Trung Quốc điều tàu dân quân tới Đá Ba Đầu, Việt Nam lên tiếng
VOA, 14/05/2021
Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 13/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu lên quan điểm của Hà Nội trước việc Trung Quốc điều gần 300 chiếc tàu tới Đá Ba Đầu, quần đảo Trường Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Tàu Trung quốc, được tin là do dân quân biển Trung Quốc điều khiển, tại Đá Ba Đầu, Biển Đông, ngày 27/3/2021.Ảnh do Lực lượng Tuần duyên Philippines cung cấp. Philippine Coast Guard/National Task Force-West Philippine Sea/Handout via Reuters
Trả lời phóng viên báo Zing, bà Lê Thị Thu Hằng nói các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo dõi sát các diễn biến trên Biển Đông và bảo vệ, thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển Việt Nam phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.
"Việt Nam một lần nữa khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Là quốc gia ven biển và là thành viên của UNCLOS 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với công ước luật biển quốc tế 1982".
Bà nói Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Cả Việt Nam và Philippines đều tuyên bố chủ quyền tại Đá Ba Đầu.
Hôm thứ Tư 12/5, Manila cho biết các cuộc tuần tra do họ thực hiện đã phát hiện 287 chiếc tàu của lực lượng dân quân biển Trung Quốc trong và xung quanh vùng đặc quyền kinh tế Philippines.
Cố vấn An ninh Quốc gia Hermongenes Esperon Jr. cho biết một báo cáo về sự hiện diện của tàu Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa đã được đệ trình cho các cơ quan liên hệ để có hành động ngoại giao tiếp theo.
Hồi tháng 3 năm nay, Trung Quốc cũng đưa khoảng 200 tàu vào khu vực này khiến Manila liên tục gửi công hàm ngoại giao phản đối, nhưng Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu của Manila đòi họ rút tàu về, mà dường như còn chế nhạo Philippines, trang mạng Globalnation.inquirer cho biết.
Đài CNN hôm 13/5 dẫn lời các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đã thành lập một ‘lực lượng hải quân’ gồm hàng trăm tàu với hàng ngàn dân quân nằm dưới quyền kiểm soát của Bắc Kinh.
Trung Quốc không thừa nhận sự hiện diện của "lực lượng hải quân" này khi được chất vấn, nhưng các chuyên gia nói lực lượng dân quân biển là một phần không tách rời của các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền của họ trên Biển Đông và xa hơn nữa.
CNN dẫn lời các chuyên gia nói rằng lực lượng dân quân biển là do Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tài trợ và kiểm soát, lực lượng này có thẻ tập trung tức thời xung quanh các bãi cạn, đảo, đá đang trong vòng tranh chấp. Sự hiện diện của hàng trăm tàu gọi là ‘tàu cá’ đó trên thực tế là một lực lượng hùng hậu khó thách thức, mà lại không gây xung đột quân sự.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, trong phạm vi của đường chữ U, dứt khúc 9 đoạn do chính họ vạch ra, rồi thành lập thành phố Tam Sa để quản lý các đảo nhân tạo do họ xây dựng ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên Biển Đông. Động thái mới nhất của Trung Quốc, đưa tàu dân quân biển ồ ạt tới đá Ba Đầu cũng nằm trong chiến lược lâu dài của Bắc Kinh để khẳng định chủ quyền Biển Đông.
*****************
Manila lại tố cáo gần 300 tàu Trung Quốc hiện diện trong vùng đặc quyền Philippines
Trọng Nghĩa, RFI, 13/05/2021
Chính quyền Philippines vào hôm qua, 12/05/2021 một lần nữa lên tiếng tố cáo các hành vi "xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này" của 287 tàu dân quân biển Trung Quốc. Đây là một con số cao hơn nhiều so với số lượng gần 200 chiếc ghi nhận hồi tháng Ba ở khu vực Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.
Tuần duyên Philippines trên tàu BRP Cabra theo dõi các tàu Trung Quốc thả neo tại Bãi Sa Bin (Sabina Shoal), Biển Đông. Ảnh chụp ngày 27/04/2021. AFP – Handout
Theo hãng tin Anh Reuters, trong một bản thông cáo, Lực Lượng Đặc Nhiêm Biển Đông của Philippines cho biết : "Vụ việc này cùng với các hành vi tiếp tục xâm nhập trái phép của các tàu nước ngoài gần các đảo do Philippines quản lý đã được trình lên các cơ quan có liên quan để tiến hành các hành động ngoại giao cần thiết".
Trả lời hãng tin Mỹ Bloomberg, ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin xác nhận khả năng gởi một công hàm phản đối khác đến Bắc Kinh.
Trong những tuần lễ gần dây, bộ Ngoại Giao Philippines đã liên tục phản đối Trung Quốc về sự "hiện diện ồ ạt và mang tính chất đe dọa" của các tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và yêu cầu Bắc Kinh cho triệt thoái các tàu đó.
Trên hiện trường, Philippines đã tăng cường "các cuộc tuần tra bảo vệ chủ quyền" tại Biển Đông, trong một động thái thách thức Trung Quốc mà các nhà phân tích cho rằng đã thiếu vắng dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte bị một phần dư luận trong nước chỉ trích vì từ chối đối đầu với Bắc Kinh.
Vào tuần trước, ông Duterte lại khuấy động dư luận Philippines khi cho rằng phán quyết mang tính bước ngoặt năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, có lợi cho Philippines trong tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông, chỉ là một "mảnh giấy lộn" mà ông có thể ném vào sọt rác. Theo phán quyết này, các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên gần như toàn bộ Biển Đông không có cơ sở pháp lý.
Đối với nhà phân tích quốc phòng và an ninh Jose Antonio Custodio, bình luận của ông Duterte đã "xóa nhòa" giá trị giọng điệu cứng rắn hơn đang được giới lãnh đạo ngoại giao và quốc phòng Philippines thể hiện với Trung Quốc. Theo chuyên gia này, hiện tượng trống đánh xuôi kèn thổi ngược này chỉ có tác dụng "khuyến khích các hành động của Trung Quốc".
Theo các chuyên gia, đội tàu đánh cá và tuần duyên là thành tố trọng tâm trong việc thực hiện tham vọng chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông. Sự hiện diện thường xuyên của các đội tàu này cho pháp Bắc Kinh quấy nhiễu và cản trở các hoạt động đánh bắt cá và khai thác dầu khí ngoài khơi xa của các quốc gia ven biển khác.
Cho đến nay, các quan chức Trung Quốc luôn phủ nhận là đội tàu cá của họ là tàu dân quân biển.
Trọng Nghĩa
*************************
Việt Nam phản ứng trước tin gần 300 tàu "dân quân biển" của Trung Quốc trở lại Biển Đông
RFA, 13/05/2021
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát diễn biến trên biển Đông để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ngay cả vào khi có thông tin Trung Quốc đưa thêm gần 300 tàu cá đến đá Ba Đầu.
Tàu của Trung Quốc neo đậu tại đá Ba Đầu.
Bà Lê Thị Thu Hằng đã trả lời các phóng viên tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra vào chiều 13/5, khi được hỏi về quan điểm của Việt Nam về việc Trung Quốc đưa thêm gần 300 tàu đến đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa hôm 12/5.
Bà Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Đồng thời bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, là quốc gia ven biển, và là thành viên Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982), Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982.
Theo nguồn tin BenarNews thuộc Đài Á Châu Tự Do, nhóm đặc trách của chính phủ Philippines về Biển Đông đã phát hiện gần 300 tàu dân quân biển Trung Quốc đã trở lại vùng biển Manila vào hôm thứ Tư (12/5) trong bối cảnh căng thẳng song phương về sự hiện diện kéo dài của các tàu này trong vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Manila đã phản đối Bắc Kinh kể từ tháng trước sau khi Trung Quốc từ chối di chuyển hơn 200 tàu mà Philippines cho biết, đã được phát hiện trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này vào tháng 3.
Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Hermogenes Esperon Jr. cho biết trong cuộc tuần tra hàng hải mới nhất vào ngày 9/5/2021, Lực lượng Đặc nhiệm Khu vực Tây đã báo cáo sự hiện diện của tổng cộng 287 tàu của Dân quân Hàng hải Trung Quốc (CMM). Số này bố trí rải rác trên nhiều địa điểm khác nhau thuộc đơn vị hành chánh Kalayaan, cả trong và ngoài vùng EEZ của Philippines.
Trong ngày 13/5, tờ Philippine Daily Inquirer cũng đã thông tin về tàu dân quân biển Trung Quốc đã trở lại Biển Đông.
Mặc dù vậy, Trung Quốc chưa bao giờ thừa nhận sự hiện diện của đội tàu này khi bị chất vấn và chỉ gọi đó là "dân quân biển". Tuy nhiên, các chuyên gia Biển Đông cho rằng cái gọi là dân quân biển này thực chất là một phần không thể tách rời trong nỗ lực thực thi các yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Đá Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các nhà phân tích tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tại Singapore cho hay, họ chưa từng thấy một chiến dịch nào của Trung Quốc ở quy mô như vậy trước đây.