Tàu dân quân Trung Quốc vào vùng tập trận của Ấn Độ-ASEAN ở Biển Đông
Reuters, VOA, 09/05/2023
Các tàu của lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã tiếp cận một khu vực mà hải quân Ấn Độ và các nước ASEAN đang tập trận ở Biển Đông, hai nguồn tin Ấn Độ cho biết ngày 8/5.
Các tàu của lực lượng dân quân biển Trung Quốc ở Biển Đông.
Một chuyên gia độc lập tại Việt Nam cho rằng Bắc Kinh dường như đang sử dụng lực lượng dân quân để đe dọa và phá rối cuộc tập trận hải quân này.
Bắc Kinh không trả lời các câu hỏi của Reuters về vụ việc bị cáo buộc và động cơ.
Chính phủ Ấn Độ và Việt Nam từ chối bình luận.
Giai đoạn hai ngày trên biển của Cuộc tập trận hàng hải ASEAN-Ấn Độ (AIME 2023) bắt đầu hôm 7/5 với sự tham gia của các tàu hải quân và máy bay từ Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Brunei.
Các nguồn tin Ấn Độ cho biết họ đang ở trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì các tàu Trung Quốc di chuyển về phía họ. Tuy nhiên, các tàu dân quân và tàu hải quân đã vượt qua nhau mà không có bất kỳ sự đối đầu nào, họ nói.
Nhà chức trách Ấn Độ đang theo dõi hoạt động của ít nhất 5 tàu dân quân, theo các nguồn tin, những người không muốn tiết lộ danh tính vì họ không được phép nói chuyện với giới truyền thông.
Họ cho biết một tàu nghiên cứu của Trung Quốc cũng đang đi theo những chiếc tàu này tới cùng khu vực.
Ông Ray Powell, người đứng đầu Dự án Myoushu trên Biển Đông tại Đại học Stanford, cho biết những chiếc tàu này thuộc hạm đội dân quân Qiong Sansha Yu trong khu vực.
Lực lượng dân quân như vậy bao gồm các tàu đánh cá thương mại phối hợp với chính quyền Trung Quốc vì các mục tiêu chính trị ở Biển Đông. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc trong quá khứ đã bác bỏ sự tồn tại của bất kỳ lực lượng dân quân nào như vậy.
Bà Vân Phạm, quản lý của Sáng kiến Đại sử ký Biển Đông (SCSCI), một tổ chức phi lợi nhuận độc lập giám sát dữ liệu theo dõi tàu thuyền, cho biết đây không phải là lần đầu tiên "cái gọi là tàu cá" của Trung Quốc xuất hiện và đe dọa tàu chiến của các nước khác.
"Vì vậy, có khả năng cuộc tập trận đã bị gián đoạn mô hình đã bị phá vỡ và một số tàu phải thay đổi hướng đi", bà nói với Reuters.
Bà Phạm cho biết tàu nghiên cứu Trung Quốc Xiang Yang Hong 10 có lúc đã tiến gần đến một tàu chiến Việt Nam trong khoảng cách 10 dặm.
Đây là cuộc tập trận hàng hải ASEAN-Ấn Độ đầu tiên (AIME/2023) và được hải quân Ấn Độ và Singapore đồng tổ chức.
Một số nước láng giềng ven biển của Trung Quốc đã cáo buộc nước này sử dụng các tàu công vụ và dân quân để quấy rối và đe dọa các tàu đánh cá và tàu quân sự của họ ở Biển Đông.
Trung Quốc trong nhiều năm đã tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông và rất nhạy cảm với sự hiện diện của quân đội các nước khác trong khu vực.
Quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc cũng xuống dốc kể từ sau cuộc đụng độ giữa quân đội của họ ở dãy Himalaya vào năm 2020 khiến 24 binh sĩ thiệt mạng.
*************************
Tàu dân binh Trung Quốc cắt mặt tàu chiến Ấn Độ, Việt Nam, ASEAN diễn tập ở Biển Đông
Reuters, VOA, 09/05/2023
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Ba 9/5 bác bỏ những cáo buộc cho rằng các tàu thuyền thuộc lực lượng dân quân biển của Trung Quốc đã cố tình tiếp cận một khu vực trên Biển Đông nơi hải quân của Ấn Độ và các nước ASEAN đang diễn tập.
Một tàu, nghi là tàu dân binh của Trung Quốc, đi gần tàu tuần duyên Philippines ở Biển Đông, 21/4/2023.
Một chuyên gia độc lập tại Việt Nam cho rằng Bắc Kinh dường như sử dụng lực lượng dân binh để hăm dọa và phá rối cuộc diễn tập hải quân.
“Theo như chúng tôi hiểu, các tàu nghiên cứu khoa học và đánh cá của Trung Quốc thực hiện các hoạt động sản xuất và làm việc bình thường trong các vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời khi Reuters đề nghị đưa ra bình luận.
"Thế giới bên ngoài chớ có đưa ra những lời buộc tội vô căn cứ hoặc tự nhiên gây ra rắc rối", bộ này nói thêm.
Giai đoạn diễn tập trên biển kéo dài 2 ngày trong khuôn khổ Cuộc diễn trận hàng hải ASEAN-Ấn Độ (AIME 2023) bắt đầu hôm Chủ nhật 7/5 với sự tham gia của các tàu hải quân và máy bay của Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Brunei.
Các nguồn tin Ấn Độ cho biết họ đang ở trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khi các tàu Trung Quốc di chuyển về phía họ. Tuy nhiên, các tàu dân binh và các tàu hải quân đã cắt mặt nhau mà không có bất kỳ sự đối đầu nào, họ nói.
Các nhà chức trách Ấn Độ theo dõi được ít nhất 5 tàu dân binh di chuyển, theo các nguồn tin, họ không muốn tiết lộ danh tính vì họ không được phép phát ngôn với giới truyền thông.
Họ cho hay một tàu nghiên cứu của Trung Quốc cũng đã đi theo những tàu dân binh này tới cùng một khu vực.
Ray Powell, người đứng đầu Dự án Myoushu về Biển Đông tại Đại học Stanford, cho rằng những tàu đó thuộc hải đội dân binh Qiong Sansha Yu trong khu vực.
Lực lượng dân quân như vậy bao gồm các tàu đánh cá thương mại, họ phối hợp với chính quyền Trung Quốc vì các mục tiêu chính trị ở Biển Đông. Tuy nhiên, trong quá khứ, chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ chuyện có bất kỳ lực lượng dân binh nào như vậy từng tồn tại.
Vân Phạm, người quản lý Dự án Đại sự ký Biển Đông (SCSCI), một tổ chức phi lợi nhuận độc lập theo dõi dữ liệu về tàu thuyền di chuyển, nói rằng đây không phải là lần đầu tiên "cái gọi là tàu cá" của Trung Quốc xuất hiện và hăm dọa tàu chiến của các nước khác.
"Vì vậy, có khả năng là cuộc diễn tập đã bị gián đoạn... hình thái di chuyển đã bị phá vỡ và một số tàu phải thay đổi hướng đi của họ", bà nói với Reuters.
Bà Vân Phạm cho hay tàu nghiên cứu Xiang Yang Hong 10 của Trung Quốc đã tiến lại gần tàu chiến của Việt Nam tham gia diễn tập, có lúc chỉ cách khoảng 16 kilomet.
Đây là cuộc diễn tập hàng hải ASEAN-Ấn Độ đầu tiên (AIME-2023), do hải quân Ấn Độ và Singapore đồng đăng cai.
(Reuters)
Trung Quốc điều tàu dân quân tới Đá Ba Đầu, Việt Nam lên tiếng
VOA, 14/05/2021
Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 13/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu lên quan điểm của Hà Nội trước việc Trung Quốc điều gần 300 chiếc tàu tới Đá Ba Đầu, quần đảo Trường Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Tàu Trung quốc, được tin là do dân quân biển Trung Quốc điều khiển, tại Đá Ba Đầu, Biển Đông, ngày 27/3/2021.Ảnh do Lực lượng Tuần duyên Philippines cung cấp. Philippine Coast Guard/National Task Force-West Philippine Sea/Handout via Reuters
Trả lời phóng viên báo Zing, bà Lê Thị Thu Hằng nói các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo dõi sát các diễn biến trên Biển Đông và bảo vệ, thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển Việt Nam phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.
"Việt Nam một lần nữa khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Là quốc gia ven biển và là thành viên của UNCLOS 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với công ước luật biển quốc tế 1982".
Bà nói Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Cả Việt Nam và Philippines đều tuyên bố chủ quyền tại Đá Ba Đầu.
Hôm thứ Tư 12/5, Manila cho biết các cuộc tuần tra do họ thực hiện đã phát hiện 287 chiếc tàu của lực lượng dân quân biển Trung Quốc trong và xung quanh vùng đặc quyền kinh tế Philippines.
Cố vấn An ninh Quốc gia Hermongenes Esperon Jr. cho biết một báo cáo về sự hiện diện của tàu Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa đã được đệ trình cho các cơ quan liên hệ để có hành động ngoại giao tiếp theo.
Hồi tháng 3 năm nay, Trung Quốc cũng đưa khoảng 200 tàu vào khu vực này khiến Manila liên tục gửi công hàm ngoại giao phản đối, nhưng Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu của Manila đòi họ rút tàu về, mà dường như còn chế nhạo Philippines, trang mạng Globalnation.inquirer cho biết.
Đài CNN hôm 13/5 dẫn lời các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đã thành lập một ‘lực lượng hải quân’ gồm hàng trăm tàu với hàng ngàn dân quân nằm dưới quyền kiểm soát của Bắc Kinh.
Trung Quốc không thừa nhận sự hiện diện của "lực lượng hải quân" này khi được chất vấn, nhưng các chuyên gia nói lực lượng dân quân biển là một phần không tách rời của các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền của họ trên Biển Đông và xa hơn nữa.
CNN dẫn lời các chuyên gia nói rằng lực lượng dân quân biển là do Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tài trợ và kiểm soát, lực lượng này có thẻ tập trung tức thời xung quanh các bãi cạn, đảo, đá đang trong vòng tranh chấp. Sự hiện diện của hàng trăm tàu gọi là ‘tàu cá’ đó trên thực tế là một lực lượng hùng hậu khó thách thức, mà lại không gây xung đột quân sự.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, trong phạm vi của đường chữ U, dứt khúc 9 đoạn do chính họ vạch ra, rồi thành lập thành phố Tam Sa để quản lý các đảo nhân tạo do họ xây dựng ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên Biển Đông. Động thái mới nhất của Trung Quốc, đưa tàu dân quân biển ồ ạt tới đá Ba Đầu cũng nằm trong chiến lược lâu dài của Bắc Kinh để khẳng định chủ quyền Biển Đông.
Trọng Nghĩa, RFI, 13/05/2021
Chính quyền Philippines vào hôm qua, 12/05/2021 một lần nữa lên tiếng tố cáo các hành vi "xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này" của 287 tàu dân quân biển Trung Quốc. Đây là một con số cao hơn nhiều so với số lượng gần 200 chiếc ghi nhận hồi tháng Ba ở khu vực Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.
Tuần duyên Philippines trên tàu BRP Cabra theo dõi các tàu Trung Quốc thả neo tại Bãi Sa Bin (Sabina Shoal), Biển Đông. Ảnh chụp ngày 27/04/2021. AFP – Handout
Theo hãng tin Anh Reuters, trong một bản thông cáo, Lực Lượng Đặc Nhiêm Biển Đông của Philippines cho biết : "Vụ việc này cùng với các hành vi tiếp tục xâm nhập trái phép của các tàu nước ngoài gần các đảo do Philippines quản lý đã được trình lên các cơ quan có liên quan để tiến hành các hành động ngoại giao cần thiết".
Trả lời hãng tin Mỹ Bloomberg, ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin xác nhận khả năng gởi một công hàm phản đối khác đến Bắc Kinh.
Trong những tuần lễ gần dây, bộ Ngoại Giao Philippines đã liên tục phản đối Trung Quốc về sự "hiện diện ồ ạt và mang tính chất đe dọa" của các tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và yêu cầu Bắc Kinh cho triệt thoái các tàu đó.
Trên hiện trường, Philippines đã tăng cường "các cuộc tuần tra bảo vệ chủ quyền" tại Biển Đông, trong một động thái thách thức Trung Quốc mà các nhà phân tích cho rằng đã thiếu vắng dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte bị một phần dư luận trong nước chỉ trích vì từ chối đối đầu với Bắc Kinh.
Vào tuần trước, ông Duterte lại khuấy động dư luận Philippines khi cho rằng phán quyết mang tính bước ngoặt năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, có lợi cho Philippines trong tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông, chỉ là một "mảnh giấy lộn" mà ông có thể ném vào sọt rác. Theo phán quyết này, các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên gần như toàn bộ Biển Đông không có cơ sở pháp lý.
Đối với nhà phân tích quốc phòng và an ninh Jose Antonio Custodio, bình luận của ông Duterte đã "xóa nhòa" giá trị giọng điệu cứng rắn hơn đang được giới lãnh đạo ngoại giao và quốc phòng Philippines thể hiện với Trung Quốc. Theo chuyên gia này, hiện tượng trống đánh xuôi kèn thổi ngược này chỉ có tác dụng "khuyến khích các hành động của Trung Quốc".
Theo các chuyên gia, đội tàu đánh cá và tuần duyên là thành tố trọng tâm trong việc thực hiện tham vọng chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông. Sự hiện diện thường xuyên của các đội tàu này cho pháp Bắc Kinh quấy nhiễu và cản trở các hoạt động đánh bắt cá và khai thác dầu khí ngoài khơi xa của các quốc gia ven biển khác.
Cho đến nay, các quan chức Trung Quốc luôn phủ nhận là đội tàu cá của họ là tàu dân quân biển.
Trọng Nghĩa
*************************
Việt Nam phản ứng trước tin gần 300 tàu "dân quân biển" của Trung Quốc trở lại Biển Đông
RFA, 13/05/2021
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát diễn biến trên biển Đông để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ngay cả vào khi có thông tin Trung Quốc đưa thêm gần 300 tàu cá đến đá Ba Đầu.
Tàu của Trung Quốc neo đậu tại đá Ba Đầu.
Bà Lê Thị Thu Hằng đã trả lời các phóng viên tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra vào chiều 13/5, khi được hỏi về quan điểm của Việt Nam về việc Trung Quốc đưa thêm gần 300 tàu đến đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa hôm 12/5.
Bà Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Đồng thời bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, là quốc gia ven biển, và là thành viên Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982), Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982.
Theo nguồn tin BenarNews thuộc Đài Á Châu Tự Do, nhóm đặc trách của chính phủ Philippines về Biển Đông đã phát hiện gần 300 tàu dân quân biển Trung Quốc đã trở lại vùng biển Manila vào hôm thứ Tư (12/5) trong bối cảnh căng thẳng song phương về sự hiện diện kéo dài của các tàu này trong vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Manila đã phản đối Bắc Kinh kể từ tháng trước sau khi Trung Quốc từ chối di chuyển hơn 200 tàu mà Philippines cho biết, đã được phát hiện trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này vào tháng 3.
Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Hermogenes Esperon Jr. cho biết trong cuộc tuần tra hàng hải mới nhất vào ngày 9/5/2021, Lực lượng Đặc nhiệm Khu vực Tây đã báo cáo sự hiện diện của tổng cộng 287 tàu của Dân quân Hàng hải Trung Quốc (CMM). Số này bố trí rải rác trên nhiều địa điểm khác nhau thuộc đơn vị hành chánh Kalayaan, cả trong và ngoài vùng EEZ của Philippines.
Trong ngày 13/5, tờ Philippine Daily Inquirer cũng đã thông tin về tàu dân quân biển Trung Quốc đã trở lại Biển Đông.
Mặc dù vậy, Trung Quốc chưa bao giờ thừa nhận sự hiện diện của đội tàu này khi bị chất vấn và chỉ gọi đó là "dân quân biển". Tuy nhiên, các chuyên gia Biển Đông cho rằng cái gọi là dân quân biển này thực chất là một phần không thể tách rời trong nỗ lực thực thi các yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Đá Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các nhà phân tích tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tại Singapore cho hay, họ chưa từng thấy một chiến dịch nào của Trung Quốc ở quy mô như vậy trước đây.
Mỹ cảnh báo khả năng Trung Quốc lập thêm căn cứ quân sự ở nước ngoài (RFI, 03/05/2019)
Lầu Năm Góc Mỹ ngày hôm 02/05/2019 đã công bố báo cáo thường niên về năng lực quân sự của Trung Quốc. Bản báo cáo dài 136 trang ghi nhận là quân đội Trung Quốc ngày càng tăng cường sức mạnh nhằm "thách thức ưu thế quân sự của Mỹ". Một trong những nhận định đáng chú ý là việc Bắc Kinh "rất có thể" sẽ xây thêm nhiều căn cứ quân sự ở nước ngoài.
Khu trục hạm Quý Dương của Trung Quốc tại lễ kỷ niệm 70 ngày thành lập Hải Quân Trung Quốc, ngoài khơi Thanh Đảo, ngày 23/04/2019. Reuters/Jason Lee
Bản phúc trình gởi Quốc Hội Mỹ nêu rõ : "Giới lãnh đạo Trung Quốc đang sử dụng sức nặng kinh tế, ngoại giao và quân sự ngày càng tăng của nước họ để thiết lập quyền thống trị của họ trong khu vực (Châu Á) và mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ra thế giới".
Do đó, theo Lầu Năm Góc, các dự án của Trung Quốc ở nước ngoài như Con Đường Tơ Lụa Mới "có thể sẽ dẫn đến việc thiết lập các căn cứ quân sự tại nước ngoài để đáp ứng nhu cầu bảo vệ các dự án đó".
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, Trung Quốc hiện chỉ có một căn cứ quân sự nước ngoài đặt tại Djibouti, tuy nhiên Bắc Kinh sẽ tìm cách mở thêm nhiều căn cứ khác ở những nước thân cận, chẳng hạn như ở Pakistan, hay tại những quốc gia "có tiền lệ cho quân đội nước ngoài đồn trú".
Theo Lầu Năm Góc, các địa điểm tiềm năng trong kế hoạch đặt căn cứ quân sự của Trung Quốc ở nước ngoài có thể bao gồm khu vực Trung Đông, Đông Nam Á và tây Thái Bình Dương.
AFP cho biết là vào năm 2018, một quan chức bộ Quốc Phòng Afghanistan đã tiết lộ việc Bắc Kinh đàm phán với Kabul về khả năng cho Trung Quốc lập một căn cứ quân sự tại vùng đồi núi Wakhan miền tây bắc Afghanistan.
Một điểm đáng lưu ý khác trong báo cáo của Lầu Năm Góc là sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng Hải Quân Trung Quốc, đang có "tầm hoạt động càng lúc càng xa", với tàu sân bay thứ hai tự đóng sẽ đi vào hoạt động ngay từ cuối năm 2019 này.
Một điểm mới khác, theo Reuters, là báo cáo của Lầu Năm Góc năm nay đã nêu bật sự hiện diện của quân đội Trung Quốc tại Bắc Cực, trong đó có việc Trung Quốc "triển khai tàu ngầm tới khu vực để răn đe các cuộc tấn công hạt nhân".
Bộ Quốc Phòng Mỹ nhấn mạnh rằng Quân Đội Trung Quốc đã đặt việc hiện đại hóa lực lượng tàu ngầm lên thành ưu tiên. Hải Quân Trung Quốc hiện có 4 tàu ngầm nguyên tử có khả năng phóng tên lửa hành trình, 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân, và 50 tàu ngầm quy ước.
Còn theo CNN, báo cáo của Lầu Năm Góc cũng đưa ra lời cảnh báo về nguy cơ hoạt động gián điệp ngày càng tăng của Trung Quốc, nhằm đánh cắp công nghệ tiên tiến dùng vào mục tiêu quân sự của Bắc Kinh.
Mai Vân
*********************
Biển Đông : Mỹ nói sẽ có chiến lược mới để phản pháo lại Trung Quốc (BBC, 02/05/2019)
Hoa Kỳ sẽ công bố một chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mới trong tháng này nhằm chống lại nỗ lực của Trung Quốc muốn quân sự hóa Biển Đông.
Hải quân Hoàng gia Anh tham gia diễn tập cùng Hải quân Mỹ và Nhật Bản tháng 3/2019
Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục leo thang, và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách an ninh khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ đã phản ứng bằng thông điệp là một chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mới sẽ được khởi động vào tháng Năm.
Chiến lược mới được ông Randall Schriver công bố tại Kuala Lumpur, Malaysia vào tuần trước và khu vực này đã được xác định là "vùng ưu tiên" trong bối cảnh Hoa Kỳ tiếp tục tập trung sự quan tâm và hiện diện tại đây.
Quan hệ giữa hai nước có căng thẳng trong những tuần gần đây, sau khi hai tàu khu trục của hải quân Hoa Kỳ đi qua eo biển Đài Loan và có lời đe dọa của người đứng đầu hải quân Hoa Kỳ nhắm vào các tàu phi vũ trang của Trung Quốc.
Trong số bốn quốc gia được liệt kê là mối đe dọa trong Chiến lược Quốc phòng Hoa Kỳ năm 2018, hai quốc gia thuộc khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là Trung Quốc, nước đang gây ảnh hưởng mở rộng ở Thái Bình Dương và quân sự hóa các đảo và bãi cạn ở Biển Đông và Bắc Hàn do có chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Tuyên bố được đưa ra sau khi người đứng đầu Hải quân Hoa Kỳ đe dọa các tàu không có vũ trang của Trung Quốc hồi đầu tuần này để đáp trả các hành động gây hấn của hải quân Trung Quốc tại đây.
Quân đội Mỹ vào hôm 28/4 cho biết đã điều hai tàu chiến Hải quân qua eo biển Đài Loan trong bối cảnh Lầu Năm Góc tăng tần suất hoạt động qua tuyến đường thủy chiến lược này, bất chấp phản đối của Trung Quốc, theo Reuters.
Chuyến đi có nguy cơ làm gia tăng thêm căng thẳng với Trung Quốc trong bối cảnh xích mích ngày càng tăng giữa Đài Bắc và Bắc Kinh.
Đài Loan là một trong những điểm nóng trong mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, bao gồm cả chiến tranh thương mại, lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông, nơi Hoa Kỳ cũng tiến hành các hoạt động tự do tuần tra hàng hải.
Hai tàu khu trục được xác định là William P. Lawrence và Stethem. Eo biển Đài Loan rộng 180 km ngăn cách Đài Loan với Trung Quốc.
"Hai tàu chiến quá cảnh trên eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở hàng hải", ông Clay Doss, phát ngôn viên Hạm đội bảy của Hải quân Hoa Kỳ cho biết trong một thông cáo.
Ông Doss cho biết không có tương tác không an toàn hoặc không chuyên nghiệp với tàu của các quốc gia khác trong quá trình hai tàu chiến này di chuyển.
Bắc Kinh lo ngại rằng Đài Loan có thể sẽ làm tăng đáng kể ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm nay, sau phát biểu vào năm mới của Chủ tịch Tập Cận Bình, đe dọa tấn công Đài Loan nếu không chấp nhận sự cai trị của Trung Quốc.
Trung Quốc đã nhiều lần đưa máy bay và tàu quân sự đi vòng quanh Đài Loan trong các cuộc tập trận trong vài năm qua, nỗ lực để cô lập Đài Loan trên phạm vi quốc tế, và làm giảm số đồng minh còn lại của Đài Loan.
Vào tháng trước Hoa Kỳ dường như đã điều một hàng không mẫu hạm tới khu vực gần rặng san hô chiến lược, nơi đang có tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila.
Phía Mỹ không xác nhận nhưng cũng không bác bỏ tàu chiến hiện diện gần Bãi cạn Scarborough có phải là tàu USS Wasp hay không.
Trung Quốc trên thực tế đã chiếm quyền kiểm soát Bãi cạn Scarborough kể từ 2012 tới nay, sau khi cuộc đối đầu giữa các tàu của Philippines và Trung Quốc kết thúc.
Kể từ đó, Trung Quốc trên thực tế đã phong tỏa khu vực này, nơi vốn là ngư trường màu mỡ của ngư dân Philippines, và thường xuyên cho tàu cá cùng các tàu "cảnh sát biển" tới nơi.
Trong một nỗ lực nhằm kiềm chế thái độ của Trung Quốc tại đây, hồi tháng Giêng năm ngoái, hải quân Mỹ đã gửi một tàu khu trục tiến sát phạm vi 12 hải lý của bãi cạn này, nhằm thực thi quyền tự do đi lại ở Biển Đông.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền theo đường 9 đoạn ở Biển Đông
Ngoài Bãi cạn Scaborough, Manila còn đối đầu với Bắc Kinh về nhiều địa điểm khác trên Biển Đông.
*****************
Hoa Kỳ sắp công bố chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương mới trong tháng 5 (RFA, 01/05/2019)
Hoa Kỳ sẽ công bố chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương mới tại diễn đàn Shangri-la ở Singapore vào cuối tháng này, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách An ninh Ấn Độ Thái Bình Dương của Mỹ, Randall Schriver cho biết như vậy vào tuần trước tại Malaysia.
Hình minh họa. Tàu Hải quân Mỹ trong cuộc tập trận chung với Philippines ở San Antonio hôm 11/4/2019 -AFP
Diễn đàn Shangri-la được tổ chức hàng năm, quy tụ các lãnh đạo quốc phòng của nhiều quốc gia, để thảo luận các vấn đề liên quan đến an ninh.
Ông Shriver cho biết bài phát biểu của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan tại Singapore sẽ tập trung vào báo cáo Chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương và nói rõ hơn về chiến lược này của Mỹ.
"Chiến lược Quốc phòng Quốc gia và Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ đã xác định khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương là ưu tiên", ông Shriver cho biết. Ông Shriver cũng cho biết trong thời gian tới các nước sẽ thấy thêm sự hiện diện và nguồn lực của Mỹ ở trong khu vực nhưng không nói cụ thể sự hiện diện và nguồn lực của Mỹ là gì.
Đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho tàu chiến và máy bay đi qua khu vực Biển Đông theo chương trình tự do hàng hải mà Mỹ đã tiến hành từ năm 2015 trở lại đây.
Ông Schriver cũng cho biết chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương mà Mỹ thực hiện không nhằm vào bất cứ một quốc gia cụ thể nào, nhưng vẫn có một số nghi ngờ cho rằng các hành vi của Trung Quốc cho thấy những mục tiêu của nước này đi ngược lại các mục tiêu của chiến lược khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương mở của Mỹ.
Chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương lần đầu tiên được Tổng thống Donald Trump đưa ra tại Thượng đỉnh APEC tổ chức ở Việt Nam vào tháng 11/2017. Đây được coi là chiến lược mới của Mỹ thay thế chiến lược chuyển trục về Châu Á của Tổng thống Barack Obama trước đó nhằm đối phó với sự lớn mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
*******************
Biển Đông : Mỹ sẽ "mạnh tay" hơn với dân quân biển Trung Quốc (RFI, 29/04/2019)
Trước việc các lực lượng bán quân sự Trung Quốc như Hải Cảnh và tàu cá của dân quân biển càng lúc càng hung hăng trên Biển Đông, tư lệnh Hải quân Mỹ đô đốc John Richardson, đã cảnh cáo Bắc Kinh rằng Washington sẵn sàng áp dụng các quy tắc đối phó với Hải quân để đáp trả các hành vi khiêu khích của các lực lượng bán quân sự Trung Quốc. Theo nhật báo Anh Financial Times ngày 28/04/2019, ông Richardson đã chuyển thông điệp đó cho chính phó đô đốc Thẩm Kim Long, tư lệnh Hải quân Trung Quốc.
Khu trục hạm Mỹ USS Stethem được phái đi qua eo biển Đài Loan ngày 28/04/2019. Reuters
Trả lời phỏng vấn của tờ Financial Times, tư lệnh Hải quân Mỹ cho biết là nhân một cuộc tiếp xúc vào tháng Giêng, ông đã lưu ý đồng nhiệm Trung Quốc rằng nếu các tàu hải cảnh hay tàu cá Trung Quốc có những hành động hiếu chiến, Hoa Kỳ sẽ không xem đó là các lực lượng dân sự hay bán quân sự, mà sẽ đáp trả bằng các biện pháp dùng để đối phó với một lực lượng Hải quân thực thụ, vì các lực lượng này đã được Trung Quốc sử dụng làm công cụ quân sự.
Theo ghi nhận của Financial Times, trong thời gian qua, Bắc Kinh đã cho triển khai tại Biển Đông các lực lượng bán quân sự như hải cảnh, hay dân quân biển đội lốt tàu cá dân sự, để áp đặt quyền lực của Trung Quốc.
Trong một số sự cố liên quan đến Mỹ, Việt Nam và Philippines, Trung Quốc đã cho tàu cá của họ tấn công hay sách nhiễu tàu của đối phương, phong tỏa lối vào các đảo nhỏ, tiến hành chiếm giữ các rạn san hô và bãi cạn.
Tờ báo Anh ghi nhận rằng lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã được tăng cường kể từ năm 2015, khi Bắc Kinh cho đặt một bản doanh của thành phần này tại quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm đóng, nhưng hiện có Việt Nam và Đài Loan tuyên bố chủ quyền. Dân quân biển Trung Quốc được huấn luyện cùng với Hải quân và Hải Cảnh Trung Quốc.
Trong bản báo cáo mới nhất về Quân Đội Trung Quốc, Lầu Năm Góc cho biết đội dân quân biển này đóng vai trò chính trong các hoạt động cưỡng chế đối phương, cho phép Bắc Kinh "đạt được các mục tiêu chính trị mà không cần chiến đấu".
Theo nhật báo Anh, Trung Quốc ngày càng sử dụng lực lượng dân quân biển để tránh bị phản ứng quân sự từ phía Mỹ. Tuy nhiên, lời cảnh cáo vừa được tư lệnh Hải quân Mỹ đưa ra, đã làm tăng đáng kể nguy cơ đối với các tàu bán quân sự hay dân sự của Trung Quốc can dự vào các hành vi gây hấn.
Mỹ lại cho hai chiến hạm đi qua eo biển Đài Loan
Ngoài Biển Đông, Mỹ cũng tiếp tục tăng cường sức ép trên Trung Quốc trên vấn đề Đài Loan, bằng cách cho chiến hạm vượt eo biển Đài Loan.
Một thông cáo của Hạm Đội 7 của Mỹ cho biết là ngày 28/04/2019, hai khu trục hạm Mỹ đã băng qua eo biển Đài Loan nằm giữa Trung Hoa Đại Lục và đảo Đài Loan. Đó là hai chiếc USS William P. Lawrence và USS Stethem.
Một phát ngôn viên Hạm Đội 7 tuyên bố : "Việc các chiến hạm quá cảnh eo biển Đài Loan nhằm thể hiện cam kết của Mỹ đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở và tự do".
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, trong thời gian gần đây, Lầu Năm Góc đã tăng gia nhịp độ các chuyến tuần tra của Hải quân Mỹ qua eo biển Đài Loan, bất chấp phản đối của Trung Quốc.
Trọng Nghĩa
********************
Mỹ đối xử với tàu hải giám, dân quân biển Trung Quốc như tàu quân sự (Người Việt, 29/04/2019)
Tư lệnh lực lượng Mỹ khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cảnh cáo Bắc Kinh là sẽ đối phó với các tàu hải giám, tàu "dân quân biển" như tàu quân sự của Trung Quốc.
Mỹ đối xử với tàu hải giám, dân quân biển Trung Quốc, như tàu quân sự - Nguoi Viet Online
Đô đốc John Richardson được báo Anh Quốc Financial Times (FT) thuật lời như trên qua một cuộc phỏng vấn phổ biến trên mạng hôm Chủ nhật 28/04/2019.
Tư mấy năm qua, người ta đã thấy nhiều chuyên viên phân tích tình hình Biển Đông báo động về lực lượng bán quân sự quá đông đảo của Trung Quốc hoạt động ở khu vực. Bắc Kinh sử dụng lực lượng này để tránh cái tiếng sử dụng võ lực, áp đảo các nước nhỏ phía Nam trong cuộc tranh giành chủ quyền biển đảo cũng như nguồn lợi thủy sản.
Nhờ vậy, Bắc Kinh có thể tin rằng nó sẽ không dẫn đến chiến tranh toàn diện dù bị mang tiếng là hà hiếp, cậy đông cậy khỏe bắt nạt.
Trong cuộc phỏng vấn của báo Financial Times, Đô đốc Richardson nói rằng ông "xác định rõ rệt rằng Hải quân Hoa Kỳ sẽ không (thể) bị hiếp đáp và vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động thường lệ và hợp pháp trên thế giới".
Những điều ông Richardson nói với báo Financial Times là một trong những điểm nổi bật trong sự thay đổi chủ trương của Hoa Kỳ khi ông đến Trung Quốc gặp Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Phó Đô đốc Shen Jinlong (Thẩm Kim Long) hồi tháng Giêng vừa qua.
Lực lượng Hải giám, Hải cảnh của Trung Quốc gồm cả những tàu lớn như khu trục hạm của Mỹ với số lượng được ước tính khoảng 130 tàu lớn nhỏ, theo bản phúc trình hàng năm của Ngũ Giác Đài. Các đội tàu này đã gia tăng gấp đôi trong 9 năm qua, một số được đóng mới và một số là chiến hạm hải quân được tân trang và gỡ bỏ một ít loại võ khí không phù hợp cho tàu bán quân sự.
Lực lượng "dân quân biển" là các tàu đánh cá cỡ vừa và cỡ lớn là bao nhiêu tàu ? Không thấy có những con số chính xác nhưng con số cũng phải hàng ngàn tàu. Mỗi năm sau khi Bắc Kinh giải tỏa lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông vào mùa Hè cho đến đầu tháng Tám, hàng ngàn tàu đánh cá từ Hải Nam, Quảng Đông ùa xuống như lá tre.
Hồi tháng Ba vừa qua, Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) ở Hoa Thịnh Đốn cho hay, tại khu vực hai đảo nhân tạo Subi và Vành Khăn, thường trực có tới 300 chiếc tàu đánh cá cỡ lớn của Trung Quốc hiện diện tại mỗi đảo. Chúng là tàu đánh cá nhưng không thấy có vẻ gì đánh cá kiếm tiền. Hai đảo nhân tạo Subi và Vành Khăn có các cảng biển, phi đạo dài 3.000 mét đủ dài cho các phi cơ quân sự lớn nhất của Trung Quốc lên xuống. Trên hai đảo này còn có các đài radar, các giàn hỏa tiễn phòng không, hỏa tiễn chống tàu biển, hệ thống viễn thông vệ tinh.
Theo phúc trình của CSIS, các tàu "dân quan biển" của Trung Quốc che giấu sự hiện diện của chúng ở khu vực bằng cách chối bỏ sự nhận diện bằng Hệ Thống Nhận Dạng Tự Động – Automatic Identification Systems (AIS). Muốn tìm thấy chúng từ vệ tinh và radar, phải quét bằng kỹ thuật tia cực tím.
Hồi tháng Hai vừa qua, Trung Quốc đã cho hơn 200 chiếc tàu đánh cá "dân quân biển" có tàu Hải cảnh hộ tống tới ngăn chặn Philippines sửa chữa phi đạo trên đảo Pag-asa mà Việt Nam gọi là đảo Thị Tứ. (TN)
*********************
Tàu chiến Hoa Kỳ đi vào eo biển Đài Loan (RFA, 29/04/2019)
Sau Pháp, Hoa Kỳ tiếp tục cho tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan, thách thức Trung Quốc.
Hình minh họa. Máy bay trực thăng S-70 C bay trên tàu hộ vệ Lafayette trong một cuộc diễn tập ở Cao Hùng, Đài Loan hôm 27/1/2016 - AFP
Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm 29/4 cho biết hai tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ đã đi qua eo biển Đài Loan hôm Chủ nhật, ngày 28/4. Đây là lần thứ 7 tàu chiến Hoa Kỳ đi qua eo biển Đài Loan tính từ tháng 7 năm 2018 đến nay.
Thông báo của Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết hai tàu Mỹ đã vào eo biển Đài Loan từ hướng Tây Nam, và đi về hướng Bắc.
Bộ Quốc phòng Đài Loan gọi hành động này của của tàu chiến Mỹ là một phần trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, đồng thời cho biết thêm là Đài Loan theo dõi chặt chẽ các hoạt động và các thông tin liên quan.
Theo Reuters, hai tàu chiến Mỹ này là tàu USS William P. Lawrence và tàu USS Stethem.
Trước đó, hôm 6/4, tàu hộ vệ Vendemiaire của Pháp cũng đã đi eo biển Đài Loan, theo Reuters. Chính vì hành động này, mà Trung Quốc đã rút lời mời đại diện Pháp đến dự lễ kỷ niệm 70 năm Hải quân Trung Quốc hôm 23/4.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng đã chính thức lên tiếng phản đối Pháp và gọi hành động của Pháp là vi phạm vùng biển của Trung Quốc.
Hiện Trung Quốc vẫn chưa đưa ra phản ứng nào trước tin tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan.
Trung Quốc từ trước đến nay vẫn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và chỉ chờ ngày được thống nhất.