Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

03/05/2019

Trung Quốc lấn lướt trên Biển Đông : Mỹ đe dọa... sắp và sẽ có biện pháp

Tổng hợp

Mỹ cảnh báo khả năng Trung Quốc lập thêm căn cứ quân sự ở nước ngoài (RFI, 03/05/2019)

Lầu Năm Góc Mỹ ngày hôm 02/05/2019 đã công bố báo cáo thường niên về năng lực quân sự của Trung Quốc. Bản báo cáo dài 136 trang ghi nhận là quân đội Trung Quốc ngày càng tăng cường sức mạnh nhằm "thách thức ưu thế quân sự của Mỹ". Một trong những nhận định đáng chú ý là việc Bắc Kinh "rất có thể" sẽ xây thêm nhiều căn cứ quân sự ở nước ngoài.

my1

Khu trục hạm Quý Dương của Trung Quốc tại lễ kỷ niệm 70 ngày thành lập Hải Quân Trung Quốc, ngoài khơi Thanh Đảo, ngày 23/04/2019. Reuters/Jason Lee

Bản phúc trình gởi Quốc Hội Mỹ nêu rõ : "Giới lãnh đạo Trung Quốc đang sử dụng sức nặng kinh tế, ngoại giao và quân sự ngày càng tăng của nước họ để thiết lập quyền thống trị của họ trong khu vực (Châu Á) và mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ra thế giới".

Do đó, theo Lầu Năm Góc, các dự án của Trung Quốc ở nước ngoài như Con Đường Tơ Lụa Mới "có thể sẽ dẫn đến việc thiết lập các căn cứ quân sự tại nước ngoài để đáp ứng nhu cầu bảo vệ các dự án đó".

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, Trung Quốc hiện chỉ có một căn cứ quân sự nước ngoài đặt tại Djibouti, tuy nhiên Bắc Kinh sẽ tìm cách mở thêm nhiều căn cứ khác ở những nước thân cận, chẳng hạn như ở Pakistan, hay tại những quốc gia "có tiền lệ cho quân đội nước ngoài đồn trú".

Theo Lầu Năm Góc, các địa điểm tiềm năng trong kế hoạch đặt căn cứ quân sự của Trung Quốc ở nước ngoài có thể bao gồm khu vực Trung Đông, Đông Nam Á và tây Thái Bình Dương.

AFP cho biết là vào năm 2018, một quan chức bộ Quốc Phòng Afghanistan đã tiết lộ việc Bắc Kinh đàm phán với Kabul về khả năng cho Trung Quốc lập một căn cứ quân sự tại vùng đồi núi Wakhan miền tây bắc Afghanistan.

Một điểm đáng lưu ý khác trong báo cáo của Lầu Năm Góc là sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng Hải Quân Trung Quốc, đang có "tầm hoạt động càng lúc càng xa", với tàu sân bay thứ hai tự đóng sẽ đi vào hoạt động ngay từ cuối năm 2019 này.

Một điểm mới khác, theo Reuters, là báo cáo của Lầu Năm Góc năm nay đã nêu bật sự hiện diện của quân đội Trung Quốc tại Bắc Cực, trong đó có việc Trung Quốc "triển khai tàu ngầm tới khu vực để răn đe các cuộc tấn công hạt nhân".

Bộ Quốc Phòng Mỹ nhấn mạnh rằng Quân Đội Trung Quốc đã đặt việc hiện đại hóa lực lượng tàu ngầm lên thành ưu tiên. Hải Quân Trung Quốc hiện có 4 tàu ngầm nguyên tử có khả năng phóng tên lửa hành trình, 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân, và 50 tàu ngầm quy ước.

Còn theo CNN, báo cáo của Lầu Năm Góc cũng đưa ra lời cảnh báo về nguy cơ hoạt động gián điệp ngày càng tăng của Trung Quốc, nhằm đánh cắp công nghệ tiên tiến dùng vào mục tiêu quân sự của Bắc Kinh.

Mai Vân

*********************

Biển Đông : Mỹ nói sẽ có chiến lược mới để phản pháo lại Trung Quốc (BBC, 02/05/2019)

Hoa Kỳ sẽ công bố một chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mới trong tháng này nhằm chống lại nỗ lực của Trung Quốc muốn quân sự hóa Biển Đông.

tq1

Hải quân Hoàng gia Anh tham gia diễn tập cùng Hải quân Mỹ và Nhật Bản tháng 3/2019

Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục leo thang, và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách an ninh khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ đã phản ứng bằng thông điệp là một chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mới sẽ được khởi động vào tháng Năm.

Chiến lược mới được ông Randall Schriver công bố tại Kuala Lumpur, Malaysia vào tuần trước và khu vực này đã được xác định là "vùng ưu tiên" trong bối cảnh Hoa Kỳ tiếp tục tập trung sự quan tâm và hiện diện tại đây.

Quan hệ giữa hai nước có căng thẳng trong những tuần gần đây, sau khi hai tàu khu trục của hải quân Hoa Kỳ đi qua eo biển Đài Loan và có lời đe dọa của người đứng đầu hải quân Hoa Kỳ nhắm vào các tàu phi vũ trang của Trung Quốc.

Trong số bốn quốc gia được liệt kê là mối đe dọa trong Chiến lược Quốc phòng Hoa Kỳ năm 2018, hai quốc gia thuộc khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là Trung Quốc, nước đang gây ảnh hưởng mở rộng ở Thái Bình Dương và quân sự hóa các đảo và bãi cạn ở Biển Đông và Bắc Hàn do có chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Tuyên bố được đưa ra sau khi người đứng đầu Hải quân Hoa Kỳ đe dọa các tàu không có vũ trang của Trung Quốc hồi đầu tuần này để đáp trả các hành động gây hấn của hải quân Trung Quốc tại đây.

Quân đội Mỹ vào hôm 28/4 cho biết đã điều hai tàu chiến Hải quân qua eo biển Đài Loan trong bối cảnh Lầu Năm Góc tăng tần suất hoạt động qua tuyến đường thủy chiến lược này, bất chấp phản đối của Trung Quốc, theo Reuters.

Chuyến đi có nguy cơ làm gia tăng thêm căng thẳng với Trung Quốc trong bối cảnh xích mích ngày càng tăng giữa Đài Bắc và Bắc Kinh.

Đài Loan là một trong những điểm nóng trong mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, bao gồm cả chiến tranh thương mại, lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông, nơi Hoa Kỳ cũng tiến hành các hoạt động tự do tuần tra hàng hải.

Hai tàu khu trục được xác định là William P. Lawrence và Stethem. Eo biển Đài Loan rộng 180 km ngăn cách Đài Loan với Trung Quốc.

"Hai tàu chiến quá cảnh trên eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở hàng hải", ông Clay Doss, phát ngôn viên Hạm đội bảy của Hải quân Hoa Kỳ cho biết trong một thông cáo.

Ông Doss cho biết không có tương tác không an toàn hoặc không chuyên nghiệp với tàu của các quốc gia khác trong quá trình hai tàu chiến này di chuyển.

Bắc Kinh lo ngại rằng Đài Loan có thể sẽ làm tăng đáng kể ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm nay, sau phát biểu vào năm mới của Chủ tịch Tập Cận Bình, đe dọa tấn công Đài Loan nếu không chấp nhận sự cai trị của Trung Quốc.

Trung Quốc đã nhiều lần đưa máy bay và tàu quân sự đi vòng quanh Đài Loan trong các cuộc tập trận trong vài năm qua, nỗ lực để cô lập Đài Loan trên phạm vi quốc tế, và làm giảm số đồng minh còn lại của Đài Loan.

Vào tháng trước Hoa Kỳ dường như đã điều một hàng không mẫu hạm tới khu vực gần rặng san hô chiến lược, nơi đang có tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila.

Phía Mỹ không xác nhận nhưng cũng không bác bỏ tàu chiến hiện diện gần Bãi cạn Scarborough có phải là tàu USS Wasp hay không.

Trung Quốc trên thực tế đã chiếm quyền kiểm soát Bãi cạn Scarborough kể từ 2012 tới nay, sau khi cuộc đối đầu giữa các tàu của Philippines và Trung Quốc kết thúc.

Kể từ đó, Trung Quốc trên thực tế đã phong tỏa khu vực này, nơi vốn là ngư trường màu mỡ của ngư dân Philippines, và thường xuyên cho tàu cá cùng các tàu "cảnh sát biển" tới nơi.

Trong một nỗ lực nhằm kiềm chế thái độ của Trung Quốc tại đây, hồi tháng Giêng năm ngoái, hải quân Mỹ đã gửi một tàu khu trục tiến sát phạm vi 12 hải lý của bãi cạn này, nhằm thực thi quyền tự do đi lại ở Biển Đông.

tq2

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền theo đường 9 đoạn ở Biển Đông

Ngoài Bãi cạn Scaborough, Manila còn đối đầu với Bắc Kinh về nhiều địa điểm khác trên Biển Đông.

*****************

Hoa Kỳ sắp công bố chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương mới trong tháng 5 (RFA, 01/05/2019)

Hoa Kỳ sẽ công bố chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương mới tại diễn đàn Shangri-la ở Singapore vào cuối tháng này, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách An ninh Ấn Độ Thái Bình Dương của Mỹ, Randall Schriver cho biết như vậy vào tuần trước tại Malaysia.

hk1

Hình minh họa. Tàu Hải quân Mỹ trong cuộc tập trận chung với Philippines ở San Antonio hôm 11/4/2019 -AFP

Diễn đàn Shangri-la được tổ chức hàng năm, quy tụ các lãnh đạo quốc phòng của nhiều quốc gia, để thảo luận các vấn đề liên quan đến an ninh.

Ông Shriver cho biết bài phát biểu của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan tại Singapore sẽ tập trung vào báo cáo Chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương và nói rõ hơn về chiến lược này của Mỹ.

"Chiến lược Quốc phòng Quốc gia và Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ đã xác định khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương là ưu tiên", ông Shriver cho biết. Ông Shriver cũng cho biết trong thời gian tới các nước sẽ thấy thêm sự hiện diện và nguồn lực của Mỹ ở trong khu vực nhưng không nói cụ thể sự hiện diện và nguồn lực của Mỹ là gì.

Đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho tàu chiến và máy bay đi qua khu vực Biển Đông theo chương trình tự do hàng hải mà Mỹ đã tiến hành từ năm 2015 trở lại đây.

Ông Schriver cũng cho biết chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương mà Mỹ thực hiện không nhằm vào bất cứ một quốc gia cụ thể nào, nhưng vẫn có một số nghi ngờ cho rằng các hành vi của Trung Quốc cho thấy những mục tiêu của nước này đi ngược lại các mục tiêu của chiến lược khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương mở của Mỹ.

Chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương lần đầu tiên được Tổng thống Donald Trump đưa ra tại Thượng đỉnh APEC tổ chức ở Việt Nam vào tháng 11/2017. Đây được coi là chiến lược mới của Mỹ thay thế chiến lược chuyển trục về Châu Á của Tổng thống Barack Obama trước đó nhằm đối phó với sự lớn mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

*******************

Biển Đông : Mỹ sẽ "mạnh tay" hơn với dân quân biển Trung Quốc (RFI, 29/04/2019)

Trước việc các lực lượng bán quân sự Trung Quốc như Hải Cảnh và tàu cá của dân quân biển càng lúc càng hung hăng trên Biển Đông, tư lệnh Hải quân Mỹ đô đốc John Richardson, đã cảnh cáo Bắc Kinh rằng Washington sẵn sàng áp dụng các quy tắc đối phó với Hải quân để đáp trả các hành vi khiêu khích của các lực lượng bán quân sự Trung Quốc. Theo nhật báo Anh Financial Times ngày 28/04/2019, ông Richardson đã chuyển thông điệp đó cho chính phó đô đốc Thẩm Kim Long, tư lệnh Hải quân Trung Quốc.

tau1

Khu trục hạm Mỹ USS Stethem được phái đi qua eo biển Đài Loan ngày 28/04/2019. Reuters

Trả lời phỏng vấn của tờ Financial Times, tư lệnh Hải quân Mỹ cho biết là nhân một cuộc tiếp xúc vào tháng Giêng, ông đã lưu ý đồng nhiệm Trung Quốc rằng nếu các tàu hải cảnh hay tàu cá Trung Quốc có những hành động hiếu chiến, Hoa Kỳ sẽ không xem đó là các lực lượng dân sự hay bán quân sự, mà sẽ đáp trả bằng các biện pháp dùng để đối phó với một lực lượng Hải quân thực thụ, vì các lực lượng này đã được Trung Quốc sử dụng làm công cụ quân sự.

Theo ghi nhận của Financial Times, trong thời gian qua, Bắc Kinh đã cho triển khai tại Biển Đông các lực lượng bán quân sự như hải cảnh, hay dân quân biển đội lốt tàu cá dân sự, để áp đặt quyền lực của Trung Quốc.

Trong một số sự cố liên quan đến Mỹ, Việt Nam và Philippines, Trung Quốc đã cho tàu cá của họ tấn công hay sách nhiễu tàu của đối phương, phong tỏa lối vào các đảo nhỏ, tiến hành chiếm giữ các rạn san hô và bãi cạn.

Tờ báo Anh ghi nhận rằng lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã được tăng cường kể từ năm 2015, khi Bắc Kinh cho đặt một bản doanh của thành phần này tại quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm đóng, nhưng hiện có Việt Nam và Đài Loan tuyên bố chủ quyền. Dân quân biển Trung Quốc được huấn luyện cùng với Hải quân và Hải Cảnh Trung Quốc.

Trong bản báo cáo mới nhất về Quân Đội Trung Quốc, Lầu Năm Góc cho biết đội dân quân biển này đóng vai trò chính trong các hoạt động cưỡng chế đối phương, cho phép Bắc Kinh "đạt được các mục tiêu chính trị mà không cần chiến đấu".

Theo nhật báo Anh, Trung Quốc ngày càng sử dụng lực lượng dân quân biển để tránh bị phản ứng quân sự từ phía Mỹ. Tuy nhiên, lời cảnh cáo vừa được tư lệnh Hải quân Mỹ đưa ra, đã làm tăng đáng kể nguy cơ đối với các tàu bán quân sự hay dân sự của Trung Quốc can dự vào các hành vi gây hấn.

Mỹ lại cho hai chiến hạm đi qua eo biển Đài Loan

Ngoài Biển Đông, Mỹ cũng tiếp tục tăng cường sức ép trên Trung Quốc trên vấn đề Đài Loan, bằng cách cho chiến hạm vượt eo biển Đài Loan.

Một thông cáo của Hạm Đội 7 của Mỹ cho biết là ngày 28/04/2019, hai khu trục hạm Mỹ đã băng qua eo biển Đài Loan nằm giữa Trung Hoa Đại Lục và đảo Đài Loan. Đó là hai chiếc USS William P. Lawrence và USS Stethem.

Một phát ngôn viên Hạm Đội 7 tuyên bố : "Việc các chiến hạm quá cảnh eo biển Đài Loan nhằm thể hiện cam kết của Mỹ đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở và tự do".

Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, trong thời gian gần đây, Lầu Năm Góc đã tăng gia nhịp độ các chuyến tuần tra của Hải quân Mỹ qua eo biển Đài Loan, bất chấp phản đối của Trung Quốc.

Trọng Nghĩa

********************

Mỹ đối xử với tàu hải giám, dân quân biển Trung Quốc như tàu quân sự (Người Việt, 29/04/2019)

Tư lệnh lực lượng Mỹ khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cảnh cáo Bắc Kinh là sẽ đối phó với các tàu hải giám, tàu "dân quân biển" như tàu quân sự của Trung Quốc.

147489296

Mỹ đối xử với tàu hải giám, dân quân biển Trung Quốc, như tàu quân sự - Nguoi Viet Online

Đô đốc John Richardson được báo Anh Quốc Financial Times (FT) thuật lời như trên qua một cuộc phỏng vấn phổ biến trên mạng hôm Chủ nhật 28/04/2019.

Tư mấy năm qua, người ta đã thấy nhiều chuyên viên phân tích tình hình Biển Đông báo động về lực lượng bán quân sự quá đông đảo của Trung Quốc hoạt động ở khu vực. Bắc Kinh sử dụng lực lượng này để tránh cái tiếng sử dụng võ lực, áp đảo các nước nhỏ phía Nam trong cuộc tranh giành chủ quyền biển đảo cũng như nguồn lợi thủy sản.

Nhờ vậy, Bắc Kinh có thể tin rằng nó sẽ không dẫn đến chiến tranh toàn diện dù bị mang tiếng là hà hiếp, cậy đông cậy khỏe bắt nạt.

Trong cuộc phỏng vấn của báo Financial Times, Đô đốc Richardson nói rằng ông "xác định rõ rệt rằng Hải quân Hoa Kỳ sẽ không (thể) bị hiếp đáp và vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động thường lệ và hợp pháp trên thế giới".

Những điều ông Richardson nói với báo Financial Times là một trong những điểm nổi bật trong sự thay đổi chủ trương của Hoa Kỳ khi ông đến Trung Quốc gặp Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Phó Đô đốc Shen Jinlong (Thẩm Kim Long) hồi tháng Giêng vừa qua.

Lực lượng Hải giám, Hải cảnh của Trung Quốc gồm cả những tàu lớn như khu trục hạm của Mỹ với số lượng được ước tính khoảng 130 tàu lớn nhỏ, theo bản phúc trình hàng năm của Ngũ Giác Đài. Các đội tàu này đã gia tăng gấp đôi trong 9 năm qua, một số được đóng mới và một số là chiến hạm hải quân được tân trang và gỡ bỏ một ít loại võ khí không phù hợp cho tàu bán quân sự.

Lực lượng "dân quân biển" là các tàu đánh cá cỡ vừa và cỡ lớn là bao nhiêu tàu ? Không thấy có những con số chính xác nhưng con số cũng phải hàng ngàn tàu. Mỗi năm sau khi Bắc Kinh giải tỏa lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông vào mùa Hè cho đến đầu tháng Tám, hàng ngàn tàu đánh cá từ Hải Nam, Quảng Đông ùa xuống như lá tre.

Hồi tháng Ba vừa qua, Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) ở Hoa Thịnh Đốn cho hay, tại khu vực hai đảo nhân tạo Subi và Vành Khăn, thường trực có tới 300 chiếc tàu đánh cá cỡ lớn của Trung Quốc hiện diện tại mỗi đảo. Chúng là tàu đánh cá nhưng không thấy có vẻ gì đánh cá kiếm tiền. Hai đảo nhân tạo Subi và Vành Khăn có các cảng biển, phi đạo dài 3.000 mét đủ dài cho các phi cơ quân sự lớn nhất của Trung Quốc lên xuống. Trên hai đảo này còn có các đài radar, các giàn hỏa tiễn phòng không, hỏa tiễn chống tàu biển, hệ thống viễn thông vệ tinh.

Theo phúc trình của CSIS, các tàu "dân quan biển" của Trung Quốc che giấu sự hiện diện của chúng ở khu vực bằng cách chối bỏ sự nhận diện bằng Hệ Thống Nhận Dạng Tự Động – Automatic Identification Systems (AIS). Muốn tìm thấy chúng từ vệ tinh và radar, phải quét bằng kỹ thuật tia cực tím.

Hồi tháng Hai vừa qua, Trung Quốc đã cho hơn 200 chiếc tàu đánh cá "dân quân biển" có tàu Hải cảnh hộ tống tới ngăn chặn Philippines sửa chữa phi đạo trên đảo Pag-asa mà Việt Nam gọi là đảo Thị Tứ. (TN)

*********************

Tàu chiến Hoa Kỳ đi vào eo biển Đài Loan (RFA, 29/04/2019)

Sau Pháp, Hoa Kỳ tiếp tục cho tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan, thách thức Trung Quốc.

tau3

Hình minh họa. Máy bay trực thăng S-70 C bay trên tàu hộ vệ Lafayette trong một cuộc diễn tập ở Cao Hùng, Đài Loan hôm 27/1/2016 - AFP

Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm 29/4 cho biết hai tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ đã đi qua eo biển Đài Loan hôm Chủ nhật, ngày 28/4. Đây là lần thứ 7 tàu chiến Hoa Kỳ đi qua eo biển Đài Loan tính từ tháng 7 năm 2018 đến nay.

Thông báo của Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết hai tàu Mỹ đã vào eo biển Đài Loan từ hướng Tây Nam, và đi về hướng Bắc.

Bộ Quốc phòng Đài Loan gọi hành động này của của tàu chiến Mỹ là một phần trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, đồng thời cho biết thêm là Đài Loan theo dõi chặt chẽ các hoạt động và các thông tin liên quan.

Theo Reuters, hai tàu chiến Mỹ này là tàu USS William P. Lawrence và tàu USS Stethem.

Trước đó, hôm 6/4, tàu hộ vệ Vendemiaire của Pháp cũng đã đi eo biển Đài Loan, theo Reuters. Chính vì hành động này, mà Trung Quốc đã rút lời mời đại diện Pháp đến dự lễ kỷ niệm 70 năm Hải quân Trung Quốc hôm 23/4.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng đã chính thức lên tiếng phản đối Pháp và gọi hành động của Pháp là vi phạm vùng biển của Trung Quốc.

Hiện Trung Quốc vẫn chưa đưa ra phản ứng nào trước tin tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan.

Trung Quốc từ trước đến nay vẫn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và chỉ chờ ngày được thống nhất.

Quay lại trang chủ
Read 730 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)