Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

13/05/2021

Điểm báo Pháp : Nhật ngược dòng chống chọi với Covid

RFI tiếng Việt

Nhật ngược dòng chống chọi với Covid trước thềm Olympic Tokyo 2020

Hôm 12/05/2021, là ngày nghỉ lễ ở Pháp, nhiều nhật báo tạm nghỉ ra báo giấy. Những tờ báo chính tiếp tục phát hành chủ yếu tập trung vào chủ đề thời sự nóng ở vùng Cận Đông, nơi trong ba ngày qua xung đột giữa Israel-Palestin đang bùng lên dữ dội. Trong khi đó, nhật báo Libération dành hồ sơ chính cho Thế Vận Hội mùa hè Tokyo 2020, với hiểm họa đại dịch Covid-19.

nhat1

Quảng cáo Thế Vận Hội 2020 tại khu Shinjuku, Tokyo, Nhật Bản, chụp ngày 29/01/2021.  AP - Hiro Komae

Chỉ còn hai tháng nữa các cuộc thi tài ở Thế Vận Hội Mùa hè Tokyo sẽ bắt đầu. Trong lúc này, nước Nhật đang phải chật vật chống lại làn sóng dịch Covid thứ 4, ngày càng có nhiều tiếng nói ở trong nước đòi hủy sự kiện thể thao lớn nhất thế giới.

Để giúp độc giả hiểu tình hình khủng hoảng dịch đang diễn ra tại Nhật lúc này, nhật báo Pháp có bài :"Việc xử lý cuộc khủng hoảng theo kiểu thả nổi của Tokyo đã tạo ra làn sóng dịch". Tờ báo cho biết tại quần đảo Nhật Bản hiện nay, các biến thể virus Anh đang hoành hành dữ dội. Các biện pháp vệ sinh phòng dịch rất hạn chế và tiêm chủng chậm chạp đã khiến tình hình trở nên tồi tệ thêm. Con số người mắc Covid nặng cũng như số nhiễm mới hàng ngày liên tục đạt mức kỷ lục. Trong ngày thứ Ba (11/05), Nhật Bản ghi nhận 1177 ca bệnh phải hồi sức cấp cứu và 5000 ca nhiễm mới. Chính phủ của thủ tướng Yoshihide Suga thì có vẻ như vẫn do dự trù trừ, tạo cảm giác muốn ưu tiên cứu kinh tế và nhất là như muốn duy trì Thế Vận Hội mùa hè bằng mọi giá, trong khi mà không ai có thể dám chắc bao giờ làn sóng dịch thứ 4 mới kết thúc. 

Theo Libération, tất cả hy vọng đều hướng vào tiêm chủng. Nhưng lối thoát này của nước Nhật cũng lại bị bế tắc. Chiến dịch tiêm chủng bắt đầu ở Nhật từ ngày 17 tháng 2 dự trù cho 4,8 triệu nhân viên y tế. Kết quả, đến ngày 11/05 mới có 1,2 triệu người được tiêm đầy đủ. Đến nay, mới chỉ có hơn 1% trong tổng số 36,2 triệu người cần tiêm chủng được tiêm mũi đầu tiên, dù nước Nhật không thiếu vac-xin (đã nhập 30 triệu liều vac-xin Pfizer). Thủ tướng Nhật hứa sẽ đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, đạt một triệu liều tiêm mỗi ngày. Mục tiêu có thể đạt được, theo các chuyên gia y tế Nhật, nhưng với điều kiện ngăn chặn không để dịch bùng phát mạnh hơn.

Chính phủ Nhật trước sự lựa chọn lưỡng nan ?

Ngăn chặn làn sóng dịch thứ 4, duy trì tổ chức Thế Vận Hội mùa hè Tokyo, chính phủ Nhật đang dưới áp lực kép. Về chủ đề này Libération ghi nhận : "Thế Vận Hội đang gặp phải sự phản đối mạnh mẽ ở quần đảo, tranh luận về việc hủy sự kiện lại dấy lên rộng rãi trong dư luận". Nhất là trên chuyện huy động phương tiện y tế phòng dịch lớn cho các đoàn dự Olympic, trong khi nguồn lực chống dịch cho dân Nhật đang không đủ để chống đỡ được với làn sóng dịch mới.

Theo quan sát của nhật báo Pháp, chính quyền Nhật từ hơn một năm nay đã "thả nổi xử lý khủng hoảng", chạy theo sau virus, không mở rộng xét nghiệm, không khẩn trương triển khai tiêm chủng và không tăng cường hệ thống bệnh viện hay trợ giúp tài chính cần thiết cho y tế. Thế nhưng giờ đây chính phủ, Ủy ban tổ chức Tokyo 2020, Ủy ban Olympic Quốc tế vẫn cố gắng trấn an dân Nhật về một kỳ "Thế Vận Hội an toàn". Để làm được điều đó, chính phủ Nhật cam kết với CIO trưng dụng một phần bệnh viện và nhân viên tình nguyện, trong khi mà hàng chục nghìn bệnh nhân Covid được đề nghị nằm ở nhà, chờ các bệnh viện có giường. Tương tự với xét nghiệm, trong khi làm cho dân Nhật còn không đủ, thì chính phủ phải chuẩn bị mỗi ngày làm tới 30 nghìn xét nghiệm PCR cho 30 nghìn vận động viên và những người đi cùng. Nỗi thất vọng của dân Nhật lúc này có thể bùng lên thành phẫn nộ trong thời gian tới, khi họ thấy những người dự Thế Vận Hội được ưu tiên chăm sóc hơn người dân Nhật, theo một số nhà quan sát được Libération trích dẫn.

Vấn đề hủy Thế Vận Hội đã được nêu ra và đa số dân Nhật ủng hộ, trong khi chính phủ và Ủy Ban Olympic vẫn khẳng định chưa bao giờ vấn đề hủy Olympic Tokyo được đặt ra.

CIO muốn cứu phong trào Olympic

Nhân đề cập đến Olympic Tokyo 2020, Libération còn có bài chú ý tới vị chủ tịch Ủy Ban Olympic Quốc tế (CIO) với tựa đề : "Nỗi ám ảnh Olympic của Thomas Bach".

Tờ báo cho thấy, là người luôn quyết tâm duy trì Thế Vận Hội Tokyo, ông chủ tịch CIO liên tục đưa ra các tuyên bố khó hiểu về nguy cơ dịch bệnh khiến người dân nước chủ nhà không khỏi thất vọng. Đầu tháng Ba vừa qua, khi vừa tái đắc cử chủ tịch CIO, ông Thomas Bach tuyên bố : "Vấn đề không phải là xem liệu Thế Vận Hội có diễn ra không, mà là sẽ diễn ra thế nào". Từ đó đến nay, tình hình dịch bệnh đã diễn biến xấu đi đến mức Nhật phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở một phần đất nước. Nhưng điều đó cũng không làm ông chủ tịch CIO lo lắng.

Đến ngày 28/04, trong cuộc gặp Ủy ban tổ chức và chính quyền Nhật, ông chủ của phong trào Olympic thế giới vẫn ca ngợi : "Nhờ vào khả năng vượt qua nghịch cảnh của người dân Nhật mà Thế Vận Hội có thể diễn ra trong các hoàn cảnh khó khăn như thế này", bất chấp thực tế là 2/3 người Nhật đòi hủy hoặc hoãn sự kiện, trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng dậm chân tại chỗ, các bệnh viện đang quá tải. Các lãnh đạo của Ủy ban Olympic Quốc tế vẫn hô hào Thế Vận Hội Olympic và Paralympic Tokyo "sẽ phải là biểu tượng cho tinh thần lạc quan và hy vọng thế giới thoát ra khỏi đại dịch". Giờ đây trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của phong trào Olympic hiện đại, "ông Thomas Bach phải thuyết phục dân chúng Nhật Bản, hay chọn cách không lắng nghe họ", bài báo kết luận.

Xung đột Israel-Palestine leo thang nguy hiểm

Chuyển qua thời sự quốc tế nóng của các báo : Thùng thuốc súng Cận Đông đã được châm ngòi với cuộc giao tranh quân sự giữa Israel và lực lượng Hamas, Palestine.

Nhật báo Le Figaro chạy tựa trang nhất : "Israel và Hamas bên bờ cuộc chiến tranh toàn diện". Tờ báo cho biết từ vài ngày qua, "hàng nghìn quả rốc-két được bắn từ dải Gaza và hàng trăm đợt không kích của Israel vào phần đất của Palestine. Leo thang quân sự giữa phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine với Israel vẫn tiếp tục, chưa có dấu hiệu nào dừng lại". 

Libération với bài báo "Giữa Israel và Palestine, vũ lực không hồi kết" cho biết, từ thứ Hai tuần này, ít nhất đã có 56 người Palestine và 7 người Israel thiệt mạng vì các cuộc pháo kích và không kích của Hamas và Israel với cường độ cấp tập. Lãnh đạo hai bên liên tiếp tung ra các tuyên bố đầy hiếu chiến cho thấy dấu hiệu một cuộc chiến tranh mở có thể xảy ra. Trước lo ngại leo thang quân sự gia tăng, cộng đồng quốc tế bắt đầu tìm giải pháp cho cuộc xung đột. Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi "ngừng ngay lập tức" các hoạt động quân sự tại đất Israel cũng như tại Palestine. Hoa Kỳ hôm qua thông báo cử đặc sứ đến Cận Đông để khuyên can người Israel và Palestine "xuống thang". Một phái đoàn cấp cao Ai Cập cũng đã đến Gaza và Israel cố gắng làm trung gian hòa giải cho các bên tham chiến. Tuy nhiên theo nhận định của Libération, tiến trình thương lượng dự báo lâu và phức tạp, căn cứ theo không khí hừng hực trả thù nhau ở cả hai bên.

Nhật báo Le Monde trong bài phân tích có tựa đề "Bi kịch Israel-Palestine, bởi thế giới đã chọn làm ngơ", nhận định tình hình rối rắm đang diễn ra tại Cận Đông gợi nhắc đến một thực tế. Đó là "nhiều nước, đặc biệt là nước Mỹ của tổng thống Joe Biden, vì tính toán riêng hoặc quá mệt mỏi, đã coi thường xung đột Israel-Palestine" ; xem thường việc người Palesstine bị tước bỏ các quyền lợi chính trị, đất đai…, xem thường sự trỗi dậy của các phong trào Hồi giáo lấy cuộc đấu tranh của người Palestine làm công cụ phục vụ cho mục đích chính trị và tôn giáo của họ. Và cuối cùng là coi thường xu hướng cực hữu trỗi dậy trong chính trị Israel, khoét sâu thêm những hiềm khích của người Do Thái với người Ả Rập….

Khủng hoảng đại dịch : Lẽ ra thế giới đã có thể tránh được ?

Trở lại với chủ để khủng hoảng dịch Covid 19 toàn cầu. Nhật báo Le Monde cho biết, ngày hôm qua 10/05, một nhóm chuyên gia độc lập được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ủy quyền đã ra bản báo về tình xử lý khủng hoảng đại dịch virus corona trong hơn một năm qua.

Theo Le Monde, bản báo cáo của các chuyên gia thừa nhận thế giới thất bại trong ngăn chặn đại dịch, đồng thời kêu gọi có các biện pháp khẩn cấp để thoát khỏi khủng hoảng và đưa ra các khuyến nghị tổng thể để cải tổ lại cách vận hành của Tổ chức Y tế Thế giới. Bản báo cáo, sản phẩm của tháng làm việc của 13 chuyên gia, kêu gọi các nước giàu có phải đóng góp nhiều hơn để giúp các nước đang phát triển chống dịch bệnh, đặc biệt là giúp các nước nghèo được tiếp cận vac-xin, cách duy nhất để thoát ra khỏi đại dịch.

Về vận hành của WHO, các chuyên gia xác nhận là tổ chức này đã làm quá ít, và quá chậm. Ngày 30 tháng Giêng 2020, tổ chức này mới tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, trong khi dịch đã bùng lên tại Vũ Hán từ cuối tháng 12 năm trước. Chuyên gia soạn thảo báo cáo Ellen Johnson Sirleaf cho rằng, nếu như "biết rút kinh nghiệm từ quá khứ thì thế giới đã có thể tránh được hoàn cảnh như hiện nay. Đã có nhiều báo cáo về khủng hoảng y tế cùng với những khuyến cáo cụ thể. Nhưng các báo cáo vẫn được niêm phong hay nằm phủ bụi dưới các kho lưu trữ của Liên Hiệp Quốc, hay trên các kệ sách của các chính phủ".

Anh Vũ

Quay lại trang chủ
Read 538 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)