Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

09/05/2017

Trung Quốc sẽ gia nhập TPP ?

RFA tiếng Việt

Một TPP không có Hoa Kỳ sẽ được thảo luận tại Hà Nội vào hai ngày 21 và 22 tháng 5 sắp tới. Trước đó, báo chí nước ngoài đã hé lộ thông tin về khả năng gia nhập TPP của Trung Quốc.

tpp1

Tổng thống Mỹ Barack Obama (giữa) phát biểu trong một cuộc họp với các nhà lãnh đạo TPP bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Manila hôm 18/11/2015. AFP photo

Bên cạnh đó là những bàn cãi về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà Trung Quốc đang đề xuất với mục đích đối trọng với TPP.

Vẫn thực thi

Theo tờ Nikkei, tại cuộc họp diễn ra ở New York ngày 19 tháng 4, 2017 ông Taro Aso, Phó thủ tướng Nhật cho hay 11 nước thành viên còn lại của TPP sẽ có cuộc đàm phán để thoả thuận TPP có hiệu lực trong bối cảnh không có Mỹ tại cuộc họp diễn ra ở Hà Nội vào tháng 5.

Khẳng định điều này, Tiến sĩ Ngô Trí Long, một chuyên gia kinh tế độc lập từ Hà Nội cho biết 11 quốc gia còn lại đã nhất trí với một quan điểm là không có Mỹ thì TPP vẫn thực thi. Và ông đưa ra quan điểm cá nhân của mình :

"Tất nhiên có Mỹ thì tốt. Nếu không có Mỹ thì theo quan điểm cá nhân thì không có ảnh hưởng gì. Người ta vẫn tiến hành vì đó là xu hướng chung, là sự hợp tác."

Tuy nhiên, ông vẫn có sự so sánh giữa hai nền kinh tế.

"Nếu Hoa Kỳ vào thì hiệu quả của TPP sẽ tốt hơn nhiều so với Trung Quốc hiện nay. Tất nhiên, giả sử Trung Quốc nếu tham gia, trong quá trình thương lượng đàm phán mà nếu 11 nước kia đồng ý thì buộc Trung Quốc phải có những cải cách cải tổ rất mạnh thì hội nhập mới hiệu quả."

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đưa ra ý kiến của ông :

"Nền kinh tế trung Quốc không phải là một sự thay thế hoàn hảo đối với kinh tế Hoa Kỳ trong TPP, vì cơ cấu kinh tế Trung Quốc khác, năng lực cạnh tranh khác. Vả lại Trung Quốc chưa chắc chấp nhận những thoả thuận của TPP đã đàm khán ở Oakland. Rất có thể Trung Quốc sẽ yêu cầu tái đàm phán để một TPP với Trung Quốc sẽ khác nhiều với TPP với Mỹ".

Theo số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 29 tháng 1, 2016, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ năm 2015 là 18,1 nghìn tỷ USD.

Trong khi đó, GDP của Trung Quốc trong năm 2015 là khoảng 10 nghìn tỷ USD.

Hiện tại GDP của Mỹ chiếm 60% GDP của TPP.

Trung Quốc không thể thay thế Mỹ ?

17th negotiation for RCEP starts

Cuộc đàm phán thứ 17 Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) tại Kobe, Nhật Bản vào ngày 27/2/2017. AFP photo

Trước đó, vào tháng 1, rất nhiều bài báo kinh tế trên thế giới đều hé lộ thông tin khả năng Trung Quốc sẽ là thành viên thứ 12, thay thế vị trí Hoa Kỳ.

Khẳng định lời mời gọi này, Tân Hoa Xã đưa tin ngày 25 tháng 1 cho biết, Đại sứ Australia tại Anh đã ủng hộ những lời kêu gọi Trung Quốc tham gia TPP.

Thời báo kinh tế Việt Nam cũng cho biết Australia và New Zealand cùng bày tỏ hy vọng sẽ cứu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bằng cách khuyến khích Trung Quốc và các nước châu Á khác tham gia vào thỏa thuận tự do thương mại này.

Ngược lại, theo một bảng tin loan trên Reuters ngày 25 tháng 1 và được Thông tấn xã Việt Nam trích dẫn lại, chính phủ Nhật Bản cho rằng "nếu TPP bị giảm giá trị do đưa Trung Quốc vào hiệp định này, thì sẽ không còn giá trị gì để đầu tư công sức nhằm đạt được thỏa thuận này. Thương lượng với Trung Quốc với khả năng thay đổi cái đã ký kết là không khôn khéo". Vấn đề được hiểu ở đây, Nhật Bản xem TPP là một phần chủ chốt của liên minh Mỹ - Nhật. Mặt khác, nếu Trung Quốc thay thế vai trò của Hoa Kỳ trong hiệp định này, thì TPP, vốn được xem là một phần trong chiến lược của cựu Tổng thống Barack Obama về xoay trục chính sách đối ngoại của Mỹ về châu Á để đối phó với Trung Quốc sẽ không còn ý nghĩa.

Đã có nhiều ý kiến đưa ra trên các diễn đàn kinh tế, bày tỏ mối quan ngại về các đường lối không minh bạch của Trung Quốc từ trước đến nay. Một trong những điều khoản của TPP là phải minh bạch.

Tuy nhiên Tiến sĩ kinh tế Ngô Trí Long cho biết đây không phải là điều đáng lo lắng.

"Bản thân Trung Quốc ngoài vấn đề không minh bạch còn rất nhiều vấn đề khác nữa. Từ đó ta thấy cũng không nghi ngại, nếu vào thì buộc phải tuân thủ theo thể chế, cam kết đã thực hiện."

RCEP hay TPP ?

Tờ ChinaDaily trong tháng 3 vừa qua đăng tải một bài viết có tựa đề "Will China join TPP is not a question", tạm dịch là "Liệu Trung Quốc sẽ gia nhập TPP hay không, không phải là một câu hỏi". Bài viết trình bày khá rõ chính phủ Trung Quốc sẽ không thay đổi lập trường đối với TPP, ngay cả khi Mỹ đã từ bỏ.

Cũng trong bài viết này, Bắc Kinh đang thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) bao gồm 16 nước, song cho đến nay, tiến trình cho RCEP diễn ra chậm chạp, vốn được kỳ vọng sẽ hoàn tất trước năm 2015.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, trong một lần trả lời Đài Á châu Tự do có đưa ra quan điểm về tiến trình này :

"Cho đến nay các vòng đàm phán về RCEP không đưa ra một tiến bộ đáng kể nào cả. Khi nào Trung Quốc chưa chấp nhận mở cửa thị trường, chưa chấp nhận các qui trình công khai minh bạch và có những mối quan hệ bình đẳng trong quan hệ giữa các nước thì chừng đó RCEP sẽ khó có tiến bộ."

Ông nói thêm nếu Trung Quốc không chấp nhận những điều đó thì cũng sẽ khó chấp nhận những điều khoản trong TPP.

Với Tiến sĩ Ngô Trí Long, ông cho rằng RCEP là một hiệp định do Trung Quốc tạo ra trong lúc "chưa đủ điều kiện và chưa có yêu cầu để tham gia vào một hiệp định nào đó, nhằm tìm một hướng đi mới để xâm nhập sâu hơn vào xu thế toàn cầu hoá."

Theo ông, RCEP là một cách thức đương nhiên Trung Quốc phải thực hiện và tính đến nếu không gia nhập TPP để phát triển nền kinh tế của quốc gia.

Tờ ChinaDaily cho biết trong khi đàm phán các thoả thuận kinh tế RCEP và Mậu dịch Tự do Châu Á Thái Bình Dương, Trung Quốc đã thúc đẩy tăng trưởng toàn diện ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Vì vậy, có thể Trung Quốc sẽ hợp tác với TPP nhằm thực thi mục đích đó, nhưng điều đó không có nghĩa là quốc gia này sẽ là thành viên thứ 12 của TPP.

Cát Linh, phóng viên RFA

Quay lại trang chủ
Read 742 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)