Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

01/05/2019

Tập Cận Bình cai trị Tân Cương và đồng hóa đảng với đất nước

RFI tiếng Việt

Tân Cương : Trung Quốc phản đối sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc (RFI, 01/05/2019)

Trung Quốc, hôm 30/04/2019, đã bác bỏ những tuyên bố của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về tình trạng của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và coi đó là hành động can thiệp vào công việc nội bộ nước này

tancuong1

Công an kiểm tra giấy tùy thân của người dân trên một phố ở Kashgar, Tân Cương, Trung Quốc, ngày 24/03/2017 - Reuters/Thomas Peter/File Photo

Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tường thuật từ Bắc Kinh :

Cuộc đọ sức giữa Bắc Kinh và Liên Hiệp Quốc vẫn tiếp tục. Đối với phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, nhân quyền chỉ là "một cái cớ" để can thiệp vào công việc nội bộ Trung Quốc.

Lập luận này được các lãnh đạo Trung Quốc thường xuyên sử dụng khi tình trạng của gần 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam cầm, theo Liên Hiệp Quốc , trong các trại cải tạo được nhắc đến. Bắc Kinh luôn khẳng định đấy là những trung tâm dạy nghề nhằm chống lại xu hướng cực đoan hóa và khủng bố.

Hiện diện ở Bắc Kinh vào cuối tuần vừa qua nhân thượng đỉnh về Con Đường Tơ Lụa, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã tránh nêu vấn đề một cách công khai. Theo người phát ngôn của ông, Stéphane Dujarric, thì tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã đề cập đến hồ sơ này khi nói chuyện riêng với lãnh đạo Trung Quốc.

Trong buổi gặp, ông Guterres đã nói : Nhân quyền phải được hoàn toàn tôn trọng trong khuôn khổ các chính sách chống khủng bố và ngăn chặn thái độ cực đoan và bạo lực. Ông còn nói thêm, mỗi cộng đồng phải cảm nhận được là bản sắc của họ được tôn trọng.

Những lời lẽ này rõ ràng đã làm Trung Quốc không hài lòng. Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, bà Michelle Bachelet, vẫn đang đợi được Bắc Kinh cho phép đến Tân Cương.

Trung Quốc đã tổ chức cho các nhà ngoại giao từ các quốc gia Hồi giáo và vùng Balkan đến thăm vùng Tân Cương, riêng Châu Âu vẫn đang chờ đèn xanh.

Các nước Liên Hiệp Châu Âu đã yêu cầu cho đại diện 28 quốc gia cùng đi, trong đó có cả Thụy Điển, nước đã đề nghị tạo điều kiện dễ dàng cho việc cấp giấy cư trú cho người Duy Ngô Nhĩ.

Mai Vân

*****************

Tập Cận Bình kêu gọi giới trẻ ''yêu Đảng'' (RFI, 30/04/2019)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 30/04/2019 cổ vũ giới trẻ trung thành với Đảng cộng sản, trong bài diễn văn kỷ niệm 100 năm "Phong trào Ngũ Tứ" - cuộc biểu tình sinh viên đã đi vào lịch sử đất nước.

tcb1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bắc Kinh, 26/04/2019. FRED DUFOUR / AFP

Trong khung cảnh trang trọng của Đại sảnh đường Nhân Dân nhìn ra Thiên An Môn, trước cử tọa gồm hàng ngàn thanh niên, binh lính, công nhân và đảng viên, ông Tập tuyên bố : "Tại Trung Quốc ngày nay, lòng ái quốc chính là hợp nhất tình yêu đất nước với tình yêu đảng và chủ nghĩa xã hội".

Chủ tịch Trung Quốc khẳng định : "Trong kỷ nguyên mới, thanh niên Trung Quốc phải lắng nghe những lời của Đảng và bước theo bước đi của Đảng". Lời khuyến dụ này nằm trong chủ trương "Một kỷ nguyên mới của chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Hoa" được Tập Cận Bình vạch ra trong Đại hội Đảng 19, nhằm định hướng cho Trung Quốc đến năm 2050.

Cách đây đúng 100 năm, ngày 4 tháng Năm năm 1919, đã khởi phát "Phong trào Ngũ Tứ" hay "Ngũ Tứ vận động". Khoảng 3.000 sinh viên trường đại học Bắc Kinh tuần hành về phía quảng trường Thiên An Môn, phản đối các cường quốc thắng trận trong Đệ nhất Thế chiến ký Hiệp ước Versailles, chuyển giao tỉnh Sơn Đông từ tay Đức sang cho Nhật quản lý.

Bảy mươi năm sau, các sinh viên phản kháng năm 1989 đã vinh danh thế hệ đàn anh cũng tại quảng trường Thiên An Môn, đòi dân chủ và phản đối tham nhũng. Mỉa mai thay là các cuộc biểu tình này đã bị đàn áp đẫm máu, và đến 30 năm sau vẫn là chủ đề cấm kỵ tại Trung Quốc. Ngày 4 tháng Sáu sắp tới là thời điểm vô cùng nhạy cảm : kỷ niệm 30 năm vụ thảm sát Thiên An Môn.

Thụy My

***********************

"Vành đai và Con đường" : Trung Quốc muốn xuất khẩu mô hình mới lãnh đạo thế giới (RFI, 29/04/2019)

Ngày thứ Bảy, 27/04/2019, diễn đàn "Con đường Tơ Lụa Mới" lần thứ 2 kết thúc. 37 quốc gia tham gia sự kiện năm nay, nhưng nhiều cường quốc phương Tây vắng mặt.

tcb2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nâng cốc chúc sức khỏe các đại diện tham dự diễn đàn Vành đai Con đường, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 26/04/2019 - Nicolas Asfour/Pool via Reuters

Nếu như diễn đàn là cơ hội để Bắc Kinh phát triển các thế mạnh về kinh tế và công nghệ với việc ký kết nhiều thỏa thuận đầu tư trị giá hàng chục tỷ đô la, thì theo giới chuyên gia, đây còn là một cơ hội để Trung Quốc khẳng định vai trò và tham vọng "xuất khẩu mô hình quản lý thế giới" mới.

Con đường Tơ Lụa Mới hay là "chiếc bẫy nợ Trung Quốc", trước những lời chỉ trích của nhiều quốc gia, diễn đàn Con đường Tơ Lụa mới năm nay mang hơi hướng của một cuộc chiến truyền thông. Trung Quốc tìm cách điều chỉnh lại công tác truyền thông, không còn nói về OBOR (One Belt, One Road – Một Vành đai, Một con đường) nữa mà đã trở thành BAR (Belt and Road – Vành đai và Con đường).

Trong bài diễn văn bế mạc diễn đàn, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi một sự minh bạch, "bền vững", "xanh" hơn và nhất là không dung thứ cho tham nhũng trong các dự án. Nhưng điểm chú ý đối với giới quan sát chính là việc rút ngắn tên gọi dự án Con đường Tơ lụa mới này, được đưa ra vào năm 2013 để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên bộ và hàng hải trị giá hơn 1.000 tỷ đô la đi từ Châu Á sang Châu Âu, qua cả Châu Phi.

Theo nhận định của bà Alice Ekman trên đài RFI, dưới chiếc nhãn ""Belt and Road", các tham vọng của Trung Quốc giờ đã vượt quá khuôn khổ của các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng (cầu đường, cảng biển, cáp quang ngầm, công nghệ…). Bài diễn văn của ông Tập Cận Bình cho thấy rõ Bắc Kinh tìm cách phát triển điều mà ông gọi là "một hình thức quan hệ quốc tế mới".

Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 628 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)