Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

09/05/2017

Nhật-Trung tranh chấp, cựu đô trưởng Jakarta bị bắt

Tổng hợp

Senkaku/Điếu Ngư : tàu Hải cảnh Trung Quốc tiến vào lãnh hải Nhật (RFI, 09/05/2017)

Ngày 08/05/2017 tàu Hải Cảnh Trung Quốc lại xâm nhập vùng biển chung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Đây là vùng đảo do Nhật Bản quản lý nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền.

nhat1

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gồm ba đảo nhỏ Uotsuri (phía trên), Minamikojima (giữa) và Kitakojima. Ảnh chụp tháng 09/2012. REUTERS/Kyodo

Theo một phát ngôn viên lực lượng Tuần Duyên Nhật Bản tại Naha, chiếc tàu Trung Quốc đầu tiên trong đội tàu 4 chiếc đã tiến vào bên trong khu vực 12 hải lý quanh đảo Uotsuri, thuộc quần đảo Senkaku, vào khoảng 9 giờ 34 sáng, giờ địa phương và ở lại trong khu vực trong khoảng hai tiếng đồng hồ.

Cho đến chiều hôm nay, 09/05, vẫn còn một chiếc tiếp tục tuần tra trong khu vực tiếp giáp lãnh hải Nhật Bản, cách bờ 24 hải lý.

Báo Star and Stripes của Quân Đội Mỹ ghi nhận là trong số 4 chiếc tàu Trung Quốc, có một chiếc được gắn một thiết bị trông giống như một tháp súng.

Đây là lần thứ 43 từ đầu năm 2017 tàu Hải Cảnh Trung Quốc thâm nhập vào vùng biển mà Tokyo xem là lãnh hải của Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông. Thống kê của Nhật Bản chỉ ghi nhận hành động của tàu Hải Quân hay Hải Cảnh chứ không tính đến vô số tàu cá Trung Quốc được chính quyền Bắc Kinh bật đèn xanh cho tiến vào vùng biển Senkaku/Điếu Ngư.

Các hành động khiêu khích của Trung Quốc tại vùng này khiến nhiều nhà quan sát lo ngại về nguy cơ tính toán sai lầm có thể dẫn đến xung đột ngoài ý muốn.

Còn tại vùng Biển Đông mà Trung Quốc tự nhận chủ quyền trên gần như toàn bộ diện tích, hình ảnh do vệ tinh ISI (ImageSat International) Eros B mới chụp hôm 08/05/2017 cho thấy là Trung Quốc có khả năng đang chuẩn bị triển khai tên lửa chống hạm ở căn cứ hải quân Du Lâm ở phía nam đảo Hải Nam.

Theo một chuyên gia phân tích được trang mạng quốc phòng Defense News trích dẫn, Trung Quốc đang đẩy mạnh việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự và lắp đặt các bệ phóng nhằm triển khai tên lửa chống hạm tại căn cứ hải quân Du Lâm. Điều này nằm trong chiến lược củng cố các căn cứ ở tiền phương nhằm làm bàn đạp để có thể nhanh chóng tung lực lượng xuống Biển Đông.

Trọng Nghĩa

******************

Đô trưởng Jakarta Ahok bị kết tội báng bổ (BBC, 09/05/2017)

nhat2

Ông Purnama bác tội danh lăng mạ và dự định kháng cáo

Đô trưởng Jakarta Ahok, người vừa mãn nhiệm, bị kết án hai năm tù vì tội báng bổ và kích động bạo lực, một bản án nặng hơn trông đợi.

Ông Basuki Tjahaja Purnama, còn được gọi là Ahok, là người Kitô giáo gốc Hoa được bầu vào vị trí này, vụ án này được coi là thử thách cho sự khoan dung tôn giáo tại Indonesia.

Ông bị cáo buộc là lăng mạ đạo Hồi bằng cách trích dẫn một câu kinh Koran trong một bài phát biểu vận động tranh cử hồi tháng 9/2016.

Ông Purnama bác tội danh nêu trên và nói rằng ông sẽ kháng cáo.

Mức án nặng hơn đề xuất của công tố viên (một năm tù hưởng án treo). Vị đô trưởng này "phạm tội thực hiện hành động báng bổ một cách hợp pháp và thuyết phục, và vì thế chúng tôi kết án ông hai năm tù giam", vị thẩm phán cho tòa biết.

Bản cáo trạng này gây phản kháng mạnh mẽ. Các nhóm đạo Hồi cực đoan cho rằng mức án này là quá nhẹ so với mức tối đa là 5 năm tù cho tội này, còn những người ủng hộ ông nói bản án quá nặng và đáng lẽ ra ông phải được tha bổng.

Những người biểu tình từ cả hai phía tập trung bên ngoài tòa án, nơi được 15.000 nhân viên an ninh thuộc lực lượng cảnh sát và quân đội bảo vệ.

nhat3

Nhiều người ủng hộ ông Ahok bật khóc sau khi bản cáo trạng được đọc

Năm 2016, trong bài phát biểu vận động tranh cử chức đô trưởng, ông Purnama ám chỉ các lãnh đạo Hồi giáo tìm cách lừa cử tri bằng cách dẫn một câu trong kinh Koran để lý luận rằng người Hồi giáo không được bầu cử cho một lãnh đạo không theo đạo Hồi.

Những phát biểu của ông, được chia sẻ rộng rãi trong một đoạn video được biên tập, khiến những người theo Hồi giáo cực đoan phẫn nộ. Họ tổ chức các cuộc mít tinh lớn kêu gọi đưa ông ra tòa, thậm chí một số người cực đoan còn kêu gọi hành quyết ông.

Trong suốt thời gian xét xử, ông Purnama phủ nhận mình có sai trái, nhưng ông xin lỗi về những lời phát biểu của mình.

Các thẩm phán (bốn người Hồi giáo, một người Hindu), áp dụng điều về báng bổ để kết án ông.

nhat4

Nhiều người biểu tình tức giận vì thấy bản án quá nhẹ

Ông Purnama trở thành đô trưởng khi người tiền nhiệm Joko "Jokowi" Widodo được bầu làm tổng thống năm 2014.

Là người gốc Hoa và theo Ki tô giáo, ông là người thiểu số và là đô trưởng không theo đạo Hồi đầu tiên của Jakarta trong 50 năm.

Sự nghiệp chính trị thành công của ông Purnama được coi là một diễn biến đáng kể sau khi các cuộc náo loạn bài người Hoa diễn ra ở Jakarta năm 1998.

Trước khi bị cáo buộc "phỉ báng", ông được ca ngợi là một lãnh đạo thẳng thắn với quan điểm chống tham nhũng mạnh tay.

Nhưng vụ việc này đã làm ảnh hưởng đến uy tín của ông trong cuộc bầu cử hồi tháng trước.

Mặc dù được lòng dân Jakarta vì có nhiều nỗ lực cải thiện mức sống, ông đã thua trước đối thủ là ứng viên Hồi giáo Anies Rasyid Baswedan.

Indonesia là quốc gia Hồi giáo đông dân nhất trên thế giới. Khoảng 85% dân số theo đạo Hồi, dù nước này chính thức tôn trọng sáu tôn giáo khác nhau.

********************

Indonesia : thống đốc Jakarta bị 2 năm tù vì tội báng bổ đạo Hồi (RFI, 09/05/2017)

nhat5

Thống đốc Jakarta Basuki Tjahaja Purnama trong phiên xử ngày 09/05/2017.Reuters

Thống đốc Jakarta, theo Thiên Chúa giáo, ngày 09/05/2017 bị kết án hai năm tù giam vì phỉ báng đạo Hồi. Bản án gây kinh ngạc và khiến người ta lo ngại xu hướng bất khoan dung về tín ngưỡng, tại Indonesia, nước Hồi giáo lớn nhất thế giới.

Năm thẩm phán đã đi xa hơn đề nghị tù treo của Viện Kiểm sát, hơn nữa lại còn ra lệnh bắt giam ngay bị cáo. Bên ngoài tòa án, những người Hồi giáo bảo thủ hô vang "Thượng Đế vĩ đại !". Nếu một số người ủng hộ sụt sùi khóc, thì thống đốc Jakarta, ông Basuki Tjahaja Purnama, biệt danh là Ahok vẫn giữ bình tĩnh, cho biết sẽ kháng cáo. Sau đó ông bị dẫn giải về một nhà tù ở Jakarta.

Vụ việc xảy ra vào năm ngoái, có liên quan trực tiếp đến chiến dịch tranh cử chức thống đốc. Tuy thất cử nhưng ông Ahok vẫn tại vị cho đến tháng 10.

Nổi tiếng là ăn nói thẳng thắn, hồi tháng 9/2016 ông Ahok tuyên bố việc một số lý thuyết gia Hồi giáo đã sai lầm khi diễn dịch một đoạn của kinh Coran, theo đó người đạo Hồi chỉ có thể bầu lên một lãnh đạo Hồi giáo. Phát biểu này đã bị phe Hồi giáo cực đoan khai thác với mục đích chính trị.

Dưới áp lực của nhiều cuộc biểu tình quy mô, cuối năm 2016 vị thống đốc bị cáo buộc tội báng bổ đạo Hồi, một tội danh có khung hình phạt 5 năm tù. Đang chiếm ưu thế trong các cuộc thăm dò, ông Ahok rốt cuộc bị một cựu bộ trưởng Giáo Dục theo đạo Hồi đánh bại. Chức vụ thống đốc thủ đô 10 triệu dân vẫn được coi là nấc thang để giành chức tổng thống năm 2019.

Vụ này cho thấy ảnh hưởng đang lên của phe bảo thủ Hồi giáo tại đất nước 255 triệu dân, đa số theo đạo Hồi ôn hòa. Một nhà nghiên cứu của Human Rights Watch nhận định, đây là giai đoạn quan trọng trong tiến trình đi xuống của tự do tín ngưỡng ở Indonesia.

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 698 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)