được nhiều thủ lãnh khủng bố ở Sahel, tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã thất bại ở Cận Đông, Al Qaeda mất đi vô số chỉ huy. Tuy nhiên Hồi giáo Sunni cực đoan vẫn trỗi dậy ở nhiều nơi, từ Trung Đông, Châu Phi cho đến Nam Á. Kể từ 2013, số nạn nhân bị quân Hồi giáo giết hại chiếm đến 2/3 trong số các vụ khủng bố trên thế giới. Theo tác giả, phương Tây đối mặt với một ý thức hệ, hơn là một kẻ thù phải triệt hạ bằng vũ khí, chiến thắng phải bằng văn hóa và chính trị hơn là quân sự. Theo ý nghĩa này, cuộc chiến chống khủng bố cũng giống như chiến tranh lạnh chống chủ nghĩa cộng sản trước đây. Cuộc chiến này kéo dài hơn 40 năm (1947-1989), và phương Tây đã chiến thắng nhờ tin vào sức mạnh của tự do và nhân bản.

Covid : Ấn Độ thiếu oxy do chủ quan, cơ sở hạ tầng kém

Về đại dịch Covid, Courrier International trích dịch bài viết của trang Scroll.in ở New Delhi, lý giải vì sao Ấn Độ thiếu oxy để chữa trị cho bệnh nhân.

Hôm 15/04, chính quyền trung ương tuyên bố Ấn Độ sản xuất 7.127 tấn oxy/ngày, sử dụng cho y tế chỉ chiếm 54%, và lượng dự trữ hiện có trên 50.000 tấn. Nhưng thực tế phức tạp hơn nhiều : do virus lây lan nhanh, một tuần sau nhu cầu cho y tế tăng lên 8.000 tấn. Nạn thiếu oxy không chỉ do mất thăng bằng cung cầu ngày càng tăng, mà còn do cơ sở hạ tầng thiếu thốn, khó thể vận chuyển và tồn trữ. Có đến 80% các nhà máy oxy tập trung tại 8 bang, còn những nơi bị dịch nặng nhất không có cơ sở sản xuất. Xe bồn và bình chứa cũng bị thiếu trầm trọng. Chính phủ mất đến 8 tháng mới gọi thầu cung cấp máy oxy cho những bệnh viện ở tuyến đầu.

Hộ chiếu vac-xin : Bất cập về đạo đức và thực tiễn

Làm thế nào đi du lịch trong thời kỳ dịch bệnh ? Courrier International đăng hình vẽ cách điệu một robot đeo khẩu trang, mang khiên, kéo theo chiếc vali với dòng tựa lớn nhấn mạnh, nếu không tiêm chủng sẽ không đi được. Điều kiện phải có hộ chiếu dịch tễ đặt ra một số vấn đề về đạo đức và thực tiễn.

Đối với nhiều người, nếu nhân danh tự do dịch chuyển để chia thế giới làm hai : bên được chủng ngừa và bên chưa được tiêm chủng, sẽ tạo ra bất bình đẳng với một danh sách hạn chế các nước đã cho chích ngừa rộng rãi. Châu Âu dự định cấp giấy chứng nhận không chỉ cho những người đã được chích vac-xin mà cho tất cả những ai xét nghiệm âm tính hoặc đã hồi phục khỏi Covid trong 180 ngày trước đó.

Nhưng liệu các hộ chiếu này có hiệu quả ? Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng Giêng tuyên bố không bảo đảm rằng những người đã chích ngừa không bị nhiễm tiếp hoặc không lây cho người khác. Hơn nữa "hộ chiếu y tế" Trung Quốc chỉ có giá trị đối với vac-xin Trung Quốc, còn Liên Hiệp Châu Âu thì với bốn loại vac-xin đã được công nhận mà thôi. Tờ Nikkei Asia nêu ra trường hợp một nhân viên tài chính ở Hồng Kông mê đi du lịch, đã được tiêm chủng bằng vac-xin Trung Quốc hồi tháng Hai, ngỡ ngàng được biết rằng để về thăm gia đình ở Hoa lục, vẫn phải bị cách ly tại một địa điểm của nhà nước và phải xét nghiệm hai lần một ngày.

New Zealand, đất nước không thuốc lá năm 2025?

Trên lãnh vực xã hội,L’Expressđặt vấn đề "Đất nước không thuốc lá : New Zealand có đi quá xa ?", khi chính phủ của nữ thủ tướng Jacinda Ardern hôm 15/04 loan báo những biện pháp cực đoan để triệt tiêu việc hút thuốc lá từ nay đến 2025.

Từ 10 năm qua, chính phủ liên tục tăng thuế để một gói thuốc hiện nay có giá đến trên 20 euro. Kết quả là chỉ 11,6% người New Zealand hút thuốc, trong khi đến 1/3 người Pháp nghiện thuốc lá. Nhằm tạo ra một "thế hệ không hút thuốc", chính quyền muốn giới hạn tuổi có thể mua thuốc lá là 18 và mỗi năm lại nâng lên. Số cửa hàng bán thuốc từ 2.000 giảm còn khoảng 100. Và nếu người tiêu dùng đủ tuổi mua thuốc, tìm được một điểm bán, thì chính phủ cũng đã dự kiến trước : tỉ lệ nicotine trong thuốc lá sẽ giảm đi 95%. Người nghiện sẽ tăng số lượng thuốc hút ? Như vậy họ phải hút nhiều gấp 40 lần ! Những hạn chế ngặt nghèo này có nguy cơ làm việc nhập thuốc lá lậu tăng lên, và như vậy cần phải kiếm soát chặt biên giới, nếu không kế hoạch đầy tham vọng trên sẽ tan biến như… khói thuốc.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 702 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)